Hôm nay,  

Ngã Rẽ Cuộc Đời

19/05/200700:00:00(Xem: 211960)

Người viết: TRẦN QUỐC SỸ

Bài số 1266-1877-582vb6180507

*

Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975. Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. "Nghề tay trái" của ông là giảng viên traffic school tại National Traffic Safety Institute (NTSI). Tới với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ đã liên tục góp nhiều bài viết sống động, giá trị, và đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài viết mới của ông lần này là tự truyện về khúc quanh quyết định rời bỏ nghề kỹ sư làm mướn, đồng thời báo tin vui: khai trương trường Diamond Traffic Safety School, tại địa chỉ 13372 Godenwest St., phòng 106, Westminster, California.  Tel: (714) 890-7171. Các thân hữu Viết Về Nước Mỹ từ nay có thể ghi địa chỉ và số điện thoại trên của “bồ nhà” và yên tâm khi cần.

*

Cuộc đời của chúng ta không bao giờ êm ả mãi như mặt nước hồ thu mà sẽ có những lúc dậy sóng như đại dương trong cơn bão dữ.  Cuộc đời của chúng ta cũng không là con đường thẳng tắp mà sẽ có những ngã rẽ.  Những ngã rẽ này đôi khi rất êm ái, rộng rãi, thênh thang đưa chúng ta đến nơi tột đỉnh vinh quang, nhưng đôi khi cũng rất quanh co, gập ghềnh, khúc khuỷu đẩy chúng ta vào chốn tột cùng của hố sâu, vực thẳm.

Chúng ta gọi đó là định mệnh của mỗi người. 

Tôi là người không bao giờ tin vào bói toán, tử vi nhưng tôi lại rất tin vào số mạng hay định mệnh.  Tôi tin là cuộc đời của mỗi người trong chúng ta đều đã được vạch sẵn, con đường đời ta đi đã được định trước, không thể tránh né được.  Tôi hoàn toàn và tuyệt đối tin vào điều này.   Tôi chỉ không tin là ai có thể biết trước được con đường của mình hay người khác sẽ phải đi. Thế thôi.

Năm nay tôi vừa đúng 55 tuổi, có thể được coi như tôi đã sống qua hai phần ba của cuộc đời của một người.  Quay nhìn lại quãng đời đã đi qua, tôi có thể chiêm nghiệm và thấy được những gì đã được sắp đặt trước cho cuộc đời của mình.  Bắt đầu là chuyện tôi lên tàu há mồm vào Nam khi còn chập chững, rồi đến chuyện thoát chết hai ba lần khi còn nhỏ, rồi chuyện rớt tú tài và vào quân ngũ, chuyện gia nhập Không Quân và qua Mỹ tu nghiệp, chuyện bỏ nước ra đi năm 75, chuyện trở thành một Kỹ Sư Điện ( mặc dù khi nộp đơn xin học, tôi đã chọn nghành Kiến Trúc).  Rồi chuyện lập gia đình và li dị sau 21 năm chung sống êm ấm, không một lần cãi vả, đến chuyện tôi về quận Cam lập nghiệp, chuyện tái lập gia đình và sau cùng là chuyện bỏ nghề Kỹ Sư để trở thành một ông thầy dạy những người bị phạt như hiện tại, mọi chuyện xảy ra dường như đã được một người nào đó ghi chép rõ ràng trong sổ bộ đời của tôi.

Tôi kiếm sống bằng nghề Kỹ Sư đúng hai mươi mốt năm, tính từ lúc nhận cái bằng Cử Nhân từ Cal State Long Beach vào mùa hè năm 1985, cho đến khi tôi cầm cái thẻ nhân viên và trả lại cho tên xếp trực tiếp vào một buổi chiều mùa hè năm 2006.  

Định mệnh kỳ quặc đã khiến tôi bỏ nghề Kỹ Sư lương sấp sỉ 6 số để bây giờ kiếm cơm bằng nghề dạy luật lưu thông cho những người chạy ẩu, mà hiện tại, đã không có lương mà còn phải lấy tiền để dành để bù vào thương vụ mỗi tháng.

Nhiều người biết chuyện cho rằng tôi điên hay dại.  Họ có thể đúng, nhưng đối với tôi, đây là cái định mệnh đã sắp sẵn cho cuộc đời của tôi, cái ngã rẽ mà tôi phải đi, không thể thay đổi được.

Bạn có thể không tin, nhưng khoan, hãy nghe tôi kể cho bạn nghe những gì đã đưa đẩy tôi đến cuộc sống ngày hôm nay.

Ngã rẽ cuộc đời tôi lần này có thể nói là bắt đầu khi tôi và Dung, người vợ cũ của tôi, quyết định bán căn nhà ở Gardena, căn nhà chúng tôi đã sống hơn 15 năm, căn nhà đầu tay mua được khi hai đứa còn nghèo, để dọn về Redondo Beach, một thành phố miền biển vùng South Bay, nổi tiếng với cây cầu thơ mộng và những nhà hàng đồ biển đông nghẹt những thực khách ăn uống mỗi đêm.

Lợi dụng lúc giá nhà đang xuống dốc trong thời điểm năm đầu năm 1997, tôi và Dung không bỏ lỡ cơ hội, quyết định bán căn nhà đang ở  để tìm mua một căn nhà khác ở vùng biển.  Sau vài tháng lùng sục, cuối cùng, chúng tôi mua được một căn nhà cũ ở Redondo Beach nằm trên một lô đất rộng, chỉ cách bờ biển độ một phần tư dặm mà giá lại rẻ như bèo vì đúng lúc kinh tế đang xuống dốc. Tôi dự tính trong vòng một năm sẽ đập căn nhà cũ này ra và xây lại. 

Đối với gia đình, họ hàng, bạn bè thì lúc đó là thời gian hưng thịnh của chúng tôi vì chúng tôi đang ở một thành phố nghèo, nhiều dân lao động, nay bỗng dọn về gần biển, về một thành phố được coi là nơi trú ngụ của dân khá giả. 

Nhưng ai có ngờ đâu, thực tế lại không như vậy.

Ngay từ khi chúng tôi dọn về căn nhà này, tôi đã cảm thấy có gì không ổn.  Vợ chồng tôi đang yên ấm bỗng trở nên bất hoà vì những chuyện không đâu.  Sự rạn nứt trong tình cảm vợ chồng càng lan rộng và rõ rệt khi chúng tôi bắt đầu phá căn nhà ra để xây lại.  Mặc dù công việc xây cất tương đối suông sẻ và không gặp nhiều trở ngại, nhưng áp lực tinh thần của việc xây nhà và việc phải đi ở đậu nhà cô em vợ đã làm Dung cáu kỉnh và gắt gỏng.  Những đỗ vỡ không thể hàn gắn càng ngày càng gia tăng càng đẩy tôi và Dung càng ngày càng xa nhau hơn.

Rồi chuyện phải đến, vào một buổi tối cuối đông năm 1999, người vợ mà tôi đã chung sống hơn hai mươi năm, đột nhiên ngỏ ý muốn ly dị, ngay sau khi căn nhà mới xây lại vừa hoàn tất. Nàng nói là không còn yêu tôi nữa và muốn tìm một hạnh phúc khác.  Tôi ngỡ ngàng vì sự việc xảy ra nhưng không buồn vì theo quan niệm của tôi, khi người ta muốn đi thì mình chẳng có lý do gì để giữ họ lại.  Cuối cùng, chúng tôi đã ra toà xé giấy hôn thú và trả tự do cho nhau.

Chúng tôi có một cháu gái, năm đó đang theo học năm thứ hai tại trường University of Southern California (USC), một trường tư nổi tiếng của California.  Tiền học phí cháu phải mượn để hoàn tất chương trình học 4 năm lên đến gần 150 ngàn mỹ kim.

Đáng lẽ ra chúng tôi sẽ bán căn nhà mới xây, trừ chi phí xây cất và tiền nợ nhà băng, rồi chia hai phần lợi tức.   Nhưng vì tiếc căn nhà đẹp mới xây, lại ở một địa điểm lý tưởng nên tôi bàn với Dung là nàng nên giữ căn nhà lại và nếu nàng đồng ý, chúng tôi sẽ dùng tiền lời căn nhà chi trả cho tiền học phí bốn năm của cô con gái, tính theo thời giá lúc đó.  Phần còn lại, sau khi thanh toán tất cả mọi chi phí, nợ nần, sẽ chia hai và nàng chỉ cần ký cho tôi một chi phiếu cho phần của tôi.  Dung đồng ý.

Đầu năm 2000, tôi rũ áo ra đi về quận Cam lập lại cuộc đời mới với một va li nhỏ và tấm ngân phiếu chưa đến 30 ngàn đô. Đó là tất cả vốn liếng tôi còn lại sau hai mươi lăm năm lập nghiệp trên đất Mỹ. Bạn bè, nhiều người xót xa cho hoàn cảnh của tôi, nhưng thú thật với các bạn, tôi không buồn một chút nào vì tôi nghĩ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn còn đôi tay, vẫn còn khối óc. Hai mươi lăm năm trước đây tôi đã từng đã từng khởi đầu bằng con số không, chẳng lẽ, bây giờ tôi lại không làm được. Tôi tự tin vào sự phấn đấu của mình và một phần nào tôi cũng tin vào cái số may mắn của mình luôn được quý nhân phò trợ.

Tôi về quận Cam sống đời độc thân được một năm, ngoài những thời gian ở sở, thời giờ còn lại, tôi dành cho những công tác cộng đồng và xã hội.  Đầu năm 2001, trong một sự ngẫu nhiên và thật tình cờ, tôi quen Hồng. Một năm rưỡi sau đó, chúng tôi đưa nhau ra toà để kết nghĩa phu thê.

Với một sự may mắn bất ngờ, chúng tôi mua được một căn nhà ở thành phố Huntington Beach với một giá thật hời của thời điểm năm 2001.  Căn nhà tuy nhỏ, nhưng ở một địa điểm rất lý tưởng.  Tôi đã quả quyết với Hồng là trong vòng một năm, tôi sẽ đập căn nhà này ra và xây lại.  Đúng như những gì tôi dự tính, cuối năm 2003, tổ ấm của chúng tôi, căn nhà hai tầng ngói đỏ, với hồ cá Koi và thác nước ở vườn sau,  đã hoàn thành. 

Tôi đã tái lập lại cuộc đời của mình chỉ trong vòng ba năm.  Một lần nữa, đây là điều minh chứng cho sự may mắn của đời tôi, sự may mắn kỳ lạ đã theo tôi hơn ba mươi năm qua.

Trở lại chuyện tôi bỏ nghề Kỹ Sư để trở thành giảng viên trường xoá ticket.

Mặc dù tôi đã có lần kể cho các bạn nghe về chuyện tôi ngẫu nhiên trở thành giảng viên cho toà West trên mục này, nhưng có lẽ nhiều đọc giả chưa có dịp đọc, nên một lần nữa tôi xin kể lại câu chuyện này, để các bạn thấy sự kỳ lạ của cái gọi là định mệnh.

Số là tối hôm ấy, một buổi tối cuối năm 2000, khi tôi đang trên đường từ sở về nhà...

Phon phon với con ngựa sắt thân yêu trên con đường Trask tráng nhựa phẳng lì, êm như nhung của thủ đô tị nạn, tôi đang thả hồn theo gió, lan man nghĩ về bữa cơm ngon bên người tình tuyệt vời... thì bỗng nhiên, tôi giật bắn người khi nhìn thấy chiếc xe hai màu trắng đen lù lù trong kiếng chiếu hậu. Ba ngọn đèn xanh, vàng, đỏ đang quay tròn, đáng ghét.  Bỏ mẹ rồi, tôi nghĩ thầm, lại dính ticket nữa. Xui xẻo gì đâu.

Tấp xe vào lề phải, tôi tắt máy, ngồi yên chờ ông bạn dân đến gần bên cửa sổ, rồi mới quay kiếng xuống. Tuy bực dọc, tôi vẫn cố lấy giọng nhẹ nhàng, miệng mỉm cười, cái cười cầu may của người phạm tội:

-Good evening officer, did I do something wrong"

Viên cảnh sát chào lại bằng một giọng rất điền đạm:

-Chào anh. Lý do mà tôi chận anh lại là vì anh đã lái xe với tốc lực 45 dặm/giờ trong khoảng đường giới hạn 35 dặm/giờ. Xin anh vui lòng cho tôi xem bằng lái xe, thẻ đăng bộ và thẻ chứng minh bảo hiểm.

-Thưa vâng

Tôi móc bóp lấy bằng lái xe, rồi lục hộc xe lấy thẻ đăng bộ và thẻ chứng minh bảo hiểm đưa cho ông ta.

-Xin chờ, tôi sẽ trở lại

Hiển nhiên, cái cười cầu tài của tôi đã không có kết quả.

Sau vài phút, hắn trở lại đưa cho tôi một tấm giấy phạt và nhã nhặn yêu cầu tôi ký tên:

-Xin anh vui lòng ký tên vào đây. Đây không phải là anh nhận lỗi, chỉ là anh hứa sẽ ra toà vào ngày được ghi trên giấy phạt.

 Tôi miễn cưỡng đặt viết nghuệch ngoạc ký nhanh và đưa lại cho hắn.

Viên cảnh sát cầm lấy, xé tờ màu hồng đưa cho tôi, giọng vẫn từ tốn:

-Cám ơn và chào anh. Xin anh lái xe cẩn thận.

Con mẹ nó, nó phạt mình mà còn giở giọng lịch sự, tôi vẫn còn hậm hực.

Vài ngày sau, tôi nhận được một phong thơ từ tòa án Westminster với đầy đủ chi tiết, hướng dẫn để đi học traffic school, nếu trong vòng mười tám tháng tôi chưa đi học.

 Đã hơn bảy năm kể từ khi tôi dính cái ticket lần trước. May quá, tôi hội đủ điều kiện.

Nghĩ tới traffic school, tôi thở dài, ngán ngẩm. Lại mất toi ngày thứ bảy. Tôi đã từng đi học loại trường này. Chán không thể tả. Tám tiếng đồng hồ khô khan, phí thì giờ.

 Tôi lần lựa cho đến khi gần hết hạn mới chịu nhắc phôn gọi cho trường NTSI (National Traffic Safety Institute) để ghi tên học:

-Allô, tôi muốn ghi tên học traffic shool

Đầu giây bên kia là một cô Việt Nam, giọng Bắc ngọt như mía lùi:

-Thưa anh chúng tôi có lớp ngày thứ bảy và tối thứ ba. Thứ bảy học 8 tiếng, thứ ba học 4 tiếng, hai tối. Ngày thứ bảy có lớp tiếng Việt, tối thứ ba chỉ có lớp tiếng Anh. Lớp thứ bảy đã chật cứng, chỉ còn một vài chỗ trống.

-Không sao, cô cho tôi ghi tên tối thứ ba cũng được

Im lặng khoảng nửa phút rồi vẫn giọng nói nhỏ nhẹ của cô:

-Dạ, tôi đã ghi tên anh cho tối thứ ba, toà án thành phố Westminster, phòng W8. Xin anh đến trước 6 giờ. Lớp học bắt đầu 6 giờ 30. Hẹn gặp lại anh.

-Cám ơn cô

-Chào anh

Gác điện thoại, tôi vẫn còn ngơ ngẩn bởi giọng nói ngọt ngào của cô điện thoại viên của trường NTSI. Tại sao có người được trời phú cho giọng nói dễ thương như vậy nhỉ"

Tối thứ ba tuần sau đó, đúng 6 giờ 15 tôi tà tà từ nhà lái xe đến toà án. Lớp học bắt đầu từ 6 giờ 30, tôi tính nhẩm trong đầu, từ nhà tới trường khoảng 7 phút, dư sức kịp (tại sở làm, nếu 8 giờ họp thì 8 giờ thiếu 2 phút tôi mới đứng dậy ra khỏi văn phòng).

Sau khi tìm được chỗ đậu xe, tôi bách bộ tới cổng cùng một vài học viên nữa. Bỗng tiếng chuông của cái đồng hồ lớn dựng trên sân cỏ vang lên từng hồi.

Tôi nhìn đồng hồ tay, 06:28, vẫn còn kịp.  Tôi vẫn tà tà rảo bước.

Nhưng người cảnh sát tại cổng đã chận chúng tôi lại, lạnh lùng nói:

-Sorry, các anh đã đến trễ. Xin các anh trở về và gọi trường để xin đi học ngày khác

Tôi sẵng giọng:

-Nhưng, đồng hồ tôi mới có 6 giờ 29 phút. Tôi vẫn còn sớm.

Hắn vẫn lạnh lùng:

-Anh có thể đúng, nhưng ở đây, giờ giấc theo cái đồng hồ kia. Khi nó gõ, chúng tôi đóng cửa. Không có trường hợp ngoại lệ. Sorry.

Hai mươi mấy năm sống trên đất Mỹ, kinh nghiệm cho biết rằng tôi khó lòng có thể thuyết phục được anh chàng cảnh sát không tim này. Bất mãn, tôi quay gót trở lui.  Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cô điện thoại viên Bắc kỳ dặn tôi tới trước 6 giờ.

Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại cho NTSI. Lại cũng cô Bắc kỳ với giọng nói nhẹ nhàng như gió mùa thu:

-NTSI, xin nghe

-Allô, tôi muốn ghi tên lại đi học traffic . Tôi đã ghi tên học lớp thứ ba, nhưng tôi đến trễ. Bây giờ, xin cô cho tôi ghi tên lớp thứ bảy tuần này. Tôi không còn nhiều thì giờ.

-Để tôi xem...Ah, anh may mắn lắm, thứ bảy này còn một chỗ. Toà án Westminster, phòng W8, xin anh đến trước 7 giờ. Lớp học bắt đầu 7 giờ 30. Chào anh.

Khỏi cần phải nói, các bạn cũng đoán được là sáng thứ bảy hôm ấy tôi dậy thật sớm.

Tắm rửa sạch sẽ, quần áo chỉnh tề, pha ly cà phê sữa nóng đem theo, tôi ra xe đề máy.  Đồng hồ tay chỉ 6:35.

Tưởng rằng mình sẽ là người đầu tiên tới trường, tôi ngạc nhiên khi thấy cả trăm người đang lố nhố đứng sắp thành một hàng dài. Không hiểu họ đã có mặt từ lúc nào.  Đúng 7 giờ, cánh cửa mở rộng. Gần 500 học viên được lệnh sắp hàng tư, giấy tờ và bằng lái xe trên tay sẵn sàng, lần lượt vào cửa. Sau đó, chúng tôi được kiểm soát bởi những nhân viên nhà trường và được hướng dẫn đến lớp học. Lớp tiếng Việt được giảng dạy trong phòng W8.

Bước vào lớp, tôi choáng ngộp khi thấy gần trăm người, chen chúc trong một cái phòng không lớn lắm, chuyện trò như pháo ran. Vì là lớp tiếng Việt nên học viên toàn là dân đầu đen. Già, trẻ, nam, nữ đầy đủ. Tôi nhìn quanh, những chỗ ngồi đã bị chiếm gần hết.  Bỗng tôi thấy một ghế trống, hàng trên cùng, dãy giữa. Tốt, tôi chẳng ngại ngồi hàng trên cùng.

Lớp học đang ồn như một cái chợ, bỗng nhiên im bặt khi một ông Mỹ, mập và lùn bước vào, tự giới thiệu:

-Good morning. My name is Bill, I am the principal of this school and also your instructor. (Xin chào quý vị.  Tôi tên là Bill, tôi là hiệu trưởng của trường và cũng là giảng viên của quý vị ngày hôm nay).

Tại sao lại là một ông Mỹ, tôi tự hỏi, không phải đây là lớp tiếng Việt hay sao"

Ông giảng viên tiếp lời vẫn bằng Anh ngữ:

-Tôi thành thật xin lỗi quý vị, vị giảng viên người Việt đã xin nghỉ mà chúng tôi chưa tìm được người, nên hôm nay tôi phải tạm thời thay thế. Tôi biết ngày hôm nay sẽ rất khó khăn cho quí vị. Tôi không biết tiếng Việt, tôi chỉ hy vọng quý vị biết tiếng Anh. Nhưng xin quý vị đừng quá lo lắng, tôi có cô phụ tá, cô sẽ giúp phiên dịch những điều tôi nói ra Việt Ngữ để quí vị có thể hiểu. Xin quí vị kiên nhẫn...

Nói xong ông chỉ tay vào một cô còn rất trẻ, đang đứng sát tường.

Sau đó chúng tôi được phát cho mỗi người một quyển sách mỏng viết bằng Việt ngữ.  Học viên người Việt, sách học viết bằng tiếng Việt. Trong khi đó, giảng viên người Mỹ, lại giảng dạy với sách viết bằng tiếng Anh, thật là tréo cẳng ngỗng. Nếu nội dung hai quyển sách này giống nhau thì chẳng nói làm gì, đằng này, sách tiếng Việt một đường, sách tiếng Anh một nẻo, thế mới phiền. Thêm vào đó, cô thông dịch viên có lẽ rời Việt Nam lúc còn nhỏ nên tiếng Việt cũng không chuẩn lắm. Nhiều chữ, cô lúng túng không biết phải dịch sao cho đúng.

Thế là, thầy giảng thầy nghe, trò nói trò nghe. Học viên, nhiều người cứ đờ ra như vịt nghe sấm. Một số khác nhắm mắt lim dim ngủ... ngáy khò khò...(xin lỗi, ngủ thì có, ngáy thì không, tôi thêm mắm, thêm muối một chút cho vui ấy mà). Những giờ học nặng nề của buổi sáng trôi qua...

Anh hùng tính nổi lên, vì ngồi bàn trên cùng nên tôi thỉnh thoảng cũng "nhào vô" giúp ông giảng viên và cô thông dịch viên, dịch những chữ khó từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Chưa chịu, trong giờ nghỉ ăn trưa, tôi còn hiên ngang lấy quyển sách tiếng Việt và dịch những phần chính ra tiếng Anh rồi đưa cho ông ta. Buổi chiều, Bill nhờ tôi đứng làm thông dịch viên thay thế cho cô gái trẻ.

Sau khi lớp học tan, Bill bắt tay tôi, nói:

-Cám ơn anh đã giúp tôi. Chúng tôi đang cần một giảng viên người Việt. Tôi thấy anh rất có khả năng để làm việc này. Anh có muốn trở thành giảng viên cho NTSI hay không"

Tôi trợn mắt:

-Cái gì " Làm giảng viên" Ông có đùa không" Ông không thấy tôi mới bị ticket, còn phải đi học hay sao" Tôi có biết gì về luật giao thông đâu mà giảng với dạy"

Bill nghiêm giọng:

-Không, tôi không đùa. Lẽ dĩ nhiên là anh sẽ được huấn luyện, phải thi lấy bằng giảng viên (instructor license). Nhưng anh đừng quá lo, chúng tôi sẽ huấn luyện cho anh. Tin tôi đi, anh dư sức qua cầu. Trust me.

Suy nghĩ một lát, tôi gật đầu:

-OK, xin cho tôi biết tôi phải làm gì"

Bill mừng ra mặt:

-Cám ơn anh. Anh cho tôi số điện thoại, chúng tôi sẽ liên lạc với anh.

Vài ngày sau, tôi nhận được cú phôn từ ông Director của NTSI. Sau nửa giờ interview ngắn ngủi, tôi được chính thức tuyển dụng.

Rồi sau đó là những seminar và những giờ workshop. Thêm vào đó, tôi được giao cho một cuốn cẩm nang dầy cộm cùng một lố sách học khác. Sau đó tới việc nạp đơn tại DMV, đóng tiền và cuối cùng là thi lấy bằng. Chẳng có gì là khó khăn, tôi anh dũng qua cầu và được DMV cấp cho một cái bằng giảng viên có giá trị ba năm.

Những ngày thứ bảy cùng những tối thứ tư qua mau.  Thấm thoát mà tôi dạy cho NTSI đã hơn sáu năm.  Số học viên của tôi đã lên đến gần ba mươi ngàn người.   Những vui buồn trong lớp học đã đem lại cho tôi ít nhiều thi vị của cuộc đời. Một điều hy hữu đáng nói nữa là cô điện thoại viên Bắc kỳ có giọng nói ngọt như mía lùi kia bây giờ lại trở thành phụ tá của tôi. Cô phụ trách vấn đề điểm danh, tài chánh và những giấy tờ linh tinh khác.

Nghề kỹ sư, nghề chính hiện tại của tôi, khoảng ba năm nay có chiều hướng đi xuống.  Có thể nói là nghề kỹ sư là một nghề không có hậu.  Lúc trẻ, người kỹ sư rất được trọng vọng nhưng khi về già, người kỹ sư bị coi như đồ phế thải, một trái chanh hết nước.  Lý do là người kỹ sư càng già thì càng lụt vì đầu óc không còn minh mẫn, nhanh lẹ như hồi còn trẻ, tai hại nhất là đôi khi lại vướng mắc những lỗi lầm trong sự tính toán.  Người kỹ sư già không có những phát minh mới lạ vì không theo kịp với khoa học kỹ thuật, mà vận tốc của sự thay đổi trong ngành kỹ thuật thì nhanh đến chóng mặt.  Ngoại trừ người kỹ sư biết tìm đường tiến thân bằng cách len lỏi vào cơ cấu quản trị để trở thành giám thị hay giám đốc, nếu không, nếu chỉ ở lãnh vực kỹ thuật, họ sẽ bị đào thải.  Một yếu tố quan trọng nữa là vì sống lâu lên lão làng nên lương bổng, quyền lợi của họ quá cao so với những kỹ sư mới ra trường.  Sa thải một người kỹ sư già, công ty sẽ mướn được hai người kỹ sư trẻ.

Khi nhận thấy tên xếp của tôi bắt đầu kiếm chuyện,  giao cho tôi những project cũ, và luôn luôn để ý, bơi móc những lỗi lầm thật nhỏ của mình, tôi nghĩ đã đến lúc mình phải giã từ cái công ty bạc bẽo này.

Không có ý định làm việc cho một công ty khác, tôi quyết định chuyển hướng nghề nghiệp của mình để không phải lệ thuộc vào người khác.  Tôi muốn được làm chủ của chính mình vì thế hơn một năm qua, tôi đã âm thầm tìm hiểu luật lệ để xin giấy phép mở một trường dạy luật lưu thông ở quân Cam. 

Tháng 6 năm 2006, tôi đệ đơn từ chức và bắt đầu công việc thực hiện giấc mơ được làm chủ chính mình.

Thủ tục để mở một trường dạy những người vi phạm luật lưu thông rất nhiêu khê và phức tạp.  Điều kiện đầu tiên để được cấp bằng mở trường là DMV đòi hỏi tôi phải soạn thảo và nộp một chương trình huấn luyện (lesson plan).  Chương trình này phải  được viết bằng Anh ngữ, phải dựa theo dàn bài của DMV, gồm 16 chương và phải được DMV chấp thuận.  Chỉ nguyên điều kiện này, tôi đã phải mất hơn một tháng để hoàn thành.  Sau đó, tôi còn phải xin tổng cộng tất cả là 5 bằng hành nghề.

Cái bằng thứ nhất là tôi phải xin một bằng để làm chủ trường (owner license).   Thủ tục xin một cái bằng để làm chủ trường tương đối dễ, nhưng vì bằng chủ trường không được dùng để điều hành, tôi lại phải xin một bằng thứ hai là bằng giám đốc điều hành trường (operator license).  Điều kiện để xin được một bằng giám đốc điều hành là ứng viên phải đang là một giảng viên thực thụ, có trên 500 giờ dạy và phải qua một kỳ thi sát hạch. Muốn chứng minh mình đã dạy trên 500 giờ, tôi phải trở về NTSI để xin một giấy chứng nhận.

Sau khi nghe tôi trình bày lý do để xin cấp giấy chứng nhận,  người giám đốc điều hành của NTSI có vẻ buồn và nói với tôi:

-Tôi sẽ cấp giấy chứng nhận cho anh nhưng anh sẽ không được dạy cho NTSI nữa vì luật lệ của công ty không cho phép.  Tôi rất ân hận là phải làm như vậy nhưng tôi không có một lựa chọn nào khác hơn.

Tôi không muốn bỏ NTSI, cũng không muốn xa cái lớp học dễ thương mỗi tuần tại toà West, nhưng tôi cũng không có sự chọn lựa nào khác.  Cuối cùng, tôi phải đệ đơn từ chức và cho NTSI thời hạn một tháng để tìm người thay thế.

Sau khi xin được bằng giám đốc điều hành, tôi lại phải xin một bằng thứ ba là bằng giảng viên (instructor license) cho trường của chính mình, vì người giám đốc điều hành không được quyền dạy học. 

Ngoài bằng chủ trường, bằng giám đốc điều hành, bằng giảng viên, tôi lại phải xin thêm cái bằng thứ tư là bằng cung cấp dịch vụ của nha lộ vận (registration services license) và cái bằng thứ năm là bằng để được cấp sticker tại chỗ (automation registration license).

Song song với việc xin giấy phép mở trường  từ DMV, tôi phải tìm địa điểm và xin giấy phép thành phố.  Để thoả mãn điều kiện của DMV, địa điểm lớp học phải đủ tiêu chuẩn, phải có lối vào cho những người phế tật, có nghĩa là lớp học không được ở tầng hai của một buiding mà không có thang máy.

Sự may mắn một lần nữa đã đến với tôi,  chỉ trong vòng một buổi chiều tôi đã tìm được một văn phòng không lớn lắm cũng không nhỏ lắm nằm ngay trong một khu thương mại thuộc thành phố Westminster cách khu Little Sài Gòn khoảng hai dặm.  Giá tiền mướn hàng tháng tương đối rẻ, chỉ hơn một đồng rưỡi một foot vuông. 

Có văn phòng, tôi ra toà thị sảnh Westminster để xin giấy phép hành nghề. 

Việc này tương đối dễ.  Chỉ cần vài tiếng đồng hồ, tôi đã hoàn tất việc xin giấy phép và đăng bộ với quận hạt với tên gọi là DIAMOND TRAFFIC SAFETY SCHOOL.

Sau cùng là việc trang trí, sửa soạn văn phòng để nhân viên DMV thanh sát và đóng con dấu chấp thuận sau cùng.

Sau gần sáu tháng chuẩn bị với thủ tục xin giấy phép, ngày 21 tháng 1 năm 2007, Diamond Traffic Safety School đã tưng bừng khai trương với sự hiện diện của một số đông bạn bè và thân hữu.

Dịch vụ hiện tại của Diamond Traffic Safety School là xoá ticket, sang tên, đăng bộ, trả thuế lưu hành cấp sticker tại chỗ và trong tương lai sẽ bán bảo hiểm và notary public. 

Diamond Traffic Safety School có lớp học hàm thụ cho những người ở xa, không có thì giờ đến trường.  Trong tường lai gần, Diamond Traffic Safety School sẽ có lớp xoá ticket trên internet cho những người không phải là cư dân quận Cam hoặc cho những người ở quận Cam nhưng bị phạt ngoài phạm vi quận Cam.  Diamond Traffic Safety School cũng còn tổ chức những buổi hội thảo với những đề tài liên quan đến luật lệ lưu thông và những đề tài hữu ích khác, rất cần cho cuộc sống của chúng ta trên miền đất hứa này.

Nếu bạn cần những dịch vụ như xoá ticket, sang tên, đăng bộ xe, trả thuế lưu hành cấp sticker tại chỗ, xin bạn hãy liên lạc với:

Diamond Traffic Safety School, 13372 Godenwest St., phòng 106 , Westminster, California.  Tel: (714) 890-7171.

Thương vụ của Diamond Traffic Safety School tuy còn chậm, mặc dù tôi vẫn chưa có lương và vẫn còn phải bù lỗ mỗi tháng, nhưng tôi tin tưởng mãnh liệt rằng với sự ủng hộ của đồng hương và sự giới thiệu của gần ba mươi ngàn học viên tại toà West, Diamond Traffic Safety School trong tương lai sẽ phát triển mạnh và sẽ có những chi nhánh khác tại các thành phố đông người Việt.

Chưa hết, một lần nữa, sự may mắn kỳ lạ lại đến với tôi.  Số là, NTSI sau một thời gian không tìm được người thay thế, cuối cùng đã chấp thuận và giữ tôi làm giảng viên tại toà West. Thêm vào đó, họ còn thăng chức cho tôi làm hiệu trưởng chi nhánh này.  Điều này là điều đã làm tôi vui nhất, không phải vì được làm hiệu trưởng mà là tôi không phải xa cái lớp học thân yêu ở phòng W8 đó. 

Hiện tại, tôi dạy cho NTSI ngày thứ bảy và tôí thứ tư và dạy cho Diamond Traffic Safety School vào ngày chủ nhật, tôí thứ ba và thứ năm hàng tuần.

*

Lời cuối:

Qua bài viết này, tôi đã chứng minh cho các bạn thấy là những gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đã được định trước, không thể tránh khỏi.  

Với trường hợp riêng của tôi, nếu tôi không bán căn nhà ở Gardena và không dọn về Redondo Beach thì chưa chắc tôi và Dung đã li dị.  Nếu tôi không li dị thì không có chuyện tôi về quận Cam lập nghiệp.  Nếu tôi không về quận Cam thì tôi đã không bị phạt và không trở thành giảng viên tại toà Westminster.  Nếu tôi không là giảng viên thì đã không có trường Diamond Traffic Safety School và có lẽ bây giờ tôi vẫn và sẽ là một người kỹ sư già của một công ty nào đó cho đến tuổi về hưu. 

Bạn có tin vào định mạng không"

Ý kiến bạn đọc
23/05/202117:02:40
Khách
Chào cháu, cám ơn cháu đã góp ý. Chú tin vào định mạng nhưng chú không tin có ai biết trước được cuộc đời của mình hay của người khác trong tương lai. Không ai có thể biết việc gì sẽ xảy ra cho cuộc đời mình giờ tới, ngày tới, tháng tới hay năm tới. Chú không bao giờ tin những người bói toán hay những nhà chiêm tinh gia.
21/09/201515:24:05
Khách
Chào chú Sỹ,

nếu như chú có dịp đọc ý kiến của cháu. Nói như chú thì:
"Tôi là người không bao giờ tin vào bói toán, tử vi nhưng tôi lại rất tin vào số mạng hay định mệnh."

theo cháu thì chú hơi mâu thuẫn. Vì tử vi hay bói toán chỉ là phương tiện hay cách thức đọc hay vẽ lại quá khứ cũng như tương lai của người nào đó (và dĩ nhiên còn có những phương pháp khác), nếu như cuộc đời của người đó đã được định sẵn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,229,771
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến