Hôm nay,  

Nhũng Viên Kẹo Màu

08/03/200900:00:00(Xem: 141827)

NHŨNG VIÊN KẸO MÀU

Tác giả: Lynh Phương
Bài số 2552-16208629- vb830809

Tác giả cho biết tên thật là Ly Ngô, cưụ học sinh trường Nữ Trung-học BTX, Đalat,  qua Mỹ theo diện HO đã 17 năm. Hiện là  cư dân thành phố Long Beach, Caifornia. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của một bà mẹ đi học lại trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.

***             
Đêm nào tôi cũng có thói quen ngồi vào bàn lên mạng internet mở email tìm thư của bạn bè va người quen, sau dó vao trang nhà của Vietbao online, tôi thích nhất là dọc những tác-phẫm " Viết Về Nước Mỹ". Tuần này tình cờ tôi đọc được hai  bài viết  của  ông Phạm-Hoàng Chương,   "Ba Tôi Không Còn Nũa" và của ông Lê Huy, bài  "Ba Tôi Mất Ở Việt-Nam". Tôi rất xúc-động khi đoc nhũng hồi-ký của hai tác-giả nói trên. Riêng phân tôi đã nhiều lần muốn viết kể về ba mình, nhưng khi ngồi vào máy tôi lại thấy lòng chùng xuống với nhiều nổi bùi ngùi xot xa.
Hôm nay là ngày giỗ đầu của Ba tôi. Buồn qúa tôi email vài hàng gởi cho cô em gái.

Hà thương
Ngồi viết thư cho em mà chị không thể nào ngăn được dòng lệ dâng trào, mới ngày nào giờ Ba không còn nữa. Có đêm chị nằm mơ thấy ba về bên cạnh, nhìn chị với ánh mắt hiền hòa, nụ cười bao dung mà cứ ngỡ rằng ba còn sống ở quê nhà. Em nhớ không, năm truớc chị về thăm, lúc từ giã ba quay về Mỹ, ba đã yếu nên nằm trên giường vẫy gọi chị đến kề bên khẽ bảo: "Con ngồi gần đây cho ba hôn con một cái, con đi rồi khi nào con trở lại thăm ba, lần sau về chắc gì đã gặp được ba nữa."  
Chị vội quay mặt đi, va trấn an ba: "Không đâu ba ạ, con sẽ về thăm ba, nhất định ba phải khoẻ và hưởng thọ đến trăm tuổi đó nghe." Ba cầm bàn tay chị mà bịn rịn không muốn rời xa. Chạy trốn ánh mắt u-uẩn của ba, chị buông tay vội vã lên xe bus đang chờ vợ chồng chị ngoài ngõ. Thả nguời trên băng ghế, chị khóc nức nở khi xe bắt đầu chuyển bánh, chị chẳng thấy gì ngoài bóng hình ba nhạt nhòa, sau làn kính với những giọt mưa thi nhau chảy dài không ngớt. Chi có linh cảm đây là lần cuối cùng từ giã ba, chiếc hôn cuối ba gởi cho chị có kèm theo vi mặn của nước mắt ba lăn dài trên hai gò má già nua ốm yếu. Chị không thể viết thêm cho em được nữa rồi vì qúa thương cảm bồi hồi chi ngưng đây em nhé.
Chị của em.

Mặt mũi đầm đìa lệ, tôi ngồi nhắm mắt hồi tưởng lại  những chuyện xảy ra vào năm ngoái.
...
Suốt một tuần lòng tôi bỗng  bồn-chồn lo lắng không yên, đêm nào cũng trằn trọc không ngủ. Linh cảm báo trước sẽ có chuyện chẳng lành. Qủa là đúng vậy. Chị tôi gọi phone qua báo tin vào lúc nửa đêm: "Ba đã vào  Bệnh-Viện Dalat-Lâm-Đồng vì bị gãy xương hông. Tình trạng có thể nguy-kiệt. Vợ chồng em va anh Hai lo thu xếp về thăm ba gấp nhé". 
Thế là chúng tôi lo chạy tất-bật, gọi các dịch vụ bán vé máy bay đi về VN. Đi càng càng sớm càng tốt. Chồng tôi thu xếp công việc ở hãng, xin phép  nghỉ 3 tuần lễ.  Tôi về sửa soạn hành lý, mang theo những vật dụng cần thiết, chủ yếu là  thuốc men đồ dùng cá nhân. Chúng tôi không quên đến Costco mua những phong kẹo trái cây va kẹo chocolat M&M đủ màu sắc mà ba tôi rất thích. Ba lúc nào cũng nói: "Thấy mặt các con là ba vui lắm, các con đừng mua gì mà tốn kém. Đem về cho Ba ít phong kẹo là đủ rồi".
Cuối cùng chúng tôi cũng cầm được trên tay hai tấm vé máy bay của hãng China, dù với giá mắc hơn.
Chuyến bay đêm 1 giờ 30 cất cánh, nhìn qua ô cửa nho,  ánh đèn ở phi-đạo lấp loè trong màn đêm. Tôi nhớ ba tôi và biết bao nhiêu kỷ niệm hiện về từ quá khứ thương đau của anh em chúng tôi.
. . .
Ngày xa xôi ấy tôi sinh ra vào tháng sáu năm Đinh Hợi, mẹ tôi mất cũng vào tháng năm này, để lại ba đứa bé mồ-côi. Anh Hai của tôi lên bốn, chị Huệ mới hai tuổi đầu. Dì tôi tường thuât lại tiểu-sử mình cho chúng tôi nghe nhiều lần: Khi mới sinh ra, tôi nhỏ chỉ bằng cái bình thủy, tôi thèm hơi ấm của mẹ và nhớ cái bầu sữa nóng không chịu ngủ yên khóc mãi không thôi. Nhà tôi ở tận trên Cây Số Bốn, nghèo nàn ọp ẹp dựng bằng gỗ, và lợp tranh nằm chênh vênh trên dốc cao, phải bước lên những bậc cấp lót đá gồ ghề lởm chởm, chung quanh có trồng những hàng mía lau để ngăn gió từ hướng nghĩa địa thổi qua. Gió bấc mưa phùn lạnh cắt da, cao nguyên năm ấy rét vô cùng.  Có hôm ba tôi phải quấn tôi trong một chiếc ao len cũ bế đi đến cuối xóm xin sữa của sản-phụ bú nhờ, vì tôi không chịu bú bằng bình sữa chai.
Tôi khó nuôi cho nên ba đã đăt tôi là con Nhỏ Lỳ. Khi tôi lớn lên vài tuổi mọi nguời gọi tôi cái tên Mít Uớt. Ba tôi vừa là người cha đi làm kiếm tiền nuôi con, vừa phải đóng vai một bà mẹ, thât là vất-vả trăm bề.  Một  năm sau, có O con gái Huế gánh hàng  bánh ướt, thịt nướng thấy hoàn cảnh  thương tâm của Ba tôi đã đem lòng cảm mến và nguyện hy-sinh suốt cuộc đời mình,  chấp nhận về làm vợ và là kế mẫu của chúng tôi.
Ba tôi thuờng kể cho chúng tôi nghe về thủa thiếu thời hàn vi của ông. Sinh trưởng ở làng Kim-Bông nay gọi là Cam-Kim, nằm bên con sông Thu Bồn, cuộc sống rất khốn đốn. Bà nội suốt đời lặn lội, tảo tần, hàng ngày ra ven bờ sông bắt cua, mò cá đem bán đổi gạo, rồi sau này đổ bánh bèo kiếm sống.
Ba là đứa con trai thứ tư nhưng rất thuơng mẹ, thay bà đội bánh bèo ra chợ bán. Ba tôi từng kể lại là những giờ rảnh ông hay đứng "ngấp-nghé" ngoài cửa lớp để học thêm vài ba chữ ở ngôi trường làng. Ông lắng nghe thày giảng bài bằng tiếng Nôm, tiếng Hán. Nhũng chữ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín đã thấm nhuần vào trí óc. Ông học đánh vần, và viết tiếng Quốc-ngữ. 
Năm muời sáu tuổi ông bỏ làng ra đi lập nghiệp, đến đất Hoàng-Triều Cuơng -Thổ (cao nguyên Đà Lạt) với hai bàn tay trắng, vai mang một túi vải bố đựng đồ nghề thợ mộc, vỏn vẹn vài cái bào, cái búa. Dần dà ở vùng đất mới này, Ba là mẫu người thanh niên lý tưởng của các cô thôn nữ, vì ba vừa đẹp trai lại giỏi dang.
Ba tôi rất nghiêm khắc về việc giáo dục con cái nhất là với anh tôi, ông luôn cứng rắn và muốn anh học hành giỏi dang, đỗ đạt. Ba tôi đã toại nguyện vì đã lo cho anh Hai tôi học hành thành tài, nhất là được đậu vào ngành Cao Học Hành Chánh mà cả thị xã chẳng có mấy nguời buớc được vào.
Ba tôi có tấm lòng thương người. Tôi còn nhớ rất rõ, năm ấy tôi lên sáu tuổi, một buổi chiều tắt nắng, đang chạy nhảy tung tăng ngoài ngõ thấy ông đi làm về bên cạnh dắt theo một nguời đàn ông mù tay cầm cái gậy tre, khuôn mặt hiền từ, nuớc da trắng trẻo, mặc bộ đồ rách vá tả tơi. Chúng tôi ngạc nhiên thì ba vội phân trần:  "Chú tên Hoàng đi hát dạo, ba mang chú về nhà để cho chú sống nhờ ở đây. Chú Hoàng có đôi bàn tay nhỏ và đẹp, ăn nói khoan thai từ tốn, cả gia tài chú có cây đàn guitar cũ làm bằng gỗ thông, tiếng đàn của chú có âm-điệu rất la, giọng hát của chú thật u-uẩn trầm buồn. Chừng  một năm sau chú rời gia-đình tôi đi luu-lạc kiếm sống nơi nào chẳng ai hay biết.
Tôi cũng không bao giờ quên đuợc hình ảnh ngày tựu truờng đầu tiên trong đời tôi, một con bé loắt-choắt "tí-nị" có đôi mắt to tròn, khép nép sợ sệt theo chân ba vào lớp hoc vỡ lòng. Đalat hôm ấy trời suơng mù dầy đặc che phủ các mái nhà. Ba bế con bé lên đặt trên cái thành xe đạp ngang, ông không quên lấy cái gối nệm cột bằng giây cao su lót cho con bé ngồi cho êm, rồi gò lưng đạp hì-hục lên con dốc. Hôm ấy con bé đuợc mặc chiếc áo tím mới tinh, cái quần lãnh đen, chân mang đôi guốc mộc do chính tay ba đẽo gọt, có cái quai guốc bằng vỏ xe cứng rất bền, trên vai đeo cái cặp mới tinh thơm mùi da bò. Khi ba chào thầy giáo ra về con bé khóc oà truớc đám học trò xa lạ, ba vuốt tóc bé và khuyên nhủ: "Con đừng sợ, hãy cố học và phải ngoan nghe lời thầy nghe con".
Mùa lụt lội năm 1955, một buổi chiều cuối tuần ba anh em được ba cho đi xem chiếu bóng ở rạp Ngọc-Hiệp, phim thần-thoại, "Mình Nguời Đuôi Cá". Cái máy chiếu phim đặt trên tầng lầu quay "sè sè" hòa lẫn  tiếng mưa  và sấm chớp nổ bên tai.  Lúc màn ảnh hiện lên chữ "Hết" mọi nguời chen nhau buớc ra cửa thì hỡi ơi, nước đã ngập đến tận bực thềm cao. Con bé khóc vì qúa sợ hãi.Trời chưa dứt cơn mưa, đã thấy bóng dáng ba lặn lội duới cơn bão tố lầy lội, chở thồ từng đứa trên chiếc xe đạp, mà nuớc ngập đến nửa bánh xe. Những luống rau xanh, bên cạnh những mái nhà tranh ở bên cái cầu bắc qua trường Đa-Nghĩa bị ngập chìm trong làn nươc cuồn cuộn đục ngầu, còn trơ lại cái mái nhọn ngoi lên. Đêm hôm ấy ba tôi bị nhiễm lạnh lên cơn sốt li-bì, vì thuơng con mà nhọc nhằn qua đỗi. Đó là trận lụt lớn nhất ở thi-xã Đà Lạt từ truớc đến nay mà tôi đã chứng kiến.
Vào những năm thanh bình duới thời cố Tổng-Thống Ngô-đình-Diệm, phường xóm tổ chức thi làm lồng đèn, văn-nghệ cho dân giải-trí. Vào dịp Quốc-Khánh ba bỏ thì giờ phụ cho anh em tôi làm những chiếc lồng đèn kéo-quân để dự thi, có những hình ngựa chạy, cá lội vòng quanh chiếc đèn thật đẹp. Tôi biết múa may và sinh-hoạt Gia-Đình Phật-Tử, nên Ba cho tôi đi thi hát. Ba ngồi dưới sân-khấu cổ-võ cho tôi, ông vui mừng khi tôi cất tiếng hát: "Đứng vùng lên nào bao Thanh-Niên yêu nước hướng về đây miền Nam thân yêu nắng sáng, theo vết chân nguời đi bao nắng mưa sương gió ngại ngùng chi". Tiếng vỗ tay ầm -ỷ vừa dứt, tôi cúi đầu chào quay vào hậu-trường. Thật bất ngờ khi loan-tin tôi đoat giải nhất, và chiếc lồng đèn anh tôi đứng thứ nhì.


Sáng hôm sau hai anh em tôi nhận tiền thuởng cộng lại hơn 20 đồng, mừng quá chúng tôi kêu một gánh mì Quảng của bà Hai vào nhà đãi hết đám bạn bè trong xóm có mặt hôm ấy ăn thỏa thích. Ba tôi đi làm về nghe chúng tôi tự động xài tiền không xin phép, liền phạt bắt nằm dài trên phản gỗ đánh một trận nên thân, anh tôi nằm ngoài lãnh đủ, tôi sợ qúa cứ la hoảng lên, thế là ba tôi ngừng tay lại.
Không thể naò quên được những ngày vui, hai cha con tôi trong chuyến đi về miền biển Phan-Thiết, khi tôi thi đỗ vào lớp Đệ Thất. Lần đầu thấy biển  sóng vỗ rì rào, bao la  và xanh biếc, ghe thuyền chở đầy ắp cá tôm làm tôi thích thú vô cùng.
Năm tôi mười bảy tuổi, ba tôi lo cho tương-lai con gái. Thấy tôi có đám con trai theo dòm ngó, ông bắt đầu lo sợ, vì muốn tôi có tấm chồng xứng đáng, sung-suớng để ấm tấm thân. Ông không muốn tôi làm “người yêu của lính,” thời chinh chiến nay đây mai đó, sống chết trong gang tấc, dễ trở thành quả phu. Vậy mà cuối cùng số tôi cũng làm vợ anh chàng nhà binh.
Ngày đám cuới tôi, khi tiễn tôi lên xe hoa, ba  đưa tay lau nuớc mắt bùi-ngùi, làm tôi buớc đi không đành đoạn chỉ muốn ở lai  bên ba. Ba nhắn nhủ và gởi gấm với me chồng tôi, làm ai cũng cảm-động rưng rưng lệ.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, miền Nam bị sup đổ, rơi vào tay Cộng-Sản, thảm họa đến toàn dân, trong đó có gia đình chúng tôi. Hụt hẫng biết chừng nào khi không có anh bên cạnh lo toan cho mẹ con tôi. Ba tôi lo đến già hẳn người, vì nhà có ba con rể và một đứa con trai đều đi "tù cải-tạo". Thuơng cho con cái, cháu chắt không đủ cơm ăn, áo mặc, ông phải nhường từng củ khoai, củ sắn cho con cháu. Tôi không giúp được gì mà còn đem thêm nỗi khổ đến cho ba.
Rồi ngày tôi đi qua Mỹ, khi tiễn tôi lên phi-truờng Ba tôi mừng mà cũng buồn vô hạn, mừng vì gia-đình chúng tôi đã được toại nguyện đến bến bờ tự do, không còn lén lút để tìm đường vuợt biên đầy chông gai, nguy hiểm, chạy trốn cái đất nuớc đã đối xử tàn tệ với mình, phần buồn vì thuơng nhớ, tưởng là cha con sẽ cách biệt muôn trùng. Giờ ra phi-truờng chia tay hai cha con tôi khóc xối xả đến ai thấy cũng đau lòng.
            . . .

Chuyến bay đáp xuống Sai-gon 11giờ trưa, sau 20 giờ bay. Buớc chân ra khỏi cửa phi-đạo là thấy ngay cái không khí ô-nhiễm của thành-phố, kèm theo cái nóng khác thường  cộng thêm những thủ-tục nhiêu-khê rườm rà ở cửa-khẩu Tân-Sơn Nhất. Tôi sốt ruột muốn mau mau có cái visa để ra về nên bỏ 10 dollars vào cai passport cho xong việc. Quả đúng như vậy, nhờ mấy đồng bac xanh xanh mà tôi được cậu cán bộ trẻ chiếu cố giải-quyết uu-tiên, với vẻ mặt tươi cuời niềm nở không như lúc mới vào. Cậu ta lên tiếng: "Cô chú chờ cháu một tí, cháu sẽ cố làm ngay". Vậy mà cầm lại được cái visa trong tay cũng mất hết một giờ đồng hồ, còn qua hai cái cửa để xuất trình giấy hải-quan và khám xét hành-lý.
Khi đẩy mấy cai va-li to đùng ra ngoài, em tôi đã đứng chờ sẵn, thấy nó đợi suốt ba bốn tiếng đồng hồ duới cái nóng như thiêu như đốt mồ hôi nhể- nhaị thật  tội nghiêp. Tôi mừng và lo lắng hỏi han về tình trạng của ba. Chúng tôi lên xe lập tức rời thành phố. Khi đến đèo Prenn trời tối sầm và mưa bắt đầu xối xả, tôi thu mình trong chiếc ghế gục đầu khóc nức-nở vì biết tin ba tôi quá yếu, không còn kéo dài được bao lâu nữa. Bác-sĩ cho đem về nhà và chuyền nuớc biển để cầm cự. Lúc tỉnh ba tôi cứ bảo mấy em gọi tôi về cho ông gặp mặt, nhưng hôm nay thì chẳng còn biết gì nữa rồi. Tôi chỉ nguớc mặt lên than trời: "Sao không cho ba khoẻ lại để nói với tôi vài lời".
 Xe vừa ngừng truớc cổng, tôi chay ù vào nhà, anh em cháu chắt ngồi quanh bên ba đông đủ, Mợ tôi buồn và khóc khi thấy tôi về: "Con mới về, đi xa có mệt không"". Tôi đáp: "Dạ hơi mệt thôi, Mợ ạ."
Không kịp chào hỏi mọi nguời tôi vội đến giuờng, ôm chầm lấy ba. "Ba ơi con về đây rồi, ba mở mắt nhìn con đi ba ơi, con là đứa con gái nhỏ bé của ba đây!". Ba tôi vẫn bất động,  ốm yếu xanh xao, gầy xọp hẳn đi, đôi mắt vô hồn, miệng há-hốc thở hơi nặng nhọc. Mấy ngày nay ba chỉ uống từng muỗng sữa, và nuớc cháo mà thôi. Thỉnh-thoảng ba nhăn măt vì những cơn đau nhức hoành hành. Tôi lai tiếp tục tỉ-tê bên tai người:
"Ba ơi sao không nói với con một lới nào"" Hình như trong hôn-mê ba tôi vẫn có linh tính tiếp nhận được tiếng gọi của tôi mà ông trông đợi. Từ từ ba nhấc bàn tay gân guốc để tìm lấy tay tôi. Mừng qua đỗi, tôi nắm chặt bàn tay và hôn lên trán của nguời. Những giọt nuớc mắt của ba từ từ lăn xuống má. "Ba ơi! Con thương ba lắm, đừng bỏ các con ra đi ba nhé". Chợt nhớ nhũng viên kẹo nhỏ đủ màu tôi đã mang từ Mỹ về, tôi chạy đến chiếc va-li cầm lấy đặt cạnh Ba và thì thầm bên tai ông: "Con mang vài phong keo ngọt về Ba hãy ăn cho con vui có được không"" Nhưng ba tôi nào hay biết gì.  Chỉ trong vài phút ngắn ngủi tay ba lại bất động buông xuôi rồi đưa mắt tìm kiếm chồng tôi, như muốn nhắn nhủ điều gì mà không nói được.
Tất cả mọi nguời trong nhà ngồi im lặng chia sẻ nỗi đau buồn chung. Mắt ai nấy đều rưng rưng ngấn lệ. Anh tôi từ Seattle về truớc một ngày, khuyên nhủ tôi:
" Thôi em đừng khóc nữa. Hãy để ba yên nghỉ, chằng còn cách nào hơn em ạ."
"Con là đứa bất hiếu, mười mầy năm nay ở xa biền-biệt, không kề cận săn-sóc cho ba lúc tuổi già, bệnh-hoạn. Ba tha thứ cho con ba ơi."
 Trời Dalat tháng Sáu mưa tầm tã, bầu trời ảm đạm thê lương. Tôi không còn màng đến việc gì khác chỉ ngồi cạnh đút vài muỗng sâm thoa bóp tay chân cho ba. Bác-sỹ đến thăm từng ngày và nói, ba yếu dần rồi, chắc không còn kéo dài được lâu, chúng tôi òa lên khóc.
Sau khi tôi về được ba hôm, cũng vào năm Đinh-Hợi, tháng Sáu, lúc 5 giờ sáng, ba tôi trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh chỉ có một mình em trai ùt của tôi ngồi canh chừng. Nó hốt hoảng chạy đi báo từng nguời thức dậy, khi thấy ba tôi nấc lên và trút hơi thở cuối cùng. Tôi ù chạy qua phòng ba tôi nằm, đưa tay vuốt mắt ba lần cuối, cầu xin Trời Phật cho ba ra đi đuợc bình yên.
Ba tôi là người sống hết lòng với mọi nguơi, trách nhiệm với gia đình vợ con. Trước khi chết ông lo chu toàn mọi mặt. Cách đây hơn muời năm ba tôi nghe tin khu nghĩa địa Số Bốn sẽ giải-tỏa, vì nơi đây đã lên kế-hoạch làm sân vận-dộng. Ba kêu gọi bà con trong giòng ho tộc Ngô ở bên nhà và nuớc ngoài đóng góp tiền để mua một khoảnh đất khang trang tại khu Thánh-Mẫu rộng lớn nằm ngay ở mặt tiền. Ba tôi lo xây trước hai "ngôi mộ gió" thật đep dành cho hai ông bà. Giờ thì ông đã nằm cạnh mẹ tôi, sau 60 mươi năm dài đằng đẵng. Cuộc đời ông trải qua những năm tháng khổ đau sóng gió, ông không hề bon chen giành dựt tranh đua, chỉ dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để kiếm sống. Ba tôi tự tay đóng hai chiếc hòm bằng gỗ tốt tuyệt đep, để sau trại mộc và chuẩn bị chu đáo đồ tang lễ, nào là vải sô trắng, cát min để liệm khi ba nằm xuống. Ngần ấy thứ cũng đủ cho anh em chúng tôi bùi ngùi nhắc nhở.
Cả gia-đình bận rộn lo thủ tục làm đám tang cho ba. Bốn ngày không thấy ánh nắng mặt trời, mây đen u-ám buồn như nhỏ lệ cùng  chúng tôi.
Hôm đám tang ba được cử hành có cơn mưa nhẹ hột. Chúng tôi vây quanh quan-tài ba mà khóc ròng. Người đưa đến đông nghẹt dù đường trơn trợt uớt át. Đoàn xe chạy ngang qua nhũng phố phường, lên dốc Duy-Tân, qua Hàm-Nghi.. Khi ngang qua ngôi truờng Nữ trung hoc BTX mà tôi đã từng học, lòng tôi bồi-hồi lưu-luyến, nhớ những lần ba đã đến đón tôi lúc tan học. Có những hôm về trễ, ba tôi kiên nhẫn ngồi đợi truớc cổng truờng ở cái bệ xi-măng, dáng mệt nhọc, khi thấy bóng tôi ba đã cuời tươi vồn vả: "Con có đói bụng không"", người chỉ lo cho tôi mà quên hẳn mình phải ngồi co ro trong gió lạnh.
Lễ an-táng ba tôi tại nghĩa-trang cử hành theo nghi thức Phật-giao, có rất đông chư-tăng đến tụng niệm, trong quang-cảnh trang-nghiêm.  Đến giờ hạ huyệt, tôi lặng lẽ bỏ những phong kẹo đủ màu cạnh chiếc hòm của ba truớc khi lấp đất. Tôi thì thầm với ba "Con gởi lại mấy gói kẹo này  để ba ăn và nhớ đến con gái ba lúc nào cũng thuơng ba". Những nguời thân trong gia-tộc, anh em con cháu từ  Quy-Nhơn, Phan-Thiết, Quảng Nam cũng lặn lội về để tiễn người lần cuối. Ai cũng bảo ông có phúc, ra đi nhẹ nhàng  ở tuổi 90, con cái đầy đủ, không thiếu thốn gì, nhưng sao tôi cũng thấy buồn, uớc gì ba tôi đuợc sống thêm với các con 100 tuổi để tôi được trả ơn phung duỡng cha già.
Sau khi cúng mở cửa mả cho ba, buổi tối truớc ngày đưa tiễn vợ chồng tôi về Mỹ, anh chi em ngồi ăn với nhau bữa cơm ôn lai kỷ-niệm cuộc đời của ba.
  . . .
Sau ngày ba mất, trở về Mỹ, tôi thường nhớ lại những ngày đầu tiên trên đất khách quê nguời, gia-đình tôi thời ấy  rất là khốn đốn vất vả, bôn ba kiếm sống, nhưng lúc nào cũng tưởng nhớ đến ba, tôi dè xẻn dành dụm gởi về cho ba chút ít để chi dùng.
Hoàn cảnh khó khăn khiến tôi không thể làm hết được điều mình mong ước.  Tôi tiếc là không thể đưa ba du-lịch qua Mỹ. Khi tôi trở về được lần đầu thì ba tôi đã không còn khoẻ vì đôi chân yếu nhiều.
Kể từ ngày ba bỏ ra đi vĩnh-viễn, những viên kẹo đủ màu M&M với tôi chỉ còn là thứ vô vị nhạt-nhẽo đắng ngắt.
LYNH-PHƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,653,807
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến