Nắng Cali
Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3013-28313-vb3101210
Tác giả mới tham gia Viết Về Nước Mỹ cuối năm trước, nhưng đã cho thấy có sức viết mạnh mẽ, về nhiều đề tài rất... Mỹ. Thật ra, Đoàn Thị là cư dân Paris. Mới đây, đã có dịp cùng Đoàn Lang thăm viếng California. Sau đây là bài viết mới nhất, với cái nhìn trực tiếp của người đến từ Paris. Mong tác giả tiếp tục viết.
***
Sáng nay có hẹn lúc mười một giờ trưa, mười giờ, tôi ra trạm xe bus, cầm trên tay tờ giấy vẽ nghuệc ngoạc, trục lộ chính là đường Beach, đi ngang qua đường Wesminter, Trask, đến Bolsa là hết lộ trình chuyến bus thứ nhất. Trên đại lộ Bolsa lấy bus thứ hai đi vài trạm sẽ gặp đường Moran, em tôi nói, nếu muốn đi dạo cho biết phố, không cần lấy bus thứ hai, đi bộ chút xíu là đến nơi.
Tưởng bus Cali giống bus Paris. Không dám đâu, chờ miệt mài như chinh phụ chờ chồng, trạm bus lại không có bản ghi lộ trình và giờ cặp bến, tôi sốt ruột thấy kim đồng hồ nhích gần đến giờ hẹn mà bóng dáng bus số 29 vẫn mịt mờ vô vọng. Đứng trên đại lộ Beach ngón xe bus, tôi với ông xã nhấp nhổm chờ chuyến bus mà mình chưa hình dung nổi "đầu cua tai nheo" của chiếc xe ra sao, nhìn ngược hướng xe đang chạy tới, hễ thấy dáng chiếc xe nào "to xác" trong dòng xe trờ tới, hai đứa tôi căng mắt đoán gìa đoán non, "chuyến xe định mệnh" đã tới. Xe to thay nhau chạy tới tấp như muốn thử sức kiên nhẫn của chúng tôi, school bus màu vàng thi nhau biểu dương lực lượng, chưa bao giờ tôi ghét màu vàng như lúc này, nhìn "thời gian qua mau" tôi nghĩ quẫn, hôm nay bus tuyến đường này đình công " Sự thật phũ phàng đến thế sao, lần đầu ra mắt Việt Báo kiểu này còn gì uy tín, tôi tự an ủi, chú sam không ưa cái thói ăn vạ đình công như ông tây, hy vọng xe bus sẽ đến trong giây lát.
Hôm đó dân địa phương chạy trên đại lộ Beach có dịp chứng kiến, hai "Ta ba lô" bất an đi đi lại lại trên lề đường nhìn ngược nhìn xuôi trông khả nghi lắm, may là giờ đó có lẽ mấy xếp phú lích (police) đang uống cà phê giữa giờ, nếu không chắc họ sẽ hỏi chúng tôi, "tôi có thể giúp bạn điều gì "", với vốn anh ngữ đã trả hết cho thầy, tôi có cơ may diễn đạt tư tưởng với "mười ngón tay thiên thần".
Bốn mươi phút chờ đợi ruột gan nháo nhào, chiếc bus định mệnh xuất hiện, leo lên xe tôi hâm hở "trả bài thuộc lòng" với bác tài, I want to buy two tickets one day pass, thầy Mễ Ok, chỉ cái khe để tôi đút tờ mười dollars vào và trao cho tôi hai cái thẻ bus, em tôi bảo mua thẻ này tha hồ đi chu du khắp xóm Bolsa. Nhét hai cái thẻ bus vào túi, tôi đi về cuối xe tìm chỗ ngồi, amigos ngồi đầy các dãy ghế tay bế tay bồng, toàn bà con tạp chủng, chỉ có tôi thuộc loại khách lạ, đu xe bus đi chơi. Tôi định dùng xe bus đến nơi hẹn sẵn tìm hiểu về tuyến đường xe bus ở đây, tìm được bus và hiểu được giờ gấc, tôi xin chừa, hình như xứ mẽo giàu sang không có chính sách ưu tiên phưong tiện giao thông công cộng, nên ngoài giờ cao điểm, bus xuất hiện hiếm hoi như ma trơi, thoáng đến thoáng đi chớp nhoáng, khiến bà con được dịp chen vai cho ấm tình người.
Xe lăn bánh, voice machine yêu cầu quý khách di chuyển về phía cuối xe, tôi dáo dác tìm cái nút bấm "xin xuống xe" chả thấy nút niết ở đâu, trộm nghĩ, không lẽ muốn xuống xe phải hét lên "ghé vào bác tài" như đi xe lam bên nhà sao. Nghĩ đến đó mà mất vía, lại phải dùng đến mười ngón thiên thần để diễn đạt tư tưởng, nhiêu khê thật, chưa kịp hoàn hồn, một hành khách với tay kéo sợi dây kẽm bọc nhựa màu vàng nằm phía trên hàng ghế ngồi, dòng chữ đỏ "Request stop" bật sáng, Erêka, thì ra bus mẽo khác bus tây.
Tìm được cách xin xuống xe, giai đoạn kế tiếp phải theo dõi đến đâu phải kéo "sợi dây vàng", trên tờ giấy vẽ đường đến Việt Báo, em tôi quên vẽ đoạn Hazard cắt ngang đường Beach, nên sau trạm Trask tôi định "kéo dây vàng" vì nghĩ trạm sau đó sẽ là đến giao lộ Beach Bolsa. Để chắc ăn tôi hỏi chị Mễ ngồi bên cạnh, trạm tới sẽ là Beach Bolsa, chị lắc đầu bảo, Bolsa sẽ là trạm sau Hazard, tôi hí hửng sổ, after the next, chị gật đầu cười mỉm, nụ cười khó hiểu, chắc lần đầu chị nghe một câu hỏi ngớ ngẫn.
Xuống trạm Beach Bolsa, vừa đúng giờ hẹn, sợ phải chờ thêm bốn mươi phút lê thê, tôi bỏ qua chuyến bus thứ hai hiên ngang cuốc bộ, hy vọng một chút xíu sẽ đến điễm hẹn. Giời ạ, chút xíu em tôi nói là chút xíu chạy xe, thực tế đoạn đường đi bộ hơn hai cây số đường nhựa dưới cơn nắng Cali chói chan như thách thức độ bền của cặp gìo rã rời của tôi.
Đi xuất mồ hôi hột, đi miệt mài vẫn chưa thấy con đường Moran xuất hiện, ông xã bán tính bán nghi, phán một câu xanh rờn, có đúng đường Moran không, hay là đường Monroe, mình vừa đi qua lúc mới xuống xe.
Tôi đâm hoảng gặp ai cũng hỏi, đường Moran ở đâu, có bác Body Shop nhìn chúng tôi ngao ngán, an ủi, đi qua chợ ABC, qua cả Little Sàigòn là tới. Đi đến nơi tôi mới hiểu cái nhìn ngán ngẫm của bác Body Shop lúc nảy, ở xứ mà người ta chỉ đi bộ làm exercice, vậy mà có hai đứa lãng tử ngu ngơ đeo ba lô đi khơi khơi dưới cơn nắng gắt Cali như trêu ngươi dân địa phương.
Trong cơn tuyệt vọng chàng của tôi lập lại câu hỏi trớ trêu, có chắc đường Moran không, bố nó ơi, đi gần đến đích mà bố nó tung chưởng Tào Tháo làm "nản lòng chiến sĩ", tôi muốn hét lên cho hả giận, giận đường xa không ướt mưa mà ướt đẫm mồ hôi, giận mình chủ quan nên trễ hẹn, giận trời Cali bỗng đỗ nắng cháy da, giận cặp gìo nổi chứng kiềm hãm bước chân "hết xí quách", vận tốc cuốc bộ giờ này cao lắm là hai cây số giờ.
Cơn tam bành suýt nổ tung, chợt dịu xuống như bong bóng xì, khi ông xã đi trước thông báo, đường Moran đây rồi, tôi chạy tới đầu đường, cuối đường là báo "Người Việt", hy vọng tắt lịm, lại cuốc bộ thêm một đoạn nữa, bao xa chưa biết, chỉ biết mình trễ hẹn đến hai mươi phút.
Dân ta hay chế diễu, không đến trễ không phải là việt nam, tôi là dân việt chính cống, chắc không tránh khỏi cái "nghiệp nghiệt ngã" mít đặc này, vừa thất vọng vì chưa tìm ra bản doanh Việt Báo, vừa xấu hổ vì lần đầu tiên ra mắt các bác chủ xị mà mình trễ hẹn. Còn gì uy tín, chắc hai bác khó hình dung nổi "nhân vật trầm trọng" này chơi giờ dây thun với các bác, có uốn lưỡi đến bảy lần cũng khó "thanh minh thanh nga". Nhân đây xin trần tình với các bác về "chuyến xe bão táp" với đoạn "đường bộ xuyên Bolsa cháy nắng" khiến tôi trễ hẹn, và đây là điều mà tôi hứa sẽ bật mí trong bài viết này, với tựa đề do bác gợi ý.
Vừa đi qua Việt Herald, thấy bảng hiệu Việt Báo, tôi mừng như bắt được vàng, đứng lại quẹt mồ hôi, xếp cái mũ vải nhét vào bóp, đẩy cửa bước vào, nhe răng "cười cò mồi" với cô tiếp tân.
Tôi tự giới thiệu và thành thật khai báo, có hẹn với hai bác nhưng đến muộn vài chục phút, thẹn ơi là thẹn, chuyến này chết chắc với biệt danh "Thị Muộn". Tôi không tưởng tượng nổi các bác sẽ nghĩ gì về tôi, phút đầu ra mắt hai bác, tinh tú quay cuồng như chong chóng, vậy mà bác Từ an nhiên tự tại, coi như không có gì xảy ra, vui vẽ giới thiệu tôi với các cô ngồi ngay sảnh chính của toàn soạn.
Hú vía, tôi nghe mát rượi trong lòng, tuy tóc tôi còn ướt đẫm mồ hôi, khi bác dẫn chúng tôi vào phòng làm việc của bác Nhã Ca, tôi ngẫn ngơ trước không gian đẹp vừa bước vào mang sắc thái Nhã Ca, từ bộ bàn hai ghế ngồi cho đến tranh tượng trang trí khắp phòng, và bác là tổng hợp những gì tôi vừa nhìn thấy.
Bác Nhã Ca từ bàn làm việc đi ra kéo tôi ngồi vào ghế để chụp hình kỷ niệm, qua vài "bô hình" chúng tôi tựa vào nhau, sự thân tình xuất hiện tự nhiên từ thế ngồi lúc chụp hình, và tăng lên trong suốt buổi gặp gỡ hôm đó.
Văn phòng của bác Từ như một bảo tàng mini tranh biếm họa những nhân vật quen thuộc trong làng báo, làng văn trong nhà tù cộng sản, nhiều vị đã gĩa từ chúng ta, nhưng nhìn tranh vẫn thấy các bác "đang đùa" với đời. Không gian của bác Từ hình như không tỉnh lặng, mà ồn ào náo nhiệt với những nét vẽ tinh nghịch, bên hông bụi tre gợi nhớ làng quê xa xôi.
Cảm ơn hai bác đã dành cho chúng tôi tình thân ngay lần đầu gặp gỡ, và những lời khích lệ giúp tôi mạnh dạn tiếp tục viết lách.
Nắng lên cao dưới bóng cây chuối kiểng chúng tôi ngồi bên mâm cơm thuần việt với đậu chiên sả ớt, canh cải chua thịt bò, cá kho tộ ... hai ly đỏ Cabernet Sauvignon đậm tình thân hữu và sự trân quý vừa chớm.
Nắng chưa tàn, giờ chia tay đã điểm, hẹn gặp lại hai bác vào một dịp khác, tôi ra về chếnh choáng hơi men dưới cơn nắng chói chan, trời Cali dù mưa hay nắng lúc nào cũng gợi hứng để tôi làm liều viết chữ.
***
Tôi đón xe đò Hoàng lên San José để trốn nắng dưới này, đã bảo nắng cả tiểu bang, chạy đi đâu cũng thừa, ậy xứ này là thiên đàng mà tất cả đều có thể xảy ra hoặc ta có thể làm được tất cả những gì ta muốn, nói vậy chớ không phải vậy. Chữ "tất cả" chỉ phỉnh phờ nhau thôi, vì khái niệm này bao la mênh mông khó nắm bắt nếu ta không "khoanh vùng" tất cả cái gì đó mà ta nói đến.
Xe sắp lăn bánh, chị "lơ xe" thâu tiền vé, cửa lên bị chặn lại để dễ thu tiền, cảnh này thấy quen quen, bát nháo bất tín, bộ dân ở đây "ăn giựt" dữ lắm hay sao mà chị dùng biện pháp này. Tôi an vị gần cuối xe, vừa đưa tiền mua hai vé, ông xã "sớn xác" bước lên xe, đương nhiên là không thể tiến tới phía tôi, càng không thể đi lùi. Tôi chưa kịp "nhận diện" ông xã, chị đã đòi tiền mãi lộ, thôi để chị ưu tiên "hành nghề", tôi nhỏ nhẹ, ông xã tôi đó chị, câu nói y chan mỗi lần ra mắt chàng của tôi với các bạn mới quen, nhưng âm điệu lần này không đượm nét tình thân. Cũng khó trách chị nếu chị đã từng bị hành khách quên trả tiền, đồng hương đôi khi thương nhau lắm cắn nhau đau là vậy.
Kéo rèm che nắng Cali, xe lắc lư trong nắng, trong sương mù đoạn "lên mây", đấy thiên đàng là đây, trong nắng có sương mát rượi, muốn gì được đó, thật sự ta chỉ theo thời tiết để đón nắng đón sương, chớ ta làm sao khiển được trời đất.
Trên màn hình băng nhạc Asia vừa bắt đầu, MC tranh nói với hành khách đang trút bầu tâm sự, gặp người lạ nói cho hả cơn ghen, cho thỏa men tình, xe đò VN ở đâu cũng mang màu sắc hỉ nộ ái ố đặc trưng xứ Việt.
Một bà than chồng về VN bị "kẹt đò yêu" nên quyết sang ngang với một kiều nữ miệt vườn, mặc cho vợ con dùng chính sách chiêu hồi từ ngọt bùi đến cay đắng, ông vẫn trơ gan làm ngơ. Chuyện xưa rồi nhưng vết thương lòng còn mưng mủ, nên hờn ghen còn nóng hổi như mới hôm qua, mấy người xúm nhau an ủi bà, bảo bà nên quên kẻ bạc tình. Người bị phụ rẫy càng muốn quên càng thấy nhớ, an ủi như thế kém nhân đạo, cứ xui bà "giết người trong mộng" cho chắc ăn, đeo đuổi làm chi cuộc tình vô vọng. Ông xã tôi chê, nói như mẹ nó trên đời này còn đâu chuyện tình Lan & Điệp, chùa chiền sẽ vắng bóng hồng năm nao, đó là chuyện tình buồn tôi vừa nghe.
Một cặp trung niên ngồi hàng ghế trước, anh mặc áo hoa Hawạ, chị đội nón "cu bồi", vừa trao cho anh khúc bánh mì chị lấy tay bịt mắt anh khi thấy mấy cô vũ công sexy đùa cợt trên băng nhạc Asia, anh cố trêu chị, tháo mười ngón tay thiên thần của chị để nhìn thiên thần trên màn ảnh. Anh cười thích thú, chị "bẻ cổ" anh sang bên trái tránh xa "vùng cấm địa", anh ôm choàng lấy chị, lần này anh ôm thiên thần của anh đấy, tình tứ thật.
Tôi khều ông xã, thấy người ta mùi chưa, chàng của tôi nheo mắt, tình nhân thì phải mùi như mít rụng, tình chỉ đẹp khi còn dang dở mà lị, chúng mình cưới nhau rồi nên mất vui chút chút, nghe chàng nói mà phát rét, kẹt trời đang nóng bức nên không dám ôm chàng như cặp phía trước, sợ đổ mồ hôi hột.
Xong chuyện tình nhân hàng ghế trước, hàng ghế đối diện có một bà ngoài năm mươi, anh anh em em ngọt xớt với ông lão ngồi bên trong, tình gìa mùi như mít đổ nhựa, không nghe ông anh trả lời, chỉ giọng mía lùi của bà chị rót nhẹ vào tai ông. Xe ghé vào trạm nghỉ vài phút để bà con xả hơi, cặp Hawạ tíu tít đu đưa xuống xe, ông lão từng bước nặng nhọc tựa vai bà chị, tuổi tác cách nhau gần hai con giáp, hình như bà chị vừa "lấy chồng xa xứ" nên lúc nảy tôi nghe bà chị khen xe đò này đẹp quá. Thôi thì một công đôi việc, bà chị sang ngang bằng máy bay cho biết xứ cờ hoa, ông rước bà dìa dinh để trốn "nursing home", tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi, mong sao duyên tình của họ thôi thế cũng xong một cuộc tình xế bóng.
Ăn hết khúc bánh mì, đánh một giấc đầy, xe cũng vừa cặp bến San José, trời nắng nóng không thua dưới Little Sàigòn, trong khi chờ ông anh rể bên chồng đón, tôi vớt thêm một chuyện tình thời thượng. Em là bác sĩ Sàigòn, anh cưới em sang, sau vài năm học lấy bằng, em hành nghề giúp anh một tay, mấy anh việt kiều có phúc thật, khi không rinh được mỏ vàng. Vợ ngoan vợ giỏi, dù nhan sắc không bắt mắt, bàn tay vàng của em dư sức bảo đãm hạnh phúc gia đình, tình như không mà có là vậy đó.
Về nhà, ông anh rể đưa ông xã tôi đi "cà phê lú lẫn", cách đây bốn năm cà phê hở hang còn mới lạ, bây giờ để không bị chê lỗi thời mấy em khoát thêm tấm vải the trong suốt, mấy anh tha hồ chiêm ngưỡng đồi núi chập chùng lúc các cô nghiêng người đặt tách cà phê xuống bàn.
Đàn ông thích gái trẻ là chuyện thường, ông anh rể nói tiếp, ông Adong nghe lời bà Evà vì lúc đó chỉ có một mình bà là phụ nữ, gía có một em Lú ở đấy, còn khuya ông mới dại dột ăn trái cấm để bọn đàn ông phải mắc nghẹn nghìn thu. Chị chồng của tôi xân xỉa, anh chỉ được cái vớ vẩn, đến thánh kinh anh cũng không chừa, anh cười dịu, đùa chút cho vui, em dư biết anh là đứa trung thành, nhưng dân "tàu bay" như anh không bay bướm đâu phải là dân Không Quân, chị trề môi, khéo phỉnh, anh chỉ trung thành với cái tính lăng nhăng của anh thôi, anh sung sướng ra mặt, OK anh chịu thua em điểm này, sao anh có cách tự thú hay đến thế nhỉ.
Trong buổi trùng phùng với dân SJ, tôi ngẫn ngơ gặp lại đám sinh viên VN du học, mới qua Mỹ hơn hai năm, vừa đi làm vừa học ESL, không còn rách rưới như lúc ở bên nhà, quần áo bảnh bao, nhãn hiệu USA thiên đàng hạ giới lồ lộ ra đó nhưng bộ não vẫn xám đặc cán cộng. Thế hệ sinh ra những năm tám mươi, lỡ làm cháu ngoan bác hồ, nhiễm thói lọc lừa thủ đoạn của dân cơ hội, "tinh hoa thoái hóa" của chế độ cộng sản như vón lại trong từng câu chữ. Chú em sinh viên "học đại" ba năm bên VN, sang Mỹ tiếp tục học thêm vài năm chưa thèm vào đại học, đang học đại môn gì đó để trở thành sinh viên muôn thuở. Chú bảo học theo phương thức "lấy ngắn nuôi dài" khẩu hiệu đặc sệt mùi cộng sản, tôi không hiểu chú lấy cái gì nuôi cái gì, chỉ thấy tội nghiệp xứ cờ hoa đang du nhập rác rưởi các nước vô sản vô đạo đức. Đại học Mỹ nếu kinh doanh mà dựa vào đám sinh viên du học kiểu này coi như phá sản, họ đến đây để làm "kinh tế" lẻ tẻ, đóng học phí tối thiểu, mục đích là "định cư" bằng mọi gía, nếu phải ở chui họ cũng sẵn sàng, thì ra cái ngắn có giấy tờ nuôi đoạn dài "trường chinh kháng chiến" là đây. Khiếp quá, bóng ma cộng sản còn chập chờn đâu đó, tưởng bỏ bắc vào nam, bỏ Việt Nam qua tận bên Mỹ vẫn còn thấy ma cộng nô nhan nhãn, biết đến bao giờ dân ta mới thật sự thoát họa giặc cộng, gĩa từ bọn trẻ ra về tôi hoang mang bần thần, còn bao nhiêu thế hệ trẻ VN bị nhiễm độc chế độ vô thần, liệu có phép mầu gì cứu họ không.
Hôm sau ra biển Monterey "tẩy não", nắng ấm nước lạnh bãi vắng, đàn chim biển rủ nhau tắm nắng với vài cặp cao niên tay trong tay hóng gió, tôi hớn hở nhặt rong biển, nghe nói rong biển xào sả ớt rất ngon, hư thực ra sao chưa rõ, chỉ biết gió biển đưa tôi ra khơi thật xa, bỏ lại sau lưng những mối tình thời thượng, tình nhân, nhân tình thế thái.
Vào trung tâm thành phố, dân cư đa số là người cao niên gốc Mỹ, xế trưa hàng quán vẫn nhộn nhịp nhưng không ồn ào như bến cảng San Francisco. Cuộc sống ở đây êm đềm đến nỗi ông anh rể mơ tậu một căn nhà về hưu hưởng nhàn, chị chồng tôi diễu cợt, nghèo mà ham, tậu Motorhome thì được, nhà coi bộ hơi khó, anh chắc mẫm, mua nhà cũ, anh sửa thành lâu đài tình ái cho chúng mình. American dream vẫn thịnh hành ngay với công dân Mỹ gốc việt bám trụ hơn hai mươi năm nay, nói gì dân chúng mấy nước láng giềng và cả thế giới nữa, ai chả mơ đất hứa, nhưng không phải ai vào đất lành cũng sống lành mạnh.
Lên Xan Phan thăm lại phố xưa, phố vẫn tấp nập du khách như thuở nào, quà lưu niệm đa phần xuất xưởng bên tàu, gía rẻ đầy nghi ngại, cũng một món hàng gía từ 99 cents đến 2$99 tùy vị trí cửa tiệm. Lò bánh mì tây Boudin ở khu Fisherman s Wharf với quy trình sản xuất tự động các loại bánh mì được trình bày lộ thiên sau cửa kiếng thu hút đám du khách hiếu kỳ, nhìn bắt mắt khiến thiên hạ khó cầm lòng, trước quày thâu tiền khách xếp hàng rồng rắn nhìn phát mê. Ra cầu tàu có hàng cua ghẹ nóng hổi, tôi chừa hải sản, ăn từ Monterey đến đây, mặt mày nổi mề đai như con nít bông sữa, nhìn không giống ai, ông xã dũa, gìa còn ham... ăn.
Quay về Little Sàigòn, lại ăn hàng quán xá, đến đây mà không ăn hàng rõ phí đời, ăn vào có ra trăng sao thì tự liệu, ông xã thòng một câu dứt điểm, tôi xám hối nên ăn đồ chay, ăn từ quán đến chùa, ba ngày cuối ăn chay thí mạng, da mặt dịu lại, mề đai lặn luôn. Vào chùa lòng còn sân si, ních một bụng đầy còn "to go" vài món ăn chơi. Ông xã lắc đầu, chúa phật gặp mẹ nó cũng sợ nói gì bố nó, tôi phản công ngay, người ta giúp chùa anh không khen được một lời mát dạ, này nhé sư cô cảm ơn rối rít vì đã bao sân cú chót "hàng tồn kho" đấy.
Mẻ hàng tồn kho của sư cô nằm gọn trong vali gửi vào bụng máy bay, về nhà tôi lấy vội mấy gói chả cá, bao tử phá lấu, cá chiên, bì ... cho vào tủ lạnh. Mấy ngày liền tôi ăn dè đồ chay, cơm chùa cũng như cơm tiệm chay ngoài phố, thức ăn hao hao, ngon dở tùy khẩu vị, chỉ cái tâm người nấu có thể khác, đứa tham ăn ... chay như tôi khó đoán nổi tâm tình bếp trưởng.
Một chiều cuối tuần chúng tôi kéo nhau vào Cow Boy Club trên Long Beach, Mỹ trẻ, trung niên, lão niên với trang phục mũ chăn bò, ủng cao gót, quay cuồng với điệu nhảy Country, Madison ... đậm nét nông trang thời lập quốc. Đám da vàng chúng tôi tuy thiếu trang phục của câu lạc bộ nhưng không biến thành đám bò lạc giữa dòng nhạc đồng quê đặc trưng xứ cờ hoa.
Những ngày cuối cùng Cali đổ mưa, mình chưa ra đi trời đã nhỏ lệ nhớ nhung, ông xã chế diễu, mẹ nó làm như mình là nhân vật trầm trọng, thử ra phố xem có ai biết mẹ nó không. Chàng của tôi thiếu chất thơ, người ta ví von một tí mà không hiểu, mình là khách vãng lai, chưa phải là dân địa phương, dĩ nhiên mình sẽ chìm trong đám đông quần chúng là cái chắc rồi.
Chắc chắn ngày rời Cali tôi đã để lại nửa con tim tham ăn, nửa con tim nhung nhớ căn nhà của cô em có đám rau thơm xanh rì sau hè, dàn thanh long trĩu trái chuyển sang sắc hồng, nửa con tim ôm hết phố chợ vào lòng.
Nửa con tim rong ruổi theo chuyến xe đò để nghe chuyện tình nhân gian, lên tận Xan Phan ngắm cầu Golden, đến Monterey nhìn ra khơi như muốn tìm lại bóng dáng thuyền nhân thuở nào, và quay về gom một trời thương nhớ Cali với cơn mưa chợt đến chợt đi, để nắng Cali luôn nồng ấm tình thân.
Đoàn Thị