Hôm nay,  

Chàng Cù Lần Đất

02/02/200700:00:00(Xem: 29166)

CHÀNG CÙ LẦN ĐẤT

Người viết: NGỌC ANH

Bài số 1190-1802-509 vb5010207

*

Ngọc Anh là tác giả đã nhận giải Danh Dự  Viết Về Nước Mỹ từ năm thứ ba, với nhiều bài viết đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, một truyện tình mùa xuân.

*

Cánh buồm trôi êm ngoài xa, không gian như ngừng lại cho chuyện đôi ta.

Chuyện từ thuở xa lắc xa lơ, nhắc lại, vẫn như vừa mới hôm qua: Chúa tạo dựng đàn ông trước. Ngài nhận thức rằng sản phẩm ấy chưa hoàn hảo nên mới nói rằng: ta có thể làm tốt hơn. Rồi Ngài bẻ một nhánh xương sườn của tạo vật chưa hoàn hảo, nắn thành người đàn bà.

Sau khi có người nữ, đời sống buồn, vui, sướng, khổ, triền miên, cho cả hai phái, đồng đều.

*

Ngày đầu xuân năm ấy, họ gặp nhau, tình cờ như mọi chuyện tình cờ do duyên đưa đẩy của thế gian.

Lần đầu tiên gặp nhau, nàng có một chút thất vọng, dù nàng đã ráng thực tế, hình dung ra chàng, một người đàn ông làm thương mại mà nàng thường xuyên tiếp xúc qua điện thư một thời gian dài. 

Chàng hiện ra cục mịch, cù lần!.

Chàng có đôi mắt nhìn không rõ, lờ đờ đàng sau cặp kiếng thiệt dầy, nhìn nghiêng nghiêng kém linh hoạt. Bù lại ông trời nắn cho chàng chiếc càm lẹm duyên vô cùng, hơi đưa ra phía trước, chẻ đôi dưới càm, kèm theo nụ cười luôn nở lộ vẻ liếng khỉ dễ thương rất trẻ thơ.  Chiếc miệng cười duyên sau vài lần gặp nhau che lấp khiếm khuyết của đôi mắt vẫn chưa cho nàng cảm giác quen thuộc.

Những lần gặp gỡ, thân mật bên nhau, mặn nồng, ấm áp, chung hơi thở, biến thành một của nhau, nàng càng nhận thấy chàng chỉ là một anh cù lần …. Chỉ biết nói nhiều lắm một vài chữ "Anh yêu em" hay thêm một chữ nữa, cho tròn hơn "Anh yêu em lắm"…rồi thôi.

Sau nầy, nàng thêm một chữ nữa, cũng cho tròn nghĩa như những chữ chàng cứ nhắc đi nhắc mãi bên tai nàng nóng hổi, chàng "cù lần …đất".

Điều khó quen nhất cho nàng, là giọng nói đặc sệt địa phương của chàng mà vài người bạn của nàng gọi là giọng "Bắc Kỳ rốn". Với lối phát âm dấu mũ thật nặng, như nhấn mạnh chữ, như đè nặng, phủ xuống mặt chữ, khiến giọng nói trở nên giật giật, sẳng lè, thiếu vẻ dịu nhẹ, êm ái của giọng nói người miền Nam đã đớt dễ thương. Khi nói chuyện, chàng lại có thói quen gật gù, như muốn gia tăng thêm sức nặng của câu nói. Ngoài những điều hơi kỳ lạ nầy, chàng còn có cái tánh tỉ mỉ trật tự, giữ nét sinh hoạt của một người độc thân, tự lo toan mọi chuyện lắt nhắt. Nhìn chàng đưa chiếc bàn ủi nhỏ xíu, cẩn thận đè thật sát, vuốt cho thiệt thẳng thớm từng phần cánh tay áo, thân áo, trong lúc nàng chạy lăng quăng chung quanh.

Nàng trề môi:

- Em ghét nhứt là ủi đồ.

Chàng cười, chiếc cằm lẹm nhô ra phía trước làm duyên, trông thiệt muốn cắn một cái.

- À, anh thì quần áo phải là thẳng thớm, quen rồi. Từ thuở còn đi học anh sống ra sao, bây giờ anh vẫn sống y như thế.

Nàng cười khì:

- Em mua quần áo, lựa loại nào khỏi ủi mà dễ thẳng. Cứ giặt xong, xấy khô, giũ giũ, máng lên móc áo là xong. Ngồi rị mọ ủi đồ lâu lắc sốt ruột quá.

Giọng nói miền Nam kỳ lục tỉnh của nàng tròn trịa, như reo vui, nóng ấm như ánh nắng ngoài sân, pha chút nhõng nhẻo con nít.

Chàng lại cười:

- Anh là chứ có phải em là đâu mà than nhiều thế.

Bắc và Nam khó hòa hợp, khó hiểu nhau, vậy mà trong đời nàng bao nhiêu lần vướng vô mấy chàng Bắc kỳ mới lạ. Nàng linh hoạt, nóng tánh, bên cạnh chàng điềm đạm, nguội ngắt như một cội cây già. Những khi hai đứa đi lạc đường, chàng là người bao giờ cũng cười cười:

- Em cứ chạy thẳng, không sao đâu.

Cứ chạy thẳng, chạy hoài, cho tới chỗ không chạy thẳng được nữa, thì chàng mới cho nàng ngừng xe, để hỏi đường đi.

-  Có đi đâu mà vội, đi đâu rồi cũng đến.

Chàng thản nhiên.

Chạy vòng quanh chọc phá, tới khi chàng lôi chiếc vớ ra ủi, nàng chịu thua,  ra chiếc ghế bành ngoài sân, chộp theo cuốn sách, thu lu hai chân ngã đầu lên thành ghế êm ái như con mèo phơi nắng.

Anh nắng vàng tươi ngày đầu xuân có gió hiu hiu thoang thoảng mùi muối biển nồng nồng. Hai đứa đều yêu biển. Chỉ cần hửi mùi thơm của biển, chỉ cần nhìn những cánh chim dăng hàng trên mặt biển, cũng đủ vui.

Cuộc đời độc thân của chàng lênh đênh theo gió như cánh buồm ngoài biển, chàng ước muốn một ngày nào đó, hai đứa sẽ cùng nhau dong buồm ra khơi, đi cho hết cuộc đời. Chàng cũng sợ,

"Trời cho ta phần nầy, sẽ lấy mất của ta phần khác" chàng tâm sự với nàng ít ỏi, như thói quen.

Ban đêm, hai đứa thường ra biển.

Biển đêm sóng vỗ mạnh liếm vào bờ  đá rồi rút ra xa, bọt lan trắng xóa. Con đường đi hướng ra ngoài khơi không giống bất cứ con đường nào trên mặt đất. Chồng chất lên nhau bằng những tảng đá lớn, có chỗ mặt bằng như tấm ván, bước chân thoải mái, có mặt lồi, lõm, nhọn hoắt như kim tự tháp. Có tảng đá xếp gần nhau, dễ nhảy nhót, có những tảng rời xa, cần bàn tay nắm chặt nhau, tiếp sức bước qua. Đây là giang san của loài hải âu.

Những lần ra đó, nàng thường thích đi cho hết con đường thiệt dài, ra tận mũi, nơi có ngọn đèn màu xanh, nằm trên một trục tròn và cao, như  hải đăng, ngó vô đất liền xa lắc xa lơ. Đứng ở đó, bên cạnh chàng vững chãi, nàng có cảm tưởng như mình đang ở giữa biển, minh mông chung quanh mặt nước xô đẩy nhau dợn sóng, từng bầy hải âu dang thẳng cánh thênh thang. Nàng đứng thẳng, mái tóc dài bay  dạt theo hướng gió. Mây trên cao nối liền mặt biển bao la, thấy như giữa sống và chết thiệt gần, giữa cuộc đời chính giây phút đó mình đang ở thiên đàng, với hơi thở nóng ấm của chàng bên cạnh.

Đứng nơi đầu gió, hít thở mùi biển muối, nàng có linh cảm lạ lùng như  mùa sau mình sẽ chẳng bao giờ còn trở lại chốn nầy với chàng. Cuộc đời sẽ trôi qua, và những gì đang xảy ra bây giờ sẽ rớt vào quá khứ mất tăm. Nàng đã quen lần với những mất mát, không còn gì để cho lòng mình buồn khổ hơn nữa.

Nàng yêu biển, yêu dòng nước đẵm mát thịt da. Ngâm trong nước, nàng như lấy lại nguồn sinh lực mạnh mẽ.

Nàng nói với chàng:

- Chắc kiếp trước em là cá, sao em thèm biển quá trời.

Biển minh mông dữ dội đập vào ghềnh đá, hay biển thầm lặng dạt dào ngoài xa đều thân thiết với nàng vì biển mang trong lòng nắm tro tàn của người cha yêu quí đã "hai lần chết". Nàng ra biển hoài, những khi không có chàng bên cạnh. Có khi đi lặng lẽ một mình, có khi rủ theo cô bạn gái.

Những ngày hè hai đứa đi thiệt sớm, cười khúc khích khi vượt qua cổng gác mà chưa có ai làm việc để thu tiền vé vô cổng.

Vậy là mình lời rồi.

Thường thường  hai đứa ghé đâu đó mua hai ổ bánh mì thịt nguội, hai ly cà phê đem theo, là đủ cho một ngày thảnh thơi ngoài nắng gió. Vùng biển nầy có con đường quanh quẹo, lót bằng ván dẫn đưa một đoạn dài trước khi sang con đường đất men theo ngọn đồi cao, đi lần xuống bãi. Thỏ và sóc núp ló hai bên con đường giữa cánh đồng đầy bông vàng rôm, ngước những đôi mắt tròn vo ngẩng đầu ngơ ngác dòm, nhưng nhanh chân lủi ngay vô hang khi có tiếng động chung quanh.       

Lần chàng qua thăm, hai đứa lại dẫn nhau xuống biển. Ngồi trên tảng đá to chàng hào hứng cầm máy chụp hình:

- Anh không ngờ biển nầy đẹp quá thế, đấy, ngồi yên anh chụp kiểu ảnh.

Con đường xuống bãi ngang qua một khóm xương rồng, nàng xà xuống:

- Anh coi nè, người ta khắc tên trên lá anh ơi.

Nàng reo lên vui thích.

Chàng cười:

- Em kiếm cho anh cây gì nhọn nhọn, anh khắc tên hai đứa.

Vừa lục lọi trong bóp nàng vừa cười vang:

- Ah , bày đặt như con nít.

- Sao lại con nít, anh khắc tên hai đứa, lần sau mình trở lại tìm rồi lại khắc cái mới.

Chàng tỉ mỉ từng nét khắc như đứa nhỏ tập đồ. Hai tên quấn quít nhau trên phiến lá xanh dầy, nhựa cây tươm ra.

Không biết cây có đau" Nàng ngẩm nghĩ, chắc lá đau, máu chảy kia, Lá đau , để vui lòng nhân thế. Còn chúng ta niềm vui có được bao nhiêu" Tự nhiên ngậm ngùi.

Nàng kéo tay chàng:

- Thôi, mình xuống biển anh.

Biển trải rộng, không thấy bên kia bờ, không gợn một làn mây trên bầu trời mùa xuân xanh ngát. Đàng xa kia hàng cây palm vươn thân mảnh dẽ vẫy chòm lá chào gió, những cánh chim lượn bay nghiêng, lông cánh trắng phau thơ thới.

Sóng lan lên bờ, cát mịn trơn thấm nước, đậm màu thêm một chút, mơn man đôi bàn chân trần một cảm giác dễ chịu.

Chàng kéo tay nàng lên tảng đá:

- Ngồi đây anh kể chuyện …

Gió hiu hiu, giọng nói Bắc kỳ rốn tự nhiên ngọt ngào.

Buồm trôi êm ngoài xa, cánh buồm trắng nhấp nhô.

Bao giờ mình theo cánh buồm, bỏ không gian, bỏ thời gian, bỏ tất cả cõi ta bà, để trôi thiệt xa, tít tấp theo ngọn gió ngoài kia… cù lần đất ơi.

Cù lần yêu dấu,

Hôm qua em đi tiệc. Tiệc vui. Nhìn thực đơn, thấy ngán muốn chết, toàn trân châu bát bửu, mà em thì chỉ thèm, thèm gì cù lần biết mà. 

Trong những món ấy, em chỉ thấy có món cam sành Hoa Sơn là  hấp dẫn.

Em ghé hỏi người ngồi bên cạnh:

- Sao giống Hoa Sơn trong chuyện chưởng Kim Dung"  

Người bạn trả lời em:

- Bây giờ người ta nhập cảng trái cây từ Á Châu, có thể đó là cam hái từ núi Hoa Sơn.

Rồi người bạn hỏi em có nhớ chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ không" Có nhớ lúc Lệnh Hồ Xung bị Thầy phạt trên núi Hoa Sơn, có cô tiểu mụôi Nhạc Linh San phải đem cơm và rượu cùng hai quả cam sành hằng ngày lên cho sư huynh không".

Em nhớ chuyện đem cơm nước thì có, nhưng thêm "hai quả cam sành" thì, thiệt là em ú ớ hỏng nhớ rõ.

Người bạn cười:

- Phải có hai quả cam sành của cô tiểu muội, chàng Lệnh Hồ Xung mới sống nổi mấy mùa đông trên đỉnh Hoa Sơn đầy tuyết.

Em suy nghĩ hoài mà không hiểu ra hậu ý của người bạn.  Thiệt là đầu óc đàn ông lúc nào cũng tối hù, há cù lần. Phải chi có cù lần ở đây cho em hỏi.

Cù lần đất ơi.

Hôm qua lúc gần giờ tan sở em ghé qua phòng bên cạnh gởi giấy tờ thì nghe có tiếng cười giỡn. Góp chuyện vui cuối ngày.

Đâu có gì đâu chỉ là những tiếng cười hồn nhiên

Thì chỉ là những tiếng cười hồn nhiên.

Vì sao cù lần biết hôn" Vì hai cái bông hồng nhung màu đỏ thắm đặt nằm song song, rất đều, trên cái dĩa màu trắng bóc bằng foam đó mà. Cái bông hồng bằng kem, múc ra từ cái bánh sinh nhật đẹp thiệt đẹp của ông chủ đem vô, mừng ngày vợ ông sanh đứa con trai đầu lòng.

Cái bánh nhà giàu thiệt đáng nể cù lần ơi. Để em tả thử nè: Bánh rất bự. Đường kính chắc cở 36 inches, hình tròn. Trên bề mặt của bánh xếp đầy những bông hồng màu đỏ nặn bằng kem. Em đếm sơ sơ cũng khoảng hơn 100 cái bông. Mà họ làm khéo lắm, nhìn giống y như một giỏ bông khổng lồ vun tròn và đầy um lên kín cả bề mặt bánh. Thiệt là em chưa từng nhìn thấy cái bánh sinh nhật nào lớn và đẹp như vậy. Mỗi đứa tự tiện cắt một miếng bánh, rồi múc cái bông hồng đặt lên trên cho đẹp. Miếng bánh dòm đẹp tới hong muốn ăn.

"Em hỏng thích ăn ngọt, nên chỉ múc hai bông hồng đem dìa nhà cho con gái, nó thích ăn kem làm bông nầy."

Cô bạn giải thích. Nhưng ai đi ngang bàn cô ấy dòm hai bông hồng ngay ngắn trên dĩa trắng cũng phì cười.

Có tiếng nói:

"Nè bồ, có biết hai bông hồng nầy dòm giống cái gì hông""

"Đâu biết, có gì mờ mắc cười nè, ta thấy nó đẹp" 

Cô Mễ  cười ngất, mấy cô khác cũng cười theo.

Cô Mễ đưa hai bàn tay lên úp vào hai bầu ngực tròn trịa vun cao của cô, lắc lư, ưỡn ẹo:

- Đây nè, giống cái nầy nè, bồ hỏng biết sao, người ta nói hai bông hồng tượng trưng cho nó đó bồ ơi".

Ha ha ha, cô Mễ cười lớn.

Người Việt mình không biết chuyện mắc cười nầy đâu há cù lần. Thì ra đây cũng giống "hai quả cam sành của cô tiểu muội Nhạc Linh San trên núi Hoa Sơn".  Cô bạn đỏ hồng cả mặt, vội kéo cái dĩa xoay cho hai bông hồng hướng vô tường.    

- Hèn gì từ chiều tới giờ mấy tên dưới lầu đem giấy tờ lên cứ ngó em cười".      

Chuyện chỉ có vậy thui cù lần ui, mà cả phòng làm việc tưng bừng cười như đám con nít.   

Cù lần ui.

Em đang ăn cơm, à không, ăn cơm tấm bì chả và trái dưa leo nè. Ngon ngon ngon.

Hôm trước em làm 12 câu thơ tặng cù lần, làm tới 11 câu thì bí lù, bèn lục lại mấy bài thơ cũ cù lần làm cho em, tìm được câu hay, tha vô cho tròn bài. Cù lần coi chừng, bỏ quên thơ, em chôm hết đó.

Em xào nấu thành tả pí lù cho cù lần biết tay, Ai biểu, cù lần bỏ đi đâu xa lắc xa lơ.

Em ghét thơ thất tình, cù lần biết mà. Thơ cù lần thì có bài nào là dở đâu, toàn "yêu em cù lần", hay hết biết.

Cù lần nhớ ui

Trong tủ lạnh ở sở còn nửa đòn bánh tét từ hôm Tết còn lại, hai trái cà pháo mà hôm qua em chê, chừa lại. Một trái thì quá bự, bự như trái cà mini, còn trái kia thì nhỏ tí hà. Cộng thêm với hộp củ cải mặn chát của Má cho, phần ăn trưa của em hôm nay đó cù lần ui. Ngon ngon.

Chuyện cũ xì nữa là bà chị em, chắc cù lần còn nhớ " Chị X. đó. Lúc nầy chị viết lách lung tung, phần nhiều kể về thời niên thíếu. Có nhiều chuyện bà nhớ dai quá xá. Bà chị mê ca hát từ ngày nhỏ. Hồi đó, ban đêm mấy chị em ưa ngồi ngoài sân trước chơi. Chị ấy ưa húyt gió những bản nhạc thời danh, em ngồi nghe thích lắm.

Một lần, bác hàng xóm bước ra sân, nghiêng đầu lắng nghe tiếng húyt gió, rồi ngó quanh quẩn kiếm, không hề ngờ là cô gái hàng xóm nhỏ xíu.

Bác lắng tai nghe lâu lắm, rồi đi vô nhà.

Mấy hôm sau, Ba kêu chị la rầy "Buổi tối đừng huýt gió, rắn bò tới".

Hai chị em sợ quíu tay chân. Từ đó chị không dám húyt gió ban đêm nữa, nhưng ban ngày cứ tha hồ cho tới khi bị Má la "con gái huýt gió y như con trai, coi kỳ cục".

Em không biết húyt gió, em là cực ngược chiều với chị. Bà dữ bao nhiêu em hiền bấy nhiêu, vậy mà hồi đó chị đi đâu Ba cũng bắt em đi theo để coi chừng chị. Chời wơ!  Nhờ vậy mà bất cứ kỷ niệm nào của chị, cũng có bóng em thấp thoáng. Chuyện mắc cười tới nỗi những bài nào chị ưa hát, những vở kịch ở trường ban Văn nghệ nào chị diễn, em đều thuộc lòng. Cù lần biết hôn, hôm bữa chị hỏi em có còn nhớ bài Hiệu Đoàn của trường Văn Hiến"  Em còn nhớ chớ sao hông, ca vầy nè: "Đoàn học sinh Văn Hiến trông lên hiệu kỳ, trong ánh dương chan hòa rực rỡ oai nghi…" Còn vở kịch "Lệnh Thầy" của thầy hiệu trưởng Phan Ngô nữa. Chời wơ! khi bà dợt tuồng ở nhà thì em biến thành chồng của bà:

"Kìa, sao mặt chàng biến sắc" Sao tay chàng không sách vở bút nghiên" Chàng ơi…"

Ui chời, em thuộc cho tới hôm nay những lời thảng thốt đó thì cù lần biết ngày xưa ấy chị đã "hành hạ" em tới mức nào.

Cứ như vậy cho tới khi chị thi đậu vô trường Quốc Gia Am Nhạc& Kịch nghệ ở trên đường Nguyễn Du. Sau đó, chị có các bạn sinh viên cùng ngành để tập dợt, em bị ra rìa.

Ba em là người Trung Hoa, Ông Bà Nội theo dòng xuôi Nam lập nghiệp, không hề phân biệt "nam trọng nữ khinh". Gia đình em có bảy chị em gái, chỉ có một trai. Ba là một người cha tuyệt vời.

Các con, phát lộ ý thích gì ba đều khuyến khích đi theo con đường đó, Ba trợ giúp phần tinh thần, theo sát các con gái để không bị hư hỏng mà vẫn theo được con đường mong muốn. Ngàn đời em thương tiếc Ba, người mà em tin rằng ít có trên cõi đời nầy. Ôi ! Ba chết thương tâm!.

Cù lần ơi, em phải ngưng thôi. Nhắc tới Ba, em không cầm được nước mắt .

Cù lần ui.

Hôm nay em vui rồi. Cô bạn lại mang cho cái bánh tét nữa, chưa hết Tết mà. Em tưởng bữa nay em lại ăn món bún bò Huế "gói" chế nước sôi , vậy mà có lộc ăn. Em ăn luôn một góc bánh.

Tối nay em có lớp học Pilate. Bà hướng dẫn tập người to con, cạo đầu trọc, cột cái khăn rằn ri kiểu hippy thập niên 60's đó cù lần còn nhớ hôn (mà cù lần đang ở nơi nào", em lại muốn khóc khi chợt nhớ). Bà dạy hay lắm, rất tận tâm, sửa tay sửa chân từng người cho đúng thế tập với từng động tác đẹp. Lúc nào bà cũng nhắc "Hãy đứng thẳng lưng, ưởn ngực, thót bụng, thở đều...”

Bà cũng làm như vậy khi dạy. Dáng đứng của bà thật đẹp mắt, những động tác tay chân dịu nhỉu, mềm mại như nhánh hoa nhất là những động tác đưa cánh tay thẳng lên trần khuôn mặt ngước lên theo cánh tay. Dĩ nhiên đứa nào làm đúng theo bà cũng có dáng dấp thật thẳng và đẹp.

Cù lần thương.

Hôm nay trên chốn đó ra sao" có tuyết" hay có mưa".

Em nhớ hồi mới qua đây sống, gia đình em ở tiểu bang NV mùa đông tuyết rơi nhiều và lạnh lắm. Mấy hôm đầu chị em còn ham ra ngoài chơi tuyết. Trước cửa nhà trơn trợt. Mấy chị em nắm tay nhau đi còn té ngã bình bịch hỏng gượng nỗi. Sau đó ánh nắng chói chan nung chảy tuyết trắng thành xình màu nâu đen xấu ình xấu hoắc. Chời wơ! Em mang giày cao ống lội xình riết sợ tuyết luôn. Nhưng nói gì thì nói, những ngày đầu mùa đông, vẫn chờ đợi những bông tuyết đầu tiên bay phất phơ nhẹ hửng nầy. Tuyết rơi đầu mùa lại thường về đêm êm ã dịu dàng làm sao.  Màn đêm lúc ấy thiệt tuyệt dịu. Cứ như vậy, mình mặc áo choàng, đầu đội nón len, ra đứng giữa trời, ngữa mặt mà hứng những bông tuyết nhẹ nhàng đáp xuống mặt mình, phủ lên cái mũi lạnh cóng, nép hờ hững lên vành nón, rơi đậu lên môi, dịu mềm như …nụ hôn của người yêu dấu đầu đời trao tặng mình ngày hoa niên.

Mấy hôm nay, gần Tết, trời tự nhiên trở lạnh.

Thời tiết giao mùa bao giờ cũng trắc trở kỳ khôi như thách thức con người há cù lần.

Hai bữa trước em bị mắc một trận mưa lớn lắm, lạnh ngắt. Khi em chạy ra bãi đậu xe, không dù không nón ướt nhẹp ướt nhem, cảm luôn cho tới hôm nay. Sáng nay em bận quần jean bạc màu, áo thun, thắt hai bính tóc, cột sợi dây da. Ai đi ngang cũng nghiêng đầu dòm, rùi khen dễ thương, em nghĩ, chắc phải thòng thêm "Cô mọi dễ thương". Em dòm kiếng, giống "mọi" thiệt cù lần ui. Đâu cù lần thử nhắm mắt hình dung như em diễn tả, chỉ thiếu có cà răng và căng tai thui là giống lắm. Cứ điệu được khen nầy chắc em còn thắt hai bính dài dài cho "mọi" biết tay…

*

Chưa tàn mùa Xuân đầu tiên của hai đứa, nàng được hung tin chàng đã vĩnh viễn  bất ngờ, bỏ tất cả, dong buồm một mình ra đi, Thiên Đàng Phúc Hưởng.

Trời ơi! Một đời người như bóng mây.

Mùa xuân năm sau, rồi năm sau, năm sau… bao nhiêu mùa xuân nàng một mình ra biển, bước cao bước thấp, không bàn tay nắm giữ thăng bằng, trên cây cầu đá nhô ra ngoài khơi thiệt xa, nơi có ngọn hải đăng đầu gió, thả từng chiếc chai, bên trong chứa đầy giấy. Thả trôi, ngược lên miền bắc cực, trôi xuống nam cực, hay dạt sang miền đông,  hay lên miền Amazon huyền bí, làm sao nàng biết! Lòng chỉ mong tới một cánh buồm. 

Nàng thả xuống biển những chiếc chai, trong đó là những mảnh giấy xếp nhỏ, thì thầm, hồn nhiên từng ngày, viết cho chàng như những ngày còn nhỏ thả những chiếc thuyền giấy viết đầy chữ xuống dòng nước sau những cơn mưa. 

Từng mảnh giấy, trôi đi …

Cù lần đất ui

Chắc mai mốt em sẽ gom hết những lá thư nầy, thả xuống biển, hay đốt thành khói bay lên nước Thiên Đàng cho cù lần đọc nha. Chứ như vầy giống em viết cho cái đầu gối của em quá, hay em mang gom hết rồi làm thành một cuốn sách với nhan đề "mối tình với cù lần đất"  gởi vô những thư viện trên toàn quốc, để khắp cõi ta bà biết rằng "em chỉ yêu có cù lần đất thôi".

Cứ tự nghĩ vậy, là em cảm thấy mình hạnh phúc ngập tràn.  Mùa Xuân lại tới rồi đó, không nhớ đã bao nhiêu mùa xuân vắng cù lần.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,184,260
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến