Hôm nay,  

Kẻ Cắp

11/02/200800:00:00(Xem: 153607)

Tác giả: An Nhiên

Bài số 2220-2012-785vb2110208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007)

*

Tác giả cho biết cô là cư dân Virginia, hiện hành nghề "dzũa nail." Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là "Một Ngày Như Mọi Ngày" đã phổ biến. Đây là bài thứ tư của cô trong năm 2007, với nhân vật xưng “tôi”: Bắt đầu từ chuyện ăn cắp đồ cúng đêm giao thừa, “cái tôi” rỉ rả nhìn lại chính mình bằng cách nhìn khách quan hiếm thấy. 

*

Thuở nhỏ lúc còn ở quê nhà, cứ mỗi dịp giao thừa tôi hay theo lũ bạn đi ăn cắp đồ cúng của những gia đình láng giềng. Không phải chúng tôi thèm ăn nhưng cái thú là lấy đi của người khác mà họ không làm gì được mình. Khi chủ nhà, thường là người lớn tuổi trong gia đình, chắp tay lên ngực nhắm mắt lim dim khấn vái là chúng tôi nhẹ nhàng bưng gọn dĩa trái cây hất vào cái túi chuẩn bị sẵn rồi dông mất. Khi mở mắt ra mới hay đồ cúng của mình không cánh mà bay thì họ chửi ầm lên, thường thì không quá nặng lời vì ít ai dám thốt ra những lời lẽ thô lỗ ngày đầu năm sợ bị xui xẻo cả năm. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười của lũ bạn xen lẫn tiếng chửi của các cụ già bị mất đồ cúng. Có lẽ đây là hành động ăn cắp đầu tiên trong đời mà tôi đã làm mà không hề thấy hối hận.

Tôi vượt biên cùng với gia đình năm tôi mới 12 tuổi và hội nhập vào đời sống mới một cách dễ dàng. Tôi nhận thấy xứ Mỹ sao mà sang trọng và văn minh ghê. Tôi mê nhất là thời trang của họ, nhất là những bộ quần áo đắt tiền của các cô người mẫu mặc trong các cuốn tạp chí. Tôi muốn "chôm" ngay cách ăn mặc đó nên tìm mọi cách để mua cho bằng được những bộ đồ giống y như vậy. Tôi sẵn sàng bỏ ra 100 đô la để mua một cái áo có thêu hình con cá sấu nhỏ xíu trên ngực dù phải nhịn ăn nhịn uống vòi vĩnh cha mẹ từng đồng, để ngày hôm sau vào lớp học hãnh diện nhìn những cặp mắt thán phục của chúng bạn.

Vào những năm đầu thập niên 80, số tiền đó không phải ít nhưng tôi cảm thấy rất thỏa mãn với sự chọn lựa của mình. Hãnh diện biết mình ăn mặc đẹp nên tôi không thích chơi với những kẻ tôi coi là "nhà quê". Tôi còn cố vấn cho các chị mình trong lãnh vực thời trang, chỉ dẫn họ nên chọn quần áo của các nhà thiết kế nổi tiếng thì khi mặc vào mới tăng vẻ đẹp của mình lên, "xài cái nào cho đáng cái đó". Dĩ nhiên, tôi giành cái quyền mặc thử bộ đồ đó trước để biết chắc là nó...hợp thời trang! Dầu gì tôi cũng đã từng là con nhà giàu ở Việt Nam. Sang Mỹ rồi cả gia đình 12 mạng phải chen chúc trong cái townhouse mướn với ba phòng ngủ một phòng tắm tôi thấy xấu hổ lắm, bởi thế tôi không bao giờ dắt bạn về nhà. Tôi không thích ai thấy sự sa sút của gia đình mình.

Sinh ra làm con út trong một gia đình đông con nhưng khá giả, tôi luôn được gia đình nuông chìu từ nhỏ. Tôi có một biệt tài là khóc dai chả bao giờ ngưng cho tới khi đạt được ý nguyện của mình cho dù được dỗ dành hay bị trừng phạt. Gia đình vì sợ phải nghe tiếng khóc dai dẳng âm ỷ của tôi nên lúc nào tôi cũng thắng, lâu dần thành thói quen. Hễ tôi dãy nãy lên là cả nhà từ trên xuống dưới đều chìu theo ý mình. Sở trường này biến thái theo tuổi, từ biệt tài khóc dai biến thành khả năng sai khiến người khác. Tôi thích vậy và coi đó là lẽ tất nhiên. Tôi có tài sắp xếp để mọi người phải chìu theo sự điều khiển của mình và rất haì lòng khi người khác phục tùng mình.

Tôi vốn không thích học nên vất vả lắm mới lấy được cái bằng trung học. Nên học tiếp hay không, tôi còn đang phân vân thì nghe lóm nhỏ bạn thân định theo học nghề thẩm mỹ. Thế là tôi "mượn" ngay cái ý kiến này và bí mật đi ghi danh sớm hơn nó, để ngày khai giảng tôi có dịp giải thích với nó những lợi ích thiết thực của nghề và khen nó có một quyết định sáng suốt trong sự chọn lựa. Nhỏ bạn nhìn tôi với ánh mắt đầy thiện cảm và khâm phục vì có một người bạn sắc sảo như tôi. Điều này giúp tôi có thêm "power" để sai khiến nó làm những gì tôi không thích làm. Khi ông anh lớn của tôi mới tậu được chiếc xe Mercedes mới toanh, tôi bèn "test drive" để rồi ghé ngang trường thẩm mỹ lấy chút đồ bỏ quên. Khi những học viên của trường trầm trồ chiếc xe, tôi cho họ biết là tôi thật sự khó nghĩ vì không biết có nên giữ nó hay đổi lấy model khác, vì chỉ thêm có mười ngàn đô mà đi chiếc xe vừa ý hơn. Sau lần đó, bạn bè ở trường thẩm mỹ có vẻ càng nể tôi hơn làm tôi thấy hãnh diện vô cùng.

Học xong khóa học và lấy được cái bằng cosmetologist sau năm lần thi trượt phần lý thuyết, tôi lo lắng không biết tìm việc làm ở đâu. Tôi bèn xin vào làm thợ phụ cho môt tiệm tóc nổi tiếng trong cái Mall gần nhà. Tôi thèm thuồng nhìn cô thợ đồng nghiệp người Việt có khách hàng ngồi chờ cả giờ đồng hồ để được cô cắt tóc cho. Nhìn lén số tiền cô làm ra mỗi ngày mà tôi cứ ao ước được như vậy. Tôi bèn o bế ông chủ người Mỹ, đối xử tốt với ông, mua đồ ăn trưa biếu ông...Tôi làm bộ vô tình tạt qua quán bar tầng dưới của Mall nơi tôi biết ông hay "get a drink" sau một ngày làm việc căng thẳng. Có lẽ vì muốn có người đối ẩm nên ông hay rủ tôi đi cùng sau giờ làm. Một đêm vì uống quá say, tôi gục tại bàn báo hại ông phải đưa về nhà. Rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến.

Sau đêm đó tôi để ý thấy số khách hàng "yêu cầu" ngày càng đông. Tôi không còn thèm địa vị cô bạn đồng nghiệp nữa. Tôi bắt đầu châm chích chọc quê nó chơi cho vui, không dè cô ta tự ý bỏ việc đi tiệm khác làm. Sau khi cô ta bỏ đi tôi càng thêm đông khách vì có khối khách hàng để thực hành nên tay nghề càng vững.

Tôi có cái khiếu học lóm rất nhanh nên không cần bỏ tiền ra đi coi beauty show chi cho uổng, tôi chờ mấy người bạn làm chung đi xong về, tôi chỉ việc bắt chước họ trong nháy mắt. Dần dần tôi trở nên nổi tiếng trong nghề nghiệp nên ra mở tiệm riêng. Lúc này tôi gặp một anh chàng Việt Nam mà sau này tôi chọn làm chồng vì anh rất dễ thương. Anh chỉ làm theo những gì tôi sai bảo một cách vô điều kiện có lẽ xuất phát từ tình yêu vô bờ bến mà anh dành cho tôi. Chẳng bao lâu chúng tôi tậu được căn nhà đầu tiên vào cái tuổi hai mươi lăm. Tôi tự hào lắm, không những thế nhà tôi lại nằm trong khu đắt tiền nhất tiểu bang tôi ở, để khi có ai hỏi mình trả lời khỏi phải ngượng miệng mặc dù căn nhà quá cũ gần như phải sửa sang hoàn toàn. Chúng tôi dọn vào nhà mới nhằm ngay Tết Việt Nam và lễ tình nhân. Sẵn tiện tôi đòi chồng tôi "tặng" cho tôi chiếc xe BMW mui trần mà tôi hằng ao ước, cho nó xứng với cái địa vị của tôi lúc này. Quả thực, đời tôi đang toàn màu hồng.

Điều làm tôi băn khoăn lúc này là làm sao sửa sang căn nhà sáu trăm ngàn của tôi cho nó có vẻ bạc triệu một tí. Tôi giả bộ làm người muốn mua nhà để đi coi những căn nhà mẫu bạc triệu. Tôi bắt chước cách thức trang trí nội thất của họ đem về nhà mình. Tôi dò hỏi xung quanh những người quen bạn bè để tìm người làm công việc đó. May quá, một đứa bạn than tìm được một anh thợ sửa nhà rất khéo tay mà giá cả lại phải chăng. Rất tiếc anh ta đang sửa nhà cho nó nên tôi phải chờ ít nhất hai tháng nữa. Tôi rất ghét đợi chờ nên nghĩ ra một cách vẹn toàn cả hai. Tôi gọi cho bạn tôi hỏi "mượn" anh thợ chỉ một ngày để phá đi bức tường cũ, còn lại thì chồng tôi sẽ tự làm. Nhưng khi anh thợ sang, tôi đổi ý muốn giữ anh lại sửa toàn bộ căn nhà tức thì nên đề nghị trả tiền thêm để anh chịu sửa ngay mà tôi không phải đợi chờ. Anh ngần ngại bảo tôi nên thỏa thuận với bạn tôi thì anh mới làm.Tôi nói dối để trấn an anh rằng tôi đã nói chuyện xong với bạn tôi và nó rất vui vẻ "nhường" cho tôi sửa trước. Bạn tôi rồi cũng biết được chuyện này và tôi mất luôn cô bạn kể từ đó nhưng có hề hấn gì, xứ tự do mà, miễn là xong việc để tôi còn đãi tiệc tân gia.

Trong bữa tiệc mọi người đều khen nức nở căn nhà vì kiểu trang trí tráng lệ lạ mắt làm tôi sung sướng vô cùng. Nhưng từ khi có nhà đẹp tôi lại đâm ra lo sợ. Tôi sợ khách tới chơi sẽ làm hư hại đồ đạc trong nhà nên mỗi khi có tiệc tôi chỉ đãi đồ ăn thức uống không màu, nghĩa là phải "clear". Tôi cũng nhắc khéo mọi người là thức ăn thuộc về nhà bếp nên chỉ giữ nó trong khu vực nhà bếp thôi, vì ở đó tôi đã cẩn thận bọc nylon những gì tôi có thể bọc được. Tôi ghét nhứt có những vị khách vừa nói chuyện vừa bưng dĩa thức ăn bước sang phòng khác ngoài khu vực nhà bếp, tôi nhìn theo mà muốn thót tim vì sợ họ làm đổ thức ăn xuống thảm hay bàn ghế thì khổ.

Ba mẹ tôi thì khỏi nói, rất hãnh diện vì có con ăn nên làm ra như tôi. Ngẫm lại từ khi qua Mỹ tôi chưa bao giờ chăm sóc đến ông bà  vì tôi bận quá. Tôi bỏ thí cho các anh chị tôi lãnh trách nhiệm đó một phần tôi nghĩ tại ba mẹ tôi thương anh chị tôi hơn tôi, hơn nữa tôi là út mà, giàu thì út ăn nghèo út hưởng.

Từ khi làm ăn khá tôi bắt đầu quan tâm tới những gì người xung quanh nghĩ về mình. Tôi muốn cho thiên hạ biết tôi cũng có hiếu lắm chứ. Tôi bắt đầu đưa ba mẹ tôi đi ăn ở những nơi đông người Việt tới. Tôi sắp đặt cho các anh chị tôi những gì nên làm cho ba mẹ được hưởng tuổi già. Chẳng hạn như tôi chỉ định mỗi khi gia đình các anh chị tôi đi vacation thì thể nào tôi cũng nhắc nhở họ dắt kèm ba mẹ cho ba thế hệ được gần gũi nhau và để có những kỷ niệm gia đình về sau. Còn tôi thì lo phụ chút đỉnh về chi phí vì tôi rất ngại đi chung với người già chậm chạp mất vui, mà tôi thì rất thích đi bộ phiêu lưu mạo hiểm.

Tôi không nghe cha mẹ hay anh chị tôi kêu ca gì nên tôi nghĩ là mọi người hài lòng. Tôi thường đợi mỗi lần họp mặt đám đông mới đưa ra những dự tính mua sắm hay đi chơi cho ba mẹ, khi đó các anh chị tôi ít dám từ chối bổn phận vì sợ quê với bằng hữu và vì nể tôi. Ba mẹ tôi thì rất thương tôi nên tôi sắp đặt gì ông bà cũng nghe theo. Hơn ba mươi tuổi đầu lần đầu tiên tôi mới nếm được mùi vị của tình mẫu tử, mặc dù hình như nó được mua chuộc nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Nửa đời người nhìn lại chính mình, tôi hài lòng nhận ra được một sự thật. Khi lấy đi cái gì của người khác phải được sự đồng ý của họ thì phải mang tiếng là vay mượn. Còn tôi may mắn chỉ lấy đi mà chưa bao giờ cần phải xin phép.

An Nhiên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến