Hôm nay,  

Top 10 Things Dad Says, 10 Câu Bố Nói Nhiều Nhất

16/06/200800:00:00(Xem: 190639)
Người viết: Nguyễn Duy An

Bài số 2327-16208304-vb2160608

Nguyễn Duy An  là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả nhận giải Chung Kết  Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông cho Fathr’s Day 2008.

Ngày lễ Father's Day năm trước, mấy đứa nhỏ con tôi tặng bố một chiếc áo T-Shirt in sẵn "10 câu bố nói nhiều nhất" (top 10 things dad says). Tôi không biết đây là loại áo sản xuất hàng loạt hay làm theo đơn đặt hàng kiểu "custom made" để khách hàng có thể chọn những câu thích hợp trước khi in vào áo, nhưng quả thật cái "top 10" này rất đúng với trường hợp của cá nhân tôi. Mỗi lần mặc hay nhìn thấy chiếc áo, tôi lại suy nghĩ thật nhiều về những lời dạy bảo của cha tôi ngày trước...

Tháng Sáu về, ngày lễ Father's Day tới. Tôi nhớ thương cha tôi nhiều lắm. Đã 10 năm qua rồi kể từ khi cha tôi từ giã cõi đời vào một buổi chiều cuối tháng 5, năm 1998. Tôi vẫn thường xuyên ôn lại những "lời cha dạy" vì đó là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời. Hôm nay tôi lần theo thứ tự cái "top 10" được in trên áo T-Shirt để tự vấn lương tâm và so sánh hai kiểu làm cha của bố con tôi.

1. Go ask your mother: Tôi phải thú nhận ngay rằng tôi đã nói câu này với các con nhiều quá! Mỗi khi có đứa nào xin phép đi chơi đâu đó hay mời bạn bè tới nhà, muốn tổ chức tiệc sinh nhật hay bất cứ điều gì trong gia đình, câu nói "đầu môi chóp lưỡi" của tôi thường là "con hỏi mẹ xem sao" hoặc "con đã xin phép mẹ chưa"" Ngồi nghĩ lại chuyện ngày trước, mỗi lần tôi xin cha việc gì, thường thường cha tôi trả lời ngay là được hay không với lời giải thích rõ ràng; thỉnh thoảng cũng có lúc cha tôi nói "để cha bàn lại với mẹ rồi trả lời cho con sau" chứ không phải "bán cái phủi tay" như tôi bây giờ. Con gái đầu lòng của tôi đã 18 tuổi, và cháu út cũng đã lên 10 nhưng tôi chưa biết làm cha và cũng chưa học được cách thức trả lời và giảng giải rõ ràng cho các con như cha tôi ngày trước!

2. Wait until I get home: Điều này thường xảy ra lúc các con gọi điện thoại hỏi ý kiến hoặc xin phép sử dụng máy móc khi tôi vắng nhà. Ngày xưa cha tôi cũng đã từng đi làm xa gia đình, rồi từ khi lên lớp 6, tôi đi học xa nhà, và cũng đã hơn một lần tôi viết thư xin phép làm việc này, điều kia... Thời đó không có điện thoại hay email như bây giờ, nhưng bao giờ cha tôi cũng viết mấy chữ ngắn gọn trả lời hay gợi ý cho tôi suy nghĩ và bàn hỏi thêm với mẹ hay các bác, các chú chứ nếu cha tôi cũng trả lời theo kiểu của tôi bây giờ là "đợi tới lúc cha về nhà" mới quyết định có lẽ tôi đã chẳng làm được gì và không bao giờ trưởng thành để tự lực mưu sinh cho tới giờ này. Từ lúc có trí khôn cho tới ngày cha tôi mất đi, tôi chỉ sống gần cha được khoảng 5 năm. Nếu tôi cứ phải đợi cho tới lúc hai cha con cùng "ở nhà" thì không biết phải đợi cho tới bao giờ!

3. Did you do your homework" Câu nói đầu tiền khi bước vào nhà, gặp bất cứ đứa con nào tôi cũng hỏi xem nó đã làm xong bài vở chưa, kể cả mùa hè. Đã hơn một lần tôi bị cháu út "mè nheo" là tại sao lúc nào bố cũng chỉ biết "homework" mà không hỏi xem hôm đó đội bóng rổ của nó thắng hay thua... Ngày xưa cha tôi không bao giờ hỏi tôi đã làm bài hay chưa, ông chỉ thỉnh thoảng khuyên tôi hãy cố gắng học hành; rồi những lúc thấy tôi vui vẻ đàn hát vui chơi với bạn bè trong những đám tiệc tùng cưới xin, về nhà cha tôi thường nhắc nhở đừng lợi dụng tài vặt để làm khổ "con gái người ta" nhưng hãy chú tâm "học hành cho tới đầu tới đũa" để tạo dựng tương lai vì "thời nào người có học cũng hơn..."

4. This hurts me more than it hurts you! Mỗi lần con tôi phạm lỗi, tôi thường bắt quỳ trước bàn thờ để "sám hối", và nếu là lỗi nặng, tôi vẫn áp dụng kiểu "thương cho roi cho vọt" bằng cách bắt con nằm sấp xuống sàn nhà, quất cho một roi vào mông rồi ngồi "lải nhải" cho nó nghe tại sao tôi đánh nó, và hầu như lần nào cũng kết thúc bằng câu "bố đánh con đau nhưng lòng bố còn đau hơn, con có biết không"" Đấy là tôi sợ bị ghép vào tội "child abuse" theo luật lệ của Mỹ chứ nếu ở Việt Nam có lẽ tôi đánh con nhiều lắm! Cha tôi chưa bao giờ xuất ngoại và cũng chẳng biết "child abuse" là gì nhưng tôi chưa bao giờ bị ông đánh roi nào. Một trong những "lý do chính đáng" là thời gian tôi ở gần cha trong gia đình không được bao nhiêu! Hồi nhỏ tuần nào tôi cũng bị mẹ đánh ít là một tuần một lần vì tội nghịch ngợp, phá phách, hái trộm cậy trái người ta và nhất là đánh lộn với đám bạn chăn bò ở quê. Có một lần cha tôi đi xa về, bắt gặp mẹ đang đánh tôi, ông chỉ nói là bà phải giải thích cho nó hiểu tội của nó và chỉ cho nó làm sao để đừng tái phạm chứ quất roi liên tục như vậy thì tôi cũng đau lắm đấy!

5. Go to your room! Nhà tôi khách khứa cũng tương đối nhiều, và trẻ con bên này thường không biết "kính trên nhường dưới" theo truyền thống Việt Nam... Phải nhắc chúng nó mới biết vòng tay chào ông, chào bà... và để tránh những chuyện không hay xảy ra, mỗi khi có khách tôi thường bảo chúng nó về phòng hoặc xuống "basement" chơi cho người lớn nói chuyện. Riết rồi chúng nó cũng quen nên hễ có ai tới nhà, sau khi chào hỏi là tự động rút lui. Ngày xưa ở Việt Nam cha tôi không bao giờ nói "go to your room" vì ở nhà quê đâu có phòng riêng. Cả căn nhà chỉ có một phòng!

6. If your friends jump off the bridge, would you" Con cái bên này, nhất là những đứa đang ở tuổi "teen", chúng nó nghe và làm theo bạn bè nhiều hơn cha mẹ! Mỗi khi có đứa nào nhắc tới việc bạn nó mới có đồ chơi này, mặc quần áo kiểu kia... tôi vẫn thường bảo các con rằng không phải bạn bè có cái gì mình cũng phải làm theo. Nếu chúng nó nhảy cầu tự tử con cũng nhảy theo hay sao" Ngày xưa còn bé tôi cũng theo bạn bè phá làng phá xóm, nhưng cha tôi chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở "con nên chọn bạn mà chơi" vì "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" chứ không "đao to búa lớn" như tôi nói với các con bây giờ! Điều quan trọng là hướng dẫn con cái biết theo bạn tốt thay vì bạn xấu chứ làm sao tôi cấm cản hay cô lập chúng nó khỏi ảnh hưởng của bè bạn được. Tôi học hành nhiều hơn cha tôi, đọc sách, đọc báo, xem TV và cũng được đi qua nhiều nước trên thế giới nhưng tầm nhìn của tôi còn thấp hơn một ông lão nhà quê chỉ biết "cày sâu cuốc bẫm" là cha tôi!

7. I told you so: Mỗi khi có dịp nói chuyện với các con, tôi thường nhắc lại những lỗi lầm của chúng, và nhất là cứ "càm ràm" tại sao chúng nó không chịu ghi nhớ "lời bố dạy" và lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc "bố đã bảo mà..." Cha tôi thì ngược lại: Nếu tôi làm sai, ông chỉ cái sai và khẽ nhắc "cha nói ít, con hiểu nhiều!" Phải thú thật là nhiều lúc tôi chẳng hiểu ý cha tôi, nhưng vì câu "nói ít hiểu nhiều" của ông, tôi cứ phải suy đi nghĩ lại cho tới lúc những lời dạy bảo của cha thấm dần vào tim óc, theo tôi trưởng thành theo thời gian và tôi không bao giờ quên nữa!

8. What do I look like" A bank" Trẻ con bên này cứ theo chúng bạn đua đòi đủ thứ. Hôm nay xin tiền mua đồ chơi này, mai cần đôi giày chơi banh, ngày kia cuốn sách mới... Mấy đứa con tôi thường chỉ xin mẹ vì chúng nó biết bố sẽ trả lời "bố đâu phải ngân hàng, tiền đâu mà mua!"

Ngày xưa cha tôi hầu như không bao giờ giữ tiền trong túi. Mỗi lúc ra khỏi nhà, mẹ tôi thường phải dúi tiền vào túi cho ông. Nhưng mỗi lần dẫn tôi đi đâu, lúc nào ông cũng hỏi xem tôi có cần gì không, đặc biệt là những thứ cần thiết cho việc học chẳng hạn cây thước đo độ để học toán, vài cây bút chì hay cuốn tập mới... chứ ông không đợi tới lúc tôi phải xin; và gặp lúc không sẵn tiền trong túi để mua, lúc về nhà thế nào cha tôi cũng nói mẹ mua cho tôi những thứ tôi cần. Tôi không có được cái nhìn tinh tế về nhu cầu của các con như cha tôi ngày trước, và nếu có đứa nào xin mua gì đó, nếu không than rằng mình không có tiền, tôi lại bảo chúng nó "về nhà xin mẹ!"

9. When I was your age... Tôi vẫn thường kể với các con "ngày xưa lúc bằng tuổi con, bố phải vừa đi học vừa đi chăn bò..." hoặc những điệp khúc tương tự để nhờ chúng nó phụ giúp việc nhà, nhất là những việc "nặng nhọc" như cắt cỏ, làm vườn, rửa xe... Mùa hè năm nay con gái lớn của tôi chuẩn bị lên đại học nên phải đi làm để kiếm thêm tiền chi tiêu vì bố mẹ chỉ có khả năng trả tiền học phí mà thôi. Tôi tìm dịp định nói vài lời khích lệ vì sợ cháu phân bì so đo với bạn bè cùng trang lứa, nhưng chưa kịp mở lời, cháu đã nói "con hiểu mà, ngày xưa bố vừa đi học đại học vừa đi quét nhà, lau cầu tiêu buổi tối..." Ngày xưa cha tôi không bao giờ nói với tôi "ngày xưa lúc bằng tuổi con" vì cái "ngày xưa" của cha tôi gian nan vất vả không bút mực nào tả xiết. Ông nội tôi mất sớm nên mới 15 tuổi đầu cha tôi đã phải "cày sâu cuốc bẫm" để nuôi 3 người em còn nhỏ dại! Khi tôi 15 tuổi, cha tôi không nói chuyện "ngày xưa", ông chỉ dùng những đồng tiền vất vả kiếm được bằng mồ hồi nước mắt để lo cho anh em chúng tôi "học hành cho tới đầu tới đũa!"

10. I love you, son / princess! Sống ở Mỹ, hầu như ai cũng học được thói quen bộc lộ tình cảm bằng lời nói một cách thoải mái, mặc dầu nhiều khi "miệng nói một đàng trong lòng nghĩ một nẻo!" Do đó, việc bố mẹ nói "thương con" là chuyện bình thường ở Mỹ. Ngược lại, ở Việt Nam, nhất là người miền quê như gia đình tôi, người ta làm nhiều hơn nói. Nếu tôi nhớ không lầm thì cha tôi chưa bao giờ mở miệng nói "cha thương con" nhưng tôi biết chắc chắn rằng cha tôi thương tôi nhiều lắm. Tình yêu của cha tôi không diễn tả bằng lời nói nhưng bằng việc làm và gương sống suốt đời của ông.

 *

Cha tôi không còn nữa! Các con tôi đang lớn và bắt đầu chập chững vào đời... Ngày xưa cha tôi "nói ít con hiểu nhiều" nhưng mấy chục năm sau tôi vẫn khắc ghi "lời cha" trong tâm khảm. Ngày nay tôi nói với các con nhiều tới nỗi chưa mở miệng chúng nó đã có thể "lặp lại" như con vẹt những gì tôi định nói. Con tôi có hiểu và ghi nhớ lời tôi nói hay không lại là chuyện khác! Tôi phải hồi tâm suy nghĩ để thay đổi cách "đối thoại" với các con.

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.