Hôm nay,  

Duyên Xưa Thắm Lại

30/06/201000:00:00(Xem: 163792)

Duyên Xưa Thắm Lại

Tác giả: Hạ Vũ
Bài số 2933-28233-vb3062910

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước  ở Việt Nam,  là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam, nhưng chưa từng viết văn.  Khi qua Mỹ, tôi "xuống cấp" làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo.   Mãi đến lúc nghỉ hưu, mới bắt  đầu viết văn làm thơ đưa lên mạng dưới vài bút hiệu để rèn luyện cho trí óc chậm thoái hóa. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là  truyện  tình vui vẻ: "Nữ Cai Tù Dễ Thương," Bài tiếp theo, viết cho mùa Father s Day , "Công cha như núi Thái Sơn.” Sau đây là bài thứ ba, thêm một chuyện tình.

***

- Chào bà, bà có phải là cô giáo Hân Viên, ngày xưa dạy ở trường...không" Em là Tửng, học trò cũ của cô đây.  Cô khoẻ không, cô" 
- Trời ơi, anh!  Sao bây giờ anh mới liên lạc với em" Anh tưởng em không nhận ra giọng nói của anh sao"
- Em có biết anh tìm em mười mấy năm rồi không, bao nhiêu là khó khăn mới tìm ra đó.  Khi anh qua Mỹ, anh ở tiểu bang WA hơn chục năm, sau đổi qua Virginia khoảng hai năm. Anh mới về Nam Cali vài tháng nay thôi, nhờ thằng con Út tìm được job bên này. 
- Em cũng tìm anh lâu nay mà không biết ở đâu.  Quả thật "Tìm anh như thể tìm chim.  Chim bay biển Bắc, đi tìm biển Nam". Từ khi qua Mỹ, em chỉ ở Bắc Cali này thôi, không đi đâu cả. Tại sao anh tìm được em vậy"
- Đố em đó.  Em nói đúng anh thưởng em ngàn đóa hoa hồng.
- Chịu thua.  Em chỉ cần một đóa mà thôi.
- Tuần rồi họp không quân.  Anh gặp thằng Hoàng.  Em nhớ nó chứ"  Nó là đàn em của anh và là em ruột của cô Cẩm Vân. Tìm được cô Cẩm Vân là ra em mà. Ông Trời đưa đẩy anh dời nhà về đây và đi họp không quân. Cám ơn Ông Trời.
- Và cám ơn nước Mỹ nữa chứ.
- Phải rồi.  Em nhắc anh mới nhớ.  Cám ơn nước Mỹ và dân Mỹ. Anh vừa mới hưu trí, rảnh rổi vô cùng. Tuần sau anh tới gặp em nghe. Anh nhớ bữa cơm em nấu cho anh ngon tuyệt vời, ngon nhất trong đời anh.  Nhớ làm cho anh món mắm ruốc xào xả ớt với thịt bò nữa đấy.  Món này em gởi cho anh trong tù, anh ăn mà chảy nước mắt.
- Tại sao lúc đó anh không nói, để lần sau em bớt ớt lại.  Nghe người ta nói ớt có thể ngừa "chói nước" nên em mới làm thật cay.
- Không phải tại ớt cay, mà vì quá cảm động và quá yêu em.
- Anh à, nói oang oang coi chừng bị "sư tử" xé xác đó.
- Y khoa Mỹ đầu hàng căn bệnh của vợ anh nên sau hai năm qua đây, bà ấy về Trời rồi, em ơi.  Anh góa vợ mười mấy năm dài!  Em cho anh bắt chước Vô Kỵ vẽ chân mày cho em nghe cưng.
- Anh biết tình trạng chồng con em thế nào mà "ăn nói linh tinh" vậy"  Coi chừng mấy "quản giáo con" của anh đấy.
- Anh biết hết rồi. Cô Cẩm Vân đã kể tường tận cuộc đời em cho anh nghe.  Đừng giấu anh nữa. Sao hồi ở VN em giấu anh"  Nếu cho anh biết thì anh làm người nâng đỡ tinh thần em cho em bớt đau khổ. Và... chúng mình đâu phải xa nhau thời gian quá dài như thế này!  Mấy đứa con thúc hối anh kiếm "dzợ"  từ mấy năm nay lận.  Tụi nó sợ săn sóc ông già nên bán cái cho người khác đấy.  Anh biết em không chê anh già lẩm cẩm, vì ngày xưa anh ở dưới chín tầng địa ngục mà em không bỏ anh, bây giờ chắc chắn em cũng không bỏ.
Nghe anh nói, tôi xúc động chảy nước mắt, nghẹn ngào. Biết bao năm tháng cũ như ùa   nhau trở lại.
*
Mở mắt nhìn đồng hồ.  Còn sớm. Tôi vừa định nằm thêm năm mười phút nữa thì giọng chị Hai Cẩm Vân inh ỏi réo tên tôi:
- Hân Viên!  Mi đâu rồi" Lẹ lên!  Hôm nay chúa nhật, coi chừng kẹt xe, trễ chuyến bay.
- Thôi! Còn chưng với diện!  Đi máy bay quân sự toàn cô nhi quả phụ, có ai ngắm đâu mà xí xọn.
Chị xách túi hành lý tôi đã sắp sẵn ở góc nhà, nắm tay tôi lôi ra xe tắc xi đang neo, có Ngọc Mai ngồi chờ trong xe.
Ba đứa là dân Sài Gòn ra Huế học đại học. Cẩm Vân lớn hơn hai đứa tôi nên chúng tôi "phong chức" chị Hai cho chị. Chúng tôi cùng ở chung, ăn chung, học chung, và... đi chơi chung suốt mấy năm trời nên trở thành thân thiết như ruột thịt, không có chuyện gì không nói cho nhau biết.  Năm nay là niên học cuối. Chị có người quen làm ở bộ Tổng Tham Mưu nên xin được ba vé máy bay quân sự đi đến Đà Nẵng. 
Từ Đà Nẵng chúng tôi sẽ lấy vé xe đò đi Huế nếu còn sớm, hoặc xe lửa chiều nếu trễ, để kịp ngày hôm sau dự lễ khai giảng.
Lần đầu tiên đi máy bay, tôi cầm sợi dây an toàn ngắm nghía, không biết thắt làm sao, chị Cẩm Vân ngồi bên tay phải nói nho nhỏ:
- Bỏ dây xuống!  Đừng thắt!  Anh tiền tuyến ngồi phía trước đang ngắm bọn mình và cười ruồi kìa.
- Nhằm nhò gì!   Anh "dư" tuổi tác, và "dư" chiếc nhẫn vàng.
Tuy nói vậy, tôi cũng ném sợi dây qua một bên, lấy dáng ngồi nghiêm trang, đưa mắt nhìn quanh xem có anh tiền tuyến nào trong tầm ngắm không thì Ngọc Mai rù rì vào tai trái tôi:
- Đừng tìm, uổng công!  "Ở đây âm khí nặng nề!"
- "Xuyên tạc" bậy mậy! 
- Chứ không đúng sao"  Có ba em gái hậu phương mà không có (!) một anh tiền tuyến nào hết. 
Thế rồi bộ ba mỗi đứa im lặng đeo đưổi suy nghĩ riêng của mình.
Máy bay không đi thẳng mà ghé qua phi trường Liên Khương, Đà Lạt. Tôi chưa hết cơn nhốn nháo với màn hạ cánh, đã thấy có... sáu anh pilots bước vào.  (Sau này tôi mới biết là máy bay ghé qua Liên Khương để rước các anh Sĩ Quan Không Quân này nghỉ dưỡng sức hằng năm ở Đà lạt trở về đơn vị tại Đà Nẵng). 
Các anh vừa lên máy bay, đã ném những ánh mắt lém lĩnh về phía chúng tôi.  Anh chàng mang kính râm ngồi một chỗ hơi khuất nhắm mắt để ngủ (!) bị anh bạn cao gầy cạnh bên thúc hông làm tan "giấc Nam Kha".  Hai anh bắt đầu to nhỏ với nhau làm tôi lúng túng, cảm thấy tay chân thừa thải, không biết để đâu cho ổn. Suốt 45 phút bay, giác quan thứ sáu của tôi báo cho biết mình là mục tiêu của hai anh nên tôi thẹn thùng cũng ngồi không yên.
Lúc xuống máy bay, anh đeo kính lịch sự giúp chị Cẩm Vân xuống trước, kế đến tôi, nhưng anh cao gầy chen vào nắm tay tôi đỡ xuống. Sau này tôi mới biết anh đeo kiếng đen trầm tĩnh, kín đáo tên Thanh, anh cao gầy, năng nổ, vui vẻ tên Hùng, và anh trắng trẻo, có gương mặt hiền lành, phúc hậu tên Sang.  Ba anh là bộ ba thân thiết. 
Vì là lần đầu tiên chúng tôi đến phi trường Đà Nẳng, không biết đường ra cổng, chị Cẩm Vân nhanh nhẩu hoạt bát đã lên tiếng nhờ giúp đỡ.  Anh Thanh lấy xe của phi đoàn đưa chúng tôi ra tận bến xe đò đi Huế. 
Từ đó, chúng tôi quen biết rồi đi đến thân thiết. Vào những ngày cuối tuần rảnh rổi chúng tôi thường theo trực thăng của các anh vô Đà Nẳng vào chiều thứ bảy, để chúa nhật dung dăng dung dẻ ở các danh lam thắng cảnh Đà thành.  Sáng sớm thứ hai theo các anh trở về Huế tiếp tục việc học.  Từ tình thân, đi đến tình yêu chỉ một bước ngắn. Tôi thầm yêu anh chàng đeo kiếng đen ngắm tôi suốt 45 phút bay từ Liên Khương tới Đà Nẳng.  Anh cũng dành cho tôi những săn sóc đặc biệt hơn với những người khác. 
Suốt năm học, chúng tôi ở trong tình trạng "tình trong như đã, mặt ngoài còn e".  Tôi và cả anh Thanh đều rơi vào tình cảnh khó xử, bởi vì anh Hùng cũng yêu tôi và không giấu diếm tình cảm của mình.  Cuối niên học đó, tôi sắp xa Huế để nhận nhiệm sở dạy học.  Chúng tôi sắp phải xa nhau và cơ hội gặp mặt sẽ hiếm hoi. Vào một tối, nhân công tác mấy ngày ở Huế, anh đưa tôi qua Đông Ba ngồi bên bờ sông Hương hóng gió và ăn chè.
Tôi đề nghị với anh:
- Em ở đây mấy năm rồi, ăn đủ thứ chè, nhưng chỉ có chè thịt quay là chưa được thưởng thức để xem như thế nào. Nghe cái tên chưa ăn đã thấy ớn.  Bây giờ sắp xa Huế rồi, em phải thử một lần mới được.
 - Em muốn ăn gì cũng được hết. Mấy chén cũng không "can chi mô" (anh dùng tiếng địa phương để chọc tôi vì tôi cũng thường đệm mấy tiếng này vào khi nói.)
Anh gọi cho tôi một chén đặc biệt, có nhiều miếng chè thịt quay.  Tôi cầm chén lên, ngắm nghía và trù trừ.
- Ăn đi em, không có thuốc độc mô mà sợ.
Được sự khích lệ của anh, tôi múc một miếng, nhắm mắt đưa vào miệng.  Lọng cọng thế nào, cả chén chè đổ ụp vào người tôi ướt từ trên xuống dưới.  Anh rút khăn tay ra lau tà áo cho tôi. Bà hàng chè thật thà nói:
- Còn miếng chè dính trên ngực áo. Ông phủi xuống cho bà.
Như cái máy, anh làm theo lời bà hàng chè. Tôi đứng chết trân, e thẹn, đồng thời một cảm giác lâng lâng chạy khắp người.
Chúng tôi ở Sài Gòn đi ra ngoài ăn khuya là chuyện bình thường. Nhưng ở Huế, vào thời điểm đó, thanh nam thanh nữ trời sập tối không ai ra khỏi nhà cả.  Bà hàng hiểu lầm chúng tôi là vợ chồng cũng đúng thôi. Anh đã quàng tay ôm vai tôi âu yếm nói: "Trời lạnh, thôi về em."  Đi khuất bà hàng chè, anh thầm thì bên tai tôi:
- Xin lỗi em.  Anh không cố ý. Về tắm kẻo khuya lạnh, dễ bệnh.
Câu nói của bà làm tôi thẹn thùng nhưng đồng thời cũng làm tôi sung sướng, và làm lớn mạnh tình yêu của chúng tôi.  Trên đường về nhà trọ, đi bên anh, tôi cảm nhận một sự ấm áp vây quanh.  Tôi chờ đợi một lời tỏ tình của anh, nhưng anh lại chỉ dặn dò tôi năm lần bảy lượt đi bất cứ nhiệm sở nào cũng nhớ cho anh điạ chỉ, đừng để mất liên lạc.  Dù sao đây cũng là một lời hẹn ước gắn bó không rời một cách gián tiếp. Tôi ôm theo hạnh phúc này tạm biệt anh, tạm biệt Huế.
Tôi được bổ nhiệm làm cô giáo dạy Việt văn ở một trường trung học tỉnh lẻ tận biên giới miền Nam. Chúng tôi kẻ Bắc người Nam. Tuy nghìn trùng xa cách nhưng tôi không cảm thấy đó là một trở ngại lớn.  Chúng tôi liên lạc thường xuyên với nhau bằng thư từ.  Một hôm, anh viết cho tôi một bức thư, trong đó anh hứa hẹn sẽ bàn với tôi một vấn đề quan trọng.  Tôi vô cùng sung sướng, ôm lấy niềm hạnh phúc sắp tới đi vào giấc ngủ hằng đêm.
Tôi chờ lá thư hứa hẹn việc quan trọng đó hằng ngày, suốt cả tháng trời.  Nhưng... lá thư tiếp theo là thư báo tin anh bị thương, và đang ở quê anh, Long Xuyên, dưỡng thương.  Nghe tin anh bị thương, tôi đau xót như chính tôi bị thương.  Nơi tôi dạy và quê hương anh là hai tỉnh giáp ranh.  Xe đò liên tỉnh chạy qua nhà anh hằng ngày. Sáng thứ bảy tuần lễ đó, tôi đi chuyến xe sớm nhất đến Long Xuyên để tìm thăm anh, và dự định trở về với chuyến xe cuối cùng trong ngày. 
Ba anh là người tiếp tôi và cho biết anh đã đi chơi rồi.  Ông rất nhiệt tình cầm giữ tôi ở lại chờ anh về  mà chính ông cũng không biết chừng nào.  Tôi khéo léo từ chối, và kêu xe lôi ra khu thương mại đi loanh quanh hi vọng gặp anh  đâu  đó.  Anh còn đi chơi được, như vậy anh không sao, không bị mất một phần thân thể cho quê hương, và cũng không bị suy sụp tinh thần.
Suốt mấy tiếng đồng hồ tới lui ở khu thương mại này, tôi mỏi mệt và đau chân vô cùng.  Tôi đến bờ sông ngồi dưới tàng cây rậm nghỉ mệt và trốn nắng.  Đang hít thở gió mát từ sông đưa vào thì anh đến bên tôi dí dỏm hỏi:
- Xin lỗi cô.  Có phải cô là em song sinh với người yêu Hân Viên của tôi không"
Tôi nhìn anh, mắt ứa lệ.  Anh ôm lấy tôi và vuốt tóc tôi.  Tôi gục vào vai anh khóc nức nở.  Chờ cơn xúc động của tôi dịu xuống, anh dỗ dành:
- Anh không sao. Bị thương nơi đùi, không trúng xương, không trúng gân. Đừng bi thảm như vậy.  Người yêu của lính thì phải can đảm, và cứng rắn.  Kiên cường lên em, đừng làm nhụt chí của anh chứ.
- Xin lỗi anh, em biết và em tự dặn lòng không khóc trước mặt anh.  Nhưng... em không kềm nỗi sự xúc động của mình.
- Như thế này nếu mai kia không còn anh trên cõi đời này thì em....
Tôi vội lấy tay bịt miệng anh, không cho nói tiếp.  Anh đã ôm ghì lấy tôi.  Run rẩy trong vòng tay ấm áp của anh, tôi  trao  nụ hôn đầu đời cho anh tại bờ sông này, cùng lúc trái tim tôi lên tiếng nói: "Anh ơi, em ước chi thời gian hãy dừng cánh lại, quả đất ngừng quay, và chúng ta quên mất cả đường về..."
Nhưng... không như ý tôi, thời gian trôi quá nhanh!  Mới đó mà sắp tới chuyến xe chót 4 giờ chiều, tôi đành phải đứng lên bịn rịn từ giã anh để đi cho kịp chuyến xe.  Anh lưu luyến nói:
- Em cho anh xin trọn một ngày của em. Ở lại với anh hôm nay.  Ngày mai hẳn về. Chúng mình rồi lại xa cách nghìn trùng.  Gặp mặt nhau không dễ đâu em.  Đừng bỏ lỡ cơ hội này.
- Em không dự trù đi qua đêm, nên không mang theo áo quần. Vả lại, em không có người quen ở đây, tối ngủ đâu"  Em sợ khách sạn có ma, không dám ngủ đêm ở đó đâu.
Anh chọc tôi:
- Anh sẽ nằm ngoài cửa làm cận vệ, thức trọn đêm để canh không cho ma sống ma chết nào "ăn thịt" em cả.  Ở lại với anh nghe cưng. 
Tôi giẩy nẩy:
- Không đựơc.  Em không ở khách sạn.  Ai mà bắt gặp em ở khách sạn, họ đâu biết anh ở ngoài hay trong, họ đàm tiếu, danh dự của em chỉ còn nước liệng xuống sông xuống biển.  Cho em đi về.  À, mà này, tại sao anh không theo em qua Châu Đốc ở chơi với em trọn ngày mai chúa nhật"  Sáng thứ hai em đi dạy thì anh về.  Mình đi Điện thờ Bà Chúa Xứ xin xăm, cầu phước.
- Không, anh không cầu phước mà cầu duyên. Nếu em muốn thì anh chiều ý em, nhưng với một điều kiện.  Chịu thì anh theo em đi, không thì em ở lại đây với anh.
- Làm khó em hoài!  Điều kiện gì"
- Đi đường, em phải cho anh nắm tay, ôm eo em thì anh mới chịu.
- Eo ơi, không được đâu.  Học trò của em bên đó nhiều lắm, mà tỉnh lỵ thì nhỏ như bàn tay.  Thế nào chúng chẳng đồn um xùm, còn thêu dệt nữa.  "Quê" lắm!
- Có sao đâu. Sẵn dịp, mình công bố luôn.  Anh sẽ tập hợp một đám học sinh lại, rồi nói rằng: " Cô các em là người yêu bé nhỏ của anh.  Anh nhờ các em bảo vệ và giữ gìn giùm anh, đừng cho ai "bắt cóc" cô. Ai làm tròn "công tác quan trọng" này, anh sẽ cho theo cô đi máy bay vòng vòng Đà Nẳng - Tây Lộc chơi cho vui.
- Thôi anh ơi, nói bậy không hè!
- Vậy thì ở lại đây đi, không có học trò em, không có ai quen biết em cả.
Em không muốn ở khách sạn thì anh có chỗ gởi em rồi.  Nơi này có hai người lính an ninh canh cho em ngủ.  An toàn lắm, đừng lo.
- Nhà ai mà có lính canh gác"
- Nhà ông bà tỉnh trưởng, có họ hàng với anh.  Được không" 
- Họ hàng như thế nào"
- Chú cháu ruột, được chưa cưng. Sao hỏi kỹ vậy"  Cô giáo khó tính quá! Thôi bây giờ đi mua bộ quần áo ngủ và vật dụng cần thiết cho em.
Nghe xuôi tai, tôi theo anh.  Chiều đó chúng tôi đi xi nê, rồi ăn chiều.  Trong rạp hát, chúng tôi say đắm trao nhau những nụ hôn ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Trời sụp tối, anh dẫn tôi về nhà giới thiệu với cha mẹ anh.  Ông bà là người dân miền Nam chân chất, thật thà, và hiếu khách.  Ông bà ân cần hỏi thăm gia cảnh tôi: cha mẹ anh em tôi và nghề nghiệp của họ, rồi  chỗ ăn ở của tôi, công việc dạy học như thế nào, có gì vui buồn"... Nghĩa là khéo léo điều tra lý lịch.  Cuối cùng là mời tôi ngủ lại đêm.  Tôi ú ớ, chưa biết trả lời sao thì anh cướp lời:
- Ba má đừng lo. Con lo xong rồi.
Chúng tôi ngồi phòng khách nhà anh nói chuyện trên trời dưới đất tới khuya mà tôi không hay biết.  Hết chuyện dưới đất trên trời, anh cho biết anh Hùng đã tử trận hơn nửa năm nay rồi.  Tôi đang ngụp lặn trong màu hồng của tình yêu, đám mây đen chợt đến.  Chưa hết xót xa việc anh bị thương, tin anh Hùng hi sinh lại đến.  Tôi liên tưởng đến tính mạng của anh, người trai thời chiến, rất mong manh.  Phúc đức dày bao nhiêu mới đủ, may mắn lớn thế nào mới vừa,  để che chắn cho anh khỏi lằn tên mũi đạn vây bọc hằng ngày hằng giờ"   Tim tôi quặn thắt.  Tôi nhìn anh rưng rưng lệ.  Anh an ủi tôi:
- Sao em mít ướt quá!  Mạng anh lớn lắm, nhất định anh không sao đâu, em.
Thôi, bây giờ mình nói chuyện khác nghe.  Hè sắp tới, em xin đổi đến trường trung học Phan Chu Trinh ở Đà Nẳng để chúng mình được gần nhau.  Không có em, anh buồn lắm, và cô đơn chịu không thấu.  Chiều tối, không biết làm gì cho hết thì giờ, lại cùng đám bạn đi vũ trường nhậu nhẹt, nhảy nhót.  Hư thân mất nết em ơi.
 - Khó lắm anh à, thâm niên mới một năm làm sao xin thuyên chuyển!  Thêm nữa, từ trường nhỏ ở tỉnh lỵ heo hút đổi tới trường lớn của một thành phố lớn, khó lắm!  Nếu Nha Trung Học có cho em đổi ra Đà Nẳng thì em phải đi những quận xa xôi, mất an ninh.  Chúng mình cũng vẫn kẻ một nơi người một nẽo mà thôi!  Thà em ở lại đây vừa an ninh, vừa gần nhà em ở Sài gòn hơn.  Chỉ có trường hợp vợ chồng thì Nha Trung Học mới giải quyết ưu tiên mà thôi.
Anh suy nghĩ một thoáng, xong nắm bàn tay tôi âu yếm nói:
- Vậy chúng ta kết hôn nghe em.  Em có bằng lòng.....
Vừa nói tới đây thì Ba Mẹ anh từ phòng bên cũng bước ra. Bà mẹ nói:
- Khuya rồi, con.  Cô Hân Viên đi suốt ngày chắc mệt lắm.  Con là thanh niên không biết mệt, chứ cô ấy là phụ nữ thì khác.  Mai nói chuyện tiếp, giờ con sang phòng Ba, để cô  ấy đi nghỉ sớm.


- Ba má ngủ trước, con vào ngay. Nói xong anh xoay qua tôi hóm hỉnh tiếp:
- Khuya quá rồi em à, không tới nhà  ông "chú Tỉnh Trưởng" của anh được.  Thôi ngủ đỡ nhà ông "bác Tỉnh Trưởng"  đi.  Nhà ông bác này cũng có hai người "lính an ninh" canh cửa.  Hai người này có tinh thần trách nhiệm rất cao, lại công minh liêm chính nữa,  thi hành nhiệm vụ bất vị thân.  Em thấy không, ngay anh là con mà cũng không vị tình. Anh bị ông "lính an ninh già"  khóa chân rồi, đã vậy còn bị "bà lính già" chặn cửa kiểm soát chặt chẽ.  Không có giấy phép, không được xuất nhập lộn xộn.  Em an tâm nhé!
Anh đã đánh lừa tôi để tôi ngủ lại nhà anh.  Tôi "được" rơi vào cái bẩy êm ái này của anh giăng.  Tôi sung sướng ôm theo chăn chiếu mùng mền vương hơi hướm của anh đi vào giấc ngủ đẹp.
Chiều hôm sau tôi về lại nhiệm sở, lòng phơi phới hân hoan.  Cái hôn từ giã tuy có buồn nhưng tôi sung sướng ngập lòng.  Chúng tôi lại tiếp tục thư từ cho nhau.  Tôi còn trẻ, không muốn lập gia đình sớm nên không thúc hối anh. 
Sau đó thì chiến tranh càng ngày càng leo thang. Thư từ anh gởi cho tôi tỉ lệ nghịch với chiến sự.  Hễ cuộc chiến càng ngày càng tăng khốc liệt thì thư từ anh gởi càng ngày càng ngắn dần và ít đi.  Mỗi lần có đồng đội của anh nằm xuống là tháng đó anh buồn lắm, không thư từ cho tôi.  Tôi cũng thông cảm với anh và càng viết thư nhiều hơn để an ủi.  Thấy vậy, tôi nhắc anh chuyện hôn nhân để được ưu tiên thuyên chuyển theo anh, cùng nhau đồng cam cộng khổ, chia xẻ âu lo với nhau.  Anh trả lời: "Anh chưa  muốn lập gia đình bây giờ, hãy cho anh thêm một thời gian nữa. Em còn trẻ, chờ thêm vài năm, chiến tranh bớt khốc liệt, tính mạng anh bớt bị đe doạ, chúng ta kết hôn không muộn. Anh không muốn em rơi vào hoàn cảnh góa bụa,  cuộc đời em đầy buồn lo vất vả khi anh không còn trên cõi đời này.  Mỗi lần tưởng tượng cặp mắt  em đẫm lệ là anh nguội đi ý muốn lập gia đình."  Nghe lời anh, tôi chờ.  Rồi máy bay anh Sang lái, người bạn thân còn lại trong bộ ba của anh, bị bắn rơi.  Anh Sang hi sinh, bỏ lại người vợ quá trẻ và đứa con còn đỏ hỏn, đem đến cho anh một cú sốc nặng. Anh viết thư  khuyên tôi hãy quên anh, và tìm một người chồng dân sự để sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.  Anh xin lỗi tôi đã không thể giữ trọn lời hẹn ước trăm năm.  Sau đó, anh bặt thư, mặc cho tôi viết không biết bao nhiêu thư từ cho anh. 
Chờ tới hè năm đó, tôi mất cũng khoảng nửa năm sống trong thương nhớ, khắc khoải lo âu.  Nhiều lúc tôi nghĩ dại: hay là anh bị thương, trở thành tàn phế, nên xa lánh tôi.  Trên đường về Saì Gòn nghỉ hè, tôi ghé qua nhà cha mẹ anh để hỏi thăm tin tức.  Được biết anh vẫn còn phục vụ ở đơn vị cũ, tôi quyết định đi một chuyến ra Đà Nẳng tìm anh để giải toả những ưu tư, khắc khoải trong lòng anh.  Tôi đến nhà chú thím Cảnh là nơi mà ngày xưa ba đứa chúng tôi vẫn tới ở nhờ mỗi khi từ Huế vào Đà Nẳng chơi. Chú thím coi chúng tôi như con cháu trong nhà rất thân thiết.  Tôi trút hết nỗi lòng với thím và ngỏ ý nhờ chú đưa tôi vào phi đoàn gặp anh.  Chú là sĩ quan cấp trung tá, có thể ra vô phi trường quân sự dễ dàng.
Khi chú về, thím kể lại, chú bảo tôi:
- Một khi nó đã muốn trốn thì khó gặp lắm.  Vào cư xá sĩ quan trong phi trường, nó khoá cửa nằm trong... "vắng nhà".  Vào phi đoàn thì... "đi bay" rồi.  Tới lui nhiều lần, thiên hạ biết, nó càng trốn lẹ, không ích gì.  Thôi, để chú liên lạc với xếp nó điều tra trước xem sao, rồi mình tính sau.  Xếp nó là bạn thân của chú, sẽ không giấu diếm điều gì đâu.
Chú quay phone cho ông Phi đoàn trưởng của anh.  Sau một lúc lắng nghe đầu giây bên kia nói, chú đáp:
- "Toa" là xếp hắn, dễ nói hơn "moa".  Khoảng 7 giờ tối, "moa" tới "toa", OK"
Sau đó, chú vào phòng nói chuyện với thím một lúc lâu.  Cơm chiều xong, thím ôm vai tôi nói:
- Cháu thay quần áo đi với chú gặp anh Bình, Phi đoàn trưởng của nó để biết về nó.  Bình tĩnh nghe cháu.  Chuyện gì cũng do số mệnh mà ra cả.   Điều mà mình tưởng là họa biết đâu lại chẳng là phúc cho mình, và ngược lại.
Tôi nhìn thím rồi nhìn chú, thấy là chuyện không lành.  Tiếp chúng tôi là ông trung tá phi đoàn trưởng của anh.  Ông vòng vo khen ngợi anh là người năng nổ, trách nhiệm cao, tốt bụng, giúp đỡ đồng đội, can đảm, nhiệt tình.... Tôi không nghe được gì hết,  chỉ tưởng tượng anh trong thân thể khi thì hai chân, khi thì hai tay "vắng mặt',  khi thì mù loà sờ sẩm đi trong bóng tối... và nước mắt cứ tuôn rơi không ngừng.  Thấy vậy, chú Cảnh lay nhẹ  vai tôi bảo:
- Cháu à, nó không xứng đáng cho cháu rơi nước mắt đâu.
Quay qua ông PĐT, chú tiếp:
- "Toa" kể hết mọi chuyện cho nó biết đi.
Ông trung tá hớp một ngụm nước, tằng hắng vài tiếng.  Xong, ông hạ giọng nói:
- Nó đàng hoàng lắm, nhưng ham đi vũ trường. Mấy thằng không quân  có đứa nào mà không mê nhảy nhót.  Tới mấy chỗ đó thì làm sao khỏi bị "mèo móng đỏ" vờn.  Đám đàn ông không quân của bọn tôi không đứa nào là Liễu Hạ Huệ cả.  Mỡ đến miệng mèo làm sao nhịn được.  Kết quả là  có một cô tìm tôi, bảo rằng cô mang bầu với thằng Thanh, mà hắn trốn cô mấy tuần rồi.  Cô nhờ tôi tìm người cha "đi lạc" cho đứa con trong bụng của cô... 
Nghe tới đây, mắt tôi tối xầm lại, không còn biết gì nữa.  Cuối cùng tôi ra về, gởi lời cám ơn ông PĐT, và xin ông giữ bí mật chuyện tôi đi tìm. 
Tôi trở về nhiệm sở, cố quên anh chàng "bạc tình lang". Tuy nhiên "Giận thì giận, thương thì vẫn thương."   Phải chi năm xưa, tôi ngủ lại ở khách sạn để... anh "sa ngã" với tôi.  Anh là người có trách nhiệm cao như ông PĐT nói thì anh phải cưới tôi thôi.  Nhưng rồi tôi lại lắc đầu xua đuổi ý nghĩ đó: "Mình là cô giáo, làm như vậy thì còn mặt mũi nào ngó mặt học trò và đồng nghiệp! Dần dà, nỗi đau  phai dần theo năm tháng.
Sau đó, tôi lập gia đình với một người chồng dân sự, đúng như lời khuyên của anh.  Tôi đã cố gắng tìm quên trong công việc dạy học và bổn phận gia đình.  Sau đó, vợ chồng tôi cũng tìm cách đổi về Sài Gòn làm việc.  Tôi về một trưởng trung học gần nhà. Với thời gian, lòng tôi cũng lắng dịu lại.  Cuộc sống trong thời buổi chiến tranh mỗi lúc mỗi leo thang làm tôi vất vả trong mưu sinh.  Tôi không còn nhớ và đau khổ vì mối tình dang dở nữa.  Tôi nghĩ tôi đã quên anh, mặc dù nhiều lúc nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời, tôi vẫn ngoái cổ trông theo.
Ngày 30-4-75 tới, cả nước lao đao.  Chồng tôi đi tù vì tội "biệt phái", sau khi ra tù lại lo việc vượt biên.  Việc mưu sinh quay tôi mòng mòng.  Khi chồng tôi vượt biên thành công, và viễn ảnh tươi sáng đang chờ đón trước mặt, tôi trút được gánh nặng trong lòng.  Nhưng chỉ một thời gian sau, từ em gái tôi bên Mỹ, tôi biết chồng tôi có người đàn bà khác và gia đình chồng khuyên anh vì tương lai hai đứa con mà bảo lãnh mẹ con tôi sang Mỹ rồi hãy ly dị.  Tôi thật là một người bạc mệnh!
Tôi đi tìm chị Cẩm Vân để có người chia xẻ niềm vui.  Tới lúc đó tôi mới biết chị có người em là đàn em của anh, và biết anh đang ngồi tù.  Tin này đem đến tôi một cú sốc nặng nề. Tôi tưởng tình yêu của tôi đối với anh chết rồi.  Nhưng không, nó không chết.  Nó chỉ nằm ngủ, và bây giờ nó thức giấc, đang vươn vai. 
Tôi tức tốc nhờ người trông coi hai đứa con giùm trong hai ngày, để tôi xuống tận quê hương anh, tìm gặp ba của anh xin địa chỉ. Tôi nhắc lại chuyện mười mấy năm về trước, tôi đã đến tá túc nhà ông một đêm.  Ông còn nhớ đến tôi. Lần này ông cũng cầm giữ tôi ở lại một đêm. Bà thì mất lâu rồi.  Ông tế nhị không hỏi chuyện tình cảm của tôi với con trai ông, chỉ nói chuyện sinh sống trong xã hội khó khăn, kỳ thị, bạc đãi người của chế độ cũ...và luôn miệng cám ơn tôi đã đến tận đây tìm con ông.  Khi tôi ra về, ông nhìn theo, ánh mắt quyến luyến và thương cảm. 
Đầu tiên, tôi viết thư cho anh để xem anh còn ở địa chỉ đó hay đã chuyển trại rồi. Bức thư "hô khẩu hiệu" đúng theo chính sách của Nhà Nước XHCN, nhưng trong đó tôi cũng cố chêm vài ẩn ngữ để động viên tinh thần của anh.  Lần này, anh không chạy trốn nữa, anh hồi âm cho tôi.  Trong thư, anh lướt qua một vài kỷ niệm khiến tôi vô cùng xúc động.  Anh còn yêu tôi.  Chúng  tôi ở trong thế kẹt, phải ngậm đắng nuốt cay, không thể bộc lộ cho nhau biết tình cảm của mình.  Bây giờ chúng tôi có miệng mà không nói ra lời được.  Phải câm, và khóc thầm. 
Tiền bạc và đồ đạc trong nhà đã "sạch sẽ" sau khi lo cho ông chồng  vượt biên. Tôi vơ vét gói ghém gởi ngay cho anh những thực phẩm và thuốc men cần thiết trong gói quà hạn chế 5 kí lô.  Trên đường đến bưu điện Sài Gòn để gởi, nước mắt tôi tuôn trào.  Tôi biết khi nhận được, anh sẽ đau lòng vô cùng, nhưng tôi không thể làm khác được.  Tôi sợ anh không chết vì đói thì cũng chết vì thiếu thuốc men.   Sau đó, theo quy định, cứ ba tháng, tôi gởi cho anh một gói quà, và liên lạc với nhau qua những bức thư "hô khẩu hiệu" cho đến một ngày tôi nhận được một lá thư gởi từ một đơn vị của bộ đội mà tên người gởi lạ hoắc.  Tôi vội bóc ra xem.  Đó là thư của anh gởi cho tôi báo tin anh được chuyển trại về Nam.  Anh ném bức thư này ở một ga xe lửa với hi vọng đồng bào nhặt được gởi giùm. Có lẽ một cậu nghĩa vụ quân sự nhặt được, rồi gởi cho tôi.  Tấm lòng người dân miền Nam vẫn còn đầy ắp thương mến những sĩ quan QL VNCH.  Và, trong lòng anh vẫn còn đầy ắp thương nhớ tôi.  Khi chuyển trại, anh lật đật tìm cách báo tin cho tôi.  Điều này chứng tỏ tôi vẫn còn có một chỗ đứng không nhỏ nhoi chút nào trong tim anh. 
Sau 10 năm lưu đày, anh được ra tù, nhưng bị quản chế dưới quê. Bị chánh quyền quản chế và bị vợ con "quản chế". Tôi rút lui để anh hưởng hạnh phúc gia đình. Tôi lại bặt tin anh, nhưng lần này tôi an tâm, vì không còn sợ anh bị đói khát hay thiếu thuốc men khi đau yếu bệnh hoạn nữa.
 Dù biết chồng đã có gia đình khác, nhưng vì tương lai các con, tôi vẫn nộp  đơn xin đi Mỹ theo diện đoàn tụ. Sau khi tôi nộp đơn xin xuất ngoại đoàn tụ thì bên Giáo Dục Thành Phố có chính sách buộc những thầy cô giáo nộp đơn đi nước ngoài phải nghỉ dạy.  Lý do là tư tưởng vọng ngoại, ôm chân đế quốc, không thể giáo dục tốt cho học sinh yêu nước yêu chế độ XHCN  được. Tôi  đành nghỉ dạy và "phe phẩy" (chữ của VC) ở chợ trời.
Một buối sáng, sau khi nấu cơm nước sẵn để con tôi đi học về có cái ăn uống, tôi chuẩn bị ra chợ trời "phe phẩy", thì anh đến tìm tôi.  Chúng tôi sững sờ nhìn nhau.  Tôi nghẹn ngào không nói được một lời trước sự bất ngờ này.  Anh giơ tay toan ôm lấy tôi, nhưng rồi rút tay lại nói:
- Sao" Bà chủ không mời khách ngồi à"
Tôi bỏ buổi hàng, ở nhà chuyện trò với anh.  Anh cho biết anh bị quản chế hai năm ở quê. Vợ anh từ một tiểu thư, tiếp theo là bà chủ, đột ngột biến thành nông dân, nên sau nhiều năm "lao động là vinh quang" đã mang bệnh trầm kha.  Hết thời gian quản chế, anh đem vợ con lên Saì Gòn tạm trú nhà họ hàng để kiếm sống, và trị bệnh cho vợ.  Hiện anh đang "chạy sô" Anh văn cho những gia đình có nhu cầu. Con anh vừa đi học, vừa đỡ đần mẹ cơm nước, vừa săn sóc mẹ.  Còn tôi, tôi cũng kể hoàn cảnh mình nhưng giấu biệt chồng có người đàn bà khác. 
Tôi ngầm cho anh biết không có anh, tôi vẫn có cuộc sống tốt đẹp.  Tôi đã giấu sự bất hạnh dưới những nụ cười gượng gạo. Tôi vẫn còn giận anh có nghĩa là tôi vẫn còn yêu anh.  Tôi mời anh ở lại dùng cơm với mẹ con tôi và giới thiệu anh, người bạn tốt cũ, với hai con. Trong bữa ăn tôi suýt bật khóc mấy lần, khi nghĩ rằng đây là bữa cơm của một gia  đình đầy đủ và hạnh phúc. Khi anh ra về, tôi khóc lẻ loi một mình và thầm mong anh đến thăm tôi thường xuyên.
Bẳng đi mấy tháng, anh trở lại sớm hơn lần trước, vừa lúc tôi ra cửa định đi chợ để về nấu cơm. Anh nhìn tôi ánh mắt tha thiết.  Tôi lúng túng nói:
- Anh tới đúng lúc quá.  Anh trông nhà giùm em một lúc để em đi chợ. Chợ gần đây, không lâu đâu.  Ở lại ăn cơm với em, đừng bỏ về nghe. Người ta dọn nhà, em bắt đền anh đó.
Tôi hấp tấp ra cửa, hấp tấp đi chợ, hấp tấp về nhà.  Khi về, anh còn ngồi đó dáng điệu buồn thảm. Tôi tránh nhìn ánh mắt anh.  Tôi đang chạy trốn anh và trốn tôi.  Tôi lật đật xuống bếp nấu ăn, bảo anh ngồi chờ, nhưng anh theo tôi xuống bếp.  Khi tôi đang rửa rau thì anh đến bên, nắm lấy tay tôi ân cần nói:
- Rửa rau anh biết làm. Em để anh rửa cho.
Tôi nhớ ngày xưa nơi phòng khách nhà anh, anh đã nắm lấy bàn tay tôi đề nghị kết hôn.  Từ đề nghị đi đến thực hiện hơn hai mươi năm rồi mà chưa thành.  Không thể kềm chế được sóng lòng trong tôi, tôi gục vào vai anh khóc nức nở.  Anh ôm lấy tôi không ngừng xin lỗi và dỗ dành.   Nhưng chúng tôi cũng còn đủ lý trí để dừng lại.
Tôi muốn con tôi ra khỏi nhà tù lớn này để có một tương lai tươi sáng nên tôi đã mãnh liệt chiến đấu với trái tim tôi. Tôi đã chiến thắng tôi vô cùng cực khổ.  Đêm nào tôi cũng rửa mặt bằng nước mắt. Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, muốn ngã vào vòng tay của anh.  Chuyện tới đâu thì tới.  Tại sao tôi phải cực khổ, cay đắng vì chồng con thế này!  Bốn năm chồng trong tù, tôi đã bươn chải nuôi chồng con với đồng lương chết đói của nhà giáo. Gìờ đây Đông-Tây cách biệt gần mười năm, chồng tôi sung sướng bên ngưòi đàn bà khác.  Anh đã bỏ mặc cho tôi trách nhiệm nuôi dạy hai con trong một đất nước nghèo nàn tuột hậu này.  Tại sao tôi phải thủ tiết thờ chồng"  Có công bằng cho tôi không"  Tôi tủi thân khóc với anh nhưng vẫn không nói thật cùng anh tình trạng hôn nhân của tôi. 
Chúng tôi gặp nhau vài lần trong năm.  Sau đó anh gởi tôi lá thư từ biệt. Anh sợ anh không chiến thắng được anh.  Anh muốn tôi đem được con qua Mỹ và sống cuộc đời hạnh phúc (!) bên chồng.  Anh sợ oan nghiệt ràng buộc, tôi không tháo gỡ nỗi. Anh không muốn vì anh mà tôi rơi vào hoàn cảnh trái ngang.  Ngày xưa, anh đã lỡ lầm để tôi chảy nhiều nước mắt rồi, giờ không muốn tôi chảy thêm nước mắt nữa.
Anh không ghi địa chỉ người gởi.  Chúng tôi lại bặt tin tức nhau.  Anh không biết rằng chỉ một năm sau đó, mẹ con tôi lên máy bay "đoàn tụ" đế tôi ký đơn "ly dị" với chồng.  Tôi ân hận vì ngay từ đầu đã không cho anh biết chồng tôi có người đàn bà khác.
Tôi nhớ anh da diết nhưng không biết đâu mà tìm, đành buông tay!  Mẹ con tôi cực khổ gian nan để mưu sinh trong xã hội mới. Lần hồi cuộc sống mẹ con tôi được ổn định.  Xã hội Mỹ đã cho mẹ con tôi nhiều cơ hội để vươn lên.  Tôi có việc làm đủ sống. Hai đứa con tôi hiếu thảo, ngoan ngoãn, chăm học.  Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng có công ăn việc làm vững vàng. Tôi tự an ủi: "Trời không cho ai toàn vẹn cả.  Hễ được điều này thì mất cái khác.  Mất đường tình duyên thì được đường con cái.  Con cái như thế này là quý lắm rồi.  Đây là phần thưởng quý báu mà con tôi đã đền đáp cho sự hi sinh tình riêng của tôi.  Cám ơn nước Mỹ!  Cám ơn các con!" 

*
Ngày đứa con sau lập gia đình, tôi nhận được thiệp chúc mừng của anh, vẫn không có địa chỉ người gởi.  Tôi sốt ruột đứng ngồi không yên. Sau đó vài ngày anh mới điện thoại, mở đầu bằng cách xưng là học trò cũ. Tôi biết anh cố ý làm hề, nhưng hề nào ngăn nổi tiếng khóc.
Trong phone, thấy tôi khóc quá, anh hoảng:
- Đừng khóc, em!  Giai đoạn đau buồn qua rồi. Bây giờ mình hãy sống cho mình. 
-Và lại cố làm hề- Chắc chắn tuần tới "anh theo nàng về dinh".  "Đừng bỏ anh một mình.  Trời lạnh lắm, trời lạnh lắm..."
- Máu diễu của anh tới già cũng không chừa.
- Năm tới em nên xin nghỉ hưu non.  Chúng mình đi thăm Đà Nẵng- Huế- An Giang, tìm gặp lại học trò cũ của em, và xin xăm "cầu duyên" với Bà Chúa Xứ nghe em.
- Được rồi.  Chuyện đó từ từ tính.
- Cho anh hôn cái lấy hên. Bye nghe cưng. Hẹn gặp nhau sớm.
Tuần sau hai con tôi làm bữa tiệc nho nhỏ để đón "Bác Thanh đi lạc mấy chục năm mới trở về" với mẹ, xong chúng "lặn" mất.  Anh đến cầm theo lá thư "gởi gấm ba cho cô" đầy đủ chữ ký của ba đứa con anh...
Mấy chục năm dài dằng dặc trôi qua, chúng tôi mới kết nối xong sợi tơ hồng đứt đoạn nhiều phen. Cám ơn Trời- Phật- Chúa đã ban phước lành cho chúng tôi.  Cám ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi cơ hội.  Hạnh phúc đến với chúng tôi, tuy muộn màng còn hơn không.
HẠ VŨ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,383
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài,
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến