Hôm nay,  

Babysitting / Hành Nghề Giữ Trẻ

17/06/201000:00:00(Xem: 137913)

Babysitting / Hành Nghề Giữ Trẻ

Tác giả: Trương Bạch Yến
Bài số 2921-28221-vb5061710

Tác giả hiện là cư dân Virginia,tuổi lục tuần, nguyên là giáo viên cấp 3 môn Văn tại Sài Gòn. Sang đoàn tụ với con cháu, bà chọn nghề giữ trẻ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà kể chuyện hành nghề  giữ trẻ chừng mực mà sống động, hữu ích cho cả người hành nghề lẫn các bậc cha mẹ cần người giúp giữ trẻ.

***

Nay tôi đã là cư dân Virginia, nhớ lại chuyến hành trình gian khổ đến Mỹ. Lần đầu đi máy bay và kế tôi, một chị người Việt lớn tuổi cũng lần đầu đến Mỹ. Chúng tôi lọng cọng với cái "seatbelt" rồi đến thang cuốn. Thật khủng khiếp vì tôi dị ứng với "quái vật" văn minh này lắm. Ôi! Trăm thứ linh tinh nó làm khổ ta. Nhưng trót đã cỡi lưng cọp cũng đành nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo nó đưa mình tới đâu.
Khi đến Los Angeles, việc chuyển đổi hành lý sang chuyến bay khác là cả vấn đề nhiêu khê. Chị bạn made in VN trễ chuyến bay do chờ đợi lấy hành lý. Chị chạy lăng xăng giữa rừng người nước ngoài và bi bô hét toáng "tôi là người Việt. Tôi không biết tiếng Mỹ..."
Đặt chân lên đất Mỹ, tất cả đều khác biệt ... từ phong tục tập quán đến suy nghĩ, sinh hoạt, tình cảm... Tôi cứ tưởng qua đây sẽ có xe bus, xe điện, xe taxi chạy khắp hang cùng ngõ hẻm như ở  SG nhưng không ngờ di chuyển toàn bằng xe hơi và việc không biết lái xe thì chấp nhận "cụt chân" và làm tù nhân giam lỏng. Tôi muốn "khùng" do khi ở VN tôi là "chân chạy", chạy sô từ trường này qua trường khác.
Con và cháu tôi đi làm và đi học, lúc về là mỗi người rút vào phòng riêng, tôi buồn và cô độc biết bao! Tôi thông cảm cho các bác lớn tuổi qua đây chỉ muốn về VN vì cô đơn và câm nín. Thế là tôi phải tìm đường thoát. Tôi phải sao đây" Với cái tuổi "lục thập lai hy" quên đầu quên đuôi và vốn Anh văn không bằng caí nắm tay thì lấy đâu ra việc làm nơi đất khách quê người"
Nằm bắt tay lên trán suy nghĩ đến một nghề. Cuối cùng chỉ mỗi một nghề thích hợp là: baby-sitting - vừa có tiền, vừa happy với trẻ. Nụ cười là liều thuốc bổ giúp mình không có thêm nếp nhăn, khỏi tốn tiền đi thẩm mỹ viện, vừa exercise mỗi ngày, tránh cảnh "nhàn cư vi bất thiện". Thế là tôi đọc báo để tìm việc.
Bây giờ tôi kể các bạn nghe về nghề mới của tôi nhé. Trước đây tôi đường hoàng là giáo viên dạy tiếng Việt ở trường cấp 3 nhưng qua đây mình phải dẹp bỏ tự ái (Hàn Tín còn phải luồn trôn giữa chợ cơ mà) vì đôi lúc có người xem trọng đồng tiền họ đồng hóa mình như một "ô sin" không hơn không kém.
Lần đầu tôi đi làm cho một chủ tiệm nail lớn. Trên báo họ chỉ nói có một bé gái 2 tuổi nhưng lúc đến nơi thì thêm bé 5 tuổi và 3 tuần sau hạ sinh baby. Thế là tôi phải giữ luôn 3 bé. Sau đó là giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng... Tôi tự nhủ cứ coi như tập thể dục cho khỏe người. Họ đẩy 2 bé ngủ chung với tôi và bé trai xấu nết ngủ cứ chòi đạp cả đêm lên người tôi làm tôi mất ngủ cả đêm. Tôi thức luôn cả mấy tuần liên và đành phải nghỉ việc thôi.
Lại xem báo tìm việc và lần này rút kinh nghiệm, biết yêu cầu không ngủ chung với bé ban đêm. Tôi giữ 2 bé trai. Một bị bệnh Autism, đã 4 tuổi nhưng không biết nói, không kiểm soát được việc tiêu tiểu và có một số vấn đề ở bộ não. Đôi lúc em cười sằng sặc, khi hét lanh lảnh và quăng ném bất cứ gì trong tầm tay của em. Tôi từng học qua cách điều trị trẻ Autism lúc ở VN nên cũng có một ít hiểu biết về vấn đề này. Baby em thì thật dễ thương. Em biết làm đủ trò như nháy mắt nghiêng đầu, cười thành tiếng hay nói gió ... Tôi làm được 6 tháng thì họ bán được nhà và chuyển sang tiểu bang khác. Thế là tôi mất job.
Tôi xem báo và lần này tôi giữ 2 bé trai 4 tuổi và 3 tuổi. Một bé cao ốm. Một bé mập và lùn. Hai bé đứng gần nhau tạo thành số 10. Bé lớn hầu như không ăn bất cứ thức ăn gì, chỉ uống sữa và có tật ngậm thức ăn. Một bữa ăn kéo dài 2 tiếng và dỗ giấc ngủ cũng mất khoảng 2 giờ. Khoảng 10 phút em nuốt xong một miếng cơm. Có chị bạn cũng làm cùng nghề, gặp bé kén ăn và có một lần khi đút bé ăn ở cửa sổ, bé há hốc mồm khi gặp con mèo, thế là chị cứ đút cơm vào. Hai em bé tôi coi chúng rất hợp nhau nên việc kết hợp phá phách cũng rất nhịp nhàng. Ví dụ khi bé này ném gạo tứ tung thì bé khác vào nhà tắm xả nước lênh láng. Bé này lấy bút sáp vẽ đầy tường thì bé kia rải muối, đường, bột ngọt ở kệ bếp...
Tuy vậy, tôi vẫn vui vì chúng là những thiên thần bé nhỏ. Chúng thỏ thẻ những lời nói trẻ thơ "con thương bà cô nhất. Bà cô đi chơi với tụi con đi. Bà cô ở nhà một mình ông kẹ tới bắt bà cô đó."
Có những lúc "trái gió trở trời" tôi bị bịnh phải uống thuốc, chúng dành nhau rót nước cho tôi, thậm chí còn "choảng nhau". Tôi làm bộ đau và khóc, bé em hỏi:
- Bà cô đau ở đâu"
Bé hôn chỗ đau và hỏi:
- Hết đau chưa"
Nhưng tôi phải tìm chỗ làm gần nhà vì ở đây xa quá. Chỗ này gần nhà chỉ đi bộ qua, khỏi làm phiền ai đưa đón cuối tuần. Ở đây tôi chỉ coi một bé 18 tháng tuổi thôi. Thực đơn của bé là 8 bữa một ngày - 4 bữa mặn gồm 1 đùi gà, 8 loại rau và củ khác nhau, 4 bữa nước trái cây. Bé bệnh khô da cứ “gảy đờn” liên tục tôi phải ép bé uống thuốc 4 lần mỗi ngày kèm theo bôi lotion ướt nhẹp cả người. Khi ăn, bé chạy khắp nhà, tôi phải rượt theo và làm đủ trò hề để bé dừng lại ăn được hớp cháo (bé không thích xem TV) ... Khi ngủ phải bế trên tay và hát ru suốt 1 giờ vừa đung đưa vừa đi đi lại lại... Tôi phải thức từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm, thậm chí không còn thì giờ riêng tư, chỉ mỗi lo việc ăn ngủ của bé... Cuối cùng tôi phải chào thua, bỏ của chạy lấy người.


Lần này thử “hành nghề kliểu mới”, tôi giữ trẻ tại nhà. Một bé gái 5 tháng tuổi và bé 2 tuổi. Hai bé đều dễ thương nhất là bé 5 tháng lúc nào cũng cười và có tài bắt chước thật hay đáo để. Tôi nghiêng đầu bên phải hay bên trái là bé làm theo. Ông xã tôi cho ngón trỏ vào miệng và tạo âm thanh, bé cũng cho đúng ngón trỏ vào miệng mình hay miệng bé... Chồng tôi chở các bé đi chơi và đi đâu cũng tranh thủ về để ôm và đùa giỡn. Chúng tôi có niềm vui ở tuổi xế chiều... Nhưng rồi thời buổi kinh tế khó khăn, bà ngoại các bé mất job, thế là tôi lại mất việc sau gần 1 năm giữ ở nhà.
Gia đình kế tiếp tôi giữ trẻ là ở gần nhà. Tôi chăm sóc 2 bé 6 tuổi và 3 tuổi. Tôi nghĩ là 2 bé gái chắc không nghịch ngợm nhưng tôi lầm ... Chúng thả người từ đầu cầu thang xuống hay đu tay vịn tuột xuống. Vì là nhà townhouse nên cầu thang dốc đứng. Chúng trèo lên bàn vói tay lấy đèn chùm để đu như Tarzan hay xếp máy bay làm tên lửa, đốt ở đuôi và phóng đi ... Tôi có cản hay la rầy thì chúng tỉnh rụi vẫn tiếp tục. Chúng tuyên bố:
- Tôi không sợ bất cứ ai ở nhà này.
Mẹ chúng nói:
- Ba tụi nhỏ thương tụi nó lắm. Ai đụng vô là có chuyện lớn với ổng.
Tôi nói:
- Ai không thương con nít. Có ai hằn thù đứa con nít bao giờ"
- Cứ để tự nhiên như vậy. Nó sẽ tốt thôi.
Thế là tôi không khuyên dạy nữa. Muốn làm gì thì làm.
Tôi làm nhiều nhà nhưng công việc chỉ là chăm sóc trẻ nhưng ở đây cô ấy biến tôi như "ô sin". Sáng dậy lo cho bé lớn đi học xong, cô ấy liệt kê danh sách món ăn trong ngày (con nít và người lớn). Sau đó là giặt giũ, dọn dẹp ... Khi tuyết ngập trước cửa, cô ấy nhờ tôi xúc tuyết (cô ấy có biết mình đã gần 60 hay không") Tôi còn dạy cho bé lớn học. Hôm nào cô giáo nói không tốt ở môn nào là cô ấy có vẻ không bằng lòng. Tôi tự nhủ "dĩ hòa vi quý", thôi kệ... Nhưng tôi ghét nhất là cô ta cứ đưa điển hình bà X, bà Y nào đó trả lương thấp hơn mình mà làm tốt đến nỗi cầu tiêu vô ngủ cũng được. Khi tôi báo nghỉ trước 1 tháng, cô ta đăng báo cả tháng nhưng không tìm được ai và cô ấy phải nhờ đến mẹ ở NY sang giúp.
Bây giờ thì tôi đang làm cho gia đình có nề nếp, dạy dỗ con cái rất tốt. Thế ra đâu phải con cái ở Mỹ là không giáo dục đâu. Tôi thầm phục các bé ở đây, đi thưa về trình. Người lớn nói, trẻ nhỏ vâng lời và không được nói leo. Con nít thường có tật nói leo hay xen vào khi người lớn nói chuyện. Ở đây có 3 trẻ: 6 tuổi, 3 tuổi và 2 tháng tuổi. Họ xem tôi như người trong gia đình, đặt tình cảm lên trên đồng tiền. Bé lớn học rất giỏi. Cháu chỉ mới lớp một thôi nhưng có thể sắp xếp ý tưởng để viết bài văn dài theo chủ đề, ví dụ cháu viết về ngày Easter, Mother, Chrismas...
Cháu cũng khoe tôi về các bức tranh cháu vẽ trên computer hay trên giấy về bạn bè, trường lớp, gia đình... rất đẹp và giàu ý tưởng. Tôi nghĩ cách giáo dục ở Mỹ rất hay, không có học sinh ở lại vì yếu kém một môn nào đó, có thể em mặc cảm và sẽ bỏ học luôn. Ở đây nếu em yếu môn writing chẳng hạn thì em có thể xuống học thêm giờ môn đó. Em nào nổi bật ở môn nào thì được học ở mức độ cao hơn. Khi ở VN tôi từng chủ nhiệm lớp cuối cấp 3, các em tâm sự:
- Em không biết chọn ngành nào khi lên đại học.
Lối học ở VN là đồng đều ở mọi môn và không chú trọng đến năng khiếu của từng em ở bậc trung học.
Khi giữ trẻ không biết có phải "méo mó" nghề không mà tôi thường hay dạy các em chữ Việt và Anh văn vỡ lòng. Những cháu ở lứa tuổi 3, 4 tuổi rất khó ở bước khởi đầu tấp viết A, B, C. Chữ thường rất to và ngã nghiêng lên xuống mất trật tự do chưa biết cầm viết và không có ô ly. Nếu kiên trì thì qua những chữ tiếp theo sẽ rất dễ và tiến bộ rất nhanh.
"Vạn sự khởi đầu nan" trong lần đầu tiếp xúc, trẻ thường dò xét xem bà này thuộc loại nào. Tôi cố giữ ở mức độ khó khi học hay khi ăn, ngủ... nhưng dễ khi cùng chúng vui chơi. Bé 4 tuổi chỉ thích uống sữa và thường hay ngậm cơm, không thích ăn thịt... Tôi tìm hiểu và được biết khi ăn thức ăn mềm bé dễ nhai và ăn thịt hay dính răng. Có em chỉ thích ăn từng tí một hay nhấm nháp từng chút sữa do đó một bữa ăn kéo dài rất lâu... Đôi lúc cho trẻ ra ngoài hay vận động cho tiêu hóa thức ăn.
Tôi nghĩ giữa ba mẹ và bảo mẫu nên có sự phối hợp. Đừng để trẻ xem người giữ như một ô sin, trẻ có cái nhìn thiếu tôn trọng nên rất khó để tiếp tay dạy trẻ nên người. Người xưa thường nói "dạy trẻ từ lúc lên ba". Có trẻ từ sáng sớm từ trên lầu nói vọng xuống:
- Mẹ nói bà hôm nay cho con ăn món ... rửa đít cho con thì cho kỹ ...
Tôi cảm thấy rất "chạm" và khi trả tiền lương trước mặt trẻ (không bìa) và đưa với tư cách của bà chủ ban phát hồng ân. Khi đi làm về hay điều tra trẻ "hôm nay bà có làm tốt việc này việc nọ không."
Nhưng cũng có gia đình dạy trẻ rất tốt, xem bà bảo mẫu như người trong gia đình. Khi giúp trẻ bất cứ điều gì trẻ biết cám ơn và khi hỏi thì trẻ trả lời đều có tiếng "dạ thưa" ở đầu câu. Tôi rất phục nhiều gia đình qua Mỹ rất lâu nhưng vẫn giữ nét văn hóa VN trong cách giáo dục con cái.
Tôi cũng thường giảng giải các câu ca dao tục ngữ hay kể câu chuyện cổ tích và lịch sử VN để các cháu đừng quên cội nguồn dân tộc. Tôi yêu thích nghề này vì tôi thích nhìn nét mặt hồn nhiên của trẻ và nhìn thấy trẻ lớn khỏe trong vòng tay chăm sóc của chính mình. Tôi cũng cám ơn các cháu vì tạo cho tôi niềm vui trong cuộc sống...
Trương Bạch Yến

Ý kiến bạn đọc
11/07/201719:03:12
Khách
Tôi muốn đi học khoá giữ trẻ để có bằng hiện tôi đang ở Cali . Thanh phố Anaheim. Rất mong moi ngươfi chỉ giúp dùm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,396,218
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến