Hôm nay,  

Tự Hỏi Mình

16/04/202410:31:00(Xem: 1395)

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.

*

 

Sở đĩ tôi tự hỏi về bản thân mình như vậy vì chính tôi cũng không biết tôi thuộc hạng người nào! Bởi kể từ lúc thấu hiểu lời bị chê bai, cho đến tận bây giờ đầu hai ba thứ tóc, tôi vẫn chưa xác định được tôi là ai? Vì thế tôi ghi ra đây vài nhận xét của một số người gần gũi với tôi. Đầu tiên chính là hai đấng sinh thành. Có lẽ mẹ tôi là người la mắng tôi nhiều nhất. Nào tôi là đứa lười chảy thây, không muốn đụng đến móng tay bất cứ công việc gì. Lại còn bao nhiêu thói hư tật xấu khác, như ruột để ngoài da, ham chơi hơn ham học, mặt mày lúc nào cũng túm lại y như cái đít gà, tính tình thì ngang như cua.

Tôi thật cảm phục lối miêu tả gợi hình chính xác của mẹ tôi, vì bà có hơn bốn năm kinh nghiệm lăn lộn với nghề mua đi bán lại gà vịt tại chợ Mỹ Tho.
Đến khi tuổi đời cưng cứng, có vợ có con, có một lần bà vợ hỏi ý tôi:
- "Mẹ" muốn sửa chữa lại căn nhà "bố" nghĩ sao?

Chẳng cần nghĩ ngợi, tôi trả lời ngay:
- Mẹ muốn làm gì thì làm.

Thế là vợ tôi kêu thầy thợ tới sửa nhà. Chuyện đơn giản chỉ có thế. Vậy mà khi mẹ tôi sang nhìn xem căn nhà đang sửa thế nào. Lúc ngồi trò chuyện với cô con dâu, bà lại lôi thằng con trai mình ra chê trách:
- Tao thấy mày bận rộn suốt ngày, nào trông coi thầy thợ, chạy tới chạy lui tìm mua đủ thứ cây ván, gạch đá xi măng, lại phải mau mau về nhà lo cơm nước. Vậy mà tao chẳng khi nào thấy cái bản mặt thằng chồng mày đâu! Hết cắm mặt đọc sách báo, lại nằm dài vặn nhạc lên nghe, hay thiệt đó!
Mẹ tôi mắng chỉ không chính xác chút đỉnh, vì lúc đó tôi đang ngồi gác chân lên bàn xem Thúy Nga Paris By Night. Nhưng cái giọng lanh lảnh rõ mồn một vẫn rót vào tai. Tiếc là tôi không nghe bà vợ trả lời thế nào, lại tiếp tục nghe giọng mẹ tôi to hơn:
- Mày đừng có bênh nó, tao đẻ ra nó chẳng lẽ tao không biết nó hơn mày sao?
Lúc này tivi vừa tắt, tôi nghe rõ ràng giọng bà vợ đùa vui với mẹ:
- Mẹ! Ảnh ở với mẹ có ngoài hai chục năm thôi, còn con sống với ảnh đến giờ gần gấp đôi thời gian của mẹ rồi! Ảnh cũng có thay đổi đó mẹ.
Nghe lời xác nhận như vậy, mẹ tôi vẫn mắng tiếp:
- Cái thằng này nó lười nhớt thây, chắc chỉ có mày mới chịu đựng nó nổi thôi!
Chửi thằng con lớn không tìm được "đồng minh", bà chuyển sang "tông" khác, than phiền tới mấy đứa em tôi, nhưng vợ tôi vẫn cười nhỏ nhẹ giãi bày:
- Mẹ ơi, con thấy mấy đứa em của con, đứa nào cũng giỏi cũng ngoan hết! Mẹ không biết đó thôi, chớ nhiều nhà khác con cái họ hư dữ lắm!

Mẹ tôi lắc đầu nói:
- Tao nói chuyện với mày cũng như không!

Phần bố tôi, có lần ướm thử hỏi cô con dâu:
- Con có sửa được cái bệnh làm biếng của thằng chồng con chưa?

Lần này vợ tôi trở quẻ:
- Dạ thưa bố, chẳng những con không sửa được, lại sanh thêm hai thằng con cũng giống y chang như ảnh nữa bố ơi!

Nói dứt câu vợ tôi cười trừ. Tôi thật không ngờ, chỉ có mỗi một viên đạn bắn ra, bà vợ tôi làm tổn thương ba bố con tôi một lượt!
Nhắc tới chuyện thằng con giống bố, tôi liên tưởng tới lần đưa cả nhà lên thăm gia đình anh bạn trên San Jose, một nơi được ví von là Thung Lũng Hoa Vàng, thành phố có đông người Việt sinh sống nhất hải ngoại. Sau bữa cơm tối, nhìn các cháu lăng xăng phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chén bát, tôi hỏi kiểu móc lò thằng con lớn:
- Con thấy mấy em nhà cô chú có giỏi không con?

Tôi lãnh ngay một cú đá giò lái:
- Dạ chắc tại di truyền đó bố!

Rồi cả mấy đứa em gái cũng "đấu tố" tôi sát ván. Một đứa ghé nhà tôi vào một ngày trời đẹp nắng. Mấy câu chữ này tôi sao chép từ bản nhạc Phượng Buồn của nhạc sĩ Tuấn Hải, mà một số người lầm tưởng tác giả là Thanh Sơn hay Nguyên Vũ. Thấy ông anh nằm dài trên sofa thả hồn theo tiếng hát Lệ Thu, trong lúc bà chị dâu lăng xăng rửa chén bát, nấu ăn dưới bếp. Chẳng những nó không nhận ra cảnh gia đình tôi yên vui đầm ấm, lại bĩu môi hỏi giọng đâm hơi:
- Em không hiểu tại sao chị Hai lại chịu lấy anh Hai vậy?

Tuy tai vẫn lắng nghe bao cung bậc du dương, nhưng chỉ với cái liếc mắt, tôi thấy rõ nụ cười nở trên môi bà vợ đi kèm với cái nhẹ lắc đầu.
Một đứa em gái khác lại mang chuyện "ngày xưa hoàng thị" ra tố cáo ông anh:
- Chị Hai biết hông, hồi nhỏ anh Hai làm biếng ghê lắm!

Giọng nó kéo dài nhằng ra lúc nói tới chữ "làm" với chữ "biếng", rồi mới kể tiếp:
- Em nhớ lần mẹ sai anh Hai rửa chén, ảnh xếp ngửa tô chén đầy dưới sàn nhà bếp, lấy vòi xịt nước lên vài lượt rồi úp hết vô chạn là coi như xong.

Quả tôi không ngờ cái sáng kiến rửa chén bát độc đáo, nhanh gọn ít hao tốn sức ấy chẳng những không được khen ngợi, tán dương lại bị nó chê bai thậm tệ! Vậy mà vợ tôi vẫn đáp lại bằng nụ cười bí hiểm, khó mà diễn tả cho nổi! Vợ tôi nào hay biết, sau lần rửa chén bát kiểu đó, mẹ tôi không bao giờ sai tôi làm việc nhà nữa! Tất cả mọi việc trong ngoài đều giao hết cho chú em kế kém tôi ba tuổi. Chú nhờ siêng năng từ thủa bé, đến khi lớn khôn rất nhiều người ngấm nghé muốn gả con gái cho. Tiếc là chú ấy chỉ được quyền chọn một, và chú thường bị bà vợ ghen tương cự nự hoài, vì cái "tội" siêng năng nên có quá nhiều người thương.

Cô em này còn đem chuyện trong hãng xưởng kể với vợ tôi:
- Chị Hai biết hông, con bạn làm chung một chỗ với em, than thằng chồng nó làm biếng quá cỡ thợ mộc, không chịu phụ nó lo cho con cái, không giúp nó làm việc nhà, chuyện gì cũng một tay nó lo hết! Nó chịu hết nổi nên đã làm đơn ly dị xong xuôi hết rồi! Nghe vậy em liền phân tích cho nó thấy: chuyện làm biếng của thằng chồng mày, đâu có nhằm nhò thấm tháp gì, nếu đem so với ông anh Hai của tao. Mày có biết ổng chưa bao giờ thay tã cho mấy thằng con, chớ nói gì đến chuyện rửa đít cho tụi nó. Nồi niêu, xoong chảo, tô chén, đũa muỗng, ổng chưa chắc biết để ở đâu, nói chi đến chuyện giúp vợ nấu ăn, rửa chén. Ổng y như mấy công tử bột vậy đó, vậy mà bà chị Hai tao chịu nổi, vẫn tỉnh bơ sống hạnh phúc. Tao thấy chuyện làm biếng của thằng chồng mày nhỏ như con thỏ, có đáng gì đâu đến nỗi phải ly dị! Vậy là mấy bữa sau nó nói với em là nó đã rút đơn xin ly dị và làm hòa với thằng chồng nó rồi.

Tôi thật không ngờ cái cố tật làm biếng của tôi lại hàn gắn được một gia đình sắp đổ vỡ. Còn thằng bạn học thân rất thân người gốc Do Thái của đứa con trai tôi, vui đùa thắc mắc hỏi nó:
- Mỗi lần tới nhà mày chơi, hễ vô mùa football, thứ Bảy thì bố mày coi các trận đấu của sinh viên đại học, Chủ nhật thì xem các trận nhà nghề, suốt từ sáng cho mãi đến tận khuya. Hết mùa football bố mày lại xem baseball, basketball, tới giờ ăn thì mẹ mày dọn cơm sẵn ra bàn rồi kêu mày mời ông ấy ra ăn. Ăn xong rồi là bố mày đi nằm ngủ. Chưa khi nào tao thấy bố mày rửa chén, cắt cỏ hay làm vườn giống như bố của tao hết vậy?

Con tôi chỉ thuật lại câu bạn hỏi thôi, chớ không đả động tới điều nó trả lời như thế nào. Nhưng phải công nhận, thằng nhóc con Do Thái này có mắt tinh đời, nhìn rõ mọi chuyện, tả về tôi không sai sót một điểm nhỏ nào.

Nhưng ghi sâu vào tâm khảm tôi nhất lại là lời phê phán của thằng bạn thân thời đi học. Tôi với nó học chung lớp những bốn năm liền. Hai năm lớp Tám và lớp Chín, hồi đó gọi là Đệ Ngũ với Đệ Tứ, tại Lasan Thánh Giuse Mỹ Tho. Suốt hai năm học, nó thuộc hạng đứng đầu lớp, tôi thì chuyên môn đội sổ. Vì thuộc hai đẳng cấp khác nhau, tôi với nó chẳng mấy khi trò chuyện. Đến năm lớp Mười và Mười Một, hai đứa cùng giã từ vùng đồng bằng sông nước, lên miền Cao nguyên theo học nội trú tại Lasan Ban Mê Thuột, bây giờ tỉnh thành này đổi là Buôn Ma Thuột. Sống nơi Buồn Muôn Thuở lẫn Bụi Mù Trời, thêm phần chẳng quen biết ai, hai đứa tự dưng sáp lại gần nhau như thân thiết từ lâu, nhờ vậy cái buồn sống xa nhà vơi đi chút đỉnh. Tôi với nó nói kể cho nhau nghe đủ mọi thứ chuyện, từ trong trường ra tới ngoài phố, luôn chuyện riêng tư lẫn gia đình. Cho đến một hôm lúc chỉ còn hai đứa ngồi trong lớp học, nó đến bên tôi, chậm rãi nói như nhấn từng tiếng một:
- Kể từ bữa nay, tao xác nhận, tao xem mày là thằng bạn thân nhất của tao.

Câu nói bất ngờ ấy làm tự ái tôi bị va chạm! Tôi định hỏi lại xem từ mấy tháng nay nó coi tôi là cái thứ gì? Song thấy mặt nó quá nghiêm trang, tôi lại ngồi im. Rồi qua lời nó kể, tôi mới rõ hoàn cảnh nông dân nghèo của ba má nó ở tuốt luốt tận Cà Mau. Nó lôi từ trong hộc bàn ra đưa cho tôi xem hình từng người trong nhà. Ngày hôm đó con tim thằng con trai mới mười bảy là tôi chợt rung động, khi nó trao tấm hình con em gái nó ra trước mặt cho tôi xem. Ánh mắt, làn môi, nụ cười đó làm con tim tôi bối rối, đập loạn nhịp.

Rồi đến năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mấy câu chữ này là sự thật cuộc đời tôi, chớ không phải ăn cắp lời bài hát Biển Mặn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Mà lòng thì chưa hề yêu ai, ngoài việc để ý tới con em gái của nó. Vài ngày trước khi khăn gói lên đường vào Quang Trung nhập ngũ, tôi rủ nó ra quán Bạch Đằng góc đường Pasteur - Lê Lợi vừa ăn kem vừa ngắm thiên hạ dạo phố. Lúc vét gần hết phần kem đựng trong trái dừa, tôi ngước nhìn nó, một chút bối rối thoáng qua, rồi mới thổ lộ:
- Tao yêu em gái mày.

Câu nói tuy ngắn ngủn nhưng toàn lời chân thành! Tôi phải thu hết can đảm, đắn đo suy nghĩ không biết bao nhiêu ngày mới dám thốt ra. Tiếc thay được đáp lại bằng sự lặng thinh. Nó tảng lờ như không nghe gì, miệng mồm im thin thít, cái đầu không gật mà cũng không lắc. Tôi hơi quê, chỉ còn nước ngồi trơ mặt ra đó. Tôi dự tính sẵn, nếu nó ủng hộ và tiếp tay tác hợp mối lương duyên, tôi sẽ tập tành gọi nó bằng anh, không thì cứ mày tao hoài, đâu có chết thằng Tây con Đầm nào! Với lại tôi đã mấy lần biên thư và được em gái nó trả lời rồi. Tuy chưa nói tiếng thương hay tiếng yêu nào, nhưng tôi thấy như vậy cũng quá đủ với tôi vào lúc đó.

Mãi sau này tôi mới hay, nó biên thư về tận Cà Mau báo cho em gái với luôn ba má nó biết: Cái thằng đó làm biếng thầy chạy luôn! Thích ngủ hơn thích làm, áo quần thì lôi thôi lếch thếch, tóc tai bờm xờm không chịu chải. Bởi loại ngôn từ chuyên phê phán này đã trở thành điệp khúc, lập đi lập lại bên tai tôi quá nhiều lần rồi, tôi chẳng buồn cũng chẳng ngạc nhiên. May mà con em gái nó không nghe lời khuyên của thằng anh. Nếu không thì đến giờ phút này chắc tôi vẫn phải sống cu ki một mình. Vì ai mà chịu chung chăn chung gối với một thằng lười nhớt thây như tôi.

Nhưng nghĩ cho cùng tôi phải cám ơn nó. Không! Giờ tôi phải gọi là anh Hai. Và tôi cũng không được phép trách phiền hay hờn giận gì một người đã diễn tả hết sức trung thực về bản thân tôi cho cô em gái nghe, để dựa theo đó chọn lựa đúng tấm chồng. Tôi cũng không rõ, chơi với bạn rồi “dê” em gái bạn có phải là hành động tội lỗi chăng? Nhưng tôi cần phải cám ơn anh Hai. Cuộc đời tôi chắc chắn sẽ đổi khác, nếu ngày đẹp trời hôm đó, anh Hai không đưa cho tôi xem tấm hình em gái của anh Hai.

Nếu xét riêng vài khía cạnh nào đó, bản chất vợ chồng tôi như đối nghịch nhau. Một người bình tĩnh hầu như không biết nổi giận, nhẹ nhàng, đảm đang, Một người nóng nảy, lè phè, lượm thượm, vì vậy những năm tháng đầu chung sống, đôi lần vợ tôi cằn nhằn bảo tôi giúp làm việc này, cần sửa đổi tính nết nọ. Nhưng nói với tôi y như nước đổ đầu vịt, có sửa chăng cũng chỉ được vài lần rồi mọi chuyện lại vũ như cẩn, nói lái thành vẫn như cũ. May mà vợ tôi sớm nhận ra, nói mãi mỏi miệng, gia đình lại xào xáo, nên để mặc tôi muốn làm gì thì làm, không hờn, không giận, không than, không trách. Áo quần tôi thay ra vứt bừa bãi, bà tự động nhặt bỏ vào thùng rồi mang đi giặt. Ăn uống xong tôi không dẹp, thì bà đem chén bát đi rửa. Bà còn can đảm tình thật, không móc méo nói thẳng với tôi:
- Từ nay em chịu thua anh rồi, em để anh tự do luôn, muốn làm gì thì làm!

Sự chiều chuộng lẫn câm nín này cũng làm thay đổi phần nào con người tôi. Đôi lần tôi cũng phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi nhà tắm, giặt thảm, hút bụi, để thấy đôi nụ cười thoáng trên mắt trên môi bà vợ.

*
Nhớ lại hồi mới sang Mỹ, tôi may mắn được nhận vào làm tại một hãng xưởng chuyên sản xuất cơ phận thuộc ngành hàng không và không gian. Làm độ ngoài chục năm, hãng tổ chức một ngày "Open House". Hôm đó cánh cổng hãng mở rộng, đón mọi người vào viếng thăm nơi làm việc của thân nhân mình. Lúc tôi đưa bà vợ tới giới thiệu với ông xếp cũ, tôi chưng hửng khi nghe ông khen ngợi tôi bằng một câu hỏi:
- Bà có biết ông chồng bà là một trong số vài người siêng năng nhất của hãng không?

Kể từ sau lần nghe câu nói đó, tôi hay tự hỏi mình: tôi là người siêng năng hay lười biếng? Nghĩ đến hai sự đối nghịch sống chung trong một con người này, thường đưa tôi quay về với năm tháng chân ướt chân ráo mới định cư tại Mỹ. Lúc đó tôi đang ở độ tuổi tràn đầy sức sống, muốn làm thật nhiều để mau ổn định lại cuộc sống. Vì vậy tôi chưa hề lắc đầu từ chối mỗi khi được xếp hỏi làm thêm giờ. Nói theo ngôn ngữ hiện giờ của người trong nước hay đi xuất khẩu lao động là làm tăng ca. Suốt gần chục năm liền, mỗi ngày tôi thường làm việc mười hay mười hai tiếng, đôi khi cả mười bốn hoặc mười sáu tiếng, làm luôn thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày lễ, nên vợ tôi không cần nghĩ tới việc xin đi làm. Từ đó gia đình tôi có được nếp sống theo khuôn mẫu khi xưa, chồng ra bên ngoài kiếm sống, vợ ở nhà lo việc nội trợ, chăm nom con cái.

Trong những ngày miệt mài làm việc, tôi nhận ra phần nào sự khác biệt về cách suy nghĩ lẫn lối sống của vài người chung quanh. Một anh bạn người Mễ tính tình cởi mở, thân thiện, cuối tuần hay tụ họp người thân, bạn bè kéo nhau ra công viên ăn uống, ca hát, nhảy múa, còn đồng hương tôi phần đông đều cần cù, siêng năng, xếp hỏi làm thêm giờ chẳng mấy khi lắc đầu. Vì thế chỉ chừng vài ba năm sau ai cũng mua được nhà riêng, sắm xe đẹp. Ngược hẳn lại với anh bạn người gốc Ái Nhĩ Lan, tôi chưa khi nào thấy anh gật đầu nhận làm thêm giờ, mặc dù đồng tiền hàng tuần lãnh về anh phải tính toán chi li: Tuần này sẽ ký trả tiền điện nước, tuần sau mua vé dẫn con đi Disneyland, tuần sau nữa đưa cả gia đình đi ăn buffet.

Tôi nhớ có lần đã hỏi anh:
- Cuối tuần nghỉ ở nhà anh làm gì?

Mặt anh sáng lên trả lời:
- Mấy ngày đó tôi bận rộn lắm, nào phụ bà xã lau chùi hút bụi nhà cửa, giặt giũ quần áo, cắt cỏ, trồng rau, trồng hoa, tưới cây ngoài vườn.

Nghe anh nhắc toàn mấy chuyện hiếm khi tôi đụng tay vào. Tôi tự hỏi, chỉ cần vài giờ làm thêm thôi, anh có dư tiền trả công cho người khác làm thay thế anh tất cả mấy công việc đó, mắc mớ gì anh phải nhúng tay vào! Tôi nhẩm tính trong đầu, nếu mỗi tháng anh chỉ cần làm thêm một ngày thứ Bảy và Chủ nhật nữa thôi, thì anh đâu cần bận tâm tới mấy việc ký các hóa đơn, đưa con đi chơi hay ra nhà hàng ăn uống!

Tôi còn một anh bạn làm chung người gốc Pháp, cũng thuộc hạng dứt khoát chỉ làm đúng bốn mươi tiếng một tuần. Một hôm hai đứa tôi gặp nhau nơi phòng đợi một ngân hàng, anh thân mật hỏi tôi:
- Anh ra đây vì việc gì vậy?

Tôi đáp:
- Hỏi vay tiền mua xe, còn anh?

Anh đáp:
- Tôi hỏi vay hai ngàn để có đủ tiền chi xài cho kỳ nghỉ thường niên sắp tới.

Rồi anh hào hứng huyên thuyên kể về bao dự tính: Anh sẽ bay qua thành phố biển Miami thuộc bang Florida. Để đón chuyến Cruise (du thuyền) chở cả ngàn hành khách, lênh đênh trên Đại Tây Dương, sau đó tàu băng ngang kênh đào Panama để sang Thái Bình Dương rồi trở về lại San Diego.

Tôi chau mày nghĩ ngợi: Vay tiền để đi chơi? Quả đây là lần đầu tôi hay biết một chuyện lạ lùng như vậy! Tôi chợt nghĩ thêm: anh cần chi phải vay tiền? Anh chỉ cần làm mười giờ mỗi ngày, thêm tám tiếng hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, làm liên tục vỏn vẹn bốn tuần lễ thôi, anh sẽ dư tiền để tiêu xài trong suốt chuyến đi. Nghĩ đến đó tôi chỉ biết lắc đầu trước sự việc xin vay mượn để có tiền đi chơi này!

Cho đến một ngày kia tôi chợt tỉnh, không suy bụng ta ra bụng người nữa, và lần hồi nhận ra: Hai anh bạn làm chung với tôi, một anh đang tận hưởng cuộc sống vui thú điền viên bên vợ bên con, bên vườn hoa luống rau,… ngay từ lúc đang ở tuổi làm việc, mà chẳng phải đợi đến khi nghỉ hưu. Một anh không để lãng phí một ngày giờ nào trong cuộc sống. Ngoài tám tiếng làm việc mỗi ngày ra, còn lại toàn những giờ khắc thảnh thơi, rong chơi nhàn tản. Thời gian là tiền bạc, điều đó không sai nhưng thời gian cũng là những giây phút bên nhau, cùng ngắm hoa nở, mây bay, nghe chim hót ngoài vườn. Hạnh phúc của các anh là những gì đơn sơ, tầm thường, mà đồng tiền chỉ hỗ trợ phần nào chớ không giải quyết được tất cả.

Điều tôi suy ra đó, đúng sai, thích hợp hay không đều tùy thuộc mỗi người. Nương theo chiều hướng đó tôi nhìn lại chính mình. Tôi tập tành bớt gật đầu mỗi khi xếp hỏi làm thêm giờ. Nhưng từ suy nghĩ tiến tới hành động cũng chẳng dễ dàng gì! Bài học lắc đầu đơn giản đó tôi học cả năm trời mới bắt chước làm theo nổi. Để từ từ tôi nhận ra thời gian thảnh thơi cũng quý giá chẳng khác chi đồng tiền.

Từ ngày có thêm thời gian sống riêng với vợ, với con, với người thân bè bạn tôi cũng nhìn lại căn bệnh làm biếng trầm kha của mình, cho dù chẳng mấy ai nhắc đến nó nữa. Nhân chuyến vợ chồng tôi đưa nhau sang Mexico City, thủ đô nước láng giềng bên cạnh nước Mỹ. Đó cũng là lần đầu tôi thuê nơi ở theo lối Airbnb, giống như thuê một căn hộ riêng. Ở nơi đây ngoài những tiện nghi không khác gì khách sạn ra, lại có thêm bếp núc, chén bát, nồi niêu xoong chảo để khách tự nấu ăn.

Chuyến đi này tôi muốn đền bù lại phần nào sự lo lắng chiều chuộng tôi, suốt bao nhiêu năm dài của bà vợ. Tôi muốn hoán đổi vị trí. Tôi sẽ là người nội trợ, nhà tôi sẽ đóng vai trò của chính tôi. Tới bữa sẽ có người dọn cơm, bưng nước, ăn uống xong có người đem đi rửa, quần áo thay ra có người giặt giũ, ngủ thức dậy có người dọn dẹp gối chăn.

Nhưng mọi dự tính của tôi đều không thành, bởi vừa thấy tôi cầm cái đĩa lên định rửa, vợ tôi liền đứng dậy bảo tôi:
- Thôi thôi, "bố" để "mẹ" rửa cho, nhìn bố đứng rửa mẹ không quen mắt. Từ đây về sau mỗi khi ăn uống xong, bố phụ với mẹ bưng chén bát ra bồn cho mẹ rửa là mẹ vui lắm rồi.

Thế là sau chuyến đi ấy, hai chúng tôi vẫn không thay đổi được gì cho nhau. Tôi vẫn là tôi, vợ tôi vẫn là vợ tôi. Tôi thiển nghĩ, mỗi nhà mỗi nếp, mỗi người mỗi cách nhìn, làm thế nào để cuộc sống lứa đôi bền vững hạnh phúc? Đó là điều mỗi người phải tự tìm ra cho mình. Phần tôi, tôi biết, tôi là người có quá nhiều khiếm khuyết, lại may mắn tìm được "nửa phần kia", chấp nhận mọi điều bê bối, chây lười, bừa bộn, để tôi có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cám ơn bà vợ đã đồng hành cùng tôi! Từ nay sẽ không bao giờ tôi tự hỏi xem: Tôi là người làm biếng hay siêng năng? Ai phán xét tôi là hạng người nào, tôi chỉ biết cười, bởi dù thế nào đi chăng nữa, tôi không thể biến thành một con người khác được.

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
18/04/202413:39:08
Khách
Bà vợ ông này là nguời hiếm có, xin chúc mừng ông thật may mắn. Phần đông các bà siêng năng làm chuyện nhà nhưng hay cằn nhằn than thở, và có khi chê bai chồng mình, it ai co' đuợc thái độ cao qúy bao dung cho chồng như bà này. Phần đông các ông ra nuớc ngoài sống chịu ảnh huởng Tây đều giúp vợ làm việc nhà nhu nấu ăn, đi chợ, giặt giũ, thay tã, trông con, làm vuờn, sửa nhà.
18/04/202408:21:28
Khách
Minh rất thích đọc những bài viết của Tác Giả. Rất hay và thực tế. Mong thia việt thêm nhiều nữa để có bài cho đọc gia xem. Cảm ơn Tgia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 110,203
29/04/202413:34:00
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
26/04/202400:00:00
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
25/04/202409:09:00
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
23/04/202409:05:00
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
19/04/202400:00:00
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
18/04/202411:38:00
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
12/04/202400:00:00
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
11/04/202410:53:00
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
09/04/202400:09:00
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
05/04/202400:00:00
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.