Hôm nay,  

Tháng Tư: Xe Phở Bắc Của Anh Bốn

29/04/201000:00:00(Xem: 281539)

Tháng Tư: Xe Phở Bắc Của Anh Bốn

Tác giả: Nguyễn Hữu Thời
Bài số 2863-28113-vb5042810

Tác giả là một huynh trưởng viết về nước Mỹ rất được quí trọng. Ông tham dự từ năm đầu và sau một giải thưởng, vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị, chỉ để hỗ trợ và cổ võ giải thưởng.  Trước năm 1975, ông là nhà giáo, quân nhân QLVNCH (khóa 18 Thủ Đức). Định cu tại Mỹ, sau nhiều năm làm việc cho Sypris Data System Los Angeles, ông chỉ mới hưu trí cuối 2009. Sau đây là bài viết thứ hai của ông, nhân kỷ niệm 35 năm Tháng Tư 1975.

*

Tháng Hai vừa qua, có dịp đến New York, tôi ghé qua thăm gia đình anh chị Bốn, thấy anh chị đang là chủ một tiệm phở, làm ăn phát đạt.
Trước 1975, anh Bốn vốn là ông đứng bán xe phở Bắc tại ngã tư Trần Khắc Chân + Trần Quang Khải, Tân định, Sài Gòn trước phòng mạch của bác sĩ Nghiêm Thị Hạnh.
Từ một xe phở ở lề đường Tân Định đến một tiệm phở tại New York, đúng là một chuyện đặc biệt.
Nhắc lại những kỷ niệm xưa hồi cùng ở xóm Chùa, đường Trần Quang Khải, gần rạp ci-nê Văn Hoa, Tân Định, Sài gòn, tôi có hỏi thăm việc bán phở Bắc của anh chị sau năm 75.  và anh chị có kể laị câu chuyện sau đây.
Xin viết lại, nhân dịp kỷ niệm 35 năm đổi đời.

*
Thường mỗi năm vào ngày Tết Nguyên Đán và rằm tháng Bảy, vợ chồng anh Bốn Điều đều đến lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu ở Gia định  để lễ bái, cầu phước cho cả nhà.
Năm nào cũng vậy, anh chị không bỏ sót lần nào, nhưng từ sau năm 1975, anh Bốn phải về Bà Rịa làm nghề đánh cá; nên chuyện đến viếng lăng Ông như trước kia không thường xuyên được. Anh không còn là ông đứng bán xe phở Bắc ở Tân Định nữa; vì cán bộ và công an Phường không bằng lòng cho anh đặt xe phở ở đó; viện cớ gây trở ngại lưu thông công cọng. Nghe cô Sáu Niên có xe bánh mì đặt gần đó thì thầm với Lung xe ôm, là anh chị Bốn không chịu đóng đủ số tiền hụi chết như đã qui định bất thành văn của đám công an và cán bộ Phường. Họ làm khó dễ và yêu cầu anh Bốn, nếu muốn yên thân, một là phải tuân  theo sự yêu cầu của họ, hai là dẹp xe phở đi hoặc dời xe đến vùng khác làm ăn.
Xe phở Bắc của anh chị Bốn có từ trước năm 1975, và cũng do thân phụ anh để lại.
Hồi 1954, lúc ông bà cụ mới di cư vào Nam tránh họa Cộng sản; liền xin phép chính quyền VNCH đặt xe phở tại đó cho tới bây giờ. Lúc ấy, anh chỉ là chú bé phụ cha bưng phở vào tận nhà cho khách, hoặc gõ lốc cốc rao hàng, hay làm các việc lặt vặt quanh quẫn bên xe phở giúp cha.
Tháng Sáu năm 1965, thân phụ anh về thăm bà con ở Cái Sắn; lúc trở lại Sài gòn, xe đò bị mìn Việt Cộng, cha anh tử nạn. Anh thay cha tiếp tục bán phở cho đến ngày nay. Sau biến cố tháng Tư năm 1975, mấy ông cầm quyền mới từ ngoài Bắc vào hay từ trong rừng ra đặt ra cái lệ, là phải đóng tiền tươi hàng tháng mới được đứng bán xe phở ở đây. Buôn bán cầm chừng, không đắt khách như trước năm 1975; nhưng anh chị Bốn không còn cách chọn lựa nào khác; nên đành phải chịu đóng hụi chết cho họ, mong giữ được mặt bằng đó để sinh sống lây lất qua ngày. Mới được ba tháng, giờ họ đòi tăng tiền hụi chết hàng tháng lên gấp đôi. Buôn bán ế ẩm, làm ăn ngày càng lụn bại, mọi người đều vất vả, khốn đốn, chạy gạo từng bữa, đâu có đồng dư, đồng để mà nghĩ đến chuyện ăn phở, ăn quà thường xuyên như trước 1975. Tuy vậy, anh chị có công việc làm, lấy công làm lời, có xe phở còn hơn không có nghề gì để làm hết. Bây giờ phải dẹp xe phở đi, anh chị không biết xoay xở ra sao, biết làm gì để sống đây, vợ chồng lo lắng ngày đêm, lấy đâu ra nuôi thằng Tổn và Mẹ già!
Thằng Tốn khi mới sinh ra đã mù một con mắt, và cánh tay trái có tật teo lại, không co duỗi bình  thường được. Con cái tật nguyền, mẹ già gần đất xa Trời, đau ốm liên miên, anh chị Bốn phải cắn răng bỏ nghề bán phở cha truyền, con nối là một biến cố lớn cho gia đình. Bao suy nghĩ, đắng cay, bàn qua, tính lại theo đuổi anh chị cả tháng trời. Cái đói, cái nghèo đang rình rập, lãng vãng nơi ngưỡng cửa nhà anh.  Tính lại, anh chị thấy tiền dành dụm, tiết kiệm trong nhà từ mấy lâu nay chỉ đủ nuôi gia đình chừng nửa tháng. Vợ ngồi nhìn chồng, chồng nhìn vợ, rồi cùng thở ra, không ai nói với ai lời nào, hai vợ chồng không hẹn cùng đưa mắt nhìn thằng Tổn, đứa con độc nhất, xong thở dài!
Tổn mới lên tám, có tật nhưng nó khôn lắm. Có tật là có tài. Tổn không nói ra nhưng nó hiểu hết những nỗi lo âu của cha mẹ, và trong đầu óc non nớt, nó đã bắt đầu nhen nhúm lên câu hỏi, do đâu cha mẹ mình không còn bán phở được nữa. Nó tới góc nhà, ngồi nơi bàn ăn, lấy cây bút chì và tập vở chăm chú vẽ cái cờ đỏ sao vàng mà cô giáo ra bài hôm qua bảo về nhà vẽ, hôm sau đem nạp. Nó chăm chú vẽ xong, sửa đi, sửa lại, không rõ nó đang suy nghĩ gì, bỗng xé bỏ, lấy chân đạp lên. Nét mặt tỏ ra bực tức, khó chịu.
Đã đúng ngọ rồi mà anh chị Bốn không ngó ngàng gì đến bữa cơm trưa. Thấy Tổn ngồi nơi góc phòng buồn thiêu, chị Bốn gọi lại bảo:
-Con cầm chút tiền nầy qua dì Năm mua xôi ăn đi.
Tổn lặng lẽ cầm tiền, dự tính nhân thể qua nhà thằng Sún chơi.
Tổn vừa ra khỏi nhà, Tư Vượng, anh bà con ông bác của chị Bốn Điếu ở Vũng Tàu lên thăm, đẩy cửa bước vào. Thấy hai vợ chồng Bốn Điều ngồi tư lự, nét mặt như đưa đám. Tư Vượng hỏi:
-Có chuyện gì xảy ra mà hai vợ chồng ngồi thừ người ra vậy"
Bốn Điều đem câu chuyện không còn được phép đặt xe phở ở ngã ba TKC+TQK nữa, và chưa tìm ra kế sách gì làm ăn đây! Tư Vượng nhanh nhẩu nói:
-Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó đâu có gì khó, không được bán phở nữa thì kiếm nghề khác làm ăn. Trời sinh voi sinh cỏ. Tôi có quen ông Thầy tướng số đại tài ở ngã ba ông Tạ đây. Tôi sẽ giới thiệu cô chú đến xem. Năm ngoái, tôi có giới thiệu con Ba bán cháo lòng ở Lăng Cha Cả đó. Nhan sắc nó thuộc loại " Chim Sa Cá Lặn",  nhưng chỉ cái tội "nghèo" thôi. Nhờ thầy T. xem tướng, cho nó cái bùa đeo vào người, và cho biết nó sẽ gặp phú quí, giàu sang nội trong năm nay thôi. Quả thật  chỉ ba tháng sau, nó trở thành vợ cán bộ, tiền bạc rủng rỉnh, lên xe, xuống ngựa, và không còn bán cháo lòng nữa. Bây giờ, nó trở thành bà "cò" quyền hành một cõi...
Chị Bốn nghe xong nét mặt tươi hẳn lên nhờ anh Tư dẫn hai vợ chồngđi xem thầy tướng. Đúng hẹn, cả nhà anh chị Bốn cùng anh Tư đến nhà ông thầy tướng ở ngã ba ông Tạ.
Mọi người an tọa, sau khi hỏi tên tuổi, nghề nghiệp, mục đích xin bùa, xem tướng, thầy tướng T. phán:


-Xin qúi vị bỏ tiền đặt quẻ cúng thổ thần.
Anh Bốn, anh Tư cùng nhìn qua cái bóp xách tay của chị Bốn. Chị Bốn hiểu ý, mở bóp, kéo "phẹc-ma-ture" nghe kêu cái rẹt, lấy tiền đặt lên cái dĩa, và đứng dậy, khom lưng, hai tay thận trọng bưng cái dĩa, kính cẩn đặt trước mặt Thầy. Hai con mắt thầy tướng T. lim dim như người ngồi thiền; tỏ ra không tâm gì đến cái dĩa tiền. Miệng ông lâm râm đọc những câu thần chu,ù  thỉnh thoảng ông rú lên một hơi dài; giống như tiếng hú cuả Tarzan trong phim kêu gọi các dã thú. Mọi người nín thở, chăm chú ngồi chờ. Một chốc, ông như hồi tĩnh, mắt ông mở tỏ ra, nhìn ngược trên trần nhà, rồi nhìn thẳng vào cửa buồng có treo những hình bát quái kỳ lạ; lấy tay phải quơ qua, quơ lại làm phép hướng về cánh cửa buồng; nhưng nếu ai tinh mắt, thấy ông liếc thật nhanh, xéo qua dĩa đặt tiền. Ông chậm rãi nói:
- Thần có dạy rằng "Cái số hai vợ chồng còn long đong lắm! Phải ít lắm là hai năm nữa mới có thể qua  "cơn bỉ cực đến hồi thái lai". Tai ương còn đến dài dài; nhưng may mắn gặp được  "hỷ thần, thiên phúc qúy nhân, lưu niên văn tĩnh, thiên la phục binh, lưu hà, kiếp sát, tử phù, địa võng, tiền hung, hậu kiết".
  Ngừng một chút để lấy sức. Ông Thầy nói tiếp:
-Theo quẻ Thần dạy thì cô Bốn   không bán phở được nữa thì bán đậu phụng rang. Lang thang từ phố nọ đến phố kia, chỗ nào có dân nhậu lộ thiên ngòai lề đường như dọc kinh Nhiêu Lộc hay ngã sáu, ngã bảy, bến tàu vào lúc ban đêm thì kiếm ngày hai bữa cũng không khó đâu. Còn chú Điều thì chạy xe ôm, không tiền mua xe thì mướn xe. Sau này, cô chú sẽ nhờ phước thằng con mà khá.”
Ông vừa nói xong, đứng dậy, chậm chạp làm phép, rồi trao chi Bốn cái bùa hình tròn cỡ bằng mặt kiếng đeo mắt người lớn, dày chừng một phân, trông như một cái gối thu nhỏ lại, màu đỏ, không rõ để gì ở trong. Nếu lấy ngón tay trỏ và ngón cái bóp nhè nhẹ, ta cảm thấy như là những miếng giấy cứng được xếp vào nhau, và may lại. Ông Thầy đưa bùa cho chị Bốn và bảo về nhà lấy dây buộc chặt vào nơi rốn, khi nào tắm gội hay đi vệ sinh cá nhân thì hãy mỡ ra, và để vào những nơi trang trọng nhất trong nhà.  Xong buộc lại như cũ. Ngày đêm phải mang bùa vào người. Muốn cho bùa được linh ứng  thì phải giữ bùa và thân mình cho được tinh khiết, sạch sẽ.
Không hiểu có vi phạm gì không, mà chỉ vài tháng sau anh chạy xe ôm bị cướp giả dạng khách dựt xe. Chị Bốn bán đậu phụng rang về khuya thì bị du đãng chận lột hết tiền, và chúng còn tính làm hỗn với chị nữa. May mà có người đi đường cứu kịp. Vậy là cái bùa thì không linh, nhưng lời ông thầy nói anh chị sẽ nhờ phước thằng con mà khá thì lại đúng quá đúng.
Sau tai họa đó, anh chị phải bán nhà đền cho chủ chiếc xe mướn bị dựt, và dọn đi về Bà rịa, quê Ngọai chị Bốn, phụ bà con theo nghề đánh cá.
Chỗ anh chị ở thường mỗi đêm tối trời có những người lạ mặt, lớn có, trẻ có, đàn ông, đàn bà âm thầm, lặng lẽ, lầm lũi đi trong đêm tối hướng ra biển. Anh chị Bốn thấy hiện tượng lạ nên bí mật để tâm theo dỏi, sau mới biết là những người trên Sài gòn xuống tá túc quanh quẫn trong xóm, chờ đêm tối ra ghe vượt biên. Anh chị ao ước có tiền đóng cho chủ tàu để cùng nhập bọn với họ đi tìm tự do. Vợ chồng anh Bốn mới theo phụ ghe đánh cá được hai năm, lương tiền chỉ đủ ăn và trả tiền thuê nhà; tiền đóng học phí cho cu Tốn; nên chuyện đóng tiền vượt biên chỉ là một giấc mơ. Nhưng ở đời, ông Trời không phụ kẻ khù khờ và thật thà. Cu Tổn từ lâu thường thấy cha mẹ thì thầm, bàn đi tính lại, mơ ước được vượt biên nhưng chỉ tội không tiền, nó liền đưa ra kế sách:
-Như Bố Mẹ đã biết, hằng đêm có những toán người lạ  lặng lẽ đi ngang sau nhà mình. Con thấy có nhiều đứa trẻ bằng trang lứa với con cũng trong đám người ấy. Bố Mẹ cho phép con "canh me" trà trộn âm thầm theo họ. Đến khi xuống ghe con cũng theo xuống ghe ra ghe lớn.  Con sẽ tìm cách trốn ở nơi nào đó trên ghe lớn. Nếu họ phác giác, họ thấy con tật nguyền chắc không nỡ đuổi con về đâu. Hơn nữa, lúc đó ghe nhỏ đã trở lại bờ rồi.
Đúng như kế sách cu Tổn, em đi đến trại tỵ nạn Mã lai không tốn đồng nào. Ở trại tỵ nạn, Tổn thuộc diện vị thành niên, vượt biên không thân nhân, lại tật nguyền nên được phái đoàn Mỹ lưu ý. Chỉ hơn hai tháng, Tổn được hai vợ chồng ông luật sư Mỹ ở tiểu bang Montana bão lãnh. Em được cho đi học theo chương trình trẻ em khuyết tật, có xe đưa rước mỗi ngày. Đúng 5 năm sau, em nạp đơn thi vào quốc tịch Mỹ.
Theo sự chỉ dẫn của ông bà bảo trợ, Tổn làm đơn bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ theo chương trình ra đi có trật tự gọi tắt là ODP. (Orderly Departure Program). Gần 8 năm sau (1988), anh chị Bốn Điều mới qua được Mỹ đoàn tụ với con. Lúc nầy, cu Tổn đã là một thanh niên, tuy tật nguyền nhưng cường tráng, mạnh khoẻ, và đang làm việc cho công ty Jonny s Designer ở New York, chuyên vẽ biển quảng cáo cho những cơ sở thương mại, tư nhân, nhà hàng v...v...
Nhờ quen biết nhiều, và em thường họat động thiện nguyện trong cộng đồng Việt nam tỵ nạn ở đây, em dễ dàng xin cho cha mẹ vào làm trong tiệm phở X.  Anh Bốn phụ bếp cho ông " chief cook" nấu phở, chị Bốn bưng phở cho khách. Năm 1994, anh bếp chính nghỉ hưu giao hẳn việc nấu phở cho anh Bốn. Năm 1999, hai vợ chồng ông chủ tiệm sang lại tiệm phở cho vợ chồng anh Bốn, và dọn về Honolulu an dưỡng tuổi già. Giờ đây, chị Bốn thành bà chủ tiệm đứng thu tiền bán phở. Công việc làm ăn của anh chị trên đà phát triển.
Hôm thăm gia đình anh chị Bốn, nhắc lại những kỷ niệm xưa hồi cùng ở xóm Chùa, đường Trần Quang Khải, gần Tân Định, Sài gòn, cùng ôn lại những kỷ niệm thời quốc gia trưóc năm 1975, và đủ chuyện đổi đời từ đó tới nay mà bồi hồi cảm động.                                                                                                             
Nguyễn Hữu Thời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,715,136
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến