Hôm nay,  

Hai Đứa Tôi Cùng Bay

28/06/201200:00:00(Xem: 275714)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã góp nhiều bài viết giá trị cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.

Bài sau đây là một chuyện tình Huế lâm ly, được nhớ và kể theo cách riêng của tác giả.

* * *

Quê tôi vốn ở Huế, nhưng tôi lại được sinh ra và lớn lên tại Đông Hà, tỉnh Quảng trị. Ba tôi đã làm việc, gặp mạ tôi ở đây, và nhận quê vợ làm quê hương của mình.
Năm đó tôi được 11 tuổi, đang học lớp năm.
Chiến sự leo thang dữ dội nơi vùng địa đầu giới tuyến nên ba mạ tôi gởi tôi về lại quê nội ở Huế trước.
Quả nhiên vài tuần sau chiến cuộc bùng nổ. Dòng ngưòi di tản từ Quảng Trị về Huế sau đó đã để lại trong lịch sử một đại lộ kinh hoàng của mùa hè đỏ lửa 1972.
Nhưng tôi đã được an toàn ở Huế, tại nhà nó.
Nó cùng tuổi, chỉ kém tôi 2 tháng. Tính theo vai vế thì phải gọi tôi là Chú. Ba tôi là em khác mẹ với ông nội nó. Cho nên theo lẽ thì tôi là chú, bên nội. Không hiểu sao tụi cháu lại gọi là Cậu theo như bên ngoại.
Tôi là con một, trong khi nó là chị cả của một đàn 5 đứa.
Và tôi tuy là cậu, nhưng nhập gia phải tùy tục nên bị coi như đứa thứ 6 nhập bọn với lũ em của nó.
Anh Quản (tức là ba nó) là quân nhân được cấp một đơn vị gia cư trong trại gia binh này. Chị thì tần tảo bán rau trái ngoài chợ từ sáng sớm đến tối, tất bật cả ngày nuôi đàn con
Cho nên nó làm chị cả có uy lắm. Mỗi ngày ngoài giờ học, đều thay mặt ba mạ chăm sóc lũ em.
Nó cai quản lũ chúng tôi theo khuôn phép của lính, nhất là vào giờ ăn.
Nó bắt lũ em đứng xếp hàng từ nhỏ đến lớn, mỗi đứa cầm một cái dĩa tới nó xúc cơm và bỏ đồ ăn vào. Thường là chỉ có một, hai món khô. Có cơm rồi, tự động xách dĩa kiếm một góc ngồi ăn.
Dĩ nhiên là tôi cũng vậy mà thôi.
Tối ngủ nhà hẹp, tụi tôi 4 đứa lớn nằm sát nhau trên nền xi măng giăng chung một cái mùng.
Hai đứa nhỏ nhất được ngủ với ba mạ trong phòng.
Đêm đầu tiên tôi ngủ không được, nằm sụt sùi khóc nhớ nhà, và vì chưa bao giờ ngủ trên nền xi măng như vậy.
Ở nhà tôi ngủ trên giường đã quen.
Thấy tôi khóc, nó quàng tay qua vỗ nhè nhẹ lên vai dỗ dành “Cậu ơi, cậu ngủ đi cậu. Cậu ơi. cậu ngủ đi cậu”
Chắc là nó từng ru em đã quen.
Nhưng tôi vẫn khóc và không ngủ.
Nó hỏi tại sao?
Tôi thú thật là ở nhà, mỗi tối mạ tôi phải xoa lưng cho tôi ngủ. Bây giờ không có mạ xoa và gãi lưng , tôi không ngủ được.
Nó bèn thò tay vào sau lưng tôi vừa xoa vừa gãi.
Tay nó cũng dịu dàng và êm ái như tay của mạ tôi.
Tôi mới chịu ngủ.
Từ đó trở về sau cả mấy tháng trời, tôi hôm nào cũng dành với mấy đứa kia để được nằm cạnh cho nó gãi lưng.
Được 3 hay 4 tháng gì đó,
Mùa hè đỏ lửa rồi cũng qua.
Mạ tôi đến đón tôi về nhà.
Từ giã Huế. Từ giã nó. Tôi mang theo một chút nước sông Hương hiền hòa về mong tưới dịu những vùng máu lửa quê tôi.
Hôm tôi bước lên xích lô với mạ chuẩn bị đi, nó chạy tới đưa miếng giấy có ghi địa chỉ nhà và nói
-Cậu nhớ viết thư cho tui.
-Ừ, Tau sẽ viết thư cho mi.
Nó gọi cậu xưng tui. Còn tôi thì tau mi rất kẻ cả.

