Hôm nay,  

Ba Tôi Và Những Con “Pet”

13/03/201200:00:00(Xem: 162680)
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2000, hiện là cư dân Texas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là chuyện về những con chó mèo tại Việt Nam và tại Mỹ với nhiều chi tiết sống, được viết để tượng niệm người cha quá cố. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

Tôi đã định cư ở Mỹ được 12 năm, trong suốt khoảng thời gian đó nhiều lần tôi đã nuốt nước mắt vì những bửa cơm thui thủi một mình với cái bàn trống khi chồng tôi phải đi làm và các con tôi đi học. Tôi nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ cháu... nhớ luôn cả cái dáng chạy cong đuôi của lũ chó mèo khi tranh nhau một mẫu xương rơi xuống đất. Có thể nói đó là những bữa cơm gia đình đầm ấm nhất mà có lẻ mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được!

Ba tôi là người rất yêu thương loài vật nên trong nhà lúc nào cũng nuôi vài con chó mèo, đặc biệt nhất là chó đối với ba tôi nó không chỉ là một con vật giữ nhà trung thành mà còn là một người bạn tri kỷ nữa!

Trước ngày 30/4/1975 ba tôi là một cảnh sát viên làm việc văn phòng ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Sau ngày Sàigòn thất thủ ông chỉ học tập cải tạo tại địa phương rồi được nhà nước "Trả Quyền Công Dân" sau đó ít lâu. Khoảng từ năm 1977 ba tôi gom góp tất cả tiền bạc dành dụm mua một chiếc Taxi cũ để chạy kiếm sống. Công việc hàng ngày của ông là ra Bến xe Xa Cảng Miền Tây ở gần nhà chở các bạn hàng buôn chuyến từ miền Tây lên vì họ thường mang vác nhiều hành lý khá cồng kềnh. Ba tôi làm công việc này ròng rã suốt hơn 10 năm để nuôi một vợ và bốn con đang độ tuổi ăn học, có thể nói khoảng thời gian này ba tôi hầu như là ngủ trong chiếc Taxi của ông tại bến xe nhiều hơn là ngủ ở nhà với vợ con.

Cho đến năm 1988 mấy chị em tôi đều tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định nên ba tôi không còn chạy Taxi nữa. Điều đáng nói là trong khoảng thời gian hơn 10 năm đó bốn đứa tôi không hình dung được công việc của ba mình ra sao, tôi chỉ việc đi học mỗi ngày hết Trung Học rồi lên đến Đại Học một cách rất vô tư!

Khoảng đầu thập niên 90 ba tôi có xây một cái vựa cây bán gỗ xẻ phía trước nhà, cách một khoảng sân rộng là căn nhà của chúng tôi bên trong.

Cũng nên nói sơ qua ngôi nhà mà gia đình tôi đang ở là một ngôi biệt thự cổ được vợ chồng Bác Hai xây vào năm 1956 cho ông bà Nội tôi ở dưỡng già còn họ đã có nhà riêng trong Chợ lớn. Đến năm 1978 gia đình Bác Hai vượt biên bán chính thức nên ông Nội kêu ba mẹ tôi dọn về ở chung với ông bà vì sợ Phường tịch thu làm vườn trẻ do diện tích ngôi nhà quá lớn mà chỉ có hai nhân khẩu đều ở tuổi ngoài 90. Mang tiếng là ở chung nhưng thực ra gia đình chúng tôi chỉ ở dãy nhà ngang phía sau còn ông bà Nội ở trong căn nhà lớn phía trên với người giúp việc.

Thường ngày, sau bữa cơm chiều là ba tôi chuẩn bị cho đám chó mèo ăn, ông rất hiểu ý của từng con mà gia giảm mặn nhạt để khẩu phần của chúng được "chất lượng" nhất. Thức ăn của chó, mèo thường là mớ cá, thịt rẻ tiền mà mẹ tôi mua về kho với ít nước mắm và muối là chủ yếu rồi trộn chung với cơm cũng là những thứ gạo hạng bét thời đó. Thức ăn vào thời "bao cấp" của những con chó mèo chỉ có vậy nhưng bọn chúng "chén" vèo một cái là xong ngay và trông vẫn còn rất thèm thuồng.

Đêm đêm ba tôi phải ngủ ngoài vựa cây để canh trộm. Buổi tối ba tôi và hai con chó của ông bắt đầu quầy quả trở ra cái "giang sơn" của họ. Ba tôi nằm trên một cái giường đơn ọp ẹp kê ở góc nhà, hai con chó lúc nào cũng phủ phục dưới đất ngay sát cạnh giường. Chỉ cần một tiếng lá rơi, một bước chân nhẹ nhàng của ai đó trong đêm tối là chúng bật dậy sủa vang cả góc trời. Nhà tôi thuộc vùng Phú Lâm, nổi tiếng là nhiều muỗi nên mỗi tối ba tôi phải thoa thuốc chống muỗi vào cho bộ da cho hai con chó vì sợ chúng bị muỗi đốt, đến mùa lạnh mỗi con được một cái mền cũ đắp để tránh bị cảm. Cứ như thế một chủ và hai chó quanh quẩn với nhau suốt năm này qua tháng khác, không ai nói với ai tiếng nào nhưng giữa họ có một thứ tình cảm rất mật thiết khó diễn tả hết bằng lời!

Từ ngày mở vựa cây, mỗi sáng ông thường dạy sớm chở mẹ tôi đi tập dưỡng sinh ở công viên gần đó rồi về nhà chuẩn bị việc buôn bán và lo cho lũ chó cưng của ông. Nếu có việc phải ra khỏi nhà vài ba tiếng đồng hồ là ba tôi phải tất bật về ngay để lo bữa ăn cho đám Pet vì ba biết trong nhà không ai chịu khó với tụi nó như ông cả; những lần ba tôi đi vắng như vậy thì y như rằng khi vừa về đến cổng là hai con chó tranh nhau chạy đến vẩy đuôi mừng ông tíu tít y như đã lâu ngày không gặp mặt.

Một buổi sáng nọ khi ba tôi vừa mới mở cửa trại cây thì hai thanh niên lực lưỡng đã túc trực sẵn phía trước nhà chúng chỉ chờ cho Pélé vừa chạy ra là tròng dây thừng vào cổ nó, túm lấy rồi phóng lên xe gắn máy chạy vụt mất.

Bất ngờ trước sự việc xẩy ra Ba tôi hoảng hốt vội lấy xe đuổi theo nhưng chỉ là vô vọng. Sau đó ông liền đi khắp các chợ chó để mong tìm mua lại được con Pélé cưng của mình nhưng đều bặt tăm. Ba tôi buồn bã biếng ăn suốt mấy ngày liền, mỗi khi nghe ai nhắc đến tên nó là ông không cầm được nước mắt, chưa bao giờ tôi thấy tinh thần ông suy sụp đến vậy. Cho đến một sáng nọ ba tôi cho hay đêm qua thấy Pélé về báo mộng ông nghĩ chắc nó đã bị người ta đã giết rồi.

Vào năm 2000 nhà nước cho nới rộng lộ giới phía trước trại cây, lúc này ông bà Nội đã mất, Bác Hai cũng đã hồi hương nên cho xây dãy Kiốt phía mặt tiền để cho thuê vậy là ba tôi bị "thất nghiệp" từ đây! Ba tôi dọn vào nhà ngang phía sau để ở với vợ con.

Dù có chị và em gái định cư tại nước ngoài từ lâu, cũng mãi tới năm 2000 tôi mới đặt chân đến Hoa Kỳ lần đầu. Ngoài muôn vàn choáng ngợp bởi sự văn minh của một đất nước giàu mạnh nhất hành tinh, điều tôi thật sự quí trọng dân chúng Mỹ là họ có lòng yêu thương súc vật đặc biệt. Bên này hầu như gia đình nào cũng nuôi một con Pet, từ trẻ con cho đến các bậc lão niên ai cũng xem chó, mèo là một thành viên không thể thiếu được trong nhà. Do vậy mà những dịch vụ chăm sóc thú cưng ra đời để phục vụ cho nhu cầu này, các con Pet cũng có Bác sĩ riêng và Bảo Hiểm Y Tế y như người vậy.

Khi cần đến bệnh viện thì chó mèo cũng được y tá cân, đo huyết áp rồi hướng dẫn đến phòng riêng để chờ Bác sĩ khám như một bệnh nhân vậy. Đó là chưa kể các dịch vụ làm đẹp như tỉa lông, tắm gội, cắt móng... vì chúng cần được giữ sạch tối đa, không để cho móng quá sắc bén khi chơi với trẻ. Nếu chủ nhân cần phải đi xa trong vài ngày không có ai chăm sóc Pet thì có thể mướn Hotel cho chúng ở, nơi đó có những nhân viên phục vục rất chu đáo kiêm cả việc cho ăn uống và làm vệ sinh cho chúng. Trong tất cả các hệ thống siêu thị đâu đâu cũng có những dãy riêng bán đồ ăn cho Pet, cạnh đó là những vật dụng rất ngộ nghỉnh vui mắt như đồ chơi, quần áo, giường, nệm... được thiết kế cũng hết sức sáng tạo.

Vào những dịp như Valentine's day, Christmas người ta cũng bán những món quà rất dễ thương để mọi người có dịp bày tỏ tình cảm với con vật cưng của mình. Người Việt thường có câu" Cực như chó" hay "Khổ như chó" nhưng hình như các cụm từ hay hoàn toàn sai ở đất nước này. Tại đây người ta nuôi chó không phải để giữ nhà và nuôi mèo không phải để bắt chuột như bên Việt Nam, họ nuôi Pet để làm bạn với tuổi thơ và an ủi cho tuổi già cô độc. Thậm chí có những người quá giàu nhưng không có con nên khi chết họ để tài sản bạc triệu lại cho con Pet của mình!


So với một nữa nhân loại đang còn bị đói ăn và thiếu uống hiện nay trên thế giới thì những con Pet tại đất nước này đang hưởng một tiện nghi vật chất quá cao về mọi mặt.

Các cuộc thi Hoa Hậu chó, mèo cũng thường xuyên được tổ chức rất quy mô với số tiền thưỡng khá hậu hỉ vì có sự tiếp tay của giới truyền thông và các nhà tài trợ. Kênh truyền hình Animal Planet bao giờ cũng có những show về thú vật xen kẽ với các quảng cáo thực phẩm cho chó mèo, cũng có loại giảm béo diet y như người vậy. Điều tâm đắc nhất cho giới ghiền phim là chắc chắn trên thế giới không có một đất nước nào mà nền công nghệ giải trí lại thực hiện nhiều phim về các con Pet như tại Mỹ. Từ phim có sự tham gia thật của các "siêu sao" chó mèo cho đến phim hoạt hình bằng tranh vẽ là không đếm xuể. Các fan của những "Movie Star" này cũng có mặt khắp mọi nơi trên thế giới không thua gì các tài tử điện ảnh nổi tiếng đương thời và dĩ nhiên doanh thu từ các thể loại phim này thật sự không nhỏ cho giới đầu tư. Rõ ràng vị trí của những con Pet tại đất nước này đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn chúng là niềm vui, và niềm tự hào của mọi công dân Hoa Kỳ.

Thật cảm động làm sao một hôm nào đang lái xe trên đường tôi bắt gặp hình ảnh một chú chó đang dắt người chủ khiếm thị của nó băng qua ngã tư một cách rất thận trọng! Những hình ảnh tương tự này tôi cũng đã thấy rất nhiều trong mall nhưng chắc chắn tôi chưa hề một lần nào được thấy trên quê hương Việt Nam của mình. Bởi nơi đó vẫn còn nhan nhản những quán thịt cày ở Ngã Ba Ông Tạ tại Sàigòn hay còn quá nhiều các cặp nam thanh nữ tú ở đất Hà Thành chiều chiều vẫn kéo nhau xuống Nhật Tân để "chén" thịt cầy giống như người ta vào các nhà hàng đặc sản để kêu các món seafood vậy. Hãy nhìn thực đơn vô cùng phong phú của họ từ: Cầy 7 món, Cầy tơ nướng, xáo măng, chả chìa, cà-ri, rôti, tiết canh, lòng hấp, đến món dồi nướng mà dân "sành điệu" thường bảo rằng Sống trên đời ăn món dồi chó. xuống âm phủ biết có hay không, là ta có thể tưởng được họ có cả một đội ngũ đầu bếp với tay nghề lão luyện trong lãnh vực làm "dog meat".

Chẳng biết từ bao giờ thịt chó ở Việt Nam đã trở thành món ăn khoái khẩu của dân nhậu mặc dù nó bị liệt kê vào nguồn thức ăn chứa rất nhiều mầm bệnh gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Đa phần thịt cầy phát xuất từ các con chó chết, chó bệnh, chó bị đánh bả ... chứa rất nhiều độc tố trong cơ thể vậy mà người ta vẫn cứ phớt lờ những cảnh báo của giới truyền thông đẩy mức tiêu thụ của các quán cầy tơ từ 60ký lên 100ký mỗi ngày. Dĩ nhiên nguồn thịt này phải được huy động khắp các tỉnh thành Việt Nam nhưng số cung vẫn không đủ cho số cầu nên nhà nào có nuôi chó phải canh chừng nghiêm nhặt vì không biết ngày nào chú chó cưng của mình bị chui vào bao tử của dân bợm nhậu. Đó là chuyện các con chó "vô danh tiểu tốt" còn những dòng chó thuộc đẳng cấp "quý tộc" như Berger Đức, Phóc hay chó Phú Quốc... thì phải trông chừng gắt gao hơn vì nghe đâu giá một con cún "hàng hiệu" dao động từ 3 cho đến 10 triệu đồng tại Việt Nam.

Thời kinh tế thị trường, sau khi lớp tư bản đỏ trở thành các đại gia, Việt Nam cũng đã có tổ chức một cuộc thi "Miss Dog" nghe đâu cũng được sự ủng hộ của nhiều người. Một nghĩa địa cho chó với kinh phí hơn 4 tỷ đồng đã đi vào hoạt động tại Hà Nội mà người sáng lập đã muốn bày tỏ tình cảm với con vật cưng của mình khi nó lìa đời. Sau đó ông bắt đầu nhận các con Pet khác muốn nằm yên nghĩ tại đây với mức thù lao theo quy định; ông cũng cho xây một đài hỏa thiêu cho chó mèo để phục vụ cho dịch vụ này!

Việt Nam đã chính thức là thành viên thứ 68/70 của Hiệp hội thế giới chó chăn cừu (Berger) Đức WUSV tại cuộc thi Dogshow vào ngày 5/09/2011. Dĩ nhiên đây cũng chỉ co cụm trong phạm vi những con chó của các hàng đại gia hay của giới showbiz Việt mà thôi, vì so với hàng trăm con chó có mặt trong các quán cầy tơ mỗi ngày thì đó chỉ là một con số quá khiêm nhường!

Đã biết bao lần tôi đã tần ngần đứng lại rất lâu ở các gian hàng bán đồ ăn cho Pet mà ngắm nghía những hộp thức ăn đủ màu đủ kiểu thật vô cùng phong phú về thành phần dinh dưỡng được chế biến từ thịt gà, thịt heo, thịt bò và cả thịt turkey nữa, thậm chí có những món cao cấp được người ta bỏ vào các tủ lạnh với hàng chữ quảng cáo "Fresh food" vô cùng hấp dẫn. Những loại này thì khá đắt so với những thức ăn trong hộp hay trong bao. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh ba tôi những buổi trưa hè oi ả đạp vội xe ra chợ mua mớ thịt, cá về kho qua loa cho mấy con chó mèo khi mẹ tôi bị bệnh hay đi chùa xa vài hôm mà thấy thương làm sao ba tôi cùng mấy con Pet của ông!

Mỗi dịp về thăm gia đình ngoài những món quà dành cho người thân tôi cũng không quên mang theo những hộp thức ăn "made in USA" cho các con Pet bên nhà. Mỗi hộp có lẽ là khẩu phần một lần ăn của các con chó Mỹ nhưng ba tôi đã tiết kiệm trộn với cơm để các con chó của mình ăn được nhiều lần, chỉ ít ỏi vậy thôi mà chúng ăn lấy ăn để một cách say sưa đến tội nghiệp. Tôi tin rằng cả đời chúng chắc không có nhiều dịp được ăn những món "cao lương mỹ vị" đến vậy!

Nhiều lần tôi muốn mời ba mẹ sang đây du lịch để tận mắt chứng kiến những văn minh hiện đại ở xứ sở này cùng những sự ưu ái mà họ đã dành cho các con Pet nhưng cứ e rằng ba mình khó có thể nào rời được đám chó mèo của ông để đi xa nhiều ngày như vậy. Nhưng thật bất ngờ làm sao ba tôi đã chấp thuận lời mời của tôi và bảo rằng sẽ cố gắng thu xếp để cùng mẹ tôi thực hiện một chuyến du lịch cuối cùng mà cả đời ông hằng ao ước bấy lâu vì ba tôi đã ngưỡng mộ đất nước Hoa Kỳ này từ những ngày còn mặc áo quân nhân không chỉ vì sự giàu có mà còn vì lòng nhân đạo tuyệt vời của họ nữa!

Tuy nhiên, chuyến du lịch cuối đời của ba tôi đã mãi mãi không thực hiện được vì căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi mạng sống của người! Ba tôi đã từng tự tay mình chôn cất không biết bao nhiêu là con chó, con mèo đã chết vì bệnh tật, vì già yếu trong cái mảnh vườn nhỏ ở phía sau nhà trong suốt bao năm qua và nay đến lượt người vĩnh viễn nằm xuống hoàn tất một kiếp nhân sinh ở tuổi 72. Ba tôi là hình ảnh của một người chồng, một người cha suốt đời tận tụy vì gia đình và là một người chủ hết lòng thương yêu những con vật cưng của mình. Ba còn dạy cho tôi bài học về đức hy sinh, tính chịu thương chịu khó, ông lúc nào cũng nhận về mình phần thua thiệt để vợ con luôn được phần tốt đẹp... Ngày ba ra đi tôi đã không thể nào về được để thắp cho ba mình một nén nhang lần cuối và tiễn người về cõi vĩnh hằng. Nhìn bức di ảnh của ba tôi đặt trước linh cửu và bên cạnh là một con chó lông ngã vàng, đốm nâu đang phủ phục dưới đất với vành khăn tang trắng quấn quanh cổ thỉnh thoảng đưa cặp mắt buồn rười rượi lên nhìn hình chủ mà tôi không thể nào ngăn được dòng nước mắt.

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
20/03/201218:50:50
Khách
Ba của cô rất là tốt, tôi rất thích bài viết nầy của cô. Chúc cô luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,934,416
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.