Hôm nay,  

Rồi Ngày Valentine Lại Về

16/02/200800:00:00(Xem: 851318)

Tác giả: Phan

Bài số 2224-1620801-vb7160208

(Bắt đầu bài viết năm thứ 9-2008)

*

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài viết mới của Phan mở đầu  cho loạt bài viết năm 2008 là chuyện mùa  Valentine, kể  về nỗi vui buồn của một người gốc Việt chạy delivery cho nhà hàng Tàu trên đất Mỹ.

*

Tôi nghe mấy người chạy trước kể chuyện: Một anh bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học nhưng còn chờ việc làm. Anh ta tạm trở về nhà cha mẹ và chiều tối, đi chạy delivery pizza để kiếm tiền tiêu vặt. Bữa nọ, anh đưa pizza đến căn chung cư (aparterment) của một bà cụ người Mỹ. Bà cụ bảo anh: "Hãy bước vào trong cửa vì bên ngoài trời đang mưa". Anh ta không muốn làm dơ nhà bà cụ với đôi giày ướt nhem của anh ta, nhưng bà cụ quá chậm chạp đến anh sẽ ướt hết người vì mưa tạt nên anh bất đắc dĩ bước vào, chờ bà cụ đếm tiền trả.

Hôm sau, cảnh sát tìm gặp anh chàng giao pizza. Vì đêm qua, nhà bà cụ bị trộm thăm viếng! Bị mượn không hỏi: một tivi, một đầu máy DVD của bà. Hiện trường còn lại duy chỉ có dấu giày của anh trong nhà. Thế là một rừng rắc rối xảy ra cho anh ta. May mà anh ta có lý lịch trong sạch: Cả đời đi học, chưa từng phạm pháp, gia đình đàng hoàng. Và quan trọng nhất là bà cụ bị trộm không nghĩ anh ta là thủ phạm.

Nói gì thì nói, đối với luật pháp; với cảnh sát; với khoa học hình sự thì bằng chứng là trên hết! Anh ta bị câu lưu. Mẹ anh ta chạy ngược chạy xuôi, tốn tiền luật sư đã đời cho tới ba hôm sau. Cảnh sát bắt được tin của Tiệm cầm đồ (Pawn Shop) cho hay: Có hai chú nhóc đang thương lượng bán chứ không cầm: Một tivi, một đầu máy đọc đĩa DVD. Chủ tiệm cầm đồ đang kì kèo bớt một thêm hai để giữ chân kẻ cắp và chờ cảnh sát tới…

Anh bạn trẻ kết thúc chuyện xui của mình theo hướng bất ngờ: Tôi yêu mẹ tôi gấp ngàn lần tôi đã yêu. Khi mình lâm nạn mới biết ai là người không ngại gian lao, dám hy sinh tất cả vì mình" Yêu thương mình, nhất! Còn hai tuần nữa mới tới Valentine, tôi đã đặt trước cho mẹ tôi một bó hoa đẹp nhất. Tôi sẽ tự tay nấu một bữa ăn để đãi mẹ tôi…

*

Tôi thành người chạy delivery cho Nhà hàng Tàu với mớ kiến thức nghề nghiệp góp nhặt đó. Tôi cũng đưa thức ăn đến cho một bà cụ Mỹ trắng, bà cũng bảo tôi: "Hãy bước vào trong cửa, bên ngoài trời lạnh lắm!" Tôi cảm ơn, rồi đứng lì chờ đợi chứ không vào. Lần thứ hai, rồi lần thứ ba… bà cụ giận tôi! Tôi đành kể lại câu chuyện xui của anh chàng pizza cho bà cụ này nghe. Bà cụ cười rất hiền, đi rót cho tôi một ly cà phê nóng, cho vài cái bánh ngọt thơm ngon. Tôi thành người quen với bà cụ khách hàng của mình, từ đó!

Tôi thọ ơn bà cụ từ hôm Giáng sinh về, tôi lọng cọng vì lạnh đến rớt mắt kính, vỡ. Bà cụ hỏi tôi mấy độ" Tôi tưởng… chỉ hỏi qua loa cho qua chuyện thôi! Ai dè, bà cụ nhân từ độ lượng đến không ngờ! Chỉ trong tuần sau, bà cụ tặng tôi cái kính mới làm quà Giáng sinh. Tôi cảm động. Cho dù là kính-hàng chợ, vài chục bạc, thì tôi cũng qúy, chứ nói chi tới cái kính hàng hiệu, này! Tôi qúy bà cụ hơn cái kính vì nhiều người, nhiều nhà giàu cỡ bà cụ không đối xử với tôi giàu lòng nhân ái; không hề kỳ thị như thế này!

Nhờ có bà cụ, tôi bớt buồn về những người thiếu đạo đức - họ nói dối đèn nhà họ hư, không mở đèn cho tôi đếm tiền họ trả. Nhưng khi tôi ra xe, đếm mớ bạc cắc mà họ nhét vô tay tôi, rồi xập cửa, không lời cảm ơn người đưa thức ăn tới cho mình đã đành. Tôi đếm lòng người qua mớ bạc cắc để biết rằng nơi đây! Nơi đâu cũng có những con người trời sinh ra để làm phiền nhân loại. Nhiều người còn trả thiếu chút đỉnh trong bộ mặt tỉnh bơ! Làm tôi nóng giận, trở vô đập cửa nhà họ để đòi cho được. Nhưng không có hồi âm. Người tốt, kẻ xấu trong cuộc sống bây giờ rất khó nhận diện qua bề ngoài hightech của thế kỷ 21, nên buộc tôi phải phân minh ở lần gặp sau! Tôi chỉ hỏi nhẹ: "Lần này, bạn không trả thiếu tôi chứ" Nếu như hôm trước thì xin cho biết thiếu bao nhiêu, để tôi bù tiền trả cho Nhà hàng. Nhà bạn, đèn hư kinh niên nên tôi không đếm được! Xin lỗi." Họ thường nổi giận, gọi lại Nhà hàng than phiền với chủ:  "Thằng chạy (driver) không tử tế! Không tôn trọng luật bất thành văn ở Mỹ - Khách hàng là trên hết; là Thượng đế!..." Nhà hàng Tàu nên kinh doanh theo kiểu chửi cha tao cũng được - miễn mày trả tiền là tao cười nên buộc ông chủ phải ra câu cảnh cáo: "Lần sau, mày mà để khách hàng than phiền nữa… thì tao đuổi mày!"

 Miếng cơm manh áo trong đời sống bây giờ là như thế! Người làm thương mại đời nay đã để tự trọng và tự ái ở nhà cho vợ trước khi anh ta ra tiệm của mình. Tôi buồn tới tột đỉnh từ hôm: Đang đọc báo, tới tài chạy thì thay cái kính lái xe để lên đường. Khi trở về Nhà hàng, tờ báo Việt ngữ còn đó như bằng chứng "tiếng nước tôi" không ai thèm đọc. Nhưng cái kính!... Tôi có lỗi với bà cụ là không giữ gìn vật tặng cho đúng mức ở hoàn cảnh sống nói riêng; ở xã hội Hợp Chủng Quốc nói chung, này.

*

Một cuối tuần, tôi đi Shopping với bà xã. Nhà tôi muốn mua cho con đôi giày nhưng không tìm được loại nó thích (xài dây kéo), đành mua loại cột dây. Hiền thê nói tôi: "Nếu về nhà mà con không chịu mang, thì phiền anh ngày mai đi làm sớm hơn một chút và trả lại giùm em". Tôi đi trả đôi giày đúng như ý nghĩ chiều hôm qua, nhưng không tiện nói ra. Sau lưng tôi có tiếng hát của Evis Presley cất lên từ đâu đó, với nhạc đệm khá vui tai. Tôi nhận lại tiền trả đôi giày xong, trở lại xem cái đồng hồ treo tường đã phát ra tiếng nhạc, có chữ ký của Evis Presley (chữ in thôi), đọc mấy dòng chữ trên cái hộp, đại khái là mỗi tiếng đồng hồ, Evis hát một câu trong những bản nhạc đã làm nên tên tuổi ông. Nhìn tổng thể cái đồng hồ rất xinh mà lại rẻ, tiếng hát Evis Presley thay cho tiếng gõ bính bong mỗi tiếng đồng hồ, là đặc biệt của cái đồng hồ nguyên giá $60, nay bán nửa giá thì quá rẻ. Tôi mua một cái để tặng vợ… nhân ngày Valentine sắp đến. Nhưng tiệm chỉ còn có hai cái, tôi muốn mua hết và tặng một người nữ nào nữa. Ngày Valentine đến rồi! Tôi nghĩ đến bà cụ đã cho tôi cái kính đọc chữ. Bởi một hôm, tôi nhìn vô phòng khách nhà bà, trên ngưỡng cửa xuống nhà sau có cái bảng màu xanh lá cây, chữ trắng như bảng tên đường: "Evis Presley blvd". Tôi hỏi bà ở đâu bà có cái bảng tên đường xinh quá vậy" Bà trả lời cũng dễ thương không kém: "Bạn trai tôi tặng cho, hôm chúng tôi đi xem ca nhạc. Và tôi đã giữ làm kỷ niệm, lâu lắm rồi!..."

  Tôi hy vọng bà cụ thích cái đồng hồ này để tôi bớt áy náy về việc đã nhận cái kính đọc chữ đắt tiền, mà lại mất rồi nữa chứ! Tôi đem về tặng vợ một cái đồng hồ đặc biệt, trước, để thăm dò xem phụ nữ có thích cái đồng hồ mà tôi cho là độc đáo này không" May mắn là được thích nhưng càm ràm: "Cái đồng hồ gì mà xài đến 5 cục pin. Thay pin cho cái đồng hồ này đủ nghèo." Lời càm ràm hôm sau mới làm tôi nản chí! "Anh ơi! Cứ mỗi tiếng đồng hồ, Evis Presley cất tiếng hát - bất kể ngày đêm thế này! Thiệt là hết ngủ..."

 Tôi miễn cưỡng tháo bớt 3 cục pin bên phần âm nhạc để trả lại bình yên cho giấc ngủ vợ hiền. Ngồi nghĩ, nếu không có phần âm nhạc mỗi khi kim phút chỉ số 12 thì cái đồng hồ này chỉ còn đáng giá 10 đồng bạc như những cái đồng hồ tương tự, bán ngoài chợ Wal-Mart. Rốr ráo, mình đã tốn 20 tiền ngu! Ngu nhất là nhân hai vì còn một cái ngoài xe nữa chi. Nhưng. Hãy đợi đấy, mình còn 30 ngày thời gian để đem trả lại nếu thật sự không cần đến cái đồng hồ thứ hai.

 Lại cuối tuần, nghe bà xã nói điện thoại với cô bạn ở xa: "… Ong ấy khủng bố tao! Tra tấn bằng âm nhạc. Mua tặng vợ cái đồng hồ bất kể ngày đêm - cứ mỗi tiếng thì hát hò, khua chiên gióng trống như Sơn đông mãi võ. Hết ngủ nghê gì được với Evis Presley. Phải như mỗi tiếng mà Khánh Ly hát một câu nhạc Trịnh thì đỡ khổ cho tao…" Thì ra! Thì ra… "Lỗ tai của đàn bà vào thành phố…" chỉ thích Sơn Ca 7; Ca khúc da vàng. Suy ra, suy ra… bà cụ Mỹ sẽ thích mỗi tiếng đồng hồ được nghe Evis Presley của bà!

 Khi tim tôi đã vui trở lại, tôi đem tặng bà cụ cái đồng hồ còn lại trong xe mình. Và Ơn trên đã cho tôi toại nguyện. Bà cụ thích thật sự. Cái đồng đồ của tôi được treo trên tấm bảng tên đường độc đáo của bà cụ. Từ đó, bà cụ cho tiền tôi đến chóng mặt vì tôi nhất quyết không lấy tiền cái đồng hồ. Bà đã hết lời cảm ơn tôi đã nghĩ và nhớ tới bà, khi tôi thấy cái đồng hồ độc đáo này trong tiệm. Theo bà, được người khác nhớ tới mình đã là một ân sủng mà không phải ai cũng có được. Bà cụ xúc động, cảm ơn tôi đã nhớ tới bà nhưng muốn gởi lại tiền vì bà cho tôi là người nghèo lắm thì phải! Tiền bạc rất quan trọng với tôi"... Có lẽ bà đúng đó! Nhưng hiểu hơn chút nữa thì hay hơn. Bà cho tôi nhiều tiền lắm! Order  hai phần ăn cho hai ông bà chừng hai chục thì ký thẻ cho tôi năm chục. Gặp hôm, con cháu của cụ về chơi, cụ order chừng hơn trăm thì ký cho tôi hai trăm. Hôm nhiều nhất là order trăm bảy chục đồng thì ký chẵn ba trăm.  Cả Nhà hàng, từ ông chủ tiệm tới mấy đồng nghiệp đều trố mắt, há họng khi nhìn tới hoá đơn thanh toán mà cụ ký cho tôi. Thời buổi khó khăn này, muốn kiếm vài đồng tiền tip đã đỏ con mắt, như nói ở trên. Nhưng khi bà cụ order mà không phải tôi chạy, tới tài người khác thì cụ chỉ cho 20% tip, cũng là "xộp" lắm rồi! Nhưng… Đồng nghiệp trong Nhà hàng bảo tôi khéo nịnh người giàu! Tôi không thèm đính chính với lòng tham con người; miệng lưỡi thế gian (có ai bảo thế này là thế ngay bao giờ"!)

Tôi buồn thật nhiều từ hôm chạy ngang nhà cụ và thấy giấy trắng cuộn tung ra - giăng thật nhiều trên những cây xanh trước nhà cụ, (báo hiệu nhà có tang ở nơi tôi đang ở). Tôi hỏi thăm nhà khách hàng trước nhà cụ mới biết! Cụ ông đã theo Chúa về trời. Chiếc Cadillac mới toanh của ông cụ đã không còn đậu tênh hênh trong nhà để xe mênh mông. Chiếc Cadillac cũ của cụ bà thường đậu ngoài cửa nhà để nhường cho cụ ông nguyên cái garage cho dễ đậu. Nay, cái xe cũ đã được đậu trong garage. Chắc cụ bà buồn lắm với căn nhà thênh thang và người tặng cụ cái bảng tên đường "Evis Presley blvd" đã… bị trừng phạt bởi cái tội dối vợ!

Cụ ông lém lỉnh lắm, thoả thuận với cụ bà là mỗi tuần ăn China food một lần thôi vì China food quá nhiều cholesteron! Hai người sẽ ăn chung vào trưa thứ 7 hàng tuần vì giờ đó chỉ có mình tôi lo việc deli cho Nhà hàng. Những giờ cao điểm khác mới đông người chạy. (Cụ bà muốn đặc cách cho tôi độc quyền deli cho cụ cũng là độc quyền hưởng tiền tip mà cụ muốn đặc biệt cho tôi.) Nhưng khi cụ bà vắng nhà thì cụ ông order lén vợ, cầm sẵn cái dĩa ăn thật to, bảo người deli trút hết thức ăn order vô dĩa cho cụ ông và thủ tiêu luôn bao giấy, hộp nhôm, silverware… giúp ông. Cụ luôn trả tiền mặt (cash) để cụ bà không biết! Nhìn cụ ông ăn lén tới tội nghiệp cho sự thèm thuồng và bệnh tật tuổi gìa.

Nay, cụ ông đã thôi phải dối vợ, ăn lén. Không biết trên Thiên đàng có China food cho cụ ăn một mình mà nhớ người yêu còn ở trần gian! Và tôi còn đây thì ai chạy đưa thức ăn cho cụ"!

Nhiều lúc chạy ngang nhà cụ, tôi muốn ghé thăm hỏi đôi lời. Nhưng sợ cụ lại cho tiền thì thành ra mình bị hiểu sai ý đẹp. Thật là trời không chìu nổi lòng người. Bị đối xử tệ thì buồn; nhưng gặp người tốt thì lại ngại. Cuối cùng là: Thời gian không chờ đợi sự viếng thăm muộn màng. Nhà cụ treo bảng nhà bán, cái xe cũ của cụ còn đậu đó một thời gian, rồi cũng tan biến theo năm tháng. Tôi hối hận vô cùng với một lần ghé thăm người ơn nghĩa của mình, cũng không thực hiện được. Tôi cầu nguyện cho cụ được bình an ở một nơi nào đó… trong Viện dưỡng lão chẳng hạn. Chỉ mong: Có tin có lành.

*

Ngày Valentine lại đến khi những trái tim đỏ chót bằng bong bóng đã nhảy nhót trong những khu thương mại; những cửa hàng từ cao cấp tới bình dân. Tôi lại nghĩ đến việc mua quà cho những người tôi thương mến! Một buổi trưa vắng khách, tôi đưa thức ăn đến cho một người không quen. Đường về không thuận đường nhưng không biết sao! Tôi cố tình hao xăng, chạy qua nhà cụ để xem nhà đã bán được chưa" Tôi bùi ngùi khôn tả khi thấy cụ bà thơ thẩn ở trước nhà. Bà cụ hồng hào, phúc hậu là thế! Mới vô Viện dưỡng lão hay con cháu đưa cụ đi đâu chừng nửa năm nay mà cụ xuống sắc tới ái ngại. Tôi định ghé lại thăm hỏi cụ đôi câu - chắc là lần cuối cùng tôi còn thấy cụ. Lòng ơn nghĩa trong tôi trỗi lên, không khí Valentine thúc dục… Tôi lái luôn về Nhà hàng, nói nhà bếp nấu cho tôi một phần General Chicken (no spicy) vì cụ bà không ăn được cay, là món cụ thường ăn và ưa thích. Tôi trả tiền cho nhà hàng và phóng xe tới nhà cụ theo linh tính phương đông của tôi: Lần cuối cho một tình yêu dị chủng trên nước Mỹ. Xin những nụ sồi đang bừng bừng sức sống hai bên đường làm chứng cho lòng thành của một di dân. Xin Ơn trên ban phước cho người vẫn thương người trong thời đại ôm bom cảm tử.

Đúng là ơn trên đã thấu cho lòng tôi. Tôi đến cửa thì bà cụ đang ôm ra xe của con gái cụ: Cái bảng tên đường "Evis Presley blvd" và cái đồng hồ tôi đã tặng cụ. Tôi chào hỏi cụ, tặng cụ phần ăn mà cụ ưa thích. Bà cụ thư thả đến mủi lòng, làm tôi ngậm ngùi không kém, con gái cụ cũng cảm động nhiều và cô ta dúi vô tay mẹ cuộn tiền, cố không cho tôi thấy. Nhưng bà cụ thì công khai trả lại tiền cho con gái. Có thể nói: Đó là giây phút tôi hạnh phúc nhất trong đời từ khi đặt chân đến nước Mỹ này. Trong ba trăm triệu người - dân số nước Mỹ - chỉ cần một người hiểu cho tôi đến đây không phải vì tiền là tôi toại nguyện lắm rồi! Tạ Ơn trên. Người vẫn thương người.

Cụ để hộp thức ăn lên đầu xe, chậm rãi mở ra, ăn bốc. Cụ bình an vô cùng trong cử chỉ, lời nói: "Từ nay, căn nhà này không còn là của tôi. Tôi trở về đây để lấy những gì của tôi… Chúa đã sai anh trở lại! Cảm ơn con trai tôi."

Tôi đóng cửa xe cho cụ, chiếc xe mới toanh nên êm ru vọt đi như sự mới mẻ đưa đi chôn cất những gì đã cũ. Rồi sau này, khi mùa xuân đến, ngày Valentine lại về, những nụ sồi bừng dậy sau giấc ngủ đông… người con gái của cụ sẽ ngồi vào ghế passenger như cụ hôm nay, cháu ngoại của cụ sẽ thắt dây an toàn (seatbelt) cho mẹ. Một người di dân nào đó sẽ đóng cửa xe hộ, sẽ đóng lại một cuộc đời bằng bàn tay Chúa bảo - "tay phải làm gì đừng cho tay trái biết"!

Không biết người phụ nữ trẻ hôm nay còn nhớ cảnh biệt ly này" Một người mẹ về lại căn nhà của bà lần cuối để khép lại đời trong Viện dưỡng lão cho tới ngày Chúa gọi; tới ngày con cháu nửa đêm nghe điện thoại: "Viện dưỡng lão chúng tôi xin thông báo… cũng là lời chia buồn cùng gia đình… xin mời qúy vị hãy vào đây với cụ bà…"

Người phụ nữ trẻ và bà cụ của hôm nay. Xin đừng nhớ gì về tôi nữa vì tôi đã khắc ghi trong lòng một người di dân: Có bà cụ Mỹ đã gọi tôi là con trai tôi. My son. "Thank you so much, my son". 

Phan

 

____

* Viết Về Nước Mỹ là cuộc thi viết do Việt Báo tổ chức, với tổng số giải thưởng hàng năm là 35,000 mỹ kim. Giải thưởng hiện đang là năm thứ 9. Mời bạn viết bài tham dự.

* Sách Viết Về Nước Mỹ đang phát hành trọn bộ 7 cuốn, từ tập I đến tập VII, mỗi cuốn 640 trang / ấn phí $22. Số thu từ sách góp toàn bộ vào

Đặc biệt sách quí:

Viết Về Nước Mỹ

Cay Đắng Ngọt Bùi

Tuyển tập 7 năm, 70 tác giả

Sách khổ lớn, bìa cứng, 640 trang / 25 mỹ kim.

Có thể đặt sách gửi tận nhà, gọi 714-894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến