Hôm nay,  

Gặp Lại Người Xưa

23/11/200700:00:00(Xem: 190609)

Người viết: Nguyễn Duy-An

Bài số 2157-1949-725vb6231107

*

Nguyễn Duy An là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới. được tác giả ghi là viết theo tâm sự của Quỳnh Hương, kể chuyện đôi tình nhân thôn Bình Giả tái ngộ trên đất Mỹ.

*

Đi" Không đi" Tôi vừa tự vấn lòng mình, vừa tìm cách lẩn tránh Tùng từ hôm đọc thấy tên "người ấy" trong danh sách những người ghi danh tham dự Đại Hội Đồng Hương Bình Giả trên trang "web".

Tùng đã kiên trì theo đuổi tôi từ hai năm nay và muốn tiến tới hôn nhân. Tôi biết Tùng yêu tôi tha thiết, và tôi cũng đã hơn một lần nhận thấy tim mình chao đảo vì Tùng.

Tôi quen Mai-Anh, em gái của Tùng, từ những ngày mới dọn đến vùng Greenville, South Carolina làm việc cho hãng GEICO. Mai-Anh đã năn nỉ ỉ ôi cho tới khi tôi phải xiêu lòng và đồng ý gặp Tùng. Rồi ngày qua tháng lại, tôi cố tình tìm quên hình bóng của Hoàng và chuyện tình ngày ấy ở quê nhà qua anh em Tùng và Mai-Anh. Tôi đang từ từ bước dần vào tuổi ba mươi. Tôi phải cố quên đi mối tình đầu của ngày xa xưa ấy để sống cho chính tôi. Người ấy đã phụ tôi! Bốn năm đầu biệt xứ, chàng chỉ gởi về quê cho tôi một lá thư theo địa chỉ gia đình vì lúc đó tôi vẫn còn đi học ở Sàigòn. Chấm hết! Ngày mới theo gia đình sang Mỹ theo diện H.O., tôi đã dò hỏi và mãi tới ba năm sau mới biết tin chàng đã lập gia đình. Tôi tự dối lòng mình và tự biện minh cho chàng vì hoàn cảnh đẩy đưa nên chàng phải phụ tôi. Tôi muốn quên đi nhưng lòng vẫn day dứt xót xa. Tôi vùi đầu vào đèn sách và công việc để cố quên đi nỗi đau đang gặm nhấm tim mình...  Rồi tôi thù ghét chàng!

Tôi chưa thực sự yêu Tùng, nhưng đã có lúc tôi muốn gật đầu đồng ý để gia đình Tùng tiến hành lễ đính hôn cho hai đứa có thể chính thức theo học lớp giáo lý dự bị hôn nhân. Theo giáo luật địa phương, các đôi hôn phối phải trình cha xứ ít là 6 tháng trước ngày cưới, và phải theo học một lớp giáo lý để chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi. Cuối cùng tôi "cho phép" Tùng sắp xếp để gia đình chàng về Texas "ra mắt" cha mẹ tôi, tạm coi như làm "Lễ Hỏi" vào cuối mùa hè năm nay. Tôi đã cảm nhận được niềm vui của cha mẹ qua điện thoại vì ông bà vẫn băn khoăn lo lắng về chuyện hôn nhân của tôi, đứa con gái út "sinh sau đẻ muộn" nhưng ngang bướng nhất nhà. Gia đình hai bên đã dự tính sẽ tổ chức đám cưới vào mùa xuân năm tới để tránh đi cái nóng khắc nghiệt ở miền nam Texas. Cũng chính trong lần nói chuyện điện thoại này, cha mẹ đã cho tôi biết về Đại Hội Đồng Hương Bình Giả và khuyên tôi nên tham dự vì nơi tôi làm việc chỉ cách Atlanta, Georgia khoảng hơn 2 tiếng lái xe. Cha mẹ tôi ốm yếu bệnh hoạn quanh năm vì tuổi già nên không thể đi Đại Hội được. Ban đầu tôi cũng chẳng thiết tha gì tới việc tham dự Đại Hội vì từ nhỏ tôi đã lên Sàigòn ở với gia đình bà chị lớn để đi học. Bàn bè ở thôn Bình chỉ vỏn vẹn dăm ba đứa, nhưng tất cả đều đã có gia đình và còn kẹt lại bên nhà. Tôi sẽ trở thành một kẻ xa lạ lạc loài giữa những người đến từ làng Bình Giả, nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi. Tôi băn khoăn do dự, tôi lo lắng vu vơ nên ngày nào cũng lên trang "web" dò xét tình hình, và rồi tất cả đã thay đổi khi tôi đọc thấy tên chàng trong danh sách những người đồng hương ghi tên tham dự Đại Hội.

Tùng khuyên tôi nên thay mặt gia đình tham dự Đại Hội để tìm về với cội nguồn của chính tôi, và chàng cũng năn nỉ để được tháp tùng, coi như "ra mắt họ nhà gái". Chàng còn tế nhị rủ cả cô em gái đi cùng để tránh tiếng dị nghị của bà con làng nước. Tôi chưa kịp trả lời dứt khoát với Tùng thì đọc thấy tên Hoàng, người yêu đầu đời đã phụ tôi, trong danh sách "cùng đi với một trẻ em". Tôi muốn một lần đối diện với chàng để rồi vĩnh viễn quên đi mối tình đầu dang dở và yên tâm "theo chồng về xứ lạ". Tôi đã băn khoăn lo lắng, mất ăn mất ngủ từ mấy tuần nay vì không muốn giải thích với Tùng hay cô bạn Mai-Anh, mặc dầu cả hai đều biết ngày xưa tôi đã tha thiết yêu một chàng trai thôn Bình, nhưng duyên nợ không thành và chàng cũng đã cưới vợ từ mấy năm nay. Tùng là người thẳng thắn và rộng lượng. Chàng không bận tâm lo lắng về dĩ vãng của tôi. Riêng tôi, tôi hiểu lòng mình, và tôi không đủ can đảm nói thật với Tùng là tôi muốn gặp lại "người xưa" một lần để dứt khoát tình cảm trước khi lập gia đình. Tôi đành im lặng trốn tránh cả hai anh em Tùng, hồi hộp đợi chờ ngày Đại Hội. Tôi không nhận điện thoại của anh em Tùng, tôi cũng không trả lời Email. Tùng không còn đủ kiên nhẫn chờ tôi gọi lại nên đã tìm đến văn phòng vào chiều Thứ Sáu trước ngày Đại Hội, chờ tôi tan sở để hỏi cho ra lẽ. Cực chẳng đã tôi phải thú nhận với chàng:

- Anh Tùng, Hương xin anh. Hương đã không đủ can đảm nói thật với anh là Hoàng cũng đi Đại Hội. Hương chỉ muốn gặp mặt một lần để dứt khoát tình cảm.

- Anh hiểu...  nhưng tại sao em không nói mà cứ trốn tránh" Anh vẫn mãi yêu em như ngày nào. Ngày mai anh tới chở em đi nhưng anh sẽ không vào trại, chỉ ở ngoài khách sạn chờ em xong Đại Hội để chở em về.

- Cám ơn anh. Anh để Hương tự đi về một mình cho tiện.

- Tuỳ em! Vậy anh sẽ ở nhà chờ đợi em về.

Tôi đến khu vực Đại Hội vào giữa trưa Thứ Bảy. Sau khi ghi danh và đóng tiền lệ phí, tôi lái xe trở về thành phố tìm thuê phòng ngủ vì không dám ngủ lều một mình ở trại. Buổi chiều tôi trở lại với một cặp kiếng râm đen sẫm để trốn tránh người quen. Tôi lang thang chung quanh khu vực tiếp tân với hy vọng sẽ gặp chàng. Suốt thánh lễ khai mạc và bữa cơm tối, tôi đã nhìn trước ngó sau nhưng không tìm thấy bóng dáng người xưa. Tôi không đủ can đảm nhờ Ban Tổ Chức gọi loa "tìm người quen". Cô đơn lạc lõng giữa rừng người đang "tay bắt mặt mừng" gặp lại bà con làng xóm, tôi buồn chán đến tột cùng. Tôi cảm thấy nhớ Tùng ray rứt cả tim gan. Tôi bỏ giờ sinh hoạt sau cơm chiều để trở về khách sạn vì chẳng gặp ai quen. Tôi muốn gọi điện thoại về tâm sự với Tùng hoặc Mai-Anh nhưng tôi không muốn thú nhận với hai người về nỗi chán chường thất vọng của mình. Mệt mỏi và buồn tủi vì cô đơn, tôi chỉ muốn bỏ về Greenville nhưng rồi bản tính ương ngạnh cố hữu đã giữ tôi ở lại. Tôi phải gặp lại người xưa để vĩnh viễn dứt tình và trở về với tâm hồn bình thản, sẵn sàng đón nhận tình yêu của Tùng. Thôi hết rồi những kỷ niệm của ngày xưa ấy ở thôn Bình. Tôi không còn là người Bình Giả nữa. Tôi sẽ quên đi tất cả để làm lại từ đầu nơi xứ lạ quê người. Tiếc nuối làm chi một chuyện tình dang dở! Tiếc nuối làm chi một kẻ bạc tình! Tiếc nuối làm chi tình làng nghĩa xóm từ một dĩ vãng xa vời! Thôi hết rồi Quê Hương Yêu Dấu của người ta!

Không biết động lực nào đã dựng cổ tôi dậy thật sớm sau một đêm day dứt, xót xa, buồn tủi và giận hờn vu vơ. Tôi lái xe vô trại lúc trời còn chập choạng. Lác đác vài người dậy sớm (hay chưa kịp ngủ) rảo bước về khu vực nhà tắm công cộng. Tôi tìm chỗ đậu xe rồi thơ thẩn ra phía cổng trại như một kẻ nhàn du với bước chân vô định ngắm cảnh bình mình trên núi. Tôi sững sững sờ khi bắt gặp một cậu bé tóc hoe vàng khoảng 3, 4 tuổi đang tựa lưng vào cổng trại mếu máo. Thằng bé trắng trẻo, mũm mĩm và dễ thương với cặp mắt bồ câu ngơ ngác nhìn trước ngó sau không định hướng. Tôi giật thót người khi chạm phải đôi mắt to tròn, vầng trán rộng, hai má lúm đồng tiền mặc dầu đang mếu máo của cậu bé. Tôi do dự không biết phải làm gì nên vội vàng tháo cặp kiếng đen rồi nhìn cậu bé mỉm cười vì không muốn làm cho nó sợ. Thằng bé có vẻ rất tự tin nên lên tiếng trước:

- Cu Bi đói, muốn sữa.

- Cháu con ai" Để cô dẫn cháu đi tìm ba mẹ rồi... 

- Cu Bi, hổng phải cháu. Cu Bi hổng có mẹ.

- Thế ba cu Bi đâu"

- Ba ngủ trong lều.

- Cháu chỉ lều rồi cô đưa về.

- Hổng phải cháu, cu Bi mà...  Cu Bi muốn sữa.

- Cô xin lỗi cu Bi. Bây giờ cu Bi chỉ lều cho cô rồi cô đi xin sữa mang về cho cu Bi.

- Hổng về, cô dẫn cu Bi đi lấy sữa đi. Ba ngủ hoài, gọi hổng dậy. Cu Bi lạc mất lều dzồi.

Tôi đành với tay dẫn cu Bi đi về khu vực nhà bếp tìm xin cho cậu bé ít sữa. Vừa đi cu Bi vừa kể chuyện gia đình của nó, chẳng có đầu có đuôi gì cả, nên tôi càng thắc mắc nhiều hơn nữa. Tôi gặp mấy chị trong Ban Ẩm Thực đang chuẩn bị điểm tâm nên tới gần hỏi xin cho cu Bi một ly sữa. Tôi dẫn nó về lều trung ương nhờ Ban Tổ Chức gọi loa tìm ba cho cu Bi. Tôi muốn gởi cu Bi lại đó để một mình lang thang tìm kiếm bóng dáng người xưa, khổ một nỗi thằng bé không chịu để tôi đi:

- Cô đừng bỏ cu Bi tội nghiệp mà.

- Lát nữa ba ra đón cu Bi rồi.

- Cu Bi hổng thèm ba. Cu Bi chỉ muốn cô hà.

Lời con trẻ ngây thơ làm tôi xúc động. Tôi đành dẫn nó ra gốc cây phía sau lều ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại để giết thời gian. Tôi hỏi cu Bi:

- Ba cu Bi tên gì"

- Tên Ba.

- Cu Bi gọi là ba, nhưng người ta gọi ba cu Bi là gì"

- Cu Bi hổng biết. Cu Bi chỉ gọi ba thôi hà.

- Còn mẹ cu Bi thì sao"

- Cu Bi hổng có mẹ mà. Cu Bi ở với ông bà để ba đi làm kiếm tiền nuôi cu Bi.

- Ông bà nội hay ông bà ngoại"

- Hổng phải. Chỉ ông bà thôi hà.

- Cu Bi không nên bỏ lều đi làm ba lo, và có thể bị bắt cóc đó.

- Cu Bi hổng sợ. Cu Bi có cô dzồi.

- Nhỡ may cô bắt cu Bi đi luôn thì sao"

Cu Bi nhìn tôi với đôi mắt ngơ ngác trả lời:

- Cô đâu có đánh cu Bi...  Cô cho cu Bi sữa. Cu Bi muốn được ở với cô, khỏi đi nhà ông bà...  hổng dzui! Ồ, ba tới...  Cô xin ba cho cu Bi đi với cô nha.

Tôi quay phắt lại, sững sờ ngó đăm đăm người đàn ông cu Bi gọi là ba trong khi nó nhảy tót sang kéo tay "người ấy" lại gần gốc cây:

- Ba...  Ba...  Cô cho cu Bi sữa.

Chàng đó! Chàng thẫn thờ lê bước theo cu Bi. Tim tôi đập loạn xạ, tay chân tôi run rẩy, cổ tôi nghèn nghẹn...  Đúng là oan khiên! Một vài giọt nước mắt vô tình đọng trên khóe mắt khi chàng lên tiếng:

- Quỳnh.

Giọng nói của chàng vẫn trầm ấm như ngày nào, chàng vẫn gọi tôi là Quỳnh như ngày nào. Tôi cảm nhận được hơi ấm của mối tình đầu dang dở từ hơn 12 năm trước. Tôi vẫn còn thương "hắn" được sao" Tôi câm miệng như hến để nghe tim mình thổn thức, và cố nén xuống "những giọt nước mắt vô tình" chỉ muốn trào ra vì buồn tủi. Cu Bi cầm tay tôi kéo mạnh:

- Cô... Cô xin ba cho cu Bi đi... Cô thương cu Bi mà... Sao cô khóc" Cô không thương cu Bi nữa sao"

Tôi sững sờ ngao ngán cúi xuống kéo sát thằng bé vào lòng. Tôi gắng gượng chào Hoàng:

- Anh vẫn khỏe" Cháu bé dễ thương quá.

- Cám ơn Quỳnh... Chính vì cu Bi mà anh còn lây lất sống qua ngày và cố gắng vươn lên. Nó là tất cả tương lai còn lại của đời anh. Anh chẳng còn gì nữa Quỳnh ạ! Cha mẹ đã "từ anh" khi biết tin anh chung sống với mẹ cu Bi không phép tắc đạo nghĩa gì cả. Anh hy sinh tất cả vì không muốn người ta giết chết cu Bi từ khi còn trong bụng mẹ...  Anh có tội với trời, với cha mẹ, và với em, Quỳnh ạ. Anh không dám xin em tha thứ, nhưng chỉ đêm ngày cầu xin cho em được hạnh phúc. Anh cũng biết tin gia đình em sang Mỹ theo diện H.O. nhưng anh không đủ can đảm tìm gặp lại em. Đã gần 5 năm qua rồi, anh chỉ sống như cái xác không hồn, nhưng anh phải sống vì tương lai của cu Bi. Quỳnh! Anh...  Anh xin lỗi em.

- Em đã từng hận anh, và cũng từng buồn cho số phận. Em trách anh nhiều lắm vì bao nhiêu năm anh chỉ gởi về cho em một lá thư không đầu không đuôi và cũng không có địa chỉ! Em có nghe tin anh đã lập gia đình, và em đi Đại Hội để tìm gặp anh một lần trước khi nhận lời cầu hôn... 

- Quỳnh, anh chúc mừng em nhé. Nếu em cho phép, hai đứa mình tìm chỗ tâm sự một lát được không Quỳnh"

- Dạ.

Hoàng đưa tay bế cu Bi nhưng nó không chịu, cứ rúc mặt vào nách tôi. Tôi thẫn thờ bế cu Bi buớc theo Hoàng ra phía bờ sông ngồi tâm sự trong lúc chờ đợi giờ lễ. Cu Bi đã ngủ gục trên vai tôi. Tôi đành ngồi xuống bãi cỏ, ẵm cu Bi vào lòng cho nó ngủ. Hoàng nhỏ nhẹ:

- Quỳnh đi Đại Hội một mình"

- Dạ.

- Quỳnh vẫn ở Texas với hai bác"

- Dạ không, em dọn về Greenville đã hơn 2 năm nay rồi. Em cũng quen Tùng từ ngày đó, nhưng em vẫn chưa... 

- Quỳnh! Anh có lỗi nhiều với em. Anh sẽ kể cho em nghe chuyện đời anh từ khi xuống tầu vượt biển cho tới bây giờ, nếu em đủ can đảm ngồi nghe.

- Dạ.

- Sao Quỳnh cứ dạ mãi thế"

- Em đâu biết nói gì nữa đâu anh. Em chỉ muốn gặp anh một lần để tìm hiểu lý do tại sao... 

Nước mắt tôi chợt trào ra... Hoàng rút khăn tay chấm nhẹ lên mắt tôi như ngày nào hai đứa chia tay trước hôm chàng ra đi. Hoàng nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi kể lể:

- Anh biết em sẽ giận, sẽ buồn Quỳnh ạ. Có thể em không tin, nhưng suốt 3 năm trời ở trại cấm, tháng nào có người rời trại anh cũng năn nỉ nhờ họ gởi thơ về cho em và gia đình. Mãi tới ngày rời trại, anh mới hiểu số phận những lá thơ đó...  Hầu hết đã bị vất xuống biển hoặc các thùng rác ở phi trường! Anh cũng không trách gì ai cả, vì mỗi người rời trại đều phải mang theo hằng trăm lá thơ của người quen nhờ chuyển dùm cho thân nhân. Chân ướt chân ráo rời trại với hai bàn tay trắng, nhiều người muốn giúp đỡ bà con đang kẹt trong trại cấm nhưng hoàn cảnh không cho phép nên họ đành phụ lòng người khác để vất thơ đi cho nhẹ hành lý. Ngày rời trại, anh cũng mang theo cả trăm lá thơ của người quen, và cả mấy tháng sau anh mới có điều kiện gắn tem gởi đi dùm họ. Sau khi định cư ở Mỹ và xin được tiền trợ cấp đi học lại, anh gởi thơ về nhà tìm cách liên lạc lại với em. Mấy tháng sau anh mới hay tin gia đình em đã dọn về Sàigòn và đang chuẩn bị xuất cảnh. Anh mừng cho em và gia đình hai bác. Anh chỉ buồn vì mấy đứa em của anh không tìm được địa chỉ của em nên anh đành làm kẻ phụ tình!

- Em không trách anh nữa Hoàng ạ! Nhưng em cũng rất buồn vì em chỉ biết tin anh sau khi anh đã lập gia đình.

- Nếu anh đổ lỗi cho hoàn cảnh cũng không đúng, nhưng anh tin rằng anh đã quyết định đúng khi chấp nhận sống chung với mẹ của cu Bi không có phép đạo để cứu sống một bào thai vô tội, và nó lại là giọt máu của anh. Thôi để anh kể tiếp cho Quỳnh hiểu: Ngày anh ra trường, một số bạn bè cả Mỹ lẫn Việt tổ chức một bữa tiệc lớn để ăn mừng. Trước đó vài tuần, anh cũng được nhận vào làm việc cho một hãng lớn ở Ohio, nơi anh đang theo học đại học. Đêm đó, có thể vì uống quá nhiều rượu bia nên anh say như chết. Gần trưa hôm sau anh mới tỉnh dậy và hối hận thật nhiều vì thấy mình đang trần truồng ngủ chung với một cô bạn người Mỹ là mẹ của cu Bi. Gần hai tháng sau, cô ta tìm anh báo tin đã có thai và muốn anh giúp thêm ít tiền để trang trải chi phí cho dịch vụ phá thai vì cô ấy chỉ thích anh trong chốc lát chứ cũng không có ý định lập gia đình. Anh đã năm nỉ mãi mới được nàng đồng ý để anh lo lắng mọi chuyện nhưng phải giữ bào thai lại cho tới ngày sinh. Cô ấy chỉ đồng ý về ở với anh cho tới khi sinh con và sẽ dứt khoát ra đi vì cô ấy không có ý định lập gia đình lúc đó. Về ở chung với nhau mấy tháng liền, anh nghĩ cô ta sẽ thay đổi ý định, nhưng anh đã lầm. Anh cũng không thể dấu gia đình về chuyện này nên cha mẹ và gia đình đã giận anh cho tới bây giờ. Lấy Mỹ đã là một chuyện không hay, đằng này lại còn ở với nhau không có phép đạo, làm sao cha mẹ anh chấp nhận được. Anh chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng và từ từ tìm cách giải thích sau. Đối với anh, điều quan trọng nhất lúc bấy giờ là bằng mọi giá phải giữ lại giọt máu của mình chứ không bao giờ đồng ý về việc phá thai. Mặc dầu anh không thực sự yêu mẹ cu Bi, nhưng anh cũng cảm phục tính tự lập và sòng phẳng của cô ta. Đúng một tháng sau ngày cu Bi chào đời, nàng đã vĩnh viễn ra đi không một lời từ biệt. Anh đã chịu cay đắng khổ cực một thời gian dài mới quen dần với cảnh gà trống nuôi con thơ! Cũng may anh quen biết một gia đình người Việt trong vùng, và được hai bác rất thương nên đã giúp anh nuôi cu Bi cho tới giờ này. Anh đã mất tất cả! Cha mẹ và gia đình bây giờ còn đó cũng như không! Anh cũng đã đánh mất tình yêu của em tự lâu rồi! Anh chỉ còn là một kẻ bạc tình, một đứa con bất hiếu, nhưng anh đã cứu sống chính con anh, và anh chấp nhận tất cả vì anh có cu Bi! Chuyện đời anh chỉ có thế thôi Quỳnh ạ. Anh đưa con về tham dự Đại Hội với hy vọng sẽ gặp được một số bà con thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh của cha con anh, và thêm lời khuyên giải để cha mẹ và anh chị em của anh bên nhà thương và chấp nhận lại anh và cu Bi như một phần tử trong gia đình. Anh chỉ là một đứa con hoang đàng, nhưng anh muốn được trở về để nói lời thống hối ăn năn. Anh đã phạm tội tầy trời, nhưng... 

Tôi bật khóc nức nở nên Hoàng thôi kể, lấy khăn tay lau mắt cho tôi. Tôi vẫn còn sụt sùi thương cảm cho hoàn cảnh của người tôi yêu. Tôi muốn gặp lại Hoàng để dứt khoát tình cảm trước khi lên xe hoa về nhà người, mặc dầu tôi vẫn chưa thực sự yêu Tùng. Tôi đã gặp lại "người xưa". Tôi ngồi nghe chàng tâm sự mà thấy đầu óc quay cuồng, ruột tôi quặn đau cho cổ họng nghẹn ngào và nước mắt cứ tuôn trào nhỏ xuống má cu Bi. Hoàng lại tiếp tục:

- Quỳnh trao cháu lại cho anh rồi chuẩn bị về đi lễ. Anh sẽ cầu nguyện cho Quỳnh được "trăm năm hạnh phúc". Anh cám ơn Quỳnh nhiều lắm. Anh vẫn không quên em, nhưng tất cả đã muộn màng. Anh xin chấp nhận số phận để cầu xin cho em được hạnh phúc.

Tôi nghe giọng Hoàng cố nén tiếng nấc, giang tay ẵm cu Bi đang ngủ vùi trong lòng tôi. Tôi nghe như mất mát thật nhiều khi cu Bi tuột khỏi lòng mình. Tôi đã thù ghét Hoàng, tôi đã muốn quên đi chuyện tình ngày cũ, nhưng tôi lại muốn cu Bi cứ ngủ mãi trong lòng tôi. Tôi nghẹn ngào trong tiếng nấc:

- Em không biết phải làm sao bây giờ Hoàng ơi!

Hoàng âu yếm quay lại nhìn tôi. Cu Bi giật mình tỉnh giấc, quờ quạng dơ tay sang phía tôi:

- Cô... Cô bế cu Bi đi. Cu Bi đi với cô thôi.

Hoàng vừa bế con đứng lên vừa nhỏ nhẹ:

- Cu Bi ngoan nào, mình phải vào đi lễ. Cô cũng phải đi lễ.

- Ba cho cu Bi đi với cô. Cu Bi chỉ muốn cô thôi.

Thằng bé cứ nhoài người sang phía tôi làm tôi thấy thương nó thật nhiều. Tôi đành nhỏ nhẹ nói:

- Cô mỏi tay lắm rồi, cu Bi để ba bế rồi cô thương. Cô cũng đi lễ với cu Bi mà.

- Cu Bi thương cô... Cô đi gần ba nè... Cu Bi sợ mất cô lắm! Cu Bi hổng có mẹ, cô làm mẹ cu Bi nha... 

Cả Hoàng và tôi đều đỏ mặt thẹn thùng vì câu nói của cu Bi. Hai đứa lặng lẽ bước chậm về lều trung tâm dự lễ. Tôi nghe như kỷ niệm lại trở về. Tôi đã gặp lại người xưa và hình như tình yêu ngày trước cũng chưa hoàn toàn đi vào quên lãng... 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến