Hôm nay,  

Đi thăm chiến hạm USS Abraham Lincoln

23/08/201100:00:00(Xem: 165224)
Đi thăm chiến hạm USS Abraham Lincoln
Tác giả: Nguyễn Khánh Vũ
Bài số: 3335-12-28564vb3082311

Nguyễn Khánh Vũ là kỹ sư điện toán cho một công ty bên Arizona. Ông đã gửi nhiều bài viết tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004 đến nay. Bài viết kỳ này giới thiệu một chuyến đi thăm chiến hạm USS Abraham Lincoln thật vui của gia đình. Mong tác giả tiếp tục viết.

***
Thật đúng câu "đi một ngày đàng, học một sàng khôn"như ông bà mình nói. Không biết tôi có học nổi một sàng khôn không nhưng với tôi đong đầy được một đấu cũng đã là vui lắm rồi. Và chuyến đi thăm hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln là một trong những lần "đi học" mà tôi muốn chia xẻ ở đây.

Thứ Sáu ngày 29 tháng 7
Vô trang điện toán tại địa chỉ http://www.navyweek.org/losangeles2011 để biết rõ lịch trình các chiến hạm sẽ mở cửa cho dân chúng vào thăm, rồi vô Google map để tìm đường đi, tôi lên kế hoạch và tuyên bố chắc như bắp dự tính của mình cho chuyến đi với cả nhà. "Mình chỉ mất chừng 35 phút thôi. Theo Google map, mình sẽ lấy xa lộ 405 North rồi chuyển sang 710 South, qua khỏi cầu Thomas Vincent là tới. 10 giờ thì họ mở cửa cho vào xem, vậy chừng 8 giờ 15 phút mình rời nhà, tạt qua tiệm food-to-go mua một ít đồ ăn rồi lên đường là vừa. Đến sớm vừa mát mẻ, vừa ít người, đỡ phải chờ đợi, dự trù trường hợp kẹt xe nữa." Cả nhà tỏ vẻ hài lòng vì sự tính toán kỹ lưỡng của tôi. Sau bữa ăn chiều, tôi cẩn thận kiểm tra lại chiếc van Ford Windstar, coi xăng còn đủ không, bánh xe có mềm quá không, rửa xe cho sạch sẽ, rồi gắn lên cái GPS và chọn sẵn địa chỉ cần thiết. Tối đến, sau khi cho mấy nhóc con đi ngủ, tôi nạp lại mấy cục pin cho máy chụp hình, máy quay phim, in ra cái bản đồ Google phòng hờ, rồi lại mày mò trên các trang điện toán tìm hiểu thêm về những chiến hạm mà mình sẽ thăm, trang bị cho mình một số thông tin, chuẩn bị một ít câu hỏi để có hỏi cũng không hỏi những câu "cù lần" quá.

Thứ Bảy ngày 30 tháng 7
Tôi có thói quen không thể ngủ nướng cho dù là cuối tuần hay đang nghỉ phép. Khoảng hơn 5 giờ sáng tôi đã thức, loay hoay kiểm tra mọi thứ để tránh sự cập rập không cần thiết trước lúc lên đường. Gần 7 giờ 30 phút là tôi và bà xã đã hối thúc mấy nhóc con thức dậy. "Ba, còn sớm quá Ba, con đang nghỉ hè mà!", cô con gái tôi cằn nhằn trong cơn ngái ngủ. "Dậy đi con, hôm nay mình đi San Pedro coi tàu, nhớ không"", tôi khẽ nhắc. "Christine, wake up! We're gonna be late!", thằng bé em nó nhảy đùng đùng trên giường của chị. Hối thúc từng hồi như vậy mà cũng phải đến gần 9 giờ cả nhà mới yên vị trên chiếc van. Trước khi leo lên freeway trực chỉ San Pedro, tôi cho xe ghé qua tiệm bánh trong khu chợ Mỹ Thuận, mua vài ổ bánh mì cho các vị người lớn, vài cái pâté chaud, mấy cái bánh giò cho tụi nhóc con. Tôi cũng không quên mua hai ly cà phê để sẵn sàng tấn công cơn buồn ngủ nếu có và giữ cho mình tỉnh táo khi lái xe.
9 giờ 15 phút chúng tôi rời Little Saigon. Sau khi lấy freeway 22 East, chuyển qua 405 North, rồi lại tiếp tục lấy 710 South, tôi đi chỉ mất chừng 30 phút. Khi thấy cầu Thomas Vincent xa xa, nhìn đồng hồ khoảng 9 giờ 45 phút, tôi phấn khích tuyên bố "Chắc chắn mình là những người đầu tiên lên thăm hàng không mẫu hạm hôm nay!". Mấy nhóc con hòa theo "Yeah! Yeah!". Nhưng "niềm vui chưa tầy một gang", đúng như ông bà xưa có nói. Khi còn khoảng 500 thước cách chân cầu tôi hết hồn khi nhìn thấy một dòng xe ngoằn ngèo nối đuôi nhau nhích từng chút một. Hơi quê quê vì mới mạnh miệng tuyên bố, tôi nói bâng quơ "Chắc cũng không lâu đâu, mất chừng 15 phút thôi. Qua khỏi cầu là tới rồi!". Miệng nói vậy nhưng trong bụng tôi cứ đánh lô-tô. Dòng xe như một con rắn dài vô tận bò từ chút một. Chốc chốc lại có những bác tài mất kiên nhẫn tìm cách đổi làn xe nhưng đâu cũng vào đấy. Đã thế, lâu lâu thằng bé con lại hỏi "Ba, chừng nào mình tới, Tin muốn đi tiểu"". Tôi cứ phải tìm cách trả lời cho qua mà cứ áy náy, tội nghiệp thằng bé. Và cuối cùng đúng 1 tiếng 12 phút chúng tôi qua được cầu. Nhìn đồng hồ gần 11 giờ, tôi lại tìm cách trấn an mọi người, "hôm nay họ mở cửa cho vào thăm đến 4 giờ lận, đừng có lo!". Rời khỏi freeway, theo hướng dẫn của GPS tôi tìm cách quẹo vào đường Front St. để đi vào cảng nhưng thật thất vọng, con đường này đã bị đóng và một cảnh sát viên yêu cầu chúng tôi quẹo qua đường khác. Và trước khi tôi có thể hỏi vài câu, đèn xanh đã bật lên, thế là tôi phải nối đuôi theo dòng xe phía trước. Vừa chạy vừa dáo dác nhìn hai bên đường tìm nơi đậu xe, tôi đã phải chạy qua khoảng 5 hay 6 ngã ba gì đó lại mới thấy một số cảnh sát viên đang hướng dẫn xe cộ đi vào một bãi đậu xe khác. Khi chiếc van của tôi đã yên vị, thì kim đồng hồ đã chỉ 11 giờ 25 phút. Bà xã tôi đề nghị "mình kiếm chỗ nào cho tụi nhỏ đi restroom, ăn gì đó một chút, rồi hãy đi tiếp. Tụi nhỏ cũng đói rồi." Tranh thủ lúc bà xã lo cho tụi nhỏ ăn uống, tôi chạy ra ngoài nghe ngóng. Khi nhìn thấy một dòng người đi ngược lại, và nhận ra nỗi thất vọng trên mặt họ, tôi vội vàng hỏi thăm một bác người Việt Nam, "Bác đi thăm chiến hạm hả Bác"". Bác lắc đầu "Có vô được đâu Cậu. Họ ngưng cho vô rồi vì đông quá!". "Ủa, sao kỳ vậy, họ nói cho vô thăm đến 4 giờ chiều lận mà"", tôi thắc mắc. "Thì cũng nhiều người chất vấn họ như Cậu vậy nhưng họ nói số người xếp hàng bên trong đã vượt quá dự tính rồi", Bác thở dài.
Mấy nhóc con nhao nhao phản đối khi nghe tôi thông báo tình hình. "Thôi mình đưa tụi nhỏ đi chơi vòng vòng ở đây, chứ hổng lẽ lên đến nơi rồi đi về", tụi tôi bàn với nhau. Tại đây, du khách có thể tìm thấy nhiều bảo tàng viện như LA Maritime Museum ghi lại lịch sử phát triển của cảng, Fort Mac Arthur Museum cung cấp thông tin về vai trò của quân đội trong việc phòng thủ vùng duyên hải. Du khách cũng có thể ngồi thưởng thức các màn múa nước miễn phí trong tiếng nhạc rộn rã, được thực hiện trên một hồ nhân tạo khá lớn, rất thú vị. Riêng mấy nhóc con của tôi thì rất vui thích khi chúng tôi leo lên chiếc xe điện chạy dọc theo cảng, đi qua lại giữa LA Maritime Museum, Ports O' Call, và Fisherman's Wharf, mà không chịu xuống. Thật khoan khoái và nhàn nhã khi ngồi lắc lư trên chiếc xe từng là phương tiện giao thông công cộng giữa San Pedro và Los Angeles trong thập niên 1920. Tuy nhiên với tôi, thích nhất là được leo lên tàu chạy dọc theo cảng. Có rất nhiều dịch vụ cho thuê tàu hay chuyên chở du khách tại đây. Giá cả cũng phải chăng. Người lớn họ lấy $12, trẻ em dưới 12 tuổi thì $6, còn quí vị cao niên được bớt $2. Vừa lái tàu, người tài công kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu với du khách những nơi tàu chạy qua. Thằng bé con lâu lâu lại phấn khích la lên khi nó khám phá được điều gì đó, khi nhìn qua ống nhòm "Wow, Ba coi kìa, fireboat. Trường Tin có đi field trip ở đó rồi!". Con nít bên này sướng thiệt, chả bù với tôi hồi đó, tuổi thơ chỉ gắn với những điều vô bổ, dối trá, như kế hoạch "vĩ đại" của Đảng và Nhà nước - "thi đua lượm giấy vụn xây đoàn tàu Thống Nhất", hay với những nhân vật "lịch sử" đậm chất nhồi sọ, giả dối - "Lê Văn Tám cuội, cây đuốc sống" hay "Tô Vĩnh Diện, lấy thân chèn súng" hoặc "Bế Văn Đàn, lấp lỗ châu mai"! Khi tàu chạy ngang qua nơi Abraham Lincoln đang neo đậu, nhìn từ bên dưới lên, chiến hạm trông như một tòa nhà khổng lồ, cao hàng chục tầng nổi lên giữa mặt biển. Mọi người ai cũng trầm trồ, chỉ trỏ bàn tán và chúng tôi nhìn nhau tiếc nuối vì đã lỡ mất cơ hội lên thăm. "Ngày mai mình sẽ không đi chơi Disneyland như dự định mà Ba sẽ đưa mình quay lại thăm tàu, tụi con chịu không"", bà xã tôi "dụ khị" mấy nhóc con. Và trong sự ngạc nhiên của tôi, cả hai chị em đồng thanh la lên "Yeah, con chịu".

Chủ Nhật ngày 31 tháng 7

Với kinh nghiệm "đau thương" đã có, mới 8 giờ 25 phút chúng tôi đã boong boong trên freeway hướng về San Pedro sau khi ghé qua đón Ba Má tôi bên nhà cô em, đi cùng. Vì tính chất "quan trọng ngàn năm có một", bà xã tôi cũng đã gọi điện thoại rủ thêm gia đình một người bạn. Lần này chúng tôi vượt qua cầu Thomas Vincent chỉ trong 5 phút, đậu xe xong là đồng hồ chỉ 9 giờ 10 phút. Và từ nơi đậu xe, mọi người phải đi bộ vào cổng chính của cảng. Nhiều người đi như chạy, trong số đó có bà xã tôi "Để em đi trước xếp hàng, anh đi sau trông chừng tụi nhỏ, nhất là Tin, nó chạy lung tung quá, cứ đi từ từ với Ba Mẹ". Nhìn cô nàng đi thoăn thoắt do có thói quen chạy bộ mỗi ngày, tôi cười thầm trong bụng. Tôi vừa đi vừa nhắc chừng thằng bé khi nó nhảy hay leo trèo trên những chiếc ghế đá đặt dọc theo con đường. Nhìn Ba Mẹ tôi đã ngoài lục tuần nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn, tươi cười trò chuyện với cô con gái lớn, tôi rất mừng. Lâu lâu tôi lại nhận được một cú điện thoại từ bà xã "mọi người đi tới đâu rồi anh, ráng đi mau một chút, bên trong này cũng đông nghẹt rồi đó!". "Ừ ừ. Nhưng nếu có gì, em cứ vô xem một mình, trong trường hợp họ không ngưng cho vô bên trong như hôm qua. Ý mà anh đang giữ bằng lái xe của em!", tôi trả lời. "Thôi thì mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên nha", tôi cười qua điện thoại.
Thật may mắn, cuối cùng, sau khoảng 20 phút đi bộ chúng tôi cũng vào được bên trong. Và đã có hàng ngàn con người, trong đó có bà xã tôi và gia đình người bạn, đang rồng rắn xếp hàng chờ xe buýt đưa vào nơi hàng không mẫu hạm đang neo đậu! Không ai được phép tự lái xe vào bên trong cảng vì lý do an ninh. An ninh dầy đặc, từ cảnh sát hướng dẫn xe cộ và người đi bộ từ bên ngoài vào bãi đậu xe, đến lực lượng cảnh sát bảo vệ cảng với các chú cảnh khuyển rải khắp nơi từ cổng chính vào đến nơi được dành riêng cho du khách xếp hàng. Nhìn lên các tòa cao ốc xung quanh, người ta có thể dễ dàng nhận ra lực lượng an ninh với súng và ống nhòm quan sát. Và để bảo vệ các chiến hạm, lực lượng tuần duyên trên các tàu cao tốc chạy vòng vòng cũng với đủ loại súng ống. Chẳng những vậy, tất cả mọi người, không ai được phép mang túi xách to và người lớn hơn 18 tuổi đều phải xuất trình thẻ căn cước. Kiểm tra an ninh tại đây gợi nhớ đến hình ảnh tại các phi trường trên khắp nước Mỹ sau vụ 9/11. Nhưng kỳ lạ một điều là tất cả những biện pháp an ninh này hoàn toàn không đem đến cho tôi hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình một cảm giác khó chịu hay sợ hãi, nhưng ngược lại rất an tâm, bình yên. Những quân nhân này đúng là những chiến binh mang trên vai trọng trách "bảo quốc, an dân". Nhìn họ mà tôi thấy mắc cỡ cho quân đội "nhân dân" Việt cộng, không biết họ núp hay thập thò ở đâu trong khi ngư dân Việt hàng ngày phải đối mặt với những người "đồng chí 16 chữ vàng như ... nghệ" trên biển Đông. Hàng ngàn con người vui vẻ nối đuôi nhau, râm ran chuyện trò mà không cần một ai hướng dẫn, người sau tiếp bước người trước. Chẳng hề có cảnh chen lấn, xô đẩy. Cũng không nhìn thấy cảnh xả rác, khạc nhổ, hay nghe thấy những tràng tiếng Đức hay Đan Mạch dù mọi người phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ xếp hàng dưới cái nắng nóng của buổi trưa hè. Nắng có nóng, trời có oi bức nhưng khi nghĩ đến những chiến binh đang ngày đêm gian khổ ngoài chiến trường Afghanistan hay Iraq, cho tôi và mọi người được bình an vui hưởng một ngày hạnh phúc với nhau, tôi cảm thấy hết sức trân quí sự tự do, bình yên mà mình đang có.
Trời hôm đó thật đẹp và lòng mọi người cũng vui, riêng tôi đã có cơ hội được chuyện trò cùng Ba tôi. Tôi hỏi ông cụ về đủ thứ chuyện, từ nhận định tình hình chiến sự tại Trung Đông, vần đề tài chánh, nợ nần của chính phủ. Và rồi câu chuyện lại hướng về Việt Nam, về biển Đông, về những cuộc xuống đường chống Tàu cộng, về những vụ xét xử, bắt bớ những nhà đấu tranh trong nước. Tôi thiết nghĩ, nỗi ưu tư về tiền đồ của cha ông, sẽ chỉ dừng lại khi mình chết đi, cho dù mình đang sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.
Những quân nhân và ngay cả trung tá hạm phó của chiến hạm đã đến chào đón, nói chuyện với du khách như đón những người thân yêu đến nhà với nụ cười luôn nở trên môi. Những quân nhân này đã trở thành những siêu sao màn bạc khi du khách không ngừng yêu cầu được chụp hình chung với họ để làm kỷ niệm. Tôi cũng có may mắn được chụp hình với một nữ đại úy với thật nhiều huy chương trên ngực áo. Cô thật thân thiện, dễ mến, ân cần giải thích những thắc mắc của chúng tôi. Cô đã để lại trong chúng tôi những tình cảm khó quên được.
Sau khi yên tâm thấy Ba Mẹ tôi, bà xã và cô con gái đã tìm được chỗ ngồi trên chiếc xe bus chật kín người, đưa chúng tôi vào nơi neo đậu của hàng không mẫu hạm, tôi và thằng bé con lui ra phía sau đứng, nhường chỗ cho những quý vị lớn tuổi hay quí bà, quí cô. Nhìn mặt ai cũng hớn hở, vui tươi khi ngồi trên chiếc xe bus to, mát lạnh sau nhiều giờ xếp hàng ngoài nắng. Mất khoảng 10 phút thì chúng tôi vào đến nơi, và khi nhìn thấy một hàng dài người xếp hàng nữa, nhiều vị đã thốt lên "oh, my goodness!". Thằng bé con thì thích lắm khi nhìn thấy những chiến binh với súng ống khắp người, oai phong đứng hai bên, vừa hướng dẫn du khách, vừa phải quan sát xung quanh. Tất cả điện thoại, đồng hồ, dây thắt lưng phải tháo ra để trên những khay nhựa trước khi đi qua cổng kiểm tra, tuy nhiên không phải cởi giầy như tại các phi trường. Trong khi đang loay hoay giúp đỡ Ba Mẹ tôi, tôi nghe một giọng nữ nói tiếng Việt "Hai Bác và anh vui lòng đi qua bên này cho đỡ đông người". Thật không thể tả nổi sự ngạc nhiên và niềm vui trong tôi khi nhìn thấy một nữ chiến binh người Việt nơi đây. "Chị là người Việt Nam"" tôi lúng túng hỏi và khẽ chạm vào vai chị với tất cả sự tự hào, quí mến. "Dạ, tôi là người Việt Nam", chị trả lời. Nếu không vì lý do an ninh và sự bận rộn ở khu vực này, tôi chắc chắn đã xin được chụp hình cùng chị. Thế mới thấy, hạt giống tốt trên mảnh đất màu mỡ của tự do và công chính đã nảy sinh những trái lành như nữ chiến binh Việt này, Elizabeth Phạm - "the miracle woman", nữ đại úy lái F18 hay nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh - "the bomb lady", cũng như biết bao những vị anh thư khác.
Vì đã có may mắn một lần thăm chiến hạm USS Midway neo đậu tại San Diego, theo tôi, có thể nói hàng không mẫu hạm này quá vĩ đại. Nó như một phi trường nổi trên đại dương với diện tích khoảng 4.5 mẫu Anh, sử dụng năng lượng hạt nhân, thuộc thế hệ Nimitz. Một chiếc đại kỳ được treo ngay khoang chính của con tàu như thể hiện sự kiêu hãnh về sức mạnh hải quân Hoa Kỳ. Nhân viên kỹ thuật chia thành nhiều nhóm giới thiệu những thiết bị và vũ khí sử dụng trên con tàu, đồng thời giải đáp các thắc mắc của du khách. Các cậu bé tỏ ra rất thích thú xếp hàng chờ được mặc thử bộ đồ lặn của lực lượng người nhái. Hai chiếc thang máy khổng lồ, hàng ngày được dùng để đưa phi cơ từ tầng hầm lên boong tàu, đã đưa chúng tôi cùng hàng trăm khách một lúc, lên xuống một cách mau chóng và nhẹ nhàng. Thật thú vị khi được biết mỗi ngày chiếm hạm này tiêu thụ hết 900 gallons sữa, 600 pounds rau quả, và cung cấp 250 lượt cắt tóc cho quân nhân và nhân viên. Nó thể tạo ra một lượng điện đủ cung cấp cho 100,000 căn nhà và mỗi ngày có thể lọc được 400,000 gallons nước biển để sử dụng. Đứng trên một hàng không mẫu hạm tối tân giữa biển trời lộng gió bên những người thân yêu nhất, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và thầm cám ơn Thượng Đế đã cho tôi và gia đình đến sống và xây dựng lại cuộc đời trên đất nước vĩ đại này.

Và tôi chắc, sẽ lâu lắm tôi mới có thể quên được chuyến viếng thăm vì mỗi ngày luôn có người nhắc tôi nhớ đến chiến hạm vĩ đại này. Số là tôi có mua làm kỷ niệm một chiếc mũ có thêu cờ hiệu dành cho vị chỉ huy con tàu và một cái ly lớn có in hình và số hiệu con tàu và thằng bé con chỉ trừ lúc nó đi ngủ thì chiếc mũ mới rời khỏi nó. Nhìn thằng bé đội mũ chỉ huy, ngồi nhâm nhi nước táo trong chiếc ly lớn đó, tôi cười thầm với mình "Một chỉ huy hạm đội Việt Nam tương lai trấn giữ biển Đông đây sao" Đâu biết được!".

Viết xong ngày
17 tháng 8 năm 2011
Nguyễn Khánh Vũ

Ý kiến bạn đọc
31/08/201116:08:11
Khách
Một ký sự khích lệ tuyệt vời. Chân thành trân qúy nhiệt tình của người viết....
À !! chừng nào mình mới được phép thăm quang đại hạm "Thi Lang" ??????.

Việt - Oklahoma City.
25/08/201100:08:00
Khách
Bài viết rất hay. Cám ơn tác giả.
25/08/201111:09:56
Khách
Very touchy story! Cám ơn tác giả. Chúng tôi có dịp viếng chiếc tàu Vandegrift ở cảng Saigon năm 2004, sau 29 năm Saigon sụp đổ lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ cho tàu Navy vào VN. Và tôi được dịp viếng chiếc tàu Gary ở Sihanoukville in Cambodia năm 2008. Hai chiếc tàu nầy không thể nào so sánh được với chiếc Lincoln, nhưng chúng tôi rất hảnh diện và vui mừng khi được dịp viếng thăm hai chiếc tàu nầy. Cũng như bao như bao nhiêu chiếc tàu khác, các thuỷ thủ trong tàu tiếp đải quan kách rất nhiệt tình. Vì gia đình làm cho bộ ngoại giao nên chúng tôi được hân hạnh dùng cơm trên tàu. Tôi còn được hân hạnh có được hai chiếc áo polo của hai vị captain chiếc Vandegrift tặngg làm kỹ niệm. Tôi sẽ giử hai chiếc áo nầy cho đến ngày tôi mất và mong gia đình sẽ chôn chung chúng với tôi.
Cám ơn tác giả lần nửa.

Tuyết Mai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,773,036
Nhạc sĩ Cung Tiến