Hôm nay,  

Nhật Ký Đường Dài

11/11/201000:00:00(Xem: 180876)

Nhật Ký Đường Dài

Tác giả: Mục sư Lữ Thành Kiến
Bài số 3038-28338-vb5111110

Mục sư Lữ Thành Kiến, hiện là quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Khi tham gia Viết Về Nước Mỹ, với bút hiệu Trần Nguyên Đán ông đã lần lượt nhận các giải vinh danh tác giả năm 2007, giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết 2010 Viết Về Nước Mỹ. Bài viết sau đây không phải là chuyện xẩy ra trên đất  Mỹ, mà là từ đất Mỹ, một hành trình truyền giáo được thực hiện.

***

Tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc đi truyền giáo (truyền giáo, một từ rất lớn, được thực hiện bởi một trí óc rất nhỏ) ở một quốc gia nào đó, nhiều năm trong chức vụ, đặc biệt là những năm sau cùng ở Hội Thánh tại Lanham, Maryland. Nhưng khi ấy toàn bộ sức lực tôi đã dồn hết vào việc xây cất đền thờ, không chỉ vậy, toàn bộ tài chánh, thì giờ. Không thực hiện được ước mơ ở đó, tôi mang sự thôi thúc ấy xuống đến Texas.
Sau hơn một năm hầu việc Chúa ở Hội Thánh Fort Worth, Texas, thấy rằng đã đến lúc, tôi hoạch định một kế hoạch để đi. Tôi nói chuyện với Chúa, với người, và sau đó những cánh cửa mở ra, dễ dàng như sắp sửa bước vào một supermarket, tôi và nhà tôi làm một chuyến mở đường. Đúng ra tôi đã kêu gọi tín hữu đi cùng, ban đầu cũng có người ghi tên, nhưng cuối cùng lại rút, cầu thủ ...dự bị được đưa vào thay thế.
Trong khi hầu hết các tôi tớ con dân Chúa chọn một phái đoàn truyền giáo đã từng làm việc và đi chung, tôi lại đi riêng, như một cuộc thăm dò, hy vọng nhìn thấy một tiềm năng để bước đi những bước kế tiếp.
Chuyến đi Việt Nam đã bắt đầu với rất nhiều háo hức, và rồi cũng kết thúc. Sau 24 ngày (tính cả thì giờ đi đường) khi chúng tôi về lại đến Mỹ, thì cả hai (tôi và nhà tôi) đều đổ...bệnh. Người thì bệnh mất ngủ...đêm, chỉ ngủ ngày, người kia thì ...đau bụng (")
Sau một tuần, hết ngủ ngày, hết đau bụng. Đó chỉ là những phản ứng phụ bình thường của hầu hết những người đi ...Việt Nam về, không có gì quan trọng. Sau một tuần, thì mới bình tĩnh ngồi nhớ lại, và muốn viết.
Hai mươi bốn ngày, mặc dù đã ...upload vào trong bộ nhớ, chắc chắn là không thể nhớ hết được, nhưng hình ảnh thì chụp đầy dẫy, và những tấm hình này sẽ làm nhiệm vụ nhắc lại.
Tôi đặt cái UBS luộm thuộm của mình vào trong ngăn nhớ của bộ óc còm cõi, và viết lại nhật ký về những đường dài.

Quảng Nam
Quảng Nam, nếu ai hỏi tại sao chọn Quảng Nam, tôi sẽ trả lời thế này: Chúa chọn, không phải tôi. Tôi là một Mục sư hay viết lách, quen với một Mục sư cũng hay viết lách. Người này ở Quảng Nam. Sau một thời gian dài chúng tôi chỉ trao đổi với nhau những kinh nghiệm về viết lách, rồi dần dà đến công việc Chúa, cho đến khi tôi quyết định làm một chuyến về quê hương với mục đích truyền giáo. Tôi nghĩ ngay đến người đã nói chuyện với tôi vài năm qua. Ít nhất chúng tôi cũng có những ấn tượng tốt về nhau và nắm được ít nhiều công việc ông đang làm. Tôi nói với Hội Thánh nhà rằng tôi chọn Quảng Nam cho chuyến đi này, và nói với người bạn lâu năm: tôi sẽ đến nơi ông ở, làm một cuộc thử nghiệm. Vì thế, Quảng Nam sẽ là nơi tôi đến trước hết, ở lâu nhất và làm nhiều việc nhất.
Quảng Nam, một tỉnh tôi chưa bao giờ tới. Chưa bao giờ có trong tư tưởng là sẽ đi tới. Theo dự tính, chúng tôi sẽ đến Sài gòn khuya ngày 1.9, và chuẩn bị sẵn vé xe lửa đi Quảng Nam vào ngày 3.9. Đây là một câu chuyện vui mở đầu chuyến đi. Tôi và người bạn Mục sư đã gởi hình cho nhau xem, để khi đón thì dễ nhận ra nhau.  Đến ga Đà Nẵng, tôi và ông đụng mặt nhau ngay khi vừa bước xuống tàu mà không hề biết. Cho đến khi ra ngoài ga, ông lại lấy điện thoại ra gọi tôi khi hai người đứng cách nhau vài bước. Vừa a lô vừa nhìn nhau, cười bỡ ngỡ. Sau này khi hỏi lý do vì sao không nhận ra nhau, ông nói: xem trong hình thấy Mục sư oai phong lẫm liệt lắm, chớ đâu ngờ... Biết mình bị hớ, ông vội im, nhưng đã ...muộn rồi.
Hội Thánh đã chuẩn bị đón tiếp chúng tôi bằng một con heo một triệu (đồng Việt Nam), do các con cái Chúa đóng góp, tôi có hứa với Mục sư là sẽ viết về nó. Con heo tội nghiệp vì cớ chúng tôi mà bị làm thịt, làm bánh chưng, nấu nhiều món cho bữa ăn thông công sau giờ thờ phượng. Tôi có hơi ...la Mục sư về sự ...hoang phí này nhưng ông cười hề hề: vui thôi mà, Mục sư.
Quảng Nam đang vào mùa gặt, lúa chín đầy đồng, vài cơn mưa chiều đe dọa những hạt lúa chắc nịch đang cong mình lại dưới nắng, Mục sư ngại tín hữu (phần lớn làm nông) sẽ không đến nhóm sáng Chúa Nhật được, nhưng tạ ơn Chúa sáng Chúa Nhật ấy đông người nhóm hơn mọi lần, có lẽ hiếu kỳ muốn xem mặt ...Mỹ Tho về như thế nào.
Đó là một buổi sáng phước hạnh. Quạt máy hai bên vách quay vù vù, nhưng tôi cảm nhận được rằng mình đang ở Việt Nam chứ không phải ở Mỹ, mồ hôi cha mẹ anh em chú bác họ hàng tuôn từ trên đầu xuống mặt, xuống cổ làm nhòe cả mắt kính, đến khi ban lễ Tiệc Thánh thì phải xin phép Mục sư cởi áo vest ra, Mục sư ái ngại nói: thì Mục sư cứ cởi áo (vest) ra có sao đâu. Cái áo (vest) đâu có làm nên...Mục sư. Cho nên tuần sau, thì lên bục giảng với áo sơ mi ...only. Khi giảng thì thấy tốt hơn khi mặc áo (vest).
Mục sư quản nhiệm đã chuẩn bị cho tôi một lịch làm việc trong suốt tuần, sau thì giờ thờ phượng và thông công bằng con heo một triệu, chúng tôi vội vã đi đến một điểm nhóm thiếu nhi (cách đó khoảng 10-15 cây số) Phương tiện di chuyển dĩ nhiên là bằng xe Honda. Mục sư quản nhiệm chịu trách nhiệm về sự ...an toàn của tôi, nên đi đâu chúng tôi cũng khắn khít bên nhau. Tôi chia xẻ với Mục sư về vấn đề Honda ...ôm: tôi thấy người Việt mình tình cảm hơn người Mỹ nhiều, đi đâu cũng Honda, mà đã Honda thì phải có ...ôm. Vừa lên xe, đã ôm. Nếu không, khi xe phóng tới thì mình sẽ phóng ...xuống đất. Cứ mỗi một cái ổ gà, lại ôm chặt hơn, mỗi cú thắng gấp, lại ôm chặt hơn nữa. Mà đường phố Việt Nam ổ gà với thắng gấp không hề thiếu. Chả trách chi Việt Nam bây giờ vẫn còn dẫn đầu thế giới về vấn đề con cái nhiều. Mỹ thì đi xe hơi, chỗ ai nấy ngồi, đâu có màn ôm...bừa bãi như vậy. Tín hữu Tin Lành được dạy không nên vào những chỗ có chữ ôm, nhưng cái cú Honda ôm này thì quả thật không thể vâng lời được, không đi xe ôm thì đi bằng gì, tiền đâu mà đi taxi hoài. Khi tôi chia xẻ như vậy, ông Mục sư suy nghĩ một lúc rồi nói: Mục sư nói vậy, thôi từ này em không cho nhà em đi Honda ôm nữa.

Tại Quảng Nam với các em thiếu nhi tại Quàng Nam.

Hội Thánh có một điểm nhóm dành riêng cho thiếu nhi trên 100 em. Nhóm thiếu nhi, có lẽ là một trong những điều ấn tượng nhất của tôi trong chuyến đi này. Nhìn các em bé lam lũ, ngây thơ hát, múa, đọc Kinh Thánh, nghe giảng dưới sự điều khiển của các cô giáo, nghe kể về những nguyên do dẫn đến việc truyền giáo cho các em thiếu nhi như thế này, tôi thật sự có sự cảm động và khi trở về Mỹ, lại suy nghĩ về vấn đề đó. Tôi suy nghĩ và cầu nguyện để Chúa dẫn dắt tôi đi vào mục vụ này. Sau này khi đến Sóc Trăng, gặp đám trẻ con của chị Mai, tôi lại càng càng được thôi thúc trong lòng.
Tại Mỹ bây giờ người ta đã nghĩ đến việc truyền giáo cho trẻ em và tự nhiên, cha mẹ cũng sẽ ...tự động chuyển hướng. Chương trình Awana của các Hội Thánh Mỹ là một chương trình dạy thiếu nhi có hiệu quả bây giờ. Trước khi về Việt Nam tôi cũng đã gặp một anh em chia xẻ với tôi về một Hội Thánh dành cho thiếu nhi ở giữa lòng Sài gòn.
Tôi đã ở Quảng Nam 8 ngày, trong những ngày đó, sáng nắng chiều mưa, nắng đổ lửa, mưa trắng trời, kiên trì ngồi sau lưng chiếc Honda của Mục sư quản nhiệm, cố gắng không có ...ôm nhiều vì Mục sư chạy xe cũng khá cẩn thận. Chạy từ nơi này sang nơi khác, đi vào tận trong những làng mạc xa xôi, có khi xe chạy len lỏi giữa những đàn bò mà người chăn thoải mái để chúng đi đủng đỉnh tràn ra mặt đường hẹp, không hề có ý niệm xua chúng vào lề để tránh xe. Hai bên đường, lúa đang mùa bát ngát, nghe được cả hương lúa lồng vào trong phổi. Tôi nhớ lại bài hát Anh sẽ về một thời du ca: anh sẽ về em ơi anh sẽ về, về bên ngôi nhà vách đất với hàng hoa thơm, nơi con đê già, nơi cây cầu tre, nơi con đường đất dấu chân trâu bò...
Tôi đến, chia xẻ Tin Lành cho những nông dân chân đất, vừa chia xẻ vừa lau mồ hôi túa ra trong từng lỗ chân lông. Chia xẻ Tin Lành cho các thanh niên rất trẻ và vẫn còn rất ngơ ngác. Chúa cho có người tin Chúa, khi cầu nguyện cho họ, tôi cảm thấy bao nhiêu nhọc mệt tan biến. Có lần nhìn tôi mồ hôi nhễ nhại trong nắng, ông Mục sư ái ngại: ở Mỹ sướng không chịu, về đây chi cho khổ. Tôi lại thấy chẳng có chi là khổ. Sau những ngày ở đó, ai cũng khen tôi ...ốm bớt, trông khỏe mạnh hơn những ngày mới đến. Trông ...đẹp trai hơn, vợ nói vậy.
Tại đây, Chúa cho có 13 người tin Chúa, so với con số của các đoàn truyền giáo, là quá nhỏ. Năm 2004 khi tôi về nước, chỉ là đi chơi, với con trai, mà cũng làm chứng được cho 13 người tin Chúa. Nhưng đây là lần đầu tiên để tìm hiểu, làm tiền đề cho những lần khác. Vả lại, một linh hồn cũng là quý cho Chúa. Điều quan trọng tôi biết là tôi không lười biếng hoặc nhút nhát khi truyền giáo. Tôi đã làm việc hết sức.
Ngày Chúa Nhật cuối cùng ở Quảng Nam là một ngày kỷ niệm. Đúng ra là buổi chiều kỷ niệm. Sau giờ thờ phượng chúng tôi chuẩn bị đi lên một điểm nhóm Báp Tít miền núi: xã Quế Phước huyện Nông Sơn. Có 4 chiếc Honda chở 8 người, và tôi vẫn nhất định ...đeo đuổi Mục sư quản nhiệm. Ông đã hứa rằng sẽ chở tôi qua đèo le ăn gà tre như trong một bài viết của Bình Tú Ngọc, ngồi sau lưng, tôi nghe ông nói: Mục sư sẽ đi qua một nơi gọi là Trung Phước, nơi thi sĩ Tường Linh có câu thơ: ta muốn về Trung Phước giữa mùa ngô. Khi đi ngang Trung Phước thì không còn cây ngô nào cả. Tôi đọc lại: Khi ta về Trung Phước hết mùa ngô. Mục sư cười đọc lại lần nữa: Lúc ta về Trung Phước chẳng còn ngô. Có lẽ những cây ngô cằn cỗi đâu đó cũng nghiêng mình cảm động.
Qua đèo le, ăn gà tre rồi, phải công nhận là ngon thật, mặc dù mấy ngày qua cứ cháo với ...gà mãi (may mà đã hết dịch cúm gà). Rồi lại đi tiếp. Điểm nhóm nằm sâu trong xóm, là một căn nhà kiểu như nhà sàn, thang gác dựng đứng vì không có chỗ nằm nghiêng. Tôi phải ...bò lên và ...bò xuống. Khi đi xuống thì có một ông leo xuống trước đứng dưới chân cầu thang, bảo: Mục sư cứ đi, có té thì có tôi chận rồi. Khi tôi lên đến nơi rồi thì cảm thấy mình khó thở thật vì nóng. Một thanh niên đi theo cười, nói: Mục sư, bây giờ thì mình sắp thành bê thui thiệt. Một buổi nhóm thật đơn sơ, như tâm tình của những người hầu việc Chúa. Giữa buổi nhóm trời đất tối sầm lại, tiếng sấm, chớp rạch dọc ngang bầu trời, báo động một trận mưa rừng cuồng nộ sắp đổ xuống. Và đổ xuống thật, khi tôi cầu nguyện cho mấy người tin Chúa thì tiếng ầm ầm của mưa đổ xuống mái tôn, đèn đóm tắt hết, các trẻ em la hét lên, cầu nguyện trong bóng tối. Chắc chắn là có Đức Chúa Trời trong bóng tối. Tôi đứng ngay mái che nhìn mưa trắng xóa rừng núi. Khi đi xuống phía dưới nhà thì các bà đã lui cui dọn ra được một bữa ăn đơn sơ, nài nỉ ăn cho bằng được, lúc đó đã 4 giờ chiều mà 7:30 giờ thì tôi đã phải lên xe đò về Nha Trang. Nhờ một em bé gái chạy ra tiệm tạp hóa gần đó mua mấy cái áo mưa, và từ giã anh em ở đó khi cơn mưa vẫn còn trút từng thùng phuy nước trên đầu.
Tôi ái ngại hỏi Mục sư quản nhiệm: chạy xe vầy có nguy hiểm không, hay là mình chờ. Ông nói: không sao, em quen rồi, nếu Mục sư không ngại thì em chạy được. Ông đã nói vậy, thì tôi lấy đức tin mà đi. Mưa tát từng vạt nước vào mặt rát buốt, không mở mắt được. Tôi biết ngồi phía trước, Mục sư phải chịu nặng hơn tôi. Lên tới đỉnh đèo le đẹp đẽ buổi trưa, thì một dòng thác từ phía trên đổ xuống băng ngang, cuồn cuộn tràn qua mặt đường, và bên kia đường, là vực. Có thể nhìn thấy những chiếc lá rơi xuống mặt nước và nhanh chóng bị dòng nước cuồn cuộn hút xuống vực. Một người, một chiếc xe ngã xuống, sẽ giống y tình trạng đó. Tất cả xe hai bên đều ngừng lại, nhìn nước chảy, nhìn nhau. Tôi nói, thôi, tìm chỗ ngủ đêm nay, chuyến xe bỏ không sao. Đột nhiên một anh chàng ở trần mặc áo mưa (hơi bị xỉn) lái xe chạy ngang dòng thác, mọi người nín thở. Nước xoáy và rên siết dưới bánh xe. Chạy qua được. Mọi người vẫn đứng nhìn nhau. Một chàng nữa biểu diễn từ bên kia chạy qua lại. Qua được. Mọi người thấy là nước chảy mạnh, nhưng không sâu lắm. Gài số 1, dzọt mạnh có thể qua được. Dĩ nhiên là đòi hỏi tay lái phải có một cái đầu cứng cáp. Bốn tay lái Tin Lành đưa mắt nhìn nhau, người ta không có Chúa còn chạy qua được, mình có ...Chúa, chẳng lẽ không. Nói chi mà nghe ...ốt dột rứa. Mục sư ra lệnh, nghe rất oai: đi.  Tôi thoáng nghĩ đến...Chúa. Ngài đã chuẩn bị đón chúng con chưa" Tạ ơn Chúa bốn tay lái oai hùng đã đưa tất cả chúng tôi qua bên kia dòng thác an toàn (nếu không giờ này đâu có ngồi đây mà viết lách), lao xuống đèo trong cơn mưa, về đến Thăng Bình khoảng 6 giờ 30 phút, còn chút thì giờ tắm nước nóng, uống trà nóng, rồi ra bến xe, từ giã Quảng Nam, xuôi về Nha Trang.

Quảng Ngãi
Quảng Ngãi không có trong chương trình dự tính. Khi tôi đến, ông Mục sư nói: hai tháng một lần có một buổi hiệp nguyện của các Mục sư Truyền đạo Báp Tít Quảng Nam Quảng Ngãi, kỳ này đến lượt Quảng Ngãi, nhân có Mục sư đến, nhờ Mục sư huấn luyện cho hai ngày. Ông bảo gì thì tôi ...nghe theo cả, chứ không có cãi. Hai ngày huấn luyện cho các tôi tớ Chúa, là một sự hãnh diện, vui mừng và phước hạnh cho tôi. Một số là người dân tộc, đi từ trên núi rừng về, đơn giản như rừng núi.
Quảng Ngãi trong ký ức tôi là những chén bánh bèo lớn, phải lấy một cái miếng tre vót mỏng cắt làm tư làm tám, khác với loại bánh bèo nhỏ, mềm, mỏng như người dân Huế (mà cả một trời dậy sóng đó nghe). Hội Thánh Báp Tít ở đó cũng là một căn nhà nằm sâu trong làng. Khi tôi đến, như giới thiệu, có khoảng 40 người ở sẵn đó chờ đợi. Họ như chờ đợi một điều gì quan trọng. Và tôi biết rằng mình cũng phải hết sức ...nghiêm trọng. Mục sư hướng dẫn giới thiệu và mời: xin mời giáo sư. Tôi thật tình nói: xin đừng gọi tôi là giáo sư. Tôi không phải là giáo sư. Tôi đến đây như một người anh em, và muốn là anh em của những anh em đáng mến này.
Hai ngày tôi đã cố gắng truyền thụ tất cả những gì căn bản nhất mà một Mục sư Báp Tít cần biết, một Hội Thánh Báp Tít son trẻ cần biết. Nếu không ai nói gì cả, thì tôi vẫn thấy hai ngày huấn luyện đó là phước hạnh, vì tôi cảm giác được sự tự do mà Chúa Thánh Linh ban cho tôi khi chia xẻ (dĩ nhiên là đã soạn bài cẩn thận). Nhìn khuôn mặt, ánh mắt của anh em, tôi hiểu sự khao khát của họ. Khi họ đến với tôi sau những thì giờ huấn luyện, thì nhu cầu họ nói không phải là tiền bạc như một số người vẫn suy nghĩ ...sai (cả tôi), họ nói: chúng tôi ao ước được huấn luyện giống như thế này. Báp Tít Việt Nam ở Hoa Kỳ đã cố gắng vươn tay ra, Viện Thần Học Báp Tít cũng đang bước chân tới, để đào tạo những người hầu việc Chúa cách chính quy, nhưng trên thực tế, vẫn không làm sao vươn ra, bước tới những vùng xa xôi hẻo lánh và những điểm nhóm nhỏ như thế này. Nói thế để cho thấy nhu cầu công việc Chúa thật là muôn trùng.
Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh tất cả 40 người đã quây tròn lại, nắm tay nhau cầu nguyện sau khi kết thúc huấn luyện. Tôi biết là tôi muốn trở lại nhưng không biết chắc có trở lại được hay không. Tôi buồn khi nghĩ đến điều đó. Và tôi cũng biết rằng chỉ có Chúa mới quyết định được điều đó.
Tôi nhớ rằng khi tôi chỉ còn lại một mình, trong căn phòng nhóm nhỏ, chật chội, đơn giản, khi mọi người đã túa ra phía trước sân, tôi có nói với Chúa rằng xin cho con có thể làm thêm những điều tốt lành nữa ở tại đây.
Một Mục sư đại diện cho Quảng Ngãi mời chúng tôi về nhà ông buổi tối khi nghỉ huấn luyện để tâm tình, thú thật lúc đó hai mắt tôi cơ hồ đã híp lại, ngồi sau lưng xe Mục sư lái, tôi có cảm giác bềnh bồng như đi trên mây và nếu Chúa không giữ gìn có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào. Khi hỏi một vài câu không thấy tôi trả lời thì Mục sư gọi lớn lên: ôm cho chặt nhé, Mục sư. Đến nhà, vị Mục sư cũng chỉ nhắc lại nhu cầu được huấn luyện, và hỏi: Mục sư có suy nghĩ gì không. Tôi chỉ dám nói: chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa mở đường, chứ cũng không dám nói gì thêm, vì không biết nói cái gì hơn cả.
Khi tôi đang viết những dòng này, thì nhận được một email của một Mục sư Quảng Ngãi, viết: xin Mục sư cầu nguyện cho em, khi em và một vài tín hữu đến nhóm tại một địa điểm mà Mục sư đã tặng 20 chiếc ghế, ra về thì bị chặn đánh. Cám ơn Chúa không ai bị thương nặng, vợ em bị bầm chân, con em bị đánh vào đầu nhưng nhờ có helmet bảo vệ, còn em bị xô té vào hàng rào, đau nhức mình mẩy. Các tín hữu khác cũng bị đánh, bị lấy mất cây đàn guitar..
Tôi đã cầu nguyện cho ông và chức vụ của ông ngay lúc đó, trên bàn phím của laptop. Tôi email lại cho ông, an ủi và hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho ông. Tôi đã nghĩ: nếu lần đi lên điểm nhóm miền núi ở Quảng Nam hôm ấy, cả bọn chúng tôi bị chận đánh thì sao"

Sông Thạch Hãn.

Quảng Trị
 
Đây là nơi tôi đến để thăm viếng và tặng chút quà mà thôi. Tôi không có ý định làm cái gì ở đó hết. Tôi đọc trong một bài viết nói về hoàn cảnh của một số tôi tớ Chúa ở miền ...địa đầu giới tuyến, tôi thương cho sự trung tín của những người hầu việc Chúa, mặc dù qua bao nhiêu gian khổ vẫn bám chặt lấy Chúa. Tôi muốn đến thăm họ và trao cho họ chút quà mọn mà các con cái Chúa đã dâng hiến và ủy thác cho tôi mang đi. Mang đến cho họ một chút cảm thông nhỏ nhoi mà thôi.
Sau buổi tối trong một cái nhà nghỉ bên đường, tôi đề nghị anh tài xế và người dẫn đường cho tôi một ly cà phê buổi sáng. Đó là một quán trong những cái quán nằm dọc bờ sông Thạch Hãn, một con sông đẹp dưới mắt tôi buổi sáng thật yên tĩnh giữa lòng thành phố Quảng Trị như chưa bao giờ có những câu chuyện chiến tranh đẫm máu từng hiện diện nơi những nơi chốn này. Tôi ngắm và chụp hình Thạch Hãn trong nắng, những chiếc xuồng và người chèo xuồng ngồi ở đầu mũi chiếc thuyền dài êm ái lướt trên sông, cảnh tượng quá thanh bình, nhưng không chắc gì đã có sự thanh bình bên trong lòng.
 Quảng Trị, một địa danh vẫn còn vang vọng trong đầu óc, trong lòng những người đã sống qua những năm trước 1975: cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Nào là Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Khe Sanh, mà tôi đang đi qua. Tiếc là khi trở về không qua lại thành phố nên đã bỏ mất cơ hội chụp lại Cổ Thành Quảng Trị mà theo lời người dẫn đường nói: cũng chẳng còn gì bao nhiêu nữa.
 Những Hội Thánh (như một điểm nhóm) đều nằm sâu trong làng, chiếc xe chở chúng tôi đi phải len lỏi trong các ngõ quanh co của làng xóm, trên những con đường quê nay phần lớn đã được tráng xi măng. Đứng từ trong nhà của các Mục sư nhìn ra, là ruộng lúa mênh mông. Vào mùa lụt, người ta không thấy lúa đâu nữa, mà chỉ toàn là nước.

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải,  từng là ranh giới nam bắc.


Tôi đã chụp hình được rất nhiều những con sông miền Trung, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Hàn, sông Thạch Hãn. Có một dòng sông không bao giờ quên trong lòng người dân Việt Nam: sông Bến Hải. Không hề có trong chương trình, nhưng khi đến thăm nhà một vị Mục sư ở Gio Linh, nghe nói sông Bến Hải đang chảy rất gần đây, tôi đề nghị đến đó. Tôi đã đi qua cầu Hiền Lương, cố gắng để lòng mình quay lại hình ảnh chiếc cầu lịch sử đã từng chia đôi đất nước sau năm 1954, và đứng một mình bên bờ Bến Hải, nhìn con sông thật bé nhỏ, thật hiền lành, giản dị trôi về phía xa, những rặng tre. Trong khi đứng nhìn giòng sông Bến Hải trôi rất êm đềm, quanh quẩn, lẩn khuất xa xa, tôi suy nghĩ đến lịch sử đất nước, một lần nữa lại lật sang một trang khác.
Trong khi tôi ngồi viết lại những giòng này, thì tôi nhận được thư của một vị Mục sư mà tôi đã từng đến thăm, viết: xin Mục sư giúp đỡ cho các tín hữu Hội Thánh chúng tôi đang bị lụt lội. Tôi hình dung ra cảnh Hội Thánh nhỏ bé trong ngôi nhà của Mục sư, nằm bên cạnh những cánh đồng, đang tràn ngập nước. Sao mà khổ đến vậy"
Tôi nhớ đến một vài câu thơ mới đọc, mô tả cảnh lụt lội miền Trung:

thứ gì trôi được thì trôi
cứ theo củi ván mà xuôi theo dòng
lênh đênh người hỏi buồn sông
năm nào cũng lũ mà không chán à

Tôi sẽ gọi cho người dẫn đường đi Quảng Trị hôm nọ, nhờ ông giúp tôi đem tiền cứu trợ đến những làng quê Quảng Trị nghèo.
Sóc Trăng
 
Chuyến đi cuối cùng dành cho Sóc Trăng, địa điểm cuối trong kế hoạch. Đây không phải là một địa điểm truyền giáo, tôi cảm động vì tấm lòng của một người tín hữu cưu mang đàn trẻ nghèo, chia xẻ với Hội Thánh nhà và quyên góp đặc biệt để đến thăm viếng. Đó là lần đầu tiên hai Việt Kiều đi chung một xe ...ôm. Quảng Nam Quảng Ngãi thì cũng ôm, nhưng không có cảnh ôm ...ba người. Người này ôm người kia, như đang chơi trò kéo co vậy. Chúng tôi rất bỡ ngỡ, vì không tưởng tượng ra cái tình huống ấy. Người phụ trách lái xe đưa chúng tôi ra bến xe miền Tây, để tiết kiệm, không cho chúng tôi biết rằng chúng tôi phải đi một xe, chúng tôi cứ tưởng là đi hai xe. Người Việt nghèo nên tiết kiệm được gì thì cứ tiết kiệm. Tôi đành phải ôm...anh tài, nhà tôi thì ôm... tôi. Ôm kỹ, không thì rớt khỏi xe. Không có ai chụp được tấm hình thú vị ấy. Tôi có cầu nguyện thầm trong lòng để Chúa giữ ngồi yên trên xe, đừng rơi xuống đường
Vừa đến bến xe miền Tây, chúng tôi đã nếm mùi...đặc sản, đó là một tràng nói tục và chửi thề (và sau đó thì liên tục). Cũng may mà người mua vé giùm đã cẩn thận mua cho chúng tôi hai chỗ ngồi bên cạnh tài xế, nên chỉ nghe mỗi mình ông ...chửi thề mà thôi, ở phía sau thì không thể nào tránh né những mảnh vụn được.
Chúng tôi đến Sóc Trăng vào buổi trưa, kịp bữa ăn thân mật với người tín hữu và các em bé mà chị cưu mang (tôi đã dặn dò cẩn thận cho một bữa ăn chung khi còn ở Sài gòn) và đem theo bánh Trung Thu, lồng đèn, bánh kẹo khác đến tặng cho các em. Tôi tạ ơn Chúa và cám ơn chị đã cưu mang những em bé này, theo chị kể, có đứa không cha mẹ, có đứa có cha mẹ, nhưng cha mẹ chúng rời nhà từ sáng sóm đến tối mịt mới về, gọi là nhà mà không phải là nhà, chỉ là một phòng cho thuê èo uộp bên bờ sông, rạch. Con cái muốn đi đâu thì đi, sống thế nào thì sống. Chị kể. Khi em còn may đồ trong chợ, đây là những đứa mà em sợ nhất, chúng chửi thề, đánh lộn, giật dọc. Em nhìn cảnh đó và Chúa thúc giục em làm cái gì đó để giúp chúng. Bây giờ hầu như tất cả đều được đi học. Những đứa không đi học thì học nghề may của chị. May những tấm vải lót chân. Những đứa lớn may, những đứa nhỏ đi bán, cũng tạm chi phí cho chúng. Nhưng điều quan trọng hơn là chị đã nói về Chúa cho chúng nghe, chúng đã tin Chúa, và mỗi tuần được học Kinh Thánh. Tánh tình cũng thay đổi. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy một bầy trẻ ngoan ngoãn, sạch sẽ, không hình dung ra chúng trước đó. Tôi tự nhủ nếu có thêm nhiều người đi vào các thôn xóm xa xôi, đến với những linh hồn đáng thương này, tiếp cận họ, truyền giáo cho họ, như các trẻ em ở Quảng Nam. Chắc là không thiếu những linh hồn trở lại với Chúa. Cánh đồng là rộng lớn, chạy đến những chân trời.
Tôi cũng nói chuyện với một vài em thanh niên đã đến giúp chị Mai cho bữa ăn này. Các em chia xẻ về công việc nhỏ nhoi mà các em làm cho các em thiếu nhi ở các Hội Thánh vùng xa. Tôi thấy thán phục họ. Điều gì khiến họ dấn thân vào những công việc đòi hỏi nhiều hy sinh, thì giờ cùng công việc như vậy" Chắc chắn không có gì hơn là tình yêu của Chúa. Tôi cầu nguyện để Chúa ban thêm ơn, sức cho cho chị Mai, cho các em, và sau đó Chúa lại cho cầu nguyện cho 2 người phụ nữ đến chơi nhà  tiếp nhận Chúa.
Tôi trở lại Sài gòn ngay buổi chiều hôm đó. Những ngày cuối cùng, nghỉ ngơi chút ít trước khi lên đường về lại quê hương thứ hai, có gia đình và Hội Thánh đang chờ đợi.

Về Lại Hoa Kỳ

Khi trở lại Hoa Kỳ, sau những ngày hồi phục sức lực trở lại, tôi muốn viết về chuyến đi, nhưng không viết được. Không phải là không viết được, tôi nghĩ là tôi không có nhiều điều để viết, chỉ là một chuyến đi nhỏ nhoi, ngắn ngủi, ít ỏi, nên tôi không định viết. Nhưng tôi nghĩ: chẳng có cái gì trên đời này là hoàn toàn cả, cái gì cũng bất toàn, tôi còn bất toàn hơn nhiều người, nên tôi muốn đem những cái bất toàn của tôi mà viết ra để ca ngợi sự hoàn toàn của Chúa.
Tôi tạ ơn Chúa vì tình yêu lớn lao và sự ban cho dư dật của Ngài đã cho tôi một cơ hội trở lại quê hương, nơi từ đó đã ra đi.
Tôi xin Ngài cho có một cơ hội nữa để trở lại quê hương, sẽ lại đi trên những con đường đất, dấu chân trâu bò, nơi con đê già, nơi cây cầu tre, và còn nữa, những khuôn mặt lấm lem bụi đời, đang ngơ ngác ngước nhìn trời, chờ đợi ơn phước dư dật từ Trời cao ban xuống. Khi còn có người chờ đợi, thì tôi còn có thể ra đi.

Mục sư Lữ Thành Kiến

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,620,474
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến