Em cùng gia đình (Bố mẹ và đứa em gái) sang Mỹ định cư với một hy vọng có một suy nghĩ tự do hơn, có một tương lai tốt đẹp hơn.
Khi đến Mỹ, gia đình em được một người dì cho ở chung ba tháng đầu. Vừa được một tuần nghỉ ngơi là em đi học ngay. Mẹ em thì phụ dì may đồ. Còn bố em thì đi làm ở chợ Việt Nam. Mỗi ngày em được dì dùng xe hơi đưa đón đi học, lâu lâu dì lại cho “đô la” để em ăn quà. Về đến nhà em chỉ học bài phụ giúp vài việc lặt vặt. Lúc đó em cảm thấy “thiên đường là đây”. Em đâu biết rằng mỗi ngày bố em làm việc ở chợ 10 tiếng đồng hồ, mà phải đứng từ sáng đến chiều, trong khi ông đã 50 tuổi. Còn mẹ em thì phải thức đến khuya để may đồ được nhiều hơn. Những cực khổ đó em nào để ý đến. Không hiểu sao em lại vô tư đến như vậy.
Bố thường hay khuyến khích em cố gắng kết bạn nhiều ở trường để có thêm kinh nghiệm nói tiếng Anh. Kể từ ngày đó, em làm đủ trò để có nhiều bạn. Vì biết mình anh ngữ vẫn chưa rành, cho nên em đã dùng vốn kiến thức toán học của mình để kết bạn. Tức là em thường giúp những đứa bạn cùng lớp làm bài tập toán đơn giản mà họ cho la phức tạp. Bọn nó rất phục em. Thế là em đã có cả đám bạn chung quanh em. Nhưng đó có phải là tình bạn thực sự hay chỉ là sự lợi dụng. Cho đến bây giờ em vẫn chưa khẳng định được. Vì ở Mỹ này không có chuyện gì là tuyệt đối.
Rồi dần dần, tụi bạn có ý định giới thiệu em một thằng bạn trai. Từ đó đến giờ em vẫn chưa có nếm mùi vị được bạn trai chiều chuộng như thế nào. Cho nên em đã gật đầu đồng ý. Em thường thấy tụi bạn trét phấn thoa son đầy mặt để làm đẹp, em nghĩ nếu em cũng làm theo thì chắc nhiều người sẽ chú ý đến mình hơn. Cho nên cứ mỗi lần khi đến trường, em lại mượn những dụng cụ phấn son đó để tô điểm cho khuôn mặt của mình hơn. Có lần em nhìn thấy bọn chúng chia nhau điếu thuốc và hút một cách lén lút. Bọn chúng đã từng đưa cho em hút thử. Em biết mình không thể hút thuốc, nhưng không có nghĩa là em không dám hút và cũng vì để bọn chúng nể phục, em đã “kéo” thử vài lần trước mặt bọn họ.
Lúc đó, em như bị cái bề mặt màu mè, giả tạo cuốn sâu vào vòng táo bạo. Em luôn cố gắng uốn mình để trở thành người Mỹ bằng những thói hư tật xấu của họ. Em thật sự không biết là mình đã chọn một con đường sai lầm. Em cứ tưởng là mình có tất cả, có xe, có nhà, có đô la. Nhưng thật sự đó chỉ là những đồ vật của người khác mà em đang sử dụng để che đậy đi con người thật của em. Sau ba tháng sống chung với người dì, gia đình em dọn ra sống riêng. em phải chuyển trường, phải xa đám bạn, xa những thói hư tật xấu mà em đã cho rằng tự do nước Mỹ. Nhưng không, em đã sai, từ ngày em chuyển trường em đã học được một bài học quý giá, đó là làm lại bản thân em, không chạy theo sự cám dỗ của bề ngoài. Em có thể học được bài học đó cũng nhờ có bố mẹ em. Vì để trả tiền nhà, tiền điện nước, bố mẹ em đã tự đi cắt cỏ trong khi tiếng anh vẫn chưa vững và đường xá vẫn chưa rành. Họ cắn răng chịu đựng những cực khổ để cho em đi học. Em đã không phải làm gì cả để giúp đỡ việc chi tiêu trong gia đình, ngoài đi học. Bố mẹ đã già và gầy nhiều hơn so với lúc còn ở Việt Nam, trong khi đó em lại mập hơn và trắng trẻo ra. Em thật sự thấy đau lòng và càng thương bố mẹ nhiều hơn. Họ đã làm tất cả để cho em được hưởng nền giáo dục hiện đại của Mỹ. Còn em, trong 3 tháng đầu định cư ở Mỹ em đã làm được gì" Em đã bước những bước sai lầm. Nhưng may mắn thay, vì dời nhà, vì chuyển trường, cho nên em đã có cơ hội làm lại chính bản thân em, là một đứa con ngoan cho gia đình và một trò giỏi cho trường học. Và câu nói của bố em: “Mình qua Mỹ với con số zero, chỉ có một bộ óc thông minh của người Việt nam, cho nên mình chỉ có thể học và học để tiến lên” đã luôn luôn tồn tại trong đầu em. Em tự hứa với mình là sẽ dùng bộ óc của mình để kiếm tiền trên đất Mỹ này.
ĐỖ QUỲNH THƯ