Hôm nay,  

Thăm Con Du Học

03/10/200900:00:00(Xem: 234295)

Thăm Con Du Học

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2744-168815- vb7100309

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60’, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Năm 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ." Đây là bài thứ ba trong loạt bài ông viết về đề tài du học từ Việt Nam vào Mỹ.

***

Tiếng điện thoại reo làm tôi giật mình tỉnh giấc. Vội đưa tay chộp cái điện thoại, tôi nhìn lên đồng hồ treo tường: Gần 4 giờ sáng. Tôi bực mình, chỉ muốn vất cái điện thoại xuống sàn nhà. Bực vì mất giấc ngủ thì ít, mà tiếc cho giấc mộng đẹp thì nhiều. Trong giấc mộng tôi thấy mình và cả bà xã đều trẻ lại, cả thể xác lẩn tâm hồn, đến nỗi một con bướm bay qua hay một cánh hoa rơi cũng đủ làm tôi ngây ngất. 
Chừng 10 giây sau vẫn không nghe tiếng ai ở đầu giây bên kia. Tôi định bỏ điện thoại xuống thì nghe có tiếng "A-lô."
Tôi vội đi xuống phòng khách, tránh làm kinh động giấc ngủ của vợ tôi. Bà ấy đang mỉm cười trong giấc ngủ. Biết đâu bà ấy đang tiếp tục giấc mộng đẹp của tôi.
-A-lô, tôi nghe đây-Tôi nói hơi lớn tiếng.
-Chắc bên Mỹ chừ cũng gần 7 giờ sáng. Một giọng nữ lạ hoắc.
-Ở Florida thì 7 giờ sáng, nhưng tôi ở Cali,
-Như rứa bên Cali 10 giờ sáng rồi.
-Không có chỗ nào bên Mỹ giờ này 10 giờ sáng cả.
-Ủa, vậy chớ mấy giờ"
-Không lẽ 4 giờ sáng cô đánh thức tôi dậy để hỏi giờ.
-Ủa...
-Ủa gì"
-Ngọc Lan đây, mẹ thằng Kha, anh không nhớ răng" Có chuyện gấp mới gọi anh Hai. Bây giờ Mỹ cho phụ huynh học sinh đi thăm con du học nhiều lắm. Em muốn anh cho biết chi tiết.
-À, thì ra là cô. Cô đến các phòng dịch vụ du lịch mà hỏi.  Tôi chẳng biết gì hơn họ-Tôi nói hơi xẵng giọng.
-Rứa mà thằng Kha bảo em hỏi anh.
-Đương nhiên tôi có biết ít nhiều nhưng các dịch vụ bên Việt Nam rành hơn tôi. Cô trả cho họ 50 đô, họ hướng dẫn và làm hết cho.  Thôi, để tôi nói sơ qua. Hồ sơ bên Việt Nam gồm có:  Chứng minh nhân dân, hộ chiếu; chứng minh tài chánh như mức thu nhập, sổ tiết kiệm, sổ nghiệp chủ nhà; giấy chứng nhận chuyển tiền sang Mỹ cho con học tập. Ngoài ra cần có khai sanh con, hôn thú để chứng tỏ có sự ràng buộc ở Việt Nam, không ở lại Mỹ.  Bởi vậy đi một mình dễ hơn đi cả hai vợ chồng. Hồ sơ bên Mỹ tức hồ sơ của Kha, gồm có: Bản sao hộ chiếu, visa, I-94, I-20, bảng điểm, giấy chứng nhận đóng tiền học. Ngoài ra nếu Kha có giấy khen, bằng danh dự hay loại giấy gì tương tự như vậy, sao gởi về luôn.
-Vậy thôi hả anh"
-À, còn thư mời của trường Kha nữa.
-Vậy thôi hả"
-Còn nữa, cô phải điền mẫu đơn xin thị thực Không di dân DS-156.  Hình như cô mới ngoài 40, nên phải điền thêm mẫu đơn xin thị thực không di dân bổ sung DS-157 dành cho người từ 16 đến 45 tuổi.
-Còn chi nữa không"
-Còn chớ, 131 đô lệ phí.
-Ủa, sao không lấy chẵn 130 hay 135 đô, mà lại 131.
-Cái này cô nên hỏi ông Đại sứ Michael Michalak.
-Em cám ơn anh. Anh xin cho em cái thư mời.  Phí tổn bao nhiêu em cũng chịu.
-Chắc không có phí tổn gì đâu. À, mà coi chừng. Khi vào phỏng vấn cô làm cho mặt xấu đi. Đẹp như cô Mỹ không cho  đi đâu,
-Răng rứa"
-Sợ qua lấy chồng, ở luôn.
-Cái anh quỷ này.
Tôi cảm thấy như bị phát vào người một cái sau câu nói đó. Tôi còn nhớ hồi ở Việt Nam, mỗi lần tôi nói đùa, Ngọc Lan thường kêu lên "Cái anh quỷ này" rồi phát vào lưng tôi một cái.
Tên thật của Ngọc Lan không đẹp như vậy, nhưng tôi không ghi rõ ra đây.  Ngọc Lan người cùng xã với tôi. Tuy không có họ hàng gì với chúng tôi nhưng Ngọc Lan vẫn gọi ba mẹ tôi là cậu mợ và gọi tôi là anh Hai. Năm 1990 tôi ngạc nhiên nghe nói Ngọc Lan làm một chức gì đó khá lớn trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, một tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ v.v...của phụ nữ. Khi Ngọc Lan không còn ở trong Hội Liên hiệp Phụ nữ nữa, cô vẫn tham gia đều đặn các sinh hoạt của hội, nhất là các buổi hội thảo về vai trò của phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình, về nhân phẩm phụ nữ v.v... Bước sang năm 2004 Ngọc Lan bỗng giàu sụ lên, làm chủ nhiều cây xăng trong vùng, mặc dù cô hầu như chẳng tính toán gì nhiều trong việc kinh doanh, giống  như cái tánh bạ đâu nói đó của cô.  Ngay sau khi có chương trình Giao lưu Văn hóa (Tức du học sinh Việt Nam qua Mỹ học 10 tháng rồi về nước), Ngọc Lan cho Kha, thằng con trai độc nhất, đi du học ngay dù nó học rất kém, tiếng Anh cũng chẳng hơn gì, không đúng quy định của chương trình.  Kha được cấp visa trong lần phỏng vấn đầu tiên, làm ai cũng ngạc nhiên. Vậy rồi Ngọc Lan chẳng ngại ngùng, nhờ tôi change status cho Kha, nghĩa là xin cho nó tiếp tục ở lại Mỹ học theo chương trình du học không giới hạn thời gian.
Trở lại chuyện Ngọc Lan làm thủ tục đi Mỹ. Một tháng sau Ngọc Lan gọi điện thoại báo tin mừng đã được cấp visa và nằng nặc đòi gặp vợ tôi.
-Bà ấy đi làm rồi- Tôi nói.
-Nhờ anh khẩn trương nói  với chị mua giùm em các thứ sau đây: Một chai nước hoa Chà-neo thứ tốt nhất, 1 chai sửa rửa mặt hiệu chi cũng được, 1 chai kem lót phao-đê-sờn hiệu chi cũng được, 1 hộp kem dưỡng da Ê-li-da-bét Ác-đơn...
-Thôi, để bà ấy về, cô gọi lại. Tôi chẳng hiểu gì cả, mà ghi cũng không kịp.
-Cho em nói thêm 1 câu nữa. Có người bạn ông xã đi du lịch sắp về. Chị mua gấp mới kịp gởi. À, còn cái quần Jean nữa...
-Thôi, để bà ấy về cô nói luôn.
-Em "bay" anh nghe.
-Thôi, cô...bay.
Vợ tôi rất thích đi shopping, ngay cả đi shopping cho người khác, nên sau khi nghe Ngọc Lan gọi điện thoại nhờ mua, bà ấy đi ngay.
-Nordsrom Rack bán hàng rẻ, lại đang save. Phải đi mua gấp mới được mới kịp gởi-Vợ tôi nói.
-Em ra ngoài phố Tàu mua cho tiện.
-Ngọc Lan bảo mua thứ xịn nhất. "Nhớ mua bộ đồ như chị mặc khi về Việt Nam"-Ngọc Lan dặn vậy mà.
-Em lên Goodwill mua đi. Ngọc Lan không biết gì đâu. Thỉnh thoảng ở đó có nhiều loại áo quần mới và tốt lắm.
-Bậy! Tội chết.
-Em làm như Goodwill là thùng rác.
Hôm sau ông anh họ tôi từ Việt Nam gọi qua:
-Con Lan sắp đi Mỹ. Chú biết chớ. Nó nhờ chú xin thư giới thiệu của trường hả"
-Phải.
-Chú lấy nó bao nhiêu tiền"
-Trường đâu có lấy tiền.
-Sao chú dại vậy!  Con Lan bây giờ giàu lắm. Sao chú không "chém" . "Chém" nó cũng không chết đâu. Nó không biết gì đâu.
-Thôi, để Lan qua đây rồi tôi tính sau.
Ông anh họ tôi cười:
-À, tôi biết thâm ý chú rồi. Con nhỏ hấp dẫn lắm. Nhưng coi chừng bà xã chú, cái miệng con Lan bạ đâu "ngôn" đó.
Thật ra tôi không có ý gì cả. Tôi nghĩ mình đã lấy lệ phí chuyển đổi tình trạng du học cho thằng Kha rồi, bây giờ còn "chém" má nó nữa, thì cũng hơi tàn nhẫn. Vả lại, rủi Ngọc Lan biết trường không lấy lệ phí thì sao. Kỳ lắm! Tôi không sợ Kha tìm hiểu việc này ở văn phòng trường. Nó không phải thuộc loại người tỉ mỉ.  Nó lại rất ngại đến văn phòng trường mà ở đó ai cũng nói tiếng Anh như gió, chứ không phải nói chậm rãi như mấy bà giáo, ông giáo của nó.  Kha từng thổ lộ với tôi như vậy.  Có lẽ nó là một trong những học sinh giao lưu văn hóa hiếm hoi kém tiếng Anh. Không những nó kém tiếng Anh mà còn kém cả ... tiếng Việt; nói đúng hơn, nó chẳng có một kiến thức nào cả.  Có lần tôi hỏi nó:
-Kha này! Sao con chẳng biết gì cả vậy"
-Biết gì chú""-Nó hỏi.
-Chú thấy con nói chuyện lịch sử Việt Nam với bạn gái con trật lất. Coi chừng bạn con cười.
-Nó cũng đâu biết gì.
-Nhưng rủi nó biết thì sao"
-Chú dạy con đi.
-Chú test con trước đã. Gia Long là ai vậy"
-Nghe quen quen.
-Gia Long con không biết, nhưng chắc ông này con biết. Trần Phú là ai"
-Tên trường của con.
-Thôi, chú không đủ sức dạy con đâu.
Tôi cười. Nó cũng cười.
Hôm nay tôi và Kha lên phi trường quốc tế Los Angeles đón má nó.
-Khi trở về, chú để  con lái nghe.
Tôi biết thằng Kha muốn dợt le với má nó.  Tôi nói:
-Ừ, nhưng đừng lái nhanh quá.
Cả hai đợi gần 3 tiếng đòng hồ kể từ lúc máy bay hạ cánh mới thấy Ngọc Lan ra.
-Sao lâu vậy má"
-Má đợi chị Việt Kiều gây nhau với anh hải quan Việt Nam.
-Ủa, hải quan Việt Nam đâu có ở đây. -Cu Kha hỏi.
-Chắc hải quan Mỹ gốc Việt-Tôi nói.
-Phải đó anh Hai.


-Sao lại đợi gây nhau"-Tôi hỏi
-Tại cái chi...à I-94. Em tưởng ghi ngày sinh theo kiểu Mỹ, tháng trước rồi đến ngày rồi đến năm.  Anh hải quan Việt Nam dữ quá, sừng sộ, la em quá trời "Chị không biết tiếng Mỹ hả. Ghi chú rõ ràng là ngày, tháng, rồi mới tới năm mà chị...". Anh ta trừng mắt như muốn ăn sống em. Em sợ quá. Vậy mà em cứ nhường cho người sắp hàng phía sau, để đợi gặp anh Việt Nam này. Em thấy bảng tên anh hải quan đeo là Trần. Em vừa đến chỗ nhận hành lý thì cũng nghe tiếng sừng sộ của anh hải quan Trần với một chị Việt Kiều. Hai bên to tiếng. Em đợi chị Việt Kiều ra để hỏi. Chị ta nói: "Có gì đâu, ghi nhầm địa chỉ trên tờ khai mà nó nói như chửi mình. Thằng này một là khùng, hai là sợ mất rốp. Chắc hắn từng dễ dãi với đồng hương nên bị xếp hắn la". Thiệt rứa không anh"
-Sao biết được. Thôi mình ra xe.
-Chú đưa chìa khóa xe cho con
-Thôi, để bác lái cho an toàn. Ủa mà con đeo cái chi ở mũi rứa"  Má cứ tưởng...cứt mũi.  Má không bằng lòng mô nghe.
Kha vừa đề máy xe vừa nói:
-Má nhà quê quá. Má ăn mặc chi giống như cán bộ xã vậy"
-Thằng cha mi! Tao ăn mặc ri mà... Áo quần ni là thiếm Hai mua cho tao đó.
-Thiếm Hai mặc coi được nhưng sao má mặc thấy kỳ quá- Kha cười nói.
Ngọc Lan ở với Kha gần 1 tuần thì vợ tôi mời cô ấy qua ở nhà tôi:
-Bây giờ đến phiên tụi này dẫn cô đi chơi. Còn chỗ nào chưa đi, nói đi.
-Thằng Kha chở em đi chơi không thiếu chỗ mô hết.
-Xuống khu Phước Lộc Thọ chưa"
-Xuống rồi. À, để em kể chuyện ni.  Hôm ở khu Phước Lộc Thọ, sau khi mua một ít mỹ phẩm, em ra phía trước chụp hình. Em đang loay hoay chụp hình thì một bà cỡ tuổi chị đến hỏi em: "Chắc cô mới ở Việt Nam qua"". Em nói: "Phải, tui đi công tác". Bà ta hầm hầm nói: "Vậy cô là Việt Cộng rồi!"  Em yên lặng đi một mạch ra đường, gọi thằng cu Kha chở em về nhà.  Em sợ quá.
Vợ tôi và tôi phá lên cười:
-Sao không nói đi du lịch thăm con. Bây giờ dám xuống đó với tụi tôi không"
-Dám chớ. Đi với anh chị thì được. Anh là người có thớ bên ni. Còn thằng Kha ... Hôm đó nó bỏ em ở đó một mình rồi dông đi mô mất.
-Tôi chẳng có thớ gì cả. Mà có thớ cũng chẳng ảnh hưởng gì ai. Hôm nào có dịp cô dám đi dự một buổi ra mắt hội đoàn ở đây không. Mấy người Mỹ "có thớ" như bà Thị trưởng tới hội trường ngồi... đợi người Việt mình đến. Khi ra về, vài người Việt mình về trước, ngay cả lúc người ta đang thuyết trình hay ca sĩ đang hát.
-Răng không dám đi với anh chị. Đi chớ!
Ngọc Lan nói rồi kéo vợ tôi đến một góc nhà, thì thầm gì đó vào tai vợ tôi. Cả hai rú lên cười.
Tối hôm đó vợ tôi nói:
-Ngọc Lan nói qua Mỹ cái gì cũng nhờ thằng Kha được, chỉ có một cái không được.
-Cái gì vậy"
-Cô ấy nói cần phải biết hết, để về kể lại cho bà con, bạn bè nghe.
-Mà cái gì mới được chớ.
-Thì từ từ để người ta nói cho nghe. Ngọc Lan muốn xem vũ sexy.
Tôi cười nói:
-Đàn ông hay đàn bà"
-Ủa có vũ sexy đàn ông sao"
-Nghe nói có. Mà hình như không cho đàn ông xem.  Em dẫn cô ấy đi xem đi!
-Quỷ!
-Vậy thì cô ấy đi một mình. Tụi mình chở cô ấy tới đó.
-Ngọc Lan không dám đâu.
-Hay tụi mình đem Ngọc Lan đi xem vũ sexy đàn bà"
-Đàn bà xem vũ...đàn bà được hả"
-Sao lại không.
-Thôi, kỳ lắm. Anh đi với Ngọc Lan đi.
-Lại càng kỳ hơn nữa. Mai em rảnh không. Ba người đi uống cà phê...vườn. Anh có người bạn mới mở tiệm cà phê giống hệt mấy tiệm cà phê bên Việt Nam trước đây.
-Ngày mai em bận. Anh với Ngọc Lan và  Kha đi.
Sáng hôm sau Ngọc Lan, Kha và tôi đến tiệm cà phê. Tôi chọn một bàn ngoài hiên, nơi có trồng mấy cây hoa gì đủ màu rất đẹp. Cu Kha ngồi chừng 5 phút rồi biến đâu mất. Tôi ngồi với Ngọc Lan,  nói chuyện lung tung, chẳng ra đâu vào đâu. Được một lúc tôi bảo anh bạn chủ tiệm cho nghe một bản nhạc tiền chiến mà tôi rất thích. Tôi kín đáo đưa mắt nhìn Ngọc Lan. Tôi ngồi xây lưng ra ngoài ánh sáng nên Ngọc Lan không thấy rõ đôi mắt tôi đang chăm chú vào cô. Quả thật cô ấy vẫn còn rất trẻ. Lại đẹp nữa, chỉ có khuyết điểm là...cái ngực hơi nhỏ. Tôi cố tưởng tượng ra đây là giấc mơ mà Ngọc Lan đã làm gián đoạn hôm gọi điện thoại cho tôi. Tôi tưởng tượng như tôi đang ngồi với vợ tôi trong giấc mơ. Tôi mơ màng nói:
-Em phải đền giấc mơ  cho anh.
-Anh nói..sảng chi rứa"
-Em không nhớ em gọi điện thoại cho anh lúc 4 giờ sáng sao"
-Ủa.. à, em hiểu rồi.  Anh đang mơ ngồi với chị  thì nghe tiếng điện thọai của em, phải không"
-Sao em biết hay vậy"
-Chị nói với em. Chị nói thỉnh thoảng cũng nằm mơ gần giống như vậy.
-Có khi nào em mơ như vậy không"
-Không bao giờ.
Bây giờ tôi mới nhớ tôi có kể về giấc mơ hôm đó cho vợ tôi nghe.
À, thì ra tôi còn có một người vợ. Người ngồi trước mặt tôi không phải là vợ tôi, dù trong giấc mơ.
-Anh Hai này, tiệm cà phê này thì có chi đặc biệt mô.
Tôi hoàn toàn tỉnh mộng.  Ngọc Lan trả tiền và gọi Kha đến để đi về.
Hôm sau tôi nói với vợ tôi:
-Hay mình đem Ngọc Lan đi xem vũ sexy. Ở đường Century, gần phi trường có một chỗ...
-Thôi, kỳ lắm.
-Vậy thì ngày mai ba người đi uống cà phê D. Chỗ này có nhiều cô ăn mặc cũng sexy lắm.
-Em nghe nói chỗ đó rồi. Để em nói với Ngọc Lan.
Hôm sau Ngọc Lan, bà xã tôi và tôi đến cà phê D.  Hôm nay có hơi vắng khách. Mới vào cửa vợ tôi đã cúi gầm mặt, không dám nhìn ai cả. Còn Ngọc Lan thì ngây mặt ra, hết nhìn cô chiêu đãi viên này tới cô chiêu đãi viên kia.  Tôi chọn một góc bàn xa nhất.
-Cô nào cũng đẹp cả, nhất là bộ ngực-Vợ tôi nói nhỏ.
-Nghe nói cô nào mới vào làm, cũng được chủ cho mượn tiền sửa ngực. Nghe nói vậy, không biết thật không.
Từ lúc vào đến giờ Ngọc Lan vẫn im lặng. Một cô chiêu đãi viên tươi cười đến hỏi ba người muốn uống gì.  Vợ tôi và tôi chọn  Pepsi.  Ngọc Lan nói hãy để thong thả, sẽ chọn sau. Khi cô chiêu đãi viên đi rồi, tôi ngac nhiên nghe tiếng nấc như muốn khóc ở đâu đó. Tôi xoay người nhìn quanh. Tiếng nấc tiếp tục lớn hơn. Hình như ngoài tôi ra không ai nghe tiếng nấc cả vì bận chơi bingo hay xem bóng đá trên TV.  Tôi nhìn kỹ vợ tôi rồi nhìn Ngọc Lan. Vợ tôi đang nói nhỏ cái gì đó vào tai Ngọc Lan, còn Ngọc Lan thì ràn rụa nước mắt, miệng như muốn khóc òa lên.  Tôi hoảng hốt hỏi: 
-Sao vậy"
 Ngọc Lan vừa lau nước mắt vừa nói:
-Em thấy thân phận phụ nữ ở đây thật là...mất phẩm giá, thiệt tội nghiệp, chỉ là đồ chơi của đàn ông. Thôi, đi về anh.
Tôi trả tiền. Cả ba kéo nhau ra cửa. Tôi vừa mở khóa xe vừa nghĩ: "May mà cô ta không đi xem vũ sexy; nếu đi, cô ta sẽ thấy phụ nữ Mỹ mất phẩm giá hơn nữa". Trên đường về nhà, không ai đề cập đến tiệm cà phê D., chỉ nói về shopping, thời tiết...
Ngọc Lan ở chơi với chúng tôi ba ngày rồi về chỗ thằng Kha.  Ba ngày sau cô ấy qua chào chúng tôi, nói sẽ trở về Việt Nam ngày hôm sau.  Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Sao về sớm vậy"
-Em có việc phải về.
Một hôm tôi thấy Kha lái một cái xe mui trần cũ rích ngang nhà tôi. Tôi vẫy tay gọi nó lại.
-Ủa, chiếc xe chú mua giùm đâu rồi"
-Con bán rồi.
-Bao nhiêu"
-Lỗ 800.
-Cái xe này mua bao nhiêu"
-4500
-Đưa giấy tờ chú xem được không"
Tôi xem giấy tờ xong, trả lại cho nó:
-Xe này mà 4500. Bộ con... giỡn với chú sao. Nhìn cái xe và thuế chú biết ngay. Còn nữa, xe này là xe salvage, ghi rành rành trên giấy, không thấy sao"
-Salvage là sao chú"
-Xe bị tai nạn, hư hỏng, phế thải, được sửa lại. 
-Chú đừng mét má con nghe. Tại...tại...Thôi chú đừng mét nghe. Chỉ có 1500 thôi.
-À, mi muốn lừa má mi, lấy tiền xài, phải không"
-Không phải...hoàn toàn như vậy đâu. Giá 4500 con cũng mua. Tại nó giống cái xe trong game.
-Thôi, tao xin đầu hàng mày. Tiền cha mẹ làm ra đâu phải dễ.
-Ăn thua chi chú. Má con sửa sắc đẹp tốn cả 10, 000
-Mầy nói gì" Sửa ở đâu" Sửa gì"
-Sửa đủ thứ, chủ yếu là sửa ngực. Bộ chú không biết sao. Mới xong hôm qua. Má con đang nằm dưởng sức tại chỗ bác sĩ.
Tôi về nói lại chuyện này với vợ tôi. Vợ tôi nói:
-Hèn chi em gọi về Việt Nam ba bốn lần đều không gặp Ngọc Lan. Để em đi thăm cô ấy. Bây giờ có một số bác sĩ thẩm mỹ ngoại quốc qua đây sửa sắc đẹp chui. Dĩ nhiên có người giỏi nhưng cũng có người hành nghề bừa bãi. Coi chừng cô ấy ham rẻ...
-Em khỏi lo. Nếu cô ấy ham rẻ thì đã về Việt Nam sửa rồi.  Thôi, cô ấy muốn dấu thì xem như mình không biết gì cả.
Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,062,250
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến