Hôm nay,  

Cảm Ơn Chúa

20/12/200700:00:00(Xem: 198784)

Người viết: Lê Viết Quang

Bài số 2179-1971-746vb2171207

*

Tác giả Lê Viết Quang là cư dân thành phố Papillion, NE.  Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông năm 2006, là “Hai Chị Em”, một truyện ngắn về lớp tuổi bé thơ trong cảnh gia đình tan vỡ. Sau đây là bài viết mới của ông trong năm 2007. Mong Lê Viết Quang tiếp tục viết.

*

Nàng chặt thịt gà sắp vô đĩa, nhặt miếng rớt xuống mặt bàn ngốn vội, rồi vừa nhai vừa gọi to lên phòng khách:

-Anh à, ba thằng Don đâu rồi"

Có tiếng trả lời yếu ớt vọng ra sau cánh cửa căn phòng đối ngang qua phòng ngủ:

-Cái gì đó" Anh đây.

-Anh đã gọi nhắc ông mục sư chưa" Nói ổng đến liền.

-Rồi.

-Hai vợ chồng Công, vợ chồng anh Toán" Và… mấy người mà mình đã tính mời"

Nàng nuốt nhanh miếng thịt gà béo trong cổ họng, vặn vòi nước rửa tay, hỏi lớn. Tiếng nàng nghe rõ hơn.

-Có kêu ông bà mục sư dẫn mấy đứa nhỏ đến luôn không"

-Có, xong hết rồi. Em làm gì mà hỏi nhiều dữ vậy"

-Anh với thằng Don khiêng mấy cái ghế ngoài ga-ra vô luôn đi. Nối thêm cái bàn vô tới phòng khách ngồi cho thoải mái.

-Ừ, để đó anh lo.

Nàng nhanh nhảu bước đi vội trong cái dáng béo tròn, nhặt mấy cái đĩa game của thằng con vứt đầy trên ghế sa-lông ở phòng khách ném vào góc tủ, vớ cái chổi mềm quét bụi trên cái ti-vi mặt phẳng to kềnh treo trên tường, dàn máy ca nhạc đặt giữa hai cái loa đen trên cái tủ bóng lộn, rồi đến cái tủ kính chưng đấy bát, đĩa, ly, tách đặt sát bên bàn ăn. Nàng vừa dọn vừa lí nhí hát nho nhỏ một điệu nhạc. Rồi bỗng dưng nàng ngừng hát, cất tiếng gọi to, hai cái gân bên cổ nàng hiện lên rõ rệt:

-Thằng Don đâu! Đem cái máy lên hút bụi cho mẹ.

Có tiếng đáp lại vọng lên từ dưới basement. Nàng lại nổi gân cổ nói to hơn:

-Con lại lên chơi “còm-piu-tơ” nữa rồi phải không" Lên đây ngay, hút bụi cái nhà cho mẹ.

Ông chồng nghe nàng lớn tiếng cũng hùa theo:

-Thằng Don có nghe mẹ mày nói không" Lên làm đi, lì lợm tao đem cái máy vứt ra thùng rác bây giờ!

-Dạ.

Có tiếng bước chân chạy thình thịch lên mấy bực thang, rồi tiếng máy hút bụi bật lên chạy đều đều như tiếng máy xay lúa ở một góc chợ quê.

Tiếng điện thoại reo. Ông chồng mở hé cửa gọi:

-Điện thoại của chị Hồng đó em. Dạ, dạ… Chị chờ chút, vợ em đang ở ngoài bếp.

Gã lấy tay che lên cái lỗ nhỏ của cái điện thoại, mở rộng cánh cửa gọi to hơn. Thằng Don đang hút bụi nghe có tiếng nói lớn không rõ là chuyện chi, nó gí ngón chân lên cái nút tắt máy, nghiêng tai nghe.

-Em, có điện thoại của chị Hồng. Bắt máy đi.

Gã chờ nghe cái tiếng “cạch” của đường dây và tiếng vợ gã thì gã mới gát máy.

“À, thì ra dì Hồng ở South Dakota gọi.” Thằng Don đưa ngón chân cái nhấn lên cái nút, và tiếng máy hút bụi lại đều đều len ra từ trong căn nhà hòa với tiếng xe hơi lướt qua ngoài đầu ngõ.

-Chị Hồng hả" Lâu quá hỏng thấy chị gọi, tụi em cũng bận quá nên… Dạ, cũng khỏe… Chị… Hả" Chị nói sao" Cái vụ sang tiệm “neo” hả"

Nàng vặn cái nút lò bếp sang bên trái, nồi nước đang sôi sùng sục như nước chảy cuồn cuộn trên con sông mùa lũ bỗng dịu lại, lớp bong bóng vỡ ra, để lại một vệt tròn trắng dính xung quanh miệng nồi. Nàng mở cửa căn phòng cạnh bếp bước vô để tránh tiếng ồn của máy hút bụi.

-Dạ, tụi em bên này mới bán tiệm “neo” rồi… Dạ, mấy năm đầu mình cứ khai lỗ, mình đừng nhận check, chỉ lấy cash thôi… Bảo hiểm sức khỏe" Thì cứ để cho chồng đi làm hãng để có bảo hiểm… Nói chị nghe, vài năm thôi là mình “pê-óp” nhà liền… Chị nói sao" Nhà tụi em bên này “pê-óp” rồi… Dạ tụi em biết chứ… Đâu có ngu gì chị. Nói chị nghe, mình không nên đứng tên trong trương mục với số tiền mặt nhiều như vậy. Nhờ người khác đứng tên. Em gửi ông anh ở Cali đứng tên dùm, chẳng ai thắc mắc gì. Tụi “ai-a-ét” có đem kính hiển vi ra rọi cũng bó tay! Em biết chứ. Cho nên sang tiệm lại cho người khác cho rồi… Hả" Ừ, đúng rồi, bây giờ tụi em đi làm hãng tà tà vậy thôi. Tính đổi nhà khác đó chị… Đang kiếm, dạ, khoảng chừng 200 ngàn trở lên… Dạ… Ồ, Việt Nam hả" Tụi em mới đi về nè… Dạ, đi bốn tuần… Chỗ tụi em làm cũng thoải mái, nhàn lắm chị à… Mình chỉ sắp mấy cái bao thơ bỏ vô máy cho nó chạy thôi… Làm nhiều thì được hưởng thêm…. Tiền “bô-nớt” nhiều khi gần bằng tiền lương “bê-sịt” của mình nữa đó chị!... Đâu cần học hành gì cũng làm lương bằng mấy người có bằng đại học! Bên này có mấy người bạn anh Hà học đại học xong, ra làm lương thua tụi em xa! Chị nói sao" Mình đâu có dại gì, nhà em hai chiếc xe mới tinh mua trả tiền mặt, nhưng để cho thằng em đứng tên. Dạ, nó làm sếp trong hãng bảo hiểm… Dạ, gần mười năm rồi. Nó có bằng “mát-tờ” đó… Cho nên nó có tiền nhiều trong nhà băng cũng là “lí-gồ” thôi. Thời buổi này mình phải biết tính chứ chị! Dạ, thì đó! Cho nên mình phải khôn mới được…. Chị có biết là thằng con em nó đi học trường “pấp-lịch” được ăn “lân” free vì gia đình tụi em thuộc diện “lô-in-cơm” suốt mấy năm tụi em làm “neo” đó! Còn nữa, cuối năm khai thuế còn được tiền của liên bang và tiểu bang nữa. Cũng được cả mấy ngàn đồng một năm! Dâng vô nhà thờ mấy trăm, còn lại để dành mua vé máy bay về Việt Nam chơi… Dạ, cũng lạnh…. Tiểu bang bên chị lạnh hơn bên tụi em và cũng ít người Việt nên làm “neo” được lắm đó. Phải lúc trước chị nói sớm, tụi em sang tiệm lại cho chị, “mu” xuống đây ở với tụi em cho rồi…

Có tiếng chuông cửa. Thằng Don vừa gọi mẹ nó vừa mở cửa:

-Ông mục sư tới rồi mẹ.

Nàng vừa mở cửa phòng bước ra vừa cầm điện thoại:

-Thôi, để tối nay em gọi cho chị. Bây giờ có khách… Dạ, có mời ông bà mục sư va mấy người ở nhà thờ tới ăn sinh nhựt của thằng Don. Dạ, 13 tuổi rồi đó chị. Giỏi lắm, mấy thằng Mỹ học hỏng lại nó đâu. Nhứt là máy “còm-piu-tơ” thì nó rành lắm. Ok, để chút tối em gọi cho chị nha.

Nàng ngoe nguẩy bước nhanh ra phòng khách, úp cái điện thoại xuống bàn, nhe răng cười tươi rói:

-Chào ông bà mục sư!

-Chào chị Tiên.

Bà vợ ông mục sư nở nụ cười rất tươi.

Nàng vừa lay hoay đưa tay đón mấy cái áo ấm của ông bà mục sư vừa cởi ra, vừa quay sang nói giọng nhỏ nhẹ với mấy đứa con ông mục sư:

-Mấy đứa để áo ấm đó cô cất cho. Lại chơi “gêm” với Don đi.

Mấy đứa con ông mục sư vứt vội mấy cái áo ấm xuống nền thảm chạy ào lên phòng khách. Bà vợ ông mục sư vội lên tiếng:

-Sao tụi con lại ẩu vậy" Cất áo lên đàng hoàng chứ!

-Hỏng sao đâu bà mục sư. Tụi nó con nít mà. Để đó em cất cho. Ông bà mục sư lại ghế ngồi chơi. Chắc mấy người kia cũng sắp tới rồi.

Quay mặt vào trong nàng lớn tiếng gọi:

-Anh à, ông bà mục sư tới rồi! Em nghĩ chắc anh phải gọi mấy người kia coi họ đi chưa.

Tiếng ông chồng vọng ra từ bên trong, gắt:

-Chắc họ cũng đang trên đường tới đó!

Gã vừa trả lời vợ vừa đi ra phòng khách. Nhìn thấy ông bà mục sư, gã nhe răng cười, bắt tay cách thân thiện. Ông mục sư vội đứng dậy đưa tay, hai đuôi mắt ông nhăn lại trong nụ cười.

-Chào anh Hà.

Bà mục sư cũng gật đầu chào trong nụ cười tươi.

Gã lúng túng trong giây lát, đưa tay xoa lên đỉnh đầu trơn bóng, vuốt mấy sợi tóc lưa thưa sau gáy, rồi bước đến ngồi bên cạnh ông mục sư. Đưa mắt nhìn qua cửa kính gã nói lí nhí:

-Trời lạnh thiệt. Nghe nói ngày mai có bão. Tuyết rơi từ 6 đến 8 “inh”

Ông mục sư gật đầu:

-Dạ, tui cũng nghe vậy. Nhưng mà Chúa mình có quyền làm sai điều người ta nói.

-Năm nay hình như là có tuyết sớm hơn mọi năm phải không mục sư"

-Tui cũng không để ý. Hình như là vậy.

Câu chuyện thời tiết giữa hai người bỗng dưng im lặng. Bà vợ ông mục sư ngồi yên nghe nãy giờ, bà chẳng biết nói gì để góp phần vào câu chuyện. Bà đứng lên vừa đi xuống bếp vừa hỏi:

-Chị Tiên nấu gì mà nghe thơm dữ vậy"

-Dạ em nấu hủ tiếu gà đó bà mục sư.

-Wow, ngon nha. Chị Tiên giỏi thiệt!

Chợt có tiếng trẻ con khóc, thằng bé chạy đến bên ông mục sư nói mếu máo:

-Anh Don hỏng cho con chơi ba à.

-Chắc là con phá nên anh Don hỏng cho con chơi chứ gì. Nín đi, để ba nói chú Hà biểu anh Don cho con chơi nha.

Tiếng dao bằm trên thớt yên một thoáng, rồi có tiếng nàng vang lên:

-Don, sao con hỏng cho em chơi" Anh Hà, anh la thằng Don một tiếng coi!

-Don! Cho em chơi với, nhường cho em chơi đi. Con chơi cả tuần rồi!

Gã nhanh nhảu đứng dậy nắm tay thằng bé dẫn đến trước cái ti-vi, rồi chậm chạp bước quay về chỗ ghế sa-lông. Ông mục sư nhìn cái ti-vi treo trên tường khen:

-Cái ti-vi này to và đẹp quá nha. Anh chị Hà mới mua à"

Gã vừa xoa đầu vừa nói:

-Dạ, còn có một cái “on-seo” thôi mục sư. Chắc là ý Chúa cho, chứ mấy người đến trước em lại không mua được. Em đến sau, nhưng tại biết cách hỏi nên mới mua được.

-Ở đâu vậy"

-Dạ, ở Best Buy đó mục sư. Nó để giá “on seo” là $715 đô. Vậy mà em còn trả giá với thằng “seo-men” nó bớt được thêm $50 đô nữa, nên tổng cộng tiền thuế luôn khoảng trên dưới $700 đô thôi.

Ông mục sư vừa nghe vừa gật gù:

-Cảm ơn Chúa!

Quay sang cái ti-vi đặt trên cái tủ ở phòng khách, gã tiếp:

-Còn cái ti-vi thằng Don chơi game, em cũng mua giá “on-seo” chỉ có $69 đô thôi, trong khi đó ở chỗ khác giá tới $119 đô.

-Sao anh Hà hay quá hả" Mua chỗ nào cũng được giá rẻ không ha.

Được trớn, gã chỉ vào cặp loa đen nói:

-Còn cặp loa đó mục sư biết em mua bao nhiêu không" Chỉ có $35 đô thôi, kể cả tiền “síp-pinh.” Mua trên “i-bê” có bảo hành đàng hoàng.

Câu chuyện mua đồ rẻ bị gián đoạn bởi tiếng chuông cửa. Rồi tiếng nàng lại vọng lên từ dưới bếp:

-Anh à, chắc mấy người tới rồi đó. Mở cửa Don à.

Có tiếng dạ, rồi tiếng chạy thình thịch trên nền thảm, tiếng lạch cạch của chốt cửa, một luồng hơi lạnh hắt vào nhà. Tiếng một người nói lớn:

-Chào ông bà chủ, cha, nấu món gì mà thơm quá nha.

Tiếng nàng lại vanh vách lan ra từ trong bếp:

-Tới rồi… Chào anh chị. Anh à, sắp ghế ra thêm đi anh.

Tiếng bàn ghế va vào nhau lạch cạch hòa với tiếng bằm lộc cộc dưới bếp và tiếng cười, nói chuyện của người lớn lẫn vào tiếng chí chóe của trẻ con trước cái máy game làm cho căn nhà trở nên ồn ào như người nhà quê đang làm cỗ. Lại có tiếng chuông cửa, tiếng kẽo kẹt của chốt cửa, tiếng chào nhau, tiếng cười hòa lẫn với hơi lạnh lan vào trong phòng khách…

Tiếng nàng dội vào tường làm gã đang trò chuyện với ông mục sư và mấy người khách mới tới phải gián đoạn:

-Xong rồi đó anh à. Anh mời mọi người chuẩn bị ngồi vô bàn đi. Anh bưng cái bánh ra và đốt đèn cầy lên để hát “háp-pi-bớt-đề” cho thằng Don trước.

Tiếng ông mục sư và mấy người khách cũng xen vào:

-Ừ, đúng rồi, hát “háp-pi-bớt-đề” trước chứ!

Gã vừa bật cái quẹt xèn xẹt vừa gọi với lên phòng khách:

-Don, đến đây con. Mấy đứa lại đây.

Mấy đứa trẻ tranh nhau chạy ào đến bên bàn, chúng dán mắt vào ngọn lửa uốn éo từ mấy ngọn đèn cầy trên chiếc bánh to để ở giữa bàn. Có tiếng người hỏi trống không:

-Sinh nhựt mấy tuổi đây"

Một người chỉ ngón tay đếm mấy ngọn đèn cầy, rồi vừa cười vừa nói:

-Mười ba tuổi phải không"

Thằng Don đứng kế bên đáp cùng một lượt:

-Mười ba tuổi!

Ông mục sư thêm vào:

-Ông bà chủ có “tuyên bố” lý do gì không"

Nàng lật đật chạy đến đứng bên chồng, đặt tay lên vai thằng con đứng phía trước. Nó rụt vai lại vì nhột, ngoảnh mặt nhìn lại phía sau. Nàng thò ngón tay đẩy nhẹ vào hông chồng. Gã đặt chiếc quẹt xuống bàn, xoa hai tay vào nhau, hắng giọng:

-Dạ, nhân dịp bữa nay mừng sinh nhật cháu Don… Và cũng nhân dịp này, trước là cám ơn Chúa cho tụi em trả nợ xong căn nhà, nếu Chúa đẹp lòng thì tụi em cũng xin Chúa cho tụi em mua ngôi nhà khác, đẹp và lớn hơn. Sau là cũng cám ơn ông bà mục sư và mấy anh chị em tới dùng bữa thân mật với gia đình chiều nay…

Gã cố nói thêm vài điều nữa, nhưng không nghĩ ra. Một thoáng im lặng, nàng xen vào:

-Cũng cám ơn Chúa cho tụi em vừa bán được tiệm “neo.”

Gã lấy ngón tay gãi gãi lên đỉnh đầu láng bóng, rồi nhìn sang vợ gật gù:

Dạ, chắc nhờ mục sư cầu nguyện cám ơn Chúa rồi sẽ hát “háp-pi-bớt-đề” cho cháu Don và dùng bữa, kẻo thức ăn nguội mất ngon.

Ông mục sư và mấy người khách cũng gật gù với vẻ mặt vui vẻ. Rồi giọng vị mục sư có vẻ nghiêm trang:

-Tôi cũng cảm ơn tâm tình của anh chị Hà trong công việc Chúa. Xin Chúa ban phước dư dật trên gia đình anh chị, và cũng xin Chúa dùng sự khôn ngoan, những điều anh chị có trong sự hầu việc Ngài để nhiều người ở thành phố Omaha đây biết đến danh Chúa.

Ngừng một thoáng, nhìn mọi người xung quanh bàn tiệc, vẫn trong vẻ mặt nghiêm trang vị mục sư tiếp:

-Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện xin Chúa ban ơn phước cho anh chị Hà và cháu Don.

Mọi người ngoan ngoãn cúi đầu, nhắm mắt trong lời cầu nguyện đều đều của vị mục sư...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến