Hôm nay,  

Chuyện Kể Về Chị Dâu

25/11/200700:00:00(Xem: 162272)

Người viết: Phạm Hoa Trắng

Bài số 2159-1951-727vb8251107

*

Tác giả 53 tuổi, cho biết bà được bảo lãnh định cư tại Santa Ana chỉ mới 3 tháng trước đây, hiện còn đang học nghề, học tiếng Anh, chưa có việc làm.  Bài dự Viết Về Về Nước đầu tiên của bà là 2 chuyện tự sự kể về người thân và về chính mình, với những trăn trở, ưu tư của người mới đến đất Mỹ. 

*

Tôi ngồi im lặng trong xe nhìn người chị dâu đang ngủ một giấc ngủ như ngồi thiền. Tôi giật mình vì tưởng chị trúng gió, định gõ cửa xe kêu thử, chợt có chuông điện thoại reo lên. Anh Toàn, chồng của chị gọi. Tôi hỏi anh có nên kêu chị dậy không. Anh bảo cứ để yên vậy, vì chị bị bệnh trầm cảm nên rất khó ngủ, thức dậy là không ngủ lại được.

Nhìn trời nắng chói chang, chắc giờ này trong xe rất  nóng, tôi thấy thương chị vô cùng.

Nhớ những tháng ngày ở VN, khi trong gia đình bệnh hoạn hay cần thứ gì, chúng tôi đều gửi thư xin chị, khi nhiều, khi ít, còn gởi cả tiền về xây nhà cho mẹ chồng và cả chúng tôi nữa. Mọi người đều cho chúng tôi có phước, có "đồ Mỹ", có thân nhân ở Mỹ là sung sướng rồi, hàng năm đến dịp tết hoặc Noel đều có quà về.

Qua 2 tháng , được ở trong nhà anh chị, chúng tôi mới thấu hiểu được hoàn cảnh…Nhờ ông thầy dạy anh văn nói : " Ở bên Mỹ, một là làm người thật nghèo, hai là phải thật giàu". Vì người nghèo không nhà không cửa, lương thấp thì được chính phủ giúp đở. Như lời chị tâm sự: "Hồi đó mới qua, chị sinh quá nhiều con, nên được chính phủ trợ cấp Medicare cả nhà, khỏi lo khi bệnh hoạn đau ốm, chị ở nhà chăm sóc con, còn anh đi làm đủ nuôi sống gia đình."

Vậy mà chúng tôi ở VN nào có biết gì. Mọi chuyện khó nhọc bên này anh chị  đều giữ kín, cứ tưởng ở bên Mỹ khá giả, dễ làm tiền, hở một chút là mở miệng xin tiền, mà anh chị chẳng có tiếc gì, cố gắng dành dụm gởi về cho Mẹ và em, rồi bảo lãnh Mẹ và anh em qua nữa. Anh nói: "chú thím qua bên này là phải đi cày đó nghe". Nghe "đi cày" chúng tôi chưa hiểu được gì, vì chúng tôi đang được đi học, còn được bảo bọc trong gia đình anh chị.

Nhìn hoàn cảnh của anh chị hiện tại , tôi không khỏi đau lòng: chồng phải đi kiếm sống ở một tiểu bang khác cách Cali mười hai giờ xe chạy; vợ ở nhà đi làm từ sáng đến mãi  khuya lắc khuya lơ mới về, vì cơm, áo, gạo tiền, rồi insurance nầy nọ, mà vợ chồng mỗi người , mỗi ngã, chỉ gặp nhau qua điện thoại.

Trời đã về khuya, sương rơi và gío lạnh, tôi ngồi cầm tràng chuỗi đọc kinh sau hè, vì trong nhà các cháu mở nhạc to quá. Lời nguyện cuối, xin cho anh chị  được bằng yên, khỏe mạnh. Giờ này chị vẫn chưa về, chị đã gần 60 mươi rồi mà phải lái xe đi một tiếng đồng hồ đến chổ làm, chỉ sợ đêm khuya quá buồn ngủ mà ngủ gật trong xe…

Tôi thật sự lo lắng cho chị, nhớ lại câu thơ đã học thời thơ ấu: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông…"

Hình ảnh người Mẹ, với đôi gánh trên vai, chạy bộ đến những nơi lính Tây trú đóng để bán hàng, phải đi thật sớm vì sợ Việt Minh bắt. Trời mùa đông ở miền Trung cũng gía rét như bên này vậy. Nhớ mẹ vô cùng, giờ con đã được định cư trên đất Mỹ. Mẹ già cũng không còn nữa để hưởng lộc già… Sao hình ảnh chị dâu giống mẹ mình quá vậy, chỉ khác là chị đi xe hơi, tiền bạc dễ dàng hơn.

Tôi chợt nghĩ, trời đã an bài cho mỗi người một số phận , không phải ai muốn giàu mà được đâu" Đôi lần chị cũng than thở: " Phải chi hồi đó chị có thì giờ đi học English, làm việc có tiền hơn! Nhưng mà số chị khổ lắm thím ạ, từ nhỏ đã khổ rồi, nhà nghèo đi học ít, phải đi làm giúp đở cha mẹ, anh em. Đến khi lấy chồng phải ông chồng đào hoa, có lúc quá đau khổ không dám thố lộ với con, sợ chúng buồn."

Mà chị khổ thật. Người ta khổ vì thiếu tiền, chị khổ cả tiền lẩn tình. Đôi lúc chị em ngồi nói chuyện với nhau, tôi có khuyên: " Em thấy ở Mỹ, hai vợ chồng làm một tháng vài ba ngàn cũng đủ sống, sao anh chị không ở đây làm ăn mà phải đi mỗi người một nơi  như vậy" Chị nói: "Thím không biết đâu, ở đây chị phải trả góp tiền nhà, nhà mới trả được 20 năm, còn 10 năm nữa, rồi tiền insurance xe, bệnh, điện, nước…nhiều lắm."

Ừ nhỉ! Tôi mới qua nên không biết rõ, hèn gì… Rồi một đêm kia đã quá khuya, chưa ngủ được (qua đây tôi cũng bị chứng mất ngủ), nằm nghe hai mẹ con chị nói chuyện với nhau:

"Tiền nhà trong ba tháng liền không trả được cho ngân hàng là họ lấy nhà lại, mấy tháng nay ba không gửi tiền về, chắc làm ăn ế ẩm, má nói với tụi con là góp tiền vào để trả tiền nhà."

Tôi nghe tiếng đứa con gái nói rất to; nửa tiếng Mỹ nửa tiếng Việt: "Con còn phải nuôi con, thằng em út thì tội nghiệp, nó vừa đi học vừa đi làm, bắt nó đóng tiền nhà thì khổ  cho nó quá…” Nghe qua câu chuyện tôi đã đoán được nỗi khó khăn của chị, tôi bàng hoàng không biết làm thế nào, vì chúng tôi cũng đang ở trong nhà.

Sáng hôm sau thức dậy, khi thím cháu cùng nhau uống cà phê, tôi gợi ý với cháu cho thím góp tiền nhà, vì thím biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cháu bảo: "Con không nhận tiền  thím đâu, thím mới qua làm gì có tiền, thím lo cho chúng con ăn tối là con đã hổ thẹn rồi, dù thế nào con cũng không cho thím góp tiền vào. Nghe cháu nói, tôi đành im lặng thở dài…

Những lo lắng ưu tư với cuộc sống hiện tại làm tôi đau đầu và mất ngủ liên miên. Tôi đọc báo thấy T.T.Y.T Nhân Hòa có giúp người dồng hương thuộc quận Cam về những bệnh có liên quan đến tâm thần. Tôi nhờ người bạn học chở đến khám. Người đầu tiên tôi gặp là Calvin Nguyễn, Calvin trạc chừng trên 30 tuổi, ăn nói điềm đạm và cởi mở, tận tình giúp tôi đến khám bệnh miễn phí và giúp xin MSI. Bác sĩ khám bệnh cho tôi là bác sĩ nữ ,người Việt tên là Trâm Nguyễn, có lẽ chị lớn tuổi hơn tôi, nhưng xưng tên rất thân thiện, chị hỏi han và cố vấn tâm lý cho tôi, không ngại mất nhiều thời gian để nói chuyện với tôi.Tôi cám ơn Bác Sĩ Trâm và Calvin, họ đã làm cho tôi xúc động thật nhiều, có lẽ đây là lần thứ ba tôi thấy tình người cùng một màu da cùng chung tiếng nói đã thể hiện trên đất Mỹ này, khi ra về Calvin cũng hứa sẽ tìm cho tôi  một việc làm thích hợp.

Tôi  hy vọng kiếm được việc làm để phụ giúp tiền nhà cho chị hàng tháng.

Mải suy nghĩ mông lung, chợt nhìn lên đồng hồ, giờ này đã gần 12 giờ khuya mà chị vẫn chưa về. Chị đi làm khi tôi chưa thức dậy, chị về khi tôi đã lên giường nằm, hình ảnh chị vất vả, thoắt ẩn thoắt hiện làm tôi không yên tâm. Những đứa con đã lớn khôn, ra đời làm ăn, chúng có nghĩ gì tới  cha mẹ không" Nghe nói ở Mỹ, đến 18 tuổi là ở riêng tự lập, vừa đi học vừa đi làm, hoặc mượn tiền chính phủ để ăn học, ra trường có việc làm là trả nợ từ từ, cho nên chúng ít khi nhờ đến cha mẹ hoặc giúp đở cha mẹ như những người con ở Việt Nam. Lúc cha mẹ đã già thì có chính phủ cấp dưỡng hoặc vào viện dưỡng lão. Tôi nghĩ một ngày kia chị cũng vào viện dưỡng lão để sống hết tuổi già. Tôi tự nhủ: Mình cố gắng đi làm có tiền, về già giúp đỡ lại chị dâu, mình sẽ săn sóc chị, để đền đáp lại tất cả những gì chị đã giúp mình.

Đêm đã khuya rồi, lâu lâu vẫn nghe tiếng còi hụ: "chữa cháy hay cấp cứu…" Những nỗi sợ hải ám ảnh tôi. Tôi nghĩ đến hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam, vì chồng con mà phải một đời thua thiệt.

"Chị tuổi con rắn nên phải đi ăn đêm, thím ạ." Chị dâu tôi có lần nói như vậy với tôi.

* Ý TƯỞNG ...  LÝ TƯỞNG

Tôi tới đất Mỹ vào buổi chiều mùa hè khoảng 4 giờ PM, nắng Cali rực rỡ và nóng, khí hậu như ở VN.

Bước ra ngoài phi trường, người anh chồng và cháu đã đợi sẵn, thấy chúng tôi ra họ vẫy tay chào đón, cảm giác đầu tiên của tôi thực sự vui mừng, đường xá, xe cộ, mọi thứ đều sạch sẽ thứ tự. Chúng tôi được đưa vào một nhà hàng ở Little Saigon, các món ăn Việt đều có cả, nhưng tính ra tiền Việt Nam rất đắt.

6 giờ chiều về đến nhà, ngôi nhà rộng và thấp, khác với nhà ở Việt Nam, nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi và sạch sẽ, bên ngoài trời vẫn nắng chói chang như 4 giờ chiều ở VN vậy. Chúng tôi sửa soạn lại căn phòng của người cháu vừa mới dọn qua bang khác, tuy chật nhưng cũng đủ 3 người ngủ.

Nằm trằn trọc cả đêm không ngủ được vì khác giờ, mới ngày Chủ Nhật hôm qua ở VN, đến giờ là tối Chủ Nhật ở Cali, nhanh thật, không biết giờ nầy con gái mình ở VN còn khóc không" Tội nghiệp đứa con bất hạnh của tôi, lúc 9 tháng tuổi đã bệnh nặng đi khắp bệnh viện, đến giờ đã 25 tuổi, vẫn èo uột như xưa. Khi chúng tôi chia tay nhau để lên máy bay, nó khóc nức nở, không ai cầm được nước mắt, cuộc chia tay nào chẳng đau buồn. Tôi an ủi nó: "Thôi con đừng buồn nữa, một năm sau mẹ sẽ về thăm con mà…" nhưng không buồn làm sao được, khi mẹ và con cách nhau cả nửa trái đất, lại còn bệnh hoạn èo uột nữa.

Trằn trọc hoài không ngủ được, tôi ngồi dậy đọc kinh, lần chuỗi, mỗi lần gặp chuyện buồn hoặc lo lắng, tôi chỉ biết cầm tràng hạt để cầu nguyện, đó là niềm an ủi nhất của tôi.

Nghỉ được một tuần lễ, chúng tôi 3 người: hai vợ chồng và đứa con gái út đã 20 tuổi, đi đăng ký học nail (manicurist), theo lời đề nghị của người anh bảo lãnh. Anh nói ở bên này người Việt chỉ đi học nail là mau có tiền, chúng tôi nghe lời và đã đi đăng ký.

Ngày đầu tiên vô lớp, gặp những người Việt Nam đến trước họ vui vẻ cởi mở hỏi han đủ chuyện, họ giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết, vì chúng tôi chưa có xe. Tình cảm của người Việt ở đây chân thành là thế, họ cũng chỉ bảo chúng tôi những điều nên tránh: ví dụ như thấy người bị gặp tai nạn không được đụng tay vào, đi nơi công cộng thấy em bé té ngã không được nâng lên. Tôi thật sự ngạc nhiên, như khi họ giải thích cặn kẻ về luật lệ, tôi mới hiểu, ừ thì ra là thế!

Tôi rất cám ơn những lời chỉ bảo của những người qua trước, trong lớp học của chúng tôi tại trường H.M., các anh chị em ở đây coi nhau như người một nhà, tình cảm thắm thiết khi nghĩ đến ngày ra trường mỗi người một nơi.

Nhớ lúc còn ở Việt Nam, được giấy chấp thuận của Hoa Kỳ cho phép nhập cư, chúng tôi phân vân nửa mừng nửa lo. Ra đi để lại mẹ chồng đã già và hai đứa con; Ở lại Việt Nam thì không có tương lai cho đứa con gái út… Hội ý kiến mẹ già: "các con cứ việc đi, ở nhà mẹ đã có cháu lo, lo tương lai cho con Trinh đi, nó học giỏi mà ở đây thì uổng lắm!"

Vài ngày sau, có giấy về mời lên khám sức khỏe và phỏng vấn, thế là chúng tôi quyết định đi. Đến Cali vào ngày 26-8, một đêm trăng rằm thật tuyệt.

Đêm nay vừa đủ 2 tháng, trăng to và sáng, bầu trời không một chút mây, trăng đẹp như ở quê nhà vậy.

Qua mấy ngày gió chướng, nắng nóng và khói bụi mù trời, ở bên San Diego lửa cháy lan tràn, nhà cửa ra tro. Nhìn cảnh tượng này, tôi nhớ tới mùa hè đỏ lửa năm 1972. khi tôi mới 15 tuổi, chúng tôi chạy bộ từ Quảng Trị vào Huế lánh nạn, hai bên đường, đạn bay vèo vèo, tiếng súng đại bác rền trời, nhìn cảnh tang thương dọc đường mà rợn người, có người mẹ đã chết, mà đứa con thơ còn bò đi kiếm vú…

Trở về với thực tại, những ngày học nail ở trường Hoàn Mỹ rất vui, các chị em đi trước thi đậu vào đãi thầy cô và chúng tôi ăn rất ngon. Mọi người ai cũng xin số phone nhau để liên lạc khi cần thiết. Riêng tôi việc học thật bất đắc dĩ, từ một Midle Pharmacist (DSTH) ở Việt Nam, chuyên bán thuốc, giờ phải ngồi làm vệ sinh, săn sóc từng móng tay, móng chân của người ta để kiếm tiền, tuy không phải là xấu hổ  nhưng ở tuổi 50, mà vào nghề này,  người ta không trọng dụng mấy…

Trước khi ra đi, tôi có nuôi một hoài bão là sẽ học trở thành một y tá để phục vụ người già, nhưng cái khó khăn đầu tiên là English. Tôi theo học khóa ESL ở nhà thờ St. Barbara. Tôi hỏi người thầy dạy tôi: "theo thầy, năm nay tôi đã ngoài 50, tôi có thể đi học Nursing để phục vụ người già được không"" Thầy bảo "được chứ, ở đất Mỹ này, họ rất khuyến khích việc học, nếu không có tiền họ sẽ cho mượn…"

Tôi vui mừng với ý tưởng đó, một buổi tối khi học xong English, chúng tôi qua dự khóa học về Tin Mừng, do một nhóm người thiện nguyện tại nhà thờ, chị ấy là người Việt qua Mỹ chắc lâu rồi, vì chị nói tiếng Mỹ rất sành, chị giảng như một ông cha xứ vậy. Đề tài hôm  ấy: "Tôi là ai, là gì, và tôi sẽ làm gì trong cuộc sống hiện tại" có nhiều người trả lời thật hay. Nhưng tôi chưa có câu trả lời. Tôi suy nghĩ mình sẽ làm gì để đạt được lý tưởng, cái khó khăn nhất vẫn là tài chánh. Tôi chợt thức giấc giữa những ý tưởng mâu thuẩn, và nhớ lại lời của một người thầy giáo lúc nhỏ: "Thiên tài chỉ là một sự  kiên nhẫn kéo dài" mình có thể nào kiên nhẫn được không" Hay vì cuộc sống khó khăn sẽ làm mất đi ý chí.

Đêm đã khuya mà tôi nào có chợp mắt được, hình ảnh cha mẹ già đã qua đời sống lại trong tôi, những thức khuya dậy sớm làm việc, một đời lam lũ nuôi con, đến gần chết vẫn cô đơn với tuổi già, lũ con lo đi xa kiếm sống, chỉ còn lại hai vợ chồng già trong hiu quạnh. Tôi thật mong sau này có nghề và có tiền, tôi sẽ về quê nhà mở một viện dưỡng lão, cho các chị em và các con tôi săn sóc, những người già cô đơn không ai giúp đỡ, hoặc nghèo đói bệnh tật không có tiền thuốc men… Cho tới nay, Việt Nam vẫn còn là một đất nước không có công bằng, nhân đạo, người già rất thua thiệt, không như ở Mỹ người già được cấp phát thuốc men và tiền bạc. Đúng là đất nước tự do và giàu lòng nhân ái .

Sống làm người tốt rất khó, và sống làm việc tốt cho người khác là một điều khó hơn. Ước mong rằng với sự giúp đỡ của đất nước Mỹ, việc học của tôi được thành công, sẽ kiếm ra tiền để giúp đỡ những người già cả bệnh tật ở quê nhà. Đó là một ý tưởng nhưng là lý tưởng đời tôi. Để trả lời câu hỏi của người giảng viên đưa ra "Tôi là ai, tôi sẽ làm gì trong cuộc sống".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến