Hôm nay,  

Tôi Là "đốc-tờ"...nail!

15/08/201000:00:00(Xem: 206711)

Tôi là "Đốc-tờ"...Nail!

Tác giả: Hải Âu
Bài số 2963-28263-vb8081510

Hôm nay 15-8-2010, Viết Về Nước Mỹ họp mặt ra mắt sách, mừng Năm Thứ Mười. Sách không phải một mà là hai: Viết Về Nước Mỹ 2010, với 67 tác giả, bìa mới màu đỏ báo Tết truyền thống của Việt Báo, vẫn 640 trang, nhưng nội dung mới lạ hơn, biên tập công phu hơn, và ấn loát đẹp hơn. Cuôán thứ hai là sách anh ngữ, Writing on America, 2000-2010. Đây là một tuyển tập  của 31 tác giả thắng giải suốt 10 năm.  Bạn đọc hưởng ứng Viết Về Nước Mỹ xin hỏi các nhà sách địa phương, hoặc liên lạc trực tiếp với Việt Báo để có sách mới.
  Nhân dịp này, xin trở lại với một đề tài từng được đề cập nhiều lần: nghề Nail. Tác giả bài viết tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi,học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Bài viết về nước Mỹ  đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ chồng. Bài thứ hai, Một Mảnh Đời Tị Nạn, kể về những ngày đầu mới tới nuớc Mỹ. Sau đây là bài viết thứ ba. Mong bà tiếp tục viết.

***

Cách đây hai mươi năm lúc mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, bơ vơ nơi xứ lạ quê người, tôi chẳng biết làm gì để sinh sống. Tình cờ,  gặp một người Việt qua đây từ năm 75 đang làm tóc cho một tiệm Mỹ trong Mall,  chị hỏi tôi:
-Em khéo tay không" Xin tiền trợ cấp đi học nail đi. Nghề này kiếm tiền nhiều lắm! 
Tôi hồ đồ kêu lên:
- Làm Nail" Qua Mỹ không học gì lại đi học nail .Thôi em chẳng thích nghề này đâu.
Hồ đồ cũng phải vì nghe chị Hồng nói tôi nghĩ ngay đến mấy con bé làm móng tay trong chợ Vườn Chuối, khu xóm nhà tôi ở VN. Mỗi đứa chỉ cần một thùng đồ nghề cỏn con với dăm cây kềm cắt da,  vài cây dũa,  chục chai nước sơn,  mấy cái chậu be bé để ngâm tay ngâm chân là chúng có thể đi làm dạo từ đầu chợ đến cuối chợ. Thỉnh thoảng có tiệc tùng, muốn làm đẹp nhưng mắc cỡ tôi đâu dám ra chợ ngồi làm móng tay. Thế là làm sang tôi kêu một con bé đến nhà làm với đồ đạc riêng của mình (cho bảo đảm an toàn,  vệ sinh ấy mà) và trả thêm cho nó tí tiền.
Lúc ấy ở VN tôi cũng không giàu có gì nhưng vẫn có thành kiến với nghề làm nail lắm. Huống hồ gì bây giờ mới qua Mỹ, cửa thiên đàng đang rộng mở lại biểu đi làm nail - đời nào tôi chịu! Hơn nữa,  nghề nail  lúc ấy cũng còn xa lạ,  chưa rầm rộ,  thịnh hành như bây giờ nên tôi chẳng màng gì đến lời gợi ý hấp dẫn của chị Hồng.
Thành phố Myrtle Beach- nơi dun rủi gia đình tôi đến lập nghiệp khi mới qua Mỹ là một thành phố du lịch hiền hòa,  vui nhộn. Khí hậu khá lý tưởng- mùa hè giống Vũng Tàu,  mùa đông giống Đà Lạt. Khi tôi đến đây, Myrtle Beach chỉ có khoảng ba,  bốn trăm người VN. Nói đúng hơn chỉ vài chục gia đình người Việt gồm cả già,  trẻ,  lớn,  bé. Vì thế tôi vẫn thân thương gọi Myrtle Beach là "Ở một nơi ai cũng quen nhau". Đa số người Việt ở đây đều làm cho hãng điện tử AVX Corporation. Có người làm từ năm 75 đến nay,  có người là Supervisor,  dăm ba người làm Technician,  còn đa số là Operator. Người cũ dắt díu,  chỉ dạy người mới tạo thành một cộng đồng VN nhỏ bé nhưng rất đoàn kết,  thương yêu,  đùm bọc lẫn nhau.
Chúng tôi yên thân yên phận trong`thế giới nhỏ này vì công việc tương đối nhẹ nhàng,  thích hợp; lương bổng thỏa đáng; bảo hiểm sức khỏe tốt ; over time làm thoải mái có thêm thu nhập khỏi phải kiếm thêm job nữa. Nói chung,  phần lớn người Việt ở đây nên nhà nên cửa đều nhờ vào hãng điện tử này.
Cuộc sống đang yên ổn,  thì một ngày kia trong hãng bắt đầu xuất hiện vài người lạ mặt- họ từ các nước xa xôi đến đây. Tin rò rỉ từ những người Technician VN: Hãng sắp sửa đưa jobs ra nước ngoài! Và điều mỉa mai là họ có bổn phận training công việc cho những người lạ mặt đó,  để rồi tất cả chúng ta đều mất việc làm.
Trong hãng bắt đầu xầm xì,  bàn tán và rồi mọi việc xảy ra đúng như sự tiên đoán của mọi người- hãng bắt đầu cho layoff  từ từ. Những người làm việc khoảng năm,  mười năm cũng bắt đầu tập nhìn ra thế giới bên ngoài. Khi ấy chúng tôi mới khám phá ra rằng : lâu nay, trong khi chúng tôi cặm cụi làm việc trong hãng điện tử thì bên ngoài có hai gia đình VN,  âm thầm làm nail và âm thầm...hốt bạc vì xuyên dọc bờ biển dài từ North xuống South chỉ duy nhất có hai tiệm Nail phục vụ du khách,  nhất là những tháng mùa hè đông đúc,  nhộn nhịp.
Thế là những người VN bị lay off đầu tiên bắt đầu đi học,  đi làm nail,  mở tiệm và cuộc sống lại tiếp diễn tuy có xao động hơn với nghề nghiệp mới.
Sau khi hưởng sáu tháng tiền lương trợ cấp thất nghiệp,  thành kiến về nghề nail vẫn lởn vởn trong đầu khiến tôi phân vân,  lưỡng lự khi bạn bè hối thúc đi học nail. Thấy họ làm được,  kiếm tiền nuôi con ăn học đàng hoàng,  tôi đành chịu thua thành kiến để thử dấn thân vào  nghề mà sau này nhiều người trong cuộc thường ngao ngán: Đường vào nghề nail có trăm lần vui,  có vạn lần...sầu!
Không đơn giản như ở VN. Trước tiên tôi phải ghi danh vào trường Dudley Beauty College học sáu tháng. Tốt nghiệp xong phải đi thi lấy bằng đàng hoàng mới được ra làm nail. Đoạn đường đi học cũng lắm đoạn trường,  gian nan. Ở VN đi làm nail  có cần học hành gì đâu thế mà bên Mỹ  này khi vào lớp tôi phải học đủ thứ. Nào là,  khi làm nail phải biết bàn tay có 5 ngón,  cấu trúc của ngón tay,  móng tay như thế nào, xương tay,  xương chân ra sao ..vv... Rồi thì có bao nhiêu loại máu,  hồng huyết cầu,  bạch huyết cầu... Lại còn phải học thêm hàng trăm thứ bệnh về da,  bệnh nào bệnh nấy thật dễ sợ khiến tôi phát...hoảng và có cảm giác mình đi học để ra làm...bác sĩ chứ không phải làm nail! Khó nhất là các từ chuyên môn phải nhớ để đi thi lý thuyết. Vì thế,  mỗi ngày bà giáo đều bắt chúng tôi phải học thuộc từ ba đến năm chương. Thật ra,  những kiến thức này tôi đã học từ hồi ở VN nhưng bây giờ phải học bằng tiếng Anh nên rất khó khăn.Tôi đi học làm nail mà khổ sở,  vất vả với cuốn tự điển Anh-Việt kè kè bên mình.
Sang phần thực hành tương đối đỡ bị stress hơn nhưng hồi nào đến giờ người ta làm nail cho mình,  tôi chưa cầm tay ai làm nail bao giờ. Thấy tôi lọng cọng cầm cái dũa thực tập trên bàn tay giả, bà giáo người Mỹ ngạc nhiên :
- Ủa,  trò chưa biết làm nail hả"
Lạ nhỉ! Chưa biết mới đi học chứ. Chắc bà giáo nghĩ người VN nào sanh ra cũng đều biết làm nail cả! Sau naỳ tôi hiểu ra, ngày trước bà giáo dạy nail ở các tiểu bang có nhiều người VN. Hầu hết các học sinh đi học đều đã đi làm nail  hoặc đã biết làm nail. Họ đi học chỉ để lấy giờ,  đi thi lấy bằng ra làm việc hợp pháp.
Ngoài việc làm móng tay thông thường và sơn như ở VN gọi là Manicure,  bên Mỹ này còn dạy làm móng bột gọi là Acrylic Nails rất thịnh hành và Design hoa lá cành trên các móng tay giả , dài. Các hóa chất dùng đắp móng bột thường gây dị ứng. Những học sinh mới thực tập lần đầu thường cảm thấy nhức đầu,  chóng mặt. Có người bị chảy nước mắt, nước mũi hoặc ngứa ngáy rất khó chịu. Trong trường chỉ dạy căn bản để đi thi. Khi ra làm việc chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm,  thực hành rất nhiều mới làm được dạng móng bột này.
Vạn sự khởi đầu nan! Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp,  ra trường, đi thi lấy được cái bằng Nail (đây là cái bằng thứ nhì tôi có được sau  bằng lái xe kể từ ngày qua Mỹ) rồi trịnh trọng cho vào khung hình thật đẹp. Khoác thêm cái áo blouse  trắng,  ngắm mình trong gương tôi mỉm cười an ủi:
-Trông cũng hách đấy chứ!  Cứ như bà... đốc tờ !
Khi tới gõ cửa các tiệm Nails kỳ cựu trong thành phố tôi mới biết nghề nail này cũng có tính cách “gia đình trị“ lắm. Mặc dầu tiệm đông khách,  trong tiệm chỉ có hai vợ chồng và một cô cháu nhưng họ nhất định không nhận người ngoài,  nhất là thợ mới ra nghề như tôi. Họ chủ trương không dạy nghề cho ai cả- nhất là người ngoài!


Nghề nail ngoài sự đòi hỏi khéo tay,  tỉ mỉ,  kiên nhẫn laị phải “làm dâu trăm họ” vì khách hàng mỗi người một tính nên chuyện buồn vui trong tiệm rất nhiều. Nhớ ngày đầu tiên đi làm tôi chỉ được làm thợ phụ như dán móng,  tháo móng,  sửa ngón bị gãy, sơn tay con nít...vv.. Khi thạo việc được giao làm bộ móng tay đầu tiên tôi hồi hộp và vui mừng lắm. Thấy cô khách trẻ dễ thương,  tôi vui vẻ vừa làm việc vừa hỏi chuyện để cô ta không để ý đến sự căng thẳng của tôi. Vừa đắp được mấy móng bột,  cô gái vùng vằng xô ghế đứng dậy la lớn giữa tiệm :
- Help! Help! I’m a model. Anyone help me !
Tôi sượng sùng đứng lên theo,  nhủ thầm: "Model thì kệ model chứ! Làm gì mà la dữ dzậy"".
Cô chủ tiệm có lẽ đã quen với những cảnh này nên vội chạy đến vỗ về khách:
- Bình tĩnh nào!  Ngồi xuống đây tao làm cho.
Chị cầm bàn tay khách lên xem,  nói nhỏ với tôi:
-Trời ơi! Chị đắp móng nào móng nấy dày cui bảo sao nó không la làng !
Chị lại quay sang khách rối rít xin lỗi và ngồi xuống sửa,  làm nốt bàn tay kia cho cô khách model xinh đẹp. Khuôn mặt cô gái đã dịu xuống nhưng vẫn không thèm nhìn tôi. Tuy chẳng lo mất job vì chỉ mới làm không công để học nghề nhưng tôi cũng feel hurt lắm trước những cặp mắt tò mò,  thương hại  trong tiệm.
Nghề dạy nghề, từ từ tôi cũng làm được (chứ chưa làm đep !). Nghề nail đòi hỏi phải có đôi mắt tinh tường và sự nhanh nhẹn,  khéo léo. Tôi thì đã đeo kính lão,  lại thích cà kê dê ngỗng nói chuyện với khách nên rất chậm chạp. Trong tiệm đùa giởn gọi tôi là "bà rùa". Tôi thích thú với tên gọi này vì cô chủ thấy hợp lý thường giao cho tôi những bà khách già, mắt mũi kèm nhèm. Tôi có làm chậm hay sơn xấu họ cũng chẳng thấy gì để than phiền. Những bà khách già cô đơn lại thích tâm sự ,  săn sóc,  hỏi han nên hợp với tôi lắm.
Dần dà tôi cũng có được một số khách quen dễ thương. Thành kiến về nghề nail trong tôi trước đây không còn nữa. Tôi vui thích và cố gắng trau dồi công việc của mình. Những kiến thức học được ở trường Nail đã giúp tôi rất nhiều trong việc chia xẻ với khách hàng về việc chăm sóc sức khỏe.Tôi quan niệm ngoài việc làm đẹp, khách hàng phải quan tâm vấn đề sức khỏe thể hiện qua móng tay,  móng chân của mình. Nhiều bà khách vui tính, thường đùa gọi  tôi là "đốc tờ"!
Một khám phá khác khiến tôi rất bất ngờ, thích thú là người Mỹ cũng rất thích xem bói. Ngày xưa tôi học Văn Khoa ban Tâm ly, lại có trí nhớ tốt nên qua những câu chuyện khách tâm sự,  tôi biết bà nào có bao nhiêu ông chồng,  bà nào ly dị mấy lần,  tình duyên rối rắm ra sao,  con cái xấu tốt thế nào nên thỉnh thoảng làm nail xong, tôi thường lật ngữa bàn tay khách,  nhìn vào những đường chỉ tay để đoán về số mệnh,   tính tình,  tình duyên gia đạo của mấy bà khách...nhẹ dạ! Bắt mạch đoán mò thôi nhưng nhiều bà tin lắm! Có nhiều bà khách tới tiệm tìm tôi- không phải để làm nail mà là xem bói! Riết rồi tôi phải từ chối vì sợ cô chủ phiền lòng:
  -Tôi không phải thầy bói. Tôi là bác sĩ tâm lý! Muốn tôi...nói,  phải làm nail  trước đã.
Thế là vui vẻ cả làng!
Có nhiều bà khách thì mập ơi là mập! Họ thường nhìn những cô thợ nail thon thả với ánh mắt ngưỡng mộ và tò mò:
- Tụi bây có "secret" gì không" Hay:
- Tụi bây ăn gì vậy" chắc là không có Hamburger hay Pizza đâu !
Tôi vừa cười vừa đùa:
- Chẳng có gì "secret" cả.  Only rice and ...nước mắm !
"Rice" đa số người Mỹ đều biết nhưng nước mắm thì không! Tôi phải chạy vào phòng ăn phía sau,  bê nguyên chai nước mắm "hai con cua" hôi rình đem lên cho mấy bà khách xem làm cô chủ la oai oái.
Tôi lại có dịp trổ tài làm bác sĩ về diet:
- Muốn ốm tụi bây phải ăn uống kiêng cử,  đừng ăn nhiều thịt, mỡ. Phải ăn nhiều rau và nhất là đi bộ. Mỗi ngày chịu khó dạo biển một tiếng đồng hồ!
Chúa ơi! điều này hơi qúa đáng, nhưng không lẽ thưa rằng:
- Chúng tôi làm việc quần quật suốt ngày,  thì giờ đâu mà dạo biển. Về nhà còn phải lo cơm nước,  giặt giũ,  hầu hạ chồng con còn hơn exercise nữa thì lấy đâu ra chút mỡ thừa nào!
Chuyện vui buồn trong tiệm nail thì nhiều lắm. Bên cạnh đó tôi cũng thường đọc,  theo dõi các tạp chí chuyên ngành của Mỹ về nghề Nail. Phải công nhận người VN rất thông minh và nhậy bén trong lĩnh vực này. Họ phát minh ra nhiều điều mới lạ và thường dẫn đầu trong các cuộc thi làm nail trên thế giới. Cả một kỹ nghệ nails phát triển và hầu như người Việt đang chiếm lĩnh thị trường nail trên toàn nước Mỹ.
Khi hãng điện tử đóng cửa hẳn thì phần lớn người VN ở đây ra làm nail. Không ai muốn làm công cho ai nên đa số đều mở tiệm. Cung ít hơn cầu,  họ phải đăng báo kiếm thợ ở các tiểu bang khác. "Nail xuyên bang"  đổ xô về TP Myrtle Beach đem theo phong trào Manicure,  Spa Pedicure (mà nguời Việt thường gọi là " làm chân tay nước") từ các thành phố lớn tạo nên bộ mặt mới,  sầm uất cho TP du lịch với những tiệm Nails lớn đẹp, lộng lẫy.Cuộc sống của những người VN hiền hòa ở đây,  tuy ít nhiều xao động nhưng khấm khá hơn và nhất là yên tâm để tiếp tục lo cho con cái vào đại học.
Việc học dậm chân tại chổ,  không tiến ắt phải lùi thì nghề nail cũng vậy! Thế hệ làm nail  chúng tôi dần dần tụt hậu và lớp trẻ sau này tiến lên với những kỹ thuật hiện đại,  tân kỳ hơn tạo ra những bộ móng tay tinh xảo,  nghệ thuật. Không muốn bị "đào thải" nên tôi nghĩ đến chuyện rút lui khỏi "chiến trừơng nail". Ngày con gái tốt nghiệp đại học, nó ôm tôi thỏ thẻ:
- Mẹ làm...bác sĩ  đã lâu chắc mệt rồi! Con muốn mẹ nghỉ ngơi. Nay con đi làm nuôi mẹ.
Thế là tôi quyết định "gác cọ" nghỉ hưu,  đi chơi để bù lại những tháng ngày vất vả.
Ở nhà được một năm,  chưa có cháu ẵm bồng tôi cũng buồn và nhớ mấy bà khách già dễ thương. Mùa hè đông khách,  thỉnh thoảng các tiệm quen ơi ới gọi tôi :
- "Bà rùa" ơi! ra giúp một tay đi. Bà ra cầm tay coi bói giữ khách hộ.
Không khí tiệm Nails bây giờ tuy đông đúc,  phồn thịnh hơn thời của chúng tôi  nhưng thật xô bồ,  bát nháo khiến tôi ngại ngần mỗi khi bước vào tiệm. Lâu nay,  song song với sự phát triển, tiến bộ của nghề nail  tôi cũng nghe nhiều điều không mấy tốt đẹp về nghề này. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Trong tiệm khách đông thật mà thợ cũng đông- trai có,  gái có. Những cô gái trẻ đi làm nail mặc váy ngắn củn cởn,  tóc nhuộm vàng khè,  nói năng bặm trợn,  thô tục, kèn cựa nhau dành khách. Thậm chí có nơi còn đánh lộn,  chửi nhau bằng tiếng Việt ỏm tỏi. Có những cô thợ vừa làm pedicure cho khách vừa kẹp cổ điện thoại di động nói chuyện với bạn,  thỉnh thỏang ré lên cười hay chửi thề,  chẳng màng đến những ánh mắt khó chịu của khách hàng.
Tiệm Nails càng nhiều,  thợ càng đông,  sự cạnh tranh của nghề nail càng lớn tạo nên sự chia rẻ,  thù hằn nhau giữa chủ và chủ,  giữa chủ và thợ,  giữa thợ và thợ. Mạnh người nào người đó phá giá tạo nên một "chiến trường nails" khốc liệt,  ảnh hưởng đến nhiều gia đình VN từ lâu nay vẫn sinh sống bằng nghề này một cách đàng hoàng.
Người Việt tỵ nạn chúng ta may mắn tới được Hoa Kỳ- một đất nước có nhiều cơ hội thuận lợi để học hỏi,  phát triển tài năng,  tri thức. May mắn hơn nữa đối với những người không có trình độ cao. Nghề nail đã nuôi sống,  giúp đỡ bao gia đình chúng ta để có thể lo cho con cái ăn học thành tài như ngày nay.
Trong tình hình kinh tế suy thoái,  khủng hoảng hiện nay . Bao nhiêu người dân Mỹ thất nghiệp" Bao nhiêu gia đình tan nát , mất nhà cửa Người Việt chúng ta với nghề nail lâu nay đã có cuộc sống căn bản,  ổn định.Tuy ảnh hưởng ít nhiều nhưng nhìn quanh chúng ta vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác,  kể cả người bản xứ.
"Không có nghề nào xấu,  chỉ có người xấu mà thôi". Nghề Nail cũng như những nghề làm đẹp khác cho con người, cho xã hội- là những nghề cao quý, lương thiện,  đáng trân trọng. Đừng để đồng tiền làm mất đi tư cách,  phẩm chất,  danh dự của con người và nhất là để chúng ta không mặc cảm,  xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của mình.
Đừng tự hạ thấp hoặc đánh mất giá trị của một nghề mà  nhờ nó mà trên đất nước Hoa Kỳ này, đa số người Việt chúng ta đang được cưu mang, nhờ nó mà biết bao bạn trẻ được nuôi cho ăn học để  đạt  tới đủ loại bằng cấp, đủ loại địa vị. Vất vả, cực nhọc" Có sao đâu. Chúng ta phải luôn luôn hãnh diện:
- Vâng! Tôi là “đốc tờ“  Nail!

Ý kiến bạn đọc
03/11/202202:41:09
Khách
<a href="http://www.debts.ctr.hk/">債務重組</a> - 李建民全港最多人選用|<a href="https://www.iva-rlcpa.com/">債務重組</a> - 李建民債務重組代名人|<a href="https://rlcpa.com.hk/iva.php">債務重組</a> - 李建民全港最多人選用
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,170
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa