Hôm nay,  

Du Học Sinh Và Nghề Nail

11/04/201000:00:00(Xem: 284450)

Du Học Sinh Và Nghề Nail

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Một bài viết về nước Mỹ cũ

Tác giả dự  Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu,  sau giải Việt Bút 2008, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình" từ 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ"  nhưng vẫn tiếp tục góp bài viết cho giải thưởng. Bài viết sau đây là bài mở đầu cho loạt bài về đề tài “du học sinh Việt Nam tại M ỹ, đã đăng trên báo giấy Việt Báo Dailly News, nhưng vì sơ sót chưa phổ biến trên online, nay xin bổ túc.

*

Ở Việt Nam nghề nail là một nghề đạm bạc. Ngoài những thợ nail trong tiệm tóc  và trong những tiệm nail mới có gần đây, thợ nail ở Việt Nam thường là những cô gái nhỏ thó, với một thau nhựa, với kèm, giũa và mấy múi chanh để sát trùng. Đó là tất cả đồ nghề. Công việc của cô thường như sau: Cô ngồi trên một cái ghế thấp, bảo khách nhúng tay vào thau nước ngâm cho mềm móng, bảo khách gác bàn chân lên đầu gối cô để cô xoa bóp bàn chân trong khi đợi làm móng tay. Móng tay rồi đến móng chân. Xong việc, khách hàng hỏi: “Bao nhiêu"”. “Dạ tám ngàn”. Tám ngàn nghĩa là chỉ chừng hơn 40 cent, chưa mua được một tô bún thịt bán ở vỉa hè. Khách hàng nhìn chăm chú móng tay, móng chân của mình, gật đầu ra vẻ hài lòng, đưa cho cô thợ nail 10,000 và lấy hai ngàn tiền thối. Không tiền típ, không tiền boa gì cả.
Khoảng cách giữa “giai cấp” thợ nail ở Việt Nam và “giai cấp” thợ nail ở Mỹ rất xa cách.  Một số du học sinh biết rõ việc này nên đã chuẩn bị học nail trước khi qua Mỹ.  Các em mua dụng cụ làm nail về tự học. Để chắc ăn có em còn đến học tại các “Trung Tâm Dạy Nail Dành Cho Người  Xuất Cảnh”. Ở Việt Nam các bảng hiệu như vậy không thiếu. Nghe nói có nơi còn cấp chứng chỉ.  Họ nói khi qua Mỹ thi nail chính thức, thí sinh nên kèm chứng chỉ này vào hồ sơ để được thêm điểm (").
Năm 1998 tôi thuê nhà cho một số du học sinh ở đường Wilshire, gần đường Vermont, thành phố Los Angeles. Nơi đây gần trường học, gần trường thẩm mỹ Los Angeles Beauty College và gần trung tâm thi nail của tiểu bang. Một số du học sinh ở đây yêu cầu tôi chỉ cho họ ghi danh học nail. Tôi nói:
-Thi đậu cũng đâu được phép làm việc.  Học để làm gì.
-Để …phòng thân, chú ơi! Một em cười nói.
Tôi không còn nhớ các em đã nộp đơn thi và đã đậu phần lý thuyết lúc nào.  Tôi chỉ còn nhớ như in cái lần hai em du học sinh nữ tên Quỳnh và Hạnh, cùng với một em du học sinh nam tên Dũng chuẩn bị thi phần thực hành. Thi thực hành phải có người mẫu (model). Người mẫu này không cần có vóc dáng thu hút. Ngực lép, mông xẹp, chân ngắn… cũng được. Tuổi được giới hạn một cách rất thong thả, từ 15 cho đến 70, 80, 90. hoặc hơn nữa.  Nói ngắn gọn, ai còn sức đến chỗ thi là làm người mẫu được.
Thường các em nhờ các em khác làm người mẫu.  Có khi các em phải thuê model, hồi ấy tốn chừng 70 đô.  Hạnh đã thuê model nhưng không hiểu sao người ấy không đến, tôi phải thay thế. Quỳnh thuê bà Bê làm model. Model của Dũng là cô bạn gái mới quen tên Như.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết như chỉ dẫn cách điền giấy tờ, nghe nói về kỷ luật trong phòng thi…, chúng tôi ngồi đợi. Lát sau một viên chức lấy tay “ngắt” hàng người đang ngồi, rồi chỉ phần bị “ngắt” bên mặt, bảo đứng dậy đi vào phòng thi.  Họ làm như vậy để có “random”, để không thí sinh nào có thể chọn phòng thi có giám khảo quen. Sáu người chúng tôi ngồi gần nhau và ở phần bị “ngắt” bên trái nên được gọi sau cùng, vào phòng thi phía trong cùng. Tôi vừa đến cửa thì thấy một bà giám khảo còn trẻ, người Việt đang đứng phía trong. Sau này tôi được biết bà này là  em của chị Trương Ngọc Bảo Xuân, một giám khảo thi nail ở đây và cũng là một trong những giám khảo Thi Viết Về Nước Mỹ.
Tôi nói khẻ với Hạnh:
-Hên quá, giám khảo Việt Nam.
Hạnh thì thầm:
-Thôi chú ơi, con nghe nói mấy bà giám khảo Việt Nam còn “chằn ăn” gấp mấy lần giám khảo Mỹ. Phải chi mình ngồi hàng ghế bên phải, “trúng” bà Mỹ đen ở phòng đầu tiên thì hy vọng đậu trên 90%.
Nghe nói tôi lại lo. Tôi nhớ lại lần làm model hụt cách đó 1 tháng. Số là hồi đó chân
tôi đầy những cục chai, móng chân thì lồi ra, đen thui.  Bà giám khảo nghiêng mắt nhìn bàn chân tôi.  Lúc ấy tôi đoán bà  muốn tống tôi ra khỏi phòng thi, để ngăn ngừa bệnh truyền nhiểm. Nhưng có lẽ để được dân chủ, bà đi mời một giám khảo khác vào khám bàn chân tôi. Ông này tận tâm nghề nghiệp và …can đảm hơn, lấy khăn giấy “gói” mấy ngón tay của ông ta lại rồi dùng mấy ngón tay đó bóp bóp các ngón chân tôi, như thử xem chúng đã sắp rã mục chưa . Cuối cùng tôi được họ lịch sự mời ra khỏi phòng và dĩ nhiên thí sinh cũng đi theo luôn.
Lần này mặc dù trước đó Hạnh đã ra công săn sóc cả hai bàn chân tôi suốt nửa giờ, nhưng tôi thấy chúng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Thật hú vía, bà giám khảo chỉ liếc sơ bàn chân tôi, hình như có hơi ngạc nhiên một chút, rồi đi qua bàn khác.
-Thoát rồi. Phải, chú đâu có đến đây thi hoa hậu-Tôi nói
-Suỵt!
Hạnh lấm lét nhìn bà giám khảo, ra dấu bảo tôi im lặng. Tôi đã quên, trong phòng thi
tuyệt đối không được nói chuyện, người ta sợ model chỉ vẽ cho thí sinh.
Tôi liếc nhìn bàn bên phải.  Bà Bê ngồi chễm chệ như Từ Hy Thái Hậu. Quỳnh đang lau chùi mấy ngón tay nhọn hoắt của bà. Bà Bê ở cạnh nhà tôi, làm nghề cắt chỉ. Không thấy chồng con bà đâu cả. Khó đoán tuổi bà, nhưng chắc chắn từ 50 đến 70. Tôi hay nhờ bà lái xe đưa du học sinh đi chỗ này chỗ nọ và  trả tiền công khá cao. Bà Bê không thích làm “tài xế taxi”, mà chỉ thích làm model, có thể nói là mê, không hẳn vì tiền mà vì  cái không khí trong phòng thi đầy những mùi sơn móng, mùi thuốc làm móng bột, mùi acetone. Bà từng thi nail 5 lần vẫn không đậu.  
Bà Bê mê nghề nail. Theo bà không ai sang bằng thợ nail, kể cả …giám khảo thi nail. Nhưng bà không có bằng nail, không đuợc tiệm nào nhận cho làm cả. Không được làm nail thì vào phòng thi…ngửi mùi móng bột, mùi acetone cho đỡ ghiền.
-Cho tôi làm mô-đồ nghe!
Thường thường ai cũng giả vờ không nghe lời yêu cầu này của bà Bê.  Bà làm model cho ai thì người ấy rớt. Mặt bà trông chẳng có mỹ cảm chút nào cả, nhất là khi nhìn cặp lông mày, chúng được tô đậm xếch ngược lên, giống như con diều hâu đang bay. Nhìn bà và được bà nhìn lại, người ta có cảm tưởng như sắp bị diều hâu mổ. Có lẽ giám khảo nhìn bà rồi có ác cảm lây sang thí sinh chăng" Hôm ấy khan hiếm model, nên Quỳnh phải nhờ đến bà.  Bàn thi ngay bên trái tôi là của Dũng. Nó đang ngồi làm chân cho Như.  Như cũng là du học sinh. Như ở New York, qua đây thăm người cô ruột, nhân tiện làm model theo lời yêu cầu của Dũng. Dũng đang bóp bóp bàn chân Như, lâu lâu lại bóp  ở phần cao hơn một chút và Như co chân lại. Một lát sau Dũng cầm lấy tay Như. Nhìn Dũng cầm tay Như, tôi có cảm tưởng như không phải em đang thi nail, mà đang tỏ tình. Tụi học sinh nói Dũng yêu Như nên muốn vào phòng thi cầm tay cầm chân Như, chứ chẳng thiết gì thi với cử. Không đậu càng tốt, lần sau có dịp thi nữa.
Gần hai tiếng đồng hồ tôi ngồi như người câm điếc, mắt lim dim muốn ngủ, bỗng nghe bàn bên phải có tiếng cải vả nho nhỏ. Tôi nhìn qua thấy Quỳnh đang sửa soạn sơn móng chân cho bà Bê; còn bà thì đang lấy chân kia khoèo khoèo bắp đùi cô ta.
-Dì làm cái chi vậy"
Bà này bị bịnh… chăng" Không phải. Tôi nghe bà ta nói khẻ:
-Bớt 1 tép cho nhanh. Họ không để ý đâu.
-Tép"
-Ừ.
-Tép là chi"
-Tép là …tép, chứ là cái gì.  À, tép là bước. Đừng bê cốt nữa
-Bê cốt"
Bên bàn tôi Hạnh đã xong nhưng cứ loay hoay mãi.  Tôi không hiểu bê cốt là gì nhưng cũng hỏi:
-Có bê cốt không"
-Con sơn rồi mà bê cốt chi nữa. Bê cốt cũng như sơn lót vậy, cho nó bóng và bền.
Chắc bê cốt là base coat. Hạnh lại loay hoay. Lát sau Hạnh bảo tôi theo nó đến bồn để rửa tay. Rửa xong nó lại bảo tôi ngồi trở lại. Một lát nó lại dắt tôi đi rửa tay, giống như săn sóc một em bé ở dơ. Rồi lại ngồi, rồi lại theo Hạnh đi rửa tay hai ba lần nữa, tôi muốn chóng mặt luôn. Tôi đưa mắt ngạc nhiên nhìn nó, ngầm hỏi tại sao phải rửa ráy quá nhiều như vậy.  Nó hiểu, thầm thì:
-À, con quên.
Gần hết giờ, bà giám khảo đến từng bàn, bảo model ngửa bàn tay ra, úp bàn tay xuống, đưa chân ra. Hạnh nhìn bà ta, môi nhếch nhếch, có lẽ nó đang van vái.  Bỗng Hạnh ra dấu bảo tôi đứng dậy. Tôi đưa mắt nhìn nó dò hỏi. Nó chỉ bồn nước, nói rất khẻ:
-Con quên clean bồn nước.
-Bộ chú phải rửa bồn nước sao"-Tôi hỏi.
-À, con quên.
Hình như bà giám khảo nghe tiếng chúng tôi nói hơi lớn, liếc nhìn qua. Tôi đưa mắt nhìn Hạnh, có ý nói: “Thấy chưa! Tại mầy cứ nghĩ đến cái bồn nước”
Đến bàn tôi bà giám khảo cũng bảo tôi đưa tay ra, ngửa bàn tay lên, úp bàn tay xuống.  Rồi bà nhìn bàn chân tôi, nhìn hơi lâu. Tôi không sợ, nhưng mắc cỡ. Móng chân tôi như móng lợn sống. 
Mười phút sau tất cả ra khỏi phòng thi đợi kết quả.  Vừa bước qua khỏi chỗ anh bảo vệ Mỹ đen ngồi, Quỳnh nói lớn:
-Con đã dặn rồi mà dì cứ nhắc. Ai khiến"
-Không khiến thì làm bậy bạ. Gần hết giờ mà mới làm nửa bàn chân.
-Làm không kịp chẳng sao cả. Quan trọng là vệ sinh và giữ kỷ luật thi.
-Mầy nên nhớ tao thi 5 lần rồi mà…
-Rớt.
-Con này. . .
-Ai nhờ dì làm model đều rớt hết. Chắc chắc con cũng rớt. Lại tốn 35 đô. Lại bỏ học. Tại dì hết!
-Tại con mẹ mày!
-Không được chửi.  Không đậu, trả 15 đô thôi.
-Đồ con nhà mất dạy!
-Không biết ai…
-Mầy…
-Thôi, thôi. Người ta sắp cho biết kết quả rồi.
Tôi nói, nháy mắt bảo Quỳnh im.
-Chắc rớt chú ơi. Con mất bình tĩnh qua- Hạnh nói.
-Chắc con cũng rớt.Con cũng mất bình tĩnh-Dũng vừa nói vừa mỉm cười nhìn Như.


Chừng nửa giờ sau người ta gọi thí sinh vào nghe kết quả.  Dũng là một trong những người đi ra đầu tiên. Dũng cầm miếng giấy nho nhỏ xanh xanh cười:
-Pass!
-Chúc mừng-Tôi nói.
Mấy phút sau nữa, Hạnh đi ra, vừa đi vừa nhảy, tay cũng cầm miếng giấy xanh xanh, đưa lên cao:
-Đậu rồi chú ơi!
Ngay sau đó Quỳnh đi ra, tay cầm hai miếng giấy, một trắng, một đỏ (hay vàng tôi không nhớ). Mắt Quỳnh đỏ hoe. Nó rớt.
Hạnh và Dũng rủ tất cả đi ăn cái gì đó ở phố Tàu, nhưng tôi nói bận việc không đi.  Tôi nghĩ đến Quỳnh nên không thấy hào hứng.
Trên đường về, Dũng và Hạnh thầm thì chuyện gì đó. Hạnh hỏi tôi:
-Chú biết nhà bà giám khảo Việt Nam vừa rồi không"
-Để làm gì "
-Mua cái gì đó biếu bà ta.
-Tụi bay đang ở đâu vậy"-Tôi hỏi.
Hạnh cười:
-Ở Mỹ. À, con quên.
Sau đó Dũng xin chuyển lên một trường ở New York để gần Như . Còn Hạnh, tôi nghe nói em đã xin chuyển qua học tại một trường cao đẳng nào đó ở Virginia. Riêng Quỳnh, vẫn share phòng ở cạnh nhà tôi. Quỳnh học tại California International University ở đường Wilshire.  Tuy tên trường như vậy nhưng phần lớn du học sinh chỉ học tiếng Anh căn bản gọi là ESL tức English As Second Language. Quỳnh phải đáp hai chuyến xe buýt mới đến trường nên sau khi Quỳnh học một học kỳ tại đây tôi chuyển em đến Los Angeles City College. Tính theo đường chim bay, trường này xa hơn trường cũ, nhưng Quỳnh chỉ cần đáp một chuyến xe buýt để đi học. Tôi đã khuyên nhiều em nên chuyển đến trường này cho tiện, nhất là các em đang share phòng ở Phố Tàu hay dọc theo đường Sunset. Khi nghe tôi khuyên, có em nói nửa đùa nửa thật:
-Cái tên trường California International University nghe oai hơn chú. Học ở đây oai hơn.
-Nghe oai thật nhưng không tiện đi xe buýt. Ngoài ra, chắc chắn nó không quy mô và lâu đời như Los Angeles City College, một trường cao đẳng được thành lập từ đầu thế kỷ 20, nằm trong hệ thống 9 trường như East Los Angeles College, Los Angeles Harbor College…
Sau khi chuyển đến trường mới, Quỳnh thi nail thêm một lần nữa nhưng vẫn rớt, vẫn nước mắt ròng ròng:
-Tại sao vậy chú. Con thấy con làm gì cũng OK cả mà.
-Chắc tại con chủ quan. Có một sai sót gì đó mà con không nhận ra, nhưng giám khảo nhận ra.
-Chú ơi! Con thấy không công bình. Hình như họ muốn cho ai rớt, ai đậu cũng được. Vừa rồi bạn con thi lái xe, nó nói tưởng rớt mà lại đậu.
-Có người từ Missouri qua đây thi nail, rớt lên rớt xuống nhiều lần, tốn tiền máy bay khách sạn ít nhất cũng 1000 đô; con ở đây thi cùng lắm chỉ tốn 100 đô.
Tôi nói để an ủi Quỳnh, chứ không phải khuyến khích em thi thêm lần nữa. Nhưng được thể, Quỳnh lại nói:
-Người ta ở bang khác còn qua đây thi nhiều lần. Con nhất định thi thêm một lần nữa. Nếu không đậu, con thề nhất quyết bỏ thi nail.
-Chắc không"
-Dạ chắc. À mà tại sao phải qua Cali thi chú"
-Thi nail ở một số tiểu bang khác khó hoặc chỉ thi bằng tiếng Anh, nên người ta hay qua Cali thi, rồi đem bằng về đổi. Missouri là một trong những tiểu bang đó.
Chừng một tháng sau Quỳnh thi nail và …lại rớt.
Tôi buồn cho nó.  Tôi không muốn thấy mặt nó. Tôi sợ khi thấy nhau cả nó và tôi  buồn thêm.
Từ nhà tôi đến chỗ Quỳnh ở chỉ có 3 phút đi bộ nhưng suốt cả tháng nó và tôi không gặp nhau.  Nhưng rồi một hôm tôi thấy Quỳnh và bà Bê đứng thập thò ngoài cửa.
-Long time no see. Lâu quá không gặp. Mời hai “vị” vào nhà chơi-Tôi nói đùa.
-Con suy nghĩ nát óc, suy nghĩ rất lâu, nên bây giờ mới đến...cho chú biết.
Nghe Quỳnh nói, tôi ngạc nhiên, hơi hồi hộp, nhưng vẫn cố pha trò:
-Ủa" Bộ Quỳnh sắp lên xe hoa hả"
-Dạ còn lâu, chú ơi. Con đến thông báo ngày mai con…thi nail.
-Ủa" Con muốn thi thì cứ thi, thông báo cho chú làm gì.
-Tại con đã thề với chú là không thi nữa.
-OK. Nhưng chú cũng hơi thắc mắc, tại sao cứ phải là nail"
Tôi vừa noi vừa nhìn bà Bê. “Chắc con mẹ này… tuyên truyền đầu độc rồi”. Quả đúng như tôi nghĩ, bà Bê nói:
-Anh nghĩ coi. Không làm nail thì làm cái chi cho có tiền ở xứ này. Người ta sinh đẻ ra ở Mỹ, qua Mỹ lâu, học hành từ trong…trứng nước, tiếng Anh tiếng Mỹ nói vù vù như gió, mới thi đậu, làm ông này bà kia. Còn du học sinh mới qua như nó, học cho đến bao giờ…
Bà Bê ngừng nói, nhìn tôi ra vẻ rất tự hào, làm như mình là người hiểu rộng biết nhiều hơn ai hết.  Tôi bực mình, nhưng chỉ nói với Quỳnh:
-Nhưng chú không làm người mẫu cho cháu đâu nghe.
-Có tui. Tui làm mô-đồ cho nó-Bà Bê nhanh nhẩu nói.
Tôi hỏi Quỳnh:
-Chỉ có vậy thôi hả"
-Dạ, chỉ có vậy.
-Thôi, chúc cháu may mắn nghe.
Khoảng 8giờ tối hôm sau, tôi biết chắc Quỳnh lại rớt lần thứ ba. Nếu Quỳnh đậu, nó đã cho tôi biết rồi, không chừng cả Phố Tàu này cũng được thông báo.
Quỳnh rớt thật. Tôi qua nhà gặp nó:
-Cháu đừng buồn gì cả. Thi 3 keo không đậu, chắc cháu có một sai sót gì đó mà cháu không biết. Nếu chỉ vài lần thì còn nói bị rủi hay giám khảo chấm thi không công bình. Theo chú, cháu không hợp với nghề nail. Mỗi người có mỗi năng khiếu. Chú thấy gia đình cháu cũng khá. Tốt nhất cháu nên cố gắng học.
-Dạ-Quỳnh dạ một cách yếu ớt.
Tôi về nhà, cứ nằm suy nghĩ mãi về Quỳnh. Tôi nghĩ nó chỉ “dạ” cho có vậy thôi, chắc nó lại đi thi nail nữa.
Suốt 6 tháng, gần như ngày nào Quỳnh cũng qua nhà tôi. Tôi lấy làm lạ, mỗi lần Quỳnh qua nhà, đều gặp đứa con gái lên 9 tuổi của tôi. Hai đứa cứ dắt nhau ra gốc cây sau vườn thì thầm nhỏ to. Lúc đầu tôi không để tâm lắm. Con gái với nhau mà, mến nhau thì rủ nhau đi chơi, có gì lạ đâu. Nhưng thấy hai đứa cứ cặp kè với nhau một cách hơi bất thường, tôi nói với vợ tôi:
-Em có thấy con Quỳnh, con Trâm hay nhỏ to thì thầm với nhau không"
-Có, em cũng đang thắc mắc. Lúc nảy Quỳnh lại rủ Trâm đi đâu đó, hình như ra công viên Alpine.
Tôi vội vàng đi ra công viên.  Tôi nhìn quanh quất một lát mới thấy Quỳnh và Trâm đang ngồi ở một góc xa. Hai đứa đang nói chuyện với nhau, có khi đưa cả hai tay ra như phân trần điều gì. Tôi vội đi nhanh về phía chúng:
-Hai đứa làm gì mà ngồi đây"
-I teach her-Con Trâm nói
-Dạy gì vậy"
Quỳnh bẽn lẽn nói:
-Trâm dạy con nói tiếng Anh.
-Bác biết rồi.
Tôi biết Quỳnh viết và đọc tiếng Anh rất khá, nhưng nói hơi dở. Phần nhiều du học sinh Việt Nam đều như vậy. Tôi biết Quỳnh mắc cỡ vì đang làm học sinh của một “cô giáo” 9 tuổi. Tôi nói:
-Bác nói tiếng Anh cũng thua con Trâm. Nó sinh ra ở Mỹ mà.
Tôi trở về nhà, nói cho vợ tôi nghe. Vợ tôi thở ra nhẹ nhỏm:
-Tưởng gì.
Sau đó Quỳnh qua nhà tôi thường xuyên. Tôi lập một chương trình “bổ túc văn hoá”. Tôi bảo Trâm dạy Quỳnh nói tiếng Anh, còn Quỳnh thì dạy tiếng Việt cho Trâm.
Tôi nhận thấy Quỳnh là người kiên nhẫn hiếm có. Nhiều lần tôi qua chỗ Quỳnh ở, thấy nó ngồi một mình trước gương soi, há miệng, méo mồm nói một từ tiếng Anh nào đó.
Một hôm chợt nhớ đến việc thi nail, tôi hỏi Quỳnh nửa đùa nửa thật:
-Quỳnh có bằng nail rồi hả"
Quỳnh đưa mắt nhìn tôi như dò hỏi. Tôi đoán có lẽ Quỳnh đã thi nail thêm một lần nữa nhưng dấu tôi vì sợ tôi trách nó không nghe lời tôi. Tôi nói một cách ba phải:
-Có bằng nail cũng tốt, mà không có…cũng không sao.
-Bằng nail gì chú" À, cháu đâu có thi mà có bằng.
-Như vậy cũng tốt. À, bây giờ cháu định học gì"
-Cháu định học Business Administration, Finace Banking.
-Sao cháu chọn môn này"
-Dạ…quê hương mình cũng đang cần chuyên viên về ngân hàng trong thời kỳ kinh tế thị truờng.
-Khá lắm!
Quỳnh đã học tại Los Angeles City College được 2 năm.  Em học rất giỏi. Các du học sinh khác đều nói vậy. Một hôm Quỳnh đến nhà tôi rơm rớm nước mắt:
-Một tuần nữa con đi rồi.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Con đi đâu"
-Con xin chuuyển trường lên Maryland.  Con có bà cô ruột ở Annapolis. Lên trên đó con có điều kiện học hành hơn. Chỉ buồn là con không được ở gần chú thiếm.
-Con đừng buồn. Ngay cả con chú như Tường cũng học xa nhà.
Từ Maryland Quỳnh vẫn liên lạc thường xuyên với tôi qua điện thoại. Năm 2004 Quỳnh thông báo em đã tốt nghiệp, đã kết hôn và đã rời nhà bà cô ra ở riêng. Mùa hè năm 2005 nhân dịp đi dự ba ngày họp mặt các bạn cùng khoá học tại Maryland, tôi và vợ tôi đến thăm Quỳnh. Gặp nhau Quỳnh ôm chầm lấy chúng tôi, nước mắt ràn rụa, chẳng khác nào hồi em thi nail rớt. Nhìn ngôi nhà bề thế, khang trang tôi chắc Quỳnh đã có một công việc làm tốt. Hình như đoán biết ý tôi, em nói:
-Con làm cho Bank of America.
Sau đó Quỳnh lái xe đưa chúng tôi ra Annapolis, khu phố gần Annapolis Naval Academy. Nhìn các sinh viên sĩ quan hải quân Mỹ dạo phố trong các bộ tiểu lễ trắng, tôi không khỏi bâng khuâng nhớ lại thời tôi học ở Nha Trang.
Chợt nhớ có ai đó nói chồng Quỳnh làm trong Annapolis Naval Academy, tôi hỏi:
-Nãy giờ quên hỏi thăm chồng Quỳnh. Còn làm trong trường sĩ quan hải quân không"
-Ảnh thôi việc gần một năm rồi.
-Bây giờ làm gì"
Quỳnh cười nói:
-Dạ…dạ…ảnh đang làm… nail, đúng hơn là chủ tiệm, khi thiếu thợ mới làm. Tụi con mở được hai tiệm rồi. Thỉnh thoảng con cũng ra phụ ảnh. Con đã có bằng nail.
Tôi bật cười lớn:
-Chú cứ tưởng con quên hẳn “nail” rồi. À, lâu nay con có nghe tin tức gì về Dũng và Hạnh không"
-Sau khi tốt nghiệp, Dũng và Như về Việt Nam. Tụi nó đang mở tiệm nail ở bên đó.
Vợ tôi cười nói:
-Mở tiệm ở Việt Nam, có…ma mà làm.
-Không, thiếm ơi.  Tụi nó mở tiệm bài bản lắm, cũng facial, cũng waxing, cũng móng bột…  Thường chỉ có Tây mới vào đó. Còn Hạnh, đố chú thiếm biết nó đang ở đâu"
-Chịu thua
-Nó đang làm nail tại tiệm con.
Tôi cười lớn:
-Có lẽ chú cũng sẽ đi học nail.
Chúng tôi định thăm Hạnh nhưng nghe nói Hạnh đi Florida có việc gì đó nên chỉ lấy số điện thoại để khi tiện gọi thăm.  Chúng tôi về Los Angeles sáng hôm sau.
Bây giờ ở bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ, mỗi lần trông thấy một phụ nữ còn trẻ, mặt mày tươi tỉnh, ăn mặc tươm tất, có vẻ vội vàng nhanh nhẹn như sợ phí thì giờ, tôi vẫn có cảm tưởng như đó là một…thợ nail.

Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến