Hôm nay,  

Cám Ơn Em, Cám Ơn Peace Corps

21/01/200800:00:00(Xem: 290084)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 2203-1995-769vb8200108

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007

trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý, đang phát hành khắp nơi)

*

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Tốt nghiệp Management Information System. Công việc: Program Manager, phụ trách về “Đào Tạo Tài Năng” (Talent Development) cho công ty Cisco.

Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ 8, Nguyễn Trần Phương Dung góp nhiều bài viết đặc biệt và là một trong 10 tác giả được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online.

Trong tự truyện “Lời Kinh Cho Mẹ,” cô kể về mình: “Sau khi sinh anh kế tôi, ba mẹ đưa nhau vào Cha xin... “thôi”. Vị linh mục bảo Giáo Hội không cho phép ngừa thai, nhưng theo ông 7 đứa coi như cũng tạm đủ. Ông bảo ba mẹ tôi “làm theo lương tâm”. Ba mẹ về chưa kịp “tự vấn” thì khám phá ra tôi đã chui tọt vào bụng mẹ từ hồi nào. Tôi mở mắt chào đời vào “mùa hè đỏ lửa” của cuộc chiến Việt Nam.”

Trong “Trái Tim Đàn Bà Có Mấy Ngăn” cô kể thêm:

“Là con gái út trong một gia đình 8 anh em, từ nhỏ tôi đã học được là phải kêu lớn mới có người nghe, phải nhảy cao mới có người thấy. Ba tôi tuy hay ăn hiếp mẹ, nhưng lại rất khuyến khích đối với đám con gái. Ông tạo cho tôi lòng tin là những gì các anh làm tôi cũng làm được. Anh học Engineering thì tôi học Management Information System. Anh ra trường làm Software Developer thì tôi làm IT Project Manager. Khi anh lên kỹ sư trưởng thì tôi cũng đã có một đội làm việc cho mình. Duy chỉ có thú vui thì tôi vẫn bị... cấm đoán, ngay cả khi đã ra trường và đi làm. Ba mẹ tôi vẫn theo lối xưa. Con gái không được đi chơi nhiều. Con gái không được đi qua đêm, bất luận đi với ai. Con gái có ngày nghỉ thì ở nhà với cha với mẹ, đừng đi vacation chỗ này chỗ khác mang tiếng. Bị cột chân quá, tôi tức mình quyết định đi lấy chồng sớm để thoát khỏi cảnh nhà em, lão gia... rình trước ngõ...

Tác giả hiện là bà mẹ 4 con, gia đình an cư tại Tampa, Florida. Sau đây là bài viết thứ 10 của cô.

*

Viết cho Phương Linh với lòng thương yêu và ngưỡng mộ


Dạy vệ sinh về nước
Gia đình chủ nhà
Xây tường
Cùng dân làng sửa giếng nước

1. Em

Em với tôi là con cô con bác. Em chào đời một năm trước ngày miền Nam thất thủ. Gia đình em ở Bình Tuy trong khi gia đình tôi ở Sàigòn nên thuở nhỏ ít được gặp nhau. Dù có gặp tôi cũng chẳng nhớ được một kỷ niệm thời thơ ấu nào với em. Hai năm sau ngày mất miền Nam, gia đình em vượt biển thành công. Mãi thêm 5 năm sau gia đình tôi mới đi lọt. Khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, em đã lên 9, còn tôi 11.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô bé với mái tóc ngang lưng và nụ cười thân thiện trong ngày đại gia đình đoàn tụ. Em có khuôn mặt tròn phúc hậu, hai má bầu bĩnh với lúm đồng tiền, cặp mắt sáng long lanh, dáng người thấp thấp mũm mĩm.  Cái gì ở em cũng có vẻ tròn trĩnh dễ thương. Tôi mến em ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Hai chị em lớn lên với nhau, tuy học khác trường nhưng cùng sinh hoạt trong các đoàn thể ở nhà thờ. Mọi người khen em hiền lành. Em hay âm thầm làm những chuyện nho nhỏ giúp đỡ người khác. Tôi chưa thấy em giận dữ bao giờ. Khi ai làm điều gì không phải với em, em chỉ chớp mắt buồn. Họa hoằn lắm em mới than vắn thở dài vài câu, rồi rất mau sau đó lại nở nụ cười tươi tắn trên môi. Tôi thương cái tính nhân hậu đó ở em.

Tuy hiền nhưng em rất thông minh và học giỏi. Em lại có ý chí kiên cường. Em vẽ cho mình một tương lai và cố gắng hết sức để đạt mục tiêu. Khi còn ở bậc Trung Học, em học ngoại ngữ Tây Ban Nha và ghi danh theo chương trình Students Exchange Program để sang sống với một gia đình địa phương tại Argentina một mùa hè. Khi trở về, em nói tiếng Tây Ban Nha sành sỏi và có thêm kinh nghiệm sống của một dân tộc khác làm hành trang cho cuộc đời.

2. Lý Tưởng Hòa Bình

Mùa hè năm 1996, em tốt nghiệp ngành Sinh Vật Học, Biological Sciences, ở Đại Học University of Davis. Lúc này tôi đang chuẩn bị “theo chồng bỏ cuộc chơi” và làm việc ở một thành phố khác nên chị em ít có dịp gặp nhau. Một hôm em đến thăm tôi và báo tin đã gia nhập chương trình thiện nguyện nổi tiếng Peace Corps. Em đang chuẩn bị lên đường đi huấn luyện và phục vụ ở một nước nghèo mà chương trình chỉ định.

Tôi hỏi động cơ nào thúc đẩy em hy sinh những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời cho một lý tưởng phải nói là hơi xa vời. Vào tuổi em bấy giờ, những thanh thiếu niên khác vội vã rời bỏ gia đình, lăn xả ra đời đòi “tự lập” và ăn chơi thoải mái để bù lại thời gian miệt mài với đèn sách. Những người lo xa hơn thì tranh thủ đi làm để trả nợ tiền học, kiếm tiền làm giàu, hoặc học cao lên để tương lai thêm xán lạn. Có mấy người như em tìm về những đất nước lạc hậu, bịnh hoạn, nghèo nàn để tự chuốc khổ cho mình"

Em tâm sự lúc còn rất nhỏ, sau mỗi buổi kinh tối của gia đình, cô tôi thường dạy mấy anh em của em cầu nguyện bằng cách lập lại những lời nguyện ngắn ngủi. Luôn luôn là cầu nguyện cho sức khỏe và sự an toàn của gia đình người thân. Sau đó là cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.

Trong thời gian các em đang lớn, cô chú tôi rất ít nói về cuộc chiến mà họ đã trải qua. Trái lại, cô chú kể nhiều về làm sao lòng bác ái của những người khác đã cứu giúp gia đình trong thời loạn lạc. Cô chú cũng kể về tình thương và lòng trắc ẩn của ông bà chúng tôi đối với những người nghèo và nhắc nhở các em nên nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.

Rồi đến những năm học Trung Học, em xem TV thấy Peace Corps kêu gọi mọi người đem tài năng và kinh nghiệm sống của mình ra chia sẻ với những quốc gia đang phát triển, đang cần sự giúp đỡ của thế giới. Những quảng cáo của Peace Corps làm em cảm động. Em nghĩ ngợi. Em đi thư viện mượn sách về đọc để hiểu thêm về chương trình. Em nghĩ ngợi nhiều hơn.

Tất cả những yếu tố trên, cộng thêm cái “ý nghĩ ngây thơ” là hòa bình là xác thực, và tất cả những hành động của con người đối với nhau, dù nhỏ bé hay lớn lao, cách này cách khác đều có thể góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn, là lý do em muốn gia nhập Peace Corps.

Lần đầu em gọi điện thoại xin gia nhập chương trình thì bị từ chối. Phải ít nhất 21 tuổi mới được nhận. Năm đó em mới 16. Em nung nấu ý định trong nhiều năm trời. Khi học xong Đại Học, em biết thời điểm đã chín mùi.

Lớn lên trong một gia đình truyền thống và bảo bọc, em ngạc nhiên là cô chú tôi đã không phản đối ngay lập tức ý định của em. Cả nhà đã từng mong ước là em sẽ tiếp tục học lên sau khi xong bậc Cử Nhân. Cô chú ngồi nghe em trình bày trong thinh lặng và chỉ nói là sẽ suy nghĩ lại. Có thể cô chú cảm được lòng chân thành của em, có thể cô chú tôn trọng lý do em muốn đi, nên sau vài ngày cân nhắc kỷ lưỡng, cô chú bằng lòng ủng hộ em.

Riêng tôi, tuy không ngạc nhiên lắm nhưng lòng thầm phục em. Từ nhỏ em đã là cô bé hay thương người. Nhưng có được tấm lòng bác ái đã khó, dám dấn thân phục vụ cho những lý tưởng cao cả lại càng khó hơn. Em qua Mỹ lúc vừa lên 4, đã quen ăn sung mặc sướng và sống với tất cả những tiện nghi của đất nước giàu mạnh nhất thế giới. Không biết em sẽ ra sao khi đến ở một nơi mà những cần thiết căn bản nhất của đời sống như điện và nước sạch không có"

Tuy hơi lo lắng nhưng tôi biết với tính tình đơn giản hòa đồng, lòng can đảm và khả năng thích ứng với hoàn cảnh, em sẽ trải qua được những cam go thử thách và trở thành một thành viên giá trị cho chương trình Peace Corps. Tôi tin em sẽ thành công trong sứ mạng đem hòa bình và tình bạn đến với những xứ sở nghèo trên thế giới.

3. Peace Corps

Năm 1960, Tổng thống John Kennedy, khi đó còn là Thượng Nghị Sĩ, đã thách thức sinh viên ở trường Đại Học Michigan hãy phục vụ tổ quốc qua động cơ hoà bình bằng cách sống và làm việc ở những đất nước đang phát triển. Từ cảm hứng đó, một cơ quan chính phủ liên bang được hình thành để vận động cho hòa bình và tình bạn trên thế giới.

Chương trình Peace Corps chính thức ra đời ngày 1 tháng 3 năm 1961. Từ đó đến nay đã có 190,000 thiện nguyện viên phục vụ ở 139 quốc gia trên thế giới.

Sau đây là một ít tài liệu cập nhật về chương trình.

Thiện Nguyện Viên:

" Tổng số hiện tại: 8079

" Giới Tính: 59% đàn bà, 41% đàn ông

" Gia cảnh: 93% độc thân, 7% có gia đình

" Thuộc sắc dân da màu: 17%

" Tuổi: 27 tuổi trung bình (average), 25 tuổi ở giữa (median)

" Trên 50 tuổi: 5%

" Học vấn: 95% phan trăm có ít nhất bằng 4 năm, 11% có bằng cao học hoặc hơn

Quốc gia/du+. án:

" Tổng cộng đang phục vụ: 68 trạm trên 74 quốc gia

Tình nguyện theo phạm vi làm việc:

" Học vấn: 36%

" Sức khỏe và HIV/AIDS: 21%

" Thương Mại: 15%

" Moi trường: 14%

" Giới Trẻ: 6%

" Nông nghiệp: 5%

" Những phạm vi khác: 4%

Ngân sách:

" Năm tài chính 2006: $318.8 triệu đô la

“Cho đi” và “nhận lại” là những phúc lợi mà những thiện nguyện viên được hưởng khi tham gia chương trình.

“Cơ hội để thay đổi cuộc sống của người khác” là lý do mà phần đông những người thiện nguyện dấn thân phục vụ. Họ còn có cơ hội để học hỏi một ngôn ngữ mới, sống trong một nền văn hóa khác, được đào tạo nghề nghiệp và khả năng lãnh đạo. Có rất nhiều thiện nguyện viên sau này trở thành những Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Giáo Sư, Giám Đốc công ty, Nhà Ngoại Giao, Ký Giả, Nhà Văn, Nhà Báo nổi tiếng.

Ngoài ra thiện nguyện viên cũng được hưởng những phúc lợi thực tế như sự trợ giúp cho những chương trình Học Vấn Cao Học, Tài Trợ Tài Chính và Bảo Hiểm Sức Khỏe sau khi hoàn tất thời gian phục vụ.

Thiện nguyện viên Peace Corps đến từ nhiều thành phần của xã hội, từ sinh viên đại học cho đến người đã về hưu. Họ phần đông còn rất trẻ, đã học xong ít nhất Cử Nhân và còn độc thân. Một số người đã có gia đình và cùng tham gia công tác với người phối ngẫu. Có những người học thức rất cao, có bằng Cao Học, Tiến Sĩ, hoặc Bác Sĩ. Cũng có những người lớn tuổi, đến khúc rẽ nào đó của cuộc đời hoặc sự nghiệp, quyết định đem kiến thức của mình ra chia sẻ với những người ở những đất nước đang phát triển, nơi mà tuổi tác và kinh nghiệm sống tinh tế rất được quí trọng. Đáng kể nhất là vị trưởng thượng năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn còn hăng say phục vụ cho chương trình.

Thiện nguyện viên Peace Corps cộng tác với cộng đồng địa phương để làm việc trong nhiều lãnh vực. Họ cố vấn cho các em vị thành niên. Họ vận động cho sự nhận thức về bịnh HIV/AIDS. Họ dạy Hóa Học, Toán, Anh Văn ở trường làng. Họ bắt đầu một trung tâm vi tính. Họ dạy nông dân cách gia tăng sản xuất. Họ giúp dân làng đào giếng nước. Họ dạy về sự nhận thức về môi trường và cách trồng cây. Họ đẩy mạnh tiến trình chăm sóc sức khỏe. Họ nâng cao sự nhận thức về vấn nạn suy dinh dưỡng và sự an toàn cần thiết của nước uống.

Những công việc mới chờ đón người thiện nguyện mỗi ngày. Không hai ngày nào giống nhau y đúc. Không kinh nghiệm của hai người nào y hệt như nhau. Họ uyển chuyển nhận công việc được giao phó. Họ tập trung vào những gì cần phải làm thay vì những gì họ muốn làm hay được huấn luyện để làm.

Trong tất cả mọi công việc và giao tế, thiện nguyện viên luôn “vận động cho tình bạn và hòa bình” với 3 mục tiêu đơn giản:

" Giúp đáp ứng nhu cầu của các nước có dân chúng đang cần được huấn luyện

" Giúp vận động sự hiểu biết, cảm thông về người Mỹ từ phía người được phục vụ

" Giúp vận động sự hiểu biết, cảm thông về người khác từ phía người Mỹ.

4. Khăn Gói Lên Đường

Vậy là con bé 22 tuổi, cao 5 feet, nặng trên dưới 100 lbs, từ giã cha mẹ anh em, rời bỏ “thiên đàng” Mỹ quốc để lên đường sang Chad, một trong những quốc gia “nghèo đói và thối nát nhất” ở Phi Châu.

Ngày em đi, cô chú tôi gạt nước mắt trông theo, vừa hãnh diện vừa lo lắng. Có lẽ sự ra đi của em đòi hỏi lòng can đảm từ cô chú nhiều hơn là từ chính em. Cha mẹ lúc nào cũng thương yêu con cái, không phải chỉ khi chúng còn bé dại mà suốt cả cuộc đời. Cha mẹ lo lắng cho con từ lúc con còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến ngày cha mẹ nhắm mắt từ giã cõi đời. Hai năm em đi phục vụ là hai năm em xa sự bảo bọc che chở của mẹ cha. Thân gái dậm trường, liệu em có tự lo cho mình được không" Cô chú như đôi chim già đứng trên miệng tổ, nhìn chim con tung cánh bay về khung trời mơ ước, nơi chắc chắn sẽ có nhiều bão tố phong ba.

Hành trang cô chú chuẩn bị cho em trước khi đi là ba ngày tĩnh tâm với Khóa Cursillo, để em thực sự hiểu được điều răn “Mến Chúa Yêu Người”, để em thực hành câu “một tay nắm Chúa, một tay nắm anh em”...

Còn em, em chuẩn bị gì cho chuyến đi xa này" Em không lo lắng về vấn đề sẽ phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn hơn. Em cũng không quan tâm về việc sẽ không được hưởng những tiện nghi thoải mái quen thuộc. Em chỉ nô nức về viễn ảnh thiết lập công việc và tình bạn nơi miền đất mới, được học hỏi ngôn ngữ và nền văn hóa khác.

Chỉ ít hôm trước khi rời Cali, khi bắt đầu gói ghém hành trang để lên đường, em mới thấy lòng khắc khoải. Lúc này em mới nghĩ đến ý nghĩa thật sự của sự ly biệt gia đình trong hai năm. Em biết em sẽ không dễ dàng có phương tiện liên lạc với gia đình bằng điện thoại. Liệu họ có sao không" Em hy vọng họ sẽ không quá lo lắng cho em. Hai năm sẽ trôi qua rất nhanh. Nhưng hai năm đó của cuộc đời họ em sẽ không được dự phần.

Ngoài một túi quần áo, một cuốn Kinh Thánh, vài cuốn truyện, ít băng nhạc, một cuốn sách về thiên văn, một khung hình gia đình, một máy ảnh, một cuốn nhật ký, hành trang quan trọng nhất em mang theo cho mình là trái tim nhân ái đầy nhiệt huyết: Tôi có thể làm sự khác biệt trong thế giới - I can make a difference in the world!

5. Vượt Qua Thử Thách

Nhóm thiện nguyện của em thoạt đầu gặp nhau ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn - Washington D.C., để được dự Orientation của Peace Corps và được chích ngừa phòng bịnh. Từ đó các em đưa đến Chad, nơi các em sẽ được huấn luyện và phục vụ.Chad, tên chính thức là Republic of Chad, là một nước nhỏ ở trung phần Phi Châu. Chad giáp ranh giới với Libya về hướng bắc, Sudan về hướng đông, Central African Repulic về hướng nam, Cameroon và Nigeria về hướng tây nam, và Niger về hướng tây. Vì nằm ở địa thế xa biển và có khí hậu miền sa mạc, Chad được mệnh danh là “Trái Tim Chết của Phi Châu” - Dead Heart of Africa.

Nhóm của em 27 người được đưa đến gần thủ đô N'Djamena để được huấn luyện ba tháng trước khi bắt đầu hai năm làm việc. Phần đông các em mới hơn 20 tuổi và vừa tốt nghiệp Đại Học. Một số ít ở lứa tuổi 30 và đã có sự nghiệp. Các em được chia ra thành ba nhóm. Em được chỉ định vào nhóm “Cải Thiện Vệ Sinh Nước và Sức Khỏe Công Cộng” - Water Sanitation and Public Health.

Cả nhóm được huấn luyện chung với nhau. Trong thời gian này, các em được chia ra ở với các gia đình địa phương trong một cộng đồng ở ngoại ô vùng Wallia để tiện việc hòa mình vào văn hóa Chad. Sáu ngày một tuần, buổi sáng các em đi bộ đến trung tâm huấn luyện và ở lại đó đến khoảng 5 giờ chiều. Ở đây các em học tiếng Arabic hoặc Pháp và một thổ ngữ, tùy thuộc vào vùng các em sẽ về phục vụ sau cùng. Ngoài ra, các em còn được huấn luyện về kỹ thuật chuyên môn, văn hóa địa phương và cách thức để giữ mình khỏe mạnh.

Em học tiếng Pháp và thổ ngữ Ngama; cách pha xi măng và lót gạch để sửa giếng nước; học về những bịnh tật phát sinh từ nước; cách làm lò bằng gạch bùn; sự quan trọng của nước đun sôi và nước lọc; cách cư xử và ăn mặc mà văn hóa Chad chấp nhận (thí dụ như phụ nữ nên mặc xà-rông dài đến mắt cá chân).

Được huấn luyện ở thủ đô có cái lợi mà cũng có cái hại. Các em được ở gần Sứ Quán Mỹ, thỉnh thoảng được tắm hồ bơi, ăn đồ Tây và dùng điện thoại gọi về cho gia đình. Thủ đô cũng có những đền thờ Hồi Giáo và vài ngôi chợ ngoài trời thật lớn. Các em có cơ hội tìm hiểu về tôn giáo rất đặc thù này và học thêm “nghệ thuật trả giá”. Cái hại của sự ở gần thủ đô là các em bị chào đón gay gắt hơn bởi những bất an thường có ở những quốc gia đang phát triển, như tình trạng mất vệ sinh và thiếu an ninh trong thành phố.

Khi bắt đầu cuộc hành trình, có tất cả 27 thiện nguyện viên. Lúc hoàn tất chỉ còn lại 18. Phần đông số người bỏ cuộc về lại Mỹ trong vòng vài tuần lễ đầu tiên. Ngoài sự khắc khổ của thể xác, tinh thần của các em cũng rất lung lay vì nhớ nhà. Mỗi lần có người bỏ về là cả nhóm xuống tinh thần. Riêng em, mặc dù không bao giờ thật sự có ý định bỏ cuộc, khi người khác bỏ về em cũng thấy lòng xao xuyến, nhất là khi người đó là một người em quen thân hay quí mến.

Nỗi nhớ gia đình là thử thách lớn nhất đối với em trong thời gian phục vụ. Cái cảm giác bất lực em thỉnh thoảng có, khi nghĩ về gia đình, khi muốn nói chuyện với gia đình, để biết mọi người đang bình an khỏe mạnh, mà không thể làm được, làm cuộc hành trình 2 năm của em như dài vô tận.

Thỉnh thoảng khi quá nhớ nhà, các em rủ nhau ra khu huấn luyện để viết thư về cho gia đình. Các em uống soda và tâm sự, an ủi nhau bằng tiếng Anh để nhớ về quê nhà Mỹ quốc.

Em bắt đầu xem Chad là “nhà” một buổi chiều khi từ trung tâm huấn luyện ra về. Khi em và những thiện nguyện viên Peace Corps vừa hiện ra trên con đường đất dẫn về làng thì em nhìn thấy hai người con của chủ nhà nơi em tạm cư đang đi về hướng em.

Elias, 9 tuổi, lấy bình nước lọc 1.5 lít từ vai em xuống và cầm giùm. Sabine, 7 tuổi, lẳng lặng đặc bàn tay bé nhỏ vào bàn tay em. Cảm giác gần gũi thân thương dâng lên trong lòng em. Ba chị em cùng nhau đi về “nhà”.

6. Khắc Phục Khó Khăn

Sau khi hoàn tất 3 tháng huấn luyện, các em được gởi đến làm việc ở miền trung hay nam nước Chad (miền bắc là sa mạc không thể ở được.) Các em được chỉ định từng đôi đến phục vụ ở các ngôi làng hay thị xã nhỏ.

Em và một thiện nguyện viên bạn được gởi đến Maro, một ngôi làng có khoảng 3000 người, ở miền nam nước Chad.

Maro là nơi có những đồng bằng cỏ cháy điểm với cây cối và bụi rậm. Từ con đường đất dẫn đến ngôi làng, người ta có thể thấy những cây xoài, những túp lều xây bằng gạch bùn với mái ngói làm bằng lá, và những cánh đồng kê (millet) và bông gòn. Phần đông dân làng làm nghề nông. Họ trồng lúa miến, củ sắn, đậu phọng và bắp để gia đình dùng quanh năm. Một số trồng cây bông gòn để bán. Thu nhập trung bình cho một gia đình vào thời điểm này từ $200-300 một năm. Một số ít chăn cừu và nuôi gia súc trên cánh đồng cỏ gần bên.

Một gia đình bản xứ làm “chủ nhà” (host) trong thời gian em phục vụ tại đây. Họ cho em ở trong một ngôi chòi của họ không tính tiền. Vì Peace Corps có những qui định tốn thiểu cho thiện nguyện viên nên chòi của em ở không phải thuộc loại mái lá như bình thường mà là làm bằng tôn. Tường cũng được quét một lớp vôi mỏng để phòng ngừa mọt mối. Peace Corps cũng bắt buộc em có một “phòng tắm” (latrine) riêng, với “lỗ xí” nằm bằng mặt đất bằng xi măng. Phòng tắm không có mái ngói và vách được lót bằng gạch bùn cao 5 feet, xây theo hình tròn chừa lối ra vào. Khi tắm hay dùng nhà cầu, em phải lấy chiếu che lối ra vào. Sau này em xây thêm bức tường bằng gạch gần cửa ra vào để có chút riêng tư.

“Nhà” của em, chiều dài 14 feet, chiều ngang 9 feet, được chia làm hai gian. Gian trong dùng làm phòng ngủ với một cái giường, một cái bàn và một kệ sách. Gian ngoài mà em dùng làm phòng khách, phòng ăn và bếp, vừa đủ chỗ để kê một cái bàn nhỏ dùng để chuẩn bị đồ ăn, một ghế dài, hai ghế nhỏ, và một thùng thiếc vừa dùng để đựng đồ ăn vừa dùng làm bàn coffee table. Ngoài trừ cái thùng bằng thiếc mà Peace Corps cho, những vật dụng kể trên em tự mua gỗ về đóng lấy. Peace Corps cho em thêm cái mùng chống muỗi. Làng Maro không có điện nên dĩ nhiên nhà em ở không có tủ lạnh, điện thoại hay bất cứ vật dụng điện tử nào khác. Em tập quen với đời sống giản dị. Căn nhà tuy nhỏ và hơi bụi bậm nhưng em vẫn thấy ấm cúng và thoải mái.

Như khi xin đi nước Phi Châu thì được chỉ định về Chad, em được huấn luyện để dạy về “Sức Khỏe Công Cộng và Cải Thiện Vệ Sinh Nước”, nhưng khi về đến Maro thì Peace Corps giao phó cho thêm môn Anh Văn. Chad cần thiện nguyện viên. Trường làng cần thầy giáo. Em chấp nhận sứ mạng được giao phó.

Em dạy ba lớp Anh Văn, mỗi lớp từ 50 đến 70 học sinh. Trường lớp chật hẹp, học sinh ngồi san sát, cùi chỏ đụng cùi chỏ, trên những chiếc ghế dài làm bằng gỗ. Học trò của em phần đông từ 15 đến 18 tuổi. Lớp căn bản có các em cỡ 12, 13. Lớp cao cấp có những người ngoài 20, đã có gia đình và con cái.

Dạy học ở trường làng tạo cho em cơ hội tiếp xúc với dân làng nhiều hơn và giúp cho em khắc phục bản tính hay mắc cỡ rụt rè. Em dạy họ tiếng Anh. Họ giúp em trau dồi tiếng Pháp (Chad bị “Pháp thuộc” nhiều chục năm nên người bản xứ biết nói tiếng Pháp.) Không kể thổ ngữ bản xứ Ngama, Pháp là ngôn ngữ thứ tư, sau Việt, Anh, Tây Ban Nha, mà em dồn vào cái đầu ngày một nhiều kiến thức của mình.

7. Một Ngày Không Như Mọi Ngày

Ngày của em thường bắt đầu lúc mặt trời mọc hay vào khoảng 5:30 sáng. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, em dùng điểm tâm bằng một ly sữa nóng được pha bằng bột và đường. Em coi lại bài giảng của ngày và đi bộ đến trường bằng con đường đất chính chạy quanh ngôi làng. Trên đường đi em thường gặp học sinh và thầy trò vừa đi vừa nói chuyện.

Mỗi thứ ba sau giờ dạy học, em đến một clinic nhỏ để giúp ghi danh chích ngừa cho dân làng. Em ngồi nơi bàn gỗ nhỏ dưới tàng cây và chào đón những người đàn bà với những đứa con đang bồng trên tay hay đèo trên lưng. Em ghi ngày họ được chủng ngừa, và nhắc họ trở lại lần hẹn kế.

Xế trưa, khi công việc đã hoàn tất, em đi bộ ra ngôi chợ làng. Đây giống một kiểu chợ “chồm hổm” của Việt Nam. Những người đàn bà con gái ngồi bệt dưới đất cạnh những món đồ ít ỏi mà họ muốn bán: vài nắm tay cá khô còn da và xương, ít viên bơ đậu phụng to bằng quả walnut, nửa quả bí, một vài bó rau lang. Thỉnh thoảng có người bán một hoặc hai quả trứng. Có cái sạp vách thiếc dùng để bán đường thẻ, trà, và xà phòng đem về từ thành phố. Có hàng thịt với lèo tèo vài miếng thịt cừu và thịt bò.

Vào mùa mưa, khi rau quả trái cây dồi dào, em mua về vài trái xoài, dăm quả ổi, và vài củ tỏi, củ hành. Dường như không bao giờ em tìm thấy cà chua, rau xà lách hay những loại rau quả trái cây khác ở đây. Không có rau quả thì em tìm mua một miếng thịt cừu hay thịt bò. Nhiều hôm ra chợ quá trễ, hàng thịt chẳng còn gì ngoài lưỡi và đồ lòng, những thứ mà em không biết dùng.

Hôm nào không mua được gì thì em về ăn tạm đồ hộp hoặc đồ khô mà cô chú tôi gởi “tiếp tế” từ Mỹ quốc. Có hôm không cần phải mua gì nhưng em cũng ra chợ để được nghe và hòa mình vào nhịp sống của dân làng.

Một tháng một lần em đón “xe đò” (bush taxi) đến một thành phố cách làng 100 cây số, nơi có nuôi nhiều chuồng thú vật, để mua thêm thức ăn. Chuyến xe đi ngang qua Maro vài ngày một tuần và không có thời khóa biểu nhất định. Chiếc xe to cỡ bằng xe truck với phía sau trống để chở đồ đạc và lúa gạo. Tài xế lấy thêm tất cả những khách mà xe có thể chứa được. Hành khách thường ngồi chồng chất lên đồ, ngồi trên mui hoặc đứng phía sau xe. Có một hôm em đếm được 30 người. Hôm đó em phải đứng bằng một chân suốt đoạn đường dài 3 tiếng đồng hồ vì quá chật. Vào mùa mưa, con đường đất trở nên trơn trượt và khó di chuyển. Có một lần chuyến đường dài 100 cây số từ thành phố về làng Mara tốn 30 tiếng đồng hồ!

Buổi chiều, khi mọi người đã trở về nhà từ những cánh đồng, em đi thăm và nói chuyện với họ về cải thiện vệ sinh cho nước, những bịnh tật phát sinh từ nước và bịnh AIDS/HIV. Trong thời gian em phục vụ, có một cuộc dịch tả giết chết mấy người trong làng. Em nói cho họ hiểu sự quan trọng của rửa tay và dùng nuớc sạch.

Maro có rất ít sông rạch hay hồ nước. Vì khí hậu miền sa mạc, vào mùa nóng những sông rạch cũng bị khô cạn. Phần đông dân làng dùng nước giếng. Làng có vài giếng nước truyền thống (traditional wells) mà dân làng phải thả thùng xuống để kéo nước lên, và hai máy bơm nước (water pumps) có tay cầm để bơm nước ra. Em ở cách máy bơm nước mấy chục yards. Nhiều hôm nước chảy ra đỏ lòm đất sét. Em phải dùng bình lọc nước của Peace Corps đưa, lọc nước lại rồi đun sôi trước khi dùng. Việc kiếm củi để nấu nước cũng tốn nhiều thì giờ và sức lực nên em dạy dân làng thêm cách cải thiện nước bằng thuốc tẩy bleach.

Một vài ngày trong tuần, với bình nước lọc trên vai, em đạp xe đến một ngôi làng khác, cách Maro 15 cây số, để giúp làm công việc cải thiện vệ sinh nước tại đây. Khi hoàn tất công việc, em lại ọc ạch đạp 15 cây số trên con đường đất đỏ trở về làng. Chặng đường dài 45 phút nóng nực bụi bậm. Chai nước lọc mang theo lúc này đã không còn giọt nào. Quần áo em ướt đẫm mồ hôi. Mặt mũi em dính đầy bụi cát. Khi về đến nhà, không gì thoả mãn và sung sướng hơn là được uống một ly nước thật to và tắm với một xô nước thật đầy.

Chiều tối là lúc tuyệt vời nhất ở trong làng. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, đây là lúc dân làng đi thăm bạn bè và láng giềng. Vì thời tiết nóng nực nên mọi người thường ở bên ngoài. Con nít thì tụ tập ở những túp lều để nghe người lớn kể chuyện. Học sinh lớn hơn thì rủ nhau diễn hành dưới trăng, vừa đi vừa hát vừa đánh trống.

Những buổi tối, em hay cùng những người bạn ra ngoài đường mua cháo ăn. Nếu không thì em ngồi ở cái chiếu trước hiên nhà để viết thư, soạn bài giảng cho ngày hôm sau, hay đọc sách dưới ánh đèn cầy hoặc đèn dầu. Bu quanh em thường là những bạn hàng xóm tí hon. Đám trẻ ngồi xem hình trong những cuốn báo TIMES magazine của em, nói chuyện với nhau hay lăn quay ra chiếu ngủ.

8. Rút Lui Bất Chợt

Khi đã phục vụ ở Chad được 19 hay 20 tháng, em bất ngờ nhận được “lệnh” đình chỉ công việc từ Peace Corps.

Như nhiều nước Châu Phi khác, Chad bị “Pháp thuộc” từ năm 1920. Năm 1960, Chad dành lại độc lập dưới sự lãnh đạo của Francois Tombalbaye. Nhưng chính sách của ông ta tạo nhiều phẫn uất ở miền bắc Muslim và cuộc nội chiến dai dẳng bùng nổ vào năm 1965. Đến năm 1979, phiến quân chiếm thủ đô và kết thúc quyền lãnh đạo của miền nam. Sau đó các tướng lãnh quay sang tranh quyền với nhau cho đến khi Hissene Habre đánh bại tất cả những đối thủ. Năm 1990, ông ta lại bị lật đổ bởi chính vị tướng của mình là Idriss Deby. Deby trở thành tổng thống với nhiều quyền hành trong tay, tuy vẫn còn nhiều phe đảng đối lập trong nước. Chính trường căng thẳng cộng thêm nền kinh tế èo uột làm nguy cơ xẩy ra bạo động có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Khi trận đánh giữa những phe đảng chính trị xẩy ra vào tháng 4 năm 1998, Peace Corps lo ngại cho sự an nguy của đoàn thiện nguyện nên quyết định gián đoạn chương trình phục vụ. Các em được cho hai tuần để hoàn tất những công việc dở dang và sắp xếp hành trang. Các em cũng được dặn phải tuyệt đối giữ kín chuyện sắp sửa ra về.

Mặc dù tin tức về cuộc rút lui của Peace Corps đến bất chợt nhưng em không ngạc nhiên vì đã được nghe về những chuyện bạo động ngày một gia tăng ở Chad. Em chỉ buồn vì phải rời xa ngôi làng Maro lúc này. Qua năm phục vụ thứ hai, em đã cảm thấy quen thuộc với công việc làm và đời sống. Em đã biết nấu những món ăn Chadian. Em đã bắt đầu chơi bóng chuyền mỗi tuần với dân làng. Em đã sửa chữa lại “căn nhà” sau mùa mưa trước. Em đang thích thú dạy học. Em đang chuẩn bị dự án sửa lại giếng nước cho làng Maro và những làng bên cạnh.

Mặc cho lời khuyến cáo của Peace Corps, em tiếp tục tiến hành công việc sửa giếng nước. Em đã bàn bạc dự án này với dân làng từ nhiều tuần trước và muốn giữ lời hứa với họ. Em ra thành phố mua xi măng, thanh kim loại và dụng cụ làm giếng và cho chuyển về làng. Phần dân làng, họ chịu trách nhiệm làm gạch, tìm sỏi và cát, và nhân công.

Tuần cuối cùng ở Chad, em cảm động nhìn tinh thần cộng đồng của dân làng qua việc làm giếng nước. Em kêu gọi 10 người đến giúp thì gần 100 người, đầy đủ già trẻ lớn bé, có mặt. Các em nhỏ đội những cục gạch trên đầu đem đến khu làm việc. Những người phụ nữ xúc cát ở bờ sông đem lên. Những người đàn ông và học sinh thì đào đất. Ngay cả vị trưởng làng lớn tuổi cũng đi ra phụ. Tất cả mọi người cùng tự hào góp phần vào công việc chung.

Khi ngày chia tay đến, em quyến luyến từ giã gia đình chủ nhà và những người bạn trong làng Maro để theo đoàn Peace Corps trở về Mỹ.

9. Nối Lại Giấc Mơ Xưa

Gặp lại nhau sau gần 2 năm, tôi tìm những thay đổi nơi em. Vẫn với lối phục sức đơn giản nhưng trông em ốm hơn xưa, dĩ nhiên, vì cuộc sống khắc khổ. Mái tóc ngang lưng đã được cắt ngắn để dễ dàng chăm sóc. Khuôn mặt tròn bầu bĩnh nay thon gọn và rám nắng khỏe mạnh. Nụ cười với lúm đồng tiền vẫn tươi như ngày nào. Cặp mắt vẫn long lanh, nhưng nay pha thêm sự khôn ngoan hiểu biết mà tôi nghĩ chỉ những người đã trải qua những kinh nghiệm như em mới có.

Ông anh tôi ngắm em rồi nói, “Linh đẹp hơn xưa”. Em đỏ mặt trả lời, “Em là bông hoa nở muộn.” Tôi cười và đồng ý với lời nhận xét của ông anh, nhưng trong lòng tôi nghĩ đến nét đẹp của tâm hồn em nhiều hơn.

Hai năm ở Chad dạy cho em quí trọng môi sinh và ý thức hơn về cách sửa dụng nước và những tài nguyên thiên nhiên, vì trái đất là căn nhà mà tất cả mọi người cùng chia sẻ. Kinh nghiệm đã từng sống và làm việc với những người xa lạ ở miền Phi Châu xa xôi làm cho em dạn dĩ mỉm cười với tất cả mọi người em gặp trên đường phố tại Mỹ. Đối với em, mỗi người đều có một câu chuyện lý thú riêng nhưng tất cả cũng không khác biệt nhau bao nhiêu. Quan trọng nhất là đời sống ở Phi Châu làm cho em hiểu hơn về đời sống ở Việt Nam, nơi mà mưu sinh đã và đang còn rất khó khăn cho rất nhiều người.

Em quí “cái tình” mà người dân Chad dành cho nhau và cho em. Dù cuộc sống khó khăn vất vả, họ đã đối xử rất tốt với em và xem em như một thành phần của cộng đồng và gia đình họ. Những hành động tốt của họ làm cho em tin tưởng hơn rằng chúng ta đều có thể tích cực ảnh hưởng nhau bằng những hành động nhỏ hằng ngày. Sự gian khổ và sức chịu đựng của họ nhắc nhở cho em những khó chịu nhỏ mà em gặp phải hằng ngày chẳng nghĩa lý gì.

Trở lại với đời sống bình thường, em đi xin việc làm. Với học vấn và quá trình làm việc với Peace Corps, em kiếm được việc làm dễ dàng. Đi làm được mấy năm, em nghĩ đến ước muốn học lên cao của ngày xưa. Với sự khuyến khích của gia đình bạn bè, em quyết định trở lại ghế nhà trường.

Lần thứ 3 trong cuộc đời em từ giã gia đình đi xa. Lần này em qua thành phố Madison, tiểu bang Wisconsin, để theo chương trình Tiến Sĩ Sinh Vật Học ở Đại Học University of Wisconsin. Cuộc chia tay lần này tuy cũng bịn rịn nhưng ít nước mắt hơn. Dù sao em cũng có thể về thăm nhà vào những dịp hè hoặc lễ lạc. Gia đình cũng có thể sang thăm em. Quan trọng nhất là nơi em ở an toàn, có những tiện nghi và quyền làm người căn bản!

10. Hy Vọng Ở Ngày Mai

Một số người Việt Nam lớn tuổi tôi quen biết thường hay than vắn, thở dài mỗi lần nói đến tình người trên đất Mỹ. Họ nói xứ Mỹ lạnh lùng nên người Việt sống ở Mỹ cũng gỗ đá. Giới trẻ lớn lên ở Mỹ tài giỏi nhưng vì cuộc sống quá sung sướng nên chỉ biết nghĩ đến mình. Giới trẻ ở Mỹ không kính cha, không có hiếu với mẹ, nên chẳng mong gì chúng tốt với người dưng. Giới trẻ ở Mỹ không có lòng thương người.

Tôi nghĩ ngợi nhiều về những lời bình phẩm này. Mặc dù không mấy đồng ý, tôi cũng phải công nhận xã hội ngày nay với những văn minh hiện đại, con người, nhất là giới trẻ, có vẻ tất bật với đời sống, hơi thiên về vật chất và lơ là với nhau. Lắm khi phải va chạm với những ganh đua bon chen của cuộc đời, tôi cũng nản lòng về tình người bạc bẽo. Thỉnh thoảng bắt gặp chuyện đau lòng về những trường hợp thanh thiếu niên phạm pháp hay hư hỏng, tôi cũng không khỏi bùi ngùi và e ngại cho thế hệ mai sau.

Những lúc đó tôi phải tự nhắc với lòng rằng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Còn có rất nhiều người trẻ biết nghĩ đến tha nhân, dám làm những chuyện phi thường để giúp đỡ những người khác.

Tôi nghĩ đến chương trình Peace Corps và 190 ngàn thiện nguyện viên đã phục vụ ở 139 quốc gia trên thế giới trong gần nửa thế kỷ qua.

Tôi nghĩ đến hơn 8 ngàn thiện nguyện viên mà đại đa số là người trẻ, hiện đang có mặt ở 74 quốc gia khắp 5 châu.

Tôi nghĩ đến 17% thiện nguyện viên thuộc sắc dân da màu mà trong đó có người Việt Nam.

Tôi nghĩ đến em, cô bé 22 tuổi ra đi với mộng ước thay đổi thế giới. Tôi nghĩ đến em, cô gái 24 tuổi trở về với tấm lòng vị tha hơn lúc ra đi. Tôi nghĩ đến em, người đàn bà 26 tuổi trở lại trường để hoàn tất chương trình học vấn bị gián đoạn bởi lời mời gọi của “sứ mạng hòa bình”. Tôi nghĩ đến em, vị tiến sĩ 33 tuổi đang miệt mài tìm căn nguyên của bịnh suyễn trong phòng thí nghiệm của nhà thương nổi tiếng Stanford.

Tôi ngưỡng mộ em, người đàn bà Việt Nam trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi và có lòng.

Tôi ngưỡng mộ chương trình Peace Corps đã tạo cơ hội cho những người như em “cho đi” kiến thức và hai năm của cuộc đời, để “nhận lại” tình bạn và “cái nhìn khác” về cuộc đời, về những nước nghèo, về dân nghèo, để làm hành trang cho suốt cuộc đời còn lại.

Tôi ngưỡng mộ những cánh tay đang dang ra, những bước chân đang đi tới, những tấm lòng mở rộng của những người thiện nguyện. Họ đang vượt qua biên giới màu da, sắc tộc, tuổi tác, tôn giáo, quốc gia... để đưa con người xích lại gần nhau hơn.

Tôi tin những việc mà Peace Corps đang làm sẽ giúp đem hòa bình cho thế giới. Hay ít ra, nó sẽ đem tình bạn chân thật đến giữa những người phục vụ và những người được phục vụ, để chứng minh rằng nước Mỹ không lạnh lùng, người Mỹ không dửng dưng trước những khổ đau trên thế giới, và giới trẻ Mỹ gốc Việt không quên góp phần vào những công việc từ thiện mà quê hương thứ hai của họ khởi xướng và mời gọi.

Cám ơn em. Cám ơn Peace Corps. Cám ơn những sứ giả hòa bình của thời đại.

Nguyễn Trần Phương Dung

Ghi Chú:

1. Tài liệu về chương trình Peace Corps được trích dịch từ: http://www.peacecorps.gov/.

2. Tài liệu về nước Chad được trích dịch từ: http://en.wikipedia.org/wiki/Chad

3. Những chi tiết về cuộc hành trình được trích dịch từ những lá thư viết từ Phi Châu, những lời tâm sự và những câu trả lời phỏng vấn giữa nhân vật “em” với tác giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,736,146
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến