Hôm nay,  

Ông Già Lượm Ve Chai

20/02/200300:00:00(Xem: 244794)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài tham dự số 3129-736-vb50220

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Ông cũng là người có số lượng bài viết nhiều nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài ông viết thuộc đủ loại đề tài, bài nào cũng cho thấy một tấm lòng tử tế. Sau đây là bài viết thứ 27 của ông. Bài đăng 2 kỳ.
+
Ông vào làm việc ở công ty này được cả tháng nay rồi. Những người Mỹ ở trong công ty thì chẳng có ai quan tâm đến sự có mặt của ông nhưng đám công nhân Việt Nam thì cứ bàn tán, thắc mắc không biết ông là người thế nào, gia cảnh ra sao"
Nhìn bề ngoài thì ông vào khoảng trên năm mươi tuổi. Ông có tầm vóc trung bình, ông không mập cũng không ốm, gương mặt xương xương, đôi mắt sâu thẳm như chứa đựng một nỗi u uẩn ở trong đó.
Đó là tất cả những gì người ta biết về ông, ngoài những điều đó không ai biết gì hơn. Ngay cả đến mụ Xép - vì mụ hay bép xép nên được thiên hạ tặng cho cái hỗn danh đó- là người nổi tiếng tọc mạch, chuyện gì mụ cũng biết, việc ở đâu mụ cũng hay, chuyện riêng của gia đình người ta mà mụ cứ đem vào trong công ty kể ra vanh vách giống như ông Tổng bí thư đọc bản báo cáo trước đại hội đảng. Vậy mà đối với ông, mụ cũng mù tịt.
Hàng ngày ông đi làm bằng một chiếc xe đạp nhưng chiếc xe đạp của ông không giống như những chiếc xe đạp khác. Trông nó có vẻ gồ ghề với cái giá chở đồ thô kệch ở phía sau, chắc là tự làm lấy; còn chiếc ghi-đông thì kềnh càng hình như là chiếc ghi-đông của một loại xe gắn máy nào đó được độ lại thì phải.
Ông đến công ty rất đúng giờ, thường thì chỉ 5 phút trước khi ca của ông bắt đầu làm việc. Trong lúc làm việc ông cặm cụi chẳng để ý đến ngừơi khác. Khi đi lại nếu có gặp ai mà người đó không hỏi ông thì ông lơ luôn còn nếu có ai hỏi ông trước thì ông chỉ đáp lại một tiếng "Hi" gọn lỏn cho có lệ rồi đi thẳng. Vì vậy mà có muốn bắt chuyện với ông để làm quen cũng không phải dễ.
Đến giờ nghỉ giải lao hay giờ ăn cơm, lần nào cũng vậy trong lúc mọi người còn rình rang đi lấy đồ ăn thức uống thì ông đã ba chân bốn cẳng đi nhanh đến phòng break trước và chiếm một chỗ ở một góc phòng. Ông kéo một chiếc ghế đặt cho lưng ghế sát vào tường rồi kéo một chiếc ghế khác đâu hai mặt trước lại với nhau nhưng chừa một khoảng hở giữa hai chiếc ghế chừng vài gang tay.
Xong xuôi ông ngồi dựa lưng vào chiếc ghế kê sát tường, chân gác lên chiếc ghế trước mặt. Ông nhắm mắt lại và không quên kéo chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu cho sụp xuống để che bớt ánh sáng rồi ông bắt đầu "thăng" mặc cho tiếng ồn ào trong phòng break, có lúc ông ngáy khò khò như đang ngủ thật say. Nhưng hay một cái là khi hết giờ giải lao hay là hết giờ ăn là ông tự động tỉnh ngủ, chẳng cần ai phải nhắc hay đánh thức ông dậy bao giờ.
Thấy ông ngồi đâu ngủ đó đám công nhân Việt Nam cũng bàn ra tán vào làm như chuyện ông ngủ có ăn nhập đến họ không bằng:
- Hổng biết ban ngày ở nhà ông làm cái gì mà không chịu ngủ vào đây cứ nhè cái giờ ăn, giờ nghỉ giải lao mà ngủ, không ăn không uống gì mới lạ chớ.
- Sao mày biết ổng không chịu ngủ, biết đâu ổng không quen ngủ ban ngày, ổng cũng cố ngủ mà ngủ không được thì sao"
- Ừa mà phải đó. Hồi tui mới đi làm ca ba, ban ngày về nhà thì không làm sao mà ngủ được đến đêm ở trong hãng thì lại buồn ngủ ơi là buồn ngủ. Những lúc ấy chỉ muốn nằm đại dưới sàn nhà hay ở một xó xỉnh nào cũng được để ngủ một giấc cho nó đã.
Dần dần thì thiên hạ cũng biết thêm đôi chút về ông. Chẳng hạn người ta biết ông đến vùng này có một thân một mình, ở share nhà với một chú ba Tàu Chợ Lớn. Người ta cũng biết rõ cái lý do khiến ông hay ngủ trong giờ nghỉ chẳng phải vì ông không quen ngủ ban ngày mà vì ông không có giờ để ngủ. Ban đêm đi làm trong công ty, sáng về ông đi lượm ve chai, ông chỉ ngủ được khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ từ chặp tối cho đến khoảng 10 giờ đã thức dậy ăn uống rồi sửa soạn đi làm để vào ca lúc 12 giờ. Bây giờ thì việc ông đi lượm ve chai lại trở thành đề tài cho người ta bàn tán.
- Chắc vợ con ổng còn ở Việt Nam, ổng cần nhiều tiền để bảo lãnh nên mới phải đi lượm ve chai bán để kiếm thêm tiền.
- Được vậy thì vợ con ổng cũng có phước. Chỉ sợ ông đi bòn mót từng cắc từng xu rồi lại đem nướng ở casino thì vợ con hết nhờ.
- Hay là ổng thua bài mắc nợ nhiều phải cày thêm cái gióp "thanh tra hè phố" để kiếm tiền trả nợ không chừng. Có nhiều người như vậy đó, ăn hổng dám ăn xài chẳng dám xài nhưng có bao nhiêu tiền đem nướng vào casino thì lại không tiếc.
- Bây giờ nghe nói còn có màn mấy ông già gần xuống lỗ còn về Việt Nam kiếm gái tơ, tắm hơi tắm bùn gì đó ... chắc ổng cũng dính trong số mấy ông già mắc dịch đó cần kiếm tiền để bao bồ quá.
Mặc cho thiên hạ đoán già đoán non, mỗi buổi sáng sau giờ làm việc ở công ty về nhà ông chỉ ăn uống qua loa rồi lấy bao bị leo lên xe đạp đi kiếm bạc cắc. Ông đạp xe đi hết khu phố này sang khu phố khác, chẳng còn thiếu nơi nào trong thành phố mà không có dấu bánh xe của ông lăn qua. Ông cũng không bỏ qua một công viên hay trường học nào trong thành phố mà không ghé vào lục lọi. Ông lục từng thùng recycle và thùng rác để kiếm vỏ chai, vỏ lon và phân loại tại chỗ. Vỏ chai thủy tinh ông để vào một cái bao, vỏ chai nhựa ông bỏ vào một cái bao khác, lon nhôm lại một cái bao khác nữa.
Nghề nào cũng có cái vinh cái nhục. "Nghề" lượm ve chai của ông cũng vậy, có lúc vui lúc buồn. Vui là khi ông mở nắp thùng ra thì đã thấy có một đống vỏ chai, vỏ lon để ở trên cùng, ông chỉ việc nhặt bỏ vào bao. Có người còn cẩn thận để riêng những thứ ông cần lấy trong một cái túi nhựa để bên cạnh thùng, ông chỉ việc xách cái túi lên là đã có vài ba chục chiếc vỏ chai hay lon nhôm ở trong đó. Lại có người gọi ông vào tận nhà rồi dẫn ông vào garage vác một vác toàn vỏ chai. Sướng ơi là sướng. Gặp những ngày như thế thì chả mấy chốc ông đã có thể đạp xe về màø lòng vui phơi phới. Còn buồn là có khi đi cả buổi, lục cả chục cái thùng mà chẳng kiếm được cái vỏ chai hay chiếc lon nào vì đã có người đi trước lấy mất rồi!
Lượm được bao nhiêu ông để dồn lại lâu lâu phải chở đi bán để có chỗ trống chứa "hàng" mới. Mỗi lần đi bán ông thường chở 4 bao. Bao chai thủy tinh ông cột ở phía sau, hai bên hông xe là hai bao lon nhôm, còn bao chai nhựa thì ông để lên trên ghi-đông và dùng hai bàn tay vừa nắm ghi-đông vừa giữ cái bao cho khỏi rớt. Chất hết 4 bao lên xe xong ông chỉ có nước dắt xe đi bộ chứ không thể nào leo lên yên xe mà đạp được.
Gặp ngày trời yên gió lặng thì không sao chứ gặp ngày có gió thì cũng khá vất vả. Gió thốc vào những cái bao kềnh càng làm cho ông khó lòng mà điều khiển chiếc xe. Có khi ông đi tới thì gió đẩy lui, có khi gió xô chiếc xe chạy phăng phăng như đang xuống dốc khiến ông phải lấy hết sức mới kềm lại được, có khi ông muốn quẹo bên này thì gió lại bắt ông phải quẹo sang bên kia. Có một lần ông xuýt gây tai nạn khi chở ve chai đi bán nhưng cũng lần đó ông quen được một thanh niên và hai người trở thành thân thiết với nhau.
Hôm đó ông cũng chất 4 bao phế liệu lên xe đem đi bán và chiếc xe đạp đã ngoan ngoãn theo sự điều khiển của ông. Nhưng không được bao lâu thì bỗng gió nổi lên đùng đùng khiến con ngựa sắt của ông trở nên bất kham, ông không tài nào điều khiển được nữa. Thình lình ông và chiếc xe chở "hàng" của ông bị gió đẩy chạy như bay ra ngoài lòng đường, ngay trước mũi của một chiếc xe đang chạy tới. May mà chiếc xe được thắng kịp thời nên ông không bị thương tích gì. Người lái xe lật đật mở cửa xe bước ra và sau khi nhận ra ông cũng là người Việt, người tài xế là một thanh niên cất tiếng hỏi, giọng lo lắng:
- Bác có sao không bác" Bác chở gì mà nhiều thế nếu cháu không thắng kịp thì nguy rồi.
- Xin lỗi chú nhá. Gió thổi mạnh quá tôi không kềm lại được.
- Không sao là may rồi, thôi để cháu đem chiếc xe đạp và mấy bao này vào lề đường cho bác.
- Vâng cám ơn chú.
Người thanh niên lái chiếc xe của mình tắp vào vệ đường rồi cùng với ông dựng chiếc xe đạp lên định dắt xe vào lề đường nhưng bánh xe đạp đã bị vênh không lăn được. Hai người phải gỡ từng cái bao ra để đem từng thứ một. Khi đã đem hết mọi thứ vào và để ngổn ngang trên lề đừơng rồi hai người đứng nhìn tần ngần chưa biết phải giải quyết ra sao. Bỗng người thanh niên nảy ra ý kiến:
- Cháu có cách rồi, bác bỏ tất cả lên chiếc xe truck của cháu, cháu chở bác đến chỗ nào bác định đến rồi cháu chở bác về nhà.
- Như vậy thì phiền chú quá.
- Phiền gì đâu bác, bác cháu mình là người Việt Nam cả giúp bác một chút có gì đâu.
- Vậy thì phiền chú giúp cho.
Hai người lại khuân đồ bỏ lên thùng sau của chiếc xe truck. Chiếc xe đạp bỏ lên trước rồi đến 4 bao đồ phế liệu. Xong xuôi người thanh niên mở cửa xe phía buồng lái và mời ông lên xe. Chiếc xe chuyển bánh. Hai người ngồi yên lặng như đang theo đuổi những ý nghĩ riêng. Một lúc sau người thanh niên gợi chuyện:
- Bác có đi làm không"
- Có, tôi làm ở công ty X.
- Chắc bacù nặng gánh gia đình nên phải vừa đi làm vừa đi lấy ve chai để tăng thêm thâu nhập"
- Tôi có gia đình đâu mà nặng gánh.
- Bác sống một mình à"
- Vâng tôi sống một mình. À quên tôi ở chung với một ông Tàu cùng đi trong một chuyến vượt biên.
- Bác có một mình mà tiền lương không đủ xài sao mà phải kiếm thêm"
- Tôi kiếm tiền thêm để làm việc khác chú ạ.
- Bữa nào bác đến cháu biếu bác một ít, vỏ chai vỏ lon cháu để bừa bộn cả.
- Vâng khi nào thuận tiện cho chú thì tôi đến, còn tôi thì lúc nào cũng được.
- Hay là thứ Bảy tuần tới nhân ngày Tết Việt Nam mời bác đến nhà cháu chơi, vừa cho biết nhà vừa uống ly rượu mừng năm mới được không bác"
- Vâng tôi sẽ đến... kìa tới rồi chú ạ, chú làm ơn cho xe đậu gần cửa để tôi bỏ đồ xuống rồi chú về trước chứ chờ lâu lắm.
Người thanh niên cho chiếc xe truck đậu ngay trước cửa theo lời yêu cầu của ông. Hai người cùng nhảy xuống đi ra phía thùng xe bỏ mấy bao phế liệu và chiếc xe đạp xuống. Người thanh niên móc bóp lấy tấm danh thiệp có tên, địa chỉ và số điện thoại của mình đưa cho ông.
- Đây là địa chỉ và số phone của cháu. Thôi chào bác cháu về.
- Cám ơn chú.
- Còn chiếc xe đạp làm sao bác đem về"
- Tôi sẽ kiếm cách, chú đừng lo.
- Bác nhớ đến nhé... khoảng 11 giờ trưa cháu chờ bác đấy.
- Tôi không quên đâu.
Đúng ngày giờ hẹn, ông đến. Người thanh niên đã đứng chờ ông sẵn ở trước cửa. Hai người chào nhau. Ông dắt chiếc xe đạp dựng bên hông nhà rồi còn cẩn thận khóa lại. Không phải ông sợ mất, ở Mỹ thì ai thèm lấy chiếc xe đạp của ông làm gì nhưng ông sợ mấy đứa con nít Mỹ tinh nghịch thấy chiếc xe khác lạ của ông lấy đi thử rồi gây tai nạn thì mang họa.
Khóa xong xe ông bước lên thềm nhà nơi người thanh niên đang đứng đợi. Hai người bước vào nhà. Người thanh niên hướng dẫn ông đi qua phòng khách đến một phòng khác vừa là bếp vừa là phòng ăn, nơi có đặt một cái bàn trên đó đã bày toàn món ăn đặc sản Việt Nam như củ kiệu, nem chua, gìo lụa, giò thủ . . . người thanh niên kéo một chiếc ghế mời ông ngồi rồi bước đến mở tủ lạnh vừa hỏi ông:
- Cháu có rượu mạnh và bia bác muốn dùng thứ nào"
- Bia chú ạ.
- Hôm nay hai bác cháu mình phải uống một bữa thật say nghe bác"
- Không được chú ạ. Tôi chỉ xin chú một chai thôi.
- Bác không uống được rượu à"
- Tôi uống được chứ. Trước đây có lúc buồn tôi uống cả thùng bia ấy chứ.
- Đó chính là hoàn cảnh của cháu bây giờ. Nhiều khi cháu uống đến không còn biết gì nữa.
Người thanh niên lấy ra hai chai Heineken khui nắp rồi để một chai bên phía ông cùng với một cái ly và một chai ở phía mình. Ông rót bia vào ly còn người thanh niên thì không dùng ly mà uống luôn trong chai. Hai người một nâng ly một nâng chai chúc nhau những câu thường nghe người ta chúc nhau vào dịp Tết. Ông nhắp một ngụm bia, đưa mắt nhìn căn phòng một lượt rồi hỏi người thanh niên:
- Chú chưa có gia đình à"
- Chưa bác ạ. Cháu có một cô bạn gái tưởng hai người sẽ thành vợ thành chồng nhưng việc không thành.
- Sao vậy, không hợp à"
- Chỉ vì bất đồng về việc cháu bảo lãnh cho mẹ cháu sang Mỹ.


Người thanh niên quen cô gái người cùng quê từ khi hai người còn học ở đại học. Cùng hoàn cảnh tỵ nạn và đều sống một thân một mình, hai ngừơi mau chóng trở nên gắn bó và họ bàn với nhau sau khi ra trường có công ăn việc làm sẽ làm đám cưới. Sau khi ra trường hai người cùng có việc làm tốt trong cùng một công ty. Mối tình của họ vẫn đằm thắm nhưng đã gặp sóng gió khi họ bàn đến những dự định tương lai. Người thanh niên có mẹ già ở Việt Nam và định bảo lãnh bà sang Mỹ nhưng người bạn gái phản đối và nói rằng chỉ cần hàng tháng gửi tiền về cho bà là đủ. Đưa bà sang đây vừa khó thích nghi với cuộc sống ở Mỹ lại làm cho vợ chồng mất tự do, ảnh hưởng đến hạnh phúc. Lập trường của người bạn gái dường như không thể lay chuyển vì ngay cả với cha mẹ ruột của mình, cô cũng không muốn đưa ông bà sang Mỹ, chỉ gửi tiền và lâu lâu về thăm một lần. Không thể giải quyết được bất đồng, hai người chia tay.
- Cũng có thể cô bạn gái của chú nói đúng, biết đâu bà cụ không thích hợp với cách sống ở Mỹ.
- Nhưng chẳng thà mẹ cháu sang đây không thích thì về lại Việt Nam chứ cháu không thể không bảo lãnh mẹ cháu. Cháu là đứa con duy nhất của mẹ cháu.
- Mỗi người một lập trường và không thể hòa hợp với nhau được thì chia tay sớm cũng hay chú ạ.
- Cháu biết vậy chứ nhưng cháu vô cùng khổ sở . Chính vì chuyện đó cháu mới tìm rượu để giải sầu chứ trước kia cháu đââu có uống ruợu.
- Chú quả có nỗi buồn nhưng so với nỗi buồn của tôi thì chưa thấm vào đâu. Có lúc tôi đã chán nản đến tuyệt vọng và tôi cũng tưởng có thể mượn rượu để giải sầu nhưng mà uống rượu không phải là cách đâu chú ạ.
- Bác cũng có nỗi khổ sao, bác kể cho cháu nghe được không"
Vừa nói dứt câu người thanh niên đứng dậy và đi về cái kệ ở phía phía sau lưng ông. Một lát sau người thanh niên trở lại một tay cầm một cái dĩa lớn và tay kia cầm một chiếc bánh chưng. Nhìn thấy chiếc bánh chưng ông lặng người đi giống như một người vừa bị trúng gió. Ông cúi gằm mặt xuống nhưng không kìm được xúc động, hai vai ông rung lên trong tiếng nấc nghẹn ngào rồi ông bật khóc. Người thanh niên luống cuống.
- Cháu xin lỗi đã làm bác nhớ lại chuyện buồn của bác. Nếu câu chuyện làm cho bác quá xúc động thì lần khác kể cũng được ạ. Bây giờ ta ăn bánh chưng.
- Nhìn thấy chiếc bánh chưng tôi nhớ đến vợ tôi và thảm cảnh đã xảy đến cho gia đình tôi nên hơi xúc động. Nhưng không sao đâu, chuyện cũng đã lâu rồi, để tôi kể cho chú nghe.
Năm đó ông cùng với vợ và ba người con gái rời Việt Nam vào giữa đêm giao thừa. Chiều 30 Tết mặc dầu có nhiều chuyện phải lo trước giờ ra đi, vợ ông cũng giở ra gói bánh chưng. Ông cản nhưng vợ ông giải thích "Năm nào nhà mình cũng gói tự nhiên năm nay không gói làm cho tụi công an thắc mắc rồi theo dõi có phải là hại không""
Lần đó vợ ông nhất định đòi gói bánh chưng cho bằng được để rồi chẳng bao giờ bà gói nữa. "Ông cứ để cho tôi gói vừa che mắt bọn công an lại vừa có bánh chưng đem đi mà ăn. Đây là nồi bánh chưng cuối cùng trong đời mình chứ sang nước khác chắc gì đã có bánh chưng mà ăn". Nghe vợ ông nói chí tình ông không ngăn cản nữa nhưng rồi vì có sự thay đổi giờ giấc đột ngột, ông và vợ con đã phải rời khỏi nhà của mình khi nồi bánh chưng hãy còn đun trên bếp.
Chuyến đi này không được may mắn. Mới chỉ vài giờ sau khi rời bến, chiếc thuyền chở hơn 100 người vượt biên đã bị tàu công an biên phòng rượt theo. Trong lúc chiếc tàu tuần đang xả ga rượt đuổi thì những người trên thuyền la ó ồn ào, người này bảo tại ngừơi kia. Khi chiếc tàu của công an chỉ còn cách thuyền chừng năm sáu chục thước thì thự nhiên chiếc tàu tuần khựng lại có lẽ là bị hư máy, không còn rượt theo được nữa. Công an trên tàu la hét, đe dọa, ra lệnh cho chiếc thuyền quay trở lại nếu không thì chúng sẽ bắn và chúng đã làm thật, chúng xả súng bắn tới tấp vào thuyền.
Gần một nửa người trên thuyền vừa chết vừa bị thương nhưng người tài công vô sự , chiếc thuyền bị hư hại nhưng vẫn tiếp tục chạy. Một ngày sau những người trên thuyền quyết định thả xác ngừơi đã chết xuống biển. Trong số ba đứa con của ông thì một chết, hai bị thương nhưng rồi cũng theo số phận cuả những người bị thương khác, chỉ sống thêm được mấy hôm rồi cũng lần lượt lìa đời. Trong suốt một tuần lễ ngày nào cũng có xác chết được liệng xuống biển.
Nỗi kinh hoàng do cảnh chết chóc gây ra bởi súng đạn chưa qua thì nỗi kinh hoàng khác lại ập đến, giông bão nổi lên, sóng biển cuồn cuộn. Trong đại dương mênh mông, chiếc thuyền chẳng khác gì một chiếc lá tre, vật vờ trước những đợt sóng khổng lồ. Có khi sóng đưa thuyền lên thật cao, tận lưng trời, có lúc lại như muốn nhận chìm con thuyền xuống tận đáy biển.
Khi sóng gió bớt dần thì chiếc thuyền đã hư hại khá nặng chạy ạch đụi như muốn bỏ cuộc. Giữa lúc đó thì có một chiếc tàu đang rẽ sóng hướng tới. Ai nấy đều hy vọng sẽ được cứu vớt nhưng chiếc tàu đó lại là tàu của hải tặc. Sau khi áp sát tàu của chúng vào mạn thuyền, hàng chục tên hải tặc nhảy xuống thuyền cướp bóc, làm những chuyện tồi tệ và xả súng bắn vào những ai có ý định chống cự chúng. Thi hành xong thủ đoàn tàn ác bọn hải tặc nhảy lên tàu bỏ lại những nạn nhân khốn khổ. Trên khuôn mặt của mỗi người đều lộ vẻ thất thần, sợ hãi . . . chờ nạp mạng cho thần chết.
Vừa khi chúng bỏ đi thì nước cũng vào đầy thuyền không còn tát xuể, máy bị hư không còn chạy được nữa, chiếc thuyền thình lình bị sóng đánh vỡ tan tành thành từng mảnh trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Những tiếng kêu thất thanh vang lên rồi tắt lịm để chỉ còn nghe những tiếng bơi lội bì bõm của những con người đang cố chống chọi với thần chết được tới đâu hay tới đó.
Trong cảnh hỗn loạn mạnh ai nấy lo, không ai có thể giúp ai được, người nào vớ được vật gì nổi thì bám vào, người không kiếm được vật gì mà không biết bơi thì chìm xuống đáy biển. Nhưng dù có vật để bám hay biết bơi chăng nữa thì cũng chỉ là cố gắng trong tuyệt vọng mà thôi, giữa biển khơi mênh mông có ai để mà cầu cứu.
Sau cơn hoảng loạn, mặt biển trở nên vắng lặng cách đáng sợ với những cái đầu nhấp nhô như những bóng ma trên mặt nước. Ông cố sức bơi đến từng nơi với hy vọng mỏng manh nhưng cuối cùng cũng đã kiếm được vợ ông đang nổi trên mặt nước nhờ bám vào một miếng gỗ. Ông nắm chặt tay vợ rồi vì quá xúc động ông bật khóc.
Người vợ tỏ ra bình thản hơn, nhỏ nhẹ nói với ông "Khóc làm gì ông, Bề Trên định sao thì mình chịu vậy. Nếu tôi có chết mà ông còn sống thì ông cũng đừng buồn nghe ông. Hứa với tôi đi". Nghe vợ ông nói ông muốn đứt rụôt và càng thấy thương người vợ hiền, từ giờ phút này ông muốn luôn được ở bên bà dù sống hay chết "Sao bà lại nói vậy" Vợ chồng đã sống với nhau mấy chục năm trời, tình nghĩa sâu nặng, có chết thì cùng chết với nhau chứ không thể chia lìa". Người đàn bà với ánh mắt đầy yêu thương nhìn thẳng vào mắt ông vừa như trách móc vừa như van lơn "Ông quên rằng mình còn hai thằng con chưa có tin tức hay sao" Tôi là đàn bà có sống sót cũng chẳng làm được việc gì. Ông phải sống để còn đi tìm con".
Nói xong vợ ông đẩy miếng gỗ vào tay ông rồi từ từ chìm sâu trong lòng biển lạnh. Ông sững sờ trong giây lát rồi cũng định chìm theo người vợ hiền nhưng bỗng ông nghe văng vẳng bên tai "Ông phải sống để còn đi tìm con". Lời đó như một lệnh truyền có sức mạnh bắt ông phải tuân theo. Bất giác ông đưa tay với mảnh gỗ và bám vào đó.
Sau này ông cũng không biết ông đã được cứu bằng cách nào, ông chỉ biết khi ông tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu của một chiếc tàu lớn. Bên cạnh ông là một người khác còn đang hôn mê mà sau này ông được biết người đó là chú Siều, một người Tàu sống ở Chợ Lớn. Người ta cũng cho biết ông và chú Siều là hai người duy nhất còn sống sót. Sau khi bình phục cả hai được đưa đến một trại tạm cư ở Philippines.
Tại đây với nỗi khổ chồng chất, ông sống như một cái xác không hồn. Chú Siều người bạn cùng sống sót với ông cũng bị mất bà vợ và bốn đứa con trong chuyến đi đó thường an ủi ông bằng những câu nói mộc mạc nhưng chân thật "Mất vợ mất con thì ai mà chẳng lau lòng nhưng mà người chết dồi thì lể cho nó yên, mình càng lau lòng thì nó càng không lược yên ổn". Có khi chú Siều so sánh để cho ông thấy ông còn hơn chú "Nị còn có hy vọng tìm lược hai thằng con chai chớ ngộ lây còn ai lâu mà tìm". Dù cũng tan nát cõi lòng, chú Siều nghĩ rất đơn sơ về chuyện sống chết ở đời "Ông chời ổng biều mình sống thì phải dáng mà sống, ổng chưa biểu mình chết thì lừng có làm khác ý của ông chời"
Hai người cùng được cho đi định cư ở Mỹ. Sau khi tới Mỹ chú Siều khuyên ông đưa tên tuổi hai người con của ông cùng với những chi tiết về chuyến vượt biên để nhờ cơ quan hồng thập tự quốc tế dò tìm. Ông làm theo lời khuyên của chú Siều nhưng việc tìm kiếm không có kết quả. Quá thất vọng ông đã nghĩ đến chuyện quyên sinh nhưng nhờ có một vị linh mục khuyên giải và dẫn dắt ông ra khỏi cơn tuyệt vọng bằng những việc làm bác ái, vị tha.
Ông được hướng dẫn đi thăm và giúp đỡ những người cô đơn trong các nhà dưỡng lão hay những người đau bệnh trong các bệnh viện. Tiếp xúc với nhiều người ông nhận ra rằng cũng có nhiều hoàn cảnh đau khổ chứ không phải chỉ có mình ông.
Dần dần ông khuây khỏa và thấy cuộc sống của ông còn có ý nghĩa, ông còn có thể đem niềm vui cho người khác. Về sau ông muốn hướng những việc làm từ thiện đến những ngừơi nghèo khổ ở Việt nam. Chú Siều là người hoan nghênh ý định đo,ù chú đưa ý kiến đi lượm ve chai lấy tiền giúp người nghèo. Chú đã tặng ông chiếc xe đạp chú sắm để dùng vào công việc này nhưng nay chú không cần nữa, chú làm việc tại nhà hàng từ sáng đến tối suốt cả tuần không còn thì giờ cho việc đi lượm ve chai.
Tiền bán ve chai được bao nhiêu ông gom lại khi đã được kha khá thì ông gửi về giáo xứ của ông nhờ linh mục quản xứ mua gạo phát cho người nghèo. Sau mỗi đợt giúp đỡ người nghèo ông đều nhận đựơc băng video. Qua những cuốn băng đó ông thấy thương người nghèo ở Việt Nam hơn, họ thiếu thốn quá thật là tội nghiệp. Ông sung sướng nhìn những nét mặt hân hoan của họ khi họ nhận được năm bảy ký gạo do từ công sức của ông. Ông dự định năm tới sẽ đích thân đem tiền về Việt Nam chia sẻ cho những người nghèo khổ.
- Vậy là bác có tất cả 5 người con đã chết hoặc kể như mất tích"
- Sáu đứa chú ạ. Đứa con đầu bị bắt đi lính chết ở chiến trường Căm-pu-chia. Ngày tôi cho hai đứa em của nó vượt biên cũng là ngày tôi nhận được hung tin.
- Dù chưa có tin tức của hai người con vượt biên lần đó mà bác vẫn đưa những người còn lại trong gia đình ra đi"
- Vâng, lỡ phóng lao thì phải theo lao. Tôi đã dùng hết tiền bạc vào việc này không đi không được.
- Cháu chưa nghe câu chuyện nào thương tâm hơn câu chuyện của gia đình bác vậy mà bác vẫn còn đứng vững được, cháu phải học hỏi nơi bác.
- Chú nghĩ được như vậy là tốt lắm, với sự cố gắng của mình và sự nâng đỡ của người khác thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua được.
- Bác đi lượm ve chai mỗi ngày được bao nhiêu"
- Có ngày nhiều ngày ít nhưng đổ đồng mỗi ngày kiếm được khỏang 400 vỏ chai hay vỏ lon.
- Thôi bacù đừng đi lượm ve chai nữa, cháu sẽ bỏ uống rượu lấy tiền giúp bác làm việc từ thiện.
- Bỏ sao được chú. Một cái vỏ chai hay vỏ lon bán được 5 cents, 20 chục cái đã đựơc 1 đô la tương đương với 15,000 đồng Việt Nam và có thể mua được 5 ký gạo. Chú nghĩ coi chỉ cần 4 cái vỏ chai hay lon là đã mua được 1 ký gạo để giúp cho người nghèo thì tại sao lại không đi lượm"
- Thôi được, bác cứ tiếp tục công việc của bác nhưng cháu hứa từ nay mỗi tháng sẽ đóng góp 100 đô vào quỹ từ thiện của bác.
- Tham gia vào việc giúp người nghèo chú sẽ thấy vui và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.
- Năm tới bác về Việt Nam giúp người nghèo cháu cũng về để phụ lực với bác và cũng luôn tiện để thăm mẹ cháu nữa.
- Đồng ý.
Từ đó người thanh niên không còn phải mượn rượu để giải sầu và đã trở thành người giúp ông rất đắc lực. Mỗi lần đi bán ve chai thì đã có chiếc xe truck của người thanh niên chở giùm, ông không còn phải đánh vật với con ngựa sắt của ông nữa.
Hải Triều

Ý kiến bạn đọc
12/07/202100:02:13
Khách
chloroquine phosphate cvs https://chloroquineorigin.com/# hydroxychlorequine
28/02/202112:37:52
Khách
https://genericviagragog.com viagra online
20/02/202123:41:05
Khách
what is hydroxychloroquine 200 mg <a href=https://hydroxychloroquinex.com/#>fda hydroxychloroquine</a> long term side effects of plaquenil
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,975,034
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến