Hôm nay,  

Cuối Năm Nhớ Nhà

28/02/201200:00:00(Xem: 38079)

Bài số 3497-12-289547vb3022812

Trương Ngọc Anh tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên. Với bút hiệu Ngọc Anh và bài viết bài “Tiểu Hợp Chủng Quốc” cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2002. Từ nhiều năm qua, Ngọc Anh là tác giả rất được quí trọng trong các sinh hoạt chung của Việt Báo và Việt Báo Online. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012.

***

Đi làm cả năm cũng thấm mệt nên nhân dịp lễ Tết cuối năm người nhà mời, cô Tư khăn gói lên đường một chuyến nghỉ ngơi.

Chuyến bay dài hơn ba tiếng đồng hồ đi từ một thành phố luôn ồn ào náo nhiệt tới một thị xã nhỏ, buồn hiu, nằm lọt giữa những cây cối rậm rạp cao ngất như rừng. Ngôi nhà cũng nhỏ bé nằm gọn ở cuối con đường, chiếm một góc nhỏ của chu vi vòng tròn ở giữa là bùng binh, nơi có ba cây phong đang đổi màu đỏ tươi thật đẹp.

Không gian chung quanh quá đổi lặng lờ rất ít tiếng động ngoại trừ tiếng xào xạc của lá trong gió. Buổi sáng mưa tuôn xối xả một trận đón chào cô Tư. Tiếng mưa xen lẫn sấm chớp làm nhớ những cơn mưa vùng NC xanh lá năm xưa. Ngồi cạnh cửa sổ lớn ở phòng khách nhìn mưa, Cô Tư buâng khuâng nhớ. Những năm đầu tiên xa quê hương cô Tư thường khắc khoải nhớ nhà. Nhà đó là nhà cô Tư đã lớn lên cùng với ba má, mấy chị em, ngôi nhà kỹ niệm tuổi thơ bên kia, xa ngút tầm mắt bên kia bờ biển Thái Bình Dương.

Những ngày mới qua, đi làm, con nhỏ Á đông ngồi may nhỏ xíu lọt giữa đống vải may mền khổng lồ, mấy người bạn mới cứ đoán tuổi "trông như mới mười lăm". Mặc dù cô Tư lúc đó đã đậu hai tú tài, đang là sinh viên trường Luật năm thứ hai với biết bao mộng thắm bên kia nửa vòng trái đất. Vậy mà thời gian như nước chảy qua cầu ký ức, mới đó, mái tóc đã phải thường xuyên nhuộm che phần muối ngày một nhiều hơn tiêu.

Cô Tư ngồi ngắm mưa, rồi lại nhớ tiếp, đôi mắt bâng quơ dõi theo chú sóc nhỏ đang chuyền trên lan can.

Bây giờ nhớ nhà không còn thuần là nhớ ngôi nhà bên kia Thái Bình Dương nữa vì có còn đâu mà nhớ. Cô Tư vẫn thường nghe mấy người bạn đồng nghiệp cũng như mấy người bạn trên phố ảo kể nhau nghe về một Saigon bây giờ rất xa lạ. Ngôi nhà xưa không còn. Người ta xây lấn lề đường chằng chịt, không còn dấu tích nơi thênh thang tuổi nhỏ cô Tư tung tăng lượm từng bông me nhỏ xíu xỏ chỉ làm vòng tay đeo. Lề đường rộng minh mông, trải đầy mặt đường những hoa nắng lung linh soi từ hai hàng me giao đầu nhau che mát cả con đường. Cô Tư cũng gần như quên ngôi trường mẹ, nơi cô đã tung tăng áo trắng tiểu thơ. Bây giờ ngôi trường xưa không còn là trường nữ lừng danh Saigon nữa mà lung tung nam nữ học chung. Cô Tư còn nhớ vị Hiệu trưởng năm xưa đã bị bãi nhiệm vì chống đối lại lệnh của bộ Quốc Gia Giáo dục, không chấp thuận chuyện mở thêm lớp đêm để giúp học trò có thêm lớp học.

Cô Hiệu Trưởng sợ chuyện đi học ban đêm sẽ làm cho nữ sinh có thể dễ hư hỏng. Vậy mà ngày nay biến thành một ngôi trường rất hỗn tạp mất đi nét đoan trang cổ kính. Riêng tên trường cũng khiến cô Tư nổi nóng. Trường xưa không còn nữa, nhớ lại cô Tư buồn lắm. Bạn bè cô Tư biết ý, có về thăm, chụp cho cô ít hình cũng né tránh lá cờ đỏ, và né luôn bảng tên trường. Tấm hình do đó méo mó tội nghiệp. Vậy mà cô Tư nhìn hình sơ qua, rồi cất vô ngăn tủ, không dậy chút luyến tiếc.

Ừa, tại tánh cô hoài cỗ. Nhớ trường xưa, cô Tư ưa dở từng trang học bạ ố vàng. Rờ cái bìa ni lông bọc bên ngoài, giữ cho những chữ in vẫn còn rõ nét dù thời gian qua quá lâu, hơn bốn chục năm rồi. Cuốn Học Ba khổ lớn, bên trong, ngay trang bìa là tấm hình thẻ học sinh khổ nhỏ, đen trắng, một khuôn mặt ngó "khờ câm". Từng năm, nét khờ dại từ từ thay đổi cho tới học bạ năm lớp đệ nhị, rồi đệ nhứt, đã thấy khuôn mặt thiếu nữ tươi xinh.

Cô Tư quí mấy cuốn học bạ nầy lắm, thử xem trong đám bạn bè bây giờ cùng Hội hiệu đoàn , có ai còn lưu giữ được. Mai mốt mình đem bán đấu giá chơi . Cô Tư bật cười . Chưa chắc à, cô Tư đời nào bán kỷ niệm.

Lá rơi từng cánh rơi từng cánh

Cô Tư dời ra sân khi cơn mưa tạnh. Góc sân sau ngôi nhà, nằm trên lầu là một ban công vuông nhỏ, vừa đủ kê cái bàn hình chữ nhựt với sáu cái ghế, trên có mái che mát. Từ góc sân nầy cô Tư thường ngồi uống cà phê mỗi buổi sáng, khi người nhà đã đi làm.

Chuỗi thời gian nghỉ phép sau một năm dài bận bịu với đám học trò, sao mà nhàn quá sức. Nhàn tới nỗi cô Tư muốn bay trở về với công việc hằng ngày đầy năng động. Bầu trời hôm nay nặng nề những đám mây trắng xám lổn ngỗn chen lấn nhau xuôi nhẹ theo hướng gió.

Lá vàng rơi từng cánh xoay tròn như những kỷ niệm rơi rớt theo thời gian.

Tự nhiên cô Tư thèm nghe lại một bản nhạc Việt.

Hôm soạn vali lên đường cô dự tính nhét theo vài băng nghe chơi, nhưng thay vì nhét băng nhạc, cô lại nhét cuốn phim Đại hàn chị ba mới vừa cho mượn, kèm theo câu nói "Hay lắm đó, coi lẹ rồi chuyền cho tụi nó…"

Cô Tư mỉm cười, nhà đông chị em quá mà, chuyền hết từ má xuống tới tám đứa hỏng uổng tiền mua. Mỗi băng có một đồng bạc, mua nhiều còn được tặng thêm rẻ rề, coi đã đời. Nhưng ngồi đây, giữa rừng Humble im lìm lặng lờ, cô Tư không muốn coi chút nào mà lại thèm nghe một giọng hát Việt nam mỗi ngày cô vẫn nghe khi lái xe đi làm.

“Thu đi cho lá vàng rơi, Lá rơi cho đám cưới về…Cô Tư hát nho nhỏ. Lại một cơn gió nhẹ, đưa mấy chiếc lá vàng rời khỏi cành quấn quít đùa trong gió trước khi nằm yên trên bãi cỏ vẫn còn xanh, dưới vuông sân nhỏ phía dưới. Cô Tư lại nhớ hình ảnh một đám cưới thật đẹp trong sân chùa mà cô từng chứng kiến.

Năm đó, cô Tư học lớp đệ tứ trường GL, năm đầu tiên lên lớp sáng.

Cô Tư nhỏ con nên năm nào cũng được ngồi hàng đầu trong lớp, thường gọi diễu "xóm nhà ngói", đối ngược những bàn ở mấy dẫy cuối lớp, là "xóm nhà lá". Ngồi bàn đầu sợ thấy bà, sợ Thầy Cô chạm mặt kêu lên bảng, hôm nào không thuộc bài thì hồi hộp muốn chết! Vậy mà suốt bảy năm trung học, cô Tư bị ngồi bàn đầu đều đều.

Ba năm đầu cô Tư học lớp chiều, còn cột hai tà áo dài chơi nhẩy dây với bạn ở sân vận động sau trường, nơi có tráng xi măng. Năm đệ tứ, tự nhiên trở thành thục nữ, điệu đà và mơ mộng. Mấy năm học đầu tiên gây dấu ấn mạnh mẽ nhất trong đời học sinh của cô Tư. Cô mê mấy Thầy Cô dạy môn văn chương hết biết. Năm đầu cô học cổ văn, ca dao tục ngữ, văn chương bình dân, rồi thơ qua Chinh Phụ Ngâm khúc, Cung Oán Ngâm khúc, cô giáo bắt tập tành xếp chữ làm những bài thơ Đường cổ kính. Cô bắt đầu tập làm thơ. Cô Tư được nhồi nhét vào đầu kiến thức thơ văn rất nhiều từ những câu ca dao tục ngữ mộc mạc từng miền qua tới những áng thi văn lãng mạn với tình yêu đôi lứa. Cô Tư biến thành một thiếu nữ lãng mạn yêu mê chữ nghĩa đắm chìm trong thế giới thi văn phong phú. Hầu như tất cả sách trong thư viện trường, cô Tư đều đã đọc.

Năm đó, cô Tư học trên lầu hai, mặt cửa sổ ngó qua chùa XL, đưòng Bà Huyện Thanh Quan. Đây là con đường thật đẹp, thường thanh vắng vì gần đó có ngôi nhà thương lớn, bảng cấm bóp còi xe khi ngang đoạn đường nầy. Hai bên đường là hai hàng cây sao cao ngất ngưỡng quanh năm che mát. Mùa trái sao rụng, hai cánh sao xoay tròn trên không như những trái cầu, sáng loang loáng trong nắng, nhìn rất vui.

Từ cửa sổ lớp ngó ra là lầu hai của chùa XL. Cô Tư ưa đứng tựa cửa sổ ngó qua bên chùa, trong giờ nghỉ, để nhìn trời xanh xanh, nếu mấy đứa bạn không kéo xuống phòng hiệu đoàn mua đồ ăn vặt. nên đã tình cờ chứng kiến một đám cưới đẹp quá trời.

Đám cưới diễn ra trên sân lộ thiên của chùa, với rất đông người lố nhố . Nhìn rõ là cô dâu , trong bộ áo cưới màu hồng, và chú rể nghiêm trang trong quân phục màu trắng mà cô Tư nghĩ chắc chú rể là một người lính Hải quân. Dù chỉ ngó xa xa thôi mà cô Tư vẫn còn nhớ khung cảnh diễm ảo của đám cưới trong sân chùa và lòng thiếu nữ dậy lên mơ ước.

Tiếng chuông chùa Xá Lợi đã theo cô Tư suốt bảy năm dài, nhẹ nhàng thanh thoát.

Buổi sáng sớm khi mặt trời còn ngủ, nhiều khi cô Tư còn được ngắm vầng trăng mờ nhạt nữa, trong sân chùa sương còn ướt đẩm mặt ghế đá là chỗ ngồi của cô Tư. Ở đó cô Tư ôn lại bài chờ cửa trường mở. Thưở đó cô Tư đi học bằng xe đưa rước của trường vì nhà ở xa quá. Chỗ ngồi của cô Tư là chiếc ghế đá cạnh bên cây bông sứ trắng rất thơm vào giấc sáng.

Có một thời gian cô Tư phải ngồi ở bực thềm chùa, không được vô sân , vì có Thầy bên chùa qua than phiền nữ sinh vô chùa thường ngắt trộm bông hoa trong chùa nên cô Hiệu trưởng cấm học trò vô sân chùa. Cô Tư đã bực tức lũ bạn học phá phách đó rất nhiều làm cô Tư mất đi sự thanh tịnh để học bài.

Nhớ tới đây cô Tư lại bật cười vì nhớ thêm chuyện ngồi ở bực thềm chùa nầy mà có một bữa cô Tư và mấy bạn đã xách cặp chạy tán loạn vì thấy "thằng cha khốn nạn" dám tụt quần ngay đó cho nữ sinh coi chơi. Nghe tụi bạn nói có đứa đã gọi báo cảnh sát rồi nên sau đó nữ sinh yên ổn ngồi chờ cổng trường mở.

Dù cho cuộc đời có kéo cô Tư chạy theo chóng mặt, những phút giây yên tĩnh hiếm hoi cô Tư vẫn như nghe lại tiếng chuông chùa thanh thoát.

Lại một trận gió thổi ù qua, mang theo rất nhiều lá vàng quay tròn trong ánh nắng rất vàng.

Hôm nay nắng ấm và đẹp hơn hôm qua, hình như ở đây có một loại bông anh đào lạ, cô Tư mới thấy lần đầu, lúc dạo quanh hàng xóm. Bông có cánh rất nhỏ tí ti, màu hồng rất đậm. Đang nở rộ là Lilac hương thoang thoảng hai bên con đường nhỏ, là Rhododenren nhiều màu sắc, loại mau tàn, lác đác trên mấy hàng rào là "hài tiên" vàng rực, là iris tím mộng mơ đang lấp ló, là muôn ngàn bông hoa khoe sắc tỏa hương.

Mùa nầy, bông cúc đã gần tàn Hai bụi hồng tí ti , 12 bụi cẫm chướng đỏ và 8 bụi pence người nhà trồng đang bắt rể nhập cuộc với thế giới sắc hương sau mấy trận mưa xuân. Những chiếc lá vàng cuối cùng đang rơi rụng để mầm non lộc mới nẩy ra.

Cô Tư yêu bông hoa và luôn ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của màu sắc.

Lúc cô đi bộ ra hồ vào buổi sáng sớm, băng ngang đường, thoang thoảng một mùi thơm rất dịu dàng rất quen thuộc, cô đã quay đầu cố tìm té ra là một hàng hồng vừa hé nở hai màu vàng đỏ chen nhau.

Mái tây hiên nguyệt gác chênh vênh

Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ

Trong đầu cô Tư bổng bật lên câu thơ xưa nhớ từ hồi còn đi học

Bông hồng và dogwood đang khoe sắc hương.

Lại một trận gió thổi ngang. Hai cây thông cao lớn ở góc vườn vẫn đứng yên vững chãi mà cây liễu ở giữa lại run rẩy những cành nhánh theo đủ chiều gió lao xao uốn lượn. Nhìn cây liễu xao động, cô Tư lại nhớ một ngôi nhà khác.

Nhà nầy ở tiểu bang NC. Nơi gia đình cô Tư sống quay quần gần nhau, đầu thập niên 80's.

Nhớ cây liễu xanh đứng bên cạnh hồ trên con đường nhỏ quanh co từ nhà cô Tư qua nhà chị Ba, nằm trong một khu nhà đài các, thành phố Wingate, dân số đâu chỉ năm ngàn người. Hồi đó mới xa quê hương 5,7 năm, nỗi nhớ nhà còn thôi thúc mãnh liệt lắm. Vào mỗi buổi chiều sau bữa ăn, cô Tư thường thả bộ qua nhà chị Ba, rủ nhau qua nhà em Năm, rồi mấy chị em và má cùng thả bộ, ngắm mấy ngôi nhà vĩ đại dọc theo đường.

Ở đây mực sống phẵng lặng hiền lành. Rất nhiều nhà thờ và cuối tuần cả thành phố không bán rượu bia.

Những ngôi nhà vĩ đại bền chắc nhưng kiến trúc thô sơ, không có những nét thơ mộng hay huyền ảo như những kiểu nhà của người Pháp hay người Tây ban nha. Thường nhà hai từng lầu, hình chữ nhựt, nằm ẩn mình sau những tàng cây Dogwoood.Vào đầu mùa xuân bông Dogwood nở trắng xóa cả con đường thơ mộng, những ngôi nhà sơn trắng lấp ló bên trong tàng cây mờ ảo như trên mây. Cô Tư chưa từng thấy nơi nào đẹp một vẻ thanh tân như vậy. Cảnh trí của thị trấn nhỏ nầy nhiều nơi đẹp không ngờ. Những buổi chiều êm đềm của gia đình cô Tư là nhìn ngắm những ngôi nhà đồ sộ cô Tư nhận diện từ sách chuyện Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind) mà cô Tư từng mê say trong tủ sách của thư viện trường GL.

Trên con đường đó có lần cô Tư bắt gặp cây liễu xanh thật cao, đứng im lìm bên hồ nhỏ xanh mát, đong đưa trăm nhánh buông rũ xuống gần sát mặt hồ. Mấy chị em đã đứng lặng, hỏi nhau:

- Phải cây liễu hông?

- Ừ, cây liễu đó.

Lưu lạc quê người, thấy cây liễu mừng như thấy lại quê hương.

Sau nầy về sống ngay thủ đô tị nạn, thấy cây gì cũng có mặt, từ tre trúc, mai, điệp, bằng lăng, trâm bầu, vông đồng, bạch quả, khuynh diệp, cho tới liễu xanh xanh. Kể chi tới trái cây nhiệt đới mít xoài sầu riêng hồng ổi lê táo đều có mặt xum xuê. Trên con đường nhỏ quanh co lặng lờ xinh đẹp của thị trấn Wingate, cô Tư đã sống lại cả một thời mới lớn mê văn chương. Từ năm đệ tứ, trường đã bắt đầu dạy môn văn chương ngoại quốc, những áng văn thơ hay được tha hồ đọc, mà nhà văn Hoàng Hải Thủy là người phỏng dịch sát nghĩa linh động nhất.

Những năm đầu thập niên 80's cô Tư còn khắc khoải nỗi nhớ nhà. 

Ở chỗ làm, cô Tư có cái bàn làm việc ghép cây ván thô sơ, công việc của cô là kiểm soát những hàng may hư. Giờ nghỉ giải lao cô Tư thường mở máy cassette cũ xì ra, nghe nhạc vàng.

Cô Tư mang theo được vài băng nhạc mà cô quí hơn vàng ngọc. Mấy băng nhạc nầy giá trị quả là hơn cả bạc vàng. Lúc đó hãng cô Tư làm có bảo trợ vào Mỹ một số thanh niên Việt độc thân vượt biên đa số qua ngã Miên vô đất Thái. Nghe nói hiểm nguy nhiều phần chết ít phần sống. Giờ giải lao cô Tư thường để nhạc cho mấy thanh niên tụ lại nghe, để rồi nhiều người rơi nước mắt. Đồng trang lứa, cô Tư hiểu nỗi buồn của bạn cũng là của mình. Ai nói con trai không khóc chớ cô Tư thấy mấy thanh niên nầy khóc hoài, cho nên cô thương họ. Ai không vác trên vai cha mẹ anh em bỏ lại, ai không mang nặng theo một bóng hình.

Không có mới lạ.

Mấy năm sau nầy người ta thu lại, sản xuất dĩa nhạc vàng nhiều lắm, cô Tư cũng thu mua từng băng nhạc đủ những giọng ca ngày xưa cô từng mến mộ như Lệ Thu, Thái Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Khánh ly, Trần Thiện Thanh, Elsic Phương đễ dành.

Cảm thương cảnh cô độc của những thanh niên nầy, gia đình cô Tư hay tổ chức nấu nướng ăn uống chơi ngày cuối tuần cho vui. Mấy chị em ra sức nấu những món ăn Việt, và mời các đồng nghiệp đồng hương tới ăn, và ca hát với nhau rất vui. Trong số bạn bè có hai vợ chồng chị Nguyệt. Chị Nguyệt không con nên thảnh thơi lắm. Điểm đặc biệt là chị ca vọng cổ thiệt mùi và uống rượu bia không ngã suốt đêm, đám thanh niên thua xa. Chị hút thuốc, uống bia và ca vọng cổ mùi rệu cho đám xa nhà khóc cho vui.

Lúc đó, ăn món ngon còn nghẹn ngào khi biết bên kia đại dương dân mình không có gạo ăn.

Cũng trong thời gian nầy, em kế Năm ngọ có bầu đứa con thứ hai cứ chiêm bao hoài. Chiêm bao thấy đi thấy lại một cảnh nhỏ em họ lạnh và đói, đòi ăn thịt heo quay. Không biết có phải nó bị ám ảnh chuyện gia đình má Năm mất tích trên biển Đông. Trời ơi, sống ở chỗ khỉ ho gà gáy nầy thịt heo quay đâu mà cúng, nên Năm ngọ đành tự mình kiếm cách làm. Quay được cái đùi heo cúng kiếng đàng hoàng cho gia đình má Năm, nó hết chiêm bao.

*

Trời đã đầu xuân mà gió nhiều quá, tướt hết lá vàng mùa đông còn sót trên cành khô queo.

Cô Tư lấy cây chổi, quét quét, để bớt suy nghĩ.

Mảnh sân vuông phía dưới như rung rinh trong nắng Xuân. Xong sạch sẽ, cô Tư vô nhà lấy hột pecan bẻ nhỏ, rải dọc theo lan can, để mời mấy con sóc tới chơi. Rồi để sẵn máy chụp hình, ngồi chờ chị em nhà sóc tới ăn sáng.

Nhìn hàng cây cao thưa lá…Cô nhớ, những ngày mùa đông lạnh lẽo, có tuyết rơi, những năm đầu tiên trên xứ Mỹ. Đêm trước Giáng sinh cô Tư nghe tiếng gõ cửa. Mở ra thì thấy đoàn người áo quần đẹp đẽ đứng sẵn đó, thấy cô Tư mở cửa họ mỉm cười, rồi cùng hòa ca một bái hát mừng Giáng sinh. Dù không hiểu rõ lời ca của họ, lòng cô Tư cũng thấy thật ấm áp.

Cô Tư đã đứng ngẩn ra, ngạc nhiên, rồi thích thú. Những khuôn mặt hồng lên vì lạnh, những ánh mắt hòa dịu vui tươi, giọng ca đều nhịp vang lên như đuổi xua mùa đông giá. Ca xong, họ chúc mừng Giáng Sinh rồi trở lui, qua nhà bên cạnh.

Cô Tư kể chuyện cho mấy người bạn mới nghe, có người còn không tin, nói giống như chuyện đời xưa. Thiệt mà, tiếc là bây giờ không còn thấy cảnh đó nữa!.

Mới đó mà cô Tư sống xa quê hương đã gần bốn chục năm trời.

Nỗi nhớ nhung khắc khoải bị thời gian bào mòn dần đi, như những tờ lịch mỏng dần từng ngày. Thời gian sau nầy cô Tư nhớ những chuyện trên xứ người nhiều hơn. Ai trách xa mặt cách lòng cô Tư đành chịu.

Bây giờ, cô Tư chỉ còn nhớ lõm bõm những câu ca dao thời đi học, Ừa, thì ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Cây trồng năm xưa nuôi cô khôn lớn dạy dỗ có kiến thức vào đời không thua kém người trang lứa cô không hề quên. Cây trái người nuôi thế hệ thứ hai, thứ ba sống trong không khí tự do no ấm cô Tư mang ơn.

Cô Tư không còn mơ ước ngày trở về quê xưa nữa vì cô biết có trở về, cũng chỉ là kẻ mộng du, đi ngoài xã hội.

Ở đây cô bận rộn hơn, mỗi năm ăn tới hai cái tết là tết tây và tết ta. Hồi còn làm chỗ cũ, cô còn được ăn tết Trung đông nữa.

Cô Tư cười mình ên, nhớ ra tết tây vừa qua, tết mình đang chộn rộn sửa soạn. Cô ngồi giữa rừng Humble mà nhớ quá trời quá đất Tiểu Saigon đang đón năm con rồng sắp tới. Tiểu Saigon của cô Tư nắng mới ấm lòng lắm, không giá buốt như ở đây. Cô nhớ những bảng hiệu dọc hai bên đường đầy những tên Việt, nhớ khu chợ đông đúc người ra vô mà ngày nào cô cũng ghé qua khi mua bó hành củ tỏi, khi ba ly chè ngọt ngào. Cô nhớ hình ảnh người thầy tu ôm bình bát khất thực trước cửa chợ giấc sang sớm, chân không bước những bước A Di Đà Phật nhẹ nhàng, nhớ cái nhố nhăng lường gạt của cô sư mặc áo lam quanh năm trụ ngay cửa chợ ôm thùng tiền "lạc quyên" cho túi tham không đáy. Nhớ cái cậu tre trẻ, ngồi bên hông chợ, cầm tấm bảng "vừa ở tù ra, không nơi nương tựa".

Quê mình bây giờ là đây, ngay xứ sở tạm dung hơn ba mươi năm nay, chớ đâu nữa. Cô Tư mong đợi hết ngày nghỉ để bay trở về thủ đô tị nạn của cô, để ăn cái tết thứ 36 ở xứ người mà là nhà mình.

Trương Ngọc Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,311,204
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.