Hôm nay,  

Khi Tháng Tư Về

23/04/200900:00:00(Xem: 185539)

Khi Tháng Tư Về

Tác giả: Nguyễn Khánh Vũ
Bài số 2595-16208672- vb542309

Tác giả tự giới thiệu: Tôi tên Nguyễn Khánh Vũ, kỹ sư điện toán cho một công ty bên Arizona. Đã tham gia với bài "Nước Mỹ và tôi" vào năm đầu tiên,  và mới nhất là các bài "Không Cho Phép Mình Quên"; "Homeless tại Mỹ." “Lễ Tạ Ơn 2008”. Sau đây là bài viết mới nhất.

***
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi còn quá nhỏ để có thể cảm nhận đầy đủ biến cố đau thương này của đất nước tôi, nhưng mỗi dịp tháng Tư về, qua các chương trình tưởng niệm, tôi như được thấy lại bức tranh của một Việt Nam đầy máu và nước mắt, của một Việt Nam hận thù cộng sản cao ngút trời xanh.
Đất nước tôi đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Không đêm nào tôi không dành ít phút cầu nguyện cho các vị ân nhân đã vị quốc vong thân, cho quê hương tôi. Tôi cầu mong quê hương tôi sớm thanh bình, người người yêu thương nhau, cùng nắm tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam được lân bang kính trọng.
Điều đáng buồn là có rất nhiều người chẳng còn nhớ gì nữa. Họ quên tất cả. Về Việt Nam như áo gấm về làng, vui vẻ trên sự nghèo đói, hưởng thụ  trên tình cảnh thương tâm của đồng bào, ngoảnh mặt, che tai trước lời van xin của người khốn khó, nhưng lại lúi húi, khép nép dâng tiền cho bọn hải quan, công an.
Ngày xưa khi được thoải mái sáng tác, viết lách, được sống trong bầu không khí tự do thì họ tìm cách lợi dụng để ca ngợi kẻ thù, lên đường, xuống đường để phá tan đất nước. Khi nước mất rồi, khi bị bọn Việt cộng đè đầu, cưỡi cổ, các "anh hùng" xưa biến đâu mất. Muốn hát, phải hát chui. Muốn nghe, phải nghe lén. Bỏ bút vì sợ hay bẻ cong bút để làm vui lòng bọn cầm quyền. Đợi đêm về, vặn radio dò tìm các đài của thế giới tự do,  những đài luôn bị Việt cộng phá sóng, như đi tìm nguồn sống. Cúi mặt xuống khi nghe bọn ngu dốt Việt cộng lên lớp trong những kỳ "học tập" chính trị. Thấp thỏm, nghe ngóng, lén lút tìm đường vượt biên. Lo sợ, đói khát, mệt mỏi, tuyệt vọng khi lênh đênh trên biển hay khi lần mò sang Thailand bằng đường bộ. Thất vọng, chán nản, âu lo khi mày mò, xoay xở với cuộc sống mới nơi xứ người. Thế mà khi đã có cuộc sống ổn định và khi Việt cộng buộc phải mở cửa để cứu nguy cho chế độ, thì gần như lập tức, họ lại quay về làm kiếp bưng bô cho giặc. Họ không ngượng mồm ca ngợi kẻ thù với những lời lẽ không còn một chút liêm sỉ.
Cái chế độ mà họ cho là đã thay đổi đã chẳng có gì thay đổi về bản chất. Có thay đổi chăng là nó vẫn lưu manh nhưng với vẻ bề ngoài hào nhoáng hơn. Ngày xưa nó mặc khố, đi dép râu kêu Má Má để nhờ sự chở che, nuôi dấu của các bà Mẹ miền Nam hiền lành. Ngày nay nó quần áo tươm tất, đi xe hơi và đuổi các "Má" để cướp đất, cướp nhà. Có thay đổi chăng là nó vẫn tàn ác nhưng với dáng vẻ phần người hơn phần con. Ngày xưa nó mặc khố, đi dép râu và giết người. Ngày nay nó vẫn giết người nhưng mặc veston, thắt cravate và đi giày Tây.  Một luật sư dám đứng ra bào chữa cho những giáo dân can trường Thái Hà bị ngăn cản bằng mọi cách để không thể tham gia phiên tòa. Còn điều gì để nói không" Việt cộng phóng uế ngay trong cái khuôn luật pháp của chúng. Trong cái thế giới thông tin bùng nổ như hiện nay, mà Việt cộng vẫn ngang nhiên bịt miệng linh mục Lý trong phiên toà có sự theo dõi của thế giới, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng giết hàng ngàn đồng bào vô tội trong các phiên toà "nhân dân" diễn ra sau bức màn tre, trong những đợt cải cách ruộng đất trước đây ở miền Bắc hay lập các tòa án lưu động xử bắn các viên chức, các sĩ quan VNCH sau khi chiếm được miền Nam.
Sau khi cả cái hệ thống cộng sản thế giới đã sụp đổ, Việt cộng vẫn ngang nhiên đem đất, đem biển của cha ông dâng cho Tàu cộng, thì chẳng có gì khó hiểu khi xưa chúng đã ký văn bản công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của ngoại bang. Và tôi thắc mắc những người "hay quên" sẽ làm gì và nói gì khi mà cái chế độ thối nát này sụp đổ. Có lẽ họ lại tiếp tục lên đường hay xuống đường"
Cũng có nhiều người nói tôi không quan tâm đến chính trị, chỉ quan tâm đến đất nước thôi. Đó có phải là điều mà Việt cộng muốn nơi người Việt hải ngoại" Cái nghị quyết 36 mà Việt cộng đã và đang tốn biết bao nhiêu tiền của, cố công thực hiện cũng chỉ nhằm mục đích này. Hãy gửi tiền về Việt Nam, hãy tiếp tục về Việt Nam ăn chơi và xài tiền, hãy tham gia cứu trợ đồng bào nghèo đói hay thiên tai nhưng cấm nói xấu chế độ (vì nó đã quá xấu) và đừng tham gia hoạt động chính trị hay chống chế độ. Chúng ta tập hợp những sinh viên, những con em chúng ta, những người đang học hay làm việc trong các ngành Y, Dược, về Việt Nam phát thuốc, khám bệnh cho đồng bào, và chúng ta không bàn đến chính trị. Chúng ta muốn đem kiến thức do khó nhọc học hành hay trui rèn, đem tiền bạc do vất vả gầy dựng nơi xứ người, về Việt Nam để làm ăn, tạo dựng công việc cho đồng bào, và chúng ta không dính đến hoạt động vì tự do, nhân quyền. Giúp đồng bào là điều cần làm nhưng chúng ta phải khôn ngoan vì chẳng khéo chúng ta đang hà hơi tiếp sức cho cái chế độ man di này. Chúng ta có thể không quan tâm đến chính trị nhưng chúng ta phải có chính kiến. Làm người thì phải có chính kiến, phân biệt đâu là chánh, chỗ nào là tà, thấy nơi tốt, nhận ra chỗ xấu. Có bao giờ chúng ta thắc mắc tại sao ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều các lễ hội được tổ chức" Ngay cả những lễ tục rất đỗi mê tín hay có tính cách không văn minh như đâm trâu, cắt tiết lợn tưới vào ruộng trong lễ nhập điền, …, cũng được Việt cộng khai thác tối đa. Quốc tổ Hùng Vương sao bao năm dài bị lãng quên thì nay lại  được Việt cộng "cấp" cho một ngày giỗ. Việt cộng nay phải xài đến Quốc tổ vì  "cha già dân tộc" đã quá mất giá. Hội hè liên tục để hủ hoá thanh niên, thanh nữ. Hãy nhìn những thanh niên, thanh nữ cuồng nhiệt hò hét, cổ vũ khi hội tuyển Việt Nam tranh tài trong các trận túc cầu và so sánh với con số ít ỏi những người can đảm đứng cầm biểu ngữ phản đối cuộc rước đuốc Thế vận của Trung cộng trước tòa nhà Quốc hội cũ ở Saigon.
Họa mất nước hiển nhiên, kẻ thù hung hiểm dương oai, diễu võ ngay cửa nhà, vậy mà bọn cầm quyền còn mở toang cửa đón chúng vào Tây Nguyên. Thanh niên Việt nam làm gì" Bạn bè tôi ở Việt Nam không bao giờ dám bàn về việc nước mỗi khi tôi gợi ý, hỏi thăm. Tất cả đều né tránh. Đi làm xong, là vào các quán nhậu. Có bao giờ ở Việt Nam, các quán nhậu nhiều như bây giờ không"


Ngày xưa, bọn Việt cộng ra rả chửi rủa các tệ nạn xã hội là tàn dư của Mỹ-Ngụy, thì thử hỏi sao ba mươi mấy năm xã hội Việt Nam dưới cái chế độ ưu việt XHCN, ta thấy được gì tốt đẹp. Tệ nạn mãi dâm, ma túy, nghiện ngập khắp nơi. Thanh niên, thanh nữ đi làm lao nô khắp nơi. Đàn bà, con gái Việt Nam bị đem ra làm hàng chào bán cho ngoại nhân. Chính tay chủ tịch nước đi công du cũng dùng đàn bà, con gái Việt nam làm mồi mời chào người Việt hải ngoại. Quốc thể Việt nam bị rẻ rúng. Khi con dân Việt bị Trung cộng bắn giết trên biển Đông, thì quốc hội Việt cộng mở tiệc chiêu đãi bọn Tàu phù ngay tại Hà nội. Hãy nhìn nghĩa trang quân đội VNCH bị đối xử ra sao trong khi những kẻ thù phương Bắc giết hại biết bao dân lành trong cuộc chiến 1979 thì nay được lập nghĩa trang to đẹp, được thăm viếng để tỏ lòng biết ơn. Hãy nhìn vào cảnh sống thương tâm của các thương phế binh VNCH. Chính thể VNCH của chúng ta đã bị Việt cộng làm nhục, cha chú chúng ta đã bị Việt cộng đày đọa, thì nay lẽ nào chúng ta để con cháu chúng ta tiếp tục bị Việt cộng sử dụng, sai khiến"
Có những người vẫn còn ít nhiều suy tư về vận nước. Người xưa nếm mật nằm gai để tự nhắc mình không quên thù phải trả. Câu Tiễn cuối đầu nếm phân Ngô Phù Sai mà suy tính một ngày cắt đầu kẻ thù. Chúng ta đêm nằm giường ấm, nệm êm. Một bước lên xe, một bước xuống xe. Chúng ta vẫn chống cộng, nhưng chống như cưỡi ngựa xem hoa, vì không có cái bức bách giữa sự sống và cái chết để chống cộng. Chúng ta chống khi bọn văn công đi theo đoàn, theo lệnh đi công tác kiều vận, nhưng khi chúng xé lẻ chúng ta hoan hỷ đón nhận. Số ít những người còn đứng biểu tình bị dè bỉu, chê trách là cực đoan, là không hợp thời, hợp thế. Có lẽ chúng ta đã quên Việt cộng là bậc thầy của du kích, của bá đạo sao" Khi Việt cộng thất bại sử dụng VTV4, thì chẳng bao lâu sau trên hầu hết các đài truyền hình địa phương tràn ngập các cuốn phim bộ của Việt cộng. Các bộ phim với nội dung tình cảm ướt át kiểu Đài Loan, Hồng Kông được dễ dàng chấp nhận trong đại đa số gia đình Việt Nam. Nhưng hãy để ý mà xem, chúng ta sẽ quen dần với hình ảnh một tay cán bộ Việt cộng trong phim hiền lành, lo cho gia đình, cũng thắp nhang, cũng cầu nguyện. Họ sao mà gần gũi, chẳng khác chúng ta là mấy. Chúng ta có biết đâu, họ chẳng đã là những tên đã chôn sống đồng bào chúng ta trong tết Mậu Thân. Họ cũng có thể đã là những tên đã hành hạ chồng, cha, anh em chúng ta trong tù cải tạo. Chúng ta sẽ quen dần với tên gọi thành phố Hồ Chí Minh, thay cho Saigon. Và rồi tên đồ tể số một này dần dần sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, dễ chấp nhận hơn do gắn liền với một địa danh từng được xưng tụng "Hòn ngọc Viễn Đông". Chúng ta sẽ quen dần với hình ảnh Việt Nam bây giờ sao mà giàu có quá khi nhìn thấy các nhân vật trong phim nào cũng sống nơi nhà cao, cửa rộng, cũng đi toàn xe đắt tiền mà quên đi đại đa số đồng bào chúng ta vẫn sống khổ cực, bị đàn áp mà không thể lên tiếng. "Ôi xã hội nào mà không có người giàu, kẻ khó". Chúng ta sẽ chặc lưỡi một tiếng, quăng ra một vài chục, một vài trăm, thậm chí một vài ngàn khi phải giúp đỡ đồng bào nơi quê nhà và sau đó tự nhủ "Tôi cũng quan tâm đến đất nước đấy chứ!".
Và cũng còn đó những con người vẫn thiết tha với tiền đồ dân tộc, vẫn sục sôi bầu nhiệt huyết với quê hương cho dù đã hơn ba mươi mấy năm mất nước. Họ có thể được nhiều người biết đến, được truyền thông, báo chí đề cập, hay họ vẫn âm thầm trong bóng tối hoạt động theo cách này hay cách khác với chung một mục đích, một ước mơ, đẩy nhanh hơn bánh xe lịch sử, để ngày mà cả dân tộc thoát nạn cộng sản mau sớm đến.
Chiến dịch cờ vàng lan rộng và thành công vang dội như khi xưa quân ta đánh đuổi kẻ thù xây dựng tiền đồn, bảo vệ cuộc sống an bình, không cộng sản cho đồng bào miền Nam. Các cuộc vận động chính trị nơi Quốc hội cả cấp tiểu bang lẫn liên bang làm kẻ thù cay cú. Các cuộc biểu tình vạch mặt bọn Việt cộng bán nước và bọn Trung cộng cướp nước ít nhiều làm chùn tay kẻ nội thù lẫn bọn ngoại xâm. Các cuộc diễn hành chính trị và văn hoá đã giới thiệu nhiều hơn với thế giới vẻ tự hào giòng giống Rồng Tiên. Điều đáng mừng là giới trẻ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn, dấn thân hơn vào dòng chính lẫn các hoạt động cộng đồng. Họ chính là những hạt ngọc quí báu của dân tộc, đang được mài dũa, thử thách để một ngày không xa, đem tài sức về gây dựng lại quê hương. Và đã có những anh hùng xuất hiện dù đang sống trong sự kèm kẹp, hà khắc của chế độ man di. Một Lê Thị Công Nhân khí phách, xứng danh con cháu bà Trưng, bà Triệu. Một Nguyễn Văn Đài hiên ngang, dõng dạc phản bác những lời buộc tội vu khống trước toà.
Tôi thiển nghĩ đại đa số chúng ta đều có lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, đất nước sẽ là ngọn đuốc soi sáng giúp chúng ta biết điều nên làm. Tôi nói thế nhiều người chắc sẽ cho tôi viển vông hay hoang tưởng. Nếu tôi yêu nước và tôi có tài sáng tác, ca hát, tôi sẽ là một Phan Văn Hưng, một Nguyệt Ánh hay một Việt Dzũng. Nếu tôi yêu nước và tôi có khả năng thu hút mọi người, tôi sẽ là một Nam Lộc trong các buổi đại nhạc hội "Cám ơn anh". Nếu tôi yêu nước và tôi có tài xuất chúng, tôi sẽ là một Dương Nguyệt Ánh làm rạng danh quê hương và chính nghiã VNCH. Nếu tôi có lòng yêu nước và tôi can đảm, tôi sẽ là một Điếu Cày biểu tình chống Trung cộng bất chấp sự đe doạ của bọn bán nước. Và nếu tôi yêu nước nhưng bất tài như bản thân người viết bài này, tôi sẽ luôn ủng hộ những ai có lòng và hành động vì quê hương tôi.
Một khi quê hương thoát nạn cộng sản, thì bọn ngoại xâm Trung cộng có gì đáng sợ. Cha ông ta ngày xưa đơn phương chống giặc phương Bắc, đã bao lần làm cho chúng kinh hồn bạt vía. Nay con cháu Lạc Hồng ở khắp mọi nơi, học lấy tinh hoa xứ người, mai đây đem tài trí, tiền của về giúp nước thì lo gì chẳng có ngày Việt Nam lấy lại lãnh thổ đã mất, oai phong ngó ra biển Đông, ngẩng mặt với thế giới.
Niềm tin ấy làm tôi phấn khởi, nhưng khi nhìn thấy rất nhiều các chú, các bác vì tuổi cao sức yếu lần lượt qua đời mà mối hận cộng sản còn nặng mang, ước mơ được nhìn thấy ngày quê hương tự do thanh bình chưa được thoả, lòng tôi man man nỗi buồn đau mỗi khi tháng Tư về.
Nguyễn Khánh Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Nhạc sĩ Cung Tiến