Hôm nay,  

Bên Kia Đồi

27/08/200800:00:00(Xem: 334076)

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 2386-16208462-vb6220808

Diệu Hương là tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 Tháng Tư. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại Bắc California. Sau đây là bản mới bài viết mới của cô.

++++

Bên kia đồi,  sườn dốc thoai thoải,  người ta xuống dễ dàng và nhanh hơn lúc trèo lên đồi.  Bên kia đồi, đôi lúc thật đẹp như trong một câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang “Bên kia đồi cỏ hoa đan lối”.  Nhưng trong khái niệm tuổi tác của người Mỹ thì “bên kia đồi”  chỉ sự xuống dốc khi người ta bước qua tuổi bốn mươi, tuổi  đã “biết người biết ta” như trong quan niệm nho giáo “tứ thập nghi bất hoặc”.

Đến lần họp mặt thứ bảy của hội Cựu Học sinh Ngô Quyền ở Mỹ thì hầu hết Thầy và Trò của chúng tôi đã qua “bên kia đồi”.   Một số rất ít chúng tôi đang đứng ở đỉnh đồi của đời người,  mắt vẫn còn tinh tường để đọc sách báo chưa cần đến kính viễn thị, tóc vẫn còn màu đen, dù là ở Mỹ vì dùng máy sấy tóc mỗi ngày nên  tóc dù đen, nhưng không phải là màu đen tuyền  nhờ gội đầu bằng nước bồ kết có pha một vài giọt nước chanh như thời nhỏ dại ở quê nhà, mà là màu đen nâu, đậm hơn màu nâu brunette của người Mỹ một chút. Nhưng dù đứng ở phiá nào của ngọn đồi tuổi tác, tất cả chúng tôi đều thấy được sự cố gắng không ngừng của qúy Thầy Cô giáo thời Trung học, đặc biệt là những Thầy Cô di tản từ năm 1975, rất đột ngột, và không có một chuẩn bị nào cho đời sống quê người, không còn quê hương nên cũng không còn học trò, không còn bảng đen, không còn bục giảng trắng mầu bụi phấn….

Khi Thầy Lân đến camp Fort Chaffee ở Arkansas  những ngày đầu tháng 5 năm 1975 thì Thầy  vừa bước vào tuổi ba mươi, vẫn còn ở “bên này đồi”, chưa đến tuổi 40 “down of the hill” như lời nói của người Mỹ.  Nỗi bàng hoàng vì vận nước chưa nguôi, Thầy đã có nỗi lo mọi thứ phải làm lại từ đầu, và chắc là không còn được  dậy bầy học trò Trung học những bài Toán Qũy tích, những vecto tịnh tiến  mà  bọn học trò  đứng sau “qủy và ma” của chúng tôi vẫn  đọc thành vecto “tính tiền”.  Nhưng Thầy còn may mắn hơn rất nhiều người  “di tản buồn” lúc đó ở chỗ Thầy có đủ Bố Mẹ, các anh chị bên cạnh Thầy. Đặc biệt là Thầy có được một vài người học trò cũ ở trại tỵ nạn lúc đó, dù  trường xưa đã xa mù tít tắp, ngăn cách bằng cả một đại dương, dù  khoảng cách Thầy trò không còn rõ ràng như chiều cao của cái bục giảng có kê bàn thầy cô giáo đến mặt đất có hai dãy bàn học trò đặt song song, nhưng  sự tương kính vẫn như xưa, những anh chị học trò vẫn giữ nguyên sự kính trọng đối với Thầy. Điều đó nâng đỡ tinh  thần Thầy Lân rất nhiều trong những ngày đầu lưu vong.  Rồi Thầy rời camp Fort Chaffee theo chương trình bảo trợ của một Hội từ thiên Thiên Chúa giáo ở tận Wisconsin miền Đông Bắc nước Mỹ.  Qua đến cái tiểu bang gần giáp giới với Canada giữa năm 1975 thì gặp được một người Việt Nam cũng khó như trúng số, gặp lại đồng nghiệp hay học trò ở Wisconsin gần như là chuyện không tưởng. Vậy là dù có yêu  nghề “bán cháo phổi” đến độ nào đi nữa, Thầy Lân cũng đành phải học ngành khác để  bắt đầu cuộc sống mới  ở một nơi không có một dấu tích Việt Nam nào ngoài chuyện mỗi tối sau một ngày dài  bốn tiếng lao động chân tay, và bốn tiếng trở lại thời sinh viên, với một ngôn ngữ khác, Thầy quay về nhà với Bố Mẹ và các anh chị của Thầy nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt Nam nấu bằng vật liệu mua từ chợ Mỹ không đậm đà nhưng dù sao vẫn phảng phất hương vị quê nhà.  Dù là một người dạy Toán,  không sống bằng kỷ niệm nhiều như các Thầy Cô dạy Văn,  mỗi lần đeo một cái backpack đựng đầy những quyển sách giáo khoa bià cứng của Mỹ đi từ parking lot vào giảng đường, Thầy vẫn chạnh lòng nhớ ngôi trường Đại học Sư phạm  ngày xưa ở đường Thành Thái Saigon. Lúc đó, tiếng Mỹ của thầy Lân chưa nhuần nhuyễn lắm nhưng Thầy vẫn được các ông bà giáo sư người Mỹ qúy vô cùng vì một lẽ đơn giản là  thầy Lân học giỏi, đặc biệt là môn Toán và đối xử với họ  rất lễ độ như truyền thống Việt Nam giữa thầy và trò.  Dĩ nhiên Thầy không nói ra nên những ông bà giáo sư người Mỹ không thể tưởng tượng người học trò  Việt Nam thông minh, chăm chỉ đó đã có một thời đứng trên bục giảng ngày còn ở trong nước. 

Trước khi trở lại trường học, Thầy còn  có  ham vui, theo một người bạn về Washington DC  làm busboy trong những quán ăn loại sang mà  thực khách thường là khách ngoại quốc  hay gia đình của những chính trị gia, những người làm trong ngoại giao đoàn.  Nhiệm vụ của busboy là phải lau chùi những cái bàn trong quán ăn thật bóng loáng để xứng đáng với những khoản tiền khá cao trên các hoá đơn cuối mỗi bữa ăn.  Dù phải làm việc tay chân vì   vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ,  thầy Lân vẫn còn nguyên khiếu khôi hài , nên vẫn đuà với anh bạn Việt Nam cùng làm:

- Tụi mình làm nghề “đánh bóng bàn”  mà chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện có huy chương.

Đến khi làm thêm cuối tuần cho một  tiệm ăn khác, Thầy lại khôi hài tiếp:

- Càng  “đánh bóng bàn” càng thông thạo, nên bây giờ “đánh” cho hai hội cùng một lúc vẫn không thấy mệt.

Thế nhưng khi bà chị của Thầy bay về DC thăm em, thấy cậu em út đã học hành xong xuôi ở Việt Nam, đã đi dạy Toán một vài  năm ở trường Trung học mà  bây giờ lại phải đi làm busboy suốt ngày đi dọn dẹp,  lau chùi bàn ở quán ăn thì quả là phụ công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cụ thân sinh.

Bà dùng quyền chị cả, “áp tải” thầy Long về lại Wiscosin với “phán quyết” đầy uy lực của “quyền huynh thế phụ””

- Về ngay Wisconsin với Bố Mẹ và các anh chị, quay lại trường học ngay.  Mày còn trẻ đừng phí phạm thời gian như thế em ạ!

Vậy là thầy Long vĩnh viễn bỏ nghề busboy chuyên lau chùi, đánh bóng bàn…ghế  ở những quán ăn, về với “mái nhà xưa” ở “quê hương mới” và trở lại thời sinh viên không phải là ở trường Đại học Sư phạm Saigon mà là trường University of Wisconsin ở Stevens Point.

Dạo đó,  ở tuổi ba mươi, vẫn còn ở phiá “bên này đồi” nên thầy Lân không buồn lắm, vì thật ra  không có thì giờ để nghĩ ngợi lung tung, để nhớ lại quá khứ để bùi ngùi và buồn bã. Và cũng vì còn trẻ nên  Thầy đủ sức chịu đựng cái lạnh của Wisconsin, một trong những tiểu bang lạnh nhất ở miền Đông Bắc nước Mỹ, một nơi mà vào mùa đông mặt đất phủ tuyết có khi dày đến nửa thước.

Những ngày tháng đứng trên bục giảng trắng mầu bụi phấn có những lần vẽ các vecto tịnh tiến bằng phấn màu cứ nhạt nhoà , nhạt nhoà dần khi thầy Lân ra trường với bằng cử nhân về Electrical Engineering và về làm việc ở miền Tây Nam đầy nắng ấm của Mỹ. Tưởng nước chảy bèo trôi, mọi chuyện đã là dĩ vãng xa xăm, vậy mà ở tiểu bang vàng  có khí hậu  tương tự Đalat của Việt Nam, Thầy gặp lại học trò xưa, đồng nghiệp cũ. Và do vậy một quá khứ của thời còn rất trẻ, ở những bước đầu của “bên này đồi” chợt sống dậy, rõ nét tưởng như mới hôm qua thầy vẫn còn dậy Hình học, môn toán Qũy Tích cho  các cô cậu học sinh ở ngôi trường Trung học lớn nhất miền Đông Nam phần, đã đào tạo cho cả hai đất nước Việt Nam và Mỹ rất nhiều nhân tài. Ở đó, Thầy gặp lại một vài đồng nghiệp ngày còn ở trong nước, nhưng chỉ có cuối tuần mới gặp lại được nhau để ôn lại chuyện ngày còn rất trẻ, và để nâng đỡ tinh thần nhau trong những năm đầu lưu vong.

Thầy đặc biệt thân với thầy Tòng, một đồng nghiệp dạy Lý hoá cùng trường thời trước năm 1975.  Lúc đó, cả hai Thầy đều chưa lập gia đình, và đều phải khởi đầu sự nghiệp ở tuổi không còn trẻ. Thầy Tòng rời quê nhà chậm hơn Thầy Lân  vài năm, mất một vài năm ở các trại tỵ nạn, rồi Thầy đến Mỹ chỉ một thân một mình, không có một thân nhân nào bên cạnh, giống như một người phải bơi giữa sóng to mà không có một cái phao nào để bám. Là cả một sự khác biệt lớn khi người ta phải xây dựng mọi thứ từ khởi điểm số không ở tuổi sắp vào thời 40, sắp xuống con dốc của đời người như lối nói của người Mỹ “down of the hill”. Có đầy đủ Bố Mẹ và anh chị bên cạnh, thầy Lân hiểu điều đó hơn ai hết, và ra sức giúp bạn “lội giòng nước ngược” như mình đã làm từ vài năm trước.  Hai Thầy vẫn  chia xẻ với nhau mọi cay đắng ngọt bùi của đời sống ly hương như ngày còn ở quê nhà, chỉ có điều khác biệt là ngày xưa các Thầy đã nhiều lần chở nhau trên cái vespa mầu trắng ngà trên đường Duy Tân cây dài bóng mát, ở đường Thành Thái dẫn vào cổng trường Đại học Sư phạm, thì ngày đó , những ngày đầu lưu vong,   chiếc Toyota Celica mầu nâu nhạt đã đưa hai Thầy ngược xuôi ở quê người có những tên đường bằng tiếng Mỹ được các thầy  dịch  ra bằng tiếng Việt gợi nhớ cả một quê nhà đã  bỏ lại sau lưng: đường “Mùa Thu”, đường “Lá vàng”, đường “Cánh đồng mùa Xuân”, “thị trấn giữa đường”,  “ngọn đồi mù sương”, “tầm nhìn của núi”………….

Nước Mỹ rộng mênh mông, vậy mà trong những tình cờ của đời sống, Thầy Lân vẫn gặp lại một số học trò cũ của mình.  Phần đông họ vẫn giữ được nề nếp Việt Nam nhờ những bài học về Công dân giáo dục trước năm 1975 vẫn còn rõ nét. Nhưng đâu đó, có một hai người không hiểu trí óc  đã bị nhạt nhoà theo năm tháng, hay bị quay như chong chóng bởi đời sống đầy bận rộn, những bài học về Công dân giáo dục đã bị đẩy khỏi tâm tưởng, đã đối xử với Thầy không đúng với lễ nghiã thầy trò.  Dạo đó, thầy Lân cũng buồn, nhưng chỉ  thoáng qua một chút rồi thôi, vì Thầy vẫn chưa đến tuổi bốn mươi, vẫn  còn sống với tương lai nhiều hơn là quá khứ. Nhưng từ dạo đó,  cách nhìn của Thầy về học trò cũ đã không còn như xưa.  Đó là thập niên đầu của đời sống lưu vong, cộng đồng Việt Nam không lớn mạnh, đông đảo như  bây giờ. Vả lại, mọi người đều đang phải mải mê làm việc, học hành như một đàn ong thợ cần cù xây một cái tổ mới, nên chưa có các hội ái hữu của các trường học trước năm 1975, mọi người, kể cả thầy Lân nếu có những điều không vui thì cũng giữ lại rất riêng ở một góc tâm tưởng.

Mãi về sau này, khi năm tháng lặng lờ trôi qua, Thầy không còn trẻ như những ngày đầu lưu vong,  sự nghiệp và gia đình riêng đã ổn định,  Thầy đỡ vất vả hơn những ngày đầu lưu lạc.  Nhưng đến lúc đó, Thầy cũng đã bước gần đến tuổi về hưu, đã qua tuổi “down of the hill” của Mỹ, và đã ở “bên kia đồi” theo cả nghiã bóng lẫn nghiã đen. Những con chữ mầu đen trên sách báo đã biến thành những đốm đen nhạt nhoè, chi chít nếu Thầy không đeo kính viễn thị. Thầy đã phải đi khám bệnh nhiều hơn thay vì mỗi năm một lần đi khám sức khoẻ tổng quát như những người dưới bốn mươi tuổi, vẫn còn ở “bên này đồi”. Nhưng dù sức khoẻ có hao mòn đôi chút, Thầy vẫn còn làm việc hăng say, dù không còn vất vả, tất bật như những ngày còn trẻ.  Lúc này, Thầy đã phải thăm viếng các ông bà Bác Sĩ thường xuyên hơn. Đúng theo tiêu chuẩn của Mỹ, mọi thứ đều được chuyên môn hoá, Thầy đã phải đi gặp rất nhiều  Bác sĩ chuyên khoa theo đề nghị của ông Bác sĩ  tổng quát của  Thầy.  Có lần phải đi một Bác sĩ chuyên khoa về mắt, có cái  tên Nguyễn  Lạc  Việt đầy âm hưởng quê hương,  Thầy kiên nhẫn ngồi ở phòng đợi, chờ đến lượt mình.  Dòng tư tưởng của Thầy lúc đó không phải là hoài niệm quê nhà mà là những lo toan về sức khoẻ và cả tinh thần của tuổi “bên kia đồi” sức khoẻ mỗi ngày mỗi xuống.  Đến phiên Thầy, cô y tá theo Thầy vào phòng khám, hướng dẫn Thầy đến chiếc ghế đặc biệt của bệnh nhân, đẩy cái khung đo mắt đến trước mắt Thầy, điều chỉnh một cách thuần thục cho hợp với chiều cao của Thầy rồi lặng lẽ quay ra sau khi đã khép cửa cẩn thận.  Ông Bác sĩ nhãn khoa mải mê đọc hồ sơ của Thầy, cũng chưa nhìn rõ mặt Thầy. Nhưng khi ông nhìn vào mắt thầy qua tròng kính đặc biệt của cái máy đo mắt, ông kêu lên bằng một giọng vừa kinh ngạc vừa ẩn chứa niềm vui:

- Thầy, thầy có phải là Thầy Nguyễn Phan Lân hồi xưa dạy ở Ngô Quyền không Thầy" Em là học trò của Thầy năm lớp 8/1, Thầy nhớ không"

Thầy Lân chưa kịp trả lời, cũng chưa kịp nhìn kỹ ông Bác sĩ nhãn khoa, người học trò cũ ở vào những năm cuối của tuổi 30, chắc là đang ở “trên đỉnh đồi của tuổi tác”  hăm hở  tiếp lời:

- Hồi đó em ngồi đầu bàn nhất cạnh cửa ra vào đó Thầy, Thầy nhớ em chưa"  Qua tròng kính của máy đo mắt, em vẫn nhận được ánh mắt của Thầy, dĩ nhiên đổi thay theo năm tháng, nhưng không khác thời em còn học với thầy ở Ngô Quyền nhiều.

Thầy Lân trầm tĩnh:

- Bác Sĩ chuyển cái máy đo mắt ra khỏi tầm nhìn của tôi, tôi mới có thể nhìn kỹ lại Bác Sĩ được.

Ông Bác sĩ Nhãn khoa vừa chuyển cái khung của máy đo mắt ra khỏi mắt Thầy, vừa vồn vã:

- Em xin lỗi Thầy, Thầy nhận ra em không"

Thầy Lân quan sát kỹ khuôn mặt của người đối diện nhưng trí nhớ của Thầy vẫn nhạt nhoà:

- Chịu thôi, ngày tôi dạy các cô các cậu, các cô các cậu còn nhỏ quá. Vả lại, ký ức của tôi bây giờ đôi lúc mờ ảo như sương mù.

Vậy mà “ký ức sương mù” của thầy Lân in rất rõ nét lần gặp lại người học trò cũ hôm đó.  Thầy vui cả ngày, không phải vui vì nhận được cả một bao thuốc nhỏ mắt, thuốc bổ mắt loại “sample” từ các viện bào chế vẫn thường biếu để giới thiệu thuốc mới hay quảng cáo thuốc cũ trên thị trường, mà vui vì sau hơn hai mươi năm gặp lại, người học trò mười ba tuổi ngày xưa đã nên người và vẫn không quên câu ngạn ngữ Việt Nam “Công Cha, nghiã Mẹ, ơn Thầy”. Từ đó, lâu lâu Việt, người học trò cũ ở Trung học Ngô Quyền xưa,  thỉnh thoảng vẫn đến tham gia đình Thầy đều đặn với sự kính trọng như khi anh còn ngồi ở ghế trường Trung học.

Ở tuổi sắp về hưu, bên này triền đồi của đời sống, sức khoẻ mỗi ngày một yếu đi như một cái xe cũ đã cao mileage,  cũng như những người cùng thời, Thầy Lân sống bằng quá khứ nhiều hơn là tương lai.  Rải rác đâu đó khắp nước Mỹ, thảng hoặc Thầy vẫn gặp lại những người học trò cũ, hầu hết họ đều thành công ở xứ người,  và vẫn nhớ những bài học năm xưa.  Lâu lâu Thầy vẫn nhận được điện thoại của một vài học trò cũ, có người ở tận Châu Âu hay Châu Úc, có người cũng đã ngấp nghé tuổi năm mươi, vậy mà nói chuyện với Thầy, họ vẫn lễ độ, vẫn còn nhắc nhở những giờ học năm xưa. Những lúc như vậy, Thầy vui lắm, và vẫn nghĩ về những năm tháng đi dạy ở trong nước, ngày còn trẻ, dù ngắn ngủi, nhưng đã để lại môt hệ quả rất qúy mà không một khoản tiền nào có thể mua được.

Một lần khác Thầy phải nằm bệnh viện vài tuần vì một cuộc giải phẫu không quan trọng lắm, nhưng một người học trò cũ khác từ Canada bay về tiểu bang Thầy đang ở dự một hội thảo của ngành y đúng vào thời điểm đó, vẫn chịu khó vào thăm Thầy  tận giường bệnh mỗi ngày. Điều đó hình như là một liều thuốc có hiệu quả nhất giúp thầy Lân hồi phục sức khoẻ rất nhanh chóng làm kinh ngạc rất nhiều nhân viên ở bệnh viện.

Ấy vậy mà có lần đi lang thang một mình trên đường phố ở Mỹ, Thầy đã lặng người khi nghe một người đàn ông trung niên hỏi Thầy:

- Anh có phải là anh Lân không" Hồi xưa anh dạy chúng tôi môn Hình học.

Tối hôm đó, về nhà, thầy Lân cứ xoè bàn tay, nhìn những ngón tay của mình và nhớ đến câu ngạn ngữ “bàn tay có ngón dài ngón ngắn”.  Khi còn trẻ, ở tuổi dưới 40, người ta sống bằng tương lai vì không có quá khứ, hoặc quá khứ quá ngắn ngủi.  Ở tuổi  bốn mươi,  quá khứ đã có chiều dày và tương lai vẫn còn rộng mở, chừng như đang ở đỉnh đồi của đời sống. Và qua khỏi  tuổi “tứ thập nghi bất hoặc”,  tương lai mỏng dần, quá khứ thì mỗi ngày một dày, cho nên người càng già thường chỉ sống bằng quá  khứ.

Điều may mắn nhất cho những người đã một thời đứng trên bục giảng như Thầy là tình nghiã thầy trò vẫn còn, và quá khứ cuả những người đi dạy vẫn thường ngọt ngào, thi vị hơn những người làm các ngành nghề khác. Cho nên, chừng như những nhà giáo tuy nghèo nhưng thường sống thọ hơn vì có nhiều niềm vui hơn những người ở các ngành nghề khác. Họ còn được so sánh với những người lái đò vẫn cặm cụi chèo thuyền mỗi năm đưa rất nhiều người từ bờ này đến bờ kia.  Có những người đến bên kia bờ,  mất dạng biệt tăm.  Nhưng cũng có nhiều người khách trở lại bến đò cũ thăm người lái đò,

vẫn với cái nhìn kính trọng như ngày xưa họ vẫn còn thơ dại , được đưa qua dòng sông nhỏ đầu đời hướng về biển học mênh mông.

Ở bên này đỉnh đồi của đời sống, có liều thuốc nào hiệu nghiệm hơn là niềm vui tinh thần đến từ mọi phiá, đặc biệt là đến từ những người học trò cũ bé dại ngày nào nay đã thành người nhưng vẫn theo đúng những điều căn bản về đạo đức, luôn nhớ đến công cha nghiã mẹ ơn thầy.

Nếu có khiếu về âm nhạc, Thầy sẽ viết nên bài hát “xin được làm người đưa đò”, chắc hẳn là sẽ cảm động hơn “xin được làm người hát rong” . Nhưng điều càm động đó, Thầy chỉ nhận ra được rất rõ ràng khi đã ở phiá bên này của ngọn đồi tuổi tác………   

Mountain View, tháng 8 /08

Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,892,221
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.