Hôm nay,  

Wichita, Đất Lành Chim Đậu!

28/08/200700:00:00(Xem: 148496)

Bài số 2076-1939-643vb3280807 

*

Dương Thượng Trúc là bút hiệu của Bùi đăng Thủy một người lính Biệt Động Quân, đến Hoa kỳ theo diện H.O 26 đang định cư tại Wichita, Kansas - và làm nghề “Nhấn nút ăn tiền” trong hãng máy bay Cessna được hơn 10 năm.

Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.

 

Thật ra, khi được đưa đến định cư một cách ngẫu nhiên tại Wichita, Kansas, hắn cũng chẳng hề hay biết rằng đây là thành phố có kỹ nghệ hàng không lớn nhất nước Mỹ và  có lẽ là lớn nhất thế giới.

Nó tập trung bốn hãng chế tạo máy bay, trong đó có một hãng từng đứng đầu thế giới:

Boeing, Cessna, Raytheon, Learjet. Cách nay vài năm, Công ty Boeing bán một số cơ xưởng cho một nhóm các nhà đầu tư để thành lập công ty khác, mang tên là Spirit.

Số công nhân làm việc cho năm hãng này không dưới 30,000 người, trên tổng dân số 300,000 cư dân thành phố. Nên dân Việt ta, nhà nào cũng có người làm hãng máy bay, thậm chí có gia đình may mắn, có đến hai, ba người được nhận.

Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các hãng này, nên cũng thu hút khá đông thành phần lao động như : assembly, lay up, composit, sheet metal, mài lưỡi khoan, thợ tiện …

Nghành thợ tịện thì khỏi nói, thanh niên Việt Nam rất thích vì lương cao, sạch sẽ, nhẹ nhàng mà có người gọi nôm na là nghề “Nhấn nút ăn tiền“

Nói la ngẫu nhiên, vì trong hồ sơ đi H.O hắn khai muốn đến định cư tại California, và được sự bảo trợ của một ông xếp cũ, ông gọi phôn về nói :

- Cali nắng đẹp mà bạn bè lại đông, khá nhiều anh em Tiểu Đoàn 11 Biệt động quân định cư  tại đây, chú mày sang khỏi bỡ ngỡ…

Ngày ra nhận vé máy bay, hắn tá hỏa, sau khi nhìn đi nhìn lại, lật ngược lật xuôi vẫn thấy không ổn . Mọi thứ đều đúng phóc, ngoại trừ nơi đến. Thành phố nào đây mà lạ quắc, lạ quơ.

- Xong rồi thì đi ra cho người khác làm việc, cha nội!

Hắn thông cảm được với sự nôn nóng của dãy người sắp hàng dài dằng dặc phía sau lưng, nên vội vàng bước tránh sang một bên.

Và tần ngần đứng đó, không biết phải hỏi ai!

Âu thì hãy cứ đợi đấy, may ra gần đến giờ nghỉ việc, sẽ có người giúp hắn. Chứ  bây giờ thì bố bảo, hắn cũng chẳng dám mở miệng.

Hắn lặng thinh quan sát các cô làm việc, phải thành thật mà công nhận rằng các cô ở đây đều rất đẹp. Ăn mặc hợp thời trang, chỉ hơi tiếc một điều: phải chi thỉnh thoảng các cô nở một nụ cười thì trọn vẹn biết bao! Nhưng có lẽ, đối với các cô đó là một thứ xa xí phẩm.

Công việc căng thẳng quá, nên các cô không cười chăng"

Không hẳn, vì theo trình tự công việc các cô làm thì thấy cũng giản đơn lắm.

Nhận giấy báo, dò danh sách, tìm phong bì đựng vé máy bay ngay trong ngăn kéo dưới gầm bàn, hai việc này đều được sắp xếp theo mẫu tự ABC nên cũng dễ tìm, trao vé cho đương sự kiểm soát lại, ký tên nhận vé. Chấm hết!

Một người làm việc bình thường, không cần cố gáng lắm, thì giải quyết một hồ sơ như  thế chắc chỉ tốn độ chừng 4 đến 5 phút. Thế mà, các cô nhẩn nha có khi đến 20 phút.

Thế thì không thể nói rằng vì công việc căng thẳng mà các cô thiếu vắng nụ cười. Cách giải thích duy nhất là: các anh chẳng xứng đáng để được nhận cái món xa xí phẩm!

-Này! Anh kia, có vé rồi, sao không chịu đi, còn đứng đó, chật chội chỗ người ta làm việc.

Hắn giật mình, bước sán đến gần bàn làm việc, chìa cái phong bì có đựng 4 tấm vé máy bay ra trước mặt, trả lời vội vã:

-Thưa cô, nơi đến không đúng như trong hồ sơ tôi đã điền, chắc có chi lầm lẫn.

- Không có lầm lẫn gì cả! Vẫn thường xảy ra như thế. Đến ngày lên lịch bay, mà người bảo trợ của anh không liên lạc, họ sẽ xếp anh vào loại đầu trọc, không người bảo trợ, và đưa anh đi bất cứ nơi đâu ! Nếu anh không đồng ý thì trả vé lại, về nhà làm đơn khiếu nại, đem đến đây, sẽ giải quyết sau!

Như bị điện giật, hắn đút ngay cái phong bì vào túi, miệng lắp bắp :

-Không không! Cám ơn cô! Đi đến đâu cũng được …

Khi bước nhanh ra ngoài, tai hắn còn nghe tiếng cô gái chửi với theo:

-Rõ là đồ ngớ ngẩn, sao không chịu hỏi người bảo trợ, mà làm phiền ở đây!

Hắn tự hỏi, không biết ai ngớ ngẩn, vì nếu liên lạc được với người bảo trợ thì hắn đã rõ cả rồi!

May mà hắn còn kịp ngưng câu nói giữa chừng : “ Đi đến đâu cũng được …miễn rời khỏi Việt Nam …”

Trả vé lại! Có mà điên! Hồ sơ đi theo trình tự thì may ra mình còn có điều kiện để theo dõi đường đi nước bước của nó. Chứ cái thứ khiếu nại, khiếu tố thì cứ gọi là chờ “Mút mùa Lệ Thủy“. Hồ sơ đóng mốc đóng meo trong ngăn kéo, nhưng nếu đến hỏi thì sẽ được trả lời là đang nghiên cứu -Hắn có quá nhiều kinh nghiệm đau thương trong vấn đề này rồi! Chớ có dại!

Nhà cửa bán hết rồi, có mà ra gầm cầu! Gầm cầu chưa chắc đã có chỗ, vì đã bị đám cái bang miền Bắc tràn vào chiếm cứ hết rồi, léng phéng đến đó chúng đánh cho phù mỏ. Nghĩ đến đám ăn xin này, hắn lắc đầu ngao ngán, cho không vừa ý là chửi ngay, mà đã là bố thí thì tùy hảo tâm thôi chứ! Một lần ngay tại nhà hắn:

-Nhà bác trông phúc hậu thế, mà lại bủn xỉn keo kiệt làm vậy. Mẹ con cháu  bốn người lặn lội từ  miền Bắc vào đây, nhà bác cho nửa bơ  gạo, có mà chết đói à ! Ai cũng như nhà bác thì mẹ con cháu đã rục xương dọc đường rồi, có đâu vào được đến trong này. Thôi nhà bác để dành mà đem xuống cho ông bà tổ tiên nhà bác đi nhé!

Hắn còn đang ngơ ngẩn vì bị mắng một thôi, một hồi thì mụ đã ngoe nguẩy kéo theo ba đứa con phá như quỷ nhà chay, bỏ đi một nước, sau khi đã để lại cho hắn cái nguýt dài hàng kilomét.

Lần khác, tại nhà một anh bạn, vốn là giáo chức, bị “Mất Dậy “ sau khi miền nam sụp đổ, có nhà mặt đường, nên bày ra bán buôn vớ vẩn, độ nhật qua ngày. Mới ra tù, hắn ghé thăm bạn, hai người ngồi ngay hàng hiên, nhâm nhi tách trà nóng, nhắc chuyện ngày xưa. Một thanh niên trông rất bậm trợn, sấn đến xòe tay xin tiền, hắn ngạc nhiên hỏi:

-Anh trông khỏe mạnh và lành lặn, sao không tìm việc làm, mà lại đi ăn xin"

-Nhà bác nhận cháu nhé" Anh ta hỏi lại.

-Tôi có việc gì làm đâu mà nhận anh!

-Thế đấy, ai cũng trả lời cháu một kiểu như  nhà bác vậy, không có việc làm, chẳng lẽ nhà bác bảo cháu đi ăn cướp à! Coi thế chứ nghề ăn xin còn lương thiện chán đấy bác ạ! Lắm khi nhà cao cửa rộng như các bác đây mà đồng tiền có thể đến từ những việc làm mờ ám không chừng ấy chứ!

Người bạn đứng lên, móc túi lấy ít tiền giúi vào tay hắn, và đẩy ra cửa, miệng giả lả:

-Thôi đi đi, cho tôi buôn bán!

Gã thanh niên khệnh khạng bước đi, không thèm có một lời cám ơn.

-Không cho, nó đứng lải nhải suốt ngày, chả làm ăn gì được cả- bọn “xin đểu” mà !

Hắn và anh bạn nhìn nhau, lắc đầu ….

Về đến nhà, hắn giấu biệt cái chuyện thay đổi chỗ đến. Hắn không muốn làm buồn lòng vợ. Một lần hắn nghe lỏm được cô nàng tỉ tê với các em:

- Cali đông người Việt lắm, chị chẳng cần đi học tiếng tây, tiếng u làm gì cho mệt. Cũng không cần phải lo việc làm, chị sẽ nấu một nồi bún riêu, bán đại trên vỉa hè một ngôi nhà nào đó cũng tạm qua ngày. Bên ấy, cái bánh mì kẹp thịt cũng hơn một đô la, sao chất lượng bằng tô bún riêu của chị, có rau muống chẻ, bắp chuối bào, lại thêm chanh ớt, mắm tôm nữa. Chị sẽ ra bờ biển Cali bắt còng, cáy về giã ra nấu lấy nước, ngon tuyệt vời… Em bảo sao" Bị bắt ấy à! Cái ông Đại sứ, ổng đi mò nghêu, chắc là trong hồ nhà người ta, nên mới bị bắt đưa ra tòa, chứ chị bắt chim trời cá nước, ai làm gì chị được. Bên này, một tô bún bán có ngàn mấy mà cũng đã có lời rồi, đằng này bán đến một đô la là mười mấy ngàn Việt Nam, một lời mười ấy chứ! Chị cố gắng nấu sáng một nồi, chiều một nồi chẳng mấy chốc khá giả, chị sẽ gởi tiền về các em sơn sửa nhà cửa lại cho bố mẹ ở thoải mái lúc tuổi già.

Giản dị làm sao và cao quý làm sao, giấc mơ của một nàng dâu chăm chút cho cha mẹ chồng. Hắn đành lòng nào phá vỡ đi, nên đành giấu biệt…

Xuống đến phi trường New York trời đã hoàng hôn. Cầm được cái I-94 hắn ôm chầm lấy vợ con và thét lên : “Mình thật sự ở trên đất Mỹ rồi“, mặc bao con mắt bàng quang nhìn hắn như nhìn một quái vật.

Rời New York khi thành phố đã lên đèn, từ trên cao nhìn xuống, vợ hắn xuýt xoa:

-Thành phố to lớn và đẹp quá anh nhỉ! Chẳng biết Cali có được như vầy không"

-Mình không đi Cali, em ạ!

-Tại sao vậy" -Vợ hắn tròn xoe mắt hỏi.

-Chắc anh Hải có gì trục trặc.

-Sao anh không cho em biết"

-Anh không muốn đập bể nồi bún riêu của em.

Mặt nàng đỏ bừng lên, rất đáng yêu, không biết vì mắc cỡ hay vì sung sướng, liếc sang thấy hai con đã chìm trong giấc ngủ mệt mỏi, nàng vít đầu hắn xuống, hôn đánh chụt vào má. Một luồng điện cực mạnh chạy qua khắp châu thân, hắn ngạc nhiên vì cảm giác kỳ quặc này, ăn ở với nhau mười mấy năm rồi chứ có xa lạ gì cho cam …thì ra cái cảm giác cho đi khác với đón nhận, từ xưa đến giờ, tất cả mọi công việc đều do hắn quyết định và chủ động. Hắn chỉ cho,chứ chưa bao giờ được nhận cả. Hắn cũng nghiệm ra rằng: trong môi trường tụ do, con người ta cũng trở nên phóng khoáng hơn.

-Thôi đi đâu cũng được, nhưng mai kia nếu mình muốn dời về Cali, chẳng biết họ có cho mình chuyẻn hộ khẩu không"

Nàng lập lại một phần câu mà hắn đã nói tại sở Ngoại Vụ, hôm đến nhận vé máy bay. Và bây giờ thì hắn có thể tự do nói phần kế “Miễn sao rời khỏi Việt Nam là tốt rồi…”

Nhưng hắn nghe ngèn nghẹn nới cổ họng, còn gì đau đớn và mỉa mai hơn, khi phải nói là mình sung sướng được trốn chạy khỏi nơi chôn nhau cắt rún "

-Trên đất Mỹ tự do này, anh không nghĩ họ còn áp dụng chế độ hộ khẩu đâu mà em lo. Hắn vỗ nhẹ vào lưng nàng, để trấn an, và có lẽ cũng để tự an ủi mình.

-Không biết công ăn việc làm ở đó ra sao"

-Chắc là tốt thôi, em sẽ không phải đi bán bún riêu!

-Sao anh biết là tốt" - Vừa nhéo hắn một cái đau điếng vào ba sườn, nàng vừa gặng hỏi.

-Bởi vì nơi mình đến là thành phố Wichita, nó ở ngay giữa tiểu bang Kansas, mà tiểu bang này nằm ở trung tâm nước Mỹ. Này nhé, cái lỗ rún của em có quan trọng không"

-Quan trọng chứ, không có lấy chỗ đâu xức dầu cù là!

-Ông Chủ Tịch có quan trọng không"

-Rất quan trọng, vì không có ông ấy, ai đọc diễn văn"

-Đúng, rún thì nằm chính giữa cái bụng của em, Ông Chủ Tịch thì thường ở giữa các bà phó chủ tịch và những người phụ tá. Từ đó, theo “Tam Đoạn Luận” ta có “Những gì ở giữa thì quan trọng, Wichita Kansas ở giữa nước Mỹ, nên Wichita quan trọng” …

Hắn có tật thích đàn đúm, văn nghệ văn gừng, chén chú chén anh, nên đến Wichita chẳng bao lâu, hắn đã quen biết khá nhiều.Thấy hắn là người mới, ai cũng muốn giới thiệu vào làm cùng chỗ với họ. Nhưng tất cả cũng chỉ là rượu vào lời ra, nói đó, quên đó.

Duy có một chàng trai trẻ, tên Minh là rất thiết tha muốn giúp đỡ hắn.

-Em làm hãng Boeing, bị lay off, đang làm hãng tiện nhỏ bên ngoài. Làm hãng tiện là con đường ngắn nhất để vào hãng máy bay đó anh. Tiện trong Boeing lên top cả 30 dollar  đó.

-Ba chục đô một ngày"

-Một giờ đó chứ anh!

-Thiệt không vậy"

Mọi người ngồi quanh bàn đều gất đầu xác nhận lời Minh nói.

-Nhưng anh đâu biết gì về nghề tiện, cũng chả có chút kinh nghiệm nào!

-Anh cứ khai là có kinh nghiệm bên Việt Nam. Không biết thì có người hướng dẫn, nếu anh xin vào hãng em đang làm thì em sẽ giúp anh, dễ ợt hà! “Nhấn nút ăn tiền mà”.

-Để anh đi học thêm dăm ba chữ Anh cho nó chắc ăn đã, rồi tính…

-Đây là số phôn của em bất cứ lúc nào anh gọi em cũng sẵn sàng.

Ôm sách vở đến trường chỉ vài tháng thì hắn nhận ra ngay là chuyên chữ nghĩa không còn hợp với hắn nữa rồi. Nghe tai trái, nó chui tuột qua tai phải, học chữ sau thì quên mất chữ trước.

Sau khi lấy xong bằng lái xe. Hắn gọi phôn cho Minh.

-OK! Chiều cuối tuần thì Bob là ông chủ ở đây hay uống bia với anh em công nhân.Thứ sáu này anh tới đây, em giới thiệu với ổng luôn.

Chiều thứ sáu đó hắn lò dò đến hãng tiện. Minh ra đón hắn, dẫn vào phòng ăn. Một người đàn ông da trắng, tướng tá nghênh ngang, cầm lon bia trên tay, chân gác lên ghế. Hắn đoán là ông chủ Bob. một số công nhân độ hơn chục người, sau khi tan ca một, nán là nhâm nhi vài lon bia cuối tuần. Có hơn phân nửa là người Việt Nam.

Minh đến tủ lạnh lấy hai lon bia, trao cho hắn một lon, tự mở một lon và nói với Bob:

-Anh tui mới ở Việt Nam qua, cần việc làm, ông nhận ổng đi. Ổng là lính,  đánh giặc giỏi lắm đó.

-Tao cần người chạy máy, chứ không cần người đánh giặc.

-Ổng từng bị ở tù tới hơn 5 năm lận đó!

-Cướp nhà băng hả"

-Không! Bị tù Cộng Sản.

-Ba tao cũng từng bị tù Cộng Sản khi máy bay của ổng bị rớt ngoài Bắc Việt.

Hắn bước đến gần, bắt tay Bob.

-Cho tôi gởi lời cám ơn đến ba anh và tất cả những người Mỹ đã chiến đấu giúp chúng tôi giữ gìn miền Nam trong bao nhiêu năm.

-Mày có kinh nghiệm không"

Hắn còn đang ngần ngừ, vì chẳng thà là viết ra trên giấy những điều không đúng sự thật, thì chí ít mình cũng không phải đối diện với người mình muốn nói dối. Đàng này… Minh thúc tay vào cạnh sườn hắn ra dấu gật đầu đại đi, hắn như một cái máy, gục gặc đầu. Xong, hắn cảm thấy vô cùng xấu hổ,vì đã trâng tráo thừa nhận những điều không đúng sự thật, bèn nói lãng sang chuyện khác:

-Mày trông không giống ông chủ chút nào!

-Chứ giống cái gì"

-Mày giống tài tử điện ảnh hơn.

Điều này thì hắn nói thật chứ không hề tâng bốc.Vì Bob rất giống tài tử trong các phim cao bồi viễn tây. Tướng cao lớn, đẹp trai, khi đi hai tay khuỳnh khuỳnh ra, như sẵn sàng rút súng…

Cả phòng cười rần lên. Bob nói to với Minh:

-Mày nói nó thứ hai đi làm đi. Tám đồng rưỡi một giờ, nếu làm tốt sẽ lên lương sau.

Cha mẹ ơi! Nghĩ đến mà thương hại cho cô vợ hắn.

Sau khi bị cú sốc trong lớp học, nàng cũng đã xin đi làm.

Số là, một lần bà thày bảo nàng đặt câu với hai danh từ Kitchen và Chicken, nàng bèn đọc to:

-“Tuần qua, tôi sơn cái chicken của tôi và tuần này tôi nấu cái kitchen “.

Cả lớp cười như vỡ chợ, nàng bỏ sách đèn luôn từ đó.

Được nhận vào dọn dẹp trong một khách sạn hạng cá kèo.

Sáng nọ, sau khi thông báo giờ dọn phòng, nàng đến bấm chuông, không thấy trả lời, đinh ninh khách đã ra ngoài. Mở cửa bước vào, nàng dội ngược ra, quăng cả thùng bọng khăn, xô…bo" về một nước.Thì ra, một ông Mỹ đen thui, nằm chình ình trên giường trải nệm trắng nuốt, không một mảnh vải che thân…

Cả tuần lễ sau vẫn chưa hoàn hồn, chắc phải thấy cái gì khủng khiếp lắm nên mới hoảng sợ như thế, chứ hàng ngày vẫn gặp các ông Mỹ đen ngoài phố, hoặc chợ búa thì có chuyện gì xảy ra đâu.

Thê mà lương chỉ bằng nửa lương hắn mà thôi!

Để cho các bà thấy thế nào là lễ độ. Nhiều bà “Chưa đỗ ông Nghè, đã đe hàng Tổng“. Mới cầm vé máy bay đã hăm he: “ Sang bên ấy, các ông mà lộn xộn thì chỉ có chết “Lady first đấy “ …

Đúng là nhấn nút ăn tiền, vì “set up” đã có người lo, progam đã có người viết.

Có part chạy chừng mươi phút, có part chạy cả hai ba tiếng đồng hồ, tha hồ mà ngồi đốt phổi - lúc ấy còn cho hút thuốc ngay trong hãng- Giờ rảnh rỗi, hắn chạy sang học lén cách người ta set up, dần dà cũng khá lên.

Hơn năm sau, thì hắn đưo.c hãng Cessna nhận. Cũng nhấn nút ăn tiền - Ca của hắn làm, có đến 80 phần trăm là người Việt Nam- cuộc đời bắt đầu lên hương từ đó.

Cách nay hơn hai năm, kỷ niệm tròn 10 năm ngày đến Mỹ, gia đình hắn dọn vào một căn nhà rộng gần 4000 SF, năm phòng ngủ.Vợ chồng một phòng, hai phòng cho hai con, còn hai phòng dùng để tiếp đón bạn bè. Nhà tọa lạc ngay bên hồ, có tàu đậu sau hậu viên.

Những đêm trăng thanh gió mát, hắn cùng nhóm bạn neo tàu giữa hồ, đối ẩm, dạo những đường tơ êm ả, hay ngân nga lời Đường Thi để tìm lại chút dư hương ngày cũ.

Hoặc khi không có bạn bè, hắn rủ vợ ra lắc tàu để nhớ về Sông Hương Núi Ngự.

Ôi! Thật thần tiên thơ mộng.

Hắn viết ra những điều này, hoàn toàn không muốn huyênh hoang về cái thành phố hắn đang cư ngụ, hoặc muốn khoác lác về những gì hắn có được. Mà chỉ như một cách để tỏ lòng tri ân với người Mỹ, đã bao dung đón nhận hắn, tri ân nước Mỹ, đã cho hắn có cơ hội làm lại một con người đúng nghĩa, và có thể đem tài hèn, sức mọn đóng góp cho xã hội. Đồng thời, cũng là một lời nhắn nhủ đến bạn bè hắn nói riêng, và tất cả đồng hương khắp nơi trên đất Mỹ nói chung:

Wichita thật sự là một vùng đất bình yên cho những cánh chim lạc đàn chúng ta làm tổ.

Wichita, sạch sẽ, khang trang và rất chân tình. Chỉ có mỗi một thiếu sót là Wichita không có chỗ để quý vị tiêu tiền.

Không trà đình, tửu điếm, không thanh lâu, vũ trường. Ngay cả sòng bài, trong một cuôc trưng cầu dân ý mới đây, cũng đã bị từ chối. Nên tiền quý vị làm ra, chỉ có một nơi để đưa vào là nhà băng.

Và thú vui của những người dân Wichita là cuối tuần họp mặt tại nhà bạn bè, do đó tình cảm rất thân mật, đến nỗi, một người bạn đến từ Cali đã phải thốt lên: Nơi này phố nhỏ, tình thân…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa