Hôm nay,  

Cố Hương

01/10/200800:00:00(Xem: 249760)
Bài số 2419-16208496-vb3300908

Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã nhận một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới nhất  của cô.

Mấy trái măng cụt màu tím sậm nhỏ xíu xiu nằm trong những cái túi lưới màu vàng bày trên quầy đập vào mắt Tú.  Măng cụt tươi ở Mỹ"  Ở đâu ra vậy kìa"  Tú đến gần, sờ nhẹ lên một trái măng cụt.  Cái chùm hoa ở phía bên dưới của trái măng cụt này có 5 cánh, vậy là sẽ có 5 múi ở bên trong, Tú thầm nghĩ.  Năm múi, biết đâu sẽ có 4 múi nho nhỏ màu trắng sữa, và 1 múi thật to màu trắng trong, dòn dòn... Ái chà, lâu lắm rồi, lâu lắm rồi, Tú mới thấy lại một trái măng cụt thật sự.

*

Sáng Chủ Nhật, ba chuẩn bị lái xe về Bình Dương.  Đứa nào về thăm nội với ba, ba hỏi.  Hỏi vậy, nhưng rồi cả nhà chất hết lên xe, ba, má, Tú, Ty, và Gái Út.  Xe chạy qua Bình Thạnh, qua miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt, qua cầu Bình Lợi.  Trong lúc ngồi trên xe, nhiều lúc Tú miên man nghĩ về thương xá Tax bán đủ thứ đồ chơi, về quán kem Givral với món kem bán trong trái dừa tươi, về những con đường ở gần chợ Bến Thành náo nhiệt người và xe.  Tú muốn đi Sở Thú xem con chim công trắng xòe đuôi múa, ra hồ thủy tạ lên cây cầu cong cong màu đỏ ngắm hoa sen và thả bắp rang cho mấy con cá đủ màu ăn, đưa mía cây cho mấy con voi, quăng đậu phọng cho mấy con gấu.  Tú muốn được ba dẫn ra bến tàu ăn khô mực chấm tương ớt cay cay, ăn khô bò ngọt ngọt.  Tú muốn được ba chở đi chơi chổ này chổ kia, nhưng hầu như cuối tuần nào ba cũng đi về nội hết!

Ba lái xe, Tú ngồi trên xe ngắm cảnh hai bên đường, cảnh quen đến thuộc nằm lòng.  Xe qua Lái Thiêu, ngang qua những sạp trái cây mái lợp bằng lá dừa.  Tùy mùa, có khi là những thúng chôm chôm đỏ tươi xếp cao ngất nghễu, những chùm dâu trái vàng nhạt căng mọng, những núi măng cụt xếp rất nghệ thuật, có khi là những trái mít to, người bán xẻ làm đôi để lộ những múi mít vàng tươi lẫn với những cái xơ vàng nhạt, có khi là những trái bưởi múi màu hồng mọng nước, những thúng bòn bon tròn trĩnh...  Ba không bao giờ dừng xe để mua trái cây ở dọc đường cả.  Chốc nữa về đến nhà nội, trái cây trong vườn nội còn ngon hơn nhiều, ba nói vậy.

Xe chạy qua chợ Búng, qua cái rạp cải lương ở phía trước rạp có cái miếu thờ thần Hổ, có chạm hình con cọp lông sơn màu trắng với những vằn đen đứng trên mấy tảng đá dưới gốc cây nhe nanh đầy hăm dọa.  Xe chạy trên đường ngang qua những quán ăn bán mì, hủ tiếu và nước xá xị, ngang qua những dòng kênh có những cây cầu khỉ chênh vênh, ngang qua những cánh ruộng bát ngát.

Xe chạy ngang qua trường Nông Lâm Súc, vách tường sơn màu đỏ gạch nung, mùa hè mấy cây phượng trước sân trường trổ hoa đỏ tươi.  Xe chạy ngang qua trường trung học Trịnh Hoài Đức nằm bên cạnh những thửa ruộng.  Ngôi trường vách sơn trắng và cửa sổ xam xám, đen đen nằm ở xa xa là nhiệm sở đầu tiên của má.  Cô giáo trẻ ngày nào xa xưa đáp xe đò đi dạy mỗi ngày ở đây bây giờ ngồi trên xe, cạnh Tú.  Tới trường của má rồi, Ty và Gái Út cùng la lên khi nhận ra ngôi trường và mỗi lần như vậy, Tú lại thấy má cười, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của ngày nào.

Xe chạy ngang qua một nghĩa địa lớn, bên cạnh những ngôi mộ xưa xây bằng đá ong đen thui, những ngôi mộ đắp đất đỏ sẫm màu, có những ngôi mộ mới bằng gạch quét sơn trắng, bia màu trắng.  Nổi bật trong nghĩa địa là một ngôi mộ bề thế xây bằng đá mài to như một cái nhà, cái tường dạng nửa vòm tròn bao bên ngoài ngôi mộ nhìn từ xa đã thấy rồi.  Chạy chút nữa là đến Lò Chén.  Từ trên đường, qua cửa xe, Tú nhìn thấy xưởng chén ở tít sâu phía dưới đường, nóc của xưởng gần ngang với mặt đường.  Tú nhìn thoáng được trong xưởng có những hàng chén dài xếp ngay ngắn, chắc là đợi đến lượt được vào lò nung hoặc là đến lượt được tô vẽ, sơn phết.  Trên lề đường người ta bày vô số những bức tượng thạch cao trắng phơi nắng ở sân, Tú, Ty và Gái Út nhận diện không xuể những tượng hình bán thân cô gái tóc dài, hình chú bé đứng, hình con rồng, hình... và hình... khi xe chạy qua.

Đến nhà nội, ba quẹo xe từ quốc lộ vào con đường nhỏ trải đá, hai bên đường dọc hàng rào mọc đầy hoa mắc cỡ, những cái hoa mong manh tròn tròn có vô số sợi màu hồng lắc lư, mấy chùm lá dài dài đang xòe ra lại khép vào ngay khi xe ba chạy qua.  Qua cánh cửa sắt, ba con chó của nội đã chạy ra, sủa inh ỏi:  Toto mõm đen, tai ngắn, lông ngắn màu vàng, Loulou tai dài, lông dài màu chocolat, và Milou tai dài, lông dài màu đen.  Rồi ông nội bước ra, mở cửa.  Rồi mấy con chó nhận ra người quen, ngừng sủa, chạy vào nhà trong.  Rồi Tú, Ty và Gái Út xuống xe, theo ba má vào một không gian mới, đầy ắp nắng vàng ấm áp, gió nhẹ êm êm, và một rừng lá cây xào xạc:  khu vườn của ông bà nội.

Ngay ở cổng nhà nội, từ nhà nhìn ra bên phía tay trái, là một cây vú sữa cao thật là cao.  Những trái vú sữa màu xanh nhạt tròn căng, bổ ra bên trong là lớp thịt ngọt lịm căng sữa ôm lấy cái cùi dòn dòn trong trong với mấy cái hột đen thon dài ở chính giữa.  Để hái được những trái vú sữa đó ông nội phải dùng cây sào tre thật là dài, đầu cây sào có gắn cái lồng tre viền dây kẽm để ngoéo cho mấy trái vú sữa lọt vào bên trong lồng.  Trái vú sữa bổ làm đôi, Tú dùng muỗng cà phê múc 1 cái, 2 cái, lớp thịt ngọt căng sữa đậm đà làm sao.  Muỗng kế nữa là cái cùi dòn dòn, ăn phải cẩn thận kẻo mắc cổ bởi cái hột vú sữa nhọn nhọn dài dài, ông nội hay nhắc chị em Tú.  Tham ăn, muỗng kế nữa là vét phần còn lại của trái vú sữa, đôi khi múc phần thịt còn lại cạn đến thấy lớp vỏ xanh ăn vào chát cả miệng.

Bước qua cổng nhà nội, qua cây vú sữa, là gặp mấy cây mận ở sân sau.  Một cây mận trái màu trắng, một cây trái màu đỏ.  Dưới ánh nắng, mấy chùm hoa mận nở bung ra, những chùm hoa li ti bao nhiêu là sợi màu vàng nhạt cứ như là những chùm pháo bông tí hon lắc lư theo gió.  Cách cây vú sữa mấy thước bắt đầu hàng rào sa-bô-chê.  Những cây sa-bô-chê trĩu trái có vỏ sần sùi màu nâu sậm, tàng lá xanh sẫm, được trồng thành một hàng rào thứ nhì bao bọc ba phần tư ngôi nhà của nội ngoài hàng rào chính bằng dây kẽm ở bên ngoài.  Qua khỏi mấy cây mận là đến hiên nhà nội, mái hiên che tôn màu trắng để ánh nắng xuyên qua, dây trầu bà quấn đầy quanh những cây cột trang trí đứng dọc theo lan can xây bọc lấy hiên nhà.  Ngoài sân cạnh hiên nhà có những chậu cây cảnh lá xanh điểm những đốm màu vàng, mấy chậu lan hoa tím và hoa trắng, cùng mấy chậu hoa lúc mới nở thì có màu xanh da trời, hoa lớn lên hơn có màu hồng nhạt, rồi lớn hơn nữa thì trở màu hồng đậm (về sau qua Mỹ Tú biết tên hoa tiếng Mỹ là Hydrangea).

Từ hiên nhà nội, bước vào cửa, đi thẳng là vào nhà bếp của nội.  Bên tay trái là một căn phòng khá lớn có bộ ván gõ cùng mấy cái tủ gỗ, có cửa dẫn ra sân sau.  Kế bên đó là một cái phòng nhỏ chứa đầy giấy tờ, sách học trong đó (phòng này ngày xưa là của cô Ba và cô Năm, chị và em gái ba, ba nói).  Bên tay phải là hai phòng ngủ nhỏ, một phòng có cái giường nệm có lò xo chị em Tú thích ngồi rồi nhún xuống nhún lên.  Kế bên là căn phòng lớn nhất nhà, có cửa mở ra sân trước.  Căn phòng này có một bộ bàn ăn, một bộ bàn ghế tiếp khách và một bộ ván đều bằng cùng một loại gỗ đen bóng, sờ vào là mát lạnh cả tay.  Đối diện cửa mở ra sân trước là bộ tủ thờ, trên nóc tủ thờ ngoài bộ lư đồng và cặp chân đèn bằng đồng sáng choang có một tấm hình của một bà cụ mặc áo dài có hoa văn đen, quần lụa trắng, tóc bới cao (bà cố, má của bà nội, ba nói), hình một chàng trai trẻ tuổi đôi mươi mặc áo sơ-mi trắng với cặp mắt sáng, nụ cười hiền hòa (Ông cậu Ba, em trai của bà nội, ba nói), và hình một cô bé gái kháu khỉnh chừng hai tuổi, tóc bum-bê, mắt to thật to, mặc áo bà ba in bông, quần trắng, ngồi trên ghế (Cô Hai, chị của ba, ba nói).

Cũng trong căn phòng này, cạnh cửa mở ra sân trước có một cái tủ sách, có cửa kiếng.  Có thể nhìn thấy tên của những bộ sách xếp ngay ngắn trong tủ qua lớp cửa kiếng:  Tây Du Ký, Phong Thần, Thủy Hử, Tam Quốc, Chung Vô Diệm, Tái Sanh Duyên... Tú, Ty và Gái Út hay lấy một quyển sách trong đó, ra ngồi ở mấy bậc tam cấp dẫn xuống sân trước để đọc.  Từ mấy bậc tam cấp này nhìn ra là tiếp tục thấy hàng rào sa-bô-chê, xa hơn chút nữa là con đường uốn khúc dẫn xuống vườn trái cây của nội.

Bước dọc theo con đường này, chị em Tú đi ngang qua hàng rào sa-bô-chê, rồi đi ngang qua một cây khế.  Cây khế bao giờ cũng có những chùm khế trái chín vàng mọng nước cắn vào ngọt đầu lưỡi, là chỗ cho Ty và Gái Út tưởng tượng có con quạ bay đến ăn khế trả vàng như trong chuyện cổ tích mà đợi hoài không thấy bóng chim nào đến ăn.  Cây khế đứng dọc hàng rào, cách mấy thước là có mấy cây mít tố nữ trĩu trái chào đón chị em Tú.  Cây khế và mấy cây mít nằm ở phía tay mặt, còn bên tay trái thì có vô số cây mận, cam, quít, và chôm chôm.  Ngoài ra còn có mấy cây điều, những trái điều màu vàng và đỏ treo tòn teng có cái hột điều ở phía dưới.  Đối diện cây khế có một bụi hoa lài thật lớn, những bông hoa lài cánh đầy đặn màu trắng tỏa hương thơm ngát.  Tú thường thấy nội ngắt nụ hoa lài phơi chung với búp trà trên mấy cái nong ở sân sau.  Cạnh bụi hoa lài có mấy cây bù ngót, lá bù ngót nội hái nấu canh, còn trái bù ngót màu trắng cỡ như trái chùm ruột thì chị em Tú thích hái để chơi bán hàng, bổ ra bên trong có những cái hạt màu đen đem về Sài Gòn bỏ vào chậu thử trồng không bao giờ mọc không biết vì trẻ con không biết cách trồng, đất không tốt, hay không có khiếu trồng cây.

Qua khỏi mấy cây mít, lại đến một hàng rào nữa, có cánh cổng sắt mở xuống vườn dưới.  Đến khúc vườn này cây cối có tàng lá rậm rì, cây nào cây nấy thân cây to thật to, cứ cách chừng chục thước lại có một cái mương khá lớn.  Nhìn xuống mương Tú thấy có những bụi rong dày đặc, những cái hoa nhỏ vàng vàng đứng trên những cái cọng cao mong manh nhô trên mặt nước, và những con cá sặc, cá lòng tong bơi qua bơi lại.  Sân dưới là nơi nội trồng chủ yếu là măng cụt và dâu.  Những cây dâu đến mùa lòng thòng trĩu nặng bao nhiêu là dây kết đầy những trái dâu màu vàng nhạt đong đưa qua lại, còn những cây mặng cụt thì trái nâu sậm khó nhạn ra hơn vì lẫn vào những tàng lá xanh sậm.  Lá rụng đầy dưới những cây măng cụt, cây dâu, bước chân đi nghe xào xạc, xào xạc. 

Những cây măng cụt, dâu cao lớn, tàng lá rậm, ánh nắng chiếu qua những tàng lá không đủ soi sáng khu vườn, chị em Tú lần nào xuống vườn dưới cũng đi với ba chứ không dám đi thám thính một mình.  Những cái bóng đen đen đằng sau những cái cây thật to cộng với bầu không gian mát lạnh của vườn dưới đối với chị em Tú mới đáng sợ làm sao...

Sau nhà nội cạnh bên nhà có một cây mận cao khủng khiếp, cạnh cây mận là cái chái có mấy cái lò gạch nung để nội chụm củi nấu cám heo, có tấm phản gỗ ông bà nội ngồi để thái bắp chuối cho heo ăn, có cái võng để chị em Tú trưa hè nằm đọc chuyện Tàu nghe ve kêu vang trời và nhìn mấy con gà con kiếm mồi chạy lăng xăng kêu chíp chíp qua lại gần đó.  Gần cái chái là một cái giếng nước, nội có tấm ván che lại để chị em Tú chạy chơi không té lọt giếng.  Mỗi lần nội lấy gầu múc nước từ giếng lên, Tú nhìn xuống, thấy giếng sâu vô cùng, nội thả dây gầu dài cả mấy thước mới chạm dến mặt nước giếng.

Nếu như vườn dưới có vẻ huyền bí với những tàng cây rậm rì, những gốc cây sần sùi đen thui vì cây rậm lá che ánh nắng, thì cái gò đất đỏ ở sân sau còn đáng sợ hơn nhiều đối với chị em Tú.  Gần cái chái bếp của nội có cánh cửa nhỏ mở lên gò, gò đất đỏ có mấy cây mít tố nữ mọc gần chái bếp, đi xa hơn nữa là thấy mấy bụi tre thật to, đi xa hơn nữa, leo lên phía trên gò là đến mấy ngôi mộ.  Những ngôi mộ bằng đá ong màu đen nằm gần những bụi tre ở trên gò cao.  Những ngôi mộ đó làm cho Tú sợ, bởi lên trên gò dù buổi trưa trời nóng nắng chang chang đi nữa thì không gian gần mấy ngôi mộ lại mát lạnh, lạnh đến sởn da gà.  Mộ này là của bà cố, mộ này của ông bác X, mộ này của bà cô Y, ba nói cho chị em Tú nghe trong lúc nhổ mấy cọng cỏ dại mọc ở trên nóc mộ và thắp mấy nén nhang.  Ông cậu Ba, em trai của bà nội, mất hồi mới có hai mươi ba tuổi vì bệnh lao, mộ cũng ở trên gò.  Mộ của cô Hai, chị của ba, cũng ở trên gò, một ngôi mộ nhỏ xíu xiu nằm gần một bụi tre.  Cô Hai chết khi chưa tròn hai tuổi, và tấm hình trên bàn thờ là tấm hình duy nhất của cô Hai ...

Có tiếng chó sủa ở cổng trước.  Bà nội đi chợ về!  Ba con chó Toto, Milou, Loulou chạy ùa ra cửa, vẫy đuôi, sủa inh ỏi.  Nội về, cái giỏ đi chợ nặng trĩu.  Đứa nào ăn bánh thuẫn không, bà nội hỏi.  Bánh thuẫn, ba chị em chỉ thích ngắt mấy cái chổm tròn bụ bẫm ở phía trên cái bánh, còn phần còn lại thì để cho ba má và ông bà nội.  Má phụ bà nội làm bữa ăn trưa, còn chị em Tú chạy ra vườn chơi hay đi theo ba xem ba lấy cây rựa chặt cây trong vườn để dọn vườn cho sạch, gọn.  Mấy chị em lấy bao nylon, xin ba lấy dây kẽm làm thành cái vòng tròn, gắn vào cái que, rồi buộc bao nylon vào để làm thành cái vòng bắt bướm đi đuổi theo những con bướm cải màu trắng, màu vàng bay ở sân.  Rồi chị em Tú chạy đi xem mấy nọc tiêu của nội, xem coi có hạt tiêu nào chín đỏ chưa, coi cái khay trầu của nội có vơi chưa để ra hái lá trầu cho nội, ra chuồng heo coi mấy con heo nái bụng to kềnh nằm chật hết một góc chuồng, coi ông nội xắt bắp chuối và đổ cám heo cho mấy con heo con ăn, những cái bụng tròn trĩnh và những cái chân nhỏ xíu chen chúc nhau bên chậu cám heo giữa những tiếng kêu eng éc chói cả tai ...

Giờ cơm trưa đến, ông bà nội, ba má và chị em Tú quay quần ở cái bàn ở hiên nhà nội.  Bữa ăn trưa thường là bún và bánh hỏi phết mỡ hành ăn với thịt nướng hay thịt heo quay và nước mắm ớt, hay măng xào với tép ăn với cơm và thịt kho, rồi tráng miệng bằng trái cây và bánh thuẫn, bánh bò.  Ăn trưa xong, ba tiếp tục ra làm vườn, còn chị em Tú lấy chuyện trong tủ sách của ông bà nội ra đọc.  Đứa nào cũng muốn dành nằm trên cái võng ở cái chái bếp ở sân sau, còn bằng không thì ngồi ở mấy bậc tam cấp ở sân trước để đọc sách.  Không đứa nào dám nằm đọc sách và ngủ ở bộ ván trong phòng khách nếu không có ba bên cạnh vì... sợ nhìn mấy tấm hình trên bàn thờ.

Chiều đến, chị em Tú lên xe về Sài Gòn với ba má.  Cùng theo xe về Sài Gòn là mấy cái giỏ đầy trái cây, mùa nào thức nấy, và mấy mục măng đốn từ mấy bụi tre trên gò.  Măng xào, canh măng giò heo, thịt kho măng, má nấu đủ thứ món với măng những ngày sau đó...

Chị em Tú theo ba má về nhà nội thường xuyên.  Gần cuối những năm 60, về nhà nội, Tú thấy nội có đào cái hầm để trốn pháo kích.  Hầm đào ngay ở hiên nhà, gần mấy chậu trầu bà quấn lấy mấy cây cột, gần cái bàn tụi Tú ăn trưa với ông bà nội.   Trên nắp hầm là bộ phản gỗ, lớp gỗ dày cả tấc, nội đem từ bên trong nhà ra.  Tú chui vào hầm, bên trong hầm lót đầy bao cát màu rêu, những cái bao cát căng lên, cọ tay vào thấy nham nhám.  Ba có chụp tấm hình Tú và ông nội từ trong hầm nhìn ra.  Lúc đó Tú còn nhỏ quá, chỉ thấy chui vào chui ra cái hầm chống pháo kích cũng hay hay, chứ không biết cái cảm giác hãi hùng của những người dân ở miền quê trốn pháo kích trong những cái hầm tự chế thô sơ trong những lúc giao tranh giữa quân đội miền Nam và "mấy ổng", hỏa châu đỏ trời, súng nổ chát chúa và cái chết lẩn quẩn đâu đó cận kề.  Bao nhiêu lần ông nội và bà nội phải chui vào cái hầm này, Tú không biết được ...

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, trên đường về nhà nội, chị em Tú nhìn thấy những ngôi lều bạt khá lớn dựng ở bên đường cạnh quốc lộ, đàng sau mấy hàng rào kẽm gai, người ta chen chúc nhau ở trong đó, quần áo phơi giăng đầy quanh trại.  Người ta tản cư từ An Lộc, Bình Long về, ba giải thích ngắn gọn cho chị em Tú.  Vậy là mấy người đó mất cả nhà cửa, ruộng vườn, bỏ mồ mả ông bà, chạy đến đây hả ba, Tú hỏi ba, và ba gật đầu.  Nét mặt ba đăm chiêu thấy rõ.  Hình ảnh của chiến tranh không phải chỉ ở trên TV, trên báo, mà đến gần với Tú hơn nữa.  Cứ ngỡ những ngày súng nổ vang rền cả mấy khu phố hồi Tết Mậu Thân lúc má chuyển bụng sinh Gái Út là lần cuối Tú nghe tiếng súng, nào ngờ đó không phải là lần cuối cùng, không phải lần cuối cùng ...

Ba vẫn thường xuyên chở chị em Tú về Bình Dương thăm ông bà nội, nhưng không bao giờ tụi Tú ở lại ngủ đêm ở nhà nội nữa.  Chiều chưa xuống là ba lái xe về Sài Gòn.  Thật ra Tú cũng không thích ngủ đêm ở nhà nội.  Buổi tối, bao loại côn trùng, ểnh ương, cóc nhái ở sân nhà nội bắt đầu đồng ca ầm ĩ cả lên.  Tú không quen với tiếng động như vậy nên rất khó ngủ.  Nội sợ em Ty buổi tối táy máy đi ra vườn phá bị té lọt giếng nên bịa ra chuyện ngoài sân khuya có con ma lết, vậy chứ Ty cũng không sợ, lần nào buổi tối ở lại nhà nội Ty cũng gạ ba đi ra vườn để rình xem con ma lết "coi nó ra sao".  Giờ không được ngủ đêm ở nhà nội nữa, Ty là người ấm ức nhất.

Gần cuối tháng 4 năm 1975, bà nội đau nặng.  Hay tin, ba lái xe tức tốc về Bình Dương chở bà nội vào nhà thương Grall trên đường Hai Bà Trưng.  Bệnh đau bao tử của bà nội trở nên trầm trọng, bác sĩ nói là phải giải phẫu cắt bỏ hai phần ba bao tử của bà nội.  Cuộc giải phẫu thành công tốt đẹp.  Lúc ba đem bà nội từ nhà thương về nhà ở Sài Gòn để tịnh dưỡng là lúc người ta bắt đầu di tản.

Tú nhớ hoài cái ngày hôm đó, ba má dẫn chị em Tú đến bên giường của bà nội, ba xin phép bà nội để cả nhà được ra đi.  Bà nội nằm trên giường ngước mắt nhìn, gật đầu, nhưng không nói gì cả, mặt buồn thiu.  Nước mắt lặng lẽ ứa ra trên đôi mắt bà nội, chảy dọc xuống đôi gò má hóp của người chưa hồi phục sau cuộc giải phẫu... Ba nói với má sắp xếp va-li, chiều xuống sẽ có xe về chở má và chị em Tú ra phi trường.

Còn anh thì sao"  Má hỏi ba.  Anh ở lại, ba nói.  Em và các con đi trước, còn anh thì tính sao, ba nói.  Không, em không đi đâu hết, anh không đi, em và các con cũng không đi, má nói...  Đó là những câu nói cuối giữa ba má mà Tú nghe được, vì sau đó má kêu chị em Tú đi thu xếp sắp quần áo vào va-li.  Ba má còn nói nhiều, nhiều nữa, tranh luận, cãi vã, Tú nghe loáng thoáng tiếng mất tiếng còn...  Có chổ trống va-li để đem con búp bê của em theo không chị Tú, Gái Út hỏi, và Tú bận rộn với Ty và Gái Út cùng mớ quần áo của mình, không còn áp tai vào cánh cửa nghe lén ba má nói chuyện nữa.  Rồi ba ra xe, lái chiếc xe Jeep đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Chiều xuống, rồi bóng tối đổ sụp xuống, không có chiếc xe nào đến đón má và chị em Tú cả.  Đem xếp quần áo vào tủ trở lại đi tụi con, má nói với chị em Tú.  Ba về nhà, không nói gì đến chuyện ra đi cả.

Chiến sự càng ngày càng ác liệt, trực thăng bay vần vũ trên trời, đạn pháo kích nã vào sân bay Tân Sơn Nhất rầm rầm rầm...  Cái ngày bà nội ngồi dậy, tự bước đi chầm chậm được, là ngày mất Việt Nam Cộng Hòa.  Lúc bà nội hồi phục, đi đứng nhanh nhẹn như ngày xưa, lần đầu tiên bà nội đi ra chợ là để tìm mua cho ba đôi dép râu làm bằng lốp xe hơi để ba mang theo cùng với hành lý của mình đi vào trại cải tạo.  Rồi bà nội cùng với má và chị em Tú tiễn ba ra cửa đi trình diện học tập cải tạo.  Một tháng, ủy ban quân quản nói vậy.  Một tháng, đâu có ai ngờ một tháng từ miệng người cộng sản không có nghĩa lý gì hết, nó có thể là một năm, ba năm, mười năm, hay chung thân, không ai ngờ ...

Sau này, vô số lần bà nội ngồi nhớ đến ba, đứa con trai duy nhất, rồi chép miệng thở dài, lắm khi chảy nước mắt.  Má già rồi, đầu óc lú lẫn, suy nghĩ không còn minh mẫn nữa, sao ngày đó tụi con lại chần chờ không đi, để rồi bây giờ nó ở tù đến bao giờ mới được ra, bà nội nói với má.  Ba đi tù biền biệt, không có thư từ tin tức gì trong cả năm trời, thời gian đó nhiều người lạ ghé nhà Tú nói là biết ba Tú bị giam ở đâu, rồi gạ gẫm kêu má và bà nội gởi tiền và thức ăn để họ đem vào cho ba Tú, nhưng cá không cắn câu, bà nội và má Tú mời những người lạ tốt bụng này ra khỏi nhà ngay lập tức.

Ba năm sau đó, ông bà nội bán ngôi nhà ở Bình Dương và khu vườn trái cây, chỉ giữ lại mảnh đất đỏ trên gò nơi chôn cất mồ mả ông bà, và dọn xuống Sài Gòn ở gần với chị em Tú.  Sức khỏe của ông bà nội không còn như xưa, không thể đảm đương với bao công việc ở vườn được.  Thuê mướn người làm phụ thì sẽ bị mang tiếng là cường hào, địa chủ, bóc lột.

Tên bà nội có trong sổ hộ khẩu của nhà cô Ba, chị của ba, trước 75, thành ra bây giờ bà nội là người của “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” còn ông nội thì trở thành người cư trú bất hợp pháp.  Cô Ba sống và làm việc ở nước ngoài, trước 75 lâu lâu cô Ba mới về Sài Gòn.  Căn nhà của cô Ba nằm sát nhà chị em Tú, hai nhà chung một cái sân.  Bây giờ căn nhà đó là chổ ở của ông bà nội.

Trên khoảnh sân sau nhà Tú bây giờ có một cái nhà gạch nhỏ xíu mái lợp tôn bà nhờ người xây lên.  Bên trong, một góc có để bộ ván gỗ ngày nào nội lót làm nắp che hầm trốn pháo kích, một góc có vòi nước và cái bếp xi măng trên để cái lò gạch để nấu ăn, một góc có cái tủ chạn chứa nầu niêu soong chảo, chén dĩa và cái bàn ăn hai cái ghế, còn một góc thì có cái giàn gỗ, trên đó có hai cái hòm ông bà nội đặt người ta làm, giờ cũng theo ông bà nội xuống Sài Gòn.  Bây giờ còn gỗ tốt, đặt làm mấy cái hòm, chứ mai mốt biết đâu được, nội nói... Bà nội dùng một tấm vải bạt che hai cái hòm lại.  Lúc đầu Tú còn hơi sờ sợ khi vào bếp nhà nội và thấy hai cái hòm những rồi dần dà Tú cũng quen đi.

Cái nhánh cây mận ba em từ vườn ở Bình Dương về trồng mấy năm trước bây giờ đã thành một cây mận khá lớn, cành lá xum xuê với những chùm mận xanh ngọt lịm che phủ nóc căn nhà nhỏ mái tôn này, là những gì gọi lại hình ảnh vườn trái cây ngày nào giờ chủ củ đã lìa xa.  Buổi sáng, ông nội hay ra ngồi ở cái ghế ngoài sân, dưới gốc cây mận, nhìn nắng chiếu qua những tàng lá mận, nghe mấy con chim se sẻ đùa vui chuyền từ cành này qua cành kia, hót líu lo.  Ở góc sân có một cái chuồng gà, ông bà nội nuôi một cặp gà.  Một góc nhỏ tạm gọi là bình yên trong cuộc đời đầy đảo điên biến động của miền Nam và của gia đình bé nhỏ của Tú...

***

Cô Ba trở thành người Việt tỵ nạn sống ở nước ngoài, ba Tú đi tù biền biệt, cô Năm cùng chồng và các con ở một tỉnh miền Tây đi vượt biên, bị bắt, ở tù, được thả, đi vượt biên, bị bắt tiếp, được thả.  Sức khỏe của ông nội ngày một yếu hơn, một chuyến đi bộ từ nhà ra chợ để đi cắt tóc là đủ để trái tim già nua của ông nội cất tiếng than phiền rồi.  Cách vài tháng, bà nội đưa ông nội đi bác sĩ.  Cách vài tháng, bà nội lại đi thăm vợ chng cô Nam và các con, những cháu ngoại của bà, hoặc là thăm ở trong tù, hoặc là thăm sau khi ra khỏi tù và đang chuẩn bị cho một chuyến vượt biên kế tiếp.  Rồi vợ chồng cô Năm và các con đi vượt biên thành công, đến được một hòn đảo bên Phi, rồi vài năm sau đó được định cư bên Mỹ.  Nỗi lo của bà nội cho con, cho cháu bây giờ trải ra đến mấy lục địa, mấy đại dương.  Lo cho chồng, lo cho con, lo cho cháu, bà nội có quá nhiều điều để nghĩ suy.  Lâu lâu, bà nội lại đi ra chợ Bà Chiểu buổi sáng sớm, đáp xe đò về Bình Dương thăm miếng đất trên gò đất đỏ và trở lại Sài Gòn xế chiều hôm đó.  Có khi bà nội đem về một mụt măng, có khi là trái mít tố nữ cho chị em Tú.  Thường thì bà nội mang về một bó củi thật to để chụm trong bếp.

Rồi thư của ba Tú từ một chốn núi rừng xa xôi ở Yên Bái đến nhà.  Rồi dần dần có phiếu gởi quà đi kèm với thư.  Bà nội cặm cụi làm món tép mỡ ngào đường, vo lại thành những viên tròn như trái banh tennis để gởi cho ba.  Thịt chà bông, bánh mì phơi khô,... những thức ăn má Tú bỏ vào thùng đem ra bưu điện gởi ba Tú, món nào cũng có mồ hôi của má Tú, của bà nội ở trong đó.  Mồ hôi, và cả nước mắt.  Dần dà, má viết thư cho ba nói bóng gió về sự đặc biệt của những cái cùi bánh mì lẫn trong gói bánh mì khô gởi cho ba để ba không chia cho bạn bè trong tù.  Trong những cái cùi bánh mì, bà nội đã khéo léo nhét tiền vào đó trước khi phơi khô, nhìn bên ngoài không phát hiện được.  Trại không cho người tù nhận tiền, nhưng oái ăm thay, nếu ai có chút tiền thì có thể mua được đồ cần dùng thông qua một hệ thống buôn bán chui đem lại khó nhiều lợi nhuận cho cán bộ quản giáo!

Năm năm, bảy năm, mười năm... Bao nhiêu năm trời ba Tú bị giam ở trại tù ngoài Bắc, bà nội không đi thăm ba được.  Đường sá xa xôi, trắc trở, chỉ có má Tú mới có sức khỏe đi xếp hàng mua vé ở ga xe lửa, rồi ngồi bó gối trên chuyến tàu Thống Nhất 3 ngày 3 đêm để ra đến ga Hàng Cỏ ngoài Hà Nội, rồi đi xích lô gần cả nửa ngày trời nữa mới vào đến trại tù để thăm ba Tú được một ngày, rồi lại lặp lại chuyến đi như vậy để vào Nam.  Không đi thăm con trai được, nhưng bà nội luôn cố tìm nghe đài VOA, đài BBC lúc đêm khuya rồi sau đó nội sôi nổi thuật lại cho chị em Tú, lòng nuôi hy vọng một ngày nào đó những người tù cải tạo được trao đổi, được thả, được đi định cư ở nước ngoài.  Niềm hy vọng đã bao lần muốn tắt nguội trong lòng Tú, nghe bà nội nói, nhìn ánh mắt bà nội, nghe tiếng nói bà nội, cái niềm hy vọng đó lại bắt đầu ngoi lên, ngoi lên ...

Mãi đến khi ba Tú được chuyển vào một trại giam ở gần Long Khánh thì bà nội mới đi thăm ba được.  Để đi thăm con, bà cụ già ba, bốn giờ sáng đã phải ra đứng ở một góc đường cùng con dâu và cháu nội đợi chiếc xe chở người đi thăm thân nhân học tập cải tạo ghé qua.  Xe chất đầy người, chổ ngồi đã chật lại càng chật hơn với bao giỏ xách, bao túi thức ăn đi kèm.  Xe chạy đến gần trưa thì đến cổng ngoài cửa trại, người đi thăm chuyển qua ngồi xe lam chạy trên những con đường đất gồ ghề, lắc lư để vào khu thăm nuôi.  Nơi một trong vô số những cái bàn gỗ dài ở phòng thăm nuôi, bà cụ già ngồi đối diện đứa con trai duy nhất của mình, lần đầu gặp lại sau mười năm xa cách.  Nỗi đau của người con khi thấy má mình già nua hẳn đi, ốm yếu thấy rõ, và nỗi đau của người mẹ khi thấy con mình, người tù không án không số gầy rộc, đen sạm, xác sơ trong bộ đồ tù xanh nước biển đã bạc phếch với nắng mưa, đẩy cái xe cải tiến bằng gỗ cọc cạch chở mấy cái giỏ cói đựng đồ thăm nuôi đi trở lại vào tù sau giờ thăm nuôi ngắn ngủi, không biết nỗi đau nào cay xé lòng nhiều hơn, bởi ai cũng dằn lòng không để nước mắt rơi ...

Ba chuyển vào trại tù ở trong miền Nam, nhưng chỉ có bà nội mới còn đủ sức khỏe để đi thăm ba.  Ông nội già yếu không đi thăm ba được, chỉ viết thư cho ba mà thôi.  Thư ông nội cho ba ngày một ngắn hơn, chữ viết ngày xưa sắc gọn giờ nét run hơn, dấu hiệu của một ngọn đèn dầu sắp cạn.  Bà nội bắt đầu lo đến chuyện hậu sự, phóng to một tấm hình của ông nội và lồng trong khung kính, cất trong tủ.  Rồi bà nội về Bình Dương, tìm người biết về phong thủy để định chỗ bắt đầu chuẩn bị xây mộ cho ông nội.  Nhưng rồi bà nội đau, đau năng, phải vào nhà thương.  Cái ngày khai nhát cuốc đầu tiên để xây mộ cho ông nội, hóa ra ngày đó là ngày nhà Tú đưa bà nội hấp hối từ nhà thương về để bà nội được gặp ông nội lần cuối và để bà nội qua đời ở nhà.  Tú ngồi sau xe Honda của một người bà con chạy tức tốc từ Sài Gòn lên Bình Dương ngày hôm đó để nhờ bà con họ hàng trên đó giúp tìm người đào mộ cho bà nội ở trên cái gò đất đỏ, mảnh đất ông bà nội còn giữ lại sau khi bán nhà.  Trên gò đất đỏ đã có mộ của bà cố, má của bà nội, mộ của ông cậu Ba, em trai của bà nội, và mộ của cô Hai, con gái lớn của bà nội, giờ sẽ có một ngôi mộ mới, ngôi một của bà nội Tú.

Mấy tuần sau đám ma của bà nội, má Tú đi thăm nuôi ba Tú.  Trong buổi trưa hè nóng bức, dưới mái tôn của căn nhà thăm nuôi, má Tú bổ một trái cam cho ba Tú ăn.  Trái cam ngọt đem lại một chút sinh lực cho ba sau một buổi sáng làm việc ở ngoài rẫy, và tạo một cơ hội để má báo cho ba tin chẳng lành sau đó.

- Anh vừa mới ăn trái cam cúng má đó ....

Bà nội qua đời tháng ba năm 1987.  Ba tháng sau đó, trái tim già nua của ông nội ngừng đập.  Hai đám ma của hai bậc sinh thành không lần nào ba của Tú có mặt.  Người tù cải tạo chỉ nhận được tin má mình chết, rồi nhận được tin ba mình chết một thời gian sau khi đám ma đã xong xuôi.  Em Ty đầu quấn khăn tang ôm hình của bà nội, rồi hình của ông nội, đi trước quan tài.  Trên gò đất đỏ bây giờ có hai ngôi mộ mới nằm cạnh nhau, mộ của ông bà nội.

Tháng chín năm 1987, ba của Tú được thả.  Buổi tối tháng sáu năm 75 khi ba rời nhà đi trình diện học tập cải tạo có bà nội tiễn đưa ba đi, buổi tối tháng chín năm 87 ba trở về chỉ gặp lại hình của bà nội và ông nội trên bàn thờ, cạnh hình của bà cố và cô Hai.  Không bao giờ Tú quên được cái ngày hôm đó, ngồi đợi với Ty trước khám Chí Hòa cả ngày để rồi đón được ba ra lúc chập choạng tối.  Về đến nhà, ba quỳ sụp trước bàn thờ của ông bà nội, nói không ra tiếng và khóc chẳng thành lời.

Năm 1991, gia đình Tú rời Việt Nam đi định cư ở Mỹ diện HO.  Mấy ngày trước khi rời Việt Nam, cả nhà lên Bình Dương thăm mộ ông bà nội lần cuối.  Trước đó, ba về Bình Dương và nhờ người bốc mộ của cô Hai, đem hài cốt chôn sát bên mộ của ông bà nội.  Gần sáu mươi năm đã qua, hài cốt theo lời ba kể cũng không còn lại bao nhiêu, trong lớp tro bụi chỉ còn lại mấy cái răng sữa của con nít...  Đám ma của ông bà nội, bà nội đã dặn trước là sau khi hạ huyệt thì đổ xi măng xuống phủ kín hòm, thành ra bây giờ không thể đem ông bà nội đi qua Mỹ cũng với gia đình Tú được.  Ba ngôi mộ nằm sát nhau, mộ ông nội ở chính giữa, mộ bà nội bên trái, mộ cô Hai bên phải.  Từ trên gò đất đỏ, Tú nhìn thấy nhà cũ của ông bà nội qua lớp hàng rào, những hàng cây sa-bô-chê vẫn còn chạy dọc theo hiên nhà.  Nhà đã đổi chủ.  Gia đình Tú không thể ghé vào thăm ngôi nhà đó được nữa, chỉ còn có thể đứng nhìn từ phía xa xa...

Cuộc sống ở xứ người bắt đầu với bao gian nan, bận rộn, lo âu.  Năm nào ba má cũng làm đám giỗ cúng ông bà nội, tháng ba giỗ bà nội, tháng sáu giỗ ông nội.  Chị em Tú có khi nhớ đến ngày đám giỗ, có khi quên, còn ba Tú thì bao giờ cũng nhớ.  Đến lúc chị em Tú có gia đình, dọn ra riêng, gần đến ngày đám giỗ ông bà nội thì ba email nhắc nhở.

Cứ bảy năm một lần, ve xuất hiện thật nhiều ở vùng Washington, DC.  Mùa hè đi bộ từ nhà ra trạm metro ngang qua một khu vực rợp cây cao, nghe tiếng ve kêu vang trời, Tú chợt nhớ đến những con ve trên nhà nội vô cùng.  Cái nắng mùa hè chói chang ở Mỹ gợi cho Tú nhớ những trưa hè oi bức ở Bình Dương ngày nào, có ông nội làm việc ở ngoài vườn mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, có tiếng rựa của ba dọn cây, chặt cành nghe chan chát ở xa xa, có bà nội và má nấu đồ ăn thơm phức trong cái bếp cạnh cây mận cao ngất ngưỡng, có chị em Tú chạy chơi hết sân trước đến sân sau lấy rỗ xúc cá dưới mương, cầm vợt đuổi bướm trong vườn, hay ngồi đọc Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc Chí vừa nhìn những hoa nắng lung linh qua tàng mấy cây mận ở trong sân ...

Nhà Tú có một mảnh đất nhỏ ở phía sau.  Chỉ việc diệt cỏ dại, giữ cho cỏ mọc xanh tốt trên một mảnh đất nhỏ xíu xiu là cả một vấn đề đối với Tú.  Trồng mấy luống hoa, phân bón mua cả bao dễ dàng, nước tưới thừa thãi, Tú vẫn không tài nào giữ cho mấy bụi hoa được tươi tốt bởi Tú không chăm làm vườn, mấy ngày mới nhớ mở cửa sau xịt nước tưới hoa tưới cỏ cho lương tâm đỡ nhức nhối.  Trồng thử một dây dưa, trái dưa duy nhất Tú có được chỉ nhỏ như trái banh tennis, đèo đuột không lớn nổi.  Trồng mấy cây cà chua, cuối cùng Tú chỉ có mấy trái cà chua nửa xanh nửa đỏ đến sóc cũng chê chẳng thèm ăn.  Nhiều lúc Tú nhớ về Bình Dương, về khu vườn trái cây của ông bà nội, rồi tự hỏi làm sao ông bà nội có thể chăm sóc cho vườn trái cây được tươi tốt đến như vậy, khi nước phải lấy từ giếng và xách từng thùng đi tưới cho vô số cây trong vườn, còn phân bón đâu phải dồi dào như ở Mỹ chạy chút xíu ra chợ mua bao nhiêu bao cũng có đâu.

Mùa nắng, buổi sáng khi đi bộ từ nhà đến trạm metro trên con đường nhỏ uốn khúc giữa hai hàng cây, Tú lắm khi nhớ đến những cái cây trên vườn nhà nội, những bông hoa nắng lung linh trên mấy tàng lá của cây mận và nhảy múa trên cái sân xi măng có chút rêu xanh, mỗi khi gió xào xạc thổi qua.  Mùa mưa, Tú bồi hồi nhớ đến tiếng mưa gõ cồm cộp trên mái tôn nhà nội, nhớ đến dòng nước chảy như một dòng sông nhỏ từ cái máng xối hứng nước mưa ở nóc nhà xuống cái lu cạnh bếp, nhớ đến mùi hơi đất nồng nồng bốc lên từ vườn nhà nội sau cơn mưa.  Lái xe, bất chợt đâu đó Tú nhìn thấy một bụi Hydrangea bông trổ màu xanh da trời, hồng, tím nhạt, Tú lại nhớ đến những bông hoa y như vậy ở vườn nhà nội dạo nào.

Bây giờ sống trong thành phố náo nhiệt người và xe, ngày ngày lái xe hơi đi qua những xa lộ thênh thang, ngang qua những tòa nhà cao ngất trời, những con đường tấp nập quán xá với bao ánh đèn màu quảng cáo, bao siêu thị rộng mênh mông bán đủ thứ quần áo, nữ trang, đồ dùng ..., giữa những ồn ào của chốn đô thị phồn hoa, Tú nao nao nhớ về một không gian êm ả, bình yên ngày nào của nhà ông bà nội.  Nao nao nhớ và mơ ước được quay về nơi đó, một ước mơ thật quá đỗi xa vời ...

Bảy dollars một lb măng cụt tươi, ngọt, ngon lắm đó chị.  Cô bé bán hàng chào mời.  Trời ạ, bảy dollars cho chưa tới nữa ký-lô măng cụt, mắc cắt cổ, Tú thầm nghĩ trong đầu.  Nhưng rồi Tú nhắc một túi măng cụt lên, đi đến quầy trả tiền.  Mười mấy năm ở Mỹ, gặp mặng cụt đóng hộp thì nhiều, chưa bao giờ Tú gặp mặng cụt tươi như vầy.  Mắc thì mắc, Tú vẫn mua, bởi hôm nay Tú sẽ đi qua nhà em Ty. Ba đang ở bên nhà em Ty.  Ông nội ở Florida lên chơi với bé Bi, con của bố Ty, cháu đích tôn của ông nội.

Tú mua măng cụt, mua nửa trái mít, rồi ghé qua một tiệm khác.  Mấy trái măng cụt gợi cho Tú một ý kiến:  Tú sẽ cố tìm mua những món ăn giống như những món ăn ông bà nội và gia đình Tú ăn ngày nào ở Bình Dương.  Tú mua thịt quay, mua bánh hỏi tẩm mở hành, mua chai nước mắm ớt pha sẵn, mua bánh bò, bánh da lợn, mua chè đậu.  Không có bánh thuẫn, đành chịu vậy.  Tú qua một tiệm nữa, tìm măng tươi để làm món măng xào tép.  Tiệm không có măng tươi, chỉ có măng xắt lát trong hộp, hay mấy miếng măng cắt sẵn, ngâm trong mấy cái thau nhựa.  Măng loại này, Tú biết, xào lên không có cái nếm dòn dòn và cái vị ngọt thanh thanh của măng tươi.  Tú đi qua một tiệm nữa, cũng không có măng tươi.  Tạt qua một tiệm khác để mua món mì xào cho bé Bi, Tú thấy tiệm có bán bắp chuối xào.  Tú mua một hộp bắp chuối xào.  Bắp chuối tươi, xào chay, Tú ăn và thấy thích, chắc là Ty và ba cũng vậy, Tú nghĩ.  Rồi Tú đi qua tiệm bánh mì thịt, mua mấy ổ bánh mì "pâté ham không bỏ rau không bỏ ớt" cho bé Bi.

Ngang qua tiệm bán DVD, Tú ghé vào xem có DVD của Paris by Night hay Asia mới không.  Tiện thể, Tú nhìn lướt qua mấy cái quầy bán DVD về du lịch ở Việt Nam, và thấy có mấy cái DVD về lễ hội chùa Bà ở Bình Dương, Tú mua một cái.  Chùa Bà ở Bình Dương, nhớ ơi là nhớ, quên sao được.

Chùa Bà, cái ngôi chùa nhỏ xíu mà năm nào lễ hội người ta đi đông vô số kể.  Ngôi chùa đó cách nhà nội có chừng 1 cây số mà thôi, chị em Tú và bạn bè mấy năm trước khi đi Mỹ có đi lên đó để xem lễ hội và xin lộc.  Xin bà một trái quít để lấy hên làm ăn, lễ hội sau đó trả lại bà hai trái, bạn Tú nói với Tú như vậy trong khi xếp hàng như cá mòi hộp giữa bầu không khí khói nhang dày đặc đến mấy cái cửa sổ để xin lộc.  Chiều đến, cả nhóm đứng xếp hàng cố ngẫng cổ xem lễ cộ Bà, đám rước có mấy đoàn lân múa dẫn đường, có những cô bé tó thắt hai trái đào cầm lồng đèn, những diễn viên hóa trang thành Đường Tăng, Tôn Hành Giả, Bát Giới và Sa Tăng đứng trên xe diễn hành, rồi những cô gái mặc đồ như công chúa trong mấy bộ phim Tàu đi diễn qua, rồi kèn, rồi trống, rồi cờ xí, rồi kiệu hoa trên có tượng Bà mặc áo gấm đeo đủ thứ đồ trang sức được rước đi.  Buổi tối vô số người đi Honda chạy về Sài Gòn, nhiều người mua cây nhang dài cả thước mang về, trên đường buổi tối đầy những đốm lửa nho nhỏ, lửa từ những cây nhang cháy từ từ suốt đường chạy từ Bình Dương về Sài Gòn vẫn chưa tàn quá phân nửa.

Chùa Bà ở Bình Dương, ngôi chùa này chị em Tú đến thăm mấy lần, còn ba, sau khi ra tù, những lần về Bình Dương, có bao giờ ba ghé thăm Chùa Bà" Câu hỏi này, Tú không có lời đáp.

*

Từ Eden Shopping Center lái xe đến nhà em Ty mất khoảng 45 phút.  Đến nhà Ty, Tú khệ nệ xách mấy cái túi nặng trĩu thức ăn đi vào nhà.  Ba từ trong nhà đi ra, hỏi Tú xem còn gì trong xe không để ba phụ con.  Tú nhìn ba, hơn nữa năm rồi Tú mới gặp lại ba sau khi ba về Florida.  Nhà Gái Út gần biển, cuối tuần cả nhà hay ra biển chơi, chắc có lẽ vậy mà da dẻ ba có vẻ rám nắng hơn hồi ở trên này.  Vào nhà, Tú lấy đồ ăn trong mấy cái túi ra.  Con có mua măng cụt tươi nè ba, Tú khoe với ba, chút nữa ba với con ăn nghe ba.  Để ba xẻ mít, ba nói với Tú.

Tú bày thịt quay, bánh hỏi ra dĩa, đổ nước mắm vào chén.  Ồ, quên mua rau sống rồi, Tú sực nghĩ.  Mở tủ lạnh nhà Ty, may quá, có trái dưa leo và cải xà lách.  Tú rửa rau, cắt dưa leo, rồi mời ba ăn trưa với mình.  Vợ chồng Ty đi làm, hôm nay Ty về sớm, cỡ ba bốn giờ gì đó Ty sẽ ghé đón bé Bi ở vườn trẻ, ba nói với Tú.  Tú gật đầu.  Ở Mỹ, hôm nay người này nghỉ thì người khác đi làm, khó mà kiếm được ngày họp mặt gia đình vô cùng.  Như hôm nay, Tú được nghỉ, nhưng chồng Tú thì đi làm.  Ty về nhà sớm, nhưng vợ Ty thì làm đến 9 giờ tối.

Tú ngồi ăn trưa với ba.  Ba ăn bánh hỏi với thịt quay ngon lành.  Tú mời ba ăn thử món bắp chuối xào chay mua ở Eden.  Ba ăn được không ba, Tú hỏi, và thấy vui vui khi thấy ba gắp thêm bắp chuối xào rắc đậu phộng vào dĩa mình.  Rồi Tú sực nghĩ ra là mình quên mua món cơm rượu ở Eden cho ba, lần sau, tuần sau vậy, Tú tự nhủ.

Ăn trưa xong, Tú mời ba xem cái DVD về Chùa Bà ở Bình Dương.  Ba với Tú ngồi xem.  Ba nói với Tú:  "Hồi nhỏ, ba đi học ở trường nam tiểu học ở gần Chùa Bà."  Cái trường đó bây giờ không còn nữa, nhưng nó vẫn nằm trong ký ức của ba Tú.  Xem được chừng nữa tiếng, ba nói với Tú là ba hơi mệt, Tú cứ coi tiếp tục đi, ba cần phải nghĩ một lát, rồi ba đi lên trên lầu, để Tú ngồi lại một mình.  Tú nhìn theo dáng ba bước đi chầm chậm, mái tóc ba bạc trắng, lòng Tú nhói lên một cái.  Còn bao nhiêu kỷ niệm về Bình Dương đang trở về trong ký ức của ba, hở ba"  Tú thầm hỏi trong lúc nhìn những cảnh về Bình Dương loang loáng trên màn hình TV.  Tú cũng đang da diết nhớ Bình Dương, nhớ ông bà nội, nhớ những chuyến về nhà nội ngày nào đây... Tú tắt cái DVD, không coi nữa.

Vài tiếng đồng hồ sau thì Ty và bé Bi về đến nhà.  Bé Bi chạy vào nhà, chào Tú rồi đi kiếm ông nội.  Ty nhìn thức ăn trên bàn, rồi nhìn Tú, cười.  Lần nào chị Tú qua cũng có đồ ăn cho tụi em hết, Ty nói.  Để ba lo cho bé Bi, Ty đi ăn đi con, ba nói.  Ông nội đi lấy bánh mì thịt Tú mua cất trong tủ lạnh ra, nướng bánh mì lại cho dòn để cho bé Bi ăn.  Bé Bi vừa ăn bánh mì thịt Eden, vừa bi bô kể chuyện đi học ở trường, chuyện đi field trip được cô giáo dẫn đi coi xưởng làm kem và được an kem mấy mùi khác nhau cho ông nội và cô Tú nghe.

Ty lấy bánh hỏi, thịt quay vào dĩa, rưới nước mắm ớt, gắp thêm mấy gắp bắp chuối xào, ăn ngon lành.  Chốc nữa ăn xong có măng cụt và mít ăn tráng miệng nha Ty, Tú nói.  Ty nhìn mấy dĩa thức ăn trên bàn, nhìn mấy cái bánh bò, bánh da lợn trên dĩa, rồi nói với Tú "Mấy món ăn làm em nhớ đến đồ ăn trên nội quá ..."  Bingo !!!  Vậy là Ty nhớ đến nội, nhớ đến những lần về nội, nhớ đến Bình Dương, vậy là Tú đã thành công rồi, Tú thầm nghĩ trong đầu.  Nếu Ty nhớ, tức là ba của Tú và Ty cũng nhớ, Tú nghĩ.

Tú bật cái DVD chiếu cảnh lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương cho Ty coi.  Vừa coi, Ty vừa hồi tưởng lại những lần đi lễ hội Chùa Bà với Tú, chen lấn từ con đường nhỏ dẫn vào chùa hai bên đường đầy người ngồi bán nhang, hoa quả, giấy tiền vàng bạc, chen lấn để được cắm mấy cây nhang gần bàn thờ của Bà, chen lấn để xin trái quít để có lộc làm ăn may mắn, chen lấn để ra khỏi chùa, chen lấn để coi lễ hội, chen lấn để chạy xe đi về buổi tối, Ty vừa hồi tưởng vừa cười.  Tú nghe Ty nói, nghe Ty tả lại, thấy tức cười quá, cũng cười theo.  Tú nhìn thoáng qua ba, ba ngồi ở góc bàn phía xa xa nghe bé Bi nói chuyện, nhưng chốc chốc lại nhìn về cái màn hình TV chiếu cảnh lễ hội ở Bình Dương.

Chị nhớ ông bà nội, nhớ Bình Dương, Tú nói với Ty.  Em cũng vậy, Ty nói.  Bé Bi còn nhỏ quá, vài năm nữa Bé Bi lớn hơn chắc vợ chồng em và bé Bi sẽ về Việt Nam một chuyến, Ty nói, cho bé Bi nó biết Việt Nam.  Em mong có ngày về Bình Dương thăm mộ ông bà nội, Ty nói với Tú.  Chị cũng vậy, Tú nói.

Mộ ông bà nội, năm ngoái có mấy người bà con từ Đan Mạch về Bình Dương viếng mộ ông bà nội, rồi chụp hình, gởi cho ba Tú, ba có cho chị em Tú coi.  Mấy ngôi mộ của ông nội, bà nội và cô Hai vẫn nguyên vẹn, chỉ có điều chổ để trồng hoa trên nắp mộ không có hoa tươi.  Cái gò đất đỏ ngày nào bà nội còn giữ lại sau khi bán căn nhà, khi đi Mỹ ba Tú gởi lại cho mấy người bà con trên Bình Dương trông coi, giờ có thêm mấy ngôi mộ nữa trên đó, mộ của mấy người bà con trên đó.

Chiều xuống, Tú chào ba để đi về nhà mình.  Ba, Ty và bé Bi đứng ở cửa nhìn Tú ra xe.  Tú nhìn lại, ba thế hệ của gia đình Tú đang đứng đó.  Tú muốn quay trở lại, nói với ba là con cám ơn ba đã chở chúng con về nhà nội trên Bình Dương những dịp cuối tuần trong bao năm trời, để bây giờ, nơi đất khách quê người, chúng con có một cố hương để mà hồi tưởng, để mà ước mà mơ được trở về, nhưng Tú nghẹn lời, không nói được.  Bình Dương, cố hương, đêm nay sẽ có mấy người quay quắt nhớ đến Bình Dương đây"

KAREN N. NGUYEN

Ý kiến bạn đọc
20/10/201802:34:27
Khách
credit loans guaranteed approval <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com/">get cash fast</a> credit loans guaranteed approval <a href=https://creditloansguaranteedapproval.com/>bad credit loans direct lenders</a>
16/10/201801:37:45
Khách
credit loans guaranteed approval <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com/">checking account advance</a> now payday <a href=https://creditloansguaranteedapproval.com/>bad credit loans reviews</a>
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,990,975
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến