Hôm nay,  

Huyền Thoại Mẹ

06/05/201100:00:00(Xem: 165405)

Huyền Thoại Mẹ

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3187-28487 vb6060511

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể về cuộc đời của anh, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả tại cuộc họp mặt 10 năm Viết Về Nước Mỹ 2000-2010. Hiện Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố và tiếp tục học chương trình cao học. Sau đây là bài viết mới của anh nhân dịp Mother’s Day

***

Huyền thoại mẹ - Đó là thế giới thiêng liêng lắng sâu từ các thi sĩ, văn hào cho đến những con người bình thường cổ cày vai bừa, từ các bậc vua quan cho chí đến thường dân, không ai là kẻ chẳng nghĩ về người mẹ với tình cảm nồng nàn thẳm sâu chân thành nhất.
Sau đây là câu chuyện về Mẹ của một người bạn do chính anh kể lại...
. . .

Hồi nhỏ, giữa thời kỳ khó khăn vất vả túng bấn nhất, nhà nào cũng thiếu thốn, trẻ con trong làng chẳng mấy đứa được đủ ăn. Nạn đói phủ trùm lên khắp thôn làng, tiếng gà gáy nghe như chúng đang lén lút, sợ sệt. Những bát cơm độn sắn, hạt gạo quá thưa không đủ sức xúm vào cõng nổi những miếng sắn nước; thành ra những miếng sắn thái vuông phải quay lại cõng gạo.
Trong cái thôn xóm đói khổ ấy, có người đàn bà mặc áo vá, nhưng tóc tai vẫn buộc chải gọn gàng. Thím ngồi bên bậu cửa nền đất. Trên tay thím là bát cơm độn sắn. Bâu quanh thím lố nhố năm đứa trẻ mặt mũi xám xịt. Líu ríu như một đàn chích non, mồm há rõ to, tranh nhau chiêm chiếp kêu trước một con sâu quặp trong miệng con chích mẹ.
- Cơm của anh em bọn tao. Không phải cơm của anh em nhà mày. Về nhà chúng mày hết đi. Không cho mày sang đây ăn rình cơm của anh em bọn tao nữa. –
Một đứa trẻ xô một đứa trẻ khác bé hơn. Đứa trẻ bị xô đôi mắt câng lên. Nó không thể bỏ đi được trong lúc này. Bát cơm độn sắn kia như có một lực hút nam châm thật lớn trong khi nó chỉ là một cây đinh sắt han rỉ.
- Không xô đẩy em như thế, con. Thím – người đàn bà chải tóc gọn ghẽ ấy nói với đứa trẻ hung hăng kia.
- Về nhà bảo bố bọn mày đút cơm cho bọn mày. Cơm này là cơm của bọn tao. Không phải là cơm của bọn mày. – Vừa nói, thằng bé càng hung hãn táo tợn hơn với một cú đẩy mạnh, tung vào ngực đứa trẻ hàng xóm.
Đứa trẻ bị đau bật khóc. Nó mồ côi mẹ. Lúc nào cũng chực tủi thân. Mồm nó há to. Những miếng sắn nhai dở chưa kịp nuốt, trộn lẫn với nước bọt nhão nhớt. Đôi mắt nó nhìn người đàn bà, nửa như cầu cứu, nửa như muốn cáo buộc được minh oan, nửa như tìm một sự chở che thân thương của tình mẫu tử.
- Quân! – Người đàn bà đặt bát cơm xuống rồi phát cho thằng con ngỗ ngược một cái thẳng tay. – Mẹ dạy con phải biết nghe lời chứ. Cơm đầy cả bát đây. Ăn hết, mẹ lại xúc tiếp. Mẹ nói con phải biết vâng lời chứ! Tại sao con xấu vậy. Tại sao con không biết nhường nhịn chia sẻ với người khác, hả Quân!
Thằng bé bị mẹ phát cho một cái thật lực vào mông, đau và oan ức, nó bỗng òa lên khóc. Thế là hai thằng bé cùng khóc òa một lượt. Những đứa trẻ khác chẳng hiểu sao bỗng bật khóc theo, tranh nhau rống lên, ra truyện càng khóc tợn, càng to mồm, càng tốt. Cảnh tình bỗng nhiên hỗn độn như một đàn ri vỡ tổ.
Cơ mà lạ đấy. Những đôi mắt ướt nhoèn. Nước mắt ậng ra là rất thật. Thế mà thìa cơm đưa ra trước miệng, chúng vẫn tranh nhau há rộng. Vẫn nhai. Vừa nhai, vừa khóc. Nhưng rồi vị giác nhanh chóng khiến chúng quên hết mọi chuyện. Ban đầu chỉ là ngậm sắn thôi. Sau đó chúng từ từ nhóp nhép nhai. Bát cơm độn tinh sắn trên tay người đàn bà vơi dần. Bắt đầu thấy có đứa trẻ chán cơm quay ra cấu chí lẫn nhau. Có đứa đã thấy mải chơi không chịu nhai cơm nữa. Có đứa nhè miếng sắn sượng ra. Thế mới biết bọn trẻ chẳng bao giờ mặn mà với sắn nước. Bĩ cực lắm chúng mới phải nuốt. Bữa cơm đút từng thìa chung theo kiểu xoay vần ấy cuối cùng đã xong.
Những buổi chiều sau đó người đàn bà ngồi đút cơm cho bầy trẻ chẳng thấy chúng xô đẩy chỉ trỏ nhau nữa. Có khi là cơm độn ngô, có khi cơm độn khoai, có khi là cháo cám, loãng lền lõng bõng. Họa huẫn cũng có bát cơm trắng, thảng hoặc lại có cả lưng chè đỗ đen. Người đàn bà vẫn cần mẫn đút cho mỗi đứa một thìa. Lần lượt như thế. Thỉnh thoảng thím múc cho mình miếng khoai bị rím, hay khúc sắn bị xơ, có khi thím mút cái xương cá rô gỡ ra cho trẻ khỏi bị hóc…
Thời gian trôi đi. Đời người như que củi. Lửa bén mãi nên phải ngắn dần. Thằng bé ngỗ ngược hôm nào cuối cùng lâm vào cảnh trôi sông lạc bến. Âu cũng bởi miếng ăn, bởi sinh nhai, bởi lý tưởng… Cứ như thể hoàn cảnh bao giờ cũng thừa mứa những câu chuyện nghịch cảnh, éo le.
Cuộc đời cuối cùng đã tách biệt hắn với mẹ. Người ta gọi hắn là Việt kiều. Còn mẹ hắn, người trong làng vẫn gọi là bà Hai. Mấy đứa em của hắn cũng có cơ man nào lý do để biện bạch cho những trễ nải những lần về thăm mẹ. Tuồng như trong cuốn nhật ký của mỗi đứa con, rất nhiều đoạn chúng đã tự thẹn với lòng (vì không thể chu toàn, dù chỉ là một chút mảy may hình thức) với bổn phận đạo hiếu của một người con vẫn còn cha mẹ.
Một lần dẫn hai đứa con về thăm bà nội, hắn nhìn mẹ, những sợi tóc bạc phất phơ trên mái đầu nhưng mẹ, tuy vẫn buộc chải nhưng đã kém phần gọn gàng của thuở xưa. Hắn nhìn thấy dử đã đóng trên mắt mẹ. Thời gian là một gã hóa trang rất tệ, gã chỉ giỏi trong việc thóa mạ những đường nét thanh tao trên khuôn mặt con người. Nhưng gã bất lực trong việc tẩy xóa nét đẹp thiêng liêng của chân dung khối tình mẫu tử.

Hàn huyên bao điều cũ mới, những câu chuyện cứ thế dẫn dắt, cuối cùng hắn hỏi:
- Mỗi lần nhà có công chuyện, ai giúp mẹ vậy"
- Thì thằng Hiểu chứ ai. Có nó, mẹ đỡ biết bao nhiêu.
Ah. Thằng Hiểu. Cái thằng hồi nhỏ hắn đã tung vào ngực nó một cái trong lúc mẹ đút cơm chung cho cả bầy trẻ. Thằng Hiểu với con em của nó là cái Biết; chiều nào hai đứa cũng kéo qua bên nhà hắn ăn chực cơm. Nhà tụi nó nghèo độn thổ. Ngèo kiết xác mồng tơi hột. Hai đứa tụi nó mồ côi mẹ. Cảnh tình vì thế càng thương tâm hơn rất nhiều. Dĩ nhiên hồi còn nhỏ, hắn đâu nhận ra những điều đó.
Bất chợt hắn nghĩ đến điều mà hắn suy nghĩ suốt bao nhiêu năm mà không có dịp hỏi. Đó là chuyện về cử chỉ mẹ đút cơm chung cho hai anh em thằng Hiểu bao giờ cũng là một nghịch lý. Giờ thì hắn lần dở ra câu hỏi ấy:
- Mẹ ơi. Hồi đó mẹ nghĩ sao mà nhà mình thiếu thốn. Tụi con cũng đói lả, vậy mà mẹ vẫn đút cơm của tụi con cho anh em thằng Hiểu với con Biết là sao vậy mẹ"
Mẹ gãi lưng cho con gái hắn, y như cách mẹ gãi lưng thời hắn còn nhỏ. Con bé đã thiu thiu ngủ trên lòng bà nội. Giọng mẹ hắn chầm chậm, ân cần:
- Thì mẹ biết là tụi mày đói chứ. Nhưng tụi nó cũng là trẻ con. Tụi nó cũng biết đói bụng vậy. Làm sao mẹ nỡ nhìn chúng mày no mà chúng nó thì đói. Nhất là hai đứa tụi nó mồ côi mẹ. Tụi nó đâu có được may mắn như anh em chúng mày. Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá dọc đường. Hơn nữa người ta có câu: Của người ăn thì còn, con ăn thì mất. Mẹ cho anh em chúng nó ăn cốt là để tích phúc, tích đức cho anh em chúng mày. Sau này ra đường gặp phải cơn hoạn nạn, cơ nhỡ; còn có người khác rộng tay mà cưu mang, giúp đỡ chúng mày…
Hắn nghe mẹ nói ra câu chuyện mà lòng chùng hẳn lại. Thì ra đấy là triết lý sống thẳm sâu của trái tim người mẹ. Bà không chỉ lo cho đứa con lúc nó ở cạnh bà. Người mẹ nghĩ đến ngày đàn con mọc đủ lông đủ cánh, bay xa. Biển đời đầy going tố, vì vậy bà cần sống để tích đức phùng thiện cho tương lai bọn chúng.
Rồi hắn chợt nghĩ đến đất nước nơi hắn đang sống. Mỗi lần vào dịp tháng 5, người ta giành hẳn ra ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh người mẹ. Và rồi hắn tự dặn lòng mình:
- Thực ra với người mẹ, những đứa con phải sống mỗi ngày như một cơ hội để tôn vinh mẹ mình. Họ cần làm thế; ít nhất vì cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo với mẹ sẽ không còn nữa khi mẹ mình mất. Ngày tôn vinh mẹ không cứ phải là ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5. Ít nhất trong một năm có rất nhiều ngày để con cái tôn vinh người mẹ…
Bàn tay mẹ hắn vẫn gãi đều trên lưng con gái. Đôi mắt bà nhìn ra trước khoảnh sân hẹp. Nơi đó một lần bà đã phát cho hắn một cái vào mông vì tội tranh cơm với thằng Hiểu con nhà hàng xóm.
- Con bất hiếu quá phải không mẹ" – Hắn hỏi. Đó là một lời thú nhận ướp đẫm hương vị ăn năn muộn màng.
Chẳng biết có phải vì mẹ nặng tai. Hay mẹ muốn giữ im lặng để hắn có dịp suy nghĩ. Có thể là mẹ đang thả hồn về những bến sông ký ức ngày xưa; những năm tháng khi bà tần tảo cực nhọc, sống tằn tiện nuôi mấy anh em hắn.
- Mẹ… Mẹ có muốn con làm điều gì cho mẹ không…
Hắn hỏi, lần này giọng hắn cất lớn hơn. Khi nói với mẹ câu này, hắn thấy mình vừa hèn, vừa bất xứng. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chẳng lẽ hắn có thể làm được điều gì khá hơn được hay sao" Im lặng một lúc, rồi mẹ hắn cất giọng:
- Mẹ chỉ muốn các con sống sao cho nên người. Đứa nào cũng có gia đình, yên bề gia thất. Vợ chồng hòa thuận, biết chịu khó bảo ban nhau. Đứa nào cũng nuôi dạy con cái được thành tài. Chứ sinh con ra mà không dạy được con, khổ cho tụi nó, rồi lại khổ lây cho người khác nữa.
Hắn lại chùng lòng xuống. Trái tim của mẹ hắn bao la mênh mông quá. Mẹ yêu hắn cả đời mình không thôi chưa đủ, mẹ còn nghĩ đến tương lai đàn con của hắn nữa. Cơn xúc động trào dâng khiến lòng hắn mủn lại. Hắn nghẹn ngào. Hắn muốn nói đôi điều gì đó với mẹ nhưng lưỡi hắn cứng đờ, không sao cử động được. Cũng phải thôi. Trí não hắn giờ đang bồi hồi tê liệt, làm sao hắn có thể xoay xở tìm ra những ngôn từ để nói.
Cảm giác của hắn càng lúc càng dâng lên mãnh liệt, y như thể năm nào hắn bị mẹ phát cho một cái thật đau vào mông. Có điều bây giờ hắn có cảm giác mẹ đang ôm hắn vào trong tim của bà.
Huyền thoại mẹ - Đó là thế giới thiêng liêng lắng sâu từ thi sĩ, văn hào cho đến những con người bình thường cổ cày vai bừa, từ các bậc vua quan chí đến thường dân - Phàm đã là con người, không ai là không nghĩ về người mẹ với tình cảm nồng nàn thẳm sâu nồng nàn chân thành nhất.
Những giọt sữa vắt ra từ bầu vú xanh xao. Mẹ vất vả giãi dầu, cưu mang một đời tận tụy. Huyền thoại mẹ đã đi vào những góc khuất sâu thẳm nhất trong tâm khảm mỗi chúng ta, đọng lại thành những hạt ngọc nhân bản đầu đời, để mỗi khi có dịp sẽ bừng lên tỏa sáng.
Những bà mẹ hiền lành chân chất, những bà mẹ hổ dữ không nỡ ăn thịt con, những bà mẹ nước mắt chảy xuống, những bà mẹ cái cò mày đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao… Những bà mẹ một đời hy sinh tận tuỵ chỉ vì đàn con dại…
Huyền thoại mẹ vì thế đã vượt qua những chật chội lo toan tất bật đời thường, huyền thoại mẹ âm thầm chắt chiu, cần mẫn với phù sa, đọng lại thành hương thơm nồng nàn của trái chuối ba hương. Huyền thoại mẹ khỏa lấp sự thèm thuồng của đầu lưỡi ngất ngây con trẻ với rẻo xôi mịn màng thơm dẻo. Và huyền thoại mẹ đã trở thành vị ngọt thẻ đường phổi ngân nga bát chè đỗ đen. 
Chợt nước mắt hắn trào ra từ khóe mắt, ấm nóng cả hai bên mặt. 

Nguyễn Thơ Sinh

Ý kiến bạn đọc
06/05/201101:50:13
Khách
Cam on tac gia. Bai viet that tham thuy. toi la me, la ba noi. Toi va co le cung nhu bao nhieu ba me tren coi doi nay deu co mot tam su nhu ba me trong truyen cua tac gia.
08/05/201116:06:57
Khách
Bai viet that cam dong , noi len tu day long , tinh cam chan thanh , moc mac , da lam toi nghen ngao ,trong ngay Mother;s day . lui thui mot minh o tuoi gia 62[con cai o xa , ban ron .....] Uoc gi nghung nguoi tre doc duoc bai viet nay , de kip thoi nghi den nhung nguoi me gia com coi mong tin con [ du chi la nhung loi chuc ngan gon qua E-mail
Cam on Chua ve tam tinh cua tac gia
'you really make my Mother's day '
09/05/201112:01:17
Khách
Bai Huyen Thoai Me that sau sac va cam dong. Tac gia viet that nhe nhang ma tham thuy. Day la mot trong nhung bai toi se doc di doc lai nhieu lan. Khong rieng gi bai nay ma cac bai cua Nguyen Tho Sinh deu chua dung mot tam long nhan hau. Cam on tac gia rat nhieu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,598,696
Nhạc sĩ Cung Tiến