Hôm nay,  

Lần Đầu Hát Lại Quốc Ca

12/05/200600:00:00(Xem: 111862)

Người viết: Vương Hồng-Ngọc <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bài số 1008-1617-330-vb6120506

 

*

 

Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Seattle, tiểu bang Washington. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà, “Con Đi Trường Học...” là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, đã được phổ biến ngày 13-1-2006 với bút hiệu Hồng Ngọc-Vương. Bài viết thứ hai của bà lần này là những trang hồi ức của một bà mẹ vượt biên, lần đầu chào cờ trong trại tị nạn Sikiew trên đất Thái.

 

*

 

Nầy công dân ơi,

 

quốc gia đến ngày nguy biến

 

Đồng lòng cùng đi

 

hy sinh tiếc gì thân sống

 

Vì tương lai Quốc dân,

 

cùng xông pha khói tên

 

Làm sao cho núi sông

 

từ nay thêm vững bền

 

. . .

 

Công dân ơi

 

mau hiến thân dưới cờ

 

Công dân ơi

 

mau làm cho cõi bờ

 

Thoát cơn tàn phá

 

Vẻ vang nòi giống

 

Xứng danh ngàn năm

 

giòng giống Lạc Hồng 

 

Bản Quốc ca Việt Namđược mở đầu cho cuốn băng nhạc, những bản hùng ca thời chiến, mà tôi đã nghe đi nghe lại hơn mười lăm năm nay.  

 

Tôi thường tìm đến băng nhạc này mỗi khi lòng xôn xao nhớ về quê hương và những ngày xưa yêu dấu. Trong lời ca điệu nhạc đầy hùng khí như vẫn còn vang dội những bước chân hiên ngang nhịp nhàng của một quân đội hùng mạnh dưới bóng cờ vàng, của những người chiến sĩ VNCH kiêu hùng, những anh hùng của thời đại chúng tôi.  Băng nhạc này do người bạn, một cựu sĩ quan VNCH, đã tìm thâu lại 20 bản nhạc Chính Huấn, khi ông biết tôi rất nhớ những bản hùng ca ngày cũ.  Tôi coi đó như một món quà quí và đã sang lại thêm băng thứ hai để cất giữ, phòng khi băng hư hoặc lạc mất.

 

Sống trên quê hương mới, thỉnh thoảng đi dự những buổi lễ hay những buổi họp mặt cộng đồng của người Việt mình, tôi có dịp hát lại bài Quốc Ca Việt Nam.  Mỗi lần cất tiếng hát, trong cảnh trang nghiêm của lá cờ vàng ba sọc đỏ, lòng tôi lại rưng niềm cảm xúc.  Bài hát này tôi đã hát biết bao lần, dưới lá cờ thiêng liêng trên đất nước tôi, từ thuở bé thơ khi chưa hiểu đủ nghĩa lời ca, cho đến dài theo tháng năm của tuổi lớn lên, vào đời, mà mỗi khi hát, nghe mỗi lời ca rộn ràng xao động từ trong tâm thức. 

 

Từ khi Sài Gòn bị đổi tên, bài Quốc Ca Việt Namkhông còn được hát nữa.  Gần mười năm sau cuộc đổi đời, với bao cố gắng miệt mài theo đuổi mục đích chính của mình, cuối cùng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do.  Và nơi đây, trong trại tị nạn trên đất Thái, lần đầu tôi đã hát lại bài quốc ca Việt Namdưới lá cờ vàng... với nước mắt dàn dụa trên mặt.

 

*

 

Rồi cái ngày mà chúng tôi trông đợi cũng đã đến. Mười giờ sáng, tất cả khoảng chín chục người, đươc tập trung lại, hàng một, nối đuôi nhau đứng dài sau cổng trại.  Đây là trại chuyển tiếp thứ hai của nhóm chúng tôi, nơi dành cho những người vượt biển, đã không may mắn tắp vào đất Thái Lan. 

 

Nắng tháng ba trong vắt, trời nước xanh ngắt một màu, sóng biển nhấp nhô theo làn gió nhẹ.  Mặt biển SongKhla sáng nay mang đầy vẻ bình yên, hiền hòa, không mang sắc nét của biển trong những ngày thiên nhiên giao động, trở mình.  Cũng đâu biết được, có thể bên sâu dưới mặt nước êm đềm kia, đang có những cơn sóng ngầm mạnh mẽ, chờ đợi thời khắc để thả tung niềm phẫn nộ.

 

Hình ảnh của trại sáng nay trông hoang sơ, buồn bã.  Hai dãy nền xi măng, trống quơ trống quất, che mưa nắng là những mái tôn dựng bởi mấy kèo cây, giờ đã được dọn sạch, trống trải, so với tối qua vẫn còn cái hổn độn, ngổn ngang chiếu mền, lò bếp, của gần trăm mạng người. Trên bờ biển này, bên tảng đá kia, hơn một tháng nay, tôi vẫn thường ngồi đó để đón mặt trời lên của buổi sáng mai, và ngắm những buổi chiều tà khi ánh mặt trời dần chìm sau bên kia đỉnh núi.  Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi trong những ngày dài chờ đợi nơi đây.  Lòng chợt nghe bùi ngùi xúc động, khi nghĩ đến lúc phải chia tay với nơi chốn tạm dừng chân, dù chỉ trong hơn một tháng trời ngắn ngủi.

 

 Hai nhân viên người Thái, súng lủng lẳng bên hông, kiểm tra lần nữa rồi ra hiệu cho chúng tôi tiến về bốn chiếc xe GMC chờ sẳn.  Trước khi bước đi tôi đảo mắt thêm một vòng, thu nhận quang cảnh của một trại chuyển tiếp người tị nạn trên bờ biển thơ mộng này.  Xa xa mấy thân dừa lả ngọn, đang đong đưa những cành lá xanh mướt như vẫy chào chia biệt.

 

Khi tất cả đã ngồi vào chỗ, tấm bạt phủ sau xe được kéo xuống.  Thế là chúng tôi không được nhìn thấy gì bên ngoài suốt đoạn đường dài di chuyển.  Có lẽ đây là lý do an-ninh của chính quyền Thái đối với thành phần vượt biên đến đất nước họ cách bất hợp pháp. 

 

Ngồi trong chiếc xe che phủ kín khiến tôi liên tưởng đến những đoàn xe GMC, Motovah, tải đưa những người lính thất trận của VNCH, di chuyển đến các trại tù trên quê hương mình. Trong xe, sự yên lặng bao phủ.  Có lẽ mỗi người đều mang tâm trạng nôn nao lẫn hoang mang về một nơi chốn sẽ đến.  Xe cứ chuyển bánh đều, nhún nhẩy trên những quảng đường xấu.  Sau một lúc dường như mọi người đều nhắm mắt.  Nhiều người mỏi mệt đã rơi vào giấc ngủ.  Trên tay, đứa con gái nhỏ của tôi đang thiếp ngủ trong lòng mẹ, gương mặt trẻ thơ vô tư chưa vướng bận những lo lắng của đời thường.  Bên cạnh, đứa con trai của tôi cũng chập chờn giấc ngủ, đang gục gặc đầu bên vai mẹ.  Tôi đưa tay giữ đầu con yên trên vai mình. Nó mở mắt nhìn mẹ, miệng hơi nhếch cười, rồi lại nhắm mắt ngủ tiếp.

 

Xe chạy khá lâu.  Nắng ấm xuyên qua những kẽ hở cho biết trời đã quá trưa.  Trong xe đã bắt đầu có sự rộn ràng.  Tiếng trẻ nít đòi ăn.  Tiếng sột soạt mở túi, giỏ.  Tiếng nói chuyện khẽ khàng, thấp giọng. 

 

Đến một lúc, chiếc xe giảm tốc độ, chạy chậm rồi dừng hẳn lại.  Bốn nhân viên Thái có nhiệm vụ chuyển người, ngồi cùng băng ghế người lái, đã nhảy xuống trước.  Họ nói chuyện lao xao bằng ngôn ngữ riêng. 

 

Tấm bạt phủ sau xe được kéo lên.  Chúng tôi lần lượt xuống xe, xếp hàng một, trước một cổng sắt thật lớn. Đứa con trai của tôi đi sát bên, cũng đã biết giúp đỡ mẹ.  Cái thân gầy nhom của nó đang luộm thuộm bên cái bọc đựng khăn tắm và hai bộ quần áo ngắn của mình.  Một tay tôi bế đứa con gái, tay kia xách cái thùng thiếc.  Chiếc thùng để xách nước mỗi ngày cả hơn tháng nay, lại có thêm công dụng chứa mùng, mền, nồi niêu và vài thứ lặt vặt cho chuyến chuyển trại này.  Đây là những vật dụng cần thiết mà chúng tôi đã nhận được từ Cao Uỷ Tị Nạn sau khi đăt chân lên đất liền. 

 

Hai nhân viên người Thái của trại, và một người Việt làm phận sự thông dịch, đang làm thủ tục nhận người mới đến.  Trời đã về chiều, chúng tôi bị thúc hối phải nhanh chóng nên không có thời giờ nhìn ngắm cảnh vật chung quanh.  Tuy nhiên quang cảnh con đường mòn vắng vẻ dẫn vào đây cho thấy sự biệt lập của nơi chốn này.

 

Bên trong chiếc cổng sắt, có những chiếc đầu cố nhổm cao trong đám đông để nhìn mặt nhóm người mới nhập trại.  Chúng tôi lần lượt đi qua chiếc cổng.  Sự kiên cố và lớn lao của nó gây cho tôi cái cảm giác sợ hãi về đời sống tù nhân và sự giam cầm. 

 

Số người mới đến được chỉ định ngủ tạm bên ngoài hành lang của building mà mình sẽ ở.  Ranh giới cho một người trên nền xi măng là một thước chiều ngang và hai thước chiều dài. Tôi trải chiếc chiếu vừa được cấp phát trên phần đất được chỉ định.  Một nhóm khoảng bốn thanh niên, đang chậm rãi đi dọc theo hành lang, có lẽ cũng đang đi tìm người trong nhóm mới đến.  Khi đi ngang chỗ mẹ con tôi, họ dừng lại.  Một thanh niên lên tiếng hỏi:

 

-  Chào chị, chị đến từ trại nào".

 

-  Chào các em, chúng tôi đến từ trại SongKhla, các em ở đây lâu chưa " .

 

Cậu thanh niên đã hỏi chuyện, nhếch miệng cười buồn:

 

-  Cũng gần ba năm thôi. Tụi em đang chờ để được phỏng vấn, nhưng có lẽ cũng phải tám tháng nữa mới đến phiên.  Chị đến lúc này đã là may rồi, vì trại vừa mở cửa để các nước đến nhận người.

 

Cậu ta cúi xuống vuốt tóc đứa con gái tôi rồi nói tiếp:

 

- Nếu chị cần nấu gì để ăn đỡ thì tạm dùng bếp của tụi em. Chắc ngày mai chị sẽ được cấp phát đồ dùng.  Yên chí đi, với số người trong trại hiện giờ, chị sẽ gỡ ít nhất là hai cuốn lịch mới hy vọng đến lượt phỏng vấn. 

 

Tôi cầm cái nồi nhỏ và ba gói mì, theo chân họ về phía sân sau của building.  Nơi đây là chỗ để nấu ăn.  Những cái lò nhỏ đặt dài trên đất.  Những tấm chắn là những mảnh thiếc đươc đập thẳng ra, từ những thùng dầu, kết lại, bao bọc quanh lò, vừa để che gió vừa ngăn chia ranh giới.  Tôi nhìn quanh tìm xem lò nào còn người nấu ăn để xin lửa mồi.  Một lát sau ba mẹ con tôi cũng đã có chút gì lót dạ qua đêm. 

 

Tô mì nóng làm tôi nghe chút ấm bụng và cũng nghe chút ấm lòng về sự giúp đỡ ban đầu của mấy cậu em trai, những người cùng khổ, đang còn vất vả long đong trên bước đường tị nạn.  Màn đêm đang buông xuống.  Những chiếc mùng được giăng lên. Ngọn đèn neon mờ nhạt ở góc nhà chỉ đủ ánh sáng để dẫn đường cho những bước đi trong đêm.  Hai con tôi đang nằm sát bên mẹ.  Một lúc sau hai đứa đã ngủ say, bàn tay vẫn còn nắm chặt tay mẹ như để tìm sự bình an, che chở. 

 

Riêng tôi dù nghe rất mỏi mệt, nhưng cứ trằn trọc không ngủ được. Tâm trí quẩn quanh với những trăn trở, lo âu.  Câu nói ban chiều của cậu thanh niên vẫn còn lảng vảng: "Yên chí đi, với số người trong trại hiện giờ, chị sẽ gỡ ít nhất là hai cuốn lịch mới hy vọng đến lượt phỏng vấn".  Đêm tối dường như tối hơn.  Quanh tôi những tiếng ngáy ngủ đang cất lên đều đặn. Tôi nghe mình bơ vơ hơn trong bóng đêm. 

 

Ánh sáng đầu ngày đang đánh thức mọi người.  Sau khoảng ba tiếng đồng hồ chợp mắt, tôi đã nghe mình tỉnh táo hơn. 

 

Người đại diện của building tôi ở, đến dặn dò chỉ dẫn về giờ giấc và những sinh hoạt trong ngày.  Buổi sáng là thì giờ bận rộn nhất, như đi lãnh thực phẩm, lãnh nước để nấu ăn, giặt giũ, làm vệ sinh trại, và quan trọng nhất là giờ chào cờ Thái.  Mỗi ngày sáng chiều hai buổi, cả trại phải đứng xếp hàng trước building của mình vào đúng 8 giờ sáng và 5 giờ chiều, để chào quốc kỳ của nước họ.  Những người Thái giữ trật tự trại có nhiệm vụ đi tuần tra. 

 

Trước giờ chào cờ, họ đi kiểm soát trong các building, nhà vệ-sinh, với chiếc roi trên tay. Thật không may cho những ai bị bắt gặp còn lảng vảng đâu đó trong giờ chào cờ.  Khi loa phóng thanh từ văn phòng trại vang lên, nhìn sự trống vắng trên các con đường đi lại, sự yên lặng hoàn toàn trong sân, từng dãy người xếp ngay hàng thẳng lối, người ta có thể tưởng tượng đến cái kỷ luật ở sân trường trong quân đội. 

 

Tôi đã nghe kể lại nhiều câu chuyện và cũng đã chứng kiến những hình phạt của vài trường hợp vi phạm kỷ luật trại tại đây.  Hình phạt được áp dụng như cạo đầu, treo tay, cho đứng ngoài nắng đến ngất xỉu, bị quất bằng roi cá đuối, v..v.. .  Tôi thấy thương và nghe xót xa cho thân phận người mình.  Những người đến được nơi này, bằng những con tàu mỏng manh trên biển cả, hay bằng đôi chân máu chảy lặn lội qua bao cánh rừng sâu, họ đã trải qua biết bao hiểm nguy, đối diện với sống chết, đói khát, cướp bóc và hãm hiếp.  Giờ đây họ còn bị người Thái đối xử như tù nhân trong các trại tị nạn khốn khổ này.  Còn những gian nan nào nữa tôi chưa đươc biết của gần hai triệu người dân Việt đã xả thân đi tìm hai chữ TỰ DO "!!. 

 

Ôi dân tộc tôi, những người dân khốn khổ trong một nước nhược tiểu, đã phải chiến đấu triền miên với đói nghèo, chiến tranh và tang tóc.  Giờ đây khi nước nhà thống nhất, người dân tôi không được hưởng thái bình.  Chúng tôi đang phải tuôn ra biển, trốn vào rừng sâu, đi vào cái chết để tìm sự sống, một đời sống tự do, nhân bản. 

 

Đây là trại tị nạn Sikiew, một trong những trại cấm Thái Lan, mang tiếng cư xử rất dã man đối với người tị nan.  Trước kia, đây là nhà tù của thời người Thái bị trị.  Khu nhà tù này được giải tỏa đã lâu, nay được xử dụng để chứa người tị nạn vượt biên, hay vượt biển, xuyên qua đất Thái. 

 

Hai khu A và B, xây cất bằng gạch gồm hai tầng, nay tường vôi đã loang lỗ, mang vết tích cũ mòn của năm tháng.  Khu C là khu mới xây cất sau nầy bằng cây gỗ và tôn sơ sài để đáp ứng nhu cầu số người đến trại ngày một gia tăng.  Những người vượt biên đường bộ được tập trung ở một khu riêng biệt, không được giao thông với các khu khác.  Riêng những thiếu niên tuổi dưới 18, không có thân nhân đi cùng, được ưu đãi hơn trong một khu riêng biệt.

 

Trong thời gian trại đóng cửa, không nhận thêm người, cũng không giải quyết người đi, dân tị nạn biết mình sẽ phải ở đây lâu nên đã tranh đấu xin mở trường ốc trong trại, để con em họ có nơi chốn học hành.  Nhóm đại diện trại đã bằng nhiều cách, thuyết phục được vị trưởng trại về đề nghị này và ngôi trường được thành hình vài năm trước.  Trường mở rộng thêm lớp, đủ cho hai buổi sáng chiều. 

 

Sau vài ngày nhập trại, biết được có trường sở, tôi đã liên lac với người có trách nhiệm để xin một chân dạy thiện nguyện.  Hai tuần lễ sau, tôi được thông báo đến nhận lớp.  

 

Trường lớp được xây cất đơn sơ với cột kèo bằng tre, lá.  Giờ chào cờ sáng chiều của trường cũng cùng giờ chào cờ của trại.  Tôi xúc động biết bao khi biết được mỗi ngày thứ hai còn có thêm được phần chào cờ Việt, tiếp theo sau phần chào cờ Thái.  Nghe nói trước đây, nhóm đại diện trường phối hợp với đại diện trại của người mình, đã khổ công tranh đấu với người Thái ở đây, để xin được phần danh dự chào lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà trong trường hoc. Đây coi như là một thành tích đáng kể của cộng đồng người Việt tị nạn của trại trong thời điểm này.

 

Trong sân trường của trại tị nạn Sikiew, buổi sáng tháng tư, nắng trong vàng màu lụa mới, mang đầy nét bình yên của một nơi chốn không chiến tranh.  Trên hai trụ cờ, lá cờ của đất nước Thái và lá cờ vàng ba sọc của VNCH đang nhẹ bay trong gió.  Nhìn lá cờ với màu sắc thân quen ngày nào đang tung bay trên một đất nước không phải là quê hương mình, tôi bỗng nghe lòng xúc động mãnh liệt.  Tôi thấy như ẩn hiện trên lá cờ những hình ảnh của một chiến trường đẫm máu, thân thể những người lính ngã gục với những vết thương máu chưa kịp chảy. 

 

Hình ảnh những người lính, âm thầm, từng đêm, tay ghì súng, mắt không rời bóng tối, để giữ gìn từng tấc đất cho quê hương.  Đâu đây như có tiếng kèn tử sĩ thê lương, bên hình ảnh người quả phụ, đầu phủ tang trắng bên mộ huyệt, đưa tay nhận chiếc cờ được xếp lại ngay ngắn từ nắp quan tài của người chồng vừa tử trận. Và đứa trẻ thơ đầu chít khăn tang, ngơ ngác nhìn chiếc quan tài đựng xác người cha, đang từ từ được phủ đầy đất mà chưa đủ trí khôn để hỏi tại sao.  Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh những người lính trận, mặt đầy hào khí, đang dựng lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng-Trị năm nào khi vùng đất nầy được tái chiếm.  Như đâu đây vẫn còn âm vọng bi thương của những tiếng đạn cuối cùng từ những đứa con tổ quốc, chọn cái chết bên cạnh lá cờ, trên lòng đất mẹ trước cơn hồng thuỷ.  Biết bao xương máu đã đổ ra, biết bao hệ luỵ kéo theo, biết bao cuộc đời đã nằm xuống để giữ vững màu cờ, sao giờ đây lá cờ đang tung bay ở một nơi chốn không phải trên quê hương đất mẹ!!.

 

Bài quốc ca Thái từ loa phóng thanh vừa dứt.  Một giọng ca cất lên bắt nhịp cho bài quốc ca Việt Nam:

 

"Nầy công dân ơi! Quốc Gia đến ngày .....". 

 

Tôi cất giọng hát lớn theo.  Những lời ca bỗng trở nên quá thân thương, quá ngọt ngào, quá hùng tráng!. Những lời ca đang trên môi miệng tôi bỗng trở nên ấm nồng.  Cảm xúc trong tôi chợt dâng  lên, oà vỡ, thành những giòng lệ chảy dài trên môi má. 

 

Ôi những lời ca mà tôi tưởng chừng không bao giờ được hát nữa!.  Trong tôi man mác cái cảm giác của sự trở về, gặp lại người thân tưởng chừng như đã xa rời vĩnh viễn.  Tôi nghe mình nấc lên theo tiếng ca, tiếng nấc tức tưởi trong trạng thái vui mừng lẫn tủi thân của một trẻ thơ lạc mẹ vừa được tìm về.  Nhìn màu sắc thân quen của màu cờ, tôi nghe lại một chút an ổn và niềm hy vọng. Trên đường lưu vong lạc loài nơi đất khách, tôi đã mang theo được trong tôi cả cái quê hương khốn khổ tội tình. 

 

Tôi cảm nghe như hồn thiêng sông núi đang quyện lấy chúng tôi và lá cờ vàng ba sọc đang tung bay ngạo nghễ. 

 

Quốc ca quyện lấy cờ vàng

 

Đường lưu vong vẫn ngập tràn hồn quê (vhn)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.