*
Biền biệt 7 năm trời tôi miệt mài vui chơi quên mất nó. Và dĩ nhiên là không viết lá thư nào cả.
Đầu năm lớp 12, ba mạ tôi lại cho tôi ra Huế học để chuẩn bị thi vào đại học.
Trọ học ở nhà nó.
Ngày đầu tiên gặp lại, tôi giật mình vì nó đẹp quá. Đẹp hơn sự tưởng tượng của tôi khi đang ngồi trên xe đò từ Quảng Trị vào Huế nhiều.
Nó cũng nhìn tôi ngạc nhiên.
Ngày xưa con gái trổ mả sớm nên tôi chỉ đứng ngang mũi nó.
Bây giờ thì nó chỉ đứng ngang mũi tôi.
Nhưng mà nó thiệt là đẹp.
Tôi nghe tim mình rộn rã, quên mất nó là vai cháu.
Là họ hàng gần lắm.
Là máu mủ,
Là… không được.
Nó vẫn kêu tôi là cậu, nhưng lần này anh chị Quản bắt nó phải xưng con với tôi cho đàng hoàng. Chị lớn phải làm gương cho lũ em nó đều phải xưng là con với tôi.
Cho nên từ đây nó là CON.
Nó ngượng nhưng không nói gì được.
Riêng tôi thì vẫn mi-tau như ngày nào.
Bữa cơm chiều đầu tiên tôi cứ lén nhìn nó. Nhất là đôi bàn tay.
Nó đẹp nhất không phải ở khuôn mặt, hay thể hình gọn gàng, mà là ở đôi bàn tay.
Chắc là tôi có chút thiên vị.Bởi vì tôi vẫn nhớ đôi bàn tay năm xưa đã vỗ về, xoa lưng dỗ tôi ngủ.
Bàn tay của bà tiên tý hon thay thế cho mạ tôi của những tháng ngày loạn lạc.
Tôi chiêm ngưỡng nó đến nỗi nó cũng biết, nên tinh quái nhìn lại tôi, kín đáo xoè bàn tay ra cong năm ngón tay lại như móng vuốt của con Diều Hâu.
Coi chừng. Kỳ này con sẽ cào rách lưng.
Tôi kín đáo lè luỡi e sợ.
Nó gật gật đầu ra vẻ khen…cậu ngoan.
Chỉ vậy thôi là bảy năm xa cách của hai đứa tôi đã được san bằng.

*
Nó ở chung phòng với mấy đứa em gái.
Tôi thì ở chung với mấy thằng.
Nên mỗi tối gần mùa thi hai đứa tôi phải ra phòng khách ngồi học cho tới khuya.
Nó học cũng khá, chỉ hơi bết môn toán.
Cho nên tôi vừa học vừa kèm cho nó.
Có những đêm bài vở chúng tôi chỉ để đó cho có.
Hai đứa ngồi mà ngó lẫn nhau…
Mong thời gian đừng vội qua mau.

*
Một buổi tối cả nhà đi ăn giỗ. Nó viện cớ mắc học thi không đi,
Nhưng ở nhà chỉ coi TV.
Nó biết là tôi cũng ở nhà một mình.
Thấy nó ngồi ở phòng khách, tôi cũng theo ra.
Chương trình TV chiếu gì tôi không nhớ.
Nó ngồi trên ghế sa lông đắp một cái mền chung quanh thiệt là ấm cúng.
Tôi ghé ngồi kế bên.
Ngửi thấy một mùi thơm lừng lựng. (Không biết là của nó hay là của cái mền!).
Được một lúc, bỗng nó nhìn sang hỏi tôi có lạnh không
Tôi bảo lạnh.
Nó vén cái mền lên nói qua đây ngồi với con.
Tôi chui qua ngay.
Vậy là hai đưá tôi cuộn chung trong một cái mền.
Bây giờ thì tôi biết.
Cái mùi lừng lựng này là của nó.
Có mùi xà bông tắm,
Mùi thơm Bồ Kết gội đầu,
và một mùi hương đặc biệt kỳ lạ chỉ có ở nó.
Tôi nghe mát mát ở cánh tay.
Té ra tôi mặc tay đùi, còn nó áo cánh.
Nên da tôi đang chạm vào da nó.
Tôi nghe một cảm giác lạ lùng chưa từng có.
Vừa thích thích mà cũng sợ sợ.
Tôi sợ mạch máu của tôi sẽ bể.
Tôi sợ nó biết sẽ rút tay lại.
Nhưng không, nó vẫn cứ để yên một cách đồng lõa.

Má nó hồng hồng,
Mắt nó ươn uớt.
Tôi có cảm tưởng nếu tôi nắm một tay nó, nó sẽ đưa nốt bàn tay kia.
Tôi có cảm tưởng nếu tôi ôm nó, nó sẽ rút lại thật nhỏ để cho tôi ôm trọn vào lòng.
Nhưng tôi biết, nếu lỡ mà tôi hun nó,
Cả hai đứa sẽ sa vào bể khổ.
*
Tết đến tôi phải trở về nhà với gia đình.
Nó dặn đi dặn lại là phải trở về Huế ngay… để học cho kịp ngày thi.
Tôi hứa,
Nhưng về trễ hai ngày vì một việc không định trước.
Khi tôi trở lại Huế thì hình như nó giận không thèm ra ăn cơm.
Hôm sau mọi người đã đi vắng hết, tôi gặp quả nhiên thấy nó có vẻ giận hờn.
Tôi hỏi, nó nói con tưởng cậu về ăn tết, cưới vợ, rồi ở lại ngoài đó luôn không về Huế nữa.
Không biết ai cho nó hay là kỳ nghỉ tết này quả nhiên ba mạ tôi có dàn xếp cho tôi gặp gỡ một người con gái khác ngoài ấy mà ông bà đã chấm làm con dâu.
Tôi vâng lời đi gặp người ta cho có lệ để ba mạ vui lòng thôi, chứ mảnh bằng Trung học chưa xong, lấy chi ăn mà cưới vợ?
Nó biết, nhưng vẫn giận tại sao không nói trước làm nó trông.
Tôi giả lã cho qua và hứa tối nay dắt nó đi ăn chè tạ tội.
Nó chịu, nhưng với điều kiện là nó chọn quán để đi.

*

Tôi trúng kế. Nó chọn ngay cái quán mà tôi sợ nhất đời, và không ngờ nó liều lĩnh như vậy.
Gọi là quán TÌNH NHÂN
Vì đây là quán chỉ dành riêng cho những cặp tình nhân đến đây với khung cảnh hữu tình riêng tư, thích hợp cho những người yêu nhau tha hồ tình tự.
Chưa hết. Sau lưng quán Tình Nhân là một con đường ngắn giới trẻ ở Huế thời đó gọi là CON ĐƯỜNG TÌNH ÁI.
Không hiểu bắt đầu từ lúc nào, mà các bạn trẻ ở Huế bảo nhau rằng, yêu nhau mà chưa đến quán Tình Nhân để cùng nắm tay đi trên Con Đường Tình Ái thì kể như ... chưa hề yêu, và chắc sẽ không có duyên phận với nhau lâu dài.
Cho nên những cặp yêu nhau phải một lần đến đây như một lời ước nguyện trăm năm không văn bản.
Vậy mà nó đòi cùng tôi tới đó.
Nó thì gan lì hết biết trong khi tôi lo đến sốt vó.
Lỡ ai quen ngó …
Là chết!
Nó là cháu, tôi là cậu, là họ hàng mà.
Họ hàng đâu được quyền yêu nhau mà tới đây?
Nhưng nó nằng nặc đòi.
Tôi đành nhắm mắt đưa chân.
*
Hai đưá tôi cũng bắt chước họ, bước đi trên Con Đường Tình Ái.
Tôi đã yên tâm phần nào vì ở đây rất tối tăm đâu ai thấy mặt ai trừ người bên cạnh.Vả lại cũng không ai buồn để ý đến những cặp cạnh bên để làm gì.
Tôi và nó cùng bước song song bên nhau thật sát như những cặp tình nhân thật sự khác, chỉ có điều là không nắm tay.
Đang đi, nó bỗng chậm lại và nói
- Cậu ơi con ước …
- Mi ước chi? Tôi hỏi
- Con ước chi con có thằng bồ giống y… giống y… như cậu rưá.Nó nói đi nói lại chữ giống y như không còn gì giống hơn được nữa.
Tôi nghe tim nhức nhối.
- T. ơi tau cũng ước chi tau có con bồ mà hắn cũng giống y…giống y…như mi rứa.
Tôi nuốt vô bụng.
Cố giả lờ nói
- Thì mình đi như ri cũng giống như … bồ rồi.
Nó nói không phải
- Rứa thì răng mới là bồ?
Nó đưa bàn tay.
Tôi lấy một ngón ngoặc vào ngón tay của nó
- Như ri hí?
Nó hình như chưa vừa ý, nhưng cũng gật đầu.
Hai đưá tôi tiếp tục rảo bước
Sát bên nhau đến nỗi tôi ngửi đầu nó thơm ngát mùi tóc.
Bỗng nhiên nó dừng lại, nắm trọn cả bàn tay tôi.
Tay nó run run.
Tôi cũng run run.
Cặp tình nhân phía trước đang dừng lại và hôn nhau đắm đuối. Không cần biết hai đứa tôi đứng ngó.
Tôi cảm thấy mắt nó vời vợi,
…và đôi môi đợi chờ
Tôi quàng tay qua âu yếm vuốt ve bờ vai nó.
Tôi vuốt ve bờ vai nó,
Vuốt ve bờ vai...
Từ cổ đến cánh tay.
Rồi từ cánh tay ngược về đến cổ.
Hương con gái từ người nó rười rượi.
Tôi cúi xuống…
và hôn lên mái tóc.
Tôi sợ. Tôi không dám bước qua.
Hình như có tiếng thở dài thật nhẹ.
Nó nói
-Thôi mình về cậu hí.

*
Và rồi, chuyện sau khi miền Nam sụp đổ.
Điện tín khẩn của ba tôi từ Quảng Trị nói tôi phải về nhà gấp. Mạ đau nặng lắm.
Tôi bỏ nó, bỏ trường, bỏ tất cả để về nhà.
Mạ vẫn khoẻ.
Chuyến vượt biên sắp tới có một chỗ dành cho tôi.
Tôi bàng hoàng và đau khổ không biết làm sao để liên lạc được với nó.
Ngay đêm đó thuyền tôi ra khơi.
Êm thắm.
Ba ngày sau tôi cặp bến quần đảo của Phi.
Tám tháng sau tôi ở Mỹ.

*
Năm năm sau nó lấy chồng..
Bảy năm nữa tôi mới trở về VN chuyến đầu tiên.
Mười hai năm xa cách.
Gặp lại nó, và hai đứa con gái xinh xinh.
Chứng nó gọi tôi là ÔN.
Ôn mới tròn ba mươi, và vẫn còn lẻ bóng.
Cho nên nó kiếm cho tôi một người vợ.
Phương Lan thua nó ba tuổi, là bạn chí thân.
Tôi ở Huế chơi gần một tháng với gia đình nó và Lan.
Không ai nhắc lại chuyện cũ nữa.

Khi tôi về VN lần thứ ba là để làm đám cưới.
Không biết tôi cưới Lan vì tôi yêu nàng, hay chỉ vì nàng là bạn của nó.

