Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Ông cũng là người có số lượng bài viết nhiều nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài ông viết thuộc đủ loại đề tài, bài nào cũng cho thấy một tấm lòng tử tế. Sau đây là bài viết thứ 27 của ông. Bài đăng 2 kỳ.
+
Ông vào làm việc ở công ty này được cả tháng nay rồi. Những người Mỹ ở trong công ty thì chẳng có ai quan tâm đến sự có mặt của ông nhưng đám công nhân Việt Nam thì cứ bàn tán, thắc mắc không biết ông là người thế nào, gia cảnh ra sao"
Nhìn bề ngoài thì ông vào khoảng trên năm mươi tuổi. Ông có tầm vóc trung bình, ông không mập cũng không ốm, gương mặt xương xương, đôi mắt sâu thẳm như chứa đựng một nỗi u uẩn ở trong đó.
Đó là tất cả những gì người ta biết về ông, ngoài những điều đó không ai biết gì hơn. Ngay cả đến mụ Xép - vì mụ hay bép xép nên được thiên hạ tặng cho cái hỗn danh đó- là người nổi tiếng tọc mạch, chuyện gì mụ cũng biết, việc ở đâu mụ cũng hay, chuyện riêng của gia đình người ta mà mụ cứ đem vào trong công ty kể ra vanh vách giống như ông Tổng bí thư đọc bản báo cáo trước đại hội đảng. Vậy mà đối với ông, mụ cũng mù tịt.
Hàng ngày ông đi làm bằng một chiếc xe đạp nhưng chiếc xe đạp của ông không giống như những chiếc xe đạp khác. Trông nó có vẻ gồ ghề với cái giá chở đồ thô kệch ở phía sau, chắc là tự làm lấy; còn chiếc ghi-đông thì kềnh càng hình như là chiếc ghi-đông của một loại xe gắn máy nào đó được độ lại thì phải.
Ông đến công ty rất đúng giờ, thường thì chỉ 5 phút trước khi ca của ông bắt đầu làm việc. Trong lúc làm việc ông cặm cụi chẳng để ý đến ngừơi khác. Khi đi lại nếu có gặp ai mà người đó không hỏi ông thì ông lơ luôn còn nếu có ai hỏi ông trước thì ông chỉ đáp lại một tiếng "Hi" gọn lỏn cho có lệ rồi đi thẳng. Vì vậy mà có muốn bắt chuyện với ông để làm quen cũng không phải dễ.
Đến giờ nghỉ giải lao hay giờ ăn cơm, lần nào cũng vậy trong lúc mọi người còn rình rang đi lấy đồ ăn thức uống thì ông đã ba chân bốn cẳng đi nhanh đến phòng break trước và chiếm một chỗ ở một góc phòng. Ông kéo một chiếc ghế đặt cho lưng ghế sát vào tường rồi kéo một chiếc ghế khác đâu hai mặt trước lại với nhau nhưng chừa một khoảng hở giữa hai chiếc ghế chừng vài gang tay.
Xong xuôi ông ngồi dựa lưng vào chiếc ghế kê sát tường, chân gác lên chiếc ghế trước mặt. Ông nhắm mắt lại và không quên kéo chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu cho sụp xuống để che bớt ánh sáng rồi ông bắt đầu "thăng" mặc cho tiếng ồn ào trong phòng break, có lúc ông ngáy khò khò như đang ngủ thật say. Nhưng hay một cái là khi hết giờ giải lao hay là hết giờ ăn là ông tự động tỉnh ngủ, chẳng cần ai phải nhắc hay đánh thức ông dậy bao giờ.
Thấy ông ngồi đâu ngủ đó đám công nhân Việt Nam cũng bàn ra tán vào làm như chuyện ông ngủ có ăn nhập đến họ không bằng:
- Hổng biết ban ngày ở nhà ông làm cái gì mà không chịu ngủ vào đây cứ nhè cái giờ ăn, giờ nghỉ giải lao mà ngủ, không ăn không uống gì mới lạ chớ.
- Sao mày biết ổng không chịu ngủ, biết đâu ổng không quen ngủ ban ngày, ổng cũng cố ngủ mà ngủ không được thì sao"
- Ừa mà phải đó. Hồi tui mới đi làm ca ba, ban ngày về nhà thì không làm sao mà ngủ được đến đêm ở trong hãng thì lại buồn ngủ ơi là buồn ngủ. Những lúc ấy chỉ muốn nằm đại dưới sàn nhà hay ở một xó xỉnh nào cũng được để ngủ một giấc cho nó đã.
Dần dần thì thiên hạ cũng biết thêm đôi chút về ông. Chẳng hạn người ta biết ông đến vùng này có một thân một mình, ở share nhà với một chú ba Tàu Chợ Lớn. Người ta cũng biết rõ cái lý do khiến ông hay ngủ trong giờ nghỉ chẳng phải vì ông không quen ngủ ban ngày mà vì ông không có giờ để ngủ. Ban đêm đi làm trong công ty, sáng về ông đi lượm ve chai, ông chỉ ngủ được khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ từ chặp tối cho đến khoảng 10 giờ đã thức dậy ăn uống rồi sửa soạn đi làm để vào ca lúc 12 giờ. Bây giờ thì việc ông đi lượm ve chai lại trở thành đề tài cho người ta bàn tán.
- Chắc vợ con ổng còn ở Việt Nam, ổng cần nhiều tiền để bảo lãnh nên mới phải đi lượm ve chai bán để kiếm thêm tiền.
- Được vậy thì vợ con ổng cũng có phước. Chỉ sợ ông đi bòn mót từng cắc từng xu rồi lại đem nướng ở casino thì vợ con hết nhờ.
- Hay là ổng thua bài mắc nợ nhiều phải cày thêm cái gióp "thanh tra hè phố" để kiếm tiền trả nợ không chừng. Có nhiều người như vậy đó, ăn hổng dám ăn xài chẳng dám xài nhưng có bao nhiêu tiền đem nướng vào casino thì lại không tiếc.
- Bây giờ nghe nói còn có màn mấy ông già gần xuống lỗ còn về Việt Nam kiếm gái tơ, tắm hơi tắm bùn gì đó ... chắc ổng cũng dính trong số mấy ông già mắc dịch đó cần kiếm tiền để bao bồ quá.
Mặc cho thiên hạ đoán già đoán non, mỗi buổi sáng sau giờ làm việc ở công ty về nhà ông chỉ ăn uống qua loa rồi lấy bao bị leo lên xe đạp đi kiếm bạc cắc. Ông đạp xe đi hết khu phố này sang khu phố khác, chẳng còn thiếu nơi nào trong thành phố mà không có dấu bánh xe của ông lăn qua. Ông cũng không bỏ qua một công viên hay trường học nào trong thành phố mà không ghé vào lục lọi. Ông lục từng thùng recycle và thùng rác để kiếm vỏ chai, vỏ lon và phân loại tại chỗ. Vỏ chai thủy tinh ông để vào một cái bao, vỏ chai nhựa ông bỏ vào một cái bao khác, lon nhôm lại một cái bao khác nữa.
Nghề nào cũng có cái vinh cái nhục. "Nghề" lượm ve chai của ông cũng vậy, có lúc vui lúc buồn. Vui là khi ông mở nắp thùng ra thì đã thấy có một đống vỏ chai, vỏ lon để ở trên cùng, ông chỉ việc nhặt bỏ vào bao. Có người còn cẩn thận để riêng những thứ ông cần lấy trong một cái túi nhựa để bên cạnh thùng, ông chỉ việc xách cái túi lên là đã có vài ba chục chiếc vỏ chai hay lon nhôm ở trong đó. Lại có người gọi ông vào tận nhà rồi dẫn ông vào garage vác một vác toàn vỏ chai. Sướng ơi là sướng. Gặp những ngày như thế thì chả mấy chốc ông đã có thể đạp xe về màø lòng vui phơi phới. Còn buồn là có khi đi cả buổi, lục cả chục cái thùng mà chẳng kiếm được cái vỏ chai hay chiếc lon nào vì đã có người đi trước lấy mất rồi!
Lượm được bao nhiêu ông để dồn lại lâu lâu phải chở đi bán để có chỗ trống chứa "hàng" mới. Mỗi lần đi bán ông thường chở 4 bao. Bao chai thủy tinh ông cột ở phía sau, hai bên hông xe là hai bao lon nhôm, còn bao chai nhựa thì ông để lên trên ghi-đông và dùng hai bàn tay vừa nắm ghi-đông vừa giữ cái bao cho khỏi rớt. Chất hết 4 bao lên xe xong ông chỉ có nước dắt xe đi bộ chứ không thể nào leo lên yên xe mà đạp được.
Gặp ngày trời yên gió lặng thì không sao chứ gặp ngày có gió thì cũng khá vất vả. Gió thốc vào những cái bao kềnh càng làm cho ông khó lòng mà điều khiển chiếc xe. Có khi ông đi tới thì gió đẩy lui, có khi gió xô chiếc xe chạy phăng phăng như đang xuống dốc khiến ông phải lấy hết sức mới kềm lại được, có khi ông muốn quẹo bên này thì gió lại bắt ông phải quẹo sang bên kia. Có một lần ông xuýt gây tai nạn khi chở ve chai đi bán nhưng cũng lần đó ông quen được một thanh niên và hai người trở thành thân thiết với nhau.
Hôm đó ông cũng chất 4 bao phế liệu lên xe đem đi bán và chiếc xe đạp đã ngoan ngoãn theo sự điều khiển của ông. Nhưng không được bao lâu thì bỗng gió nổi lên đùng đùng khiến con ngựa sắt của ông trở nên bất kham, ông không tài nào điều khiển được nữa. Thình lình ông và chiếc xe chở "hàng" của ông bị gió đẩy chạy như bay ra ngoài lòng đường, ngay trước mũi của một chiếc xe đang chạy tới. May mà chiếc xe được thắng kịp thời nên ông không bị thương tích gì. Người lái xe lật đật mở cửa xe bước ra và sau khi nhận ra ông cũng là người Việt, người tài xế là một thanh niên cất tiếng hỏi, giọng lo lắng:
- Bác có sao không bác" Bác chở gì mà nhiều thế nếu cháu không thắng kịp thì nguy rồi.
- Xin lỗi chú nhá. Gió thổi mạnh quá tôi không kềm lại được.
- Không sao là may rồi, thôi để cháu đem chiếc xe đạp và mấy bao này vào lề đường cho bác.
- Vâng cám ơn chú.
Người thanh niên lái chiếc xe của mình tắp vào vệ đường rồi cùng với ông dựng chiếc xe đạp lên định dắt xe vào lề đường nhưng bánh xe đạp đã bị vênh không lăn được. Hai người phải gỡ từng cái bao ra để đem từng thứ một. Khi đã đem hết mọi thứ vào và để ngổn ngang trên lề đừơng rồi hai người đứng nhìn tần ngần chưa biết phải giải quyết ra sao. Bỗng người thanh niên nảy ra ý kiến:
- Cháu có cách rồi, bác bỏ tất cả lên chiếc xe truck của cháu, cháu chở bác đến chỗ nào bác định đến rồi cháu chở bác về nhà.
- Như vậy thì phiền chú quá.
- Phiền gì đâu bác, bác cháu mình là người Việt Nam cả giúp bác một chút có gì đâu.
- Vậy thì phiền chú giúp cho.
Hai người lại khuân đồ bỏ lên thùng sau của chiếc xe truck. Chiếc xe đạp bỏ lên trước rồi đến 4 bao đồ phế liệu. Xong xuôi người thanh niên mở cửa xe phía buồng lái và mời ông lên xe. Chiếc xe chuyển bánh. Hai người ngồi yên lặng như đang theo đuổi những ý nghĩ riêng. Một lúc sau người thanh niên gợi chuyện:
- Bác có đi làm không"
- Có, tôi làm ở công ty X.
- Chắc bacù nặng gánh gia đình nên phải vừa đi làm vừa đi lấy ve chai để tăng thêm thâu nhập"
- Tôi có gia đình đâu mà nặng gánh.
- Bác sống một mình à"
- Vâng tôi sống một mình. À quên tôi ở chung với một ông Tàu cùng đi trong một chuyến vượt biên.
- Bác có một mình mà tiền lương không đủ xài sao mà phải kiếm thêm"
- Tôi kiếm tiền thêm để làm việc khác chú ạ.
- Bữa nào bác đến cháu biếu bác một ít, vỏ chai vỏ lon cháu để bừa bộn cả.
- Vâng khi nào thuận tiện cho chú thì tôi đến, còn tôi thì lúc nào cũng được.
- Hay là thứ Bảy tuần tới nhân ngày Tết Việt Nam mời bác đến nhà cháu chơi, vừa cho biết nhà vừa uống ly rượu mừng năm mới được không bác"
- Vâng tôi sẽ đến... kìa tới rồi chú ạ, chú làm ơn cho xe đậu gần cửa để tôi bỏ đồ xuống rồi chú về trước chứ chờ lâu lắm.
Người thanh niên cho chiếc xe truck đậu ngay trước cửa theo lời yêu cầu của ông. Hai người cùng nhảy xuống đi ra phía thùng xe bỏ mấy bao phế liệu và chiếc xe đạp xuống. Người thanh niên móc bóp lấy tấm danh thiệp có tên, địa chỉ và số điện thoại của mình đưa cho ông.
- Đây là địa chỉ và số phone của cháu. Thôi chào bác cháu về.
- Cám ơn chú.
- Còn chiếc xe đạp làm sao bác đem về"
- Tôi sẽ kiếm cách, chú đừng lo.
- Bác nhớ đến nhé... khoảng 11 giờ trưa cháu chờ bác đấy.
- Tôi không quên đâu.
Đúng ngày giờ hẹn, ông đến. Người thanh niên đã đứng chờ ông sẵn ở trước cửa. Hai người chào nhau. Ông dắt chiếc xe đạp dựng bên hông nhà rồi còn cẩn thận khóa lại. Không phải ông sợ mất, ở Mỹ thì ai thèm lấy chiếc xe đạp của ông làm gì nhưng ông sợ mấy đứa con nít Mỹ tinh nghịch thấy chiếc xe khác lạ của ông lấy đi thử rồi gây tai nạn thì mang họa.
Khóa xong xe ông bước lên thềm nhà nơi người thanh niên đang đứng đợi. Hai người bước vào nhà. Người thanh niên hướng dẫn ông đi qua phòng khách đến một phòng khác vừa là bếp vừa là phòng ăn, nơi có đặt một cái bàn trên đó đã bày toàn món ăn đặc sản Việt Nam như củ kiệu, nem chua, gìo lụa, giò thủ . . . người thanh niên kéo một chiếc ghế mời ông ngồi rồi bước đến mở tủ lạnh vừa hỏi ông:
- Cháu có rượu mạnh và bia bác muốn dùng thứ nào"
- Bia chú ạ.
- Hôm nay hai bác cháu mình phải uống một bữa thật say nghe bác"
- Không được chú ạ. Tôi chỉ xin chú một chai thôi.
- Bác không uống được rượu à"
- Tôi uống được chứ. Trước đây có lúc buồn tôi uống cả thùng bia ấy chứ.
- Đó chính là hoàn cảnh của cháu bây giờ. Nhiều khi cháu uống đến không còn biết gì nữa.
Người thanh niên lấy ra hai chai Heineken khui nắp rồi để một chai bên phía ông cùng với một cái ly và một chai ở phía mình. Ông rót bia vào ly còn người thanh niên thì không dùng ly mà uống luôn trong chai. Hai người một nâng ly một nâng chai chúc nhau những câu thường nghe người ta chúc nhau vào dịp Tết. Ông nhắp một ngụm bia, đưa mắt nhìn căn phòng một lượt rồi hỏi người thanh niên:
- Chú chưa có gia đình à"
- Chưa bác ạ. Cháu có một cô bạn gái tưởng hai người sẽ thành vợ thành chồng nhưng việc không thành.
- Sao vậy, không hợp à"
- Chỉ vì bất đồng về việc cháu bảo lãnh cho mẹ cháu sang Mỹ.