Tác giả Nguyễn Thị Thùy Dương
Tuổi : 32.
Nghề nghiệp: Thợ may.
Cư ngụ tại Westminster, California.
Ban Sơ Tuyển Giải Thưởng Việt Báo mong Thùy Dương gửi thêm ảnh, địa chỉ liên lạc để bổ túc hồ sơ. Đồng thời, mong các bạn gửi bài tham dự nhớ gửi kèm ảnh chân dung. Việt Báo cũng rất mong nhận thêm hình ảnh liên quan tới nội dung bài viết để có thể đăng kèm theo bài.
California, ngày 9 tháng 9 năm 1990
Hằng mến,
Những ngày trước khi chia tay bạn để lên đường sang Mỹ, chúng mình thường ngồi bên nhau và bàn chuyện đi Mỹ, có lẽ chẳng riêng gì hai đứa mình mà hầu hết những người sắp đi Mỹ đều có cùng tâm trạng giống nhau, nửa mừng, nửa lo. Mừng vì mình có thể sắp được đến vùng đất hứa,lo vì không biết khi sang đất khách quê người, mọi cái đều lạ lẫm lại thêm ngôn ngữ bất đồng. liệu có thích nghi đuợc không. Lúc đó tụi mình chỉ ao ước giá có ai từ bên Mỹ viết thư về nói cho mình biết những điều đang cần biết thì qúi hóa biết bao. Cũng vì nôn nóng muốn biết cuộc sống bên xứ người, nên khi mình sắp bước chân ra phi trường, bạn vẫn còn dặn với theo :"Nhớ qua đến nơi gởi thư về liền đó nghe"! Nhưng đến nơi đã gần một tháng, nay mình mới thực hiện lời hứa vơí bạn, vì lẽ mình cần có thời gian, hỏi han những đồng hương qua trước và đi vài nơi, đến vài chỗ để được chính mắt thấy, tai nghe mới có thể nói cho bạn đôi điều về đất nước và con người Mỹ, hầu bạn bớt bỡ ngỡ khi đặtë chân đến Hoa kỳ.
Trước khi nói về Mỹ,mình cũng cần nói qua cho bạn biết về lộ trình di chuyển từ Sàigòn qua đến bên này để bạn chuẩn bị. Trước tiên máy bay cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất, độ hai tiếng đồng hồ sau thì tới Thái Lan. Xuống phi trường đã có xe buýt chở thẳng về khu tập trung. Trong khu này có sẵn nhiều người Việt đi trước đang chờ chuyến bay. Khu tập trung có hàng rào cao bằng lưới B40 bao quanh và cổng khóa suốt ngày không cho ai ra vào, trừ nhân viên của trại. Hàng ngày họ phát cho mình hai bữa ăn đựng trong những hộp giấy gồm cơm,trứng gà, và thịt cá thay đổi. Đám nhân viên Thái này cũng lợi dụng buôn bán kiếm chác. Hàng ngày họ đến tận chỗ nằm gạ mua vàng của những người mang theo, vàng tây, vàng ta gì họ cũng mua ráo hết và trả bằng tiền Đô hoặc tiền Thái. Nhưng chính nhờ vậy mà bà con mình có tiền mua thêm hoa qủa, bánh trái và đồ dùng lặt vặt.
Ở Thái lan, có người một hai hôm đã có chuyến bay, có người mất cả tháng. Riêng gia đình mình cũng phải ăn chực nằm chờ mất mười hai ngày đêm. Trong thời gian ở trại, mỗi ngày họ tập trung mọi người lại hai tiếng để nghe thuyết trình về cuộc sống, phong tục tập quán Mỹ, rồi đi khám bệnh, chích ngừa. Khi có chuyến bay rồi còn phải bay qua Nhật hoặc Nam Hàn để đổi máy bay rồi mới từ đó bay một lèo vào Mỹ.
Trên chuyến phản lực cơ Boeing 747 của hãng hàng không Mỹ, gia đình mình từ phi trường Seoul qua tới phi cảng quốc tế Los Angeles mất khoảng mười bảy, mười tám tiếng. Trên phi cơ rất thoải mái, có nhiều máy truyền hình cho hành khách xem, chốc chốc các nữ tiếp viên lại mang thức ăn, nước uống đến mời, nhưng tuyệt đối không còn nhìn thấy cơm, canh như bên mình hay bên Thái nữa.
Ngồi trên máy bay, mình nhìn qua khung cửa sổ, bên ngoài từng tảng mây trắng lững lờ, có lúc máy bay chui vào trong đám mây dầy đặc, tuyệt nhiên không còn thấy một cảnh vật nào trên mặt đất. Sau nhiều giờ bay mệt mỏi, hành khách trên phi cơ đều ngủ cả, cho mãi đến lúc nghe tiếng loa phóng thanh báo cho biết phi cơ đã bay vào không phận nước Mỹ, mọi người mới giật mình thức dậy, và người nữ tiếp viên ra dấu cho hành khách buộc giây an toàn . Lúc đó mình nhìn xuống dưới, biển cả mênh mông một màu xanh biếc, rồi dần dần những ngọn núi trùng điệp tiếp nối nhau như đuổi theo chiếc phi cơ, và rồi những con đường phía dưới hiện ra dầy đặc với những xe cộ nhỏ li ti đang nối đuôi nhau di chuyển.. Hai bên đường nhà cửa san sát, nhưng ít thấy những nhà lầu cao. Thỉnh thoảng cũng có những khu vực không thấy có bóng nhà cửa hay cây cối, chỉ trơ trọi đất là đất. Máy bay càng hạ cao độ, hình ảnh sinh động bên dưới càng hiện rõ hơn. Từ lúc phi công báo tin máy bay đã vào không phận Mỹ đến khi chuẩn bị hạ cánh, thời gian cũng khá lâu, chứng tỏ đất nước này thật bao la, bát ngát..
Sau khi máy bay ngừng hẳn, mọi người rời phi cơ và đi trong một cái hành lang giống như đường hầm, nhưng chỉ mất khỏang vài phút, mình đã ra ngoài phòng khách phi trường.Nhìn xung quanh, mọi cái đều hòan tòan mới lạ, căn phòng rộng thênh thang và người đi lại tấp nập nhưng không thấy một cọng rác, có những ông Mỹ trắng, Mỹ đen to lớn đứng bên cạnh những người đàn bà mập ú. Mọi người cười nói ríu rít. Bây giờ mình đã thật sự ở Mỹ rồi. Đứng trong tòa nhà lầu, xung quanh là những cửa kiếng trong vắt, nhìn ra ngoài phi đạo, máy bay lên xuống không ngừng. Đầu óc còn đang choáng váng như người say sóng, chợt một người đàn ông Việt Nam đến bắt tay và tự giới thiệu là nhân viên của Hội bảo trợ, có nhiệm vụ đến đón gia đình mình.Bạn khỏi lo bỡ ngỡ khi đến phi trường Mỹ, vì Hội bảo trợ cũng như thân nhân của mình nếu có ở bên này, đều được thông báo trước ngày giờ và chuyến bay.Đến phi trường, gia đình nào đi diện HO là biết liền, vì mỗi người đều mang trên tay một túi xách màu trắng có chữ IOM, Một đại diện hội bảo trợ dẫn gia đình mình vào văn phờng làm thủ tục. Mọi việc đều tiến hành rất nhanh. Lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ, mình thấy họ thật dễ thương, ai cũng tỏ vẻ niềm nở và tươi cười chào hỏi. Sau đó nếu ai có thân nhân ra đón thì về với thân nhân.Ai không có thân nhân, đã có hội bảo trợ chuyên chở về nơi tạm trú.
Đoạn đường từ phi trường về nơi mình cư ngụ, xe chạy mất khoảng bốn mươi lăm phút. Ra khỏi phi trường, xe rẽ vào xa lộ, con đường rộng thênh thang.Trên mặt đường có kẻ những lằn sơn trắng thẳng tắp, mình đếm thấy mỗi bên những sáu lằn xe chạy, xe cộ thì nhiều không thể nào đếm xuể, nhưng họ chạy có trật tự lắm, chả bù cho bên mình, mạnh ai nấy chạy. Xe cộ nối đuôi nhau lao đi vun vút, mình liếc nhìn kim đồng hồ, chiếc xe đang chạy với vận tốc trên một trăm ki lô mét giờ.Hai bên đường nhiều hãng xưởng với những cột khói bốc cao, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một chiếc xe đạp hay xe gắn máy. Qua một đoạn khá dài trên xa lộ, người tài xế cho xe rẽ vào một đường nhỏ, nói là nhỏ nhưng nó cũng không thua gì những đại lộ lớn ở Sàigòn. Hai bên đường, nhà cửa san sát, nhưng nhìn thấy nhà nào cũng có vẻ rập khuôn như nhau, đặc biệt trước cửa nhà họ đều có trồng cỏ xanh mướt và cắt xén gọn gàng. Bên mình chỉ những gia đình khá giả mới có vài chậu hoa hồng.Bên này, hầu như nhà nào cũng có, những bông hồng thật to và màu sắc rực rỡ. Đặc biệt nhiều nhà có trồng những cây thông cao chót vót, nhìn như những ngọn tháp giáo đường. Loại thông này mình chưa thấy bên nhà.
Thân mến,
Thùy Dương