THIÊN LÝ
Tác giả: Huyền Thoại - Thịnh Hương
Bài số 2481-16208558-vb5111208
Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau, Huyền Thoại- Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006õ. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose. Bài viết mới của cô là chuyện chồng (sinh năm) Trâu, vợ (sinh năm) Cọp.
Năm 1976, tôi làm thiện nguyện cho cơ quan USCC để giúp người Việt ổn định trong những ngày đầu bỡ ngỡ trên một xứ sở đầy khác biệt. Mỗi chiều, sau công việc ở sở làm chính, tôi đến đây khoảng hai giờ đồng hồ. Thứ bảy, tôi làm trọn ngày. Chủ nhật tôi dành cho riêng tôi. Ngoài ý nghĩ "làm phúc lấy đức", tôi cũng muốn bận rộn để quên bớt nỗi buồn thất tình đang gậm nhấm con tim . Hồi trước, tôi có một anh bạn gốc người Long An. Lúc người yêu ôm cầm sang thuyền khác, anh buồn quá, đêm đêm ôm cái cassette, nghe đi nghe lại bài hát có câu " Thôi là hết em đi đường em. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi! &" Lúc đó, tôi thấy tội nghiệp anh ta, và tự hỏi sao lại có người yêu hết mình đến cỡ đó. Làm như trên đời không còn ai nữa để mà yêu! Nhưng bây giờ thì tôi hiểu được nổi sầu của kẻ bị "bồ đá".
Sơ Catherine cho tôi hay có một cô Việt Nam mới đến xin làm thiện nguyện "on-call". Nghĩa là khi nào chúng tôi cần thì gọi cho cô biết, nếu cô sắp xếp được thời giờ thì cô đến giúp, chứ cô không muốn có thời khóa biểu nhất định. Tôi không hỏi sơ cô này là ai, nhưng đoán cô là dân đang du học trong lúc quân của ông Hồ vô Nam giải phóng tự do. Chứ người mới tới, ai có điều kiện mà đi làm thiện nguyện!
Cô đến làm hồ sơ và nhận thẻ nhân viên nhằm lúc tôi đang có mặt. Đó là một cô gái nhan sắc trung bình, nhưng có nụ cười rạng rỡ, khoe hai hàm răng đều như hai hàng bắp. Cô cao hơn những người con gái Việt Nam mà tôi quen, và tướng đi của cô cũng không tha thướt hoặc làm dáng chút nào. Cô mặc quần jean, áo sơ mi màu xanh đậm bỏ ngoài quần, chân mang giầy tennis trắng. Tóc cô cột ngược về phía sau thành một một lọn rỗi giữ chặt bằng cây trâm nhựa nhọn hoắt. Đôi vai ngang của cô vì vậy càng thêm ngang. Căn cứ vào tờ khai lý lịch, tôi biết cô kém tôi một tuổi. Cô tên Thiên Lý, Lê Thiên Lý. Sau khi giúp cô hoàn tất hồi sơ, tôi gợi chuyện:
- Cô đang đi học"
- Tôi vừa đi học vừa đi làm. Lấy GD xong thì học nghề y tá.
Vậy là cô không phải dân du học. Tôi hỏi tiếp:
- Cô đi làm ở đâu" Có gần đây không"
Vừa cất giấy tờ vào chiếc xách tay bẳng vải denim, cô vừa trả lời:
- Buổi chiều "moa" làm waitress ở nhà hàng kiếm tiền giúp "ông bà già". Thứ bảy tới võ trường dậy Judo. Cũng gần đây thôi.
Trời đất, nàng dậy Judo" Hèn gì tướng tá nàng nhiều nam tính hơn nữ tính, kể cả bộ ngực rất khiêm tốn của nàng. Nàng "ăn tiền" nhờ nụ cười tươi và đôi mắt long lanh như hai ánh sao. Tôi kéo dài câu chuyện:
- Wow... Cô dậy võ! Chắc đẳng cấp phải cao lắm"
Nàng dấm dẳng trả lời:
- Đai đen. Đệ nhất đẳng .
Bỗng nàng trở nên bực dọc, nói tiếp:
- Mẹ kiếp, dạo 54, ông bà cha mẹ tôi chạy bọn Việt Cộng trối chết. Năm ngoái chạy tiếp, kéo theo cả đàn con, trong đó có tôi.
Lần đầu tiên tôi mới nghe một cô gái chửi thề tỉnh bơ trước mặt nam giới chẳng ngại miệng. Bị kích thích vì tính khí khác người của nàng, tôi hỏi thêm:
- Gia đình cô có ai bị sót lại không"
- Ông anh rể và thằng em trai. Chẳng biết bây giờ ra sao.
Nàng chuẩn bị ra về. Tôi cố hỏi thêm:
- Gia đình cô ở gần đây"
- "Ông bà già" ở thành phố kế bên. Tôi ở đây với mẹ nuôi.
Câu trả lời của nàng tôi làm tôi thắc mắc, nhưng không dám hỏi thêm, sợ nàng gắn cho cái nhãn hiệu tò mò thì quê lắm. Những ngày sau đó, nghĩ đến vẻ ngang tàng và thái độ coi tôi như cục gạch của Lý, tôi cảm thấy thú vị và tự nhủ sẽ tìm hiểu hơn về nàng.
Sau mấy lần tiếp xúc với tôi trong công việc, Lý có vẻ thân thiện và cởi mở hơn. Nàng bảo nàng muốn học điều dưỡng vì hồi còn bên Việt Nam nàng có những kinh nghiệm không mấy đẹp với giới y tá bên đó. Thay vì "lương y như từ mẫu" thì phần đông họ dữ như hà bá, muốn làm "ma nhà thương" thay vì tiên nương áo trắng. Có dạo mẹ Lý đau nặng phải nằm bệnh viện . Tâm lý người bệnh thường lo sợ, và vì vậy hay gọi y tá. Gọi năm lần bảy lượt y tá mới đến, trợn mắt quát nạt:
- Đau thì ráng mà nhịn, kêu gì mà kêu hoài! Mỗi chút mỗi kêu. Bộ tôi làm đầy tớ mấy người hả"
Cảm nhận được tâm tình của những người bệnh qua chính mẹ mình, Lý muốn học làm bác sĩ, nhưng tự biết không đủ điều kiện nên cô quyết định học điều dưỡng. Tôi nhìn Lý, thán phục. Đằng sau cái bề ngoài ngang tàng và ngổ ngáo của nàng là một tấm lòng nhân ái vị tha.
Lý cho tôi biết hiện nay "ông bà già" đang ở với hai cậu con trai và bốn cô con gái trong một chung cư ở thành phố kế bên, chỉ cách nửa giờ lái xe. Lý là con thứ hai trong gia đình. Người chị cả của nàng ở căn apartment kế cạnh với bốn đứa con nhỏ. Đứa lớn mới có bảy tuổi. Đứa nhỏ nhất vừa ăn sinh nhật thứ hai tháng trước. Chị đang đi làm "house keeping" cho gia đình một ông mục sư. Mẹ Lý làm việc vặt trong nhà bếp của trường tiểu học địa phương và "ông gìa" nàng làm tài xế gia đình, đưa đón vợ con và bốn đứa cháu ngoại mỗi ngày. Lý bảo tôi nàng và "ông già" nàng kỵ tuổi nên rất khắc khẩu, hai cha con cứ xáp lại một lúc là có chuyện để hục hặc nhau.
Lúc còn bên Việt Nam, "ông già" đi làm trên Sàigon trong khi gia đình ở Biên Hòa do việc buôn bán của mẹ nàng ở đây. Là công chức trung cấp nhưng công việc của ông không có "tài ngoài" nên tiền lương của ông chẳng đủ nuôi bầy con chín đứa. Vì vậy, vợ ông phải tảo tần bán buôn với cái cửa hàng tạp hóa ngoài chợ. Ông ở trọ trên Sàigon với gia đình người anh, chỉ về với vợ con vào mỗi cuối tuần nên bao nhiêu chuyện trong gia đình ông giao phó hết cho vợ. Lý lén mẹ theo học Judo, cứ rảnh rỗi là vô võ trường đấm đá huỳnh huỵch. Có lần đấu biểu diễn, nàng bị người bạn đồng môn đá vẹo mũi. Nàng bảo "ông già" nàng bị té Honda để bị ông đánh cho một trận kinh hồn vì tội nói láo không có "căn". Té Honda mà sao chỉ vẹo lỗ mũi, còn thân thể chẳng có một vết trầy. Chưa học hết lớp mười hai thì Lý bỏ ngang đi làm, vì một cô bạn giới thiệu nàng vào làm thông dịch viên cho cơ quan DAO ở Sàigòn với số lương gấp ba số lương của ông già nàng! Ông già biết nàng đi làm sở Mỹ thì giận lắm. Ông chỉ vào mặt nàng quát :
- Tao chưa đến nỗi để cho chúng mày chết đói thì mày cũng đừng để người ta cười vào mặt tao! Nhục nhã lắm, mày có biết không"
Lý sợ, nhưng vẫn cố biện minh cho việc làm của mình. Nàng ra đứng gần cửa, chuẩn bị... chạy nếu bị đánh:
- Làm gì mà bố phải nhục" Bộ đi làm cho Mỹ là phải làm đĩ hay sao"
Ông già gầm lên:
- Mày còn già họng hả" Mày không làm đĩ, nhưng người ta cứ cho mày là đĩ! Mai đây có... chó nó cưới mày về làm vợ! Mày muốn làm gái già thì tao cho mày vừa ý! Tao không cần tiền của mày. Gia đình này chưa có chết đói!
Mặc cho "ông già" sỉ vả nàng cứ tiếp tục đi làm. Lý không muốn thấy mẹ đăm chiêu tính toán chuyện chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Nàng muốn các em được ăn mặc tươm tất và không phải mang mặc cảm nghèo hèn với bạn bè. Bởi vậy, mỗi cuối tuần Lý sang nhà Hiền, cô bạn thân đã giới thiệu sở làm cho nàng , để lánh mặt và tránh những cơn lôi đình của ông già. Không chửi được Lý, thì ông quay qua tấn công vợ, đổ thừa vợ tham tiền, không răn đe con cái thay ông.
Nhưng rồi chính nàng là người đã cứu cả gia đình, đem mọi người di tản theo cơ quan hai ngày trước khi miền Nam lọt vào tay cộng sản Bắc Việt, kể cả bà chị lớn và bầy con nhỏ. Ông anh rể và người em trai của Lý không tháp tùng được vì lúc đó cơ quan của nàng không được phép di tản những người của quân đội. Lý nghe nói thế nào rồi họ cũng sẽ được di tản theo đơn vị khi có lệnh của cấp trên. Lúc lên xe ra phi trường, anh rể và em trai cô bịn rịn đưa tiễn, cố giấu những giọt nước mắt đằng sau cặp kính sậm mầu, không mấy tin vào ngày đoàn tụ trong một tương lai . Hai người đàn ông chấp nhận ở lại như một hy sinh cho sự sống còn của những người thân yêu . Nhìn mấy đứa cháu vươn mình lên cố quay lại nhìn bóng cha đang dần khuất phía sau xe nàng cắn răng nén khóc, ôm lấy mẹ đang rũ người trong những tiếng nấc đứt đoạn. Bố nàng mím chặt môi , hai con mắt đỏ hoe, một bàn tay nắm chặt, tay kia giơ cao vẫy chào từ biệt hai người con đang chay bên hông xe như cố thâu cho hết những hình ảnh cuối cùng của người thân vào trong trí nhớ.
Gia đình Lý rời trại tạm cư Pendleton do sự bảo lãnh của một gia đình ở Kansas. Khi mọi người đã tạm ổn định với cuộc sống mới, Lý bắt đầu xúc tiến việc lấy chứng chỉ GD vì đây là đòi hỏi đầu tiên của chương trình học điều dưỡng. Trong thời gian đi học, Lý chiếm được cảm tình của một bà giáo góa bụa không con. Bà nhận Lý làm con nuôi, đem nàng về ở với bà để nàng có thể chú tâm vào việc học. Bà mua cho nàng một chiếc xe tuy cũ nhưng còn khá để nàng di chuyển.
Tình bạn giữa tôi và Lý tăng theo tỉ lệ thuận với số ngày chúng tôi quen nhau. Tôi bị vẻ bạo dạn và tính tình ngay thẳng của nàng chinh phục, nhưng tôi biết mối quan hệ của chúng chưa có bóng dáng của tình yêu. Hình như Lý cố tránh né, không muốn cho tôi cơ hội để đến gần nàng hơn. Thỉnh thoảng đi coi movie ngoài trời với nhau, ngồi chung trong xe giữa môi trường rất riêng tư, nhưng tôi chưa bao giờ dám lộ một cử chỉ âu yếm thân mật nào với nàng . Có lần tôi đánh bạo kéo nàng lại gần để dò phản ứng. Lý dựa đầu vào vai tôi một cách... ngoan ngoãn, vừa nhai kẹo vừa theo dõi màn ảnh. Nhưng khi tôi vuốt ve cánh tay nàng, Lý liền bảo:
- Nhột! Lý không thích!
Tôi làm gan tán nhảm:
- Cho anh hôn thì hết nhột liền một khi!
Nàng hất tay tôi ra khỏi vai nàng, vênh mặt, bỉu môi:
- Đừng có ham. Để yên thì Lý tiếp tục đi chơi với, còn không thì nghỉ chơi luôn đi! Mấy người đàn ông sao ưa lộn xộn quá thể!
Tôi thở dài, để yên tay trên vai nàng. Tự nhiên tôi đâm ra ghiền cô con gái khô khan này mới khó hiểu. Hoa Thiên Lý là một loài hoa trắng nho nhỏ hiền lành. Người ta dựng giàn cho hoa leo để mùi thơm thoang thoảng của hoa làm dịu đi cái oi nồng của những ngày nóng cháy. Khi hoa gần tàn, người ta hái hoa nấu canh ăn cho mát. Nhưng Thiên Lý ngồi bên tôi lại là một hành trình ngàn dặm đầy thử thách mà tôi đang cố vượt qua.
Một hôm Lý mời tôi về nhà cha mẹ ruột để ăn mừng vì mới nhận được tin của người anh rể và đứa em trai từ Việt Nam. Họ vẫn còn sống nhưng đang bị nhốt trong mấy trại tập trung mà người ta gọi là "trường cải tạo". Từ ngày sang đây, bố nàng bớt khó khăn, bớt càm ràm với Lý, vì ông biết rằng nếu không nhờ nàng, nhờ cái "sở Mỹ" của nàng, thì giờ đây ông cũng đang đi tù "mút mùa lệ thủy". Đến nhà nàng hôm đó tôi mới biết là Lý rất khác các cô em gái và bà chị của nàng. Tất cả đều xinh đẹp hơn nàng, thùy mị hơn nàng, và ai cũng trang điểm phấn son. Lý đi làm với gương mặt trần, chỉ một chút má hồng và một thoáng phơn phớt son môi. Nàng thường mặc quần và áo sơ mi. Có một lần thấy nàng mặc váy và áo jacket mầu xanh nhạt, tôi khen nàng duyên dáng và đề nghị nàng mặc váy thường xuyên hơn. Nàng lắc đầu:
- Mặc váy vướng víu thấy "bà". "Chơi" quần jean là tiện nhất. Bộ đồ này bà già nuôi mua tặng nên "moa" mặc cho bà vui.
Lúc Lý ra đón tôi ở cửa tôi ngạc nhiên đến sững sờ! Lần đầu tiên tôi thấy nàng mặc áo dài! Nàng xinh đẹp một cách lạ lùng! Nữ tính nàng thể hiện rất rõ rệt qua làn tóc buông xõa trên bờ vai và chiếc áo dài ôm gọn thân hình thon thả của nàng. Tôi vẫn nghĩ chiếc áo dài Việt Nam là loại y phục kín đáo nhưng gợi cảm nhất thế giới, và lúc này, Lý là một nhân chứng hùng hồn nhất. Có lẽ tôi đã thật sự bị tiếng sét ái tình kể từ giây phút đó. Nhìn bản mặt ngơ ngẩn của tôi, Lý cười dòn:
- Coi kìa! Làm gì như kẻ mất hồn vậy hả"
Tôi nhìn nàng mê muội:
- Ừ, anh mất hồn thật. Hôm nay Lý đẹp như tiên giáng trần.
Lý cỏ vẻ thẹn thùng. Nàng nguýt yêu tôi và nói nhỏ:
- Nịnh đầm vừa vừa thôi nghen!
Lần đầu tiên gặp ông già của nàng tôi hơi khớp, nhưng ông cụ tiếp đãi tôi khá vui vẻ. Có lẽ ông cần đẩy nàng đi lấy chồng cho mau kẻo nàng mang họ ê sắc đến nơi. Nhìn mẹ nàng, tôi nghĩ có lẽ thời còn trẻ bà đã từng làm nhiều gã đàn ông đêm về ngủ mơ, vì nay tuy đã lớn tuổi mà bà còn mang nhiều nét ưa nhìn. Tóc bà điểm rất ít sợi bạc, da mặt bà trắng và mịn màng. Bà có nụ cười chừng mực quí phái. Các em gái của Lý giống bà, cô nào cũng nhẹ nhàng và đằm thắm, trong khi Lý có nhiều nét giống cha, nhất là cái vẻ mặt cứng cỏi, cương nghị của nàng.