Hôm nay,  

Cho Buổi Thu Về Muộn

07/03/200900:00:00(Xem: 150863)

Cho Buổi Thu Về Muộn

Tác giả: Trần Lệ Khanh
Bài số 2551-16208628- vb730709

Tác giả là cư dân Toronto nhưng bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô kể chuyện những năm đầu định cư tại Mỹ, của một gia đình đoàn tụ theo diện bảo lãnh. Bài viết thứ hai của Trần Lệ Khanh là một truyện tình Mỹ Việt muộn màng. Mong cô tiếp tục viết.

***
Chị Quỳnh làm chung hãng với cô em tôi, thỉnh thoảng chị đến nhà chúng tôi mỗi khi có tổ chức tiệc tùng và vui hát karaoke với nhau. Nhờ đó, tôi mới biết về hoàn cảnh của chị.
Nếu kể về tuổi tác, chị Quỳnh hơn tôi khá nhiều, nhưng hình như khi con người đã qua tuổi 40, thứ bậc về tuổi tác không còn kể đến nữa thì phải. Dù đã ngoài năm mươi, trông chị Quỳnh vẫn trẻ hơn số tuổi, có lẽ do vóc dáng thon gọn và sự nhanh nhẩu hoạt bát của chị đã khiến nhiều người khó đoán đúng tuổi của chị. Lần đầu gặp chị Quỳnh, tôi còn tưởng chị ấy bằng hoặc kém tuổi tôi, may là cô em tôi tự nói việc bói toán, xem tuổi thì mới tôi mới biết tuổi thật của chị ấy. (Thiếu chút nữa tôi bị  quê  vì hấp tấp trong lối xưng hô.)
Điều kỳ lạ là chị Quỳnh đâu phải xấu, chị khá xinh đẹp nhưng sao chẳng thấy chị nói tới bồ bịch, người yêu người ghét chi cả. Chị vẫn chưa lập gia đình, vẫn mang cuộc sống độc thân nơi vùng Bắc Mỹ, nơi mùa lạnh dài gần 6 tháng và người Việt sống rãi rác. 
Tìm hiểu nguyên nhân:  Thì ra, lúc còn ở Việt Nam chị lo đi vượt biên, không dám nghĩ tới chuyện yêu đương, rồi sang đến đảo, chị  nghĩ tới chuyện định cư, tới Mỹ thì chị lo đi làm overtime để phòng khi thất nghiệp còn có tiền xài. Bao nhiêu vấn đề của đời sống vật chất đã được chị ưu tiên giải quyết, chỉ riêng phần tình cảm là điều chị nghĩ đến sau cùng khi tuổi đã muộn màng.
Chị băn khoăn hỏi tôi "Có phải đàn ông ưa thích gái trẻ và mình thì đã già, phải không em""
Để gác ngang ý tưởng tiêu cực ấy của chị, tôi trả lời :"Không đâu. Già có theo già, trẻ có theo trẻ, chị đừng lo không có tình yêu. Ăn thua là mình có yêu hay không. Mình có niềm tin vào sự chân thành của đàn ông hay không thôi. "Nói xong, tôi lãng sang chuyện khác vì  không muốn mình thành thứ thầy đời, ưa lên mặt chỉ dẫn kẻ khác trong khi mình chẳng ra chi.
Vậy mà chị vẫn còn cố níu kéo "Có lẽ tuổi chị là tuổi con cọp, ông bà mình nói người tuổi Cọp cao số lắm.  Có lẽ vậy chị gặp ai, đều thấy nói chuyện không hợp. Chỉ một vài lần là chị thấy trớt quớt, chia tay cái rụp...."
Tôi ngắt ngang câu nói của chị bằng cách dúi vào tay chị cái micro và chỉ vào màn hình Tivi, ra lệnh "Hát đi. Chữ hiện màu rồi kia kìa. Bà này hay hỏi han lộn xộn quá."
 Như một ca sĩ chuyên nghiệp, chị Quỳnh đứng dậy với dáng lưng rất thẳng, tay chị cầm cái micro và miệng hát theo với dòng chữ xuất hiện trước màn hình TV.  Đầu chị nghiêng nghiêng về một bên, mái tóc phía trước lòa xoà che một góc trán, mắt chị mơ màng khi lột tả những cảm xúc của bài ca. Dường như trong thế giới âm thanh ấy, chị không còn nghĩ gì tới chung quanh nữa. Ai nói ai cười, mặc kệ. Chỉ còn những tiếng vọng trong tâm hồn chị. Chị đang xuất thần và cuốn tôi theo với tiếng hát của chị.
Chừng lát sau, tôi mới biết thêm, chị Quỳnh đã từng học thanh nhạc, từng trong lò đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức một thời gian. Nếu không có cuộc đổi đời tháng Tư đen 1975, chắc chị sẽ là một ca sĩ với cái tên Phương bắt đầu như Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Diễm Hạnh....chứ chẳng chơi.
Đám tụi tôi xúm nhau trêu ghẹo chị "Chà, kỳ này có Phương Thị Quỳnh. Í lộn, phải đảo chữ Thị Quỳnh thành Quỳnh Thi thì mới đúng điệu văn vẻ...Nè, nè, xin giới thiệu qúy vị bữa nay chúng ta có ca sĩ Phương Quỳnh Thi đây nghen."
Chị biết chúng tôi nói giỡn, chị không chấp nhất với đám đàn em. Được thế, chúng tôi hay xầm xì với nhau, con người tài sắc như thế mà vẫn lận đận trong tình duyên, tìm hoài không có mảnh tình rách nào vác vai. Uổng thiệt.
Tiếc nuối cho tài năng âm nhạc của chị, tôi đánh bạo hỏi cớ sao chị không theo nghề ca hát. Chị lắc đầu quầy quậy. "Ơi, hát hò cho vui vậy thôi em ơi. Làm ca sĩ ở hải ngoại không bền đâu em, cuộc sống trôi nỗi chỉ đẹp ở sân khấu, chứ có ông chồng nào chịu đựng được cảnh đứng sau cánh gà  dỗ con cho vợ hát, đêm đêm chờ vợ hát xong chở vợ về nhà hở em. Chưa kể còn có những buông thả trong cuộc sống nữa. Bởi vậy chị không làm ca sĩ đâu."
Câu nói của chị nhắc cho tôi về những câu chuyện tình tan vỡ của nghệ sĩ, lòng đam mê nghệ thuật của họ luôn gặp thử thách. Không lẽ ông Trời tạo ra những thiên tài nghệ thuật thì cũng tạo ra những bất hạnh cho người nghệ sĩ nữa ư"
Tôi cười trêu "Chị Quỳnh sợ 'cao xanh quen thói má hồng đánh ghen', hỏng dám làm ca sỹ thì chị cũng phải lo bồ bịch yêu đương đi chứ."
Một thời gian sau, tôi nghe một đứa trong nhóm hát karaoke hớn hở loan tin "Bà Qùynh có chồng rồi tụi bây ơi. Bả lấy Mỹ."
"Bà này gan thiệt. Tiếng Mỹ của bả không đầy một bàn tay. Bả xài toàn là động từ 'tu-quơ'  mà dám lấy chồng ngoại quốc." một đứa lên tiếng.
Đứa khác nói thêm "Bà Quỳnh không hẳn lấy chồng, mà là boyfriend girlfriend ở với nhau thôi.
Khi nghe điều ấy, tôi nửa mừng nửa lo cho chị. Tôi mừng cho chị Quỳnh đã tìm được một chỗ dựa tinh thần khi mùa thu của cuộc đời đang ngấp nghé. Nhưng nghe tới việc ông bồ Mỹ không muốn làm giấy hôn thú, tôi cũng lo lo giùm chị.
Tôi cảnh giác "Ông Charles là dân da trắng, tình yêu tình dục không biết đâu lường được với lối sống hiện sinh của Tây phương. Biết đâu ông ta lợi dụng lòng mềm yếu của chị, rôì lúc nào đó ổng chán chê, ổng bỏ chị thì sao. "
Nghe vậy, chị cũng có một thoáng tư lự. Nhưng rồi chị nói "Ông Charles goá vợ đã lâu, hiện ổng có hai đứa con gái đang học đại học và ở nội trú. Ông có một căn nhà vừa ở vừa cho mướn. Lương bổng của ổng cũng khá cao, chỉ vài năm nữa là ổng về hưu. Ổng còn nói với chị, trước kia ổng cũng đã có girlfriend ở chung với ổng."
Tôi túm lấy câu nói của chị Quỳnh, nói liền "Nghĩa là trước khi đến với chị, ông Charles đã sống tạm bợ với nhiều người khác, vậy chị đừng tin vào sự chung thủy của người ta nha. Chị vào nhà ổng ở, giống như thay thế cho cô bồ cũ của ổng. Có ngày ổng đuổi chị ra khỏi nhà đó."
Có lẽ vì sự nhắc nhở của đám chúng tôi, chị Quỳnh nằng nặc đòi ông Charles đi mướn apartment để sống chung. Ông Charles đành chìu chị, cho mướn nốt phần nhà của ổng, rồi thu xếp đi theo chị Quỳnh đến ở trong một căn chung cư chập hẹp. Diện tích chỗ ở bị thu nhỏ lại nhưng ông Charles không phàn nàn điều gì cả. Với họ, chỗ ở càng chật, càng ấm nồng hạnh phúc, tôi chắc vậy.
Mặc dù họ không ra toà thị chánh làm hôn thú, chị Quỳnh và ông Charles dẫn nhau về VN làm đủ lệ bộ cưới xin với họ hàng của chị.
Chị Quỳnh mang tập album ra khoe với chúng tôi về những tấm hình của họ ở Việt Nam. Chị chỉ vào tấm hình ônng Charles  trong bộ áo dài khăn đóng của chú rể, mồ hôi rịn trên mặt, cao lêu nghêu giữa đám họ hàng nhà vợ. Đứng bên cạnh ông Charles, hẳn nhiên cô dâu Phương Quỳnh Thi tươi tắn và xinh đẹp rồi.
Tôi vừa lật cuốn album của chị vừa hỏi về cuộc tình của hai người 
"Ủa, mà sao chị quen được với ông Charles" Chị đừng có nói là ổng biết hát Karaoke VN rồi hai người quen nhau ở quán karaoke nha. "
"Chèn ơi ! Làm sao quen ở quán karaoke hả em. Em biết chị đi làm suốt ngày, overtime mút chỉ thì làm sao có thời gian ra quán. Chẳng qua đến nhà bạn bè party, chị hát chơi vui vui thôi, chứ hảng chị mà mở cửa 7 ngày chắc chị dám mang cái sleeping bag đến đó ngủ đặng làm 7/7 luôn đó em.
"Vậy chứ làm sao chị quen với ông Charles" Hai người không làm chung với nhau, ở hai khu vực khác nhau thì làm sao biết nhau mà yêu "" Tôi tò mò hỏi.
"Duyên trời định em à."
Tôi thích thú dõng tai lên nghe Love Story Tình Muộn.
 Số là chị bị đau cảm, chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Đứng ở quầy bán hàng, chị than thở với bà dược sĩ về cuộc sống độc thân của chị, khi đau ốm không có người chăm sóc hỏi han, muốn cạo gió giác hơi mà chẳng ai đến giúp vì chị ở xa đám bạn bè quá.  Ai dè, ngày hôm sau ông Charles đến mua thuốc ở đó. Bà dược sĩ nói với ông Charles "Ông là đàn ông, ông còn có thể chịu đựng được những cơn đau, chứ tôi có cô khách độc thân bị bệnh, nằm chèo queo một mình, cần người thăm hỏi mà không có ai phôn đến kia kìa." 
Không biết nghĩ sao, ông Charles hỏi xin số điện thoại của chị.
"Kể như bà dược sĩ ấy làm mai tốt tay thiệt." tôi nói.
Sau hai tháng liên lạc với nhau trên phôn, kế tiếp là giai đoạn hẹn hò gặp mặt. Ôi trời, nghe kể về buổi hẹn đầu tiên của chị Quỳnh và ông Charles, mọi người cười ngất. Thông thường ở buổi đầu tiên hò hẹn, những đôi tình nhân luôn chọn những chỗ tình tứ thơ mộng như quán cà-phê hay công viên hoặc bên dòng sông, mé nước, lùm hoa (để chàng còn rút trong túi ra bài thơ Mộng Dưới Hoa nữa chứ!) Đằng này hai người hẹn nhau ở trạm xăng, là điểm giữa quãng đường của nhà họ. Đã vậy thì thôi đi, chị còn khai thêm; khi bước xuống xe, trên tay mỗi người cầm theo một cuốn tự điển!
"Tình yêu hải ngoại có khác." Bọn chúng tôi cười bò ra,  "Vậy chứ, thời gian quen biết nhau mấy tháng qua, hai ông bà nói chuyện trên phôn thì sao" ai thông dịch""
"Đâu có ai thông dịch, chị biểu ổng đánh vần chữ nào ổng muốn nói với chị, chị viết xuống, tra tự điển xong, chị mới trả lời."


"Trời đất, đây là lời tỏ tình qua tự điển....May là hai ông bà không phải trả tiền điện thoại đường dài long distance." Tôi hì hì cười.
"Bởi vậy chị phải cám ơn những người biên sọan tự điển, nhờ có nó, hai đứa chị mới nói chuyện với nhau được. Ông Charles thương chị lắm đó em."
Hai gò má chị ửng hồng vì bị tra vấn bởi lủ bạn bè nghịch ngợm
Bẳng đi một thời gian vắng chị trong những buổi hát karaoke, chúng tôi thấy nhớ nhớ, bèn nhắc "Bà Quỳnh vậy mà sướng, cuối đời còn dzớt được một ông Mỹ yêu đương ra rít, hỏng thèm đến karaoke với tụi mình nữa."
Hơn một năm không thấy chị, chúng tôi đoán chừng chị đang ấm êm hạnh phúc.
Bổng  môt tối nọ, chị Qùynh phôn tới vừa khi tôi xong phần cơm nước dọn dẹp trong ngày. Nghe tiếng chị Qùynh bên kia đường dây, tôi lấy làm lạ. Sao tự dưng chị Quỳnh kiếm tôi " Hay là đôi này sắp tan tác, đường anh anh đi, đường tôi tôi đi vì chán ngán nhau chăng" Bởi vậy tôi chuẩn bị tư thế "Gỡ rối tơ lòng" cho đôi tình nhân Việt Mỹ, chờ nghe cô bạn  già  tâm sự
Vài câu thăm hỏi qua loa xong, bằng giọng chậm rãi, chị Quỳnh nói "Bác sĩ ở bệnh viện bắt phải có người thông dịch rõ ràng thì họ mới mổ cho chị. Em thông dịch giúp chị được không""
Tôi thảng thốt la lên: "Chị bị bệnh gì mà phải giải phẩu.'
"Chị bị nghi là ung thư vú em à."
Tôi sững người với cái tin quái ác ấy. Bao nhiêu ý tưởng bỡn cợt của tôi lúc bắt phôn tan biến ngay lập tức. Thay vào đó là niềm xúc cảm thương tâm. Tôi thương cho cuộc đời một người con gái lấy chồng vào tuổi muộn màng, hơn năm mươi tuổi mới biết rung động trước tình yêu, tưởng là đã được yên ấm, ngờ đâu trời nỡ hành hạ thân xác chị với những cơn đau trước khi chia cắt cuộc tình bằng đôi ngã âm dương.
Trong bệnh viện, ông Charles và tôi, cả hai lắng nghe câu nói của người bác sĩ trình bày về những dự định cắt bỏ lát tế bào phát triển bất thường trong người chị. Tôi tức tối, vặn vẹo những lời giải thích của bác sĩ, gì mà chị Quỳnh đau nhức vú, đã đi bác sĩ khám và làm mamography mà bác sĩ vẫn không định bệnh được, để cho hai tháng sau, ở lần chụp mammography lần thứ nhì, bác sĩ mới quyết định gửi đi chuyên khoa. Giờ thì nói là "tình nghi" "có thể" để cố bào chữa cho việc chạy chữa chậm trễ, mang người ta ra mổ.
Tôi bực dọc đưa mắt nhìn qua phía ông Charles, hòng mong ông ấy hùa với tôi trách móc bác sĩ.  Nhưng không, tôi bắt gặp ông Charles đang nhìn chị Quỳnh bằng một ánh mắt thân yêu trìu mến.  Ông Charles bình tỉnh, ôm lấy vai chị Quỳnh và nói "Don't worry, I love you." Cảnh tượng ấy khiến tôi phải quay mặt đi để không ai thấy mắt tôi đang ướt.
Sau khi mổ, cuộc điều trị bằng hóa chất sau cuộc giải phẩu cắt bỏ một bên vú đã làm cho chị Quỳnh rụng hết tóc. Cái đầu trơ trụi, trọc lóc, hai con mắt choán gần hết cái mặt, gò má là lớp da phủ lên. Trông chị thảm thương vô cùng.
Tôi lắng nghe chị kể lại quá trình chữa trị của chi. Những lúc chị bị thuốc hành, chị cáu gắt, nổi giận. Chị đập phá đồ đạc, lớn tiếng đuổi ông Charles ra khỏi nhà. Chị như một con điên với những cơn vật vã khóc lóc. Qua cơn tủi phận, chị như chợt tỉnh cơn ác mông, ngồi xìu nơi ghế sofa, hối hận về lời xúc phạm của mình đối với người yêu. Được điều là chẳng bao lâu ông Charles ở đâu lù lù bước vào nhà, ôm lấy chị vỗ về như người cha ôm đứa con ủi an.
Trong màn nước mắt, chị thú nhận với tôi về sự bẳn gắt của chị "Thường xuyên như vậy đó em."
 Tôi cũng ngạc nhiên với ông Charles. Thông thường cánh đàn ông khi ra khỏi nhà, họ đi cho bõ ghét, có ông  tìm đến các quán bar nhậu nhẹt say sưa, hoặc có ông tìm đến những Night Club ôm ấp các cô gái khác, gặp ông nóng tính thì bà vợ khó tránh nổi cái bạt tai nếu dám cáu gắt lớn tiếng với chồng. Còn các chàng bồ Mỹ thì dễ gì gắn bó khi cô girlfriend bị bệnh. Vậy chứ ông Charles làm gì và đi đâu mà chỉ một chút sau trở về nhà. Tôi hỏi chị Quỳnh điều ấy.
"Còn đi đâu nữa. Ổng lái xe ra đầu đường, rồi ngồi ở đó chứ đâu." chị Quỳnh trả lời.
"Ngồi trong xe hút thuốc hả""  Tôi hỏi
Chị nhè nhẹ gật đầu.
Thiệt, chỉ có yêu nhau người ta mới có thể nhín chịu mọi sự, tôi khâm phục sức chịu đựng của ông Charles vô cùng. Bởi vì vào lúc giữa mùa đông nơi vùng phía bắc của nước Mỹ, nhiệt độ dưới Zero độ C khá xa, mảng nước luôn chực chờ thành lớp băng giá trên đường, lạnh buốt cóng như vậy nhưng ông vẫn ngồi trong xe để đợi cơn giận của chị Quỳnh nguôi ngoai, ông mới vào nhà. Ôm lấy cái thân thể gầy gò trong tay, ông nói với "Anh biết em đang chịu đựng phản ứng phụ của hoá trị mà." Chị Quỳnh bật khóc như môt đứa con nít vừa bị ai bắt nạt, bổng có được người bênh vực. Chị vùi đầu vào lòng ông Charles, khóc thỏa thuê. 
Cái số của chị lận đận, khóc dài dài hay sao đó. Người ta bình thường chỉ giải phẩu một lần là đủ, nhưng chị Quỳnh phải chịu thêm một cuộc giải phẩu nữa, bác sĩ mới có thể cắt hết những di căn của chứng ung thư. Trong những lần đó, tôi vẫn tiếp tục làm thông dịch cho chị Quỳnh ở bệnh viện.
Túc trực bên cạnh chị luôn là ông Charles. Đứng cạnh giường bệnh, ông nói với chị Quỳnh: "Em biết không. Anh yêu em lắm. Hơn ba mươi năm làm việc, anh chưa bao giờ lấy ngày nghỉ cho ai cả. Cha anh chết, anh xin nghỉ có một ngày để đi làm đám tang cho cha. Nhưng biết em đau đớn thể xác, cả tuần lễ nay anh luôn ở bên cạnh em."
Nước mắt tôi rơi dài trên má, chứng kiến cho cuộc tình Việt Mỹ và lời thương yêu tha thiết của người đàn ông dị chủng.
Cơn đau gây ra bởi những vết mổ trên thân thể của chị chưa chấm dứt thì nỗi đau tinh thần kéo đến.
Ông Charles bị ung thư phổi vào thời kỳ cuối. Cái tin như sét đánh ngang tai mọi người. Chính ông Charles cũng không ngờ đến. Ông chỉ thấy đau đau lồng ngực, ông uống thuốc cảm cúm qua loa và đi làm bình thường. Hôm ấy, ông có triệu chứng mệt và khó thở, nghe lời chị thúc giục, ông đi khám bệnh. Khi cả hai nghe xong lời phán quyết của bác sĩ, họ ngẩn ngơ như người mất hồn. Ông Charles đã bị ung thư phổi vào thời kỳ chót, nghĩa là mạng sống đang như chỉ mảnh treo chuông, ông chỉ còn đủ thời gian thu xếp cho hậu sự.
Nước mắt của chị Quỳnh rơi lả chả, chị nói "Chị cầu xin với Phật với Chúa, nếu Phật Chúa thương chị thì hãy mang chị đi trước ông Charles." Chị nghẹn ngào giải thích "Không phải  chị ích kỷ đâu em à. Chị chết trước ông Charles thì chị còn được ổng chôn cất cho chị. Chứ ổng chết trước, chị đâu có con cái, ai là người chôn cất chị hả em"".
Tôi hết nói được câu nào nữa.
Trước ngày đưa tang ông Charles, chị băn khoăn về việc đi sau áo quan ông Charles. Chị hỏi tôi  "Chị chỉ là girlfriend của ổng, không có danh chính ngôn thuận trong giấy tờ giá thú, vậy làm sao mình được gọi là thân nhân để đến nhà quàng và để đưa ổng ra mộ""
"Thân nhân của ổng gồm những ai""
"Ổng có hai đứa con gái và có bà vợ cũ"
"Chị cứ đi đến nhà quàng, em nghĩ mấy đứa con ổng là dân Mỹ, nó không bắt bẻ dằn hắt chị đâu. Chỉ e ngại bà vợ cũ của ổng thôi. Nhưng họ li dị nhau đã lâu, chưa chắc bả dám ghen tương ầm ỉ." 
Chị Quỳnh đưa người chị yêu đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Ở nơi an táng, sau phần nghi lễ là lúc mọi người chia tay với kẻ quá cố bằng những bông hoa ném xuống huyệt. Chị sụt sùi nói với tôi "Vết mổ của chị mới cắt chỉ, chị không cử động nhiều được. Em làm ơn giúp chị, ném xuống cho ổng một cành hồng."
Tôi làm theo lời chị. Lòng tôi bời bời cho mối tình thắm thiết.  Sao những cuộc tình đẹp bao giờ cũng ngắn ngủi. Nỡ lòng nào Hoá Công bắt họ phải xa nhau"  
Ông Charles quả là người chu đáo. Ông ra đi nhưng ông vẫn chăm sóc chị Quỳnh.  Trong di chúc dặn dò, ông dành cho chị một số tiền khá lớn để trang trãi những chi phí bệnh viện và tịnh dưỡng cho chị. Ông không còn trong cõi trần gian nữa, nhưng ông vẫn lo cho người ông yêu, ốm đau không đủ sức đi làm thì ai chăm sóc, ông thương chị vất vả với cuộc sống lẻ loi.
Trong làn nước mắt, chị Quỳnh nghẹn ngào nói "Chị không cần tiền đâu, chị chỉ cần con người thôi, em biết không"" Nói xong, chị bật khóc nức nở.
Tiếng thút thít của chị khiến tôi như bị cắt xé từng mảnh tâm tư. Biết nói gì đây để an ủi chị ấy.
Mãi một lúc sau, tôi ngần ngừ nói ""Chị à, ông Charles ra đi. Nhưng chị có biết, ngoài tiền bạc của ổng ra, ổng còn để cho chị cái gì không""
"...." chị im lặng.
 "Ổng để lại cho chị một niềm tin vào tình yêu. Chị đã được ông Charles yêu quý thì chị tin rằng trên đời này sẽ còn có nhiều người đàn ông khác tốt bụng và thương yêu chị như ông Charles. Có vậy thì chị mới tin vào tình yêu là bất diệt. Phước cho những ai còn có được tình yêu, dẫu chỉ là thương nhớ một bóng hình. Còn yêu là còn có phước đó chị à. Còn hơn  nhiều người đàn bà khác gặp phải dạng đàn ông lừa lọc phản bội, khiến họ không còn tin rằng trên đời còn có  người đàn ông chân thành và chung thủy, đó là những người đã mất niềm tin trong tình yêu. Đó mới là sự đau khổ cùng cực chị ạ. Bởi vậy phải kể chị là người may mắn vì chị đã được ông Charles yêu cho đến lúc tàn hơi."
Dìu chị Quỳnh vào nhà xong, tôi trở ra xe. Tiết trời với những đợt gió giao mùa thổi về từ phương bắc, tôi  đưa tay quấn lại chiếc khăn quàng cổ.  Gió không làm tôi lạnh, nhưng trong tôi đang thấm buốt nỗi tái tê cho buổi thu về muộn.
Thương biết mấy, phận người trắc trở buổi thu sang.
Trần Lệ Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến