Hôm nay,  

Cô Bạn Chưa Kịp Thân

18/04/201000:00:00(Xem: 376390)

Cô Bạn Chưa Kịp Thân

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2868-28118-vb8041810

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn cho tuổi học trò trên bán nguyệt san Tuổi Hoa và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoa (hiện vẫn tiếp tục phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoa.hatnang.com.) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên  làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại Mỹ từ năm 2003. Cam Li đến với giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" và đã góp nhiều bài giá trị. Sau đây là bài viết mới nhất.

***
1.
Một ngày mùa xuân tại San Jose, California.
Tôi gặp lại Bác sĩ Ohara. Chính ông là người nhận ra tôi trước.
- Tôi nhớ là đã gặp chị tại Việt Nam, có đúng không"
- Thưa ông, ông có một trí nhớ thật tuyệt vời. Hôm ấy tôi chỉ nói chuyện với ông có mấy câu, không có gì đặc biệt, vậy mà ông vẫn nhớ.
- Có chứ, rất đặc biệt. Đối với tôi, những ai, những gì có liên quan đến người đồng nghiệp khả ái của tôi, bác sĩ Minh, tôi đều nhớ và trân trọng. Cho dù là những người bạn không thân của bác sĩ Minh…
- Vâng, thưa ông, tôi quen biết Minh quá ngắn ngủi. Chúng tôi chưa kịp thân…
- Nhưng nếu giờ đây chị vẫn còn nhớ đến cô ấy thì chị đã là bạn thân của cô ấy. Tôi cũng đã tự coi mình là người bạn râ´t thân của cô ấy, dù chúng tôi rất ít dịp gặp nhau, chỉ liên lạc qua internet để làm việc. Bây giờ thì chương trình nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Dengue của chúng tôi vẫn tiếp tục rất tốt. Vâng, tôi vẫn nói đó´ là “chương trình hợp tác của chúng tôi”. Nó  vâ~n tiê´p tục. Nếu chị quan tâm, hôm nào xin mời chị đến thăm viện của chúng tôi.

2.
Trường Gia Long…một ngày Chủ nhật, năm 2000
(Thật sự thì ngôi trường đã đổi tên khác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975)
Tôi ngồi cạnh một người mẹ, tuổi khoảng bằng tuổi tôi. Chị có mái tóc cắt ngắn như tóc búp bê, rất dễ thương. Thường thì cha mẹ của học sinh khi đi họp được mời ngồi tại chỗ ngồi của con mình. Do đó mọi người có thói quen gọi nhau bằng tên của em học sinh ấy.
Tôi cũng theo lệ này, nhìn tên học sinh được viết trên bàn, gọi chị bằng tên Minh. Chị gọi tôi tên Mị. Đơn giản như vậy. Thế là chúng tôi quen nhau.
Học sinh ngày xưa, đi học trường công, có nghĩa là đã qua vòng thi tuyển, có nghĩa là học sinh giỏi. Ngày nay cũng thế thôi, sự tuyển lựa có phần khó hơn nữa. Chúng tôi hầu như không thắc mắc gì, chỉ chào hỏi xã giao, nói về những hoạt động sắp tới của Hội Phụ huynh học sinh để mình có thể tham gia, rồi… ai về nhà nấy, đi làm kiếm cơm.
Người phụ nữ mà tôi ngồi bên cạnh suốt những kỳ họp phụ huynh học sinh, ngoài mái tóc “bom bê” còn có một gương mặt thật ngây thơ và vui tươi. Nhưng hôm nay thì thật sự tôi muốn hỏi thăm chị không bằng những lời xã giao thông thường. Bởi vì hôm nay thì trên gương mặt ấy, nét hồn nhiên đã biến mất. Chị cố tránh nhìn tôi, đôi mắt như có khói che ngang. Tôi ngập ngừng, không biết bắt chuyện như thế nào. Tôi trách mình thật dở. Hình như trong tôi chỉ có những công thức toán học, những bài nghiên cứu thế giới cỏ cây, các loài động vật, và một thế giới vi sinh. Hầu như tôi chưa hề biết làm một bài thơ, chưa viết được một mẩu truyện ngắn.
Thế nhưng, cuối cùng tôi cũng đã mở lời được. Ai dù vụng về đến đâu, cũng có những lúc xuất sắc như vậy chăng" Đó là lúc Minh đứng dậy, ngay khi cô giáo cám ơn và chấm dứt buổi họp. Minh đi như chạy. Tôi đi nhanh sau Minh, gọi vói theo như sợ mình không có dịp để nói:
- Chị Minh này, cho mình hỏi thăm một chút.
Minh hơi khựng lại, nhíu mày nhìn tôi:
- Có chuyện gì … vậy chị"
- Hôm nay… có chuyện gì mà… chị Minh không được vui" Mình có thể biết được không"
- À.., không, không….
Minh vừa nói vừa đi nhanh ra cửa lớp. Tôi cảm thấy mình vô duyên và thừa thãi hết sức.
Ra đến hành lang, bỗng Minh đứng lại chờ tôi. Rồi Minh tựa vào thanh lan can như người không còn đủ sức lực để đi. Đôi mắt Minh đỏ dần lên, rồi bỗng như bật tung ra từ hai khóe mắt, những giọt nước mắt lăn dài xuống má.
Trước mắt tôi, Minh không giống như một bà mẹ cứng rắn, mà là một cô bạn nhỏ của thời học sinh. Thời học sinh của tôi… Ở đó, tôi đã bao nhiêu lần an ủi những người bạn nhỏ của mình. Nào là nhỏ Tịnh Tâm lớn hơn tôi hai tuổi mà yếu đuối hơn tôi rất nhiều, hay quên bài vì thuở nhỏ Tịnh Tâm bị xe đụng vào đầu làm kém trí nhớ; mỗi lần Tịnh Tâm làm bài bị điểm thấp, khóc sụt sịt thì tôi lại là đứa an ủi bạn. Tôi hầu như chưa được hưởng thỏa thuê niềm vui được điểm cao là gì, bởi những lúc tôi được điểm cao thì bên cạnh tôi, nhỏ Tịnh Tâm lại đang khóc... Nào là nhỏ Thanh Hương không chịu đổi bàn vì không muốn xa tôi, nó cũng khóc tỉ tê làm tôi phải xin thầy đừng cho nó đổi chỗ, làm thầy cười mấy con nhỏ học trò nhiều chuyện. Nào là nhỏ Xuân Dung hay khóc vô cớ, tôi cứ phải cho nó mượn khăn tay lau nước mắt, để rồi sau đó nó lại cười khanh khách, thật là ngây thơ “vô…số tội”.
Ồ, tôi phải làm sao đây với một cô bạn nhỏ… mà đã lớn, như thế này"
Những người đi họp đã về gần hết. Hành lang vắng vẻ. Chúng tôi đứng bên nhau. Minh lắc đầu, thở ra nhè nhẹ. Chừng như cảm xúc đã lắng xuống. Minh trở lại sự bình tĩnh. Bằng giọng hơi nghèn nghẹn, Minh nói:
- Chị có muốn nghe chuyện buồn của mình không"
Tôi gật đầu:
- Nếu chị Minh không ngại, xem mình như người bạn được không"
- Thì… Minh đã xem chị như bạn rồi. Chị đã hỏi han Minh, tức đã là bạn.
- Vậy thì không có gì phải rào đón nữa nhé!
(Ô, làm một người bạn, đơn giản chỉ thế! Từ khi tôi xa những đứa bạn nhỏ của tôi, tôi đã không còn dịp nào có thêm bạn!!! Những đứa bạn cũ của tôi ư" Đứa thì đi theo gia đình đến một đất nước xa xôi. Đứa nghe đâu đã chết khi gặp nạn trên đường vượt biên. Đứa còn ở lại như tôi cố gắng học hành leo đến hết bậc đại học, rồi ra trường, theo “lệnh phân công” làm cái công việc “đâu cần thì thanh niên có, đâu khó thì có thanh niên”; có nhiều bạn đi đến những miền xa thăm thẳm của đất nước, để một ngày kịp thấy mình đang lót đường cho người khác bước lên. Đứa thì khôn ngoan và “thức thời” hơn, tìm con đường thăng tiến bằng cách vào Đảng để vinh thân phì gia… Tôi từ lâu rồi chỉ còn có những người “sếp” lạnh lùng, những người đồng nghiệp hời hợt, chỉ có xã giao mà không hề có tình cảm thắm thiết như hồi đi học).
Đến lượt đôi mắt tôi đỏ lên. Nhưng tôi kềm chế được. Ai mà lại để cho người mình đang muốn an ủi thấy mình khóc nhè"
- Mị ơi, Minh không bao giờ muốn để những chuyện riêng tư của mình làm bận tâm người khác. Nhưng mà… chuyện xảy ra… mới đây thôi, làm Minh không thể nào chịu đựng nổi.
- Hãy nói cho mình nghe đi, sẽ thấy vơi bớt nỗi buồn.
- Thì… Minh đang tập đối diện với nó đây Mị à, dù thật phũ phàng. Nhưng chỉ thương con của mình, cháu đang hưởng hạnh phúc gia đình, cha mẹ êm ấm… mà lại…
Đến đó thì tôi đã đoán được hai phần ba câu chuyện. Tôi hỏi nhỏ:
- Có phải là có chuyện không vui giữa anh chị không"
- Đúng vậy. Ngày hôm qua, chúng mình… đã có giấy mời ra tòa để ly dị.
Tôi nghe giọng của chính tôi khàn đục một cách kỳ lạ:
- Vì sao"
- Lỗi là ở mình.
- Không sửa chữa được sao" Có thể cứu vãn được không"
Minh cười chua chát, hơi nhún đôi vai, nói:
- Chắc là không thể. Nhưng… mình đã chấp nhận.
Và không để cho tôi kịp nói gì thêm, Minh đi nhanh về phía cầu thang, nói:
- Minh cám ơn Mị đã quan tâm. Minh phải về ăn cơm với con. Minh không muốn nó đợi lâu, nó sẽ giận.
Đến ngay đầu cầu thang, Minh ngoái lại nói thêm:
- À, gặp Mị lâu nay mà chưa bao giờ hỏi, Mị trước đây học trường nào"
- Mị là học sinh của trường này.
- A, vậy là đã từng gặp nhau mà không nhớ. Minh cũng là cựu học sinh Gia Long đây. Minh học ban A, lớp 12 A4
- Mị cũng ban A. Lớp 12 A2
- Sẽ gặp lại nhé! Tạm biệt Mị.
- Ừ, tạm biệt Minh….
Tôi đứng ngơ ngác, thấy mình như lạc lõng sau khi người bạn đã đi. Tôi lại có một người bạn ư"

3.
Một tháng sau, cũng ngày chủ nhật, họp phụ huynh học sinh.
Tôi bâng khuâng ngồi ở chỗ có tên của con mình, nhìn trước ngó sau đảo mắt tìm Minh. Cô giáo phụ trách lớp đã bước lên bục, chuẩn bị nói lời chào mừng phụ huynh. Minh chưa bao giờ đi họp trễ. Lòng tôi bồn chồn. Cảm giác giống như hồi đi học, hẹn bạn thân cùng làm một việc gì đó mà bị bạn thất hứa.
Một bé gái bước đến gần tôi. Em bé trạc tuổi con gái tôi. Em nói:
- Cháu chào cô ạ! Cháu là Minh.
Đoán được ngay em là con của người bạn chưa kịp thân, tôi chào:
- Cô chào cháu. Mẹ cháu không đi họp à"
- Dạ không. Mẹ cháu bệnh, không đi họp được.
- Mẹ bệnh thế nào" Có nặng không cháu"
- Dạ… mẹ cháu… ngày nào cũng bệnh ạ!..
Bé Minh ngập ngừng. Trên kia cô giáo bắt đầu nói. Bé Minh xin phép tôi ra ngoài. Em nhập cùng với các bạn đang làm công việc giữ trật tự nơi hành lang.
Khi buổi họp chấm dứt, tôi tìm bé Minh nhưng không thấy.

4
Mười ngày sau, trong hội trường lớn của Viện Nghiên cứu vi sinh Z., thành phố Sài Gòn.


Sau những bài nói chuyện của một số chuyên gia y tế ngoại quốc, một bác sĩ Việt Nam được mời lên để trình bày đề tài về “Sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam”. Một phụ nữ trẻ dễ thương với mái tóc búp bê và hồn hậu trong tà áo dài trắng đang đứng trước máy vi âm. Chính là Minh! Và người ấy cũng tên Minh. Minh giới thiệu về một đề tài hợp tác rất lớn được tài trợ bởi Tổ chức Y tế Thế Giới, mà Minh là một thành viên. Tôi như choáng ngợp trong một niềm vui khó tả. Cô bạn chưa kịp thân của tôi đây rồi! Cô vẫn khỏe mạnh và linh hoạt. Vậy mà tôi đã thật giàu tưởng tượng, ngỡ rằng Minh đang héo sầu trong nỗi buồn và bệnh tật. Tôi vui lắm. Nhìn quanh, tôi muốn chia sẻ niềm vui với một ai đó. Nhưng tôi hơi thất vọng, chùn lại. Xung quanh tôi, những gương mặt ra vẻ nghiêm trang, không, nghiêm trọng thì đúng hơn. À! Tôi đã nhớ ra, họ đang là những nhà khoa học """!!!
Trong giờ nghỉ giữa phiên họp tôi có ý tìm Minh nhưng không gặp. Tôi hỏi thăm người bạn trong ban tổ chức, được biết Minh đã lên xe để đi công tác ngay sau khi trình bày bài nói chuyện.

5.
Ba ngày sau.
Tôi nhận được giấy mời đi họp.
Tôi, ngoài những lúc phải họp hành, mà tôi vốn rất lười họp hành, vẫn vùi đầu trong bốn bức tường của phòng thí nghiệm hoặc đi về miền quê để làm những chương trình y tế. May mắn cho tôi, dù không có bạn thân nhưng còn có công việc để tìm vui. Trong cái xã hội hỗn độn những người khôn kẻ dại, cũng còn có một chỗ náu thân. Hình như cho dù ở bất cứ xứ sở nào, ở dưới chính thể nào, những người làm việc cho khoa học cũng tìm thấy niềm vui và sự hãnh diện. Những lúc phải “đi họp” tôi thường bỏ ngoài tai những câu khẩu hiệu sáo rỗng, những lời tâng bốc nhau thơm ngát mà vô vị, chỉ để ý những gì thật sự vì nhân sinh, vì cộng đồng. Hôm nay trong buổi họp tôi được nghe giới thiệu tên một chuyên gia người Nhật, bác sĩ Ohara, đang phụ trách chương trình nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Dengue do Tổ chức Y tế Thế Giới tài trợ. Những từ ngữ đập vào tai thật hấp dẫn. Không phải cái tên Ohara, mà là cái tên của chương trình. Sau buổi họp tôi cố gắng tìm gặp bác sĩ Ohara. Tôi chào hỏi cho đúng phép xã giao rồi hỏi ngay về Minh, một nữ bác sĩ Việt Nam cùng làm việc trong chương trình của ông. Nhưng tôi chỉ được một lời xác nhận của ông là ông có cộng tác với một nữ bác sĩ Việt Nam, và ông từ chối xin không nói gì thêm về Minh, với lý do là được Minh yêu cầu như thế.
Tôi cám ơn ông, và lặng lẽ với nỗi thắc mắc… Minh, bạn là ai" Tôi vẫn chỉ biết về Minh mô"t đôi điều quá ít. Chúng mình vẫn là đôi bạn chưa kịp thân.

6.
Buổi họp phụ huynh tại trường Gia Long.
Chỗ ngồi cạnh tôi trống trải. Minh không đi họp. Tôi hỏi thăm cũng không thấy bé Minh đến trường để sinh hoạt. Tôi quyết định gặp cô giáo phụ trách lớp, dù biết rằng hỏi thăm về cá nhân người khác là điều không nên.
Cô giáo phụ trách lớp nói ngay với tôi:
- Đây là trường hợp đặc biệt nên tôi không ngại nói với chị, vì tôi biết em Minh và em Mị cũng khá thân nhau. Chỉ có điều là em Minh không tâm sự với một bạn nào về gia đình của em. Tôi biết rõ như vậy vì chính em Minh đã xin tôi giữ kín cho. Tôi chỉ có thể cho chị số điện thoại của nhà em Minh để chị gọi đến hỏi thăm. Xin chị thông cảm.
Có số điện thoại của Minh trong tay, tôi gọi ngay. Tôi đã nghe được đúng giọng nói của Minh ở đầu dây bên kia.
- Mị hả"
- Mị đây. Minh có khỏe không" Sao mình không thấy Minh đi họp phụ huynh, cũng không gặp bé Minh nữa"
- Minh…vẫn khỏe mà.
- Không, Mị nghe giọng của Minh hơi khác. Minh có chuyện gì chăng"
- Không!.. không có chuyện gì.
- Minh không coi mình là bạn ư"
- Minh... có chứ. Mị à, chắc ý ông trời muốn tụi mình là bạn đó, cho nên Mị đã có số điện thoại của Minh.
- Vậy thì Minh hãy nói cho Mị biết nhà để đến thăm Minh.
- Có… có nên không"
- Sao lại không"
- …..
- Minh"""
- Vậy thì… Mị hãy đến ngay đi!!!

7.
Tại nhà của Minh.
Mẹ của Minh, một phụ nữ trạc khoảng bảy mươi tuổi, tiếp tôi. Dù đã nở một nụ cười lịch sự, kiểu cười rất thường gặp ở các phụ nữ có học, nhưng bà không giấu được nét buồn trên đôi mắt. Bà mời tôi đi vào căn phòng giữa. Cách bài trí của căn phòng làm tôi đoán đây có thể là phòng làm việc của nhà Minh, có bàn giấy, có máy computer, có điện thoại. Trên tường, treo vài bức tranh về các thắng cảnh danh tiếng trên thế giới. Rải rác đơn sơ trên giá sách, vài sản phẩm mỹ nghệ của Nhật Bản, Trung Hoa, Pháp, Mỹ… Tôi cảm thấy lòng lâng lâng. Cô bạn Minh của tôi, mà tôi đã được biết thêm vài chi tiết, là một nhà khoa học! Hẳn đây là những món quà lưu niệm mà Minh đánh dấu cho những nơi Minh đã đến làm việc trên bước đường sự nghiệp của mình.
- Mị đã đến"
Giọng nói quen thuộc cất lên sau lưng tôi làm tôi quay lại. Một người đứng trước mặt tôi. Là Minh... Minh đó ! Tôi nghe giọng mình như lạc đi:
- Minh" Minh hả"
- Thì là Minh đây… Mị khỏe chứ"
Tôi hành động như trong vô thức, ngồi xuống một chiếc ghế, đúng ra là tôi đã để cho thân mình rơi tự do xuống một chiếc ghế, trong khi đôi mắt tôi vẫn nhìn như dán cư´ng vào khuôn mặt, mái tóc và thân hình của người phụ nữ đang đứng trước mặt mình.
Minh mỉm cười, nụ cười giống như của một nữ tu, giọng rất nhỏ và trầm:
- Minh hỏi Mị có khỏe không.
- Mị … khỏe, Minh ạ. Minh ngồi xuống với Mị đi.
Minh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tôi. Tôi thấy bà mẹ của Minh thoáng qua bên cửa. Bà đang đưa bàn tay lên mắt để lau lệ.
Minh nắm tay tôi. Tôi giật mình khi cảm nhận bàn tay Minh rất lạnh, như thể bàn tay ấy được làm bằng đá. Bây giờ thì Minh trở lại giọng nói thanh, cao và vui vẻ như những lần cùng trò chuyện với tôi trong các buổi họp phụ huynh ở trường Gia Long.
- Mình nói chuyện đi Mị.
- Ừ, chúng mình hãy nói chuyện.
- Mị nói sao nghe khách sáo vậy" Minh bật cười chế giễu tôi. Bây giờ Mị muốn nghe cái gì, muốn biết điều gì thì cứ tự nhiên mà hỏi nhé. Minh đã mời Mị đến nhà thì không có gì phải giấu giếm Mị cả.
Tôi làm rơi một giọt nước mắt lên tay…
- Việc gì mà Mị phải mủi lòng như thế này" Hãy nhìn Minh đi. Đầu không có tóc hả" Minh đã có mái tóc giả để đội đi ra đường. Mái tóc búp bê mà Mị vẫn thấy đó. Chỉ có cái này là lạ với Mị thôi nè. Bụng đã lớn lắm rồi, hén ! Mắt đã trũng xuống nhiều rồi. Không giấu được nữa Mị ơi. Hết cách rồi. Đã di căn khắp nơi… Nhưng Minh vẫn chữa trị đó chứ! Không bỏ một ngày nào đâu! Không tiếp tay với số phận đâu. Ông Ohara có vận động các tổ chức và đồng nghiệp của ông khắp nơi để giúp cho Minh trang trải thuốc men. Nhưng tiền ấy đâu có dùng hết. Minh đã xin gửi lại cho một quỹ từ thiện giúp các trẻ mồ côi. Rồi đây con gái của Minh cũng sẽ chịu cảnh mồ côi.
Tôi lại làm rơi nữa, một giọt lệ. Giọng Minh vẫn đều đều:
- Nó đã sớm mồ côi cha, rồi sẽ mất mẹ nữa. Mị ngạc nhiên ư" Cha của nó đã tự động bỏ nó ngay khi biết Minh bị bệnh. Ngày mà mình tỉnh lại sau khi giải phẫu trong bệnh viện là lúc anh ấy vào tận giường bệnh đưa cho mình đơn ly dị… bảo mình ký.
Minh cười đau khổ:
- Thật ra là đâu phải đợi đến lúc mình bệnh. Anh ấy đã có ý phản bội mình lâu rồi, nay chuyện mình bệnh và phải giải phẫu chỉ là cái cớ. Mị biết không, ngay lúc đó mình đã muốn chết, mình không chấp nhận, không chịu đựng nổi. Nhưng cho đến nay, đã hơn một năm qua, mình không còn cảm xúc nữa. Tất cả đều như được tạo hóa sắp đặt hết rồi. Chúng mình đã ra tòa. Ngay cả căn nhà này này, cũng sẽ không còn là của mình, vì mình chưa hề được đứng tên cùng với anh ấy. Mị có ngạc nhiên không" Vì đây là căn nhà của cha mẹ anh ấy, họ đem tiền từ ngoài Bắc vào mua. Sau khi mình không còn nữa thì mẹ mình sẽ đem bé Minh về ở với bà chứ không ở đây. Mọi thứ sẽ trả về cho anh ấy. Anh ấy sẽ tài trợ tiền nuôi con, nhưng chắc không được bao nhiêu lâu vì bé Minh cũng không còn nhỏ nữa. Mị ơi, mẹ mình rất đau khổ vì số phận của mình. Bà bảo rằng bà những tưởng con sẽ được hạnh phúc để bù lại cuộc đời bà đã quá buồn. Mẹ mình sống trong cảnh không khác gì người góa bụa từ khi ba mình đi tập kết ra Bắc và bặt tin luôn. Bà nuôi mấy anh em mình khôn lớn, ăn học thành tài nhờ đôi tay của bà. Sau năm 75, ba mình xuất hiện, sum họp với gia đình dù ông cũng đã có vợ con ngoài Bắc. Ông là một cán bộ, quen biết nhiều, và ông đã giới thiệu mình với con trai của một đồng nghiệp. Chúng mình cũng thương nhau như bao nhiêu đôi lứa khác và đã cưới nhau sau khi mình tốt nghiệp Y khoa. Thời gian trước, mình thật sự có hạnh phúc. Mình đã thăng tiến trong sự nghiệp, làm việc với nhiều tổ chức quốc tế. Con của mình cũng rất giỏi, rất ngoan. Bé Minh đó. Không ngờ… cuộc đời trớ trêu, mình bị ung thư. Anh ấy không chấp nhận sự thật này. Anh ấy bắt đầu có quan hệ bên ngoài. Và như Mị biết đó, đã đến lúc. Vâng, đã đến lúc!
Bây giờ thì nước mắt đã rơi lã chã trên tay tôi. Tôi bỗng đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ, như để tìm xem có cành cây nào không, và trên cành cây đó có chiếc lá nào không, một chiếc lá như trong truyện ngắn của O. Henry, chiếc lá cuối cùng, chiếc lá của hy vọng.
Bên ngoài khung cửa sổ, chỉ là một khoảng trống: một nền trời màu xanh.

8.
Vẫn một ngày mùa xuân tại San Jose và nền trời vẫn xanh. 
“Nếu chị quan tâm, mời chị đến thăm...” Tôi nhớ lời Bác sĩ Ohara. Vâng, hôm nay, tôi sẽ đến thăm Viện Nghiên Cứu của ông, sẽ nghe thêm về chương trình nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết Dengue mà ông gọi là “chương trình hợp tác của chúng tôi”, dù Minh không còn nữa.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến