Hôm nay,  

F-2

17/10/200700:00:00(Xem: 951398)

Bài số 2124-1916-692vb3161007

*

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài viết mới của ông kể về cách nhìn, cách nghĩ  của  “F-2”  -tức thế hệ thứ hai của người Việt, gồm lớp tuổi sinh trên đất Mỹ- về  cha mẹ chú bác, qua lời nói và việc làm hàng ngày.

*

Lời người viết: Tôi thường đến tiệm rượu của ông bạn để phụ giúp ông kiểm kê hàng tháng. Thật ra, công việc xuất-nhập hàng hoá đã có computer lưu trữ. Kiểm kê đây chỉ để biết chính xác tỷ lệ hao hụt do mất cắp bởi nội gian hay ngoại đạo" Sai sót trong việc, khâu nào"... để kịp thời đối phó và quan trọng nhất đối với ông bạn tôi là tránh đuổi oan người tốt đang làm việc cho mình.

Sáng nay tôi đến tiệm y hẹn để sau đó còn đi làm việc của mình. Ông bạn tôi không đến mà cho con đến, nói:

"Ba con xin lỗi chú! Tối qua ba con ăn trúng đồ biển ngoài nhà hàng. Ổng bị rượt chạy nguyên đêm nên không ra làm với chú được! Con ra thế ba con. Có gì chú chỉ con làm..."

Tôi không nghĩ nó làm được vì nội chỉ dẫn cho một tay mơ đã hết thời giờ thì còn làm ăn gì nữa! Phần nó chưa được 21 tuổi nên tôi cũng không muốn cho nó vô tiệm rượu. Công việc thì cũng chả có gì gấp. Nay không làm thì hôm khác. Tôi với ba nó ăn ý nên vừa làm vừa trò chuyện mới vui. Thế là tôi bảo thằng nhỏ về đi. Hôm khác, chú với ba con làm. Nó lấn cấn khó xử việc bỏ chú bơ vơ vì nhà tôi ở xa. Nó mời tôi về nhà nó nghỉ đến giờ thì chú đi làm hay chú có muốn đi uống cà phê với con"!

Và từ ly cà phê này mà có chuyện F2...

*

Vào hè, thằng Tuấn trở về nhà sau năm thứ nhất ở đại học. Nó gọi thằng Cường, là bạn học cũ ở trường Trung học địa phương năm ngoái. Hai đứa thân nhau tới tính đi chung đại học, nhưng mỗi đứa lại được học bổng đại học ở hai trường khác nhau nên đành chia-tay-kinh-tế. Cái hai buồn đầu đời ấn sâu vô tâm hồn hai đứa làm xém rớt nước mắt con trai. Nhưng không lẽ đứng ở sân trường sướt mướt như con gái nên từng đứa ôm theo nỗi buồn không tên mà đi vô ngưỡng cửa cuộc đời.

Lần đầu hai đứa về nghỉ hè với đầy mưu toan tính trước trong điện thoại. Gặp lại nhau để thực hiện những gì đã tính. Sau một tuần được phép rong chơi vì cả hai đứa đều thuộc thành phần "phải đặc biệt quan tâm"  ít nhất là trong mắt hai đấng sinh thành của chúng. Hai đứa đi xin việc làm để có tiền xài cho năm học tới. Chúng không chọn việc mà chỉ chọn nơi nào nhận hai đứa để được gần nhau mấy tháng hè có bạn. Nhưng lại nhưng -ước nguyện không thành. Thằng Tuấn đã đi làm được một tuần còn thằng Cường chờ... thằng Tuấn lãnh lương!

Tuần thứ hai không sai tuần thứ nhất. Ba thằng Cường chướng mắt với thằng con lưng dài tốn vải ăn no lại nằm. Ông đi ra mặt nặng; đi vô mày nhẹ. Không khí trong nhà lúc nào cũng như chuyển mưa! Má nó thì sợ "Thunderstorm Nguyễn" là tên Mỹ mà nó đặt lén cho ba nó. Má nó góp ý thôi chứ kể ra cũng nể mặt nó hơn năm ngoái, không bộp, không bạt... nó nữa!

"Cường à! Mày đi xin việc chi cho cực" Chờ chực người ta như chó chờ xương. Má cũng nghe thằng Tuấn nói làm ở Mc.Donald cực lắm! Sao mày không ra phụ cậu Năm mày sửa xe" Má nói cậu Năm trả lương cho xài, ba mày cũng bớt...  thunderstorm cho tao yên. Biết đâu sau này, mày học kỹ sư điện tử mà thành chủ Shop sửa xe không chừng! Đám bay ra trường, chắc gì đã có việc làm. .. "

Nó trả lời má bằng hành động bốc cái điện thoại nhà và gọi cậu Năm. Sau vài câu chào hỏi, nó vô đề luôn kiểu Mỹ vì khách sáo của nó chỉ ngần ấy thôi!

"... Má con nói để má xin cậu cho con ra Shop phụ việc. Có lãnh lương nha cậu Năm. Cậu nhận con hôn""

"Trời ơi! Mày chịu dầu mỡ với cậu thì tao vui hơn má mày rồi thằng con. Ra đây với cậu cho vui, ít nhiều tao cũng dạy được mày thay bánh xe bể dọc đường. Cậu cho ba trăm một tuần, đủ đi chơi với 'em' chưa con""

"Có em nào đâu cậu Năm ơi! Sao cậu trả con nhiều tiền dữ vậy cậu Năm" Con biết làm gì đâu" Coi chừng cậu Năm lỗ ạ!"

"Mày lớn rồi Cường à! Khờ quá vậy con" Không có ba má mày giúp đỡ thì  cậu cũng đâu có được ngày hôm nay! Mà cậu thì bao giờ không... đặc biệt cho mày!"

"Con cám ơn cậu Năm! Con sợ làm phiền cậu thôi. .."

"Thôi đừng nói nhiều. Sáng mai ra đây với cậu."

Nó gọi thằng Tuấn báo tin nó đi làm ở Shop sửa xe. Hai thằng mở ra một tương lai huy hoàng sáng lạn ngoài tiệm kem. Thằng Tuấn lên kế hoạch giành dụm 80% thu nhập hè để sang năm có thể tự túc 100%, không nhận tiền nhà nữa. Nó mừng thằng Cường được lương cao thì khả năng tự túc của thằng Cường trong năm tới còn cao hơn nó. Hai đứa đề ra quyết tâm tự lực tự cường trong năm học tới cho cha mẹ nể mặt. Nhưng tuyệt đối không nói nửa câu. Không nói với ai!

Sáng hôm sau, thằng Cường dậy sớm ngang ngửa với ba nên mặt ba nó bớt thundersbolt thì mặt nó kênh không giảm giá! Kênh bạo.

"Thưa ba con đi làm trước!"

Má nó lỏn lẻn cười. "Còn tiền đổ xăng hôn con""; "Ăn gì rồi hẵn đi he con""; "Thay đồ cũ cũ chút đi con!"; "Ra ngoải...  nhớ cẩn thận tay chân nghe con. .." Con một hồi mắc mệt! Mặt ba nó sầm xuống như tornado. Nó dông cho rồi.

*

Tuần đầu oải thiệt! Nhưng sang tuần thứ hai, nó đã bỏ được mặc cảm vô dụng cũng lãnh lương. Nó miệt mài với đủ thứ việc không tên. Lúc nghỉ trưa để ăn cơm, nó nghĩ thằng Tuấn cũng vất vả như trâu ở tiệm Mc.Donald mà tuần trăm mấy, hai trăm. Nó tuy dầu nhớt hơn thằng Tuấn nhưng đâu phải thế mà không làm cho đáng ba trăm một tuần của cậu Năm. Nó càng cố gắng bao nhiêu thì thấy kiếm được đồng tiền không dễ bấy nhiêu! Nó thành người hà tiện từ tô cơm nguội thay vì đi ăn sáng hồi nào không biết! Ba nó kêu: "Đi ăn sáng với ba" làm má nó cười!

Thầy thợ trong Shop cũng bắt đầu thích sai nó vì nó nhanh lẹ, sáng ý đưa đồ nghề khi thợ kẹt dưới gầm xe hay trong thế khó. Nó vui với cái vui của người hữu dụng và quên đi cảm giác vô dụng của tuần đầu. Quyết tâm tự lực phừng phừng như tuổi trẻ nên nó giành những xe chỉ có yêu cầu thay nhớt hay thay thắng, là công việc nó có thể tự làm. Và nó đạt được lòng tin của mọi người trong Shop nên cuối cùng nó cũng có được công việc có tên cho mình. Những việc phụ anh này; giúp chú nọ trong Shop coi như đồng nghiệp giúp nhau chứ đừng tưởng bở! Cường hôm nay không còn là Cường của ngày đầu nữa!

Cú sốc đầu tiên đến với nó là cậu Năm cho ông già Mễ nghỉ việc vì thật sự nó đã lấy hết việc của ông ta trừ việc rửa cầu tiêu, thay bao rác, đổ rác, quét dọn trước khi đóng cửa mỗi ngày. Nó ngậm ngùi chia tay ông già khốn khổ và tiếc rẻ trong túi không có đồng nào để dúi thêm cho ông già chút đỉnh. Nó tự tin hiểu đời những lúc không tiền mà đói bụng vì nó cũng từng trải một năm qua -xa nhà. Hôm vui bạn xài nhiều thì được có một hôm mà ngày lãnh lương làm thêm ngoài giờ ở gần trường học hay chờ má chuyển tiền qua trương mục của nó vài trăm thì dài cổ, đói meo... mà sống nhờ kẻ yếu thì nhục chí làm trai!

Đêm đó về nhà, nó khó ngủ lần đầu trong đời thiếu ngủ.

Tuần thứ ba trở đi, nó làm hết những việc ông già bỏ lại. Vài người thợ có máu nịnh chủ chứ không phải nể nang gì nó cũng săng sái góp tay cho rồi để đóng cửa. Nó không ngờ trong thế-giới-Việt-Nam khó hiểu hơn những quan hệ mà nó có. Nó giao tiếp nhiều với Mỹ hơn nên thấy lạ lùng. Người Mỹ chỉ làm những việc đã hợp đồng với chủ. Không được thì nghỉ chứ không làm việc không công như người Việt để lấy lòng chủ mà phòng thân khi hết việc hay xí xái khuyết điểm của mình. Nó hoài nghi bà con trong giòng họ, đồng nghiệp, đồng hương... vì là Việt Nam cả. Nó xét lại nhiều vấn đề chung quanh nguồn gốc của nó.

Nhất là từ hôm hai con nhỏ Việt lái hai xe đến Shop. Một con đợi thôi! Không xuống xe. Một con vào nói chuyện với cậu Năm.

"Chú ơi! Cái xe con kỳ lắm! Lơi tay lái là nó lủi vô lề. Con tính là nó hư cái gì rồi đó"! Hồi trước hổng có như vậy!"

Cậu Năm nhìn mặt trả lời:

"Lần trước alignment đã bao lâu rồi""

"Alignment là cái gì hả chú""

"Thì xe chạy đôi khi lủi vô parking hơi mạnh, cán lề hay xụp ổ gà, chạy đường xấu không giảm ga... làm cho tay lái hết ngay boong chính giữa. Phải chỉnh lại cho ngay thì mới vừa lái vừa nói điện thoại (talk-phone) được chứ!" Con nhỏ cười lỏn lẻn như bị bắt quả tang ăn vụng. Con ruồi cắc cớ nào để lại một bãi đúng chỗ có duyên trên khuôn mặt thiên thần, làm cu Cường ngẩn ngơ dưới gầm xe bên cạnh. Nó ráng nhìn con nhỏ hay hay nhưng lại ráng không cho con nhỏ thấy nó trong cảnh cơ hàn. Nó ước gì con nhỏ thấy nó lúc phố xá lên đèn. (Cái tên bạn bè đặt cho mớ cơ bắp của nó là Cường đô. Mà người đã đô con thì hay thích đầu đinh như sầu riêng, áo không tay còn bó bó chữ V của thân hình tập tạ. Bụng sáu cục, thắt dây nịt đầu lâu để vịn cái quần bắt chó thùng thình với bao nhiêu túi là bấy nhiêu con chó con thoải mãi ăn nằm.) Nó gióng tai nghe lén con nhỏ trả treo với cậu Năm mà nhớ má!

"Vậy alignment hết bao nhiêu tiền hả chú""

"69 đồng 99, cộng thuế. Con gái."

"Chú có bớt hôn""

"Trời ơi! Alignment bằng computer, chứ đâu phải vặn mấy con ốc mà xong. Tại dàn máy móc, computer để alignment mắc tiền nên giá đâu cũng vậy hà! Không tin chú thì chạy hỏi vài tiệm sửa xe cho biết, rồi trở lại đây hay không cũng được!"

"Thì chú bớt cho con chút đỉnh... chứ nhiều quá, con đâu có tiền trả!"

"Thôi. Khỏi tính thuế. Coi như chú bớt 10%."

"Chú bảo hành (warranty) cho con bao lâu""

"... thì 90 ngày."

"Có giấy bảo hành hả chú""

"Ừ. Muốn giấy thì chú cho một cuốn. Một miếng thì làm gì"!"

Con nhỏ cười vô tư  mà đâu biết đã làm đứng tim người khác!

"... Mà thôi. Con cũng hổng cần giữ giấy làm chi. Nhưng chú làm bao lâu""

"Chừng hai tiếng trở lại."

"Làm hổng tới hai tiếng mà 69 đồng 99! Mắc quá hôn chú""

"Hai tiếng đồng hồ ở đây chứ ở Shop Mỹ thì trăm tư đó con gái ơi!"

"Vậy chú làm giùm con. Lát con trở lại."

"Nhớ kêu chú trước để thôi con lại mà chưa xong là phải chờ ạ!"

"Dạ. Con biết rồi!. .. mà chú làm được hôn vậy""

"Trời ơi! Hư xe. Tui đền cho."

"Chú hổng có tính thêm con tiền gì nữa à nha! Con. .. "

"Thôi. Đi đi, để bạn đợi. Hai tiếng sau quay lại."

"Cảm ơn chú! Thưa chú con đi."

Người đâu mà giống má tui y hệt! Hỏi điên đầu người ta nhưng cuối cùng thì ai muốn làm gì làm! Nó lơ mơ cái mụn ruồi thấy nhớ! Nó thay nhớt xong cho xe bên cạnh, ngồi nhìn cậu Năm chạy thử cái xe con nhỏ, về. Nó dọn đường trước bệ đội xe lên để alignment cho cậu Năm vô xe để làm cho người ta mà trong bụng nó đã tính là người. .. quen. Nhưng cậu Năm chỉ đậu bên ngoài chứ không vô. Cậu gọi nó kéo ống hơi ra bơm bánh xe, lấy đồng hồ đo hơi đo cho thật đều bốn bánh. Cậu dặn đi dặn lại: "35 psi nha Cường! Bốn bánh y trân nha Cường!"

Nó lẩm bẩm. .. 35 psi. .. 35psi. .. nhiều lần cho xe người quen! Trước lạ sau quen. Làm xong, cậu Năm chạy thử lần nữa. Khi về, cậu đậu xe vô chỗ đậu của xe đã sửa xong, chờ khách tới lấy. Nó không đoán ra ý cậu Năm là đã sửa xong hay chưa tới phiên xe đó lên bệ" Nó tiếp tục xe khác cần thay thắng.

Ai cũng mừng thằng Cường đã biết làm một mình như thơ -trừ thợ nịnh lo xa! Mấy người thợ giỏi trong Shop cũng để mắt tới công việc nó đang làm để kịp thời chỉ dạy. Riêng nó thấp thỏm coi đồng hồ vì nó biết giờ giấc của người Việt Nam chỉ là ước lệ! Muốn nhắc cậu sửa xe cho người ta/ người quen. Nhưng sợ bị chọc.

Con nhỏ gọi lại đúng hai tiếng sau. Cậu Năm trả lời vô cùng khó hiểu: "Cho chú nửa tiếng nữa, con gái. Sắp xong rồi!" Nó cứ làm công việc thay thắng của nó nhưng mắt ngoài đường vì không muốn người quen thấy Cường lúc này dù Cường muốn thấy người quen lần nữa mà cụ thể là thấy cái mụn ruồi... mắc nhớ!

Nửa tiếng làm việc thì mau chứ thắc thỏm thì lâu dễ sợ! Ơn thời gian không ngừng nghỉ bao giờ. Người-quen-tự-nghĩ của Cường lại đến với bạn. Nụ cười rạng rỡ làm rớt bù-lon loảng xoảng, bốn mắt nhìn nhau không nói nên lời. Người ta còn nhặt phụ...  vụng về cho anh chàng đỏ mặt nữa chứ!

Cậu Năm đá lông nheo với cu Cường, cậu nở nụ cười bí hiểm. Đằng xa có tiếng huýt gió của mấy sư phụ chỉ dạy cu Cường hổm nay...

Cậu Năm nhận tiền tỉnh bơ. Cu Cường nghĩ chắc cũng là tiền làm jop hè cực khổ của người ta. Ước gì Cường cũng có cái Shop để sửa xe... giùm! Cậu Năm nói luyên thuyên làm Cường quên luôn là cái xe có sửa gì đâu"!

"Con gái có cái xe tốt quá! Chạy thử vài bữa, có gì trục trặc thì cứ ghé đây! Chú coi lại cho."

"Cảm ơn chú. Bây giờ con phải đi làm. Có gì con gọi chú, sau."

"Ừ. Đi đi, để trễ."

. . .

Đêm thứ hai, cu Cường khó ngủ trong cuộc đời thiếu ngủ vì cái nốt ruồi hay vì bơm bốn bánh xe mà tính người ta bảy chục đồng bạc ($69.99 đâu có thối một cent). Không cần thông minh lắm! Nó cũng hiểu được bánh xe trước -phía trong lề bị yếu hơi nên xe lủi vô lề thôi đó mà! Nó còn nhớ rõ lúc thử hơi thì bánh xe trước phía trong lề có 20 psi. Bơm thêm 15 psi hơi mà tính bảy chục đồng!

Cậu Năm của  Cường khá lên mấy năm nay là nhờ vậy sao"! Nó bỏ ý định kể thằng Tuấn nghe. .."Chuyện cái mụn ruồi" vì mặc cảm đồng lõa.

Hai mươi năm cuộc đời được sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ, nó không tin người ta có thể nói dối như thật!

*

Nắng tháng tám ở đây trên 100 độ F. Người đàn bà cỡ tuổi má thằng Cường lái đến cái xe đã sét trên mui, không máy lạnh, không mở được cánh cửa phía trong lề vì đã một lần bị đụng nhưng không sửa. Bà khai bệnh xe với cậu Năm:

"Chú ơi! Xe tui chạy tới được nhưng không de được. Tui đi chợ phải đậu xe thật xa để đừng ai cản đầu thì đi chợ ra... tui chạy tới luôn. Nhưng đi làm thì khổ lắm! Parking bệnh viện mà chú! Ngày nào đi làm ra, tui cũng phải ngóng mượn vài người đẩy cái xe ra khỏi chỗ đậu cho tui chạy." 

Cả Shop được một bữa cười no bụng với bà lao công trong bệnh viện. Bà yêu đời thiết tha khi nói đến công việc, gia đình, chùa chiền... Ngay nói đến tiền, bà cũng lạc quan như người trúng số.

"Chú coi, sửa giùm tui. Tính nhiêu tui trả. Hôm qua, tui bị bà Mỹ chửi tơi bời. Buồn lắm chú ơi!"

Cậu Năm hỏi:

"Mắc gì chửi chị" Bộ đụng bả hả""

"Đâu có! Tui đậu thiệt xa rồi, mình biết thân hổng có số de thì phải tìm chỗ đậu nào có thể chạy luôn chứ chú! Bà Mỹ xe mới, sợ cọ quẹt nên không dám đậu gần đó mà. Bả thắng chình ình trước đầu xe tui, tui khoát tay nói bả tránh ra giùm... bà trợn mắt hung dữ, chửi như nói nhảm... làm tui cũng sợ! Tui tủi thân bị chửi nhưng de lại được đâu mà đậu chỗ khác" Tui xuống xe nói chuyện với bả một hồi! Mỏi tay muốn chết mà bả cũng hổng hiểu tui nói cái gì"! Tui hiểu bả chửi chứ cũng hổng biết chửi gì"! Thây kệ bả luôn. Tui đi vô chợ. Hồi sau gặp lại trong chợ, tui nhờ con nhỏ Việt Nam gặp được bất ngờ nói giùm cho bả hiểu. Bả xin lỗi quá trời quá đất. Bả ra chỗ đậu xe trước tui nhưng bả không đi à nha! Đợi tui ra, bả mới đi để tui chạy tới! Bả sợ bỏ đi thì ai đậu vô chỗ đó sao" Thiệt tốt vậy nghen!"

Nghe xong chuyện người đàn bà, mấy người đàn ông cười hết nổi!

Cậu Năm thử xe một vòng phố xá trở về. Đốt điếu thuốc đăm chiêu suy nghĩ làm bà ta lo.

"Xe tui sao hả chú""

"Bị mất số de thì vô phương rồi chị!"

Mặt bà buồn so như trúng số nhưng lộn tờ dò số hôm qua! Bà thở dài ngao ngán…

"Chú tính sao cho tui""

Cậu Năm từ tốn phân tích cho bà nghe:

"Bây giờ phải order cái hộp số re-build thì $800. Cộng tiền delivery tới đây, tiền thuế. .. thành cả ngàn đồng. Tiền công thay cho chị $200. Tổng cộng $1200. Trong khi cái xe chị không đáng giá tới $1200, mới khó tính!"

"Vậy thôi đi chú ơi! Tui đi xe bus. Tưởng hai, ba trăm thì tui sửa chứ nhiều tiền quá thì tui đâu có."

"Chỉ còn cách này giúp chị được để có xe đi làm, còn đi chợ, đi chùa... Theo cách sửa xe ở Mỹ là thay nguyên hộp số mới (re-build coi như mới) nhưng tui sẽ tìm mua cái hộp số giống như vậy ngoài nghĩa địa xe cho rẻ để thay cho chị. Bởi theo tui tính thì mua cái hộp số re-build mắc quá, không đáng."

Nhưng... nhưng biết xài được hôn chú" Mà mua ngoài nghĩa địa thì chừng bao nhiêu" Mà thôi đi chú ơi! Tui sợ xe người chết lắm!"

Cả Shop lại ôm bụng cười. Ông thợ già đang tiện dĩa thắng, dừng tay, kéo cái kính lão tuốt xuống chóp mũi để nhìn xa! Để nhìn người trong mộng. Người đâu nói năng như ở trong rừng ra chứ đâu phải Mỹ.

Cậu Năm giải thích cho bà là nghĩa địa xe chứ không phải nghĩa địa người chết. Bà cười nắc nẻ. Thằng Cường cười hùa mà nhớ má, nhớ con nhỏ trả treo. Bà này chắc cũng cùng hệ: Hỏi liên tu bất tận rồi cuối cùng. .. "Chú làm sao làm" cho mà coi!

Nó đoán không sai. Cuối cùng là: "Chú làm sao làm."; "Tui trả trước $300. Còn lại trả góp mỗi tháng $100, trả ba tháng không tiền lời. Bảo hành một năm theo tình nghĩa đồng hương chứ Mỹ bán hộp số re-build chỉ warranty có 90 ngày. Cậu Năm còn giúp đỡ bà con bằng cách cho mượn cái xe cũ chạy đỡ ba hôm để đi làm, đi chùa, đi chợ. ..

Bà vui vẻ ra về với cái xe mượn tạm của Shop -có số de! Lời cảm ơn lập đi lập lại của bà còn vang vọng trong Shop chiều hết nắng.

Nó thấy thương cậu Năm như những ngày nó ngồi trên cổ cậu Năm chụp hình. Người cậu ưa mua đồ chơi, dẫn nó đi xem phim, Sở thú... Nhưng nhớ đến ông già Mễ bị đuổi vì có nó thế chân. (Khi nào nó đi học lại thì cậu sẽ gọi ông ta trở lại làm. Những ngày hè này, nó không phải lo cơm ăn, chỗ ở lại có việc làm rủng rỉnh tiền bạc thì ông ấy sống bằng gì" Nhớ đến con nhỏ hay hay, trả $69.99 để chỉ được bơm bánh xe. Nó cầu nguyện cho bà-cơ-cực!)

Thì ra, ngoài cuộc sống gia đình không giàu nhưng không khổ của nó, còn rất nhiều người khổ cực mà không có được cuộc sống bình thường thôi chứ không cần sung túc. Nó nghĩ đến ba ưa kéo mặt hầm hầm với nó để không được làm biếng, phải siêng học...! Chắc là không muốn nó lâm vào khốn khổ. Má nó thì ưa bao che, bênh vực để nó có chỗ dựa, chỉ có tội ưa bộp tai nó lúc má nóng giận. Má không hiểu luật pháp Mỹ đó thôi! Không được đánh con và nói nặng. Chị nó đã có gia đình nhưng gặp thằng em là cho tiền, khuyên học. ..

Nó lấy lại nghi ngờ tất cả để thương yêu người thân, mọi người. Nhưng cái xe bà-cơ-cực cứ nằm ì trong Shop tới ngày cuối. Cậu Năm trả lời điện thoại cho bà ta: "Chị cứ xài đỡ cái xe của Shop cho mượn hai, ba bữa nữa đi. Tui chưa kiếm mua được hộp số cho xe chị. .. / Không phải không có nhưng tụi nghĩa địa hét giá trên trời không hà! Từ từ nghe chị!..." Chắc bà ta lại cám ơn liên tu bất tận. Nó hy vọng cậu Năm vẫn là cậu Năm...  ôm nó trong lòng khi ba nó nóng giận đánh con không nương tay.

Nó để mắt tới cái xe bà-cơ-cực bằng tấm lòng Cường đô. Đã một tuần trôi qua trong hờ hững của mọi người. Hôm nay, người deli phụ tùng xe của Napa-Auto-part đưa đến một túi ny-lon gỏn gọn mỗi thanh thép nhỏ, cái lò xo. Nó ký nhận tờ hóa đơn $27.95 sau thuế. Không ngờ đó là đồ phụ tùng của xe bà-cơ-cực!

Cậu Năm sai nó tháo mấy miếng nhựa chung quanh cổ tay lái xe bà, mở miếng nhựa che hộp số giữa hai ghế ngồi...

Thì ra cây cần số ở cổ tay lái, mất liên lạc với hộp số vì bị gẫy đúng cái lò xo, cong thanh thép nhỏ. Nó chỉ hiểu đến đó trong kiến thức hẹp hòi của người phụ việc nhưng nó hiểu tình-người-đồng-hương ở tuổi hai mươi thì ứa nước mắt! Tính ra con nhỏ dễ thương mới bị chém ngoài da còn bà-cơ-cực này... thấu xương!

Đêm đó về nhà, nó khó ngủ lần thứ ba trong đời thiếu ngủ.

*

Bạn bè gọi nhau trở lại trường sớm hơn quy định để có dịp rong chơi vài hôm trước khi nhập học. (Nó là người đưa ra ý kiến đó chứ ai!) Nhưng hết hứng về trường sớm với một mùa hè...  vui buồn lẫn lộn, vui ít buồn nhiều. Nó quyết định làm tới ngày đi học để ba bỏ ý nghĩ nó ham chơi. Ý riêng nó chỉ thích làm những điều mình muốn nhưng đây là lần đầu nó làm điều người khác muốn thì cũng phải làm cho trót.

Ngày cuối ở Shop sửa xe. Mấy anh, mấy chú thợ mến nó tổ chức liên hoan tiễn thằng nhỏ lên đường -tương lai. Bữa b.b.q đã sẵn sàng thì cái xe thổ tả lại lao vào Shop. Người đàn ông cỡ tuổi ba nó xuống xe là nói liền, tay ông chỉ cái xe thấy ớn:

"Tôi không ngờ nó có thể chạy được đến đây vì tin nó nằm đường hơn là ngoan ngoãn đến thầy Năm. .."

Cậu Năm bắt tay khách thân mật như người nhà. Cậu vui vẻ ngược lại với thợ thầy chỉ muốn đóng cửa Shop để nhậu. Ông khách cũng được mời ăn tiệc với tư cách không mời mà đến. Mọi người nhập tiệc vui vẻ và không muốn cũng phải nghe ông khách kể lể:

"Tôi biết cái xe tôi bị điện. Xe Mỹ cũ cũ thường thế! Tôi đi Shop Mỹ để họ có đủ phương tiện (computer) mà tìm ra sai sót. Nhưng khi nghe giá cả thì thật là mình trả không nổi! Sửa không sửa thì cứ trả tiền check-up trước đã! Tôi đưa đến shop Việt Nam thì giá cả phải chăng nhưng chỉ được một tuần rồi lại chứng nào tật nấy! Tiền mất tật mang. Tôi trách mình không nhớ đến đây! Quen biết thầy Năm mà khi hữu sự thì quên béng đi. Tôi đến đây là không lộn địa chỉ nữa chứ hả anh Năm""

Cậu Năm bỏ chai bia uống dở ra xem xe ông khách. Thói quen nghề nghiệp hay gì gì thì Cường không rõ. Cậu mở cửa xe... dần dần mở tung sau trước. Lấy đồng hồ đo điện ra check chỗ này, chỗ nọ. ..

Bàn tiệc kém vui vì cậu cứ ở ngoài xe. Vậy là những mặt nịnh chủ mà Cường đã rõ cũng từ từ ra xem phụ. Cuối cùng một nhóm thợ với cậu Năm cũng tìm ra được bệnh chính xác của xe. Cậu lệnh cho đệ tử tháo hộp điện (CPU) dưới ghế của cái xe khác đang nằm trong Shop, thay qua xe ông khách qúy. Xe xong ngon hơ, nhẹ nhàng. Ông khách bước qua cây xăng mua thêm bia để góp vui với anh em cũng là cảm ơn cậu Năm với anh em đã giúp ông ngoài giờ.

Bữa tiệc tàn thì trời đã tối. Cậu Năm tiễn ông khách ra xe với 100% bảo đảm  - lifetime warranty. .. nhưng nhất định không lấy tiền sửa xe và tiền thay phụ tùng (dù mai cậu phải lo phụ tùng cho cái xe đã bị mượn hộp CPU dưới ghế  -không rẻ đâu!) Ông khách cảm kích cậu Năm hết lời. Chỉ riêng Cường không hiểu cậu Năm bây giờ! Cậu Năm của Cường những ngày tuổi nhỏ, hình tượng của thương yêu và kính trọng đã nhạt nhòa dù nó không muốn chấp nhận điều đó vì nó thương cậu nhất trong giòng họ.

Còn được hai hôm để chuẩn bị về trường. Nó với thằng Tuấn đi xem phim, đi ăn nhà hàng, rong chơi shopping một ngày. Hai đứa tính sổ hè đầu tiên quyết tâm làm kinh tế. Nó bỏ vô bank được ba ngàn để xài dần cho năm thứ hai. Thằng Tuấn được có hai ngàn nhưng vớ được con nhỏ làm chung. Hai đứa hứa hẹn như sao trên trời -khi vui nó tỏ khi buồn nó lu! Có thể Giáng sinh năm nay, thằng Tuấn sẽ không về nhà mà bay xuyên nước Mỹ để đi thăm "em" vì con nhỏ không tự tin có tiền mua vé máy bay trong mùa lễ để về nhà.

Hôm sau, hai đứa đi thăm "em" của thằng Tuấn để biết mặt vì sáng ra thì mỗi đứa đã mỗi đường -tương lai của bản thân. Không ngờ "em" của thằng Tuấn là con nhỏ đợi! Con nhỏ trả treo với cậu Năm  "chú có bớt hôn""  cũng vác cái mụn ruồi đến chơi, mới chết ngắc cu Cường!

Nó ra về sau khi chia tay bạn bè trong cảm giác vui buồn lẫn lộn. Cái xe con nhỏ mụn ruồi in sâu vô trí não nó là $69.99, lăn bánh khuất xa. Mặc cảm đồng lõa làm nó bùi ngùi trở về nhà.

Bước vô cửa đã nghe tiếng má oang oang:

"Mày không lo sắp sửa gì ráo, mai đi mà hôm nay còn đi chơi tới giờ mới chịu về!"

Nó liu riu như nhận lỗi, đi kéo vali ra thì má đã sắp xong hết rồi! Lần đầu tiên, nó thấy ba nhỏ nhẹ:

"Cường à! Mai con đi thì lấy xe ba mà đi, để cái xe con lại nhà. Ba đi làm gần thì đi xe cũ cũng được. Con lái cẩn thận nha con."

Tiếng "con" ngọt thấu lòng Cường đô. Nó líu ríu "cảm ơn ba" dù không muốn cái xe mấy chục ngàn của ba chút nào! Lần đầu trong óc nó có sự so sánh với thằng Tuấn. Cái xe nó đang có đã hơn mười ngàn, cái xe thằng Tuấn chừng ba ngàn mà nhu cầu thì như nhau là dùng để đi học, đi làm thêm ngoài giờ học ở những nơi gần trường để có tiền tiêu.

Ba đi nằm trước, còn hai má con ngoài phòng khách đèn vàng. Má nó như sực nhớ ra điều gì quan trọng! Mắt sáng lên, chân lính quýnh, miệng vui cười. ..

"Cường ơi! Má quên nói con chuyện vui!"

"Gì vậy má""

"Nè. Mày đọc tờ báo này đi! Người ta nói Shop cậu Năm mày là (num-bờ-nhứt) ở đây đó nghe! Làm ăn có tình có nghĩa! Từ nay đông khách. .. làm không hết cho mà coi!"

"Con đâu biết đọc tiếng Việt đâu má!"

"Ờ ha! Báo nói vầy nè con: Ông đó có cái xe bị hư về điện. Đi sửa ở tiệm Mỹ thì không đủ tiền. Đi tiệm Việt Nam thì tiền mất tật mang. Ổng đem tới cậu Năm, sửa thiệt tình không kể trời đã tối thui. Ổng tính vài bữa mới lấy xe nên không chuẩn bị tiền trong túi. Nhưng ông chủ Năm Hơn sửa vì tình nghĩa đồng hương chứ không phải cốt ý lấy tiền! Ổng mang ơn đồng hương và mong rằng người Việt có nhiều tiệm sửa xe tình nghĩa như vậy cho đỡ bà con.  Mày thấy chưa" Làm ăn lương thiện là trời giúp mà! Từ nay, bà con đổ tới sửa xe không kịp thở.  Má mừng cho cậu Năm mày quá!"

Nó im lặng khó hiểu! Làm má lo:

"Mày sao vậy Cường" Mệt thì đi ngủ đi. Sáng mai đi sớm, con."

"Má nói thật con nghe: Cái Shop đó là của cậu Năm hay của ba má""

"Ai nói với mày vậy""

"Má nói con không được nói dối trong nhà... thì má nói thật đi! Con muốn biết""

Má nó là băng đảng với bà-cơ-cực; con nhỏ trả treo; con bồ thằng Tuấn... hễ ai gằn giọng là tái mét khai ra!

"Chuyện vầy! Cậu Năm mày là thợ giỏi, nhưng cứ đi làm ăn công cho người ta hoài thì chừng nào mới khá" Ba mày tự kêu cậu sang tiệm làm ăn chứ má không có nói ổng tiếng nào là giúp cậu Năm đâu ạ! Ba mày khó khăn, cộc tính. .. tự hồi nhỏ ổng khổ quá nên không muốn con cái khổ thôi Cường à! Ổng thương gia đình hơn mọi người nghĩ. Ổng thương cậu Năm mày giỏi giang mà thiếu thời cơ, người đỡ đầu nên ổng ra vốn sang tiệm. Cậu Năm mày thì giỏi nhất trong gia đình má rồi! Nó cũng tình nghĩa với người thân lắm! Làm được là gom góp trả vốn cho ba con, nhưng tánh ba con là mượn không trả thì ổng cào nhà người ta ra. Nhưng biết điều, chịu khó... là ổng giúp tới cùng. Ổng cho luôn vốn cậu Năm chứ không lấy lại. Chỉ cách đầu tư cho cậu Năm mua thêm máy móc làm ăn nên cái Shop của cậu Năm hồi sang chừng trăm ngàn, bây giờ hai trăm rồi Cường à! Cứ cái đà ăn nên làm ra như vầy thì bên gia đình má cũng đỡ. Một tay cậu Năm con lo cho ông bà ngoại, giúp đỡ mấy cậu, mấy dì. Chứ má giúp được ai đâu"..."

"Thôi. Con hiểu hết rồi! Mai con đi xe con. Má nói lại với ba giùm con: Con cám ơn ba cho xe mới, nhưng đi học xe mới không tiện đâu má! Bạn bè dòm ngó lắm! Con muốn bình thường như mọi người thôi. Dễ cho con hơn. Từ nay má đừng chuyển tiền qua trương mục con nữa. Con tự lo được."

"Ba mày không muốn mày vừa đi học vừa đi làm đâu Cường à! Ổng không muốn mày xài hoang chứ đâu phải không muốn cho tiền mà mày giận!"

"Không phải vậy đâu má! Con muốn tự lo lấy thân thôi đó mà. Con hứa là học ra trường cửa trước chứ không ra cửa sau đâu mà ba má lo."

"Ba mày mà nghe thì ổng mừng hết nói!..."

"Thôi. Má đi ngủ đi."

"Mày ăn gì hôn""

"Con không đói. Cám ơn má. Má đi ngủ đi."

Từ đêm đó, nó khó ngủ trong cuộc đời thiếu ngủ. Sáng mai, thằng Tuấn lên đường với hai ngàn trong trương mục cho một năm học mới. Nó hơn được một ngàn là may mắn hay xui xẻo"  Thằng Tuấn trở lại trường với hai ngàn đô la; một mối tình tràn trề hy vọng! Nó được ba ngàn đô la nhưng phải delete số phone con nhỏ mụn ruồi vì mặc cảm đồng loã. Nó mang về trường cả cộng đồng người Việt mà trong đó có gia đình nó để nghĩ suy về nguồn gốc.

Không biết hè năm sau, nó quay lại với cộng đồng đã sinh ra nó hay đi tìm một job hè như thằng Tuấn để giao tiếp với Mỹ-dễ hơn"!

*                            

Lời cuối của người viết: Vậy là ly cà phê đầu tiên tôi uống với một người bạn nhỏ đáng tuổi con mình. Không ngờ thú vị hơn những ly cà phê áp-phe mấy đỗi! Tôi hoàn toàn không ngờ (cháu) mở ra cho tôi một vùng tư duy mới lạ! Suy nghĩ về thế hệ F - 2 trong cái đầu một chấm năm (1.5) của tôi mãnh liệt! Xin từ bỏ ý nghĩ: trong hộp sọ trẻ con sinh ra bên đây chỉ có đòi hỏi và thụ hưởng. Phần trí thức thì tôi phục họ đã lâu và phần tâm thức thì nay xét lại.

Đêm về, tôi còn nghĩ ngợi đến tận khuya. Thế hệ F -2 sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, trong điều kiện cơ sở vật chất ban đầu đã có thế hệ đi trước tạo dựng. Họ tự tìm về nguồn khi bị kỳ thị bởi màu da bản xứ chứ tôi cũng không tin mấy: Tuổi trẻ về nguồn vì tinh thần dân tộc! Nhưng qua chuyện tâm tình của người bạn nhỏ thì rõ anh ta có tinh thần của tiền nhân khai phá phương Nam - luôn mang theo ý chí tự lực tự cường. Lòng tự trọng của người đi khai mở vùng đất mới là sống hòa nhập với người bản địa chứ không khuất lụy! Thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên nơi đây! Họ có quê hương không" Họ có gì để nhớ để quên một quê hương hoàn toàn là chuyện kể! Nơi sản sinh ra những người thân khó hiểu trong tư duy thẳng thắn thật thà của họ. 

Chúng ta nuôi dạy đàn con trên quê hương thứ hai là bổn phận, trách nhiệm của người đi trước trước gia đình, tổ tiên, quê hương, dân tộc… Nhưng  truyền đạt cho thế hệ sau tinh thần dân tộc; tình yêu đồng bào; tình nghĩa gia đình… đều là những điều cần thiết và vô cùng đúng đắn nhưng truyền đạt cách nào để dung hòa với văn hóa Mỹ mà những bạn trẻ đã tiếp thu từng ngày ở học đường. Con người ta, ngoài miếng ăn, giấc ngủ, đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém những nhu cầu vật chất. Thậm chí đời sống tinh thần còn quan trọng hơn vật chất ở những kẻ có lòng với gia đình là một đơn vị nhỏ trong cộng đồng. Đừng đánh mất thế hệ sau vì mãnh lực đồng đô la! Mong lắm thay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,867
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến