Hôm nay,  

Mùa Xuân Hải Ngoại

21/02/200800:00:00(Xem: 378187)

Tác giả: Nguyễn Thi

Bài số 2229-1620806-vb5210208

*

Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California, đồng thời cũng tham gia việc dạy Việt ngữ cho cộng đồng. Mong Nguyên Thi tiếp tục góp thêm những bài viết về đề tài những buổi học thảo, hội thảo hệ thống học đường tại California.

*

Khi người Việt tản mạn mọi nơi trên thế giới sau ngày 30 tháng 4 định mệnh ấy, thời gian của họ đa số chỉ quanh quẩn chung quanh việc ăn, học, ngủ, đi làm. Ăn để sống mà lo cho lũ con lũ cháu có thể yên tâm đi học cho bằng người ta. Học là học Anh văn, Pháp văn& học nghề để có một công ăn việc làm tốt. Ngủ để có sức cho ngày hôm sau "đi học, đi cày" tiếp tục. Đi làm để có thể nuôi ăn nuôi mặc cho gia đình ở hải ngoại lẫn bà con thân thuộc ở Việt Nam. Thoáng thế mà đã ba mươi mấy năm lưu lạc nơi xứ người. Tại những nơi có đông người Việt sinh sống, một nhu cầu cần thiết đã được đáp ứng, dạy trẻ em biết đọc biết viết tiếng Việt và nhất là để các em tiếp tục giữ gìn phong tục tập quán ngàn đời của dòng dõi Rồng Tiên.

Tôi có nghe ai đó nói câu: "Đừng sợ lũ trẻ không biết tiếng Anh mà chỉ sợ chúng nó quên tiếng Việt." và "Xấp nhỏ nhà tôi giỏi tiếng Việt vì cả hai bên nội ngoại đều dốt tiếng Anh." Cả hai câu trên đều hợp với gia đình tôi phần nào. Con chúng tôi sinh ra tại Hoa kỳ nên khi còn nhỏ tiếng Việt nói khá rành rẽ; lúc bắt đầu học Mẫu giáo trường Mỹ, tiếng Việt của chúng bắt đầu theo hệ số giảm trong khi Anh văn theo hệ số tăng. Vì công ăn việc làm gia đình tôi dọn về miền Cali nắng ấm trong khi cả hai bên nội ngoại ở đâu quen đó, họ vẫn còn ở những tiểu bang quanh năm tuyết phủ lạnh lẽo. Mồi khi liên lạc qua điện thoại phần thì người già lãng tai, phần thì ngôn ngữ bất đồng và tôi không muốn làm thông dịch viên bất đắc dĩ nên chúng tôi quyết định cho các cháu đi học Việt ngữ cuối tuần.

Tôi rất thán phục những thầy cô chịu khó nhọc tâm dạy dỗ lớp trẻ hải ngoại. Cứ nghĩ đến việc mỗi tuần bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để dạy lớp vỡ lòng tiếng Việt cho 30 em ở lứa tuổi 6 đến 7, thích chơi hơn học, và luôn miệng hỏi tại sao, tại sao; hoặc dạy cho cũng ngần ấy học sinh nhưng ở lứa tuổi choai choai 12 đến 17 tuổi, cái tuổi chỉ thích nghe nhạc và tán gẫu với bạn bè, mà lại không được lãnh một đồng lương thù lao - tôi nghĩ chỉ có những nhà nghiên cứu ngôn ngữ hoặc những giáo viên quá yêu nghề mới cáng đáng được công việc này. Nhưng tôi đã lầm, sau khi tiếp xúc với một số thầy cô tôi thấy họ thuần túy cũng chỉ là phụ huynh hoặc người thân của học sinh, họ không có bằng cấp sư phạm như những giáo viên người bản xứ, nhưng trong lòng họ đều có một tình thương yêu nước Việt và mong muốn con cháu học hỏi văn hóa, nguồn gốc tổ tiên để hãnh diện mình là người gốc Việt.

Vào những dịp lễ truyền thống của người Việt, nhà trường và thầy cô cố gắng tạo cho các em một nét sinh hoạt đặc biệt về ngày lễ đó để các em biết sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Chẳng hạn như trước dịp lễ Haloween của Mỹ khoảng một tháng là Tết Trung Thu, các em được khuyến khích vẽ hình và viết luận ngay trong lớp nói về cảm tưởng của các em trong dịp Tết nhi đồng này, mỗi em cũng được tặng bánh kẹo và lồng đèn để rước Trung Thu trong cộng đồng. Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, Ban Điều Hành trường quyết định cho học sinh hưởng một cái Tết khác hơn mọi năm.

Mặc dầu thời gian sinh hoạt Tết cho các em chỉ dự trù xẩy ra trong vòng có 1 tiếng đồng hồ thôi nhưng công việc chuẩn bị trước đó không dễ như ta nghĩ. Trước đó một tháng, Ban Điều Hành liên lạc thường xuyên để phân chia công việc làm sao cho nhịp nhàng vì nó sẽ ảnh hưởng đến gần 500 người. Bình thường thầy cô chỉ họp mỗi đầu tháng nay thì phải họp 3 lần. Lần đầu Ban Điều Hành thông báo cho thầy cô biết sơ qua về quyết định sinh hoạt Tết cho toàn trường, và nhờ thầy cô khuyến khích các em mặc quần áo đẹp nếu có áo dài thì càng tốt, làm cành mai, và biết cách chúc Tết, trường sẽ có hộp mứt, bánh chưng, bánh tét cho học sinh mỗi lớp nếm thử. Vừa họp xong thì nhiều ý kiến đưa ra, nào là nhiều gia đình nghèo làm sao có tiền để mua áo dài, nhất là những gia đình đông con, có 3 đứa nhỏ là thấy mất cả trăm bạc, đó là chưa kể làm cành mai lại phải đi mua giấy thủ công, còn hộp mứt, bánh chưng thì các em nào có thích gì thức ăn Việt Nam, có thầy đề nghị nên mua bánh dày hơn bánh tét để thầy cô còn kể chuyện "Bánh dày, bánh chưng"...  .

Buổi họp khẩn lần thứ hai được diễn ra và sinh hoạt Tết được dự trù như sau:

1. Sau giờ giải lao, thầy cô bắt đầu cho 5 điểm thêm cho những em nào mặc quần áo gọn ghẽ và có đem theo cành mai do em và cha mẹ tự làm chứ không phải mua sẵn, vật liệu là cành cây khô ở dưới đất (do mưa bão thổi xuống chứ không phải ra sau vườn bẻ cành trên cây), nếu không có giấy màu vàng làm hoa và giấy xanh làm lá thì các em có thể vẽ hoa màu vàng và lá xanh rồi cắt ra dán lên cành.

2. Những em nào mặc áo dài (đã có sẵn) và biết chúc Tết hoặc nói về phong tục Tết sẽ được thêm 5 điểm nữa.

3. Thầy cô sẽ dạy các em chúc Tết và nói về phong tục Tết dựa theo tài liệu của trường phát ra, sau đó các em sẽ nếm các loại mứt cũng như bánh chưng, bánh dày.

4. Ban Cố Vấn và thầy Hiệu Trưởng sẽ đi từng lớp để chúc Tết thầy cô và học sinh.

5. Mỗi lớp sẽ được chụp hình lưu niệm.

Sau buổi họp, thầy cô mỗi người đem một cành mai về lớp cho các em nhìn làm mẫu và mỗi em cũng nhận được tờ thông báo gửi phụ huynh nói về ngày sinh hoạt Tết. Suốt tuần lễ này nhìn thấy trời cứ âm u và mưa cứ rả rích mỗi ngày làm thầy cô và Ban Điều Hành cũng rầu rĩ theo, không biết đến ngày ấy có còn không khí Tết không hay là lại một ngày như mọi ngày. Riêng Ban Điều Hành thì bất kể thời tiết ra sao vẫn phải coi như trời nắng ấm, người thì đặt bánh chưng, bánh dày (lớn bằng bàn tay), mứt, nĩa, đĩa...  người thì lo đổi tiền mới bỏ vào bao lì xì (cho cả thầy cô và học sinh), người thì soạn lại tài liệu về phong tục Tết, sắp xếp giáo viên tập sự để phân phối bánh mứt cho 16 lớp, người thì chuẩn bị máy chụp hình...  .

Ngày chủ nhật 3 tháng 2 rồi cũng đến, đã hơn 8 giờ rưỡi sáng mà trời vẫn có nhiều mây đen kéo đến, và lúc mưa lúc tạnh, tôi nghĩ thầm trời ảm đạm nhự vầy chắc không em nào chịu mặc áo đẹp. Nhưng kìa, khi tôi lái xe quẹo trái gần vào cổng trường thì mùa xuân đã đến - những tà áo dài đủ màu sắc bay phất phới trong gió, tôi cứ ngỡ nhà thờ bên cạnh có lễ đặc biệt vào dịp Tết; nhưng không, các cô đang đi vào cổng trường và tay còn cầm theo cành mai. Tôi dụi mắt nhìn kỹ, không biết cô giáo lớp nào mà mặc áo dài đẹp quá. Bé cái lầm, trong trường đâu có cô giáo nào vừa trẻ mà lại vừa cao như vậy đâu, hơn nữa sau mấy năm phụ giáo tôi gần như quen mặt các thầy cô - thì ra đó là học sinh của trường, hôm nay các em có dịp diện áo dài và đi guốc cao gót nên em nào em nấy trông như những thiếu nữ mười tám đôi mươi, chả bù ngày thường các em mặc quần jeans và áo t-shirt nên dễ biết các em chỉ độ 12 -13 tuổi.

Vừa đậu xe xong, nhìn chung quanh tôi thấy không những tôi mà hình như mọi người từ thầy cô, học sinh và nhất là phụ huynh đều có khuôn mặt rạng rỡ khi nhìn thấy các em trai nhỏ xúng xính trong chiếc áo dài xanh dương, và các em gái cùng lứa tuổi thì diện áo dài đủ mọi kiểu và nhiều màu sắc rực rỡ. Trời mưa hơi lất phất, các em nhỏ hai tay cầm dù chạy bay vào trường, theo sau là cha mẹ tay cầm cành mai vàng chói, tay cầm sách vở cho con, miệng luôn nhắc chừng đừng chạy vào vũng nước không thì ướt áo...  .

Vào gần đến lớp của tôi thì tôi lại thấy mình lầm lần nữa, tôi nghĩ những em tham gia mặc áo dài là các em nhỏ và những em gái thôi còn em trai tuổi choai choai chắc chỉ mặc quần tây sơ mi là cùng, nhưng không, có một em trai chừng 14 tuổi và cao khoảng 5 feet 5 mặc áo dài xanh dương trông rất Việt Nam, và xa xa cũng có những em trai trong bộ quần áo tương tự và đầu còn đội khăn đống cùng màu. Tôi tự hỏi không biết các em mặc vì thầy cô và ba má khuyến khích hay vì các em muốn có tấm hình đẹp và còn được thêm điểm"

Trời vẫn mưa lất phất nên không có lễ chào cờ đầu tháng. Các học sinh vào lớp để học ôn thi, riêng có lớp tôi là hơi ồn ào vì tôi được giao việc hướng dẫn 5 giáo viên tập sự (những học sinh đã học hết lớp 5B và trở lại trường phụ giáo) sắp xếp theo dây chuyền cho vào 16 túi cho 16 lớp gồm các hộp mứt, bánh chưng, bánh dày, đĩa, nĩa, giấy lau tay (dựa theo số học sinh và thầy cô của từng lớp), sau đó các GVTS đem các túi thức ăn trao đến từng lớp. Một giờ sau, hai thầy "nhiếp ảnh gia" và 5 GVTS đến lớp kế bên để chụp hình. Vì trời còn mưa lâm râm nên phải chụp hình ngay trong lớp học, thế là thầy cô và GVTS phải dọn dẹp bàn ghế để có một khoảng trống tương đối để có thể chụp hình cả lớp. Vừa chụp hình xong lớp này thì chuông reng đến giờ nghỉ giải lao.

Thầy cô lên phòng họp với Ban Điều Hành lần chót để biết thêm chi tiết về sinh hoạt Tết. Các thầy cô cho biết họ rất vui mừng vì đa số các em đều tham gia mặc quần áo đẹp và đem theo cành mai, nghe nói có cành chỉ bằng bàn tay với 5-6 bông hoa, có cành thì dài hơn cánh tay người lớn. Thầy "nhiếp ảnh gia" nhờ thầy cô dọn dẹp sẵn một khoảng trống trong lớp trước để khi thầy tới thì có thể chụp ngay được và nhắc các em đứng ngay ngắn vì mỗi lớp chỉ có vài phút để chụp hình. Mỗi thầy cô được phát tài liệu về phong tục Tết và trở lại lớp. Sau giờ giải lao, thầy "nhiếp ảnh gia" và các "phụ tá" tiếp tục tới từng lớp chụp hình, trong khi đó Ban Cố Vấn và thầy Hiệu Trưởng bắt đầu đi từng lớp chúc Tết thầy cô và học sinh, bao lì xì của thầy cô thì được trao tận tay còn của học sinh thì sẽ do chính thầy cô lớp đó trao cho các em.

Lớp tôi trong phần chấm điểm cành mai, tôi thấy đây đúng là "cành nhà lá vườn" vì cành là cành thật (có cành toàn là gai, hỏi ra thì em nói nhà em chỉ có cành loại đó thôi), đôi khi cũng có lá thật nhưng từ ở một cây khác vì nó được dán bằng băng keo. Hoa thì có em lấy giấy vàng cắt ra cho có vẻ 5 cánh và chấm vài cái nhụy đỏ ở giữa rồi dán lên cành, có em cắt một hơi 4-5 bông hoa vẫn còn dính lẹo với nhau cho có vẻ hoa mọc xum xuê. Có một em gái đem tới một cành mai làm rất công phu vì em cắt nhụy hồng nhỏ li ti cuốn lại bằng dây kẽm trước khi để hoa mai vào và cành mai này có hai ba nhánh nối vào (băng keo dán chung quanh cho khỏi bị gãy), em nói mẹ bảo phải cho thêm cành vào cho có vẻ "đầy đặn" không bị "trống trải", cành này tôi nghĩ chắc có cả chừng mấy chục hoa mai và nụ mai.

Riêng phần phong tục Tết, ngoài những phong tục cúng giao thừa, xông nhà, múa lân, đốt pháo, lì xì...  có em kể một phong tục mà Tết nào ở làng của bà em ngày xưa cũng có một cuộc thi làm bánh phồng và bà em luôn luôn là người đoạt giải nhất. Đa số học sinh của lớp 5A ở vào độ tuổi 12 đến 17 nên vấn đề chúc Tết không mấy gì khó khi được yêu cầu chúc Tết cho người già, trẻ, hoặc những người ở tuổi trung niên. Vài em chúc cho anh chị tuổi đôi mươi chóng lập gia đình, có việc làm tốt, và quan trọng nhất là tiền vô như nước và tiền ra nhỏ giọt...  . Phần nếm thức ăn, học sinh chiếu cố rất tận tình từ bánh chưng, bánh dày đến hộp mứt đều sạch loáng ngoại trừ mứt gừng quá cay và mứt bí quá ngọt.

Ngày tan trường hôm ấy thầy cô và học sinh dọn lớp đừ cả người, vì phải nhặt từng miếng nhân đậu xanh, hoa mai và lá rơi lác đác trên sàn lớp... Mọi người tuy mệt nhưng ai cũng nở nụ cười sung sướng vì đã có cơ hội quen thân nhau hơn qua những phong tục tập quán ngày Tết Việt Nam và nhất là các em nhỏ tung tăng chạy khoe bố mẹ, ông bà phong bì lì xì đỏ chói. Tôi nghe đâu đây tiếng một vài học sinh phân bua với thầy cô rằng một giờ đồng hồ không đủ để vừa sinh hoạt vừa "ăn" Tết.

Cám ơn những con én tuổi thơ đã làm ấm lại cả một mùa xuân hải ngoại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến