Hôm nay,  

Ông Rọm Là Ai?

20/07/200700:00:00(Xem: 230383)

Tác giả: Nguyễn Thị Huế Xưa
Bài số 2047-1910-614vb6200707

Tác giả là cư dân Austin, Texas, y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố. Cô đã góp cho giải thưởng nhiều bài viết đặc biệt, về những đề tài sống động với khung cảnh bệnh viện nơi cô  làm việc  và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2006. Sau đây là bài mới nhất cô, kể thêm về một nhân vật cựu biệt kích gốc Việt.

Rọm là tên một nhân vật gàn bướng, kỳ khôi và "xấu hơn ma" trong cuốn tiểu thuyết "Mưa Trên Cây Sầu Đông" của bà Nhã Ca. Trong truyện, mọi người gọi ông là “Thằng Rọm.” Cô Đông Nghi thì gọi Rọm là “Ông Thằng Rọm”. Tôi đọc cuốn truyện này từ thưở mới lớn và nhớ.
Rồi sự tình cờ đưa đẩy, tôi được gặp một người lao công làm trong bệnh viện thành phố, gợi cho tôi hình ảnh của "ông thằng rọm."  Ông rọm của tôi là một cựu biệt kích. Có lẽ ông cũng rọm không thua “ông thằng rọm” của bà Nhã Ca nhưng tấm lòng ông thì bát ngát bao la.  Lòng trung thành của ông với quê hương khổ nhục, sự chung thủy của ông dành cho người bạn đời mất trí và tình đồng đội bền chặt tới mức muốn chia xẻ một phần cơ thể của ông cho người bạn cũ khiến tôi quí phục ông. 
Cũng nên nhắc lại ông Rọm là tên gọi thân thiết của tôi dành cho người lính biệt kích tên Danh lúc trước làm lao công trong bệnh viện nơi tôi làm việc. Khi làm chung ở nhà thương tôi được nghe ông kể về những biến chuyển trong cuộc đời của một người chiến sĩ trở về sau những tháng ngày tăm tối ngục tù.
Chú Danh nghỉ việc và dọn đi tỉnh khác thì hai năm sau khi đi dự đám cưới của con anh bạn ở Houston, tôi tình cờ gặp lại và được nghe thêm những thăng trầm trong cuộc đời trên xứ Mỹ của ông.
Cũng nơi đây tôi biết được ông còn có một cái tên nữa là bác Hai, và thêm một nghề mới là chuyên đi cúng quảy, sắp xếp lễ lộc cưới hỏi cho những người quen.
Vẫn anh bạn thân năm ngoái cưới vợ cho con trai,  năm nay  anh tiếp tục lo cho cô út đi lấy chồng. Trên đường lái xe ba tiếng đồng hồ tới dự đám cưới, tôi đã thầm nghĩ không chừng lại có dịp gặp lại ông rọm.
Qủa thật như tôi mong muốn, khi nhà cô dâu sửa soạn đón nhà trai tới thì người bưng mâm qủa gõ cửa không ai xa lạ chính là ông rọm. 
Năm ngoái ông rọm đứng ra chủ lễ cho nhà gái thì năm nay ông bưng mâm qủa theo nhà trai.  Điều khiến tôi sửng sờ nhất là nhìn thân thể gầy còm của ông rọm trong một bộ áo tràng màu xám dài lê lết. Mái tóc dài búi tó lưa thưa của ông không còn nữa, thay vào đó là mái tóc húi cua để lộ chân tóc gần sát da đầu.
Tôi còn nhớ năm trước ông bị máy mắt vì uống thuốc an thần khá lâu.  Năm nay da dẻ ông có vẻ hồng hào hơn và đôi mắt không còn bị chớp máy liên hồi nữa thì không lý gì ông bị bệnh.  Nhìn lại cái áo tràng xám thì tôi phân vân, hay là ông rọm đã đi tu"
Trong lễ vui qui lần này,   ông rọm nay là bác Hai, đã đại diện nhà trai để kết thúc buổi lễ cưới tại gia "thành kính cầu xin các Như Lai Chư Phật phù hộ cho hai trẻ một đời bên nhau bình an".  Tôi nghe lời chúc của bác Hai thấy có một ý ẩn gì hơi lạ trong đó mà chưa thể đóan được.
Sau khi làm lễ xong, ông rọm đến bên tôi tay bắt mặt mừng nhưng sau đó ông chào:
- Thật là qúi hóa qúa nên tui lại được gặp cô.  Chừ tui phải đi có công chuyện.  Túi ni gặp lại đằng nhà hàng nghe cô.
Nhìn ông rọm lật đật ra về tôi đoán có lẽ ông phải về "baby sit”  cho bà vợ bị bệnh của ông như có lần ông đã đề cập.  Tôi nghĩ ông chỉ lịch sự hẹn với tôi nhưng chưa chắc ông đã đến được. 
Như những buổi tiệc cưới tưng bừng khác của người Việt Nam, nhà hàng Kim Sơn mới với tám món ăn vừa khẩu vị.  Bàn của chúng tôi thay vì có mười người thì chỉ có tám người dự, cho nên đồ ăn dư dã.  Khi ăn tới món thứ ba thì ông xã tôi khều tay nói nhỏ:
“Ông bạn của em tới kià.”
Tôi nhìn lên và bắt gặp nụ cười hiền lành của ông rọm.  Thì ra anh bạn cũng tế nhị lắm nên sắp chổ cho ông rọm ngồi chung bàn với tôi.  Có lẽ chỗ ngồi trống còn lại dành cho bà vợ của ông rọm. Tôi cười đùa:
- Chú tới trể nên nãy giờ tôi ăn hộ phần ăn của chú hết mấy món rồi.
Ông rọm biện bạch:
-Bà vợ tui...chướng qúa nên tui ráng lắm mới dụ bà ấy ngủ rồi mới đi được.
Đúng như tôi đã tiên đoán, ông rọm phải về nhà lo cho bà vợ. Tôi liền hỏi:
- Vậy chứ chú đi đây rồi ai trông chừng thím cho chú
Ông rọm trả lời nhát gừng:
- Có... người ta lo.
Sau khi ngồi xuống và chào hỏi những người ngồi chung bàn, ông rọm thong thả giải thích người ta đây là những người làm trong viện dưỡng lão.
Bà vợ của ông rọm vốn bị mổ màng óc và sau nhiều năm thì trí nhớ không còn nguyên vẹn như trước, sức khỏe càng ngày càng suy yếu.  Đời sống của hai người càng nguy hiểm vì tính tình thất thường của bà ấy. 
Ông kể là có lần ông đang nấu canh, chỉ bỏ vào nhà tắm có mấy phút mà ở ngoài bếp bà vợ của ông làm đổ cả nồi nước sôi lên mình.  Cũng may bà chỉ bị phỏng nhẹ nên khi đưa vào nhà thương không bị nhập viện.  Rồi có mấy lần bà ta mở cửa ngẩn ngơ đi lang thang giữa đường xém bị xe tông.  Lần cuối cùng khi bà ta ra ngồi ngay giữa đường thì người hàng xóm báo cho cảnh sát hay.
Sau lần đó chỉ vài ngày sau thì cơ quan xã hội (APS-Adult Protective Services) đến nhà khám xét rồi cho là ông rọm không đủ khả năng nuôi vợ một cách an toàn nên họ buộc phải đưa vợ ông vào trong viện dưỡng lão để đuợc săn sóc kỹ càng hơn.
Khi kể lại chuyện này, ông rọm chua chát:
- Cô nghĩ coi, tui đi lính gìn sông giữ núi cả đời mà qua đây có một người vợ mà lại lo không xong.  Tủi hổ, ốt dột cô nờ!
Thấy tôi lắng nghe, ông tiếp tục than thở:
- Tui như ngưởi bị...cùi cô ơi.  Đôi bàn tay cầm báng súng một thời mà gìờ đây không bảo vệ được cho chính gia đình mình.
Tôi an ủi ông là sức người có hạn, ông không thể tự trách mình những gì xảy ra ngoài khả năng của mình được.  Ông rọm rơm rớm nước mắt:
- Cô cũng thấy tui là người...vô tài bất tướng phải không"  Từ ngày vợ tui vào viện dưỡng lão thì đời tui  không có ngày nào giống ngày nào đó cô.  Tội vợ tui lắm, cái đầu óc vô tư lự của bả chắc không còn ý nghĩ gì ngoài mỗi ngày ngồi chờ tui đưa thằng Andy vào thăm thì bả mới nhớm lên được một chút vui trong ánh mắt.
Tôi tò mò hỏi:
- Andy"
Ánh mắt của ông rọm bỗng nhóe lên một tia nhìn hạnh phúc khi trả lời:
- Andy là thằng cháu nội của tui.
Tôi nhìn ông chưng hửng. Mấy năm nay có nghe ông nói gì về con cái đâu mà bây giờ lại có cháu nội.  Nhìn nét mặt  tôi, ông rọm cười khan:
- Cuộc đời tui lúc nào cũng gay cấn, khốc liệt  vậy đó cô.  Cuộc chiến đã có lúc phải ngưng trong tức tưởi trong khi tui cứ tiếp tục cầm cự, chiến đấu với những điêu tàn còn lại.
Ông rọm cho biết Andy là thằng cháu đích tôn năm tuổi của ông. Ngày trước khi ông đi học tập trở về đứa con trai duy nhất của ông với bà vợ trước lúc đó khoảng tuổi của Andy bây gìờ.  Bà vợ trước của ông vì hoàn cảnh ở nhà lấy bộ đội.  Ông mất cả nhà cửa vợ con.  Khi ông chắp nối với bà vợ thứ hai này thì trong những năm tháng còn lại nương náu ở Việt Nam cho tới ngày qua Mỹ ông chưa hề được gặp lại đứa con của ông. 
Cách đây không lâu, một ngưòi bạn cùng quân ngũ của ông cho hay là đứa con trai của ông hiện đang định cư ở Houston và đang làm chủ một nhà hàng nhỏ.  Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông quyết định tìm kiếm giòng máu của mình.
Đứa con trai khi gặp lại ông tuy không thờ ơ nhưng cũng chẳng mặn nồng cho lắm.  Ông không trách nó mà ngược lại cám ơn trời phật đã cho ông cơ hội được hội ngộ với con mình.  Ông cũng cảm thấy mình còn có phước là đứa con của ông đã được nuôi nấng dạy dỗ đàng hoàng.  Dường như gã bộ đội lấy vợ ông vì không có con được nên hết lòng thương yêu đứa con của ông.  Chẳng hiểu gã này làm gì mà rất giàu và có uy thế mới có thể đưa đứa con trai của ông qua bên Mỹ với một số vốn liếng khá để làm ăn. 
Ông nghe phong phanh là bà vợ trước của ông có dặn con là nếu qua Mỹ gặp lại ông thì phải đối xử tử tế, có lẽ vì nghe lời mẹ nên nó mới nhã nhặn với ông chứ từ nhỏ tới lớn nó có biết ông là ai đâu mà bảo nó thương yêu ông được.
Khi nhắc đến bà vợ trước, giọng ông rọm có chút tha thứ nhưng tiếc nuối:
- Chén kiểng úp với chén sành cô nờ.  Bà ta lấy cán bộ, thôi thì dù sao bà ta cũng may mắn gặp được một tên kha khá nên cuộc đời cũng đỡ vất vả.
Tôi để ý là ông không còn kêu bà vợ trước là "mụ" nữa.  Tuy nhiên ông còn hằn học:
- Tụi cán bộ chắc tham nhũng, ăn chặn trên xương máu của dân lành nên mới có tiền đem qua Mỹ tiêu xài lớn. 
Ông rọm tuy giận nên nói càn, nhưng ông nói không qúa đáng đâu.  Gần đây nghe nói con cháu của cán bộ đi du học khá nhiều, đứa nào cũng đem tiền của qua mua nhà cửa, làm thương mại và lấy vợ có quốc tịch Mỹ để được ở lại. 
Ông rọm nói tiếp:
- Đã chửi ngụy mà bây gìờ cho con cháu qua sống bám vào đất ngụy.  Rõ ràng là chế độ, loài người đạo đức giả. Thằng con tui cũng đâu kém ai, nó không thèm lấy vợ Việt gốc Mỹ mà lấy luôn con vợ người Mỹ chính tông.
Tôi thấy ông rọm bắt đầu nổi giận nên lật đật hỏi:
- Andy là con lai chắc là nó đẹp lắm phải không chú"
Đôi mắt sâu của ông bất chợt long lanh:
- Thằng nhỏ dễ thương lắm cô.  Nó có nhiều nét giống bà vợ trước của tui, nó có mái tóc nâu mềm mại và đôi mắt đen láy trông ngộ nghĩnh lắm.
Tôi nói với ông rọm là tôi thật mừng cho ông có được chút tình gia đình như thế sẽ đỡ cô đơn.  Ông rọm nhìn tôi cay đắng:
- Tình đến rồi tình đi cô nờ
Tôi nhủ thầm, trời ơi ông nói câu này như ông đang hát bài nhạc tình vậy.


Ông rọm có nhiều lý do để chua chát vì theo như ông kể, đứa con trai qua Mỹ đã khá lâu, lấy vợ người Mỹ và làm chủ một tiệm ăn nhỏ nhưng rất phồn thịnh.  Gần đây công việc qúa bề bộn nên cả hai vợ chồng nhờ ông đưa thằng Andy đi học và đón về mỗi chiều.  Ông hoan hỉ giúp con giữ cháu.
Mỗi chiều ông đón Andy đi học về thì hai ông cháu ghé vào viện dưõng lão thăm bà vợ của ông. Bà vợ không còn trí nhớ của ông ngày nào cũng chờ đợi thằng nhỏ vào để vuốt ve, nựng nịu. Đó là chút hạnh phúc còn lại trong đời mà cả ông lẫn bà vợ đang được hưởng.
Thằng Andy thì rất ngoan, mỗi lần gần tới viện dưỡng lão ông đều ngừng lại ở Mc Donald mua cho nó đồ ăn. Thằng nhỏ chỉ ăn hamburger, còn lại French Fries và món đồ chơi trong Happy Meal thì nó để giành cho đem cho " bà bà".  Ông dạy nó vài lần thì nó biết kêu vợ ông là bà nhưng nó rất thông minh, chỉ sau vài lần ngồi xem phim chưởng với ông là nó tự động nghộ nghĩnh gọi vợ ông là "bà bà". 
Tôi nghe ông kể mà cảm động bèn hỏi:
- Như vậy là hôm nay cuối tuần chỉ có một mình chú đi thăm "bà bà" thôi hả"
Ông rọm nhếch miệng với nụ cười méo xẹo:
- Hạnh phúc như mây bay, cô ơi. Có đó rồi mất đó.  "Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc...", cuộc đời là hư ảo cô ơi.  Tui kiếm ra con, được ôm ấp cháu một thời gian ngắn ngủi bây giờ tui không được gặp thằng nhỏ nữa.
Bắt gặp cái nhìn kinh ngạc của tôi ông phẩn nộ:
- Con vợ tóc vàng của thằng con tui nó hổn hào, nó cấm không cho tui tới gần thằng Andy nữa. Nó kiếm cớ chia phân ông cháu tui.
Biết ông rọm hay nói chuyện gàn bướng  nên tôi hỏi cho ra nguyên cớ thì ông ấm ức cho hay là cách đây mấy tháng, khi đi rước thằng Andy từ trường về thì thằng nhỏ bị sổ mũi, nhức đầu và có vẻ như muốn cảm. Thế là ông rọm đưa thằng nhỏ về nhà đè ra cạo gió.  Khi giao trả Andy lại cho ba má nó, thằng nhỏ thích chí vạch áo khoe liền với mẹ nó là nó có nhiều "tattoo" (dấu xâm) trên lưng.  Vậy là cô con dâu người Mỹ của ông la lối um xùm và đòi kêu cảnh sát bắt ông vì tội "hành hung" con nít.
Tôi nghe chuyện ông Rọm kể mà hỡi ơi vì đã có những trường hợp tương tự xảy ra với những người Việt Nam đã bao nhiêu lần lúc người Việt mới qua đất Mỹ.  Nhưng sau bao nhiêu năm qua, phần lớn những người Mỹ đã thấu hiểu được những tập quán của người Việt nên không lạ lùng gì về vấn đề cạo gió.  Tôi nghĩ có lẽ cô con dâu của ông qúa xót ruột khi thấy nhiều vết bầm trên người thằng bé Andy chăng"
Ông rọm kể chuyện nhưng rất tức tối:
- Bà ...nó, nó ỷ người Mỹ rồi muốn nói gì thì nói.  Tui cạo gió xong thẳng nhỏ khỏe ru, hỏi nó thì nó nói đâu có đau đớn chi đâu.  Với lại tui xài đồng xu nhỏ xíu và cạo nhẹ tay.  Cháu tui thương đứt ruột mà nó dám nói tui hành hung. Thằng con tui sợ vợ, còn con nớ thì không biết đạo đức, lễ nghĩa là gì, tui già như ri mà nó dám chửi tui điên, nó nói tui ... crazy đó cô. 
Ông rọm có một điểm đặc biệt là mỗi khi ông giận dữ nét mặt hùng hổ của ông trông rất khôi hài, nhất là lần này vì đầu ông cạo trọc nên càng làm nổi bật sự phùng mang trợn mắt độc nhất vô nhị  của ông.
Nhìn tôi chúm chím cười, ông rọm tức tối trách móc:
- Lạ chưa, cô còn cười tui nữa
Tôi hoảng hốt đính chính:
- Không phải tôi cười chú đâu, tôi mừng vì tôi thấy giữa tôi và chú có căn duyên gặp gỡ, mà mỗi lần tôi gặp chú là một lần tôi hiểu thêm về cuộc đời của chú và thấy chú lạ lắm.
Ông rọm thấy tôi bào chữa nên cũng bớt giận:
- Tui với cô đúng là có cơ duyên, tui chưa bao giờ tâm sự với ai về những riêng tư của tui, kể cho cô nghe vì lúc trước làm trong nhà thương tui thấy cô hay kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện của bệnh nhân, rồi cô hay an ủi người ta. Cô thấy tui lạ chắc vì mái tóc hippy của tui không còn nữa phải không"
Tôi không trả lời mà gắp cho ông rọm một miếng chạo tôm, thì ông xua tay:
- Cám ơn cô nhưng tui có món đồ chay đây rồi.
Nghe ông nói xong thì tôi mới để ý là ban nãy người hầu bàn đưa ra một dĩa rau cải xào với nấm và để kế bên cho ông rọm.  Tôi tuy ngạc nhiên nhưng cũng nửa đùa nửa thật:
- Chú cắt tóc giống như...Henry Chúc thế này mà chú tính ăn chay đi tu hay sao"
Giọng ông rọm buồn hiu:
- Tâm tui chưa lành nên cố tu mà chưa được cô nờ.
Được biết từ khi bà vợ vào viện dưỡng lão thì ông rọm mỗi ngày tiếp tục đến chùa làm công qủa và học thêm kinh sách.  Khi đứa con dâu  cấm không cho ông gặp thằng cháu nội Andy nữa thì ông đâm ra chán đời, tự trách là kiếp trước mình làm gì nghiệt ngã nên kiếp này hết phước mới phải trải qua những nổi đau đành đọan, bi thảm.
 Lần cuối khi ông lén đến trường đứng xa xa nhìn thằng Andy tan học, nó cũng lén nhìn ông rồi đưa bàn tay nhỏ xíu lên vẩy chào ông xong buồn bả leo lên xe về với mẹ nó, ông cảm thấy đứt ruột, đau nhức tâm can, nhưng đồng thời cũng biết là sự lưu luyến tình cảm này sẽ chỉ làm ông khổ thêm thôi.  Ông quyết định xuống tóc, ăn chay và mỗi tối ông đều đọc kinh sám hối.
Tôi chợt nhớ tới chiếc áo tràng ông mặc ban sáng:
- Như vậy là chú đã xin theo thầy học đạo rồi phải không"
Ông rọm thở dài não nuột:
- Cái vận tui còn long đong lắm cô, tui chỉ mới ráng tu tại gia thôi mà còn chưa trọn nói chi mà dám làm phiền tới thầy.
Tôi lấy làm lạ nên hỏi:
- Tu tại gia hay tại chùa cũng là tu.  Chú đã xuống tóc, ăn chay như vậy chú đã là tu sĩ thì cũng gần như từ bỏ cuộc đời bên ngoài rồi.
Ông rọm tâm sự:
- Cô biết mà, tui còn... sân si, ố nộ lắm.  Nói tới cái chế độ ác ngã của cộng sản miệng mồm tui còn muốn chửi.  Nghĩ tới sự chia rẻ giữa tui với đứa cháu tui còn oán đứa con dâu.  Nhìn bà vợ không còn trí nhớ tui còn thương lắm.  Đôi lúc buồn tui còn giống như... Trư Bát Giới, còn muốn uống một tửu rượu giải khây. Tui qui y mà cả ba giới Phật, Pháp, Tăng tui chưa làm trọn được giới nào cả.
Khi nghe ông rọm cắt nghĩa thì tôi mới biết ý nghĩ của mình còn qúa nông cạn.  Mặc dù bà vợ ông ở trong viện dưỡng lão nhưng ông cũng còn trách nhiệm và vẫn nặng tình, nặng nghĩa.  Ông đi tu rồi thì ai vào thăm bà mỗi ngày, ai đẩy xe lăn đưa bà đi dạo mỗi chiều trong công viên"
Ông tiếp tục giải thích cho tôi hiểu về áo tràng xám ông mặc:
 - Tui mặc áo lam, ăn rau qủa và mỗi tối đọc kinh sám hối nhưng chỉ đủ để tự tu tại gia thôi cô.  Ngày nào tui giữ được tâm thanh tịnh thì tui mới thật sự có căn duyên, mới dám vào cửa phật. Từ ngày tui ăn chay, niệm phật thì tui không còn phải uống thuốc an thần nữa cô. Tối nào tui đọc xong bài kinh sám hối thì tui ngủ ngon vô cùng.
Nói tới chuyện ngủ tôi lại nhớ là ông từng nói với tôi là ông suốt đời chỉ ngủ ngồi thôi, không nằm bao giờ. Tôi dằn lòng không được nên phải hỏi:
- Ngủ ngồi làm sao ngon đuợc
Ông rọm cười ngất:
- Cái cô ni lạ qúa, tui kể chi cô cũng nhớ qúa rõ ràng. Tui ngồi thiền xong nhắm mắt dựa lưng vào tường ngủ thẳng giấc không phiền muộn.
Tôi đã từng tưởng tượng ông ngồi ngủ trên cánh dù tung gió thì lần này tôi nghĩ một ngày nào đó ông ngồi ngủ rồi sẽ... hóa thành tượng đá.  Tượng đá vô tri không suy nghĩ, không biết đớn đau về những ràng buộc, đổi thay của cuộc đời. Không chừng lúc đó tâm thiền của ông sẽ được thảnh thơi hơn.
Tôi khen ông rọm:
- Chắc nhờ ăn rau qủa và ngủ được nên trông chú tuy vẫn còn ốm nhưng không yếu như trước.
Ông rọm đang cười rồi bỗng nhiên xụ mặt:
- Thấy vậy chứ không phải vậy đâu cô.  Cái đầu tui dạo này hơi thanh thản nhưng bù lại cái thận thì dở lắm. 
Ông rọm cho biết sỡ dĩ ông biết cái thận của ông rất yếu vì mấy tháng trước người bạn thân của ông vì thận hư nên đang trong tình trạng đợi chờ để được ghép thận, thì ông tình nguyện cho bạn ông một trái thận của chính mình.  Khi đi thử máu mới biết cái thận của ông cũng trong tình trạng suy nhược.  Dĩ nhiên là ông rất tuyệt vọng vì không giúp được bạn và buồn nhiều vì sợ mình không đủ sức khỏe để còn trông nom, thăm viếng bà vợ mất trí nhớ.
Ông buồn bã nói:
- Cô coi đó, thằng bạn thân sát cánh với tui trên chiến trường, giờ đây cả tui và nó đều là người... tàn phế. Tui muốn cho hắn một trái thận vì như thế thì hai đứa tui sống trên đời này mới có ý nghĩa, nhưng rổi tui cũng đành chịu vì chính sức khỏe của tui cũng bết bát qúa.
Tôi nghe ông Rọm kể chuyện muốn cho thận mà xúc động. Ai bảo ông chưa trọn giới qui y" Có mấy ai dám hy sinh một phần thân thể của mình cho người khác mà không hề vụ lợi.  Chỉ tội cho ông là ông không làm được những gì tâm ông muốn y nguyện.
Buổi tiệc cưới đến lúc vui nhộn vì mọi người cùng đang ra sàn nhảy với cô dâu và chú rể. Tôi đẩy miếng bánh ngọt qua cho ông và hỏi thăm ông hiện tính là m sa. "
Ông rọm ưu tư và lập lại lời nói lúc nãy:
- Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc
Tôi tiếp lời ông:
- Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc
Ông rọm trố mắt nhìn tôi:
-A. Cô nói giùm tui rồi đó.  Tui không tính tóan chi xa, cuộc đời có đó rồi mất đó.   Tui tính đem vợ tui lên Ohio, trên đó có mấy người thuộc họ hàng bên vợ tui, may ra còn có chút tình thân.
Tôi nhớ là ông rọm ở xứ Mỹ này có mười mấy năm và cũng đã...lưu lạc giang hồ tới gần mười mấy tiểu bang rồi. 
- Chú đi chi xa lắc xa lơ vậy"
Ông rọm nheo mắt:
- Đất lành chim đậu mà cô.
Tôi chưa kịp nói thêm thì cái điện thoại cầm tay của ông rọm reo lên. Sau khi vắn tắt trả lời, ông với nét mặt thảng thốt:
- Vợ tui nổi ...cơn ...
Ông nhìn tôi như không muốn giải thích thêm. Tôi nhìn ông không  dám hỏi chi thêm ,cả tôi và ông đều đang thấm một nổi ưu phiền chung. 
Ông không nói lời từ giã, chỉ chắp tay xá tôi một xá, tôi cũng xá lại ông và khi nhìn bóng dáng còm cỏi của ông len lỏi giữa đám đông ra về, tôi chợt nghĩ đến một mảnh đất lành với con chim đại bàng rủ cánh âm thầm thưong đau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến