Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Mình Ơi !

20/05/200900:00:00(Xem: 143149)

Mình ơi !

Tác giả: Trần Hồng Linh
Bài số 2618-16208695- v452009

Tác giả là một thuyền nhân định cư tại Bắc Mỹ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là ”Tìm Đâu Nguồn Cội”ø thể hiện  niềm khắc khoải khi nhìn “thế hệ sinh sau 1975, đang sống trong nước và ngoài nước.”  Bài mới lần này là truyện ngắn về các bậc cha mẹ đoàn tụ muộn màng với con cái. Cả hai bài đều cho thấy tấm lòng vá cách nhìn cẩn trọng của người viết.

***

Cầm tờ báo Việt ngữ trên tay, ông Nguyễn có nhiều bực tức. Ông lẩm bẩm "Già rồi, còn làm ăn gì được nữa."
Mọi lần có tờ báo trong tay, ông Nguyễn vui lắm. Thú đọc sách báo khi xưa của ông được trở lại từ khi ông định cư đoàn tụ với con cái ở nước ngoài. Đó là nhờ hôm bà vợ ông đi siêu thị Việt nam, thấy cô tính tiền nhét xấp báo vào túi hàng, hỏi ra mới biết là báo dành tặng cho những khách hàng mua nhiều. Bà Nguyễn bèn trở vào kệ, bốc thêm một ít thực phẩm cho đủ với số quy định của siêu thị để có tờ báo. Cầm tờ báo về cho chồng, bà Nguyễn rất vui, món qùa tinh thần này hẳn là đúng ý ông muốn.
Còn gì vui hơn là được đọc tin tức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nơi xứ người. Ông Nguyễn  ngấu nghiến đọc những tin tức bên nhà, chú ý về những chuyển biến của thế giới, với đủ thứ tin: Chiến tranh vùng vịnh, Âu Mỹ thiếu dầu, Phi châu thiếu ăn, xứ Tàu thiếu gái, Hàn quốc thiếu dâu. Rồi ông đi đến kết luận "ừm, mình ra đến nước ngoài mới có những tờ báo mang đầy đủ tin tức từ mọi nơi, có nhiều quan điểm chính trị từ nhiều phía khác nhau. Thiệt là mở rộng tầm mắt."
 Để chia sẻ niềm vui, ông tóm tắt lại những điều đã đọc cho bà nghe, câu kết luận của ông thường là sự ca ngợi như sau:  "Đấy bà xem, báo chí xứ người đầy đủ tin tức, có đâu như bịt mắt dân chúng như báo của Đảng Cộng Sản bảo sao nghe vậy! Báo thế mới là báo".  Về phía bà là lời tán tụng "Vậy mới biết, sống ở xứ tự do dân chủ là sướng." Sự tán thành của bà luôn luôn làm ông hảnh diện vai trò tiên phuông truyền đạt kiến thức cho vợ.  Niềm vui của cảnh  'phu xướng, phụ tùy' làm ông hảnh diện biết bao.
Thú vui của đôi vợ chồng già gắn liền với tờ báo. Vậy mà cả tuần nay, niềm háo hức chờ đợi tờ báo đã giảm đi trong ông. Ông buồn phiền khi nghĩ tới yêu cầu của vợ, lòng ông đầy đắn đo, do dự. Tưởng đã được an phận lúc tuổi già, nào ngờ còn có những việc rắc rối.
Cũng tại cái tờ báo. Nghĩ thế, dằn tờ báo lên mặt bàn, ông nói "Đây, bà đọc mục của bà cần trước đi. Tôi đi ra ngoài hút điếu thuốc."
Bà Nguyễn nhìn theo dáng ông bước đi. Lòng bà cũng buồn vô hạn. Có ai ngờ, vợ chồng già mà còn cứ giận hờn.
Không như mọi lần trước, bà Nguyễn hay tìm mục Tử Vi hay mục Gỡ Rối Tơ Lòng để đọc. Lần này bà lật ngược tờ báo, đọc trước những trang cuối. Bà lướt nhanh sang những mẫu rao vặt. À, đây rồi. Quả nhiên bạn bè bà mách chẳng sai. Mắt bà dừng lại ở dòng chữ "Cần người đàn bà lớn tuổi trông coi hai cháu nhỏ, bao ăn ở trong nhà..., gọi số 908-567-43XX". Phải liên lạc với họ, xem ra sao. Nhưng bà cần bàn sự việc này với ông trước đã.
Bà ngóng cổ nhìn ra mảnh vườn sau nhà. Thấy ông đang ngồi ở patio, ông trầm ngâm với điếu thuốc lá.
Nắng chiếu xiên xiên bên thềm, bóng ông Nguyễn đổ dài trên nền. Ông ngồi nơi ghế, bất động.  Mắt ông nhìn khoảng không gian phía trước đăm đăm. Cụm khói mỏng từ điếu thuốc liên tục nhả ra từng đợt như những đợt sóng trong tâm trí ông lúc này. Ông bần thần nghĩ đến buổi gặp gỡ bạn bè cũ trên đất khách. Người bạn cũ đã định cư trước ông năm bảy năm tâm sự "Anh à, sang xứ người mới thấy nền khoa học kỹ nghệ của người ta hiện đại dường nào. Chúng ta quanh quẫn trong nước với mớ kiến thức xưa cũ, lỗi thời.  Ra nước ngòai mới mở mắt ra. Đi học lại thì mình đã già, đã thấy trễ muộn. Thôi thì ta phải tính nước khác, anh ạ." Người ta đến trước ông còn thế, huống gì là ông, tóc đã bạc trắng phơ phơ.
Ông biết. Ông biết con đường cuối đời của ông còn được thong dong với con cái ở hải ngoại là điều may mắn cuối cùng của ông. Ông đã chấp nhận sự thua thiệt của một người đi định cư trễ. Ông đã cố quên những thua kém bạn bè, những người sớm định cư. Ông đã mất đi địa vị cao trọng trong xã hội. Ông xin được yên, vậy mà đời cũng không cho ông yên. Càng nghĩ, ông càng căm giận cái Tháng Tư Đen oan nghiệt. Nếu không có sự đổi thay chính quyền thì ông đâu phải chịu cảnh nhờ vợ nhờ con như ngày hôm nay.
Nhìn dáng trầm tư của chồng, bà Nguyễn ngần ngừ cầm tờ báo, bước đến cạnh ông.
"Ở chỗ này, người ta cần người trông con nít, mình để em phôn hỏi họ nha."
Ông lặng thinh.
Mấy tuần nay ý định của vợ ông muốn có thêm thu nhập. Xem chừng ông khó cản ngăn được vợ. Tự dưng ông cảm thấy mình trở nên nhu nhược trước ý muốn của vợ. Không lẽ ông yếu hèn thế sao.
 Còn đâu ông kỹ sư Nguyễn của những công trình thi công thành phố. Ông Nguyễn chua chát trong ý nghĩ. Kỹ sư thời xưa thôi, kỹ sư của ba bốn chục năm về trước, chứ bây giờ là cái gì ở vùng Bắc Mỹ. Những năm tháng ông miệt mài ở đại học không còn giá trị nữa, kiến thức cùn nhụt như một con dao lâu ngày không dùng bị rỉ sét. Dao sét thì cắt được gì.  Kiến thức lỗi thời thì chỉ có nước xếp re. Ông chóng mặt khi tiếp xúc với tốc độ phát triển khoa học của thế giới Tây phương. Già rồi, bao nhiêu năm không hành nghề, lụt nghề từ bao giờ. Ông miên man suy nghĩ.
Bà Nguyễn thấy chồng không lên tiếng, bà biết ông đang gặp sự khó xử. Không biết sao tự dưng bà kỳ kèo: "Em muốn đi làm để có thêm chút ít gửi cho con Út, mình à."
Nhắc đến đứa con còn kẹt bên nhà, ông Nguyễn bồi hồi xúc động. Đâu hẳn chỉ có bà thương con. Ông cũng thương đứa con gái út lắm chứ. Nhiều đêm ông trằn trọc nhớ đứa cháu ngoại, nhớ đứa con gái phải chịu đủ thứ thua kém với anh em vì không có cơ hội đi nước ngoài. Dù sao mấy đứa ở nước ngoài đã ổn định cuộc sống với cơ ngơi tiện nghi đầy đủ. Chúng nó có nhà cửa khang trang, có xe hơi đàng hoàng. Trong khi đứa con gái út của ông, biết đến bao giờ nó bằng anh bằng chị, nếu như không có sự tiếp trợ từ nước ngoài.
Ông hắng giọng nói "Em nghĩ đi, tôi và em đi làm thì ai mướn. Tuổi tôi đã ngoài 65, em thì ngấp nghé 60. Già cả rồi, còn làm gì được."
"Em có thể trông trẻ con được." Bà kéo ghế ngồi cạnh ông rồi đưa tờ báo cho ông "Thì cứ xem như mình trông cháu nội, cháu ngoại. ..."
Ông Nguyễn ngắt lời " Công việc không đơn giản như em nghĩ đâu. Đi về sớm khuya, nắng mưa sương tuyết, dễ bị nhiễm lạnh," ông nhấp lửa mồi thêm điếu thuốc, nói tiếp. "... rồi bịnh thì sao""  
"Nơi này người ta bao luôn ăn ở trong nhà. Chúa nhật nghỉ không làm, em thấy được đó mình."
Lúc thấy vợ tìm đọc phần rao vặt tìm việc, ông Nguyễn đã không vui. Giờ  nghe vợ  mình đi trông trẻ con, lại ăn ở tại nhà chủ, lòng ông như dao cắt. Ai nỡ để vợ đi làm  ôsin . Mỗi tuần mới về nhà với chồng con một ngày. Vợ chồng Ngâu thời đại ư" Tưởng là đôi vợ chồng già sang xứ người sẽ hưởng được những thú vui êm ấm với con với cháu, ngờ đâu lại cách chia. Phải ngăn cản ý tưởng này mới được.
Bực quá, ông nói ngay.
"Các con, chúng nó có để cho mình đói đâu, mà sao em lại muốn đi làm""
Bà Nguyễn im lặng. Bà tần ngần không biết trả lời sao với ông bởi trong tâm trí của bà đang là hình ảnh buổi tiễn đưa ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Làm sao bà quên được ngày rời khỏi Việt Nam, con cháu vây quanh ông bà. Đứa cháu ngoại ba tuổi ôm lấy chân bà với nhiều quyến luyến. Bà cúi xuống nhấc đứa cháu, ẳm nó trên tay, bà vỗ về con bé "Ông bà đi sang đó với các bác. Con ở lại ngoan nghen." Đứa con gái út của bà đứng cạnh đấy, cũng long lanh nước mắt nói "Ba má đi, mạnh giỏi." Hai mẹ con bà không biết nói với nhau câu gì nữa. Tiếng ông Nguyễn giục giả "Mau mau rồi còn đi vào phòng cách ly bên trong đi, má con bà còn đứng đó làm gì nữa." khiến bà cuống quýt buông đứa cháu ngoại xuống, gạt nước mắt, rồi mau mau bứơc theo ông vào khu vực bên trong. Bà thầm hứa sẽ giúp đỡ đứa con còn kẹt lại bên nhà. Nhưng giúp bằng cách nào"
Một lần bà Nguyễn đã ướm hỏi các đứa kia. "Sống ở VN cực nhọc lắm con à. Tội nghiệp cho con Út, một nách hai con, thằng chồng nó làm ăn phất phơ. Trông vào đồng lương giáo viên của nó là chính...." Bà tưởng nói ra những cảnh khổ của đứa út là anh em nó sẽ động lòng trắc ẩn. Nào ngờ, thằng Hai đã chụp ngang câu nói của bà. "Ối, hơi đâu má cứ lo chuyện ở bên kia bán cầu. Tay mình đâu có dài, vói qua đến tận bên đó hả má. Ba má sang được đến đây là tụi con mừng. Nghỉ ngơi cho khỏe đi má ơi."
Thằng Ba không nói gì hết. Con Tư thì liếc mắt nhìn sang chồng nó, nét mặt ra chiều không vui.


Tưởng chuyện đã yên, dè đâu mấy tháng sau tiếng xì xào của đám con dâu đến tai bà "Vài tháng là má hỏi tiền giúp cô Út, cứ như tụi mình đóng hụi chết." Bà Nguyễn tủi lòng. Chúng nó sung sướng mà chẳng nghĩ gì đến anh em cả. Mà có thể, không chừng chúng nó quên mất đứa em út rồi cũng nên. Bọn nó đi định cư đã hơn hai mươi mấy năm, ngày chúng đi vượt biên, con út có bảy, tám tuổi. Giờ con út đã có chồng và hai con. Nếu không lập gia đình thì con út cũng được bảo lảnh. Nghĩ đến đó, đâm ra bà giận lây sang đứa con gái. Đã bảo đừng có yêu đương gì hết, vậy mà nó chẳng chịu nghe. Để giờ này phải chịu khổ cực. Bà muốn đi làm để trực tiếp giúp đứa con bên nhà. Bà không muốn nhờ vả qụy lụy đứa nào cả.
Thấy vợ lặng yên, ông ân hận vì sự cáu gắt của mình, ông chậm rãi nói "Tôi không nỡ để em vất vả. Vợ chồng ta già cả, sống còn bao lâu nữa, sao phải chia lìa."
Nhìn mái tóc pha sương của vợ, lòng ông chùng xuống. Mới ngày nào hai vợ chồng đang tuổi thanh xuân. Vợ ông là một nữ sinh tha thướt trong tà áo dài mà ông đã từng mộng ước cưới cho được. Hai vợ chồng trẻ yên ấm hứa nguyền  bách niên giai lão , sống với nhau cho tới lúc bạc đầu. Khi vận nước đổi thay, ông bị lùa vào trại cải tạo, những ngày khổ cực ông tưởng sẽ không bao giờ gặp lại người vợ yêu quý. Nhưng rồi ông đã vượt qua những gian khổ tù đày khi nghĩ đến vợ đang bơ vơ trong giòng đời nhốn nháo. Chỉ cần nghĩ tới người  thân yêu, ông vượt được trở ngại. Những đêm chịu đựng cơn đói lạnh, ông nhớ đến cơn đau bụng hàng tháng của vợ, chai dầu gió thoa lên bụng vợ, ông nhớ cả nét mặt nhăn nhó của vợ trong cơn đau, nhớ giọt mồ hôi tươm bên lọn tóc mai khi vợ ông đứng nơi bếp, nhớ những lúc ôm vợ trong tay mặn nồng ân ái. Không biết bên ngoài vợ con ông sẽ bương chải ra sao khi không có sự che chở của ông. Ông thường tìm về hình bóng của vợ như một nguồn an ủi cho sự sinh tồn của ông trong trại cải tạo.
 Lần bà dắt đứa út đi thăm ông ở trại cải tạo. Ông đã thấy lạ, thằng con lớn của ông đâu mà vợ ông đi cùng với đứa út, tội cho nó còn bé nhỏ phải vất vả đi theo mẹ. Nghe lời vợ kể lể "Em gửi mấy đứa con theo thuyền chú Tám. Không biết ở nước ngoài chúng nó ra sao.  Con Út còn nhỏ, em giữ nó ở lại với em." Ông ứa nước mắt. Thế là gia đình ông chia ra ba nơi, tan tác như đàn chim gặp bão. Trách sao vai nhô gầy guộc, gò má vêu vao, môi thắm nhạt nhoà. Giọng bà mếu máo "Không biết ở nước ngoài mấy đứa kia ra sao. Bây giờ lòng em rối bời, con một nơi chồng một nẻo. Em chờ mình về, chúng mình đi cùng với nhau, sống chết có nhau mình à." Lời chí tình ấy như một ánh sáng huyền diệu dẫn dắt ông trong bóng đêm tăm tối. Ông sống bằng niềm tin, dẫu có phải mỗi người một nơi, lòng vẫn luôn nghĩ về nhau thì tim yêu chẳng bao giờ phai nhạt, ông tin thế.
Trên những chặng đường gian nan của cuộc sống, dù nhiều lần thất bại trong chuyến vượt biên, ông chẳng bao giờ phiền trách những dại khờ của vợ, giao vàng cho mấy tên mối lái bất lương tổ chức vượt biên, bởi ông biết vợ ông dễ tin người, nóng lòng đoàn tụ với con cái. Càng ngày tình nghĩa càng thêm đậm đà, vợ chồng ông chăm sóc lẫn nhau. Xem chừng khắng khít bên nhau hơn ngày son trẻ. Tình yêu của ông không chỉ là những ham muốn thể xác mà còn có thêm những chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Ông cảm như tình yêu trong ông đằm thắm dạt dào hơn buổi xuân thì.
 Không có gì ngăn cách vợ chồng ông được nữa ngoại trừ đôi nẻo âm dương. Ông nghĩ đến điều ấy. Ông sợ cái ngày phải dương trần cách biệt. Đã một lần trong đời tưởng không thấy mặt nhau khi ông ngã bệnh trong trại cải tạo. Thuốc men không có, lớp da trên cơ thể ông bùng nhùng như một lớp giẻ phủ trên củi khô. Ông ngỡ để thân lại nơi vùng rừng thiêng ấy, sẽ chẳng được gặp vợ trong phút cuối cuộc đời. Ông sợ lắm. Nỗi lo sợ cho người vợ dấu yêu, một mai vợ mình sẽ ra sao trong cuộc sống đơn chiếc, yếu đau lấy ai chăm sóc khi không có chồng bên cạnh. Con cái thì nó có phận riêng của nó, làm sao bằng vợ chồng chăm sóc lẫn nhau.
Ông ngước nhìn vợ ông. Nắng chiếu sáng trên gương mặt bà, nét đẹp không còn là những mắt môi mượt mà nữa nhưng sao ông cảm nhận được một sự rạng rỡ trong tâm hồn bà. Ông vuốt mái tóc vợ và nói. "Em có biết là tôi sợ xa em lắm không" Tôi không muốn em đi làm vất vả."
"Nhưng mình còn đứa con và cháu ngoại nữa mình à."
"Thương con, ai mà không thương con""
"Vì em, con Út không được đi với các anh chị nó, "Bà sụt sùi nước mắt. "giá khi xưa em đừng giữ con Út ở lại bầu bạn với em, nó không đến nỗi phải túng quẩn, nhờ vả vào sự giúp đỡ của anh em như bây giờ.  
Những đêm khó ngủ, bà nhớ quê nhà kèm theo nỗi buồn về sự lạnh nhạt thờ ơ của lũ con bà. Dâu, rể thì bà không nói đến vì đó là dạng người dưng nước lã. Đáng trách là trách lũ con bà, anh em ruột thịt mà không thương nhau thì kể chi đến người ngoài. Bà ráng tìm ra phương cách giúp đỡ đứa con gái út. 
"Em là mẹ, nỡ lòng nào để con khổ cực."
 "Đành rằng nước mắt chảy xuôi, làm cha làm mẹ, mình không bỏ được con. Nhưng vợ chồng thằng Hai sẽ nghĩ sao" Tôi e rằng chúng nó không vui khi mình không giúp nó trông cửa nhà""
Bà thừ người vì câu hỏi của chồng. Bà chưa bao giờ nghĩ tới điều này. 
Ông Nguyễn nói tiếp."Em đi làm thì lấy ai nấu cơm cho bọn nhỏ" Tôi có việc dắt mấy đứa nhỏ đi học. Em không thấy sao, buổi sáng tôi đưa hai đứa cháu nội đi học. Con Linda học mẫu giáo nửa ngày, Mới 8:30 sáng đưa đi, hơn hai tiếng sau tôi đã lục tục lo đi rước nó về nhà. Rồi đến 3 giờ chiều, tôi phải lo đi rước thằng Tommy về. Lật bật hết một ngày, có làm được việc gì khác đâu."
 "Nếu em đi làm, em chỉ lo không ai nấu ăn cho mình thôi. Em nghĩ, khi chúng mình chưa qua, vợ chồng thằng Hai tự lo được gia đình của chúng mà. Có em, có thêm người đàn bà trong nhà. Hai người đàn bà trong một cái bếp thì không hay lắm đâu mình."
Câu nói của bà khiến ông ngỡ ngàng, nó tỏ ra những thờ ơ của ông, điều mà lâu nay ông đã không quan tâm đến.
 Ông biết vợ ông là người đàn bà thích nấu ăn, gần như bà loay hoay trong bếp suốt ngày.  Bà yêu công việc bếp núc đến nỗi ông thường hay trêu ghẹo "Em đứng trong bếp hoài, ông Táo ngắm em nhiều hơn chồng em nữa" Nhưng dạo sau này, ông thấy bà ít xoay trở trong bếp. Bà ưa đọc báo! Vợ mình thay đổi sở thích rồi ư"
 Món ăn trên bàn dần dần không nhiều như trước. Bữa cơm gia đình càng lúc càng thấy rõ sự khác biệt của vợ chồng ông và hai vợ chồng đứa con về các loại thực phẩm. Ông ngao ngán nhìn rổ mì Ý cọng to và tô nước sốt cà-chua nằm chình ình trên bàn. Đám con cháu sục nỉa vào món Pasta, xúc lấy xúc để, trong khi ông chịu thua vị chua lè chua lẹt của nước sốt, lẫn mùi gây gây như mùi xà-phòng 72 phần dầu bên quê nhà, bốc ra từ những vụn phô-mát. Hoặc đôi khi ăn những miếng bánh hamburger phết ngậy bơ và tảng thịt bò dày; bụng ông lình bình khó chịu, ăn không tiêu. Nhưng đành phải chìu theo ý thích của lũ con cháu vậy. Rồi ông tự an ủi, "Già rồi, ăn có nhiều được đâu." 
Các con ông không ưa món kho mặn, đâm ra bà chỉ nấu đủ cho hai vợ chồng già ăn.
Xem chừng mùi nước mắm vương vất khá lâu trong căn bếp của xứ Tây, mỗi lần đứa con dâu vào bếp, cái máy hút hơi được mở hết tốc lực. Bà biết ý, bước ra khỏi bếp, quơ vội tờ báo hay quyển sách ra điều bận rộn. Sách báo tự dưng trở thành chốn nương náu cho bà thoát nỗi tủi thân.
Nghĩ đến vợ mình đi kiếm việc làm, ông không khỏi xót xa. Đâu có ai muốn làm lụng vất vả, vậy mà vợ ông vì thương con quá đỗi, chẳng thể ngồi yên. "Đã đến lúc mình phải tập tự chăm sóc mình, phải không"" Lẽ nào ông không gánh chung nỗi gian lao với vợ.
Bà rón rén nắm lấy tay ông, mắt bà khẩn khoản. "Mình để em đi làm, nghe mình." 
Mặt trời đã lên gần lên tới đỉnh, nắng chiếu sáng loà. Những hạt bụi được soi rõ trong nắng, chúng được chiếu cho phình to thêm, lơ lửng quẩn quanh đôi vợ chồng già. Hai vợ chồng ông lặng lẽ bên nhau.
Tiếng bà thoảng nhẹ trong gió "Cuối tuần em sẽ ở bên mình."
Bóng ông tròn dần, bóng thu ngắn lại.  Ông nhè nhẹ gật đầu.

Tiếng cửa xe đóng xập. Đứa con đã chở mẹ nó đi làm.  Chiếc xe rồ máy chạy khỏi.
Ông Nguyễn vẫn đứng trông theo.  Tay ông cầm tờ báo, ông chưa kịp đọc cho vợ nghe. Ông cúi xuống, mắt lướt qua trang báo. Thôi thì đọc cho chính mình.

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!
(Thơ Hồ Dzếnh)

Ông cúi gập người, một cảm giác nhói đau, thắt trong lồng ngực. Ánh mắt vợ ông, bước chân vội vã, tiếng đề máy xe. Ông thảng thốt kêu "Mình ơi!"
Xấp báo rời khỏi tay ông rơi xuống bậc thềm nhà. Những trang báo xổ tung trên nền, lòa xoà trên thân hình đổ gập.
Trần Hồng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,548,481
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.