Hôm nay,  

Giọt Nước Mắt Của Cha Tôi

19/09/201000:00:00(Xem: 93077)

Giọt Nước Mắt Của Cha Tôi

Tác giả: Timmy Quach
Bài số 2995-28295-vb8091910

Theo bài viết, tác giả chỉ mới đến Mỹ được hơn 6 tháng, định cư tại Florida, một vùng ít người Việt. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên là chuyện học tiếng Anh, với một cô giáo Mỹ tình nguyện dạy miễn phí. Bài Viết Về Nước Mỹ sau đây kể về người cha cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân cải tạo, đang trong nursing home từ hơn một năm qua vì  bị tai biến. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Tôi đến Hoa Kỳ vào một buổi sáng mùa đông, lúc Washington D.C và Maryland ngập dầy trong tuyết trắng. Mẹ tôi với vẻ mừng rỡ và sốt ruột đón chúng tôi vào nhà.
Cơm nước xong, cảm thấy bớt lạnh, gia đình tôi cùng mẹ vào nursing home thăm cha tôi. Ông nằm trong một căn phòng nhỏ, chiếc chăn đắp lên tới ngực, ở bụng có một ống nhựa cỡ bằng đầu đũa ăn đang truyền sữa vào để nuôi sống cơ thể. Ba tôi bị chứng bệnh tai biến quái ác quật ngã đã sáu tháng nay. Mấy tháng đầu tiên vào bệnh viện, bác sĩ có trao đổi tận tình với gia đình, nếu muốn ba tôi giải thoát sớm thì chỉ việc rút ống vài ngày là xong. Nhưng tình cảm thiêng liêng nắm níu của má tôi, mấy đứa em tôi ở Mỹ và chính tôi ở quê nhà đều không muốn như vậy. Còn nước còn tát. Qua một thời gian dài bất động, từ từ ba tôi mở được mắt, nhưng nhìn đâu đâu, mất hồn. Má tôi nói chắc ba tôi còn đợi gia đình chúng tôi qua sum họp rồi mới yên lòng nhắm mắt...
Má tôi đến bên ông nắm đôi bàn tay kêu lớn:
"Anh ơi, tỉnh dậy đi! Con trai chúng ta qua tới rồi, có cả hai đứa cháu nội nữa... Tỉnh dậy mà về với mẹ con em...".
Chúng tôi đều xúc động, rơi nước mắt. Tôi xoa bóp hai chân của ông bây giờ khẳng khiu, co quắp, chỉ còn da bọc xương mà miệng nói chẳng nên lời. Bao kỷ niệm chợt ùa về  mãnh liệt trong lòng tôi...
Những năm tháng trong tù cải tạo đau đớn, nhọc nhằn đã lấy đi rất nhiều sức khỏe của ba tôi. Tôi đã cùng mẹ hoặc nhiều khi với ông nội ngoài bảy mươi tuổi đi thăm nuôi ba tôi, lúc ở kênh Tám ngàn, lúc xuống Chương Thiện, lúc tới Vườn đào- Cai Lậy... Tôi nhớ năm đó ở trại Vườn đào, nước lũ sông Cửu Long ngập nặng, đường xá đi lại khó khăn mà vô đến nơi mới thấy càng thảm cảnh hơn: nước ngập tới nóc trại, các sĩ quan chế độ cũ bị đi tù cải tạo ở đây sống suốt ngày dưới nước, lội bì bõm ra tìm thân nhân đến thăm, cái ăn cái mặc khốn khổ vô cùng. Nhiều người đã chết. May mắn thay, ba tôi còn sống trở về...
Sống lây lất, nơm nớp lo sợ đến năm 1994, ba má và bốn đứa em tôi đi sang Hoa Kỳ định cư, ở tiểu bang Maryland. Mấy năm đầu qua xứ tự do, đi làm tuy có vất vả, nhưng rồi cuộc sống ổn định, mấy em tôi có vợ, có chồng; ba má tôi có cháu nội, cháu ngoại ẳm bồng... Tuy vậy ông còn buồn vì do tôi có gia đình nên không đi xuất cảnh chung với ông được, còn ở lại Việt Nam.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái sống gần gũi với mình, nhất là khi tuổi già, sức yếu. Ông làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi. Nhưng tôi thấy mình sống cũng được, con cái đã trưởng thành, ra đi thì  mồ mả ông bà không ai chăm sóc; nếu ba má tôi có về Việt Nam thì còn con cái đỡ đần, khi trăm tuổi gửi thân xác ở quê nhà cũng có người lo... Tôi đã trả lời với ông như thế. Đến khi ông bệnh nặng như lần này, má tôi sắp xếp giấy tờ mới thấy tờ di chúc của ba tôi để lại, ước mong gia đình tôi qua đây sum họp. Bà thuyết phục tôi và hối thúc các em tôi hoàn tất hồ sơ bảo lãnh. Sáu tháng sau tôi đã có mặt bên người cha thân yêu...


Má tôi vẫn tiếp tục xoa tay, xoa lưng cho ông, vừa kể lể tâm sự. Ngày nào cũng vậy, bà vào thăm ông, nói chuyện với ông và hi vọng ông nghe được những lời ấy.Tôi nhúng nước khăn, vắt khô lau mặt ba tôi, vừa kêu ông nhìn xem có nhận ra tôi không. Khuôn mặt ba tôi vẫn còn hồng hồng, đôi mắt từ từ mở to và cả hai má con tôi đều thấy có một giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt của ông. Tôi nắm chặt tay ông, lắc mạnh, tin rằng ông đã nhận ra chúng tôi. Có phải lòng ông đang vui" Bệnh tình có cơ hồi phục" Tôi thầm nguyện ơn trên ban bố phước lành.
Những bàn tay ấm mãi ngày đông...
Sau đó do hoàn cảnh sinh sống tôi phải về tiểu bang Florida nhưng trong lòng không ngớt nhớ thương ông.

*
Đầu tháng 9 năm nay, nhân nghỉ lễ Labor Day, tôi mua vé máy bay về thăm cha .
Washington D.C đón  tôi lần này không bằng những trận bão tuyết lịch sử dầy trên cả mét nữa mà là những làn gió mát dịu ngọt đầu thu.
Nhiều người đang xếp hàng dài để vào tháp bút chì, đi thang máy lên các tầng cao nhìn ngắm bao quát phong cảnh. Tòa nhà Quốc hội Mỹ đông du khách đến tham quan chụp hình. Ngay cả Tòa Bạch Ốc cũng vậy. Người dân chạy xe đạp, tập thể dục, đi bộ tấp nập quanh những cơ quan quyền lực cao nhất của Hoa Kỳ. Các xe bán nước giải khát, quà lưu niệm đậu thành hàng khá nhiều. Rất tiếc tôi không có dịp về đây khoảng đầu tháng 4 để dự lễ hội hoa anh đào. Giờ đây lác đác một số cây đã chuyển sang  màu vàng hoặc đỏ, đến cuối tháng 10 lá sẽ rụng đi hết đón gió đông về...
Con  đường chạy dọc dòng sông Potomac từ D.C về Maryland thật đẹp. Một bên là vách núi, rừng cây, một bên là dòng sông êm đềm có nhiều người bơi thuyền nhựa thư thả vui chơi. Ẩn hiện bên  kia đồi là những ngôi biệt thự của giới nhà giàu...
Nhiều lần vào nursing home thăm ba tôi. Ông hồng hào hơn, khi tôi gọi to, ông mở mắt ra và liếc qua lại vài lần như tìm kiếm, thần sắc cặp mắt tốt hơn trước, duy chỉ không cử động tay chân và nói chuyện được.
Những người già và bệnh tật ở Mỹ được chăm sóc y tế khá tốt. Vài tháng, bác sĩ mời đại diện gia đình đến thông báo kết quả điều trị và sức khỏe của ba tôi. Ông đã nằm đây hơn một năm, không biết sống được đến ngày nào, tùy vào số Trời Phật cho... Ở Việt Nam bệnh như thế chắc đã không cứu được.
Mỗi lần thăm ông, tôi lại man mác buồn. Suy nghĩ về cuộc đời. Phải chăng giống như lời thơ của Lý Bạch:

"Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh .."

(Cuộc đời như giấc chiêm bao / Cớ chi mà lại lao xao suốt ngày)

Đời người ngắn ngủi, vô thường. Tôi từng chứng kiến sự ra đi của ông bà nội, ngoại, cha vợ, những người bà con... Bánh xe sinh lão bệnh tử không chừa một ai. Nhưng tôi không lấy đó làm lo sợ. Sống thuận theo trời đất, thiên nhiên cây cối: mùa thu rụng lá, mùa đông tích nhựa, mùa xuân nẩy lộc, mùa hạ xanh tươi... Tìm được những cái thi vị, ý nghĩa để sống tích cực, lạc quan hơn, sống mạnh mẽ, hữu ích hơn chẳng tốt đẹp sao...
Người Việt quý trọng cội nguồn thiêng liêng, sợi dây tình cảm gia đình gắn kết thế hệ này với thế hệ kế tiếp. Tôi nghĩ, dù ở đâu, tình phụ tử vẫn muôn đời bất diệt.
Nhớ giọt nước mắt bên khoé mắt người cha thân yêu, tôi tin  đó là giọt nước mắt yêu thương, và mong ông an lành.

TIMMY QUÁCH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,338,586
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.