Hôm nay,  

Việt Nam, Anh Và Em

02/08/201000:00:00(Xem: 248194)

Việt Nam, Anh và Em

Người viết: Karen N. Nguyễn
Bài số 2957-28257-vb8080110

Karen N. Nguyễn, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt và đã nhận một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Đây là bài mới nhất, tỉ tê tâm sự lứa đôi nàng Việt  mà chàng Mỹ, đọc dễ mủi lòng.

***
An rời Việt Nam năm 1991. Qua Mỹ, cả một thế giới mới mở ra trước mắt An. Lúc đầu An nhớ Sài Gòn, nhớ Việt Nam quay quắt. Rồi An cắp sách đi học ở community college, rồi An có part-time job, 1 job, 2 jobs, An bận rộn nhiều hơn lên, thời gian để An nghĩ suy về Việt Nam ít dần đi.
Qua Mỹ, phải biết nói tiếng Mỹ để sống còn, An dành nhiều thời gian để trau dồi cái vốn tiếng Anh ít ỏi của mình, mình nói mình hiểu, người Mỹ nói thì mình...không hiểu, hay đoán mò mà hiểu chút chút. Tờ báo hằng ngày dày cộm, An không biết làm sao mà đọc hết được những thông tin trên đó. Xem truyền hình, An nghe những người xướng ngôn viên nói như vịt nghe sấm. Coi phim Mỹ, An lắm lúc chỉ biết đoán mò cốt chuyện nếu không bật phụ đề tiếng Anh, mà phụ đề tiếng Anh sao mà chữ nó chạy nhanh đến như vậy, coi không kịp, hiểu không hết.
Vật vã với việc nâng cao vốn tiếng Anh không bằng ba lá mít của mình, bận rộn với bài vở ở trường, mệt nhoài sau những lúc thức dậy từ tờ mờ sáng đi học rồi làm 2 part-time jobs , đi bus và metro mệt nghỉ, An không còn nghĩ nhiều về Việt Nam nữa. Nghĩ về Việt Nam là buồn, buồn tê tái, buồn thúi ruột thúi gan, nhớ từ cái hẻm vô nhà, mấy cái cây trồng trước cửa, nhớ đến hai con chó gia đình phải để lại nhờ nguời chủ mới của căn nhà của gia đình An nuôi  ( căn nhà được nhà nước lấy và phân phối cho ông ta ở free), không biết còn sống hay đã thành rựa mận, dồi bạch hạc , chả chìa. Nghĩ về Việt Nam là nhớ họ hàng, bà con, bạn bè, chòm xóm, nhớ đủ thứ, nhớ nhiều khi trằn trọc ngủ không ngon, vui gì mà vui.
An tìm ra nhiều cách để thoải mái tâm hồn, thư giãn đầu óc: coi phim, doc sách, nghe nhạc. Phim Mỹ ngày An rời Việt Nam vẫn là hiếm hoi, qua Mỹ An tha hồ ra Blockbuster mướn phim về coi. Phim "The Exorcist" ( Quỷ Ám) quảng cáo hà rầm trước 75 ở rạp chiếu bóng gần nhà An, An năn nỉ thiếu điều gãy cả lưỡi má An mới đồng ý dắt An đi coi "khi nào rạp nó chiếu", rồi 30 tháng 4 đến, rạp khỏi chiếu luôn, mười mấy năm sau thì An nghe nói có nhiều nguời coi được phim đó ở Sài Gòn, chiếu lậu, coi lén. Bây giờ An coi được, ngồi thoải mái trong nhà mình chứ không phải phập phồng lo sợ bị công an bắt rồi bị đuổi học như mấy người sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Bách Khoa trong khi coi lén một cuốn phim Mỹ năm 1978.
Như cá gặp nước, An say mê xem những bộ phim họat hình Disney, tìm lại Bạch Tuyết và bảy chú lùn, công chúa ngủ trong rừng, chú nai Bambi , chú chuột Mickey, những kỷ niệm ấu thời xa xưa bị vùi chôn suốt một thời gian dài cho đến cuối những năm 80, khi nhà hát Hòa Bình ở quận 10 và vài rạp chiếu bóng ở Sài Gòn chiếu lại một số phim này. Rồi An xem phim của Lý Tiểu Long, bị thu hút  theo  Đường Sơn Đại Huynh và mấy cuốn phim khác của Bruce Lee, những cuốn phim mà An nghe bạn bè ca ngợi trước 75 mà An không có dịp được ba má dắt đi xem. Cái buổi tiệc linh đình mà nữ hoàng Cléopatre đãi tướng Marc Anthony, buổi tiệc huy hoàng mà cô bạn thân thời trung học thầm thì kể cho An nghe vô số lần và vẽ lại trong quyển lưu bút hồi lớp 8 của An, cuốn lưu bút sau 75, tàn dư của những "tình cảm ủy mị, lãng mạn, tiểu tư sản" , cuối cùng khi qua Mỹ An đã xem được buổi tiệc đó trong phim, xem mà ngậm ngùi nhớ đến cô bạn của mình, 16 tuổi, mất tích trên biển khơi trong một chuyến vượt biên năm 1978.
Những tấm hình đen trắng hiếm hoi mà vài cô bé bạn của An còn giữ lại sau "chiến dịch bài trừ văn hóa phản động , đồi trụy" , kẹp dấu trong tập, len lén cho nhau xem, hình đôi tài tử trong phim Love Story , hình Roméo và Juliet, bây giờ qua Mỹ An coi được mấy cuốn phim đó, coi và nhớ đến một cuốn sách in trước 75 viết về mối tình của Juliet và Roméo bạn bè trong lớp hồi lớp 11 chuyền tay nhau đọc, dặn dò nhau cẩn thận không để cho con bé bí thư chi đoàn trong lớp thấy ! Mấy tấm hình đen trắng và hình màu trong cuốn sách, thật lạ, bao nhiêu năm trời trôi qua, vẫn không phai nhòa trong ký ức của An.
Xem phim Mỹ một thời gian, sau khi xem hết những cuốn phim mà An đã từng xem ngày còn bé trước 75, hay được nghe nói đến,  nghe kể lại sau 75, An chuyển sang coi phim Tàu sau một thời gian đi mua đồ ăn ở một chợ Việt Nam. Membership có mấy chục dollars mà coi đến cả trăm cuốn phim, mang về nhà coi giữ bao lâu cũng không bị phạt như đi thuê phim Mỹ.
Vậy là phim bộ bắt đầu chiếm cứ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của An. An coi phim bộ của Tàu, nhiều lúc bật cười vì cách chuyển âm tiếng Việt lơ lớ trong phim, nhưng vẫn coi, và bắt đầu thích nhân vật Triển Chiêu đẹp trai và có kiếm pháp tài tình trong mấy bộ phim Bao Công Kỳ Án. Coi phim giải sầu, đỡ nhớ Saì Gòn, đỡ nhớ Việt Nam, An lập luận.
Ngày An còn bé, má An hứa sẽ cho An đọc chuyện kiếm hiệp sau khi An thi đậu vào lớp 6 trường Gia Long. Mùa hè trước khi vào lớp 6, An là một người khách quen thuộc của một tiệm sách nhỏ trên đường Trần Quang Khải chuyên cho thuê chuyện kiếm hiệp. Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, An say mê đọc truyện chưởng, những cuốn sách cho thuê qua tay biết bao nhiêu người đã trở thành cũ mèm và có mùi hôi hôi, nhưng đã mở ra là cuốn hút vô kể với bao tình tiết éo le, gay cấn. Rồi An đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao, đọc tiểu thuyết của Từ Tốc. Những Hàn Ni và Tiểu My của Mùa Thu Lá Bay (Quỳnh Dao), Khuyển Dưỡng Anh Tử trong Ngày Ấy Bên Nhau (Từ Tốc), những Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Tiểu Long Nữ va Dương Qua  (Kim Dung), những nhân vật trong chuyện của một thời xa lắc xa lơ nào đó theo An qua Mỹ trong ký ức, không quên được cho dù An đã sống qua chiến dịch "baì trừ văn hóa phản động, đồi trụy" năm 1976, đã học trong trường trung học biết bao là tác phẩm được ngợi ca của nền văn học xã hội chủ nghĩa.
Đầu những năm 90, còn đi học, tiền nong eo hẹp, An làm gì có  khả năng mà mua sách. An vào thư viện của county, tìm sách tiếng Việt để đọc, ngạc nhiên vô cùng khi thấy có một bộ Lộc Đỉnh Ký trên kệ sách. Người Việt sống ở Maryland không nhiều như ở Cali, nhưng cũng khá đông để thư viện có khá nhiều sách tiếng Việt để An mượn về nhà đọc. Đọc rồi lại nhớ Việt Nam, nhớ quá chừng...Đọc chuyện của Hồ Trường An, An nhớ da diết cái bụi tre, cánh đồng lúa, nồi canh chua, cái bánh bò, tô cá kho, nhớ cái aó bà ba, đôi guốc, vành nón lá, vạt aó dài...nhớ gì đâu, nhức nhối tim gan.
Rồi sách tiếng Việt An mượn đọc trong thư viện cũng hết, An chuyển qua đọc sách tiếng Mỹ. Đọc để trau dồi vốn từ tiếng Anh của mình, An nghĩ vậỵ....An tìm lại được sách cổ tích của Hans Christian Andersen, đọc lại chuyện nàng tiên cá, chuyện chú lính chì một chân, chuyện nhũng bông hoa nhảy múa thâu đêm... Những câu chuyện dễ thương đưa An vào một thế giới êm ả, ngọt ngào, giúp An quên đi phần nào những lúc chạy bắn khói từ lớp học ở đầu này college ra trạm xe bus ở đầu kia college, những lúc ra khỏi trạm metro phải chạy leo năm, sáu chục bậc thang cuốn chứ không đứng thong thả trên đó để không bị trễ cái xe shuttle chạy vòng quanh khu vực viện nghiên cứu mà An có job part-time, sợ bị trễ giờ.
Rồi An tìm nguồn giải trí của mình trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám, hình sự Mỹ, đọc giải trí, giải sầu  những tình tiết gay cấn , éo le của những vụ án mạng , hồi hộp theo dõi những hành động của những người thám tử, thanh tra cảnh sát, điệp viên tài hoa, lịch lãm. Thế giới ảo, nhân vật không có thực, An biết vậy, nhưng vẫn giúp An quên đi cái mùi hôi của những cái lọ nuôi cấy bacteria trong phòng thí nghiệm mà An phải rửa cho sạch trước khi đem bỏ vào tủ sấy để thanh trùng, quên đi những buổi tối mùa đông đứng co ro ở trạm xe bus mặc ba, bốn lớp áo mà vẫn thấy lạnh buốt xương.
Dần dà vốn liếng tiếng Anh của An khá khiển hơn. An bắt đầu hiểu sơ sơ khi coi những show trên truyền hình Mỹ, rồi sau đó bắt đầu thích một số show, ngày nào trong tuần, giờ nào là show nào, không coi thì lại thấy nhơ nhớ. Truyền hình Mỹ, phim Mỹ, sách Mỹ, nhạc Mỹ cuốn hút An và thời gian của An càng ngày càng nhiều hơn sau khi An vào đại học và vào ở trong ký túc xá trong campus của trường. Nghe những sinh viên khác trong lớp, trong ký túc xá bàn về cuốn phim này, bản nhạc kia, ca sĩ nọ, An cũng tò mò tìm hiểu để không cảm thấy là mình như người ở hành tinh khác đên thăm Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Việt Nam ư" Việt Nam là những ngày cuối tuần An về thăm nhà, ăn cơm với canh chua cá kho má nấu, là những dịp hiếm hoi coi Paris By Night, là những lúc gò gẫm viết thư bằng tiếng Việt cho bạn bè còn ở lại Việt Nam hay bạn bè lưu lạc ở xứ người, là những ngày rảnh rỗi trò chuyện với gia đình hay có dịp thăm viếng bà con, bạn bè trên đất Mỹ. Cơ hội để An dùng tiếng Việt càng ngày càng ít hơn. Lúc mới qua Mỹ An nằm mơ thấy mình và những người mình gặp trong mơ nói tiếng Việt, rồi mấy năm sau đó những giấc mơ là một chuỗi kết hợp Việt-Mỹ, rồi sau đó nữa An thấy mình nói tiếng Anh trong những giấc mơ của mình.  Việt Nam chìm xa trong tiềm thức, trong suy nghĩ, trong cuộc sống của An. Lâu lâu  An có nghĩ về Việt Nam, dãy đất hình chữ S cong cong mà ngày nào xa lắm rồi là quê hương của An, rồi tự nhủ bây giờ mình sống trên đất Mỹ, nước Mỹ là quê mới của mình,  when in Rome,  do as the Romans do", ở Mỹ thì sống theo người Mỹ, nghe nhạc Mỹ, coi TV Mỹ, nói tiếng Mỹ, hòa vào cuốc sống Mỹ, đó là chuyện bình thường, An nghĩ vậy. 
Cho dến ngày An lập gia đình với Jim.
. . .

Bố Jim đã mất, mẹ Jim đã mất. Jim chỉ có một người em gái ỏ một tiểu bang khác. Ngày Jim ngỏ lời cầu hôn và trao An cái nhẫn kim cương, ngày đó chỉ có hai người. Jim hỏi An, will you marry me, và An trả lời yes. Đơn giản. Không có cảnh họ hành nhà trai mang mâm quả phủ vải đỏ có trà rượu gói giấy bóng kính đỏ và bánh trái đi đến họ nhà gái để dạm hỏi như trong phong tục Việt Nam, mà là An gọi điện thoại cho bố mẹ báo tin là mình và Jim đã đính hôn.
An và Jim không có xem lịch chọn ngày lành tháng tốt để làm đám cưới. Hai đứa chọn một ngày cuối tuần vào mùa xuân, đầu tháng năm, khí hậu mát mẻ, đảm bảo trời không còn đổ tuyết. Đám cưới tổ chức ỏ nhà thờ tối hôm trước, tiệc cưới tổ chức trên tàu chạy trên sông Potomac trưa hôm sau. Lo đến chuyện mua quần áo cho đám cưới, An tìm được cái wedding dress  màu ivory có những dây hoa thêu cùng màu chạy dài trên áo, mua cái veil, mua cái tiara để gắn lên tóc, mua đôi giày cao gót. Rồi lo chuyện đặt thiệp cưới, đặt hoa.....
Khi An viết thư cho một cô bạn thân ở Việt Nam báo tin về chuyện mình đính hôn với Jim và sẽ làm đám cưới, cô bạn gởi cho An xấp gấm đỏ có hoa vàng để may áo dài cướị. Đám cưới sẽ không có cảnh họ hàng nhà trai đi đến rước dâu, không có con heo quay, không có chuyện cô dâu chú rễ khấn lạy trước  bàn thờ gia tiên, thành ra lúc đầu An không định may áo dài cưới. An có cho Jim coi vài cái hình đám cưới bạn An, chú rễ mặc aó thụng xanh nước biển, đội khăn đóng, cô dâu mặc áo đỏ, đội khăn vành dây vàng, An nói là y phục cổ truyền trong đám cưới Việt Nam và không thấy Jim có ý kiến, nên An cũng lơ luôn. Đến lúc nhận được xấp vải đẹp bạn gởi để may áo cưới, An đổi ý, mang ra tiệm để đặt may áo cho mình. 
Mấy năm trước, An nhận được tin một chị bạn Việt Nam bên Cali kết hôn với một anh Mỹ. Anh chàng này không những mặc aó dài khăn đóng trong đám cưới, mà còn siêng năng học tiếng Việt và thuộc cả bài hát "Qua Cầu Gió Bay" để hát trong đám cưới của mình, cảm động không thể tả. Bấy giờ ra đến tiệm may, An thấy có một cô gái trẻ đến đặt may đồ cưới với hôn phu của mình. Cô gái nói tiếng Việt, anh fiancé của cô thì không biết tiếng Việt, nhưng khá kiên nhẫn đứng để bà chủ tiệm may lấy ni tấc may áo. Yours will be blue, cô gái nói với anh fiancé, mine will be red, tay chỉ vào mấy xấp vải treo trên tường. An ngồi gần đó đợi đên phiên mình, xấp vải may áo cầm trên tay, lòng ước ao có Jim đi may aó với mình. Ứơc ao thôi, nhưng không nói với Jim, bởi An biết nếu An làm áp lực ép Jim đi đặt khăn đóng áo dài với mình, có lẽ đám cưới của An và Jim sẽ không thành.  Smile, you will get married, sẽ có đám cưới, sẽ không còn cuộc sống độc thân lẻ loi, đơn chiếc, sẽ có người chia buồn xẻ ngọt, vậy không đủ sao, muốn gì nữa chứ, An nhắc mình như vậy.
Chiếc áo dài gấm đỏ có hoa vàng An mặc hôm đãi tiệc trên tàu chạy trên sông Potomac hóa ra lại thu hút sự chú ý của bạn bè Jim, nhiều người chưa có dịp nhìn kỹ chiếc áo dài Việt Nam ở gần cho mãi đến dịp này. Tháng sau đó, khi Jim và An về quê Jim, thành phố Cleveland trên Ohio, An mặc lại chiếc áo dài đỏ trong buổi tiệc đãi họ hàng, bà con của Jim trên đó. Có cả trăm người đến dự.Washington, DC xa xôi quá, những cậu  dì, cousins của Jim khó mà về dự đám cưới của Jim, nhưng tổ chức ở Cleveland thì rất là tiện cho bà con trên đó.Bố mẹ An cùng về Cleveland, mẹ An cũng mặc áo dài trong buổi tiệc. Hai chiếc áo dài Việt Nam nhận được vô số lời trầm trồ, khen ngợi từ các bà các cô, so pretty, so beautiful, làm cho An cũng nở mũi hãnh diện. Mấy năm sau, về Cleveland, An vẫn còn gặp lại những người bà con của Jim nhắc về đám cưới của An và Jim, về chiếc áo dài đỏ, về cả hàng trẻ con chạy nhảy múa vòng quanh An và Jim thành cả một hàng dài, congar line.

Tấm hình An ưng ý nhất chụp trong đám cưới là hình chụp Jim với An, Jim mặc tuxedo, An mặc áo dài đỏ đội khăn vàng, hai đứa đứng cạnh nhau trên boong tàu cười thật tươi. Anh thợ chụp hình phóng to tấm hình, để vào khung gỗ, đưa cho An. Bạn bè An đám cưới xong có tấm hình chụp thật to treo trang trọng trong nhà, còn An ,đám cưới, nhận tấm hình xong thì đem cất vào góc kẹt tủ áo, không có khoe cho Jim xem, bởi ngay từ đầu Jim đã không đồng ý có tấm hình đám cưới thật to treo trong nhà.
Đám cưới xong, An dọn qua nhà Jim. Tiếp tục cuộc sống nói tiếng Mỹ, coi TV Mỹ, xem phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ, đi shopping ở mall Mỹ.
Một ngày nọ, Jim hỏi An:
- Anh muốn nghe về Việt Nam qua lời kể của một người Việt Nam. Em biết gì về Việt Nam thì kể cho anh nghe đi.
 Ái chà, An giật mình. Biết gì về Việt Nam" An có thể kể cho Jim nghe truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện bánh dày bánh chưng, chuyện Tấm Cám (skip phần cuối khi Cám nhảy vào nồi nước sôi và chuyện bà dì ghẻ ăn hũ mắm đến cuối mới phát hiện ra cái gì nằm dưới đáy hũ!), chuyện An Tiêm và quả dưa đỏ, chuyện chú Cuội cây đa, chuyện Trầu Cau, chuyện Phù Đổng Thiên Vương,  chuyện... Sang phần lịch sử Việt Nam, An bắt đầu...ngọng!


Hồi còn nhỏ, đi học, An có học lịch sử Việt Nam. An vẫn còn nhớ chuyện Trưng Trắc Trưng Nhị, "Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta, ba thu gánh vác sơn hà, một là bá phục hai là bá vương...", chuyện Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mải nghĩ việc nước bị lính đâm mũi giáo vào đùi chảy máu mà vẫn không hay, chuyện vua Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh... Mười mấy năm sống dưới chế độ cộng sản, mười mấy năm sống ở nước ngoài, bây giờ lịch sử Việt Nam bỗng trở nên nhạt nhòa trong óc An, đâu đó có chi tiết này, chi tiết kia An nhớ, nhưng không rạch ròi minh bạch gì hết. Trần Bình Trọng, Triệu Quang Phục, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tri Phương, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, tên bao anh hùng Việt Nam lướt qua trong trí nhớ tồi tàn của An. Còn nhiều nữa, nhiều nữa, mấy ngàn năm lịch sử kiêu hùng của Việt Nam, sao An không nhớ , không tự hào mà nhớ kìa" An tệ, tệ quá xá đi...

"Như nưóc Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Từ Triệu , Đinh , Lý, Trần
Bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên,
Mỗi bên hùng cứ một
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có"...
Ức Trai tiên sinh, xin hãy tha thứ cho con, An thầm nghĩ.
Bao năm sống trong chế độ  cộng sản, An đã bị nhồi sọ nhiều đến nỗi hễ nghe đến cây đa thì óc lại nghĩ đến cây đa Tân Trào, nghe đến cây đào thì lại liên tưởng đến cây đào Tô Hiệu, nghe ao cá thì nghĩ ao cá Bác Hồ, nhìn xe lửa lại nghĩ đoàn Tàu Thống Nhất. Lịch sử Việt Nam với bao anh hùng hào kiệt mà An học trong trường ngày nào, sau 75, sau ngày Sài Gòn bị đoiå tên, đã  bị thay thế bởi những câu chuyện về bó đuốc sống, về những "anh hùng lấy thân chèn pháo, lấy thân mình lấp lỗ châu mai", bởi những dáng đứng Bến Tre, hoa lê-ki-ma và cô gái miền đất đỏ. Bao năm trời sống trong chế độ cộng sản, An chẳng bao giờ nghe nói về lễ hai Bà Trưng, về chiến thắng Bạch Đằng Giang, về hội nghị Diên Hồng, mà chỉ nghe mãi hoài về Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ,  đại thắng mùa xuân, nghe trên đài truyền hình, truyền thanh, đọc trên báo năm này qua năm khác.
Qua Mỹ, xem phim Mỹ, coi mấy show truyền hình Mỹ buổi tối trong tuần và những ngày cuối tuần, nghe nhạc Mỹ, vui ơi là vui, đầu óc An không còn nghe râm ran tiếng nhạc rừng trên đường Trường Sơn hay tiếng cắc cùm cum của chày giã gạo trên sóc Bom-Bo. Bóng cây Kơ-Nia không còn xuất hiện trong óc An cùng tiếng đàn T-rưng. Những buổi chiều tím Mạc Tư Khoa cũng dần dà trôi mất. Trôi mất luôn là những kiến thức nhỏ nhoi đến tội nghiệp của An về Việt Nam Cộng Hòa, Đệ Nhất Cộng Hòa, Đệ Nhị Cộng Hòa, và cờ vàng ba sọc đỏ, bởi kiến thức ấy chẳng có nhiều khi An chỉ là một cô gái nhỏ lúc SaìGòn bị đổi tên.
Câu hỏi của Jim khơi dậy bao nhiêu là sóng ngầm trong lòng An, trong óc An. Có phải tại An qua Mỹ định cư sống ở một vùng không có nhiều người Việt, đi học và đi làm không gặp nhiều người Việt nên An hết tha thiết gìn giữ những gì mình biết về Việt Nam " Có phải tại An ích kỷ, làm biếng, không tha thiết với những sinh hoạt của những cộng đồng Việt Nam ở địa phương, thành ra An để Việt Nam chìm sâu vào quên lãng trong An mà không thấy áy náy " Có phải tại An viện cớ phải đi cày kiếm sống vất vả trên xứ người, bận rộn triền miên nên không còn thời gian trau dồi cho kiến thức về Việt Nam của mình thêm phong phú " Mất quê hương đã đành, kiến thức về quê hương cũng mất, có ai mà tệ đến như An không kia chứ... An vẫn là người Việt Nam mà An không nhớ lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam, An cố tình không muốn nhớ những gì An học, An bị nhồi nhét, tuyên truyền sau 1975, nhưng An quên luôn những gì An biết trước 1975, đành lòng vậy sao"
Chuyện về Việt Nam ư" 
An quyết định sẽ kể cho Jim nghe từ từ, An nói với Jim, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ An sẽ kể một chút. Vậy là kéo dài ra như chuyện nghìn lẻ một đêm vậy chứ gì, Jim nói đùa . An cười, không dám nói là kéo dài thời gian để An đi tìm sách đọc, ôn lại kiến thức của An về Việt Nam cho có đầu có đuôi.
Đầu tiên kể chuyện cổ tích Việt nam cho Jim nghe, An ăn gian được mấy tuần để ôn lại lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, để có thể kể cho Jim nghe tại sao một nước Việt Nam lại chia thành hai bởi vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải, tại sao Việt Nam Cộng Hoà mất năm 1975 vào tay cộng sản, tại sao An cuối cùng lại trôi dạt từ Việt nam qua Mỹ và trở thành công dân Hoa Kỳ.
An kể cho Jim nghe những gì An nhớ trong năm 1975, hình ảnh những chiếc trực thăng bay vần vũ trên trời, tiếng đạn pháo ầm ầm vào sân bay Tân Sơn Nhất, cảnh đường phố sau 30 tháng Tư... An kể cho Jim nghe chuyện ba An đi trình diện học tập cải tạo ngày thứ sáu mười ba, ra đi lúc chiều thì ngay khuya hôm đó công an phường gõ cửa nhà ầm ầm để đến bắt ba An, dù thời gian đi trình diện vẫn chưa hết. An kể cho Jim nghe chuyện đổi tiền, chuyện  má An đi thăm nuôi ba An, chuyện mấy nhà hàng xóm cho con cái đi vượt biên rồi mất tích trên biển khơi, chuyện "cải tạo tư sản mại bản", chuyện xếp hàng mua khoai, mua gạo, mua  nhu yếu phẩm mỗi tháng, chuyện...
Đủ thứ chuyện để kể, kể cho Jim và óc An lại bồi hồi nhớ lại những trái hỏa châu bắn cháy đỏ rực trên bầu trời rơi xuống để lại những vệt khói xám trên bầu trời đêm, những cái bao cát sờ vào nham nhám tay chèn chung quanh hầm trốn pháo kích trên nhà nội An ở miền quê, những tấm bia mộ của những tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà bị đập phá nát tan trong Nghĩa Trang Quân Đội mà An và một người bạn thắp nhang cắm lên trong một buổi chiều hè năm 1989... Nhớ về Việt Nam,  nhiều nỗi nhớ.
Những chuyện em kể có thể viết thành sách được đó, Jim nói.
Jim mua bộ phim truyền hình "Vietnam: A Television History" để Jim và An cùng coi. Nhìn cái tựa phim, An ngờ ngợ là đã coi phim này rồi. Đúng như vậy, cỡ đầu những năm 90, đài truyền hình ở Việt Nam có chiếu phim này, mỗi tối một chút, dịch là "Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình". Mười mấy năm sau, coi lại với Jim, An phát hiện ra là phim mình coi ở Việt Nam không có chiếu lời phát biểu của những người thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về cuộc chiến Việt Nam. Không biết có bao đoạn khác trong phim đã bị cắt xén, đục bỏ, An tự hỏi khi xem lại bộ phim này với chồng.
Tò mò, An hỏi Jim về mấy bộ phim Mỹ bị báo chí Việt Nam xã hội chủ nghĩa lên án, phê phán như "The Deer Hunter". "Hamburger Hills",  và rồi An được coi mấy cuốn phim đó với Jim.  Rồi An coi phim "Apocalypse Now" của Francis Ford Coppola với Jim, nghe nhân vật Lieutenant Colonel Bill Kilgore nói sau khi ra lệnh cho máy bay rải bom dọc một dải đất dài gần dòng sông ông muốn lính của mình chơi lướt sóng (surfing): "Smell that" You smell that" ...Napalm, son. Nothing else in the world smells like that. I love the smell of napalm in the morning... Smelled like.... victory. Someday this war’s gonna end."
Câu nói của Bill Kilgore trong phim, "I love the smell of napalm in the morning", câu nói đó nổi tiếng lắm đó em, Jim nói với An. Bom nổ, lửa cháy đỏ rực, trực thăng bay vần vũ, đạn pháo tơi bời, nhà cửa tan hoang, người chết và bị thương máu me đầy thân thể, mấy chục năm trôi qua rồi nhưng vẫn có những người sống ly hương như An ngồi coi lại những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam mà thấy miệng đắng, tim đau, ruột thắt, đêm về lại có những giấc mơ trở lại Sài gòn, trở lại Việt Nam, bừng tỉnh giấc lại nhức nhối, bàng hoàng, trăn trở, xót xa...
An không phải là người thức khuya. Jim, trái lại, có khả năng thức đến hai, ba giờ sáng mà vẫn tỉnh táo. Cuối tuần ngồi coi phim với Jim, đến mười giờ tối là mắt An mở không muốn lên. Nhưng nếu Jim cùng An coi phim về chiến tranh Việt Nam, An có thể thức coi với Jim bao lâu cũng được. Rồi An phát hiện là không chỉ phim về chiến tranh Việt Nam, mà phim tài liệu, phim dài, phim ngắn, series trên TV về chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ nhì, phim về chiến tranh là An có thể thức thật khuya để coi với Jim. Coi, rồi thầm nghĩ tại sao người với người lại giết nhau, đánh nhau tàn khốc đến như vậy.
Rồi đến phiên An mời  Jim coi phim Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam. An mua phim "Vượt Sóng" về coi với Jim, để phụ đề tiếng Anh, Jim xem đến đoạn vượt biên bằng ghe, cảnh chiếc tàu tròng trành qua bao cơn sóng dữ, quay qua An, nói là may mắn em không rời Việt Nam như vầy, mạng người như chỉ mành treo chuông, khả năng chết nhiều hơn sống, em mà bỏ mạng trên biển khơi thì làm sao anh gặp được em.
Xem ca nhạc Việt Nam, Jim không có khả năng coi hết cả chương trình dài 3 tiếng đồng hồ, chỉ coi chút xíu với An mà thôi. Coi chút xíu, nhưng Jim cũng nhận xét, nói với An là sao có mấy cô ca sĩ trang điểm, tóc tai, y trang và cả cách trình diễn nhìn không giống "Vietnamese".  Tò mò, An hỏi Jim thế nào mới giống "Vietnamese", Jim chỉ ngay hình Như Quỳnh trên bìa cuốn Paris By Night, tóc dài, aó dài duyên dáng. That’s a very beautiful outfit, Jim khen cái áo dài Việt Nam, rồi cười cười hỏi An sao lâu quá không thấy An may aó dài mới.
Việt Nam, sau mấy năm An lấy Jim, là những cuốn sách tiếng Việt An mua, là những lúc An và Jim đi ăn ở một nhà hàng Việt Nam, là những lúc An và Jim đến nhà những người bạn Việt Nam của An, là những lần Jim và An về thăm ba má An hay mấy người em của An.
Việt Nam, là những lúc Jim ngồi đọc sách, còn An ngồi cạnh bên nói chuyện điện thoại bằng tiếng Việt với người thân, bạn bè. Việt nam, là những lúc Jim tìm ra giờ nào trên TV có chương trình phát hình bằng tiếng Việt, Jim bật lên và ngồi xem với An, An dịch sơ lược qua tiếng Anh. Có hôm An ở trên lầu, nghe tiếng ai hát cải lương ở dưới nhà, chạy xuống thì thấy Jim đang ngồi nghe 1 bài cải lương trên TV. Just curious, Jim nói... Rồi An phát hiện ra là Jim có search trên internet về du lịch ở Việt Nam, trên cái Ipod Touch của Jim có dự báo thời tiết của Sàigòn. Nóng quá, Jim nói với An sau khi theo dõi thời tiết cả mấy tháng, làm sao về Việt Nam được đây, Jim đùa.
Một dạo, An theo dõi đội football Dallas CowBoys tận tình làm Jim thắc mắc hoài. Có gì lạ đâu, chỉ vì trong đội football có anh cầu thủ gốc Việt tên Đạt Nguyễn, trên áo có chữ NGUYEN. An mua phim "Twilight", không phải vì thích anh chàng vampire tên Edwards, mà vì thích coi đoạn phim cô bé Bella gặp Edwards trong cafeteria của trường high school: trên bức tường của cafeteria phía sau Bella và Edwards có một loạt cờ của nhiều nước khác nhau, trong đó có lá cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Việt Nam Cộng Hòa!
Tiếng Việt, dù người nói đứng ở xa lơ xa lắc, lỗ tai An vẫn nghe rõ mới lạ, còn tiếng Mỹ, lắm hôm đi làm buổi tối mệt nhoài về nhà lắm hôm Jim hỏi điều gì đó An nghe được chữ mất chữ còn, phải nói Jim lập lại. Coi phim Mỹ, Jim nhìn An, hễ thấy An tập trung cao độ vì không nghe được accent của diễn viên trong phim là Jim bật phụ đề .. tiếng Anh (for the hearing impaired, đúng cho trường hợp An) để An xem phim dễ dàng hơn. Nhiều lúc An nghe 1 chữ gì lạ, không hiểu, hỏi Jim, Jim giải thích.
Coi show trên TV, lắm lúc có những cái jokes thiên hạ cười rần rần, An chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, hỏi Jim, Jim cũng giải thích, chẳng chọc quê An gì hết. Tiếng Mỹ, qua bao năm trời, An vẫn không thể nói là mình rành. Tiếng Việt, qua bao năm trời xa quê hương, An không quên được.
Jim nói An chỉ cho Jim nói tiếng Việt. Greetings, chào anh, chào chị, chào ông, chào bà, mở đầu là Jim bắt đầu thấy khó rồi, than sao mà tiếng Việt khó quá, tiếng Mỹ có I, you, he, she, we, they, dễ hơn gấp bội. Rồi đến chuyện bỏ dấu, ma là ghost, má là mom, mả là grave, mạ là ... young rice plant (An dịch đại), đầu óc Jim bị loạn cào cào. Khả năng làm cô giáo của An là một con số không to tướng. Học trò Jim bỏ học sau mấy ngày học thử, chỉ còn nhớ được câu "anh yêu em" nói theo kiểu " n ill m"! Thành ra khi An và Jim lái xe buổi chiều gặp cảnh mặt trời lặn,  An chỉ có thể khen " That’s a beautiful sunset!" , thay vì tức cảnh hoàng hôn mà ngâm nga "Lạc hà cô vụ tề phi (ráng chiều và cánh cò cô độc cùng bay!!)" vừa ngắm mây hồng, mây tía cuối ngày. Khen cảnh mặt trời lặn, và thấy Jim gật gù tán đồng.
Không chỉ chuyện văn chuơng tao nhã, mà cả chuyện bình thường như miếng ăn thức uống, An có những lúc cũng khó chia xẻ với Jim. Mắm chưng ư " Mua ăn lén thì được, nấu ở nhà là "No, No". Nước mắm ớt" Cất trong tủ lạnh thì được, nhưng phải cẩn thận không để rơi giọt nào ra ngoài. Thịt kho, cá kho" Đó là những món của An, Jim không ăn đến. Mùa lạnh, An thèm đi ra tiệm ăn tô bún bò cay xé lưõi rồi gặm giò heo,  ăn tô phở tái nạm gầu gân rồi húp nước dùng xì xụp,  thèm thì đi mua rồi mang về  nhà ăn một mình, niềm vui không trọn. Mùa nóng, An thèm uống nước mía lạnh, ra chợ Eden mua ly nước mía uống, ngon thì có ngon, nhưng thấy thiêu thiếu bởi không có người bạn đời của mình bên cạnh để xẻ chia. Lắm lúc mơ có mấy ngày được ăn đồ ăn Việt nam 100 phần trăm cho đã thèm, đỡ nhớ.
. . .

Cầu được ước thấy. Jim phải đi công tác xa một tuần. An lái xe ra chợ Eden mua đủ thứ đồ ăn Việt Nam, xách mỏi cả tay. Về nhà, bật xem Paris By Night, nhâm nhi gỏi đu đủ khô bò, gặm bánh mì thịt, uống nước mía, ăn tráng miệng chè đậu và bánh da lợn. Tối gọi điện thoại cho Jim, xong lại tiếp tục coi tiếp băng Asia đến khuya. Sáng sớm thức dậy điểm tâm bánh bao trước khi đi làm. Trưa ăn cơm bì chả . Tối về tiếp tục thanh toán đô` ăn trong tủ lạnh: cá kèo kho, canh cải, chè ba màu...Gọi điện thoại cho Jim xong lại gọi điện thoại cho mấy cô bạn Việt Nam lâu rồi không liên lạc, nói chuyện bằng tiếng Việt vui gì đâu.
Ăn uống thoải mái đồ ăn Việt Nam và coi ca nhac Việt Nam, hài kịch Việt Nam, cải lương Việt nam mấy ngày, sau một chốc lát thoải mái đầu óc và bao tử, An lại nhớ Jim. Nhớ cái dáng Jim ngồi đọc báo, đọc sách, xem TV. Nhìn cái coffee table lại nhớ cái chỗ nào Jim để ly nước đá và lon Pepsi. Nhớ những lúc ngồi ăn pizza, hot dog, spaghetti với Jim. Nhìn đồng hồ lại nhớ là ngày nào, giờ nào có show nào trên TV coi chung với Jim. Nhớ giọng nói của Jim, nụ cười của Jim, nhớ... Jim đi vắng, căn nhà rộng hơn, không khí loãng hơn. Mở tủ lạnh, thấy đèn bật xanh trên bảng thông báo về bộ phận lọc nước (filter): Jim đã thay cái lọc nước mới trước khi đi công tác khi nghe An than là đèn báo đổi sang màu đỏ rồi. Mở tủ chứa đồ ăn khô, An thấy mấy hộp jasmine rice Jim mua kèm tờ giấy nhỏ, chữ viết Jim nói là mua ở Costco, chúc An ăn ngon miệng khi Jim đi vắng. An ăn đồ ăn Việt Nam mấy hôm đầu thấy ngon miệng, mấy hôm cuối lại bắt đầu nhớ chicken sandwitch, tacos, chip, salsa, những món ăn chung với Jim. Tối bật TV lên, mấy ngón tay An cầm cái remote chọn ngay mấy đài Jim và An xem.
Ở bên cạnh Jim, An không có nhiều thời gian để đọc sách Việt Nam, nghe ca nhạc Việt Nam, nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt Nam. Những dịp tìm về với Việt Nam trong những ngày An nghỉ và Jim đi làm, nghe nhạc Việt Nam mới thấm làm sao, ăn đồ ăn Việt Nam mới ngon làm sao, đọc sách Việt Nam mới hứng thú làm sao. Bây giờ có nguyên cả một tuần , không có Jim bên cạnh, thì lại khác.....
My husband’s name is Jim. Jim, I love you. Jim, I miss you. Jim, I love you.....
Cố hưong của tôi là Việt Nam. Việt Nam, tôi nhớ Việt Nam. Việt Nam, tôi yêu Việt Nam. Việt Nam, tôi nhớ Việt Nam...
Vài ngày nữa, Jim đi công tác xong sẽ về, An sẽ gặp Jim.
Còn bao lâu nữa thì An sẽ gặp lại Việt Nam đây"
Karen N. Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,239
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.