Tác giả tới Mỹ theo diện HO, với sự bảo lãnh đặc biệt của hai nhà báo Mỹ Los Angeles Times, hiện cư trú tại Westminster, CA. Ông đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết đặc biệt: Đường vào Thiên Đàng, Chuyện cái vườn cỏ trước nhà và Little Saigon trên đất Mỹ đã đăng trong 2 Tuyển tập Viết về nước Mỹ.
Sáng nào cũng vậy, cứ vào khoảng 7 giờ 15 là lão mặc chiếc áo khoác màu đen, đeo cặp kính râm và ra khỏi nhà. Từ nhà lão đi bộ đến các thùng báo Người Việt và Việt Báo đặt gần tiệm Hòa Bình Food To Go hoặc thùng báo gần nhà hàng Tài Bửu chỉ không đầy năm phút. Lão móc trong túi ra một đồng 25 cent, bỏ vào cái lỗ nhỏ, chờ cho đồng cent rơi hẳn xuống thùng, lão mới nhẹ nhàng mở nắp thùng báo lên một chút, rồi một tay giữ nắp thùng, một tay rút báo. Lão rút bằng hết, không chừa lại một tờ nào. Sau đó lão rút trong túi quần ra một túi ny lông màu trắng, loại dầy, bỏ tất cả số báo đã lấy vào và ung dung xách túi báo đầy ắp ra về.
Một hôm tôi và người bạn cùng ra mua báo ở thùng báo đặt giữa tiệm Hòa Bình Food To Go và tiệm giầy Giỏi, đúng lúc lão đang rút những tờ báo cuối cùng trong thùng báo. Thấy lão không chừa lại tờ nào, chúng tôi lên tiếng: "Oâng gìa ăn trộm báo thì cũng phải chừa lại một ít cho người khác mua chớ, lấy gì mà lấy sạch hết vậy"" Lão trừng mắt nhìn hai người chúng tôi rồi buông một câu cộc lốc: " Đưa tiền đây". Thấy chúng tôi không ai trao tiền, lão sách túi báo thản nhiên ra đi.
Lần khác, chúng tôi ra thùng báo đặt gần tiệm nước lọc Vĩnh Hảo và nhà hàng Tài Bửu lại gặp lão cũng vừa trút hết báo trong thùng và đang ung dung xách về. Thấy chúng tôi thất vọng vì hết báo, một anh người Mễ đang quét dọn rác ở đó vừa cười vừa nói với chúng tôi bằng tiếng Việt rất rành rõi: "Nó lấy mẹ nó hết rồi"! Chúng tôi vừa lắc đầu xấu hổ, vừa tức cười vì câu nói mà anh người Mễ dành cho lão, thật đúng với giọng điệu bình dân của bà con mình. Không biết ai đã dạy cho anh Mễ này nói được câu nói đúng nơi và đúng lúc như thế"
Nhưng không phải lão chỉ ra lấy báo một lần mà có ngày lão đi tới ba lần, lần thứ hai và thứ ba lão đổi địa điểm, đi thẳng ra khu chợ 99, bỏ 25 cent vào thùng lấy thêm một ít nhật báo. Sẵn đó lão vào các văn phòng Bác sĩ, Nha sĩ, Luật sư gom các tờ tuần báo, nguyệt san cho hết vào túi ny lon rồi lại ung dung xách về.
Không phải chỉ có mình lão làm cái nghề thiếu lương thiện đó, một hôm chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên, mặc chiếc áo veston đen, cỡi chiếc xe đạp. Oâng ta cũng lại ngay thùng báo nằm gần ngã tư Mc.Faden và Brookhurst, bỏ 25 cent vào thùng báo, và cũng những động tác y hệt lão già vừa kể, ông ta rút hết các tờ báo trong thùng, cho vào hai cái giỏ sắt treo hai bên bánh sau xe. Hôm đó ít nhất có bốn người đang chờ mua báo, ai cũng phải ngao ngán, lắc đầu. Sau đó ông thản nhiên đứng tại đó mời mọi người mua báo và thu tiền, mặc cho ai muốn nói gì thì nói.Đến bây giờ ông vẫn ngày ngày đạp xe đi bán báo ở khắp các nẻo đường quanh Little Sàigòn với số vốn đầu tiên chỉ có 25 xu.
Ngoài hai trường hợp vừa kể, còn có một chàng thanh niên, trông khá bảnh trai, lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, chân đi giầy thể thao, áo bỏ trong quần và đặc biệt, dù mưa hay nắng, dù mùa hè hay mùa đông, bao giờ anh cũng khoác chiếc áo vét đen và sau lưng đeo một ba lô nặng trĩu. Cứ như thế, anh đi suốt ngày, từ đường Bolsa, qua Magnolia rồi Westminster tới đường Brookhurst. Đã mấy năm qua anh vẫn đi như thế, và chẳng màng đến những chuyện xảy ra chung quanh, kể cả tiền bạc, vì không thấy anh xin tiền ai bao giờ, và cũng không ai biết anh ăn ngủ ở đâu. Ai cũng bảo anh ta chắc thất tình đâm ra "mát", nhưng mấy tháng nay, không hiểu ai đã mách cho anh cái nghề bán báo. Anh đã thôi không lang thang nhiều đoạn đường dài quanh cái thủ đô tỵ nạn của người đồng hương nữa, để mỗi buổi sáng anh cầm trên tay một sấp báo mời mọi người qua lại quanh khu Phước Lộc Thọ mua giùm.