Hôm nay,  

Chuyện Của Cây Vông

20/01/200800:00:00(Xem: 185703)

Tác giả: THỤY NHÃ

Bài số 2202-1994-768vb6180108

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008

đang phát hành khắp nơi)

*

Thụy Nhã (hình trên) là người trẻ tuổi nhất trong số 12  tác giả vào chung kết Viết Về Nước Mỹ năm 2002. Năm 20 tuổi, Thụy Nhã viết “Thư Em Gái: Anh Ơi, Hãy Trở Về”,  bài viết đầu tiên đã ấn hành trong sách Viết Về Nước Mỹ 2000. Tiếp theo, cô viết thêm “Mắt Nâu”, “Im Đi Bà Ơi“, “Bản Án 30 Năm”; Cha Bố Mày, Con Vàng”... lần lượt cho thấy thêm những cách nhìn cách viết độc đáo

Sinh năm 1980, theo gia đình định cư tại Hoa Kỳ năm 1995, Thụy Nhã vừa làm vừa học và tốt nghiệp ngành Psychology  tại đại học Utah,  tiếp tục học Nursing. Công việc part time của cô là đi làm “thông tầm“ suốt ba ngày cuối tuần tại Security Check Point, nơi kiểm soát hành lý và hành khách trong Salt Lake International Airport. Sau khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 9-11, Thụy Nhã viết “Check Point, Những Ngày...”bằng những ghi nhận đặc biệt từ chính công việc hàng ngày cô và các đồng nghiệp đang làm, để bảo vệ an toàn cho các chuyến bay. Bài viết đã mang lại   cho tác giả giải vinh danh tac phẩm trong năm. Sau 5 năm ngưng viết, cô góp bài mới, cho thấy thêm một Thuỵ Nhã chín chắn và mạnh mẽ.

*

Bạn. Mỗi buổi sáng thức dậy trước những tất bật lo toan với cuộc đời, bạn có bao giờ để ý tới hàng cây magnolia trước sân nhà đã ra hoa" Có bao giờ bạn để ý đến gốc lựu sau nhà đã có trái" Có bao giờ bạn để ý đến những hàng cây mới đó còn trơ trụi, nay lá đã xanh um. Tôi thật mong sáng mai khi thức dậy bạn sẽ ngắm hàng cây Magnolia, cười với cây lựu và vui với từng chiếc lá xanh.

Bạn, các xe bus tại San Francisco -thành phố nơi tôi ở- đang được sơn chung một màu xanh và chúng đồng thanh nói "Green is Life" ,"Blue is Life". Chúng nhắc tôi nhớ rằng trái đất của chúng ta giống như một hạt đậu nhỏ bé xanh biếc xinh đẹp, như Neil Armstrong đã mô tả khi ông là người đầu tiên đứng trên mặt trăng nhìn về địa cầu. Tôi cũng nhớ lời Tổng Thống Nixon gửi theo sứ giả đầu tiên của trái đất tới đây, "We came in peace for all mankind." Phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng ngày 20 tháng Bẩy 1969. Đã gần 40 năm. Vậy mà trái đất vẫn ngày một nóng hơn. Bom đạn tiếp tục được sản xuất và nổ. Phải chăng vì loài người có quá nhiều ngôn ngữ, khó trò truyện với nhau. Nhìn những chiếc xe bus sơn xanh, tôi hy vọng sắp tới đây thông điệp "Màu xanh là sự sống" từ San Francisco sẽ có mặt ở New York, Washington DC , rồi London, Paris, Rome... Rồi Tokyo, Bejing, Ottawa, Nairobi, Yaounde, Luanda, Sài Gòn... và khắp mọi nơi trên thế giới.

Bạn. Màu sắc, cây cối, hoa lá có tiếng nói và sức mạnh của chúng. Đôi khi chúng có linh hồn nữa. Bây giờ xin mời bạn theo dõi "Chuyện Của Cây Vông". Đây là câu chuyện của cái cây có linh hồn, và linh hồn nó nhập vào một cô bé gốc Việt gầy còm.

* Mảnh vườn con

 

Phía sau nhà tôi ở Việt Nam có một gốc cây. Nó là cây vông. Cây vông nở hoa đỏ vào mùa hè và quanh năm suốt tháng ra lá xanh. Thỉnh thoảng tôi hái vài lá vông qua nhà hàng xóm cho thỏ ăn, nhìn mấy con thỏ rỉa lá rồi đảo cặp mắt tròn vo qua lại tôi thấy vui trong bụng.

Trong mảnh vườn cỏn con này còn mấy cây khác nữa. Cây chanh có một dây khổ qua bám theo. Lúc cây ra hoa, hoa chanh trắng, hoa khổ qua vàng; lúc cây ra trái, trái chanh tròn tròn xanh xanh, khổ qua xanh và dài, treo lúc lỉu trông rất đẹp mắt. Ngoài ra còn thêm gốc đu đủ. Cây đu đủ thật tức cười, có mùa nó ra trái màu tía ăn ngọt lịm, mùa khác trái lại vàng nhợt, lạt nhách, ăn không vô. Ba nói chắc độ ngọt đu đủ bị ảnh hưởng bởi độ mưa mỗi năm. Sát mặt đất hơn là cà chua, lâu lâu có trái bị ốc sên ăn, nhìn loang lổ. Rồi má còn cho trồng thêm bòn bon, rau dấp cá. Hồi không đủ gạo ăn, ở nhà nhặt bòn bon độn cơm. Lúc cuộc sống khá hơn, con nít lấy hột bòn bon xâu thành chuỗi đeo cho ra dáng. Rau dấp cá được má trồng làm rau sống và còn là vị thuốc trị bệnh ho gà. Ai có uống qua nước thứ rau này mới biết thuốc đắng dã tật là sao.

Khoảnh sân sau nhà có đủ loại cây nhưng cuộc sống trong nhà lại xoay chung quanh gốc cây vông. Gốc cây vông là nơi chị ngồi vo gạo, rửa chén, nơi gia đình tôi xúc miệng, đánh răng. Nước vo gạo rửa chén, đánh răng được dùng để tưới cây. Cây vông chắc dễ trồng nên được tưới có chút nước vậy mà vẫn ra lá xanh ngắt. Gốc cây vông còn là nơi tôi ngồi khóc mỗi khi bị má đánh. Tôi ngồi chồm hỗm, mắt vừa khóc vừa láo liên ngắm con ốc sên liếm trái cà chua hay nhìn ra con lộ bên ngoài, nơi có ông đi qua, bà đi lại. Nhà tôi ở vì cả cái nhà dài đuồn đuột chỉ có một cái cửa duy nhất và cái cửa ấy lâu lâu bị tháo ra làm củi nên khi ngồi bên gốc cây vông ở vườn sau có thể thấy được con lộ đằng trước.

* Xóm Nhỏ

Đó là một xóm nhỏ nằm trong lòng thị trấn B'lao, nơi cây vông trong mảnh vườn. Xóm bắt đầu từ tấm bảng đánh dấu mốc đề "Thị Trấn B'lao" nối từ quốc lộ Một và nằm dọc theo đường Bế Văn Đàn. Đầu xóm là nhà thờ giáo xứ và trường tiểu học công lập của huyện. Cuối xóm là núi Đại Bình, sông Đại Bình, suối Đá Bàng, và xóm của người dân tộc thiểu số. Đôi lần trốn được má đi chơi, tôi đều chạy băng băng về hướng núi Đại Bình, tìm tới xóm của các em dân tộc thiểu số. Để tới được đó tôi phải chạy qua các vườn trà, vườn trái cây, các con suối nhỏ bắt nguồn từ sông Đại Bình, và chạy qua nghĩa trang công giáo.

Con bé chạy đến làng người thiểu số để được ngắm các em bé, các bạn mắt đen tròn, tóc rối bù, da ngăm đen mặc quần áo ngắn cũn cỡn một cách lạ lẫm nhưng rồi khi nhìn lại chính mình nó chợt cười khúc khích. Nó cũng đen thui, quần áo cũng hở rốn hở lưng, tóc tai bù xù đâu có khác gì. Sau khi ngắm thỏa thuê các em bé dân tộc, tôi lại chạy về nhà, trên đường về tôi không quên ghé vào suối mò cho được con cá lòng tong hay cá bảy màu. Con bé về nhà trong lòng hí hửng nhưng cũng không quên canh chừng. Bữa nào hên đi về gặp ba, ba bắt đi tắm gội rồi múc cho tô cơm nóng. Bữa nào xui gặp má, má đánh cho một trận, đau đến nỗi thiếu điều con cá đang nằm gọn trong lòng tay muốn nhảy vọt ra ngoài.

Xóm nhỏ có hơn hai chục hộ dân, nhà nhà chia chung nhau cái tường, cái vách, tối lửa tắt đèn có nhau. Sau chiến tranh, các thanh niên thiếu nữ trong xóm bị bắt đi làm hợp tác xã. Cả nhóm thanh niên tập hợp tại các sân nhà bị hợp tác xã trưng dụng để đan mây, đan tre. Tre từng lô, có cây thân to hơn cổ chân người lớn và cao hơn cả ngọn cây hoa gạo. Tre được đốn, chặt thành khúc, sau đó bổ ra ngâm nước cho đủ dai để có thể đan thành cái rổ, cái rá. Khi bổ từ thân cây tre lâu lâu có con rắn trườn ra, mình trơn trượt, da xanh tái, bò ngoe nguẩy. Đám đàn bà con gái thấy rắn là rú lên, sợ hãi. Đám con trai tinh ranh, lợi dụng cơ hội xán lại ôm ấp, vỗ về. Bao nhiêu cái rổ, cái rá, ghế mây, bàn mây đan ra hợp tác xã thầu hết, biểu mang đi xuất khẩu lấy tiền xóa đói giảm nghèo. Nghèo đói không thấy mất đi, chỉ thấy trong xóm có thêm những cái tên mới: anh Chín Khùng, chị Mai Điên. Anh Chín có vợ làm nhân viên hợp tác xã, mỗi lần bổ tre có rắn, chị sợ hãi co rúm người. Mỗi lúc chị co ro, anh cán bộ hợp tác xã đứng cạnh bên đều dang tay ôm ấp che chở. Ôm riết quen hơi, anh ta không nhả ra nữa. Anh Chín mất vợ nên khùng, trở thành Chín Khùng, lâu lâu lên cơn, anh rình mò lấy tay đánh vào mông các bà các cô nghe đôm đốp. Chị Mai chưa lấy chồng nhưng cũng bị điên vì người yêu sau khi giả dạng đi làm hợp tác xã để không bị để ý, anh một mình tìm đường vượt biển rồi mất luôn tin tức. Chị Mai mất người yêu nên điên, trở thành Mai Điên. Mỗi lần lên cơn, chị tồng ngồng đi qua đi lại trong xóm, tóc chị đen nhánh, thân thể mượt mà trắng nõn nhưng không bao giờ chị có người yêu khác được nữa.

Những năm sau đổi đời, các thanh niên, thiếu nữ trong thị trấn hầu hết mất cơ hội học hành. Họ vì lý lịch không rõ ràng bị trù dập, vì nghèo không có tiền đóng học phí nên phần lớn chỉ được học hết lớp bảy lớp tám là nghỉ. Số ít hơn được học hết trung học rồi thôi vì đâu ai có tiền lo lót để có thể thi đậu vào đại học. Nhưng buồn hơn nữa, nếu có phép lạ để học xong đại học cũng không có việc gì để làm nếu không có tiền bạc hối lộ. Ở những nước khác người ta được trả tiền để đi làm, còn nước này, người ta phải bỏ tiền ra để mua việc làm, để được đi làm. Học hành không xong, con nít trong xóm tôi được đặt cho những biệt danh nghe vui tai như Linh Tồ, Yến Ngố, (Linh Tồ và Yến Ngố là hai đứa bạn tôi). Suốt ngày bọn nhỏ cùng lam lũ bên cạnh người lớn. Đám con gái nghỉ học phụ việc nấu cơm, rửa chén, trông em. Làm hết việc nhà chúng phụ luôn việc bán buôn. Các món hàng thời đó thường là vài gram đường, vài xị xì dầu, nước mắm. Mấy đứa con gái lớn hơn có thể đi hái trà, hái dâu. Phần đông các cô gái trong xóm đều biết cách hái trà, làm trà và nuôi tằm, dệt lụa. Đám con trai khoẻ hơn phải cáng đáng việc nặng là vào rừng chém tre đẵn gỗ. Anh lớn của tôi nằm trong nhóm này. Núi Đại Bình hồi đó còn nhiều cây cối rậm rạp, mấy thân cây anh tôi đẵn to gấp hai ba lần thân hình anh. Cây đẵn xong được các anh vần ra sông Đại Bình rồi thả cho cây theo dòng nước trôi xuống vùng hạ lưu. Gỗ được mang đổi lấy gạo, xì dầu, nước mắm, gỗ dư được để dành đốt sưởi ấm vào mùa đông.

Người trong xóm và trong thị xã rất sùng đạo. Mỗi buổi sáng mọi người đều dậy sớm đi lễ nhà thờ. Cuối tuần lễ được tổ chức lớn hơn ngày thường và có hai lễ: một buổi sáng, một buổi chiều để ai cũng có thể đi cầu nguyện. Ban đêm vào các ngày lễ trọng bà con còn tụ tập ở tượng đức mẹ cuối xóm để đọc kinh, mặc cho mấy anh cán bộ nhà nước gầm gè bảo là phản động. Ba tôi nói tín ngưỡng tôn giáo rất quan trọng, nó giúp con người vượt qua các nỗi đau. Người ta có thể cướp vợ của người khác, cướp trường học của con nít, cướp đi tương lai của nhiều thế hệ nhưng không thể cướp đi niềm tin tín ngưỡng. Bà cụ Mạo là một trong số các giáo dân sùng đạo, bà chưa bao giờ bỏ một buổi lễ nào. Mỗi buổi sáng tôi ngồi gốc cây vông ngắm dòng người đi lễ ở con lộ phía trước đều thấy bà cụ khăn áo chỉnh tề, sải từng bước chân khỏe mạnh tới nhà thờ mặc dù bà đã trên tám mươi tuổi. Bà cụ có người con trai duy nhất bị mất tích sau chiến tranh để lại người con dâu và đứa cháu trai trong độ tuổi mười bốn, mười lăm. Mỗi lần đi ngang qua nhà thấy má bà đều dừng lại to nhỏ. Bà nói chưa nghe được tin tức của người con nên bà đi lễ cầu nguyện cho anh được bình an. Bẵng đi một thời gian khá lâu, anh con trai vẫn biệt tăm tin tức nhưng bà lại nhận được tin người cháu trai khi đi đốn cây ở núi Đại Bình đã bị cây đè chết. Từ lúc đó bà vẫn đi lễ mỗi ngày nhưng bây giờ bà thôi không cầu nguyện cho sự sống mà lại cầu sự chết. Không cần chờ tới nhà thờ mới cất lời cầu xin, tôi thường thấy bà cụ Mạo vừa đi vừa thở vừa khấn nguyện, nhiều khi bà nói thành lời. "Tôi muốn chết, tôi muốn chết", đang rì rầm bà bỗng la lớn rồi vẫn tiếp tục cất từng bước xiêu vẹo đi tìm Chúa.

* Chuyện Nhà

Gia đình tôi có bốn anh chị em. Hai anh và chị tôi sanh trước năm 1975, các anh chị đều được nếm mùi vị của sữa mẹ và bột Hugo của Mỹ. Vào đời sau đổi đời đời đổi , tôi không còn được bú sữa mẹ. Đẻ tôi không bao lâu má tôi bị bắt đi làm "nghĩa vụ lao động", má được "biên chế" vào một toán dân công làm đường. Bốn giờ sáng má tôi dậy, vắt sữa vào chén chừa cho con, sau đó bà đạp xe đạp đi Tân Phát, Tân Hà xây dựng xa lộ. Nghe kể là khi tôi dậy, tô sữa má vắt để dành lại đã bị chua, tôi không bú được. Lúc đó nhà còn có bột bích chi, chị tôi hay khuấy dỗ tôi ăn, nhiều lúc ngán quá tôi chê, chị vét nồi ăn cho đỡ đói. Sau mấy tháng bị bắt làm đường, lê lết trên nền nhựa nóng hổi, ngón chân má bị ăn mòn, nhìn lởm chởm giống như ngón chân của người cùi.

Má tôi là cô giáo nhưng để có thể sống được, phải đèo thêm vô số nghề khác. Nghề vô vườn nhà người ta thầu hái trái cây bán. Mùa nào thức đó, má vừa bán vừa kiếm trái cây mang về cho con, nói là ăn cho có chất sinh tố, đỡ bị còi. Có mùa má bán bồ quân, có mùa bán chôm chôm, vú sữa. Lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, má bán trái cây, anh tôi hái ớt và chanh trong vườn bán kiếm tiền mua sách vở. Hết mùa trái cây, má bán bánh ít nhân dừa, nhân đậu xanh, lâu lâu còn bán thêm bánh khoai mì. Nhiều ngày trời mưa, má mang cả gùi bánh về, chưa kịp bỏ bánh ế ra bàn, bà đã xô cả gùi, cả xe nghiêng ngả rồi chạy ra nhà vệ sinh lộ thiên đằng sau. Đa số nghề nào của má cũng gắn liền với cái xe đạp. Sau này, có hai ca sĩ Phương Thảo, Ngọc Lễ hát bài "Xe Đạp Ơi", đại khái, bài hát kể chuyện tình của chàng và nàng gắn liền với cái xe đạp, nhưng má tôi nói thích bài hát này vì nó làm bà nhớ tới cái xe đạp chở bánh ít, trái cây đã nuôi sống cả gia đình ngày xưa.

Năm bốn tuổi tôi mới nhớ thấy mặt ba mình lần đầu. Hôm đó đi học mẫu giáo về, thấy có người đàn ông loay hoay chẻ củi phía sau, tôi chống nạnh khoe cái áo rách nơi cùi chỏ hỏi má ông này là ai. Má bảo đó là ba. Sau này tôi mới biết ba tôi khi ra khỏi trại cải tạo chỉ về nhà mấy bữa đủ để sinh ra tôi rồi phải về bên quê nội trình diện cho địa phương quản chế nên không được ở gần vợ con.

Trên tay ba tôi có cái thẹo rất lớn, ông hay chỉ vào đó và nói tôi được sanh ra từ cái sẹo. Về nhà, ba từ ông đại úy truyền tin trở thành ông thợ mộc. Ông thợ này thường tháo cái bàn đóng thành cái ghế, tháo cửa sổ bào, gọt đẽo thành các vật dụng trong nhà, rồi khi mùa lạnh tới, mọi thứ ông hì hục làm ra đều được chui vào bếp làm củi. Ông ba thợ mộc của tôi còn có nghề khác là nghề vượt biên, nhưng má nói ông coi bộ không có duyên với nghề này vì nghe kể ông thường chỉ ra được tới bờ biển là đã bị bắt lại.

Ba về nhà, cũng là lúc má bị cử đi dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Có hồi đi dạy xa má dẫn tôi theo. Má dạy học cho các anh chị, những người lớn hơn tôi dăm mười tuổi. Má tôi rất nghiêm, ai không trả được bài đều bị khẽ vào tay. Cô giáo vừa khẽ tay vừa coi học trò nào tay không sạch, học trò nào bị bệnh đổ mồ hôi tay để tìm cách chữa trị. Mỗi ngày dạy học xong, dẫn con về qua các đoạn đường đầy dốc, đầy ổ gà, má tranh thủ dạy tôi những bài học làm người. Trong lúc tôi còn mải nhìn mấy con dế núp trong bụi cỏ ven đường và tự hỏi chúng có ăn được không vì tôi quá đói, má dạy làm người phải có "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín". Tôi nói với má những chữ đó có nghĩa gì tôi không hiểu, bà nói, không cần hiểu bây giờ, nhưng khi lớn lên, tôi sẽ biết. Đúng như lời bà nói, nhiều năm về sau, bài học làm người đầu tiên bà dạy nằm mãi trong tiềm thức đã giúp tôi vượt qua nhiều cám dỗ và cạm bẫy trong cuộc sống.

Má tôi lo con học không đủ chữ, không thành người nên bà rất nghiêm ngặt. Cho dù nửa khuya hay hai ba giờ sáng, nếu thấy tôi viết luận văn không thành câu hay làm bài toán không đúng bà đều đá xuống giường, không cho ngủ nữa, bắt tôi dậy sửa bài sau đó mới cho ngủ tiếp. Cho tới giờ tôi vẫn không biết má dữ như vậy là đúng hay sai, nhưng về sau tôi mới biết điểm số của tôi ở trường là chén cơm của cả gia đình vì nếu con cô giáo học dở thiệt coi không đặng. Còn nhớ thời ấy tôi thường co chân lên cái ghế con do ba tôi đóng, ngồi học bài dưới ánh đèn vàng vọt, mắt nhìn chằm chằm vào vở nhưng trong lòng buồn hiu. Tôi vừa buồn vừa giận má bắt mình học cả ngày lẫn đêm. Có lúc giận quá, tôi thò chân xuống sàn xi măng lạnh cóng, chà qua, chà lại, mong mình bị bệnh để khỏi bị học bài và cho má lo lắng chơi.

Má dành lo chuyện tinh thần. Ba tôi thì lo lũ con bị còi cọc. Hồi đó nhà nào trong xóm cũng có vài ba lần trong tuần ăn khoai lang, khoai mì phơi khô cầm bữa. Ngày nào có gạo, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, chia nhau từng muỗng cơm miếng cháy, chút xì dầu, nước mắm. Ba sợ con cái thiếu chất đạm nên tìm bắt cóc, về nhà lột da, bỏ mật nấu nướng linh đình. Lúc nhỏ tôi không sợ gì cả vì được ba tập cho ăn đủ thứ: cóc, nhái, rắn, cái gì ông bắt được tôi đều ăn ráo trọi. Đặc biệt lúc nào ăn cơm ông cũng bắt cả nhà phải dọn ra bàn ngồi ăn chung. Lúc đó tôi biểu tình vì lười dọn dẹp chén bát, ông nói con nhỏ nhất, không dọn ra bàn ngồi ăn trước mặt ba, mấy đứa lớn dành ăn hết miếng ngon rồi sao tới phiên con. Ngoài việc tìm thịt thà cho bọn tôi, ông còn tìm thêm thức ăn có chất vôi. Thời đó người ta chỉ mong có ăn để được sống, ba tôi tham lam, còn muốn chúng tôi có thức ăn đủ chất vôi để không bị thấp cổ, bé miệng. Ông nói người gầy không sao nhưng người thấp sẽ bị mất đi nhiều cơ hội. Thức ăn có nhiều chất vôi nhất hồi đó có lẽ là bánh đúc do ba àm. Có điều ông mê bỏ vôi nên cuối cùng bánh đắng ghét, ăn không được. Thấy tôi không chịu ăn, ông dụ, không ăn bánh đúc sẽ bị thấp và lúc đi coi ca nhạc lén, mình bị người khác che mất, đâu coi được nữa.

Thời ấy đôi khi có ca nhạc văn công về thị xã trình diễn. Mỗi lần được đi coi ca nhạc, người lớn chen lấn phía trước, tôi nhỏ con, chen hoài không vô. Nhớ có lần lúc tôi chui vô được cũng là lúc người ta hát bài hát hạ màn. Đó là bài hát của Trần Tiến: "Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi, ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe... hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ, từng đêm cô bé chờ như chờ từng giấc mơ". Mỗi khi nghe bài hát đó tôi lại nhớ lời ba dặn phải ăn nhiều chất vôi để có thể thỏa mãn giấc mơ của mình. Giấc mơ của tôi cũng nhỏ thôi, tôi muốn nhìn được mặt người đàn ông hát bài hát đó coi ông tròn méo thế nào mà biết được có tôi ở ngoài lén nghe.

Tuổi thơ của tôi ít niềm vui. Một trong những niềm vui hiếm hoi hồi đó đến từ các phần thưởng má cho mỗi khi tôi được xếp hạng nhất lớp hay nhất trường. Phần thưởng của má thường là miếng cam thảo, viên kẹo bạc hà, khúc mía hay trái vú sữa héo không bán được cho ai. Viên kẹo, miếng cam thảo, trái vú sữa héo là chén cơm của cả gia đình vì có bán được mấy thứ này mới có tiền mua gạo. Mỗi lần cầm được tấm giấy khen trong tay tôi đều về nhà khoe má, sau đó tôi ra ngồi bên cạnh chờ má kiểm kê hàng. Lúc má mở hàng để đếm, tôi ngồi yên một bên canh me. Má mở từng cái keo, à đây là keo cam thảo, một miếng, hai miếng..., các miếng vỏ quýt đỏ hồng có dính vài cọng cam thảo bên trên nhìn thật hấp dẫn. Rồi má mở tới keo kẹo, từng cái kẹo nhỏ xíu, hồng hồng, đỏ đỏ. Má mở từng cái keo, cân đo đong đếm rất cẩn thận và rồi thình lình bà đưa tay ra trước mặt tôi nói: cho con. Tôi đón cái kẹo từ tay má, lỉnh ra góc nhà ngồi nhâm nhi từng chút từng chút một. Kẹo ngọt khỏi chê, nhưng quá nhỏ không đủ làm no bụng. Vậy mà có lần năm lớp năm, nhờ đạt danh hiệu học sinh giỏi văn nhất toàn huyện tôi nhận được một phần thưởng lớn không thể ngờ tới. Nó, một củ khoai từ nóng hổi thơm phức là món quà lớn và quí nhất trong cuộc đời tôi.

Hôm được ăn củ khoai từ trời mưa rất lớn, gia đình chúng tôi sáu người quây quần bên cái bàn nhỏ, dưới chân bàn các thau nhôm, thau nhựa nằm la liệt để hứng nước mưa. Nước mưa nhỏ xuống từ mái nhà rỉ xét nghe lộp độp, lộp độp. Mở đầu cho bữa tiệc khoai từ chấm mật ong, ba tuyên bố hôm nay con bé út trong nhà đạt được danh hiệu giỏi văn nhất toàn huyện nên ba má quyết định cho tụi con ăn sang để chúc mừng nó. Tôi và các anh chị vỗ tay lộp bộp, anh lớn đứng dậy công kênh tôi lên vai. Anh nói em giỏi quá, xứng đáng làm em của anh, tôi cười khanh khách khoe hết hàm răng sún. Leo khỏi vai anh tôi tọt xuống ngồi ngay cạnh dĩa khoai, mùi khoai từ bốc lên thơm phưng phức. Được ba dành cho củ khoai lớn nhất, củ khoai từ dài, trắng ngà, da mịn màng láng lẩy, tôi hăm hở lột vỏ nó. Tôi cẩn thận chấm củ khoai vào dĩa mật để bên cạnh rồi đưa lên miệng cắn. Chao ôi, củ khoai bùi bùi, thanh thanh tan vào miệng, trôi vào cổ ngọt lịm, chưa bao giờ tôi được ăn cái gì ngon thế. Anh chị em chúng tôi vừa ăn khoai vừa cười hể hả. Bên ngoài mưa bão long trời lở đất, gió mưa đánh vào các vách tường nghe phành phạch nhưng tiếng cười của chúng tôi còn lớn hơn mưa. Cho tới hôm nay, ngay giờ phút đang viết kể lại câu chuyện này, tôi vẫn có thể hình dung được mùi vị của củ khoai từ hôm đó và cái niềm vui vô biên mà nó đã mang lại cho tuổi thơ của tôi và các anh chị.

Nghèo đói vậy nhưng khi lớn lên tôi cao được một mét sáu ba. Chị tôi sinh trước lúc đổi đời, cao gần một mét bảy. Có được chiều cao này chúng tôi phải cảm ơn ba má, hai đấng sinh thành. Công sức nuôi dưỡng của ba má đối với chúng tôi thật không bút mực nào tả được.

Năm 1990, nhà nước mở cửa cho mọi người làm ăn theo kiểu kinh tế thị trường. Tôi nhớ được điều này vì sau này đọc báo thấy người ta kể công đại khái là sau hơn cả chục năm theo chế độ bao cấp và ai cũng đói, nhờ nhà nước sáng suốt mở cửa, bà con mới làm ăn khá ra. Năm đó má tôi mang giấy tờ nhà ra thế chấp, bà mang tiền vay được sửa lại căn nhà dột trước, trống sau và quyết định sẽ dạy học thêm tại nhà vì bà đã chán cảnh bị đày đi dạy ở vùng sâu vùng xa. Đó là lần đầu tiên bà mang giấy tờ nhà đi cầm. Lần thứ hai bà cầm giấy tờ nhà để có tiền cho người anh lớn nhất của tôi mua máy cassette học bài luyện thi vô trường y. Anh lớn của tôi là người gần như học giỏi nhất trường vì mỗi lần đi thi anh đều được điểm cao nhất và không có đề thi nào làm khó được anh. Đêm đêm anh tôi thu các bài học vô máy cassette rồi bật đi, bật lại ôn bài. Anh mơ thi đậu vào trường y để có thể học nghề thuốc cứu đời nhưng lúc nhận được kết quả anh biết mình thiếu nửa điểm mới được vào trường. Năm đầu thiếu nửa điểm, năm sau anh đi thi cũng thiếu nửa điểm. Dần dà, gia đình tôi mới biết anh tôi không phải vì thiếu nửa điểm, mà vì thiếu tiền lo lót làm tốt cho lý lịch nên thi không lọt.

Cũng từ năm 90 nhà nước cho mở cửa rất nhiều hợp tác xã tín dụng để bà con có thể mượn tiền nhà nước hay cho nhà nước mượn tiền. Nhà nước cho dân mượn tiền thì trầy da tróc vảy. Có cán bộ tới từng nhà điều tra lý lịch, tài sản, sức lao động, rồi đưa ra đủ thứ lý do để từ chối. Nhưng khi dân cho nhà nước mượn tiền thì khá dễ dàng. Người dân được kêu gọi bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm để lấy lời cao, gửi một, lãi năm sáu hay gần tới mười. Mấy tháng đầu nhà nước trả tiền lời rất đúng hẹn, bà con thấy vậy mừng quá rủ rê nhau đem hết tiền bỏ vô ngân quỹ vì mong tiền đẻ ra tiền. Sau đó một thời gian, vào một buổi sáng đẹp trời, bà con cũng tới hợp tác xã tín dụng như thường lệ để kiểm tra ngân khoản thì hỡi ôi trên cánh cửa hợp tác xã đã được dán thông báo bị niêm phong vì làm ăn thua lỗ. Bà con mất tiền, mất nhà, mất tài sản, tha hồ mà kêu trời, vì chẳng biết tìm ai để đòi, để kiện vì dân làm sai có thể bắt dân đi tù hay xử tử, còn nhà nước mang chữ tín ra để lừa gạt, để ăn cướp của người dân thì chỉ cần treo bảng làm ăn thua lỗ là hết chuyện. Những điều mắt thấy tai nghe làm tôi rất hoang mang. Má dạy làm người phải có chữ tín, vậy mà...

Những năm đó tôi vẫn còn nhỏ, vẫn thường ra gốc cây vông ngồi ngắm người đi qua, đi lại nhưng đã không còn vô tư như ngày xưa. Ba tôi thường chép miệng than không biết tương lai anh tôi, chị tôi và tôi rồi sẽ đi tới đâu.

Năm 1995, gút mắc của tôi về tương lai có câu trả lời, khi giấy tờ bảo lãnh gia đình do chú tôi làm đã được Mỹ chấp nhận sau mười năm trời cứu xét. Má tôi quyết định đi Mỹ sau khi rứt ruột để lại anh chị tôi ở Việt Nam vì đã quá tuổi trưởng thành. Ba má tôi muốn đi Mỹ dù tuổi đã già vì "cứu được đứa nào thì cứu, chứ ở Việt Nam chỉ có chết chùm", ba nói.

Mùa hè trước lúc tôi đi, cây vông không còn ra hoa đỏ nữa. Lá cây cũng không xanh mà héo úa, vàng vọt. Tôi tò mò nhìn thử thì thấy gốc cây đã bị mối đào tổ, vì vậy thân cây tuy vẫn đứng cao, đứng thẳng nhưng đã chết tự lúc nào. Ngày đi Mỹ, tôi đến chào gốc cây, chào con ốc sên và chào mảnh vườn nhỏ bé. Cây vông, người bạn của tôi, cho dù bị cắt đi hết gốc rễ vẫn đứng thẳng, vươn cao. Cây cũng có hồn, người ta nói vậy. Tôi ôm thân cây vông vào lòng và nhận lấy linh hồn của nó.

* Cuộc Sống Ở Mỹ

"Chúng ta đi mang theo quê hương", người ta nói. Tôi ra đi và mang theo linh hồn cây vông. Quê hương của tôi là con ốc sên, là cây bo bo, cây đu đủ sau nhà. Quê hương của tôi là sông núi Đại Bình, là suối Đá Bàng, là cái xóm B'lao nơi các bạn Linh Tồ và Yến Ngố của tôi đang sống lam lũ. Hình ảnh quê nhà theo vào những giấc mơ tôi. Có đêm giật mình tỉnh giấc, tôi ngồi bật dậy và tự hỏi tôi đang ở đâu, đang ở Mỹ hay đang ngồi dưới gốc cây vông nhìn ông đi qua, bà đi lại.

Những ngày mới tới Mỹ tôi hay ngồi một mình khóc sướt mướt. Nhớ chị tôi còn ở Việt Nam, tôi khóc. Nhớ con chó Mina phải bỏ lại cho người khác nuôi, tôi khóc. Nhớ cây bơ trước nhà nơi tôi thường trèo lên hái lá bơ non để cuốn nem chua, tôi cũng khóc. Tôi, cái cây vông nhỏ dù có ba má, có anh, có người thân bên cạnh vẫn khóc thật nhiều khi bị bứng ra khỏi mảnh đất mà nó đã bén rễ, còn những người khác thì sao" Những người không may mắn như tôi. Những người đã đánh đổi cả mạng sống khi vượt biển tìm tự do, đã từng phải chứng kiến cảnh người yêu, cha mẹ, anh em, chị em bị vùi mình trong biển cả hay trong những nấm mộ hoang của các nhà tù, họ ra sao" Họ đã khóc hết bao nhiêu nước mắt hay họ đã không bao giờ khóc được nữa"

Mới tới Mỹ gia đình chúng tôi được ở chung với gia đình của chú tại Tucson, Arizona. Tucson là một thành phố của sa mạc, mùa hè của Tucson rất nóng bức nhưng mùa đông lại ấm áp, khí hậu ở đây rất thích hợp với người lớn tuổi. Ngày đầu tiên ở nhà chú,tôi được gặp thím, gặp hai em họ và được gặp lại ông bà nội. Như đã kể trong "Cha Bố Mày Con Vàng", lúc gặp lại bà, bà tôi không còn vấn tóc trong khăn mỏ quạ mà cắt tóc gắn trông rất Tây. Bữa cơm đầu tiên trên nước Mỹ tại Tucson, bà nội luôn tay gắp cho tôi miếng giò, miếng chả, bà biết con bé ở Việt Nam đói meo nên bây giờ bù đắp thêm cho nó.

Vạn sự khởi đầu nan. Trong thư gửi về cho chị, tôi viết gia tài của gia đình tôi lúc bấy giờ là ba đô la. Anh kế tôi, người đầu tiên trong gia đình biết kiếm tiền trên đất Mỹ buổi sáng đạp xe đi làm trong tiệm Jack in the Box, buổi tối đi rửa chén trong một nhà hàng bán sea food. Sau này anh theo ba má đi làm ở hãng điện tử, và khi hãng này tử, ba má và anh lại nhảy qua hãng khác. Tôi là đứa con được nhiều ưu đãi nhất trong nhà vì còn được đi học.

Qua Mỹ tôi được xếp học lại lớp mười tại trường Sabino High của Tucson, đây là trường trung học lớn thứ nhì Arizona, nó chỉ đứng sau trường University High một bậc. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy chuẩn bị tới trường khi nghe tiếng chó sói hú ở xa xa. Sau khi ăn một bát cơm với dưa chua và ruốc, tôi ra khỏi nhà mang theo bịch sandwich thím làm sẵn cho bữa trưa. Tôi một tay ôm bịch thức ăn, một tay ôm sách, vừa đi bộ tới bãi đậu xe bus vừa thơ thẩn ngắm sao trời.

Thuở ấy tôi là con bé còm, cân nặng chưa đầy tám mươi pao. Thức ăn của ba ở Việt Nam chỉ đủ để cho con bé đỡ bị lùn nhưng không đủ nhiệt lượng cho nó chống lạnh. Mọi thứ trên nước Mỹ đều quá lớn. Trường trung học Sabino với biểu tượng là con cọp có đến ba tòa nhà. Mỗi lần học xong lớp ở một nơi, tôi chạy kiểu "vắt giò lên cổ" qua tòa nhà bên kia mà vẫn không kịp giờ. Mỗi lần vô lớp trễ tôi không biết làm thế nào để giải thích cho cô giáo biết vì trường lớn quá, chân tôi lại ngắn.

Trường học đã vậy, đồng phục học trò kiểu Mỹ cũng là cả một vấn đề đối với con bé còm.Tôi nhớ lần đầu tiên mặc cái quần đồng phục thể dục do nhà trường phát tôi rút chặt hết sợi dây thun, quấn nó vòng quanh cái eo hai ba lần, sau đó cột túm cái lưng quần lại, cầm chắc nó trên tay vừa đi vừa cầu nguyện cho cái quần đừng rớt thế mà nó cứ muốn rớt. Bữa đầu tiên ra mắt bạn học chúng thấy tôi nhỏ như con mắm, vừa đi vừa cầm cái lưng quần chúng cười quá. Hên, bữa đó tôi không bị lâm cảnh rớt quần, nhờ ông thầy tốt bụng thấy con bé còm thảm quá, cho phép ngồi coi, khỏi tập. An tâm với cái lưng quần rồi, con bé còm nhớ bài học hồi bé được dậy ở quê hương anh hùng, kiểu "Một hai ba ta là cha thằng Mỹ, bốn năm sáu, ta là cháu bác Hồ". Không biết đếm thêm bẩy tám chín thì ta là cái gì. Rồi làm cách nào đếm được tới mười sáu, tuổi của con bé còm năm ấy.

Ở Arizona được nữa năm, tôi theo ba má qua Salt Lake City, Utah lập nghiệp. Ba má và anh Ti tiếp tục làm hãng điện tử, tôi tiếp tục được đi học. Thành phố Salt Lake không ấm áp như Tucson, mùa đông nơi đây có những cơn bão tuyết làm người ta phải rùng mình. Hồi đó vừa lội bộ tới trường trong các cơn bão, trong lúc đầu mình, tay chân lạnh tới muốn rụng ra khỏi thân thể tôi vừa mơ tới một ngày sẽ được vào học trường y .Như anh lớn của tôi hồi xưa, tôi cũng muốn được học nghề thầy thuốc để có thể giúp người.

Hai năm học trung học trôi qua rất nhanh, trong bài luận văn viết vào mùa ra trường, tôi nói: "Lúc nhỏ tôi không biết được mùi vị của kẹo Chocolate, hồi đó nếu có một viên kẹo, tôi sẽ chia nó ra làm bốn phần". Một vị giáo sư y khoa của trường University of Utah, cũng là một trong bốn giám khảo của giải học bổng Pioneer khi đọc đã nhận xét: cô bé viết câu văn này hẳn là người tốt bụng vì chỉ có một viên kẹo mà cô còn nghĩ đến bẻ làm bốn để chia sẻ cho mọi người. Khi ông nhận xét như vậy tôi thấy trong lòng thật ốt dột vì hồi nhỏ lúc bẻ viên kẹo ra làm bốn tôi chỉ muốn cất để ăn dần ăn dè chứ chưa bao giờ biết phải chia sẻ cho người khác. Khi nghe ông nói câu đó tôi mới gật gù, à thì ra vậy, một miếng khi đói bằng một gói khi no, đó là câu tục ngữ của người mình nhưng người Mỹ cũng mang ra áp dụng. Người Mỹ luôn luôn muốn giúp đỡ và chia sẻ cho người khác và lòng hảo tâm của họ đã cứu được bao nhiêu người. Vì câu viết trong bài luận văn, thay vì chỉ được phần học bổng 500 đô la, các vị giáo sư đã kiếm thêm cho tôi 500 đô nữa cho đủ 1000, các ông nói một người có lòng nhân ái sẽ là một người có nhiều đóng góp cho xã hội. Tôi tốt nghiệp trung học vào hạng danh dự với hai phần học bổng và một phần thưởng danh dự khi được bầu là sterling scholar cho bộ môn health and science.

Xong trung học, tôi bắt đầu công việc quan trọng nhất để chuẩn bị học y khoa đó là việc đi làm thiện nguyện. Các trường y yêu cầu các sinh viên dự bị y khoa phải có từ một trăm đến một trăm năm mươi tiếng làm việc thiện nguyện trước khi được nộp đơn vô trường. Họ muốn các vị bác sĩ tương lai phải có lòng bác ái, nhân hậu và nhất là phải hiểu được ý nghĩa đích thực của nghề y.

Khi được ba má mua cho cái xe cà tàng, tôi lái xe tự tìm cho mình một bệnh viện xa nhà đến bốn mươi lăm phút, để được làm thiện nguyện mỗi ngày bốn tiếng. Bệnh viện đầu tiên nhận tôi làm thiện nguyện là Shriners, một bệnh viện dành cho trẻ em. Ngoài Shriners ở Utah, còn có 21 cái bệnh viện Shriners khác nằm rải rác khắp nước Mỹ, Canada và Mexico. Đây là một loại bệnh viện đặc biệt phục vụ bệnh nhân vị thành niên, mọi khoản chữa trị đều miễn phí một trăm phần trăm bất kể hoàn cảnh gia đình và tài chánh. Bệnh nhân tại đây là các em dưới mười tám tuổi và có các bệnh trạng như gãy tay, gãy chân, gãy cột sống, có dị tật bẩm sinh về tai mũi họng, các bệnh bẩm sinh liên quan tới cột sống dẫn tới tình trạng liệt toàn thân hay bán thân bất toại, hay bị phỏng nặng cần phải cấp cứu. Bệnh viện có giải phẫu chỉnh hình, và giải phẩu thẩm mỹ để giúp các em có thể trở lại hình dạng bình thường.

Công việc của tôi ở Shriner là mang hồ sơ mật bị thải ra bỏ vào máy để cắt nhuyễn. Cắt giấy xong tôi đi ăn trưa và sau đó chờ tới giờ Happy Hour. "Giờ hạnh phúc" là giờ mà tất cả các nhân viên của bệnh viện tập trung lại play room để chơi đùa với các em. Trong play room mọi người ai cũng có tên gọi riêng như bác sĩ Hill đến từ Ấn Độ được làm "papa bear", cô Rose y tá người Mỹ được làm "mommy winnie the Pooh", còn tôi được đặt cái tên mới là cô "funnie" vì hay làm mặt hề chọc cho tụi nhỏ cười. Trong phòng chơi, trên tấm thảm có in hình bản đồ thế giới, các em ngồi nắm tay nhau theo hình tròn. Em Christina người Campuchia bốn tuổi, em hay nheo nheo mắt khi nói vì mắt em bị một cục bứu đè. Em Nick bảy tuổi người Mỹ bị Spina Bifida, vì có lỗ hổng ở cột sống nên em chỉ có thể bò, em thường được các bạn bỏ vô cái thùng nhựa và đẩy đi khắp nơi. Em Jennifer người Tàu năm tuổi bị phỏng tám mươi phần trăm, cả người băng bó kín mít chỉ chừa lại cái miệng đỏ lòm vì em hay ăn kem trái dâu. Em Jack người Mỹ da đen năm tuổi bị tai nạn xe cộ gãy tay và chân trái, em hay dơ cái chân băng thạch cao ra cho mọi người ký tên vào làm kỷ niệm... Các em ngồi sát bên nhau tròn miệng hát bài "Twinkle star" do "mommy winnie the bear" dạy. "Twinkle twinkle little star, how I wonder where you are..." Đang hát bé Christina bỗng cọ quậy rồi cười khanh khách, nó bị thằng Nick đưa tay cù lét vào nách. Tiếng cười của Christina sao thật giống tiếng cười của tôi hôm nào. Cái ngày trời mưa, khi được ăn củ khoai từ đầu đời bên cạnh anh mình tôi cũng đã cười như vậy. Giọng cười của Christina làm tôi nhớ tới tuổi thơ của mình. Nghe tiếng em cười và nhìn vẻ mặt hớn hở của các em, tôi chợt nhận ra đối với các em, Shriner không chỉ là bệnh viện mà còn là một mái nhà. Mái nhà của các em có ba người Ấn Độ, mẹ người Mỹ, cô người Việt Nam và các anh chị em đến từ mọi quốc gia trên khắp thế giới. Tình yêu thương vô biên giới của các nhân viên bệnh viện đã làm cho Christina và Nick mặc dù đang bị những vết thương và các căn bệnh hoành hành rất đau đớn vẫn có thể cười vui vẻ và nó làm chúng tôi trở thành người một nhà. Đến bên Christina, tôi ôm em vào lòng, chúng tôi tiếp tục hát "Twinkle, Twinkle little star..."

Sau mùa hè đi làm thiện nguyện ở bệnh viện Shriners tôi hiểu được tình yêu thương có thể xoa dịu những nỗi đau và nó không có biên giới. Tôi muốn mình cũng trở thành một bác sĩ có đầy lòng thương yêu để có thể xoa dịu những nỗi đau và xóa đi những khoảng cách trong lòng con người. Tôi bắt đầu năm đại học thứ nhất tại trường University of Utah với phân khoa dự bị y khoa. Đây cũng là lúc tôi đi học toàn thời gian tại trường và cuối tuần đi làm thông tầm tại Check Point, nơi kiểm soát hành khách tại phi trường quốc tế Salt Lake City. Sau biến cố khủng bố tấn công nước Mỹ 9-11, công việc tại Check Point rất nặng nề căng thẳng nhưng tôi cũng thật tự hào vì mình được góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Hoa Kỳ và thế giới. Khi Thế Vận Mùa Đông khai diễn tại đây, nhiều lần phi trường phải báo động vì bị đe doạ,  tôi và các bạn thêm một lần thật thích thú khi thấy sức mạnh của chúng tôi đã thắng được sự bạo tàn của bọn khủng bố và mang tới cho thành phố núi một thế vận hội  mùa đông thật hoành tráng.

Những ngày đầu đi học đại học, má tôi chín giờ tối đi bộ ngoài đường chờ con về. Lúc đó tôi mười tám mười chín tuổi nhưng không được đi đâu khuya quá chín giờ. Có lúc tôi chướng bỏ nhà đi chơi, khuya về bị má tát vào mặt sáu cái: trái phải, trái phải liên tục. Coi bộ người đàn bà Việt Nam còn dữ hơn hệ thống 911 của nước Huê Kỳ. Trốn nhà đi chơi không xong, tôi đóng cửa lại viết văn kể lể ai oán cho đỡ tức, và từ đó có thêm bút hiệu Thụy Nhã.

Từ thời còn là bé con ở Việt Nam tôi đã mê đọc sách đến nỗi có lần bị cháy tóc khi chui vào mùng đọc lén trong đêm khuya. Khi sang Mỹ, tôi mới biết là ngoài loại sách vở văn chương được gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa thường được tung hô ở Việt Nam, còn có một nền văn chương khác của miền Nam Việt Nam từ trước năm 75 hiện vẫn tiếp tục ở hải ngoại. Tôi bắt đầu được đọc Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Thảo Trường, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ và nhiều tác giả khác. Bước vào thế giới này văn chương này, tôi lập tức mê mệt và thấy mình có thể viết văn được.

Gia đình tôi có nhiều sóng gió từ lúc tôi có thêm tên Thụy Nhã. Anh trai tôi đam mê cờ bạc bỏ nhà ra đi. Ông ngoại tôi mất ở Việt Nam. Má tôi vì nhớ nhà, nhớ con, nhớ ông ngoại đã có nhiều lần bị panic attack đến thở không được. Những chuyện buồn chồng chất không biết kể cho ai, tôi bắt đầu viết để tham gia cuộc thi Viết Về Nước Mỹ. Tôi viết để dự thi và cũng để kể chuyện mình và nghe chuyện người như lời tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân đã nói. Rồi từ đó "Thư Em Gái: Anh Ơi Hãy Trở Về", "Check Point Những Ngày Ta Mất Nhau", "Im Đi Bà Ơi" ra đời. Đó là những ngày khó khăn nhất của gia đình. Tôi từng trốn học hơn một lần, bỏ việc, dấu ba má âm thầm đi kiếm anh trai. Mỗi lần vô sòng bài nhìn các chàng thanh niên độ tuổi anh mắt dán chặt vào lá bài, mồm ngồm ngoàm nhai từng cọng mì gói, thân thể hốc hác hao gầy tôi đau lòng tới muốn khóc. Ở nhà ba má cũng không yên, ngày nào cũng vì những chuyện rất nhỏ mà cãi lộn ầm trời. Tôi đi học, đi làm, khuya lắc khuya lơ mới về nhà vẫn không được ngủ vì trận chiến giữa ba má vẫn chưa dứt.

Vừa theo đuổi giấc mộng vào trường y, vừa lo lắng chuyện gia đình, tôi kiệt sức. Có lần tôi đã đứng trên nóc khu đậu xe của bệnh viện mà tôi hằng mong ước được vào học, vào làm và nhìn xuống cánh cửa chính. Từ nơi đứng, nhìn xuống cánh cửa bệnh viện, tôi thấy nó to lắm, nặng lắm, xa lắm và thấy mình bất lực. Chắc không cách gì mở được nó. Cái cánh cửa khổng lồ ấy, với tôi, là xa quá tầm tay, nhưng khi nhìn xuống cái sàn xi măng xám lạnh cách mình hơn mười thước tôi lại thấy nó quá gần. Những tuyệt vọng, buồn tủi và sự yếu đuối bất lực dồn nén đã làm tôi muốn nhảy xuống phía dưới. Nhảy đi, nhảy đi, cái sàn xi măng mời mọc. Tôi, đứa con gái còm cõi đứng gục đầu trên nóc gara và khóc. Đang khóc, tôi bỗng thấy qua màn lệ một cái bóng xanh um từ đâu đó hiện ra. Cái bóng xanh ấy lung linh chung quanh tôi, phát ra tiếng vi vu, xào xạc. A. Chính nó, cái bóng xanh ngày xưa. Nó là cây vông của khoảnh vườn sau nhà. Tôi nhận ra nó và nhận ra chính mình, đứa con gái đã chui ra từ cái sẹo của ba. Cây vông thời thơ ấu của tôi chỉ được tưới bằng thứ nước thừa, nước cặn vẫn vui vẻ đơm hoa ra lá. Dù gốc rễ bị mối ăn, nó vẫn đứng vững đó chờ tôi. Chúng tôi đã ôm nhau từ biệt và khi tôi ra đi, linh hồn nó đi theo. "Đừng khóc. Đừng khóc. Bạn ơi, bạn không nhớ bạn chính là tôi à. Bạn không nhớ bạn đang ở đâu à." Linh hồn cây vông nhắc nhở và tôi nhớ mình chính là cây vông được lớn lên trong lòng nước Mỹ, trong tình thương yêu và sự chăm sóc của bao nhiêu người, tôi không có quyền bỏ cuộc, tôi phải mạnh mẽ như cây vông của tôi. Từ lúc nhớ ra mình là cây vông nhỏ, tôi đã vui vẻ sống tiếp và không sợ hãi gì.

Rời bỏ cái nóc gara, rời bỏ cái sàn xi măng xám lạnh, tôi tiếp tục đi tới. Không có đủ điều kiện để theo ngành y, tôi quyết định chọn học nghề y tá. Nghề y tá đòi hỏi thật nhiều sức khỏe và sự kiên trì, nhẫn nại nhưng tôi không ngại vì tôi không thể nào quên được tiếng cười của bé Christina trong bệnh viện Shriners năm nào. Với nghề y tá tôi sẽ tiếp tục có cơ hội chăm sóc và san xẻ tình yêu thương mà tôi may mắn có được tới cho mọi người chung quanh.

Năm 2003 sau khi đã có bằng bốn năm trong ngành tâm lý học, tôi được nhận vào trường y tá tại một đại học công giáo ở Utah và vừa học vừa làm việc thêm tại bệnh viện cũng thuộc về hệ thống của trường University of Utah tên là University Of Utah Healthcare and Clinics.

Nghề y tá đòi hỏi sự chăm chỉ, đầu óc nhanh nhẹn và một sức khỏe phi thường. Trong số bệnh nhân của tôi có người nặng đến hơn hai ba trăm hay lên cả bốn năm trăm pao. Một người bệnh nhân của tôi nặng 375 pao, anh bị liệt toàn thân. Mỗi ngày tôi phải thay quần áo, tắm rửa, đút cho anh ăn, đưa nước cho anh uống và đưa anh lên ghế ngồi để anh không bị chứng lở loét da. Mỗi lần di chuyển anh, chúng tôi bốn hoặc năm người đứng hai bên, một người đứng dưới đỡ chân, chúng tôi dùng hết sức bình sanh nâng anh ra khỏi giường nhờ thêm sự hỗ trợ của máy Hoyer lift. Người bị liệt toàn thân không làm chủ được đường tiêu tiểu nên mỗi khi chúng tôi dùng hết sức để chuyển anh lên ghế, anh lại đi ngoài thế là chúng tôi mang anh trở lại giường để lau chùi. Sau lại chuyển anh từ giường qua ghế, từ ghế qua giường như vậy tới ba bốn lần.Chúng tôi vừa khiêng với hết sức mình và vừa an ủi anh vì biết trong số chúng tôi anh là người mệt và cần sự an ủi nhất.

Không đủ sức khoẻ sẽ không thể chăm sóc người khác, làm sao lo công việc y tá, tôi quyết định phải tập ăn đúng cách cho lên cân, và tập thể dục đúng cách cho có đủ sức khoẻ. Đi học và làm toàn thời gian còn thật ít giờ để lo cho chính mình tôi đành phải chọn cách trả tiền để được sự hướng dẫn của một huấn luyện viên thể dục nhà nghề. Bây giờ trên Tivi hay chiếu nhiều reality show về những người cân nặng hàng trăm pao và quá trình tập luyện ăn kiêng để giảm cân. Nghĩ mà tức cười. Họ phải tập luyện, ăn uống cực khổ như thế để xuống cân. Tôi thì tập luyện ngược lại, cực khổ muốn ói khi cố ăn, cố nuốt  chỉ để lên cân và có thêm sức khỏe.. Để có thể trở thành một cô y tá thực thụ, tôi đã phải thay đổi chính mình. Từ chưa đầy 85 pao, sau ba tháng tập luyện, tôi lên được hai mươi pao, cân nặng 105 pao. Có lẽ đây là việc phi thường nhất trong đời mà tôi đã làm được.

Mọi chuyện xuông xẻ dần. Sau khi đưa ba má đi ký tên mượn nợ mua được căn nhà mới, tôi viết được thêm chuyện vui "Bản Án Ba Mươi Năm". Năm 2005 tôi ra trường ngành y tá. Ngày ra trường, ba má, hai nhân vật trong "bản án ba mươi năm" và "im đi bà ơi" vẫn giữ được bản án cam kết và vui vẻ nắm tay nhau đi dự lễ. Lễ ra trường anh tôi không về dự được nhưng lúc đó tôi đã biết anh ở đâu và không cần phải gửi thư tìm kiếm nữa.

Đầu năm 2006, tôi dọn qua San Francisco sinh sống và làm việc tại một bệnh viện mà tôi rất yêu thích. San Francisco tuy nhỏ về diện tích nhưng lại là một trong những thành phố đẹp nhất nước Mỹ. Nó đẹp đến nỗi nhiều người đã cất tiếng hát "I Left My Heart In San Francisco", đó là tựa một bài hát rất thịnh hành trong thập niên sáu mươi do Tony Bennett sáng tác.

Có lần trong bênh viện, tôi được chăm sóc một cụ bà mà tôi thấy rất giống bà cụ Mạo của xóm nhỏ năm xưa. Cụ bệnh nhân của tôi đã hơn chín mươi hai tuổi, trên người của cụ mang đủ các thứ bệnh về tim mạch, thận phổi. Thân thể cụ là một guồng máy đã bị rã nhưng tinh thần cụ lại minh mẫn vô cùng. Mỗi lần tôi mang thuốc tới cho cụ uống cụ đều mang cặp kính lão, cầm từng viên thuốc lên sát mắt và đọc thành chữ: ambien 5 gram, metoprolol 50 gram, folic acid 1 gram..., cụ nhớ và dò xét từng viên thuốc trước khi bỏ vào miệng. Khi tôi đi ra khỏi phòng lúc nào cụ cũng dặn dò: cô y tá, cô đừng có gỡ thuốc ra khỏi vỏ trước khi đưa cho tôi uống nghe, tôi muốn coi cho đúng thuốc rồi mới uống. Cụ sống ở nursing home, không có con cháu và cụ ông qua đời đã lâu, cụ cũng đơn độc như bà cụ Mạo ở xóm nhỏ, chỉ khác một điều: cụ bà ở San Francisco dù thân thể đã rã rời nhưng cụ vẫn muốn sống, còn cụ Mạo ở thị xã B'lao dù ăn được, đi được, đứng được và không bị bệnh tật gì cả nhưng cụ lại muốn chết. Ô kìa, yếu tố nào trong cuộc đời đã làm cho người ta muốn sống hay muốn chết"

Tôi đi bộ về nhà sau một ca trực đêm khá bận rộn. Hôm nay San Francisco có mưa bay, những hạt mưa bám vào mặt mát lạnh. Mưa San Francisco làm tôi nhớ những cơn mưa phùn của mùa xuân ở B'lao, nơi tôi đã sanh ra và cũng là nơi tôi đã từ bỏ để ra đi. Cái xóm nhỏ đó hôm nay biết ai còn, ai mất" Linh Tồ đi lấy chồng tuốt ở Di Linh, người chồng Linh biết vợ hồi nhỏ không được đi học nên thông cảm và không bao giờ chê vợ tồ. Linh mở hàng bún bò: vợ nấu, chồng chạy bàn, cuộc sống hai vợ chồng phụ thuộc vào mấy ký bún bán được mỗi buổi sáng. Yến Ngố chưa kịp lấy chồng để có người âu yếm gọi là Yến đã bị xe đụng để rồi mất luôn tên Yến Ngố và bất đắc dĩ trở thành Yến mát. Chị tôi lâu lâu mang chút tiền qua cho và cắt tóc cho Yến. Mỗi lần cắt tóc chị đều trò chuyện tỉ tê, chị hỏi có nhớ tôi không, Yến gục gặc đầu rồi cười trông rất ngây dại. Chị Trang con bác Khang cũng lấy chồng xa, xa đến nỗi trong một lần đi xe gắn máy về thăm gia đình chị bị một tài xế lái xe tải dành đường, chèn cán nát óc và không bao giờ gặp bố mẹ được nữa. Và bà nữa, bà cụ Mạo, bây giờ đã là cuối năm 2007, bà vẫn còn tiếp tục đi trên con đường cũ để ước mơ được chết"

Năm 2005, 2006 đã có những nhóm người dân tộc đầu tiên được đặt chân lên nước Mỹ. Từ năm 1975 đến năm 2005, đó là ba mươi năm kể từ lúc chiến tranh chấm dứt, vậy mà ngay cả người dân tộc, nhóm người sống ẩn mình trong vùng sâu vùng xa rồi cũng không yên, phải bỏ nước ra đi. Trong nhóm người dân tộc đầu tiên tới được Mỹ có người nào là bạn của tôi không" Nếu có, bạn có nhớ cái cô bé đen thui, quần áo ngắn cũn cỡn đã đến thăm bạn hôm nào" Ngày đó chúng ta chỉ biết nhìn nhau, chưa nói được một lời chào hỏi. Hôm nay cho tôi chào bạn nhé, người bạn của thời thơ ấu. Bạn đã đến được đây rồi. Còn bạn Linh Tồ và bạn Yến Ngố của tôi nữa, các bạn chưa thể hay không thể đến đây, vậy phải làm sao để mang được cuộc sống nơi đây đến với các bạn.

Nhìn mưa nắng ở San Francisco, tôi vẫn nghe tiếng vi vu của linh hồn cây vông nhỏ ở B'lao đi theo mình ngày nào. Nó không ngừng nhắc nhở.  Hiện nay, tôi vừa đi làm toàn thời gian vừa chuẩn bị tất cả mọi việc cần thiết để có thể trở lại trường học lấy bằng thạc sĩ y tá, chuyên ngành gây mê  (Certified Registered Nurse Anesthetist  -CRNA). Các trường dạy gây mê đòi hỏi rất gắt gao, thí sinh trước khi được nộp đơn vào trường phải có ít nhất một năm làm việc ở ICU (intensive care unit) và được điểm GRE tối thiểu là 1000, tất cả những công việc này đòi hỏi nhiều sức lực và sự cố gắng. Dù cực nhọc mấy, tôi thấy mình vẫn có thể làm được.

Với sức sống mà cây vông trao tặng, với những bài học đầu đời do má dạy, với những bữa thịt cóc nhái hiếm hoi do ba chăm bón,  tôi sẵn sàng đi tới.

Tôi tin tưởng kiến thức và kinh nghiệm sẽ cho tôi thêm cơ hội phụng sự. Tôi tin tưởng sự hiểu biết và lòng yêu thương luôn mang con người lại gần nhau, và thế giới rồi sẽ là một mái nhà chung như mái nhà ở bệnh viện Shriners năm nào.

Tôi là cây vông nhỏ. Tôi sống. Tôi yêu thương và tôi mơ mộng.

* Lời Kết

Tại một thành phố biển ở Nam California, trong khu vườn của khách sạn Marriott, tôi đã gặp lại người bạn cũ. Lúc gặp bạn, tôi bàng hoàng không dám tin vào mắt mình. Tôi đứng chiêm ngưỡng rồi đưa tay rờ và đưa mũi ngửi người bạn trước mặt. Đúng là bạn rồi chứ không ai khác. Là bạn đó, người bạn đã chết đi khi tôi rời bỏ mảnh vườn thời thơ ấu và bây giờ linh hồn bạn đang đi theo tôi, đang sống lại và đang trổ những chùm bông đỏ huy hoàng. Bây giờ là mùa bạn trổ bông. Toàn thân bạn rực rỡ màu đỏ thắm. Đó là màu đỏ của lời chào bạn dành cho tôi sau bao năm xa cách.

Cây vông của tôi, cho tôi được ngắm bạn. Cho tôi được ôm bạn. Cho tôi nhập vào bạn.

Dù bao năm tháng có trôi qua, màu xanh lá vông, màu đỏ hoa vông, linh hồn chung của chúng ta, sẽ còn tươi đẹp mãi..

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến