Hôm nay,  

Con Cá “lật Xuồng”

26/01/200800:00:00(Xem: 24178)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân

Bài số 2206-1998-772vb7260108

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008, đang phát hành khắp nơi)

*

Bà Trương Ngọc Bảo Xuân Abbott là tác giả đã nhận giải chung Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết “32 Năm Người Mỹ Và Tôi.”  Liên tục 8 năm qua, bà vẫn không ngừng viết và gắn bó với Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ.

*

Cốc, cốc cốc... Cửa mở. Cháu tôi đứng ngay cửa, cầm bằng hai tay hai cái hộp mốp chồng lên nhau đưa trước mặt như dưng mâm đám cưới, miệng cười toe nhe hàm răng sún:

- Tối qua "mình" đi ăn tối ở nhà hàng nè, bà nội.

Tôi cũng mở miệng cười y như mỗi lần trước mặt mấy đứa cháu cưng, tỏ lòng vui mừng vì được cháu bước qua đàng sau nhà thăm.

Đưa hai cái hộp, hộp nhỏ để trên hộp lớn xong, "hàm răng sún" chạy vù về nhà.

Cầm hai cái hộp trở vô, dư biết đó là gì ở trỏng rồi.

Cười. Cái cười của bà nội có nhiều nghĩa.

Thứ nhứt, cười vì cảm động vui thương "hàm răng sún" có hiếu.

Thứ nhì, cười cái phong tục tập quán của người dân địa phương mà mình sống ở đây trên ba chục năm rồi nhưng vẫn hổng làm sao mà quen được.

Và rồi cười buồn.

Nhớ chuyện xưa.

Rồi tới chuyện nay.

Mở hộp ra coi. Hộp này là một món đồ xào rau cải.

Hộp kia, ưmmm...  thơm mùi gừng mùi hành mùi tương... aaa...  ngon quá! một "con cá lật xuồng" (nghĩa là, thấy nguyên con cá, nhưng nếu lật qua bên kia thì đã ăn rồi, tụi nó lật qua bên nầy, chưng lên, dòm thấy nguyên hiện chớ là chỉ có nửa con thôi).

Ngày xửa ngày xưa hồi còn nhỏ ngồi trên mâm cơm má tôi hay dặn ăn cá ăn hết thịt bên nây thì gở nguyên cái xương sống cá lên rồi gắp bên kia chớ đừng có lật con cá, người xưa nói nhứt là lúc đi trên xuồng trên ghe, người ta kỵ sợ xui lật xuồng. Tôi hổng tin mấy nhưng cũng còn nhớ. Bây giờ, mình quên dạy lại cho con.

Và con đâu biết mà dạy lại cho cháu.

Trách sao được"

Thành ra khi con cháu đem cho mình như vầy mình phải vui cười và nói cám ơn.

Nói thiệt, lần đầu tiên, được con cháu đưa cho hộp như vậy, tôi đã vui trong bụng, chà mấy đứa con đứa cháu có hiếu quá, đi ăn nhà hàng mà cũng nhớ tới cha tới mẹ, mua đồ ăn đem về. Khi mở hộp ra coi thì hởi ơi, đó là những miếng đồ ăn dư của tụi nó. Những tưởng vụ nầy chỉ xảy ra giữa những người đồng nghiệp ăn trưa chung mới làm như vậy mà thôi, ăn xong còn dư mới hỏi có ai muốn ăn miếng dư nầy không trước khi đổ bỏ"... đâu dè, xảy ra trong gia đình vì mình dạy con chưa kỹ.

*

Nhớ chuyện xưa.

Nhớ hồi năm 1971, mới qua Mỹ chưa đầy năm, một hôm vợ chồng tôi được mời đi ăn tiệc ở nhà hàng.

Đó là bữa tiệc thưởng phạt. Khi ấy chúng tôi sống ở tiểu bang Arizona, thị trấn Tucson. Chổ đó nóng vừa gì, nước thì không được trong lành cho lắm. Chồng tôi làm nghề chào hàng từ nhà từ nhà cho hãng bán máy lọc nước tư nhân, nghĩa là thay vì những cái máy lọc nước uống nhỏ nhỏ đặt ngay kế bên vòi nước trong bếp của thời đại bây giờ thì đây là những cái máy lớn, lọc nước xài cho cả nhà, bự như cái máy nấu nước nóng vậy đó. Loại máy nầy đặt trong nhà hay ở ngoài, chỗ nào cũng được. Chỗ nào có ống nước, chuyền thẳng vô vòi nước trong nhà, mình có thể vừa xài vừa nấu nướng vừa uống luôn. Giá của một cái máy khoảng trên một ngàn đô la, bao luôn loại muối khoáng và vật liệu gì đó để lọc nước. Họ kêu là Water Softener. Lúc đó đồng tiền còn cao, lương tối thiểu chỉ trên một đô la một giờ thôi. Chồng tôi làm nghề chào hàng (saleman) không có lương nhứt định, bán cái nào được ăn hoa hồng cái đó. Mỗi cái máy bán được, hoa hồng một trăm đô la. Thời đó, mình mướn cái nhà xe một phòng chỉ trả hơn chín chục đô một tháng nên một trăm đồng lớn lắm. Một tháng mà bán được cở ba bốn cái máy thì kể như là ngon lắm rồi. Khi đi làm y phải diện đồ lớn, tay cầm cái "cặp táp" Samsonite coi chiến kể gì!

Trong hãng ông chủ chia saleman ra làm hai nhóm, A và B. Hãng tổ chức mỗi tháng sẽ được ăn tiệc một lần. Nhóm nào thắng thì được ăn thịt bò, nhóm thua chỉ được ăn đậu mà thôi.

Nhà hàng này nằm ngoài ven đô thành phố Tucson, rộng như một trang trại, là một nhà hàng nổi tiếng về món thịt bò.

Chiều hôm đó, khi gặp nhau trong gian phòng tiếp tân, người người đồ lớn áo đầm chưng diện như đi dạ hội. Trái lại, người chủ hãng thì cổi áo lớn ra, chỉ còn cái sơ mi trắng nhưng nhìn rất giàu, rất trẻ, chừng trên ba mươi là nhiều, có cô vợ đẹp như minh tinh, người Mễ Tây Cơ. Cô bận cái áo đầm trắng hở vai hở cổ làm nổi bật mái tóc quăn lọn dài đen tuyền, mắt to sáng long lanh miệng cười hớn hở bắt tay từ người từ người. Tới trước mặt tôi, nhìn cái áo dài tôi đang bận, cô trầm trồ khen ngợi. Cô đâu biết rằng vì không có cái áo nào khác hết, tôi phải bận cái áo này, là cái áo dài phụ trong ngày cưới của tôi. Cái áo dài bằng xoa Pháp màu vàng hoàng hậu, nguyên phía trước đính hột hình con chim Công đang khoe lông khoe cánh sặc sỡ mà tôi còn giữ tới bây giờ. 

Người đàn bà Mễ khi còn trẻ chưa con cái chưa phì chưa xệ thì đẹp sắc sảo kể gì. Hai vợ chồng xứng lứa vừa đôi hết sức. Tôi cứ nhìn mê mẩn. Năm đó vợ chồng tôi mới hăm bốn. Người ta sao giỏi quá! Mới chừng đó tuổi đã là chủ một công ty bạc triệu.

Lúc đó chưa ai biết nhóm nào thắng bại. Chưa biết mình sẽ bị ăn dĩa đậu ngó miệng đội kia xơi miếng thịt bò ngon nhứt thành phố. Mọi người chào hỏi nhau, tay cầm ly nước giải khát hay ruợu gì gì đó, chào hỏi làm quen với nhau. Cầm ly nước cam, tôi ngỡ ngàng nhận rõ sự cô đơn, đứng một mình nhìn ra ngoài.

Vùng chân trời ửng đỏ ma quái, đậm lợt chiếu lên viền núi bao xung quanh, xương rồng nhiều loại thôi hằng hà sa số, lổn chổn nhô lên bên sườn đồi trọc sỏi đá, trổ bông đầy cây, đủ màu, trắng đỏ vàng tím xanh nhìn mút mắt...

Ở thị trấn nầy, cái vui của tôi là nhìn bông của những loại xương rồng, loại cây chưa từng thấy ở bên nhà.

Nhớ nhà hết sức. Nhớ muốn khóc. Nếu Má với mấy đứa em có mặt ở đây thì vui kể gì. Nhớ nhứt là nhỏ em "thi sĩ lơ tơ mơ" của tôi, nhìn cảnh nầy chắc chắn nó sẽ tuôn ra bài thơ tả cảnh "hoàng hôn trong mắt em" liền à.

Khi ông chủ tuyên bố mở tờ kết quả ra đọc lên thì chồng tôi lọt vô đội thắng, nghĩa là có số bán máy cao hơn. Ai nấy vổ tay lốp bốp. Mọi người cười đùa vui vẻ. Thế là chúng tôi sẽ được ăn thịt bò, đội kia chỉ được ăn đậu mà thôi.

Tiệc đãi ngoài trời. Vùng đất sa mạc, nóng hừng hực buổi trưa chớ khi vừa sụp mặt trời thì dịu lại, có gió phe phẩy mát. Không khí thiệt là khoảng khoát.

Khi bắt đầu vào tiệc, khách ngồi trên những hàng ghế dài đóng bằng cây mặt trên bào láng mặt dưới còn ghồ ghề. Trên những chiếc bàn dài cũng bằng cây, tôi ngắm nghía những ly tách dĩa làm toàn bằng thứ đất nung đỏ nâu, như đồ gốm, chắc từ những bàn tay thủ công của dân da đỏ vì ở đây người da đỏ làm nghề này nhiều lắm. Chạy ngang dọc đường thường thấy họ bày bán những loại đồ thủ công nầy cho khách du lịch.

Ông chủ cắt cớ chia nam nữ ngồi riêng. Ông ta nói để cho mấy bà làm quen với nhau. Thôi chết rồi, tôi lạc chồng tôi, người "thông dịch viên" của tôi rồi.

Lúc đó tôi chưa hiểu tiếng Anh gì nhiều, nghe chồng tôi dịch lại (dịch lại bằng tiếng Anh! cũng bằng tiếng Anh nhưng tại sao khi chồng nói thì mình hiểu, người lạ nói thì như vịt nghe sấm rầm rầm!)

Tôi lọt giữa hai người đàn bà, đành phải làm quen như lời ông chủ dặn. Ngồi bên tay mặt tôi là một bà Mỹ trắng, già nhăn nheo rồi, quên tên bà rồi, bên trái là một cô còn rất trẻ, giống giống như người Mễ" hay người da đỏ" Tò mò quá!.

À, khi giới thiệu với nhau cô nói tên cô là Vicky Yellow Hairs. Tưởng mình nghe lầm, hỏi lại, thì cũng yellow hairs là "mái tóc vàng"

Trời đất! gì ngộ vậy". Tôi hỏi lại, cô lặp lại, tên là Vicky họ là Yellow Hairs, gốc người da đỏ.

À, khuôn mặt cô rõ ràng là dân da đỏ rồi. Khuôn mặt cũng hơi thanh thanh, da đâu có đỏ gì, lỗ mũi hơi bự bự xẹp xẹp nhưng cao hơn lỗ mũi mình, cặp mắt đen, mái tóc dài thẳng. Aạ...  hèn chi tên cô là Vicky Yellow Hairs, vì màu tóc của cô hoe hoe vàng. Vậy chắc cô nầy lai, da đỏ lai Mỹ trắng.

Tôi nhớ hồi còn đi học tôi có đọc trọn bộ chuyện dịch Rừng Thiêng, có nói về dân tộc da đỏ thường hay lấy tên sự việc hay một tượng trưng gì đó mà đặt tên lẫn họ cho con luôn. Cô nầy hồi mới sanh chắc tóc cô vàng nên có cái họ ngộ ngộ đây. Vậy Tây phương có khác gì người mình". Má tôi thường nhắc hồi xưa ở thôn quê có khi người mẹ sanh con xong người chồng bước ra sân nhìn thấy cây trái nào ngay trước mắt thì đặt tên con cây đó, gặp ổi đặt Ổi, gặp bưởi đặt Bưởi, hay Chanh...  theo lòng mê tín đặt tên "xấu háy" cho thần thánh cô bà đừng để ý tới con mình mà bắt cho bịnh hoạn hay đem đi luôn!

Mấy năm sau tôi gặp lại Vicky ở thành phố Reno thuộc tiểu bang Nevada. Có vài chuyện vui vui với cô, để lần sau sẽ kể thêm vậy.

Trở lại bàn tiệc, mới đầu tôi chưa tin mấy, tưởng người ta chỉ nói chơi cái vụ ăn đậu ăn thịt gì đó cho vui thôi, ai dè khi bồi bàn đem thức ăn ra đặt trước mặt, tôi mới tin. Một cái dĩa bàn bự tổ chảng, như cái mâm, trên đó là một miếng thịt bò nặng cầu 3 cân, nướng trên lửa than, màu vàng nâu mướt, mỡ còn sôi xèo xèo, cộng thêm một đống khoai tây chiên dòn cao có ngọn. Họ còn đem thêm một tô rau cải xà lách gì nữa lung tung lắm, và một dĩa gì xắt lục cục lòn hòn vuông vuông màu xanh bóng mướt. Bà Mỹ trắng thấy tôi cứ ngó cái dĩa, kề tai nói nhỏ "xương rồng xào". Rồi bà nói thêm "người Mễ họ thích ăn món nầy, cô cũng nên thử cho biết". Trong câu chuyện trò xả giao với nhau, bà hỏi tôi từ đâu tới dân nước nào qua Mỹ hồi nào. Tôi nghe câu được câu mất câu hiểu câu không trả lời nhắm chừng bụng bảo dạ từ đây về sau chắc hông thích đi dự tiệc bị chia cách vợ chồng tôi lọt vô cái thế "tiến thoái lưỡng nan" như vầy nữa đâu nha.

Hai người hai bên, bà Mỹ trắng và cô da đỏ, là hai dĩa đậu, chỉ đậu mà thôi, khói lên nghi ngút.

Lại nhớ mấy đứa em. Ở nhà làm gì có nguyên một "tảng" thịt như vầy mà ăn" Một tảng thịt bự như vầy đủ cho cả đám em. Ước gì có tụi nó ở đây, nhường cho tụi nó ăn thịt bò khoai tây, tui ăn xương rồng.

Mọi người bắt đầu vào tiệc. Họ ăn uống ào ào cười nói oang oang không khí chộn rộn. Cầm nỉa cầm dao tôi cũng cắm nỉa vô rau, xúc xương rồng xào ăn thử. Ờ, được quá chớ. Hơi ngọt ngọt hơi nhớt nhớt hơi dòn dòn. Khứa khứa miếng thịt bò vô miệng nhai nhai. Thiệt không hổ danh là nhà hàng nổi tiếng nhứt thị trấn. Miếng thịt quả là mềm, vị thịt ngọt tự nhiên. Rắc thêm chút tiêu là ngon hết biết.

Miếng thịt bự quá bự, hồi người bồi hỏi tôi muốn ăn miếng thịt nướng sống chín ra sao, tôi thích ăn thịt bò tái mà không biết nói sao thành ra trả lời đại như bà ngồi ngang mặt là "medium", thành ra miếng thịt nầy nướng chín quá. Tôi nghĩ, miếng thịt nầy làm sao ăn hết, thôi thì chỉ lựa chỗ nào mình thích, moi moi cắt lụn vụn chọn khúc giữa còn hồng hồng mà ăn.

-Cô ăn xong rồi hả"

Giựt mình, nghe bà Mỹ hỏi, hơi ngạc nhiên, tôi e dè trả lời:

-Dạ rồi.

Bà liền sáng mắt lên:

-Vậy cô cho tôi phần dư đó nhé

Bất ngờ quá, tôi bở ngở gật đầu. Thế là bà tự nhiên kéo cái dĩa cũa tôi qua phía bà rồi bà lấy cây dao và nỉa găm vô miếng thịt bò phá manh múng của tôi sang qua dĩa của bà. Tay cầm dao tay cầm nỉa bà cắt từng miếng bỏ vô miệng nhai ngon lành, nhai ngon giống như lâu lắm rồi bà mới được ăn miếng thịt bò.

Vừa nhai bà vừa nói, tôi hiểu đại khái:

-Nhà hàng nầy nổi tiếng nhứt, thịt ngon nhứt được chọn lựa từ những con bò nuôi riêng... .

Bà còn nói gì gì nữa mà tôi không hiểu rõ, chắc cũng là về những con bò được nuôi riêng được chọn lựa để được đem lên dĩa cho người ăn này.

Trời đất ơi. Tôi ái ngại quá. Hối hận gì đâu. Vừa hối hận vừa mắc cở vừa xao xuyến trong lòng.

Trong lúc bà ăn tôi kín đáo dò xét. Bộ quần áo bà bận, đâu phải đồ mới. Nhìn kỹ mới thấy đường chỉ đã xừi, màu sắc đã phai...

Để ý nhớ lại, tôi nhìn qua bàn bên cạnh. Chồng bà, một ông Mỹ già, khắc khổ. Tôi chợt nhớ lại chồng tôi thường nói về một người đồng nghiệp già, khó bán được máy vì ông bị tật bịnh gì đó không đi nhiều nên việc làm rất giới hạn, chỉ tạm sống qua ngày. Hồi xưa ông có gia tài cha mẹ để lại, nhưng vì không giỏi tính toán, vợ lại yếu đuối, quá hiền, chỉ biết ở nhà lo cho chồng con nên chuyện làm ăn càng ngày càng lụn bại, rồi tài sản mất hết. Chỉ có hai người con, một bị mất tích trong chiến trường Việt Nam, người con gái thì có gia đình ở tiểu bang rất xa, còn lại hai vợ chồng già quạnh quẽ.

Hai vợ chồng già, nếu một tháng mà ông chỉ bán được một cái máy, hay không được cái nào, hoa hồng có bao nhiêu", bà thèm thịt bò cũng phải.

Phải chi mình đổi cho bà dĩa thịt lấy dĩa đậu.

Phải chi đừng để bà phải cất tiếng hỏi mình cô ăn xong rồi cho tôi phần dư đó.

Những gì Ba Má dạy hồi nhỏ, sao quên mất đi"

Xác ở đây mà hồn tận bên nhà. Vì tôi lo đắm chìm trong thế giới cá nhân hạn hẹp buồn phiền ám cho tối tăm trí óc, chỉ nghĩ tới mấy đứa em không có thịt bò ngon mà ăn, tôi quên nhìn xung quanh, tôi đã không biết chia sẻ cho người ngồi hai bên tôi.

*

Hồi xưa Má tôi thường nói: "bà con xa không bằng láng giềng gần".

Hàng xóm mình đây, nơi mình đang ở đậu đây, mà mình quên.

Buồn quá. Hối hận. Bức xúc.

Nhà tôi chị em đông, có miếng ăn ngon là mỗi khi nhà có cúng giỗ. Những ngày đó má mua gà, vịt hay thịt bò thịt heo làm nhiều món. Dầu biết con cái đang đói bụng, khi vừa múc thức ăn ra để lên bàn thờ cúng xong thì thế nào Má cũng múc hai ba tô gì đó sai con đem qua nhà hàng xóm cho bác Ba bác Tư gì đó ăn lấy thảo...

Không bao giờ cho người ta miếng ăn dư.

Má tôi thường nhắc:

-Hồi đó bà ngoại ưa nói "Người ăn thì còn con ăn thì hết" Bàn tay ngửa là bàn tay nhận và cho. Có cho thì mới có nhận, con ơi phải tập đừng nắm bàn tay lại.

Bây giờ tôi mới thấm.

Tại sao tôi không nhớ tới cái tục lệ đối với hàng xóm quá hay đó của người mình" Tại sao tưởng là mình phải theo cách sống ở Mỹ, tôn trọng cá nhân quá đáng, cái nầy của tôi cái kia của bà của ai nấy xài chẵng phải san sẻ"

Đâu phải dân tư bản không biết chia sẻ" Sống ở Mỹ càng lâu càng thấy sự rộng lượng của người Mỹ. Quốc nội, tiểu bang nào bị nạn liền được các tiểu bang khác giúp. Quốc ngoại, bất cứ nước nào có thiên tai tàn phá, ngay lập tức chính phủ ra lịnh gởi viện trợ, tài chính cùng nhân sự tới cứu giúp bảo trợ liền.

Với chuyện lớn thì như vậy, tại sao chuyện nhỏ mà ảnh hưởng tâm tình có thể làm cho mình xao động như chuyện chia sẻ một miếng ăn với người gần mình, lại không được tế nhị"

Lần ấy, qua Mỹ chưa đầy một năm, sao tôi đã mau quên"

Tôi đã làm nhiều việc sai lầm, nhứt là chuyện nầy, để sự hối hận cứ theo dai dẳng và tôi nhớ bà Mỹ già đó hoài.

Nhập giang tùy khúc... Chỗ rộng chỗ hẹp chỗ nông chỗ sâu.

Khúc sông nầy hơi hẹp, cháu tôi làm chuyện sai, đối với tập quán của mình, nhưng khi nhìn cái vẻ mặt tươi vui của "hàm răng sún", bước chân nhảy sáo tung tăng chạy chơi trong bụng hớn hở vì (theo nó nghĩ) đã làm một việc rất là tử tế với bà nội nó thì miếng dư nầy trân trọng và quí có thua gì cao lương mỹ vị"

Vậy sao tôi buồn"

Nó sanh trưởng lớn lên ở Mỹ, tập tục của Mỹ như thế đó, thì sao tôi không dạy nó cung cách của mình" Để khi muốn mời ai hay cho ai món ăn nào, phải mời phải cho trước khi nó ăn, đừng cho người miếng ăn dư của mình"

Mình phải tạo dịp nào đó...  làm cho khúc hẹp của dòng sông được mở rộng ra, kể cho cháu nội biết những phong tục tập quán của mình, chuyện ngày xửa ngày xưa...  khi bà nội còn nhỏ...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,178,679
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Tiếp theo, từng bước, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất của chàng.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, dựng ngiệp rồi giữ nghiệp trên đất Mỹ. Sau đây, thêm bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về những kỷ vật của một cô học trò Đà Nẵng buổi giao thời.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Nhạc sĩ Cung Tiến