Cá Độ Năm Thứ Mười
Người viết: Bùi Trung Đạo
Bài số 2960-28260-vb7080710
Bùi Trung Đạo là bút hiệu của một tác giả có góp bài viết về nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả còn là chỗ quen biết thân tình với tác giả Thịnh Hương, người thường đoán trúng kết quả các giải chung kết. Chiều chủ nhật 15-8 sắp tới, họp mặt ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ Năm Thứ Mười khai diễn. MỜi bạn cùng đọc.
***
Hôm nay là ngày giỗ ông nội Bình, trúng ngày chủ nhật, cả gia đình ông bà Minh tụ họp đông đúc vui vẻ. Bình là con trai út ông bà Minh, mới 27 tuổi chưa vợ, còn ở chung cha mẹ.
Hai cô chị Hồng và Tuyết đã lập gia đình ở riêng, loay hoay nấu mấy món ăn cả buổi sáng, mang tới dọn ra đặt lên bàn thờ gia tiên, chồng con cũng đi theo tới lạy ông nội, ông cố. Ông bà Minh trước 75 có hai cô con gái nhỏ. Đi “học cải tạo” về năm 1982 thì sinh thêm được Bình, dáng dấp khôi ngô tuấn tú. Lúc đó Hồng, chị cả Bình, mới học lớp 5, và Tuyết, lớp 3. Năm 90, cả nhà được đi Mỹ theo diện H.O . Hồng học lại lớp 12 một năm rồi lên community college, học ra làm kế toán. Tuyết học lên cao, ra dược sỹ làm cho Greenmart, còn Bình vừa ra nha sỹ, đang phụ việc với một nha sỹ lâu năm có phòng mạch ở đường Magnolia, ngoài giờ làm việc, thỉnh thoảng viết thêm một đôi bài phiếm luận truyện ngắn cho mấy tờ nhật báo ở Little Saigon.
Lúc mẹ và hai chị dọn thức ăn trên bàn thờ xuống bàn ăn thì Bình ngồi salon đọc tờ Việt Báo với hai anh rể, Cường và Khoa coi Tivi, đài VHS. Khoa chốc chốc liếc mắt coi chừng đứa con nhỏ chạy lon ton, sợ vấp té. Cường khơi chuyện chính trị từ trên Tivi:
-Bà Clinton kỳ này coi bộ làm được việc. Phát biểu cứng cựa làm tụi Tàu "lạnh cẳng", hết vênh vênh tự đắc, hết dám tung chìm ghe thuyền ngư dân Quảng Nam Quảng Ngãi đánh cá nữa.
Khoa cười khỉnh, nhìn Cường:
-Phải vậy chứ. Ba tay chóp bu Việt nam kỳ này chắc chắn hí hửng ăn mừng. Anh nghe cha Nguyễn chí Vịnh tuyên bố chưa" Lần đầu mới nghe bên VN ăn nói mạnh dạn một chút. Lâu nay cứ nghe mãi mụ Phương Nga lải nhải thấy phát ghét.
Bình cười ruồi, chêm thêm một câu:
-Trước kia thì chửi đế quốc xâm lăng, cướp nước, bây giờ thi trịnh trọng bắt tay Mỹ chụp hình cười toe toét...
Khoa sực nhớ ra, hỏi:
-Ủa, nghe nói cậu lai rai viết truyện "Viết về nước Mỹ" của Việt báo mà. Có được giải thưởng gì chưa"
Bình mắc cỡ:
-Mới viết chơi có mấy bài mà giải thưởng gì anh. Mình viết tài tử chơi thôi. Người ta phải lăn lộn cả năm trời, luyện văn hai ba năm họa may mới được độc giả ưa thích, nhà báo mới để ý tới...
Ông Minh bước lại ngồi góp chuyện:
-Năm nay Việt báo họ tổ chức phát giải thưởng lớn, kỉ niệm Viết Về Nước Mỹ năm thứ Mười, mướn nhà hàng lớn, nghe nói mời đông lắm. Có tới những 11 tác giả vô chung kết. Ba đọc lại các bài của họ, thấy có nhiều bài hay, cảm động lắm.
-"Con cũng vậy", Bình nói, "con có đọc lại bài các tác giả trúng giải. Con đang tính coi ai giải nhứt. Bài của Anthony Hung Cao rất có ích cho lớp trẻ".
Bà Minh gọi:
-Mời cha con các ông vào bàn, cơm cúng đã dọn xong. Có cả beer, ly đá, nước ngọt đầy đủ, ai muốn dùng gì tùy ý...
Mọi người tới kéo ghế, ngồi vào bàn. Trang, con gái lớn Hồng, ngồi riêng ở một bàn nhỏ, lo cho các em ăn. Tuyết gắp miếng cánh gà vào chén, phát biểu:
-Con thấy bài của Vĩnh Hầu thật cảm động, đọc mà chảy nước mắt, hai gia đình Việt Mỹ hội ngộ sau 30 năm trời xa cách góc biển chân trời tưởng như không bao giờ còn thấy nhau. Ông Trời thật có mắt. Tội nghiệp thằng Mỹ xách xe gì chở vợ mà chạy tới mấy chục tiểu bang để đi thăm ân nhân.
Bà Minh chép miệng:
-Khiếp, dân Mỹ mà đẻ tới 9 đứa con, không thua gì Việt nam. Vậy mà coi hình thấy vợ chồng vẫn vui vẻ hạnh phúc, cô vợ thật hiền lành, dễ thương. May mà chúng nó không bị "panne" xe nằm đường như cái truyện gì của cô Bảo Xuân... à , "32 năm người Mỹ và tôi", đọc lần thứ ba rồi mà tôi vẫn cứ chảy nước mắt...tội nghiệp...
Cường thở ra, nói:
-Hãng con làm đang "lay off" nhân viên. Không biết lúc nào tới phiên con. Đọc bài "cắt giảm người " với "Việc làm ơi, đi đâu rồi" gì đó của Khôi An mà phát rầu.
Hồng ngắt lời chồng:
- Em lại thấy bài "Tình nghĩa nghĩa tình" năm ngoái của Khôi An thật cảm động. Bài năm nay nặng phần thời sự, kỹ thuật, chuyên môn, thông tin nhiều. Ai ở trong ngành như vậy mới thích. Chị Khôi An viết khá lắm, lại trẻ đẹp nữa, ngoài 40 mà coi hình như con gái 25...
Tuyết góp ý:
-Em thấy mấy bài nặng về thông tin, chuyên môn ít khi trúng giải nhứt nhì lắm, mặc dù hay. Bài "Mobile home" gì đó của ông Nguyễn Hùng Cường, tuy đầy đủ chi tiết các thứ, chắc chắn sẽ không nằm trong 3 giải đầu. Chị tin không" Em cá chị hai tay đó.
Khoa vặn lại:
-Em nói business, kỹ thuật chuyên môn không trúng giải lớn hả" Đâu phải bài văn chương lãng mạn lời hay ý đẹp mới đoạt giải hoa hậu đâu, Việt báo đã nói rõ tiêu chuẩn chấm bài của họ: "càng nhiều chi tiết liên quan tới nước Mỹ càng hay, văn chương không cần thiết lắm". Em đọc tác giả Bình Minh với hai bài "Trại nuôi gà" và "Nhà hàng Mongolian" gì đó chưa" Cung cấp chi tiết tỉ mỉ, mà văn lại trào phúng mới hay.Tuyệt vời ... Ai đọc 2 bài đó mà không ham, muốn bán nhà nhảy ra làm business ngay.
-Bộ anh tưởng ai cũng "lucky " như ông đó sao" Thời buổi kinh tế suy thoái, công tư chức còn chết giấc, mấy triệu người thất nghiệp, homeless đứng exit góc freeways xin tiền đầy đường, ở đó mà business"
Khoa chau mày gắt:
-That is not the point. The point is...
Ông Minh ôn tồn:
-Không, Khoa nói đúng đó, hai bài đó hay thật, Ba đọc sáu bảy tháng trước rồi mà vẫn còn ấn tượng. Mấy năm trước cũng có bài "Vui buồn nghề xăng" của Phạm hoàng Chương và "Vui buồn nghề nails" của Pamela Trinh, rất ngộ nghĩnh và nhiều chi tiết, nhưng không đồ sộ bằng business gà và franchise làm nhà hàng này.
- "Business đồ sộ"", Tuyết chưa chịu thua,"hay người viết khéo diễn tả, "cường điệu"(nói thái quá), làm mình thấy đồ sộ"
-"Cả hai", ông Minh kiên nhẫn."Người viết có tài lột tả được hết công việc làm ăn, mà người RUN business cũng tỏ ra có bản lãnh hiếm có.
Bà Minh chuyển qua các tác giả khác cho bớt căng thẳng:
-Còn cái cô gái Mỹ Tammy gì đó, cũng tội nghiệp, mê thức ăn Viêt nam hơn đồ Mỹ, không biết nguyên văn tiếng Anh thế nào chứ thấy ông bố chồng dịch ra cũng vui.
Khoa phán ngay một câu:
-Cô đó thì chắc chắn là không được làm Hoa hậu, Á hậu rồi, văn của ông bố chứ đâu phải văn của cô ấy. Giá như cô ấy viết được tiếng Việt thì hy vọng. Có thể ban giám khảo nể tình chính phủ Mỹ cưu mang cho mình định cư ở đây mà phong chức Á hậu cho bình đẳng "Mỹ Việt đề huề", lại khuyến khích thêm được nhiều người Mỹ học tiếng Việt tham gia Viết về nước Mỹ...
Con gái lớn Hồng là Trang, 15 tuổi, bỗng từ bên bàn kia nói vọng sang:
-Con cũng có đọc Viết về nước Mỹ. Con thấy bài cô Cam li Mỹ Thanh viết về tập san "Tuổi hoa" quá giỏi, cô làm cho báo tuổi "teens" từ bên Việt nam, qua đây được độc giả con nít cũ giờ đã già lớn hết, nhớ ơn gọi thăm liên lạc lại thật cảm động... Con thích cô Ly, muốn đi dự Lễ phát giải dể xem mặt cô ấy...
Hồng cười bảo:
-Sao con không tham gia viết cho Việt báo. Họ có dành riêng cho trẻ em một mục thi đua viết văn vẽ tranh gì đó, phát giải thưởng hàng năm nữa. Con học lớp Việt ngữ thêm 2 ngày cuối tuần mấy năm nay, dư sức viết, phải không" Đọc được thì phải viết được. Nếu con tham gia, chắc chắn họ đã mời tham dự rồi.
Trang sực nhớ ra, trề môi:
-Ờ, còn cái truyện MA gì của ông Tân Ngố, đọc thấy ghê. Con mà bị hải tặc bắt cóc, con cắn mạnh vô tay nó, thế nào nó cũng thả ra, con chạy kêu cảnh sát...
Ai nấy phá ra cười. Bình nói:
-Con này phước ba đời đẻ bên này, chứ ở Việt nam chắc chị Hông không đời nào dám cho đi vượt biên...
-Sao vây cậu" À, mà chuyện "ngoại cảm", tìm ra huyêt mộ người chết vùi dưới đất lâu năm, có thật không hả cậu Bình" Ông Tân Ngố này nói thật hay đùa vậy"
- "Có thật chứ cháu", ông Minh nói,"Ông Tân Ngố này có tài kể chuyện tiếu lâm rất vui. Anh rụột của ổng là bạn đồng đội cùng đơn vị với ông ngày xưa. Ở Việt nam có cô Phan thị Bích Hằng nổi tiếng là nhà ngoại cảm đại tài, bên đây ai cũng biết tiếng. Ông có cái DVD thỉnh ở chùa nói về chuyện cô ấy, cô ta đích thân kể cho đại chúng Phật tử nghe kinh nghiệm riêng và biệt tài đó có sẵn ngay từ lúc còn bé.
Cường góp ý;
-Truyện đó hấp đẫn đối với ai sợ ma mà vẫn thích đi xem ma. Tác giả viết làm độc giả hồi hộp, đưa họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia... nhưng dù sao chỉ là chuyện cá thể, đặc biệt, không dính gì tới những vấn đề lớn của nước Mỹ, chắc không được giải nhất nhì đâu. Lúc trước con có coi một DVD phim Mỹ rất hay, tên "The gift", bà thày bói bài, đoán được tương lai gần đúng 90%, rất đông khách, lâu lâu thấy chập chờn những hình ảnh máu me, bóp cổ, ghê rợn, giúp cảnh sát tìm ra thủ phạm giết người rất hay. Cái năng khiếu đặc biệt này truyền từ bà ngoại , xuống mẹ, rồi đến con gái...