Hôm nay,  

Đếm Những Hồng Ân

26/07/201200:00:00(Xem: 252102)
Bài viết sau đây của Phương Dung kể chuyện Viết Về Nước Mỹ 2011, đã phổ biến trên báo in, nhưng vì sơ xuất kỹ thuật, bị “thất tung” trên Việt Báo Online. Sắp tới họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, xin mời cùng đọc lại.

* * *

Tháng 10. Khí hậu Florida đã hết oi ả. Sáng sớm, thảm cỏ xanh và bụi Lavender tím lung linh trong nắng nhạt. Hàng phong trong khu rừng giáp mảnh vườn con lác đác vài chiếc lá vàng cam. Gió thổi hiu hiu, nhẹ lay cành Cape Myrtle còn vương vài chùm hoa cuối độ màu hồng thắm. Những cánh hoa xoăn xoăn mong manh rùng mình theo làn gió thoảng rồi lất phất rơi như mưa bụi xuống khoảng sân sau nhà… Từ khung cửa sổ mở rộng của phòng làm việc, tôi ngắm mùa thu đang rón rén trở về. Thỉnh thoảng bắt gặp vài chú nai từ trong cánh rừng chui ra ngoài ăn lộc non rồi ngơ ngác ngẩng nhìn cô cún Fluffy từ trong nhà chạy ra sủa vu vơ, tôi ngỡ mình nghe được cả “tiếng thu”.

Thu về mang theo sự dịu dàng, êm ả của đất trời.Thu cũng đem niềm nôn nao nhẹ nhàng cho những lễ hội cuối năm đang dần đến.Tôi rất yêu cái không khí cuối năm, bắt đầu từ mùa thu, như đã có lần nói trong một bài viết.Tôi yêu những buổi sinh hoạt cộng đồng, những cuộc họp mặt gia đình bạn hữu, những bữa ăn thân mật làm cho lòng ấm áp, bình an.Đây là thời gian dành cho tình yêu thương và lòng tử tế.Thời gian để dừng lại và nhìn lại, đếm và san sẻ những hồng ân.

Tôi muốn dùng thời gian đặc biệt này để nghĩ về cái duyên của tôi với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.“Duyên”, là vì tôi khởi đầu viết sau một biến cố định mệnh và đến với giải thưởng do một sự tình cờ.Sau năm năm gắn bó, tôi đã dệt được những tình thân mới, nối lại những liên hệ cũ, và nhận được nhiều điều may mắn, tốt lành. Tất cả là những Hồng Ân mà tôi đếm hoài trong trân trọng.

Mười tuổi, tôi trốn chạy khỏi Việt Nam không mang theo gì ngoài ký ức tuổi thơ và ngôn ngữ Mẹ dạy từ khi chào đời.Nơi đất nước mới, ký ức tuổi thơ mờ nhạt theo năm tháng, ngôn ngữ của Mẹ cũng mai một dần. Cho đến một ngày, Mẹ tôi đột ngột qua đời và những kỷ niệm từ thưở bé thơ với Mẹ chợt ùa về. Trong hụt hẫng mất mát, tôi khởi đầu tự truyện về Mẹ và ngạc nhiên nhận ra mình viết dễ dàng, có lẽ vì chữ nghĩa chạy thẳng đến bàn phím từ trái tim. Tìm được cách giải tỏa phiền muộn, tôi hăng hái viết tiếp, xoay quanh những đề tài về gia đình và xã hội. Những bài này tôi viết khó khăn hơn và phải tra tự điển Anh-Việt để tìm đúng từ. Sau mấy tháng miệt mài, tôi nghiệm ra nếu chịu khó viết thường xuyên, ý tưởng và chữ nghĩa có vẻ thông suốt và trôi chảy hơn.
phuong_dung-nttaya
Ảnh, từ trái: Nguyễn Trần Phương Dung và Linh mục Nguyễn Trung Tây, hai tác giả giải chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011 và 2010. Trong họp mặt vui, giải thưởng chính thường được gọi đùa là giải “hoa hậu”. Theo “lệ làng”, nhị vị hoa hậu sẽ bàn giao giải thưởng, nhưng vì Linh Mục Nguyễn Trung Tây bận với nhiệm sở vùng sa mạc Úc Châu, mãi tới xuân Nhâm Thìn mới được nghỉ phép về California thăm nhà, nên “nhị vị hoa hậu” mới có dịp gặp nhau.
Viết, nhưng tôi không chia sẻ với ai ngoài ông xã và vài người bạn thân. Chàng là độc giả lâu năm của Việt Báo, gợi ý bảo tôi gửi bài tham dự giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Tôi thỉnh thoảng cũng vào đọc ké, nhưng không mấy tin ở sức mình. Tình cờ tôi đọc bài “Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ” của Cụ Bà Trùng Quang và cảm phục vị tác giả suốt một đời dấn thân cho văn học và xã hội, hơn 90 tuổi vẫn không ngừng sáng tác thơ, văn. Để hưởng ứng lời mời “cùng đọc, cùng viết” của Cụ Bà, tôi gửi bài “Đi Hoang” về Việt Báo và may mắn được đăng.

Điều tôi không ngờ là người quyết định số phận và viết lời giới thiệu cho bài lại là thi sĩ của “Khi yêu ai (em) tay cũng mở nhưng lòng” mà tôi yêu thích từ khi… chưa biết yêu. Tôi cũng không ngờ một trong những giám khảo là văn sĩ của “Mưa Trên Cây Sầu Đông”, cuốn truyện tiếng Việt đầu tiên tôi đọc năm mười ba tuổi để rồi từ đó say mê văn chương Việt. Ngoài ông xã là người luôn nhắc tôi nói tiếng Việt và làm cò sửa lỗi chính tả, cô chú Từ- Nhã là hai người ảnh hưởng đến chuyện viết lách của tôi nhiều nhất. Những khích lệ của chú sau mỗi lần tôi gửi bài về và những nhắc nhở của cô khi tôi ngừng viết quá lâu, là động cơ thúc đẩy tôi cố gắng tiến về phía trước.

Nhưng viết nhiều không có nghĩa là viết hay, đương nhiên. Đề tài viết, cách viết, là hai trong nhiều thử thách. Trước khi có mục ý kiến bạn đọc, những góp ý từ các bạn viết giúp cho tôi nhìn lại những khiếm khuyết của mình.

Chị Thanh Mai mấy lần nói, “Bài của em thường làm cho chị suy tư. Lúc chưa biết em, chị nghĩ chắc em có vấn đề nên văn mới bức xúc như vậy.” Anh Nguyễn Duy-An cũng email, “Phương Dung còn trẻ nhưng văn già dặn, nếu chỉ đọc chứ không biết người, có lẽ có người sẽ đoán tác giả là một học giả ở tuổi trung niên trở lên…” Nhỏ Thụy Nhã thì vòng vo, “Những đề tài chị viết có vẻ… inspirational, sao chị không viết sống thực hơn?” 

Về cách viết, khi nhắc đến bài “Thăm Trại Tù San Quentin”, cô Nhã Ca khuyên, “Viết văn khác làm phóng sự, đừng quá chú trọng sự kiện, nặng nề quá.” Cô Iris Đinh thẳng thừng hơn, “Quản Trị Thành Tích Thời Suy Thoái” viết ẩu tả không có hồn. “Nước Mắt Chảy Xuôi” dễ thương nhưng không hay. “Hoa Xuân Nở Muộn” sâu sắc hơn trong cách suy nghĩ.”

Khi bài “Thế Hệ Gạch Nối” lên khuôn, cô Thịnh Hương gửi một câu ý nhị giúp tôi nhận ra sự thiếu tế nhị của mình. Cô nói, “Cô thích bài này của Phương Dung lắm, nhưng sao không thấy đoạn nào nói về chồng con?”

Thỉnh thoảng tôi cũng được… ăn bánh vẽ. Nhà văn mục sư Trần Nguyên Đán sau khi đọc bài “Tinh Thần Lễ Hội” khuyến khích mầm non rằng, “có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp trong tương lai, nếu viết đều tay.” Tương lai mù mịt không biết khi nào mới tới, vậy mà khi đưa bài “Cảm Ơn Em, Cảm Ơn Peace Corps” lên trang Quán Nước Đầu Làng, nhà văn linh mục Nguyễn Trung Tây ngang nhiên phong chức cho tôi trong lời giới thiệu quá rộng lượng làm tôi đỏ mặt xấu hổ và ông xã được dịp bò lăn ra cười. Ông mục sư cũng không tha, gửi email để chữ “nhà văn” trong ngoặc kép trước tên tôi để ngạo.

Tất cả là những kỷ niệm dễ thương làm ấm lòng tôi mỗi khi nhớ lại. Tôi đón nhận những phê bình góp ý, những chọc ghẹo nửa đùa nửa thật với lòng biết ơn vì tôi hiểu mọi người có thương, có quan tâm, mới nói tới. Định mệnh bắt tôi xa Mẹ rồi lại dun dũi cho tôi đến với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và quen được những người bạn (vong niên) quí mến. Âu cũng là duyên số!

Giữa tháng Năm 2011, chị Hòa Bình cho biết họp mặt giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười một sẽ được tổ chức vào cuối tháng bảy. Tôi đọc email mà lòng héo hắt. Gia đình tôi đang dự định thay đổi chỗ ở, nhà treo bảng bán đáng lẽ đóng hồ sơ từ hôm Tết tây nhưng trục trặc mãi không xong. Công ty tôi làm việc lại vừa ra thông báo cắt giảm ngân sách, sa thải nhân viên và duyệt xét lại chiến lược tối ưu. Chuyện công chuyện tư bận bịu vướng víu như cuộn chỉ rối, không làm sao mà bỏ đi chơi được. Tôi buồn bã gửi lời nhắn riêng cho chị Hòa Bình trên trang Facebook:

“Tụi em sẽ cố gắng nhưng chắc là khó về.”

Qua tháng Sáu vẫn không thấy chút ánh sáng cuối đường hầm. Một buổi chiều đang vò đầu bức tai thì điện thoại reng, giọng cô Iris cười rôm rả: “Cô sắp được khao ăn.”

“Ôi, đời sao bất công. Có người làm việc đầu tắt mặt tối. Có người đi chơi, ăn nhậu suốt.”

“Ha ha… người ta khổ mấy năm nay rồi, bây giờ học xong phải cho suớng chút chứ. Đừng than nữa, báo tin vui nè: “Thế Hệ Gạch Nối” lọt vào chung kết năm nay, chuẩn bị khao là vừa.”

Thì ra Việt Báo đã ra thông báo kết quả sơ khởi giải thưởng năm 2011 mà tôi không biết. Tôi buồn buồn, chẳng biết có về được hay không, hôm đó được giải gì nhờ cô Iris lãnh hộ. Ê, đừng có giỡn mặt, giải thưởng của ai thì người đó lên mà nhận. Florida – California có bao xa, không về là bị giận đó nha.

Vào diễn đàn Việt Bút, thấy nhiều lời “ủng hộ gà nhà” từ cô Thịnh Hương, cô Mão Nguyễn, chú Nguyễn Hữu Thời, chú Yên Sơn, chị Thanh Mai, cô Bảo Trân, anh Nguyễn Thơ Sinh, anh Cao Minh Hưng, chị Như Ý… Mọi người xôn xao với những buổi họp mặt bên lề: nào nhạc thính phòng Lạc Cầm, nào chợ đêm Bolsa, nào café chú Ngố…

Tôi tiếp tục chờ đợi phép màu. Qua thêm hai tuần, cặp vợ chồng Mỹ đang mua nhà huỷ bỏ hợp đồng (hợp pháp) vì không mượn được nợ từ ngân hàng, ông Ấn Độ hôm đầu năm hủy bỏ hợp đồng (bất hợp pháp) điều đình dàn xếp vụ kiện qua trung gian quan tòa về hưu. Chuyện tư tạm ổn, chuyện công phải chờ đến đầu tháng tám mới ngã ngũ. Tôi nói với ông xã:

“Mặc kệ, tới đâu hay tới đó, mình về Cali nghỉ hè nha.”

Gì chứ đi chơi là chàng đồng ý ngay, bốc phone kiếm người gửi gắm cô cún cưng. Tôi leo lên mạng đặt vé máy bay và mướn xe. Thời gian gấp rút nên giá cả không được nhẹ nhàng. Bù lại, tiền bồi thường từ ông Ấn Độ sau khi trừ chi phí luật sư, quan tòa và giấy tờ, vừa đủ sáu vé máy bay khứ hồi và chiếc xe mini van cho hai tuần du hí ở miền Tây. Xong đâu đấy, tôi liên lạc Việt Báo đặt hai chỗ. Chị Hòa Bình thắc mắc sao không cho lũ nhóc đi dự, tôi cười bảo tụi nó về Bắc Cali vui với đám anh chị em họ, sức mấy chịu theo bố mẹ xuống miền Nam.


Thứ năm 7/21, tôi dự định chỉ làm việc vài tiếng buổi sáng để thong thả sửa soạn ra phi trường. Chuyến bay bảy giờ chiều mà gần năm giờ tôi vẫn còn ôm laptop nhắn tin qua lại với cô chuyên viên tài chính. Chàng đi ra đi vào phòng làm việc hối thúc, tôi đành gửi cái nhắn cuối cùng trước khi tắt máy:

“Tôi phải đi đây. Mọi chuyện nhờ cô lo dùm. Tôi sẽ không xem emails trong thời gian nghỉ hè, cần gì cô gọi phone tay cho tôi.”

Tuy nói vậy nhưng tôi vẫn bỏ laptop vào xách tay, làm lơ cái nhăn mặt của ông xã. Ra phi trường, thấy cái hàng để qua cổng security checkpoint dài lê thê, tôi nhe răng cười cầu tài khi chàng ném cho cái nhìn, “Đã bảo mà!”

Rồi cũng về đến San Jose lúc hơn một giờ sáng thứ Sáu. Anh chị Định-Tú thức chờ chúng tôi với cái bảng “Welcome. We Miss You.” thật dễ thương do các cháu bé vẽ và nồi bún riêu ốc nóng hổi thơm phức. Ăn uống xong vào chập chờn được vài tiếng, tôi thức dậy sớm theo cô cháu dâu đi lễ, tạ ơn Chúa cho chuyến bay dài bình an. Từ nhà thờ trở về, chưa kịp đi thăm gia đình nội, ngoại đã nhận được bốn, năm tin nhắn:

“Chúng tôi thật không muốn làm phiền, nhưng không ai vào được account của cô. Mai là ngày cuối của năm tài khóa rồi, cô làm ơn nối vào system của công ty tích lại tài khoản dùm.”

Vậy là dính cứng với cái laptop mấy tiếng đồng hồ. Mấy hôm sau lại bị triệu vào sở cả ngày để bàn về các dự án cho năm tài khóa tới. Chàng nhăn nhó, “Đi vacation mà vẫn không yên!”

Sáng Thứ Bảy 7/23, hò hét nhau dậy sớm đi cắm trại ở hồ San Luis Reservoir với ca đoàn Hồng Ân mà chúng tôi một thời gắn bó. Ca đoàn này “cha Quang” Nguyễn Trung Tây từng sinh hoạt và “giọng ca oanh vàng” được ca trưởng Dũng cho solo mấy lần. Tám chục mạng lớn nhỏ có hai ngày cuối tuần thật vui. Đám con nít đủ cỡ nhào vào bầy trò chơi với nhau. Nhóm người lớn xúm lại nấu ăn, đấu phét. Quen biết nhau mấy chục năm, lâu ngày mới gặp mặt đông đủ, biết bao chuyện để nói, để cười. Tôi và cô bạn Nguyễn Xuân Tường Vy bị mọi người trêu ghẹo, bảo cha Quang dân thần học “viết hay, hay viết” không lạ, hai đứa qua Mỹ từ nhỏ “viết được, được viết” mới kỳ. Tường Vy có bài đăng bên Hợp Lưu từ mấy năm nay và mới xuất bản cuốn truyện và ký đầu tay mang tên “Mắt Thuyền”. Tôi thì được Việt Báo đăng bài và cho vào chung kết. Phải chăng Chúa đang làm phép lạ nhãn tiền?

Chiều Chủ Nhật 7/31, tại Garden Grove Community Center ở Little Sàigòn, con bé rời Việt Nam năm xưa với trình độ Việt văn lớp bốn bước từng bước nhẹ tênh lên sân khấu về hướng những cây cổ thụ của nền văn học, văn nghệ, báo chí miền Nam Việt Nam như bác Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, cô chú Trần Dạ Từ-Nhã Ca, chú Nguyễn Xuân Nghĩa, chú Bồ Đại Kỳ, cô Kiều Chinh… và các giám khảo gồm anh Quyến Phạm và chị Hòa Bình Lê của Việt Báo, và các tác giả từng đoạt các giải thưởng chính là cô Trương Ngọc Bảo Xuân, chú Bồ Tùng Ma và chú Tân Ngố (mục sư Trần Nguyên Đán và chị Lê Tường Vi vắng mặt). Tôi cảm thấy thật nhỏ bé bên cạnh mọi người và phải cố gắng dằn xúc động để nói lời cảm ơn cho vinh dự lớn lao đang được trao tặng.

Nhìn xuống dưới sân khấu, bắt gặp nhiều ánh mắt, nụ cười khích lệ. Chàng đứng ở góc trái hội trường với tia nhìn chia sẻ. Bốn đứa con phút chót đi theo và ngồi ngoan ngoãn cạnh gia đình hai cặp bạn thân Hoàng-Thiên Thanh và Hiền-Cúc đến từ Antioch và San Diego. Mấy ghế kế trống. Tội nghiệp Uyên xem xong phần hai cháu Thảo My và Đan Vy song tấu dương cầm là vội vã nhờ Nguyệt đưa ra phi trường cho kịp chuyến bay về Arizona. Tiếc quá thiếu Châu, nếu không đủ bộ sinh viên nghèo ngày nào gom bạc cắc mua bánh mì chia nhau…

Người trao giải chung kết cho tôi hôm đó chính là nữ văn sĩ đã đưa tôi đến thế giới văn chương Việt năm mười ba tuổi tại Mỹ. Tôi đưa hai tay nhận giải thưởng từ cô Nhã Ca, miệng cười thật tươi nhưng nước mắt cứ chực rơi. Ôi, kỳ diệu thay chữ duyên!

“Đúng là Chúa làm phép lạ!” Ông cậu linh mục lắc đầu lật đi lật lại trang sách Viết Về Nước Mỹ 2011 như không tin nổi tôi có bài đăng trong đó. Ba chồng ngồi bên cạnh mỉm cười phụ họa:

“Ba mới đọc bài của con tối qua, phải thú thật là ba cũng bất ngờ.”

Chẳng riêng gì gia đình chồng, gia đình tôi cũng ngạc nhiên khi hay tin. Trong tám anh em chỉ có tôi là thích những sinh hoạt văn hóa, cộng đồng. Nhà không để ý đến những chuyện tôi làm bên ngoài và tôi cũng hiếm khi nhắc đến. Hôm đầu năm nhân dịp giỗ Mẹ, tôi dán bài “Lời Kinh Cho Mẹ” lên trang Facebook, hai bà chị đọc được và chỉ nói bài viết làm mấy chị nhớ Mẹ. Mấy tuần sau nói chuyện điện thoại với Ba tôi thì nghe kể:

“Sáng nay chú Bảy gọi chúc Tết, nói đọc thấy bài của con trên Việt Báo. Chú trách sao ba dấu không cho chú thím biết con viết văn, ba nói ba có hay biết gì đâu.”

“Sao chú thím biết là con?”

“Thì cái bài gì con viết nhắc đến xóm năm căn và chuyến vượt biển của mình đó, chú đọc giật mình. Chú đã chuyển bài của con đến chú Hùng, chú Tạo, bác Hai... Mấy chú bảo ba khuyến khích con viết tiếp, chú Tạo còn nói nếu con ra sách chú sẽ sponsor…”

Nghe Ba nói tôi bồi hồi nhớ chuyện xưa. Bác Hai chủ căn nhà có cái vườn rộng đằng sau xóm, nơi tôi từng lén trèo tường qua hái trộm xoài xanh. Chú thím Bảy có lần ngỏ ý muốn nhận tôi làm con nuôi. Chú Hùng vào ngày thứ sáu của chuyến vượt biển, tay quơ miệng giải thích với lính hải phòng tại sao chiếc ghe nhỏ lại lọt vào bãi biển du lịch Mã Lai. Chú Tạo anh của thím Bảy tôi gặp lần đầu tại Mỹ… 

Về phía bạn bè, phần đông ít đọc sách báo Việt ngữ nên không mấy người theo dõi chuyện viết lách của tôi. Thân như Thiên Thanh, Cúc, Uyên cũng chỉ đọc những bài tôi gửi qua email. Anh Hoàng chồng Thiên Thanh mới moi bài của tôi ra đọc sau khi trở về từ buổi lễ phát thưởng, và chưng hửng nhận ra cái xưởng cưa mà tôi nhắc đến trong bài chính là của gia đình anh. Anh Hiền chồng Cúc là một ngoại lệ. Hai mươi năm trước anh kể cho tôi nghe về “Giải Khăn Sô Cho Huế” và sau này âm thầm đọc những bài viết của tôi. Tôi biết ơn sự hỗ trợ tinh thần của những “fans” hiếm hoi này.

Khi chúng tôi về tới San Jose sau lễ phát giải thì tin vui đã loan nhanh. Uyên dán lời chúc mừng lên trang Facebook. Chú Nguyễn Xuân Hưởng gọi phone cho ba chồng. Anh Định gửi email thông báo với họ hàng, bè bạn… Trang facebook, hộp thư và điện thoại của tôi tràn ngập những lời thăm hỏi và chúc mừng. Có những người đã nhiều năm không liên lạc. Có những người ở thật xa như Thailand, Australia…

Trở về lại Florida, còn đang ngất ngây với dư âm của những ngày vui ở Cali thì nhận được thông báo chính thức từ công ty:Tổng số ngân sách cắt giảm một tỷ đô la, tổng số nhân viên cắt giảm 15%. Đây là những con số chung, con số riêng tùy thuộc vào từng cơ quan và dự án. Mấy nhóm chúng tôi làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng trầm trọng, có nhóm bị đi hết một nửa.Như một phép lạ, tất cả mọi người trong nhóm của tôi đều thoát nạn và còn được tiền thưởng cuối năm khá hậu hĩnh.

“Số Phương Dung đỏ.” Cô bạn Tường Vy kết luận sau khi hay chuyện.

Vâng, quả thật đời tôi may mắn hơn nhiều người. Quà thưởng Viết Về Nước Mỹ đã được chuyển tặng cho các cơ quan từ thiện để hỗ trợ cho chương trình giáo dục và cứu đói tại địa phương và các nước đang phát triển. Thay mặt cho những trẻ em nghèo và những người cần sự giúp đỡ, xin được tri ân Việt Báo, Ban Giám Khảo cùng các mạnh thường quân của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Viết Về Nước Mỹ đã và đang ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời. Trong đó có tôi.

Đầu tháng 11. Trời Florida dịu mát. Gió dào dạt, mây bàng bạc trôi. Thảm cỏ xanh và bụi Lavender tím lunh linh trong nắng nhạt. Hàng phong trong cánh rừng óng ánh những chiếc lá đỏ cam. Cành Cape Myrtle trụi hoa lao xao đong đưa rồi trút từng đợt lá. Chú nai tơ ngừng ăn lộc ngơ ngác nhìn lá bay bay trong không gian rồi đáp nhẹ xuống khoảng sân trống. Cô cún Fluffy đang nằm tắm nắng ở góc sân cũng ngóc đầu nhìn rồi lại khép mắt lim dim tiếp…

Từ cánh cửa rộng mở phía sau nhà, tôi bồi hồi ngắm mùa thu ở mảnh vườn con. Lần cuối. Căn nhà bán không xong rút ra khỏi thị trường hôm trở về từ Cali, hai tháng sau bỗng có cặp vợ chồng di dân từ South Africa đến gõ cửa ngỏ ý muốn mua với giá cả phải chăng và điều kiện dễ dàng. Thủ tục giấy tờ tiến hành thuận lợi nhanh chóng trong vòng có mấy tuần. Một lát nữa đây chúng tôi sẽ giao chìa khóa nhà cho chủ mới. Cầu mong cho họ có những năm tháng hạnh phúc và những ngày thu êm ả tại đây.

Ở một nơi khác, tôi sẽ tiếp tục ngắm mùa thu và nghĩ về những điều kỳ diệu đã xẩy đến với mình. Tôi sẽ đếm lá thu rơi như đếm những Hồng Ân đã nhận được từ Trời và từ người. Xin được tạ ơn Trời và cảm ơn gia đình bạn bè, Việt Báo, các bạn đọc bạn viết… cho tình thương, tình bạn, sự hỗ trợ và đồng cảm cho những bài viết. Cầu chúc bình an hạnh phúc trong mùa lễ và luôn mãi.

Nguyễn Trần Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,339,164
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.