*
Phương Lan và tôi đã sống bên nhau thật hạnh phúc.
Nàng cho tôi hai đứa con trai kháu khỉnh dễ thương.
Tôi thầm cám ơn nó đã khéo chọn cho tôi một người bạn đời.
Nhưng khi mà cuộc sống của tôi đã an bình, đằm thắm, thì cuộc đời của nó lại nổi sóng.
Nó bệnh gì không rõ, phải nằm bệnh viện cả tháng trời chạy chữa. Ngay Lan là bạn thân hỏi cũng không nói.
Rồi chồng nó bỗng sinh chứng vợ bé, vợ nhỏ khiến nó đau khổ và cuối cùng phải chia tay.
Hai vợ chồng tôi cùng lo.
Lan thì thương bạn.
Nàng tưởng tôi thương cháu.
Có biết đâu tôi thương mối tình đầu.

*
Tôi có dịp đi công tác cho công ty tại Nhật, và may mắn là công việc tiến hành suông sẻ nên thay vì hai tuần, tôi được bốn ngày dư không biết phải làm gì.
Một người bạn đã từng đi chuyến trước nói có thể book vé thật mau và về VN chơi một hai ngày.
Tôi nghe lời và xếp đặt được chuyến bay về Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi thẳng ra Huế trong thời hạn ngắn nhất.
Và tôi có thể ở Huế 24 tiếng, rồi về lại Nhật đúng ngày như dự định.
Bỗng nhiên tôi nghe như tiếng nó gọi.
Một ngày sau tôi có mặt ở Huế.
Nó ngạc nhiên khi tôi gọi từ một khách sạn ở trung tâm thành phố..
Lần cuối tôi về VN cùng với Lan cũng đã mười hai, mười ba năm. Rồi sau đó chúng tôi có con và lo xây dựng cuộc sống nên đã lâu không trở lại.
Lần đó gia đình nó vẫn còn êm thắm.

Nó đến.
Tôi sững sờ chưa kịp hỏi tại sao đến nỗi.
Ở lứa tuổi mới bắt đầu năm mươi của tôi và nó, cùng lắm là tóc điểm muối tiêu.
Hầu hết phụ nữ đều nhuộm đen che dấu.
Nó thì không.
Tóc trắng như phau.
Sương mai gầy guộc.
Nhưng nó không để cho tôi hỏi, vì tôi giang tay về phía nó không biết từ lúc nào.
Nên nó chỉ la lên “Cậu ơi!”, rồi chạy vào người tôi như cơn gió.
Ôm chặt cứng như thể sợ tôi biến mất.
Nó vẫn quen miệng gọi cậu xưng con.

Không biết hai đứa tôi ôm xiết nhau được bao lâu.
Và chỉ một giây thôi, tôi đã quyết định sẽ đứng bên ngoài xã hội.
Mặc kệ những gì mà luân lý sẽ nói là có tội.
Nhưng lúc tôi muốn ẵm nó lên, thì nó lại ngồi xuống khóc.
Bây giờ tôi mới biết.
Nó bị ung thư mấy năm trước. Tuy may mắn cứu được mạng sống. Nhưng người ta đã giải phẫu cắt bỏ một phần thân thể của nó.
Từ đó nó đã không thể làm một người vợ trọn vẹn.
Nên chồng nó bỏ nó.
Nên nó ngậm đắng nuốt sầu.
Tóc một chiều chợt trắng như phau.
Bây giờ nó như sống nhờ tình thương bố thí của định mệnh. Mỗi năm hai lần phải vào nhà thương thử nghiệm mầm ung thư có tái phát. Nếu không có gì trắc trở nó tạm yên tâm sống thêm sáu tháng.
Mới lần sau cùng tuần trước đi khám, họ nói có vài triệu chứng hơi…bất thường nên sẽ phải thử nghiệm lại. Tuy các bác sĩ đều trấn an, nhưng nó có cảm tưởng rằng “cái ngày đó” đã gần kề. Nó biết người nó đã cắt bỏ hết rồi. Nếu bệnh tái phát thì đâu còn gì mà cắt mà xén nữa…
Tôi thương nó quá, sụt sùi theo.
Nó lại bỗng cười và nói: Dị chưa tề. Sống chết có số. Cậu tra như ri mà còn khóc.
Tôi nói già vẫn khóc.
Nó bảo tôi nằm xuống giường.
Rồi ngồi cạnh bên…
vừa xoa vừa gãi lưng cho tôi,
giống như ngày xưa.
Tay nó vẫn dịu dàng âu yếm…
giống như ngày xưa
“Ngủ đi cậu- Cậu ơi, cậu ngủ đi cậu.”
Tôi mơ màng không biết là tiếng của nó bây giờ.
Hay chỉ là âm thanh đồng vọng của 40 năm về trước đang lạc lõng về đây.
Trời Huế không mưa mà sao bị dột.
Có vài giọt nuớc rớt trên lưng.

Tôi bỗng thấy mình bay lên trời cao
Và thấy phía dưới có thằng bé giữa buổi ly loạn, phải xa lìa tổ ấm nằm khóc nhớ nhà.
Có con bé nằm cạnh bên vỗ về ru ngủ.
Tôi lại thấy đang bay về phía Quán Tình Nhân.
Con đường mờ phía trước, đôi uyên ương vẫn còn đang hôn nhau say đắm.
Có nó còn đứng đợi.
Nên tôi dừng lại, ghé môi hôn.
Nó cười tươi như hoa nở mùa Xuân.
Rồi cũng bay lên…
Tóc trắng thành mây.
Hai đứa tôi cùng bay.

*
Hai tháng sau nó chết../.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
24/06/201621:33:55
Khách
Toi dang doc va nuoc mat cu roi,chuyen tinh cua ong cau va co chau nguoi Hue nay da lay di rat nhieu nuoc mat cua toi va toi tin chac cung co khong it nuoc mat cua nhung doc gia nu gioi,xin cam on tac gia da viet ra mot chuyen tinh dep va nao long den nhu vay,neu la hu cau thi tac gia qua that co tai da lam nuoc mat toi roi tu doan Cau phai tro ve Quang Tri roi di vuot bien,de roi 7 nam sau tro lai thi chau da co chong...va roi den ngay chau va cau om nhau khoc ve con benh ung thu...Cam on tac gia that nhieu.
30/06/201223:54:59
Khách
Tác giả viết: "Tôi thương nó quá, sụt sùi theo."
Đọc xong truyện này, tôi cũng sụt sùi theo. Đọc lại vài lần vẫn sụt sùi.
Truyện thật là xúc động.
30/06/201218:00:59
Khách
Tôi cũng đề nghị cho giải nhất, tôi đã đọc 2 lần và vẩn còn muốn đọc lại.
29/06/201221:36:20
Khách
Truyện này nên cho Giải Nhất. Đọc lướt lần đầu đã thấy hay, đọc lại lần nữa thì tự nhiên ứa nước mắt.
29/06/201221:07:49
Khách
Bài rất hay, rất xúc động, lời văn đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thực, giống như đang kể chuyện, cám ơn tác giả
29/06/201200:06:31
Khách
Một câu chuyện tình rất hay, rất dễ thương và ...rất Huế !
Cám ơn tác giả.
H-A
28/06/201222:00:30
Khách
Bài viết thuật xuất sắc...dể thương...
28/06/201221:06:11
Khách
"Từ giã Huế. Từ giã nó. Tôi mang theo một chút nước sông Hương hiền hòa về mong tưới dịu những vùng máu lửa quê tôi."
"Nó dặn đi dặn lại là phải trở về Huế ngay… để học cho kịp ngày thi."
Câu chuyện đẹp, lời văn hay
29/06/201200:45:51
Khách
Truyện hay xuất sắc.Tôi tin là tác giả đã chia sẻ tâm sự ấp ủ trong lòng của mình.

Đọc hết truyện rồi mà tâm tư vẫn còn bàng hoàng ngây ngất!

Hoan nghênh tác giả:văn phong và tình tiết câu chuyện cũng như cách bố cục thật tự nhiên và mạch lạc.

Một cây bút thuộc hạng lão làng!

29/06/201216:19:36
Khách
Truyện hay quá , xứng đáng đạt 5 sao.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến