Hôm nay,  

Chuyện Của Indo & Ngày Hạnh Phúc

26/07/200800:00:00(Xem: 128285)
Tác giả: Trần Huyền Chi

Bài số 2362-16208438-vb7260708

Tác giả sinh năm 1959, là cư dân Virginia Beach, tiểu bang VA, làm nghề nail. Bà vừa nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008, với bài viết đầu tiên, một   tự truyện của người vượt biển năm 90’, kể về đảo tị nạn thời thanh lọc, tự thiêu chống cưỡng bức hồi hương. Bài viết mới của bà lần này là chuyện người con trai mang tên Indo, sinh tại trại đảo tị nạn, và một ngày hạnh phúc.  

***

I. Chuyện của Indo

Hôm nay trong lớp học của Indo, cô giáo bảo tất cả học sinh về nhà làm một bài viết về chính mình. Indo về nhà, thắc mắc tự hỏi là nó có biết gì đâu mà viết. Indo nhớ là chị nó thường hay ghẹo nó:

- INDO là người đặc biệt, không đụng hàng.

- Tại sao"

- Vì mẹ là người Việt, đẻ Indo ở trại Galang II bên Indonesia. Rồi bây giờ Indo nhập tịch Mỹ. Người ta là người Mỹ gốc Việt, còn Indo người Việt quốc tịch Indo, rồi nhập qua quốc tịch Mỹ, không phải là đặc biệt sao"

Tối đó Indo lục lọi tất cả album của gia đình để tìm tài liệu của nó. Tình cờ một cuốn hình rớt ra, nó coi kỹ. Thì ra đây là cuốn album anh nó đã sắp xếp để tự làm một trang về tiểu sử của anh nó hồi còn đi học.

Indo giở ra và đọc…

- Trang nhất có vẽ hình bản đồ nước Việt Nam, bây giờ Indo hiểu là nước Việt Nam của mình hình chữ S. Sau lưng hình bản đồ là lời bài hát ca tụng thành phố Sài Gòn.

- Trang kế là có hình ông ngoại của Indo, sau lưng có ghi chú ông ngoại đi du học ở Mỹ năm 1963.

- Hình thứ 3 là hình bà nội.  Indo nhớ mẹ nó đã kể lại bằng một giọng xúc động: Ngày nay gia đình ta được ở Mỹ, là nhờ bà nội ngày ngày cuốn chả giò bỏ mối cho các nhà hàng để lấy tiền gửi qua nuôi gia đình Indo hồi còn ở bên đảo. Indo thấy cay cay ở mắt khi nhớ đến lời mẹ kể.

- Hình thứ 4 là hình gia đình vui vẻ trong ngày sinh nhật 16 tuổi của chị nó- trên cái bánh kem có số 16, và Indo là chú bé đang ngồi trong lòng chị. Em của Indo 2 tuổi đang ngồi trên lòng mẹ. Ngồi kế tiếp là ba của INDO.

- Sau hình bà cô, người bảo lãnh bà nội qua Mỹ, là hình anh và chị của Indo khi còn ở Việt Nam. Kế đó là hình của INDO năm 10 tuổi. Indo hông ngờ nó nhỏ bé và ốm yếu như vậy. Kế cạnh bên là hình của chị của INDO đang chở nó bằng cái xe đạp con nít. Sau lưng tấm hình có ghi chú hình chụp trước Barrack INDO ở năm 1993 (Tết).

- Tiếp theo là hình đoàn biểu tình trong trại chống cưỡng bách hồi hương. Sau lưng bức hình có ghi chú: "Hình  này là lúc đồng bào ta nhận lại thi hài của anh tự thiêu số 2 (anh Lộc) trên đường ra chợ quay về nơi đang đấu tranh, hiện con đang có 6 tấm biểu tình, chỉ gửi thư này 2 tấm, 1 tấm con sẽ gởi trong thư tới, thư nầy quá cộm rồi, con không dám gửi nhiều, sợ mất uổng."

Mẹ của thằng Iindo mỗi khi cầm tấm  hình này là ứa nước mắt, mẹ nó bảo rất là đau lòng. Indo  cũng xúc động không kém khi nghe mẹ nó kể những tháng ngày sống trên đảo khi nó chưa ra đời. Sau lưng đoàn biểu tình có dãy nhà tole- mẹ bảo đó là nhà xác của bệnh viện. Indo đã sinh ra trong đó.

Hình thứ 12 là hình của đoàn người biểu tình, đang tuyệt thực chống cưỡng bức hồi  hương. Sau lưng bức hình có ghi chú: "Đây là hình ảnh cuộc biểu tình ở Galang, đã 54 ngày qua mà vẫn còn đang tiếp diễn. Hội đoàn nào ngồi theo Hội Đoàn đó, bắt đầu từ miếu 3 cô ngồi dài vào thánh thất Cao Đài, 2 bên chỉ chừa đường lộ chính giữa- Đông lắm, nam, nữ, già trẻ, nhỏ lớn gì cũng đi hết, có đứa nhỏ 6 tuổi tuyệt thực nữa, buồn lắm !!! Galang 12/6/94."

Mẹ nó kể sau đó có một số người tự đốn cây kết bè đi vượt biên qua Uc, nhưng đều chết cả vì bè nhỏ quá, thiếu thốn lương thực, có người phải bỏ về Galang lại, họ kể có cái bè đói quá, sắp sửa phải ăn thịt người vừa mới chết, bản năng sinh tồn, bắt buộc họ phải ăn thịt người để tìm sự sống.- Sau hình ở trại, là hình của anh thằng Indo nhân ngày ra trường, hình thằng anh cám ơn mọi người đã theo dõi và "enjoying my family project. Thanks! Thanks!"

- Tấm cuối cùng trong xấp ảnh chính là thằng Indo ngày nay. Bây giờ nó cao và khỏe  mạnh lắm, không giống thằng Indo ốm yếu hồi bé.

Khi coi hết cuốn album, Indo đã hiểu tiểu sử của nó như thế nào. Indo nhớ lại lần mẹ nó về VN, mẹ nó đem qua 2 quyển vần tập đọc lớp 1 và lớp2- mẹ nó bảo sẽ dạy nó học tiếng Việt. Nghe vậy, anh nó phản đối:

- Mẹ chỉ tốn thì giờ, dạy tiếng Việt làm gì, kêu nó học tiếng Mỹ thêm cho giỏi đi, mình đang sống ở Mỹ, chứ đâu có đang ở Việt Nam đâu.

Mẹ nó lập tức lớn tiếng nạt:

- Cần gì học tiếng Mỹ. Một ngày ở trường 8 tiếng đồng hồ, chưa đủ sao" Không cần học cũng biết. Còn tiếng Việt nè, nó sẽ quên thôi, con không thấy mỗi tối mẹ chỉ gặp nó có chút xíu, nói được vài câu thì là đã đến giờ đi ngủ rồi sao"

Rồi Mẹ cương quyết bắt Indo phải học tiếng Việt- Mẹ thường mỗi tuần cho nó $10, còn em nó thì được $5 bỏ ống, bảo rằng tiền đó để bắt hai anh em phải tập nói tiếng Việt. Hai anh em nó quên hoài, cứ một câu tiếng Việt lại xổ ra 3 câu tiếng Mỹ, mẹ tức quá, hạ quyết tâm:

- Kể từ bây giờ, mẹ nghe đứa nào nói tiếng Mỹ, cứ một câu thì mẹ trừ $1 tiền lương.

Sau vài lần bị trừ tiền, hai anh em Indo sợ quá đâm ra nhớ kỹ, không còn nói tiếng Mỹ khi ở nhà nữa.

Nhờ vậy mà Indo nói và viết tiếng Việt rành rồi, thỉnh thoảng nó chỉ có lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã mà thôi. Nó nhớ lời mẹ dặn chỉ có 3  chữ lúc nào cũng xài dấu ngã đó là: đã, những và mỗi….

Một buối tối thấy Indo lên mạng, chat với mấy người anh em bà con ở VN, mẹ nó đã tự hào nói:

-Thấy chưa! Nếu không nhờ mẹ dạy tiếng Việt thì bây giờ làm sao con có thể chat về VN được.

Iido nhìn mẹ cười và nói:

- Dạ con biết, cám ơn mẹ yêu!

Khi nào thấy thương mẹ, Indó hay dùng hai tiếng "mẹ yêu."  Nó biết mẹ nó rất thích hai chữ thân thương đó.

Hình bên: Hai chị em trong trại Galang 2 và cậu bé Indo hiện nay.

INDO đang hồi tưởng bằng những tấm hình thuở xa xưa khi còn bé, có tiếng ca trong tivi của Quang Lê đang hát… Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi  mới ra đời người ơi…tiếng nước tôi, 4 ngàn năm ròng rã buồn vui….

Câu hát đó diễn đạt đúng tâm trạng của Indo quá trời.

II. Ngày Hạnh Phúc

Trên đây là  bài tôi  mới viết thay cho Indo kể câu chuyện của nó, nhân kỷ niệm 15 năm gia đình tôi đến Mỹ. Còn sau đây là câu chuyện của tôi, viết để tặng toà soạn Việt Báo và các bạn Viết Về Nước Mỹ.

Năm tôi học lớp 10 thì Sài Gòn thất thủ. Ba tôi đi học cải tạo, các chị em tôi phải nghỉ học vì là con của thành phần chế độ cũ. Rồi lúc đó có những tin đồn lan tràn, trong đó có tin  Việt Cộng sẽ bắt  những cô gái thành phố đem gả cho các thương binh. Cả nhà tôi mấy chị em gái sợ quá. Thử tưởng tượng lấy anh chồng cựu cán binh Việt Cộng cụt giò, hoặc mất một cánh tay, hay mù mắt là tàn đời rồi.

Tình cờ tôi quen anh, đâu chỉ được ba tháng, tình yêu đến vội vã chớp nhoáng như trong phim, anh ngỏ ý yêu tôi, và tôi bằng lòng. Có lẽ do duyên trời định, quen nhau chỉ ba tháng, chưa hiểu nhau nhiều, chưa có sự thử thách, mà đến nay cũng sống được 29 năm rồi, một chặng đường dài không biết là bao nhiêu gian nan.

Rồi vợ chồng tôi đi vượt biên, qua được đến xứ Mỹ, chữ nghĩa ba xí ba tú không bằng ai, thấy mọi người viết về nước Mỹ, ngẫu hứng tôi cũng viết. Thấy người ta lý lịch dữ dội quá, nào là giám đốc, kỹ sư, nha sĩ… nhìn lại lý lịch mình yếu quá, đâm ra mặc cảm không có bằng cấp giống thiên hạ. Đành chịu. Mình cũng muốn đi học cho ra thầy, bà với thiên hạ lắm chứ, nhưng ai nuôi đàn con nhỏ, ai lo cho cha mẹ già đây… Thôi đành chấp nhận số phận cho rồi.

Bữa nay đang ở nhà, thì nhận được một hộp giấy mang tên của tôi. Mở ra xem tôi nhớ lại hôm trước có một cô ở tòa soạn Việt Báo mãi bên Cali gọi hỏi tôi có đi qua dự lễ phát giải năm 2008 không"

Tôi thắc mắc hỏi lại:

- Qua làm gì hả em" Vả lại chị đâu có trúng giải gì đâu mà qua.

- Có chứ, chị có giải đặc biệt.

- Thiệt không"

- Thiệt chứ, bởi vậy em hỏi chị nếu có qua thì liên lạc với em để tiện việc sắp xếp.

Tôi nghĩ thật nhanh trong óc, qua bển đâu có quen ai, không lẽ đi một mình, lạ nước lạ cái, ai mướn dùm khách sạn…. Chỉ mới nghĩ thôi đã nhức đầu quá. Ông chồng chắc không thể đi rồi đó. Nghĩ vậy nên tôi từ chối. Hôm nay cầm gói quà, nhìn bao bì ghi là Việt Báo gửi, nhớ lại  mọi việc, tôi từ từ mở ra... A, lần lượt  thấy có tất cả là 5 cái bằng khen ghi đúng tên tôi.

- Thứ nhất bằng khen của Thượng Viện California, có chữ ký của ông Thượng nghị sĩ Lou Correa.

- Thứ hai cũng vậy nhưng chữ ký là của bà Janet Nguyen, giám sát viên Quận Cam.

- Thứ ba thì chữ ký là của bà Margie L. Rice, Thị trưởng Westminster.

- Thứ tư thì chữ ký của ông Van-Tran. Đây là ông dân biểu tiểu bang California.

- Cái thứ năm này mới đặc biệt là thứ dữ nghe, tôi đoán vậy vì cái bằng này khác hơn mấy cái trước, coi trịnh trọng và có bọc plastic hẳn hoi, chữ ký là của bà Loretta Sanchez, dân biểu liên bang.

Sau cùng là một cái bảng bằng gỗ nâu, chánh giữa màu đen nổi bật những chữ màu trắng, những chữ đó chính là tên của tôi và Việt Báo 2008 chung với tác phẩm tôi viết. Kế tiếp có một cuốn sách Viết Về Nước Mỹ bìa cứng tên "Cay Đắng Ngọt Bùi".  Ở giữa có một gói nhỏ được gói kỹ bằng giấy bạc, trên hết là quyển Viết Về Nước Mỹ 2008. Cả 3 được cột chung lại bằng một dây ruy băng 3 màu trắng, đỏ, xanh, mầu cờ Mỹ. Tôi mân mê với niềm vui trong lòng không muốn  mở ra. Thằng INDO con của tôi thấy vậy lên tiếng:

- Không dám mở hả mẹ" Sung sướng nha. Mẹ giỏi quá nhe, có quà vui quá ha!

Tôi chỉ cười mà thấy lòng ấm áp vô bờ. Nói thật bạn đọc đừng cười:  cả đời tôi ngoài cái bằng lái xe, chỉ có thêm cái bằng duy nhất để kiếm cơm ăn là bằng Nails. Rồi bây giờ có thêm  những bằng khen đặc biệt này, cứ tạm gọi là bằng viết văn đi.  Gọi như thế cho thấy đời vui một chút. Tôi thấy hãnh diện và vui sướng làm sao.

Tôi cứ như thế mà ngắm, hết nhìn rồi lại mân mê nó, nhìn tên của mình viết bằng chữ in hoa trên những tấm bằng thật là trang nhã và thanh lịch. Đợi đến lúc tối, một mình trong phòng, tôi từ từ tháo cái dây ruy băng ba màu. Thì ra cái gói bằng giấy bạc nằm ở giữa là một cuốn DVD "Lá Thư Từ Chiến Trường" của Trung Tâm Asia. Tôi cứ tưởng đó là  cuốn sách hay là thêm một cái bằng  khen nữa….

Sách Viết Về Nước Mỹ 2008,  lật ra trang 305 có in bài tôi viết, tựa đề là "Không Bao Giờ Quên". Đây là từng mẩu  chuyện về những ngày còn ở trại tị nạn Indonesia đầu 1990, khi trại đã đóng cửa, thanh lọc. Biểu tình. Tự thiêu. Tuyệt vọng. Sinh đẻ... Phải rồi, làm sao có thể quên"

Tôi đang ngồi thừ người ra suy nghĩ vẩn vơ, thì INDO bước vào phòng.  Indo chính là cháu bé tôi đã sinh trên đảo tị nạn Indonesia. Trong mấy đứa con, nó là đứa tế nhị nhất, đã luẩn quẩn theo dõi mẹ  từ sáng đến tối. Bây giờ vào phòng, thấy tôi cầm cuốn sách, nó lại hỏi lần nữa:

- Vui quá hả mẹ, sướng quá hả me.

Phải. Đúng là  hôm nay tôi thật sự cảm thấy mình hạnh phúc với gói quà của giải thưởng Việt Báo. Viết về nước Mỹ cho tôi niềm vui này.  Chính Indo nhiều lần  khuyến khích tôi: Viết nữa đi mẹ, viết nữa đi. Nó hiểu tôi ham viết là vì muốn giãi bày tâm sự, nỗi niềm thầm kín riêng tư lên những trang giấy trắng.

Tôi nhìn Indo, thấy ấm lòng hơn. Để thay lời cám ơn, tôi xin  gửi tới Việt Báo và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ bài tôi  viết thay cho Indo kể câu chuyện của nó, nhân kỷ niệm 15 năm gia đình tôi đến Mỹ.

Ý kiến bạn đọc
27/04/201705:32:06
Khách
Con có đọc qua các bài viết của Cô. Cô viết hay quá, nhớ nhiều quá Indo giờ lớn quá. Con chúc cô và chú Ngọc sức khỏe và thành công.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến