Hôm nay,  

Hòn Xúc Xắc

18/12/200600:00:00(Xem: 290035)

HÒN XÚC XẮC

Người viết: TRÂN NGUYÊN

Bài số 1155-1764-475-vb8171206

Tác giả Trân Nguyên sinh năm 1970, cư dân Monterey Park, Nam California, đang làm việc tại St. Joseph Providence Med. Center; Nghề nghiệp: siêu âm. Với bài viết “Chuyện Cấm Đàn Ông” và một số bài khác, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

*

Mới được Việt Báo trao giải thưởng bữa trước với bài "Chuyện cấm đàn ông" thì y như rằng bữa sau có ông bác họ lại lò dò qua hỏi thăm sức khỏe liền:

- Trân Nguyên, mi giỏi há con… Mi ỉ làm "bác sĩ" rồi tha hồ đem hết mấy Ôn - Cha - Chú lên mổ xẻ … toang hoang cho thiên hạ hắn tròn xoe con mắt  hết trơn… À há. Mi có ngon kỳ ni viết chuyện mấy bà đi con, đề tài ly kỳ đó . Thôi như ri, coi như một lời hứa để phấn khích mi, năm nay Việt Báo thưởng bao nhiêu, tau thưởng bằng y … được không"

Tôi phấn chấn:

- Quân tử nhất ngôn!

Ông hứa :          

- Nhất định rồi, nhất định rồi.

Chưa kịp dứt câu thì cel-phone réo, bác nhìn máy nhíu mày:

- Mụ gọi (Người Huế nhiều khi kêu vợ bằng "Mụ", Mụ vợ!)

Nói rồi bác hấp tấp đi về, vừa đi vừa ca cẩm:

- Mi coi đó, tau đi ra chưa quá 2 tiếng đồng hồ mà … Mụ la đi mua có tờ báo thôi mà đi hai ngày chưa về.

Tôi nhớ đến cô Tâm vợ của bác là người hiền lành, ưa kinh kệ, thích ăn chay … làm chi mà ăn nói " vọng ngôn" như rứa. Chắc bác nói… oan!.

Hai phút sau cell-phone của mẹ tôi lại inh ỏi réo. Cô Tâm gọi qua không phải để rủ mẹ tôi đi Chùa, mà là để "Confront" coi thử bác nói vừa qua bên ni về, có thiệt đúng không" Tôi chấp tay lẩm bẩm:

- A Di Đà Phật.

Mẹ tôi bữa ni không hiểu nói chuyện chi trên phone mà cười nói oang oang vui vẻ lắm. Cô Tâm dặn:

- Nè em nói chị nghe, đàn bà mà mình không biết giữ gìn nhan sắc thì mau già lắm. Vui quá cười hết miệng… nhăn cũng già, mà khóc lóc, mếu máo cũng già… nhăn !

Mẹ tôi nóng ruột:

- Chớ chừ răng"

Thì từ nay về sau, vui cũng đừng có cười, mà buồn cũng đừng có dại mà khóc. Bất quá nghe kể chuyện tiếu lâm nhịn cười không được … lấy tay vịn lại 2 bên má… rồi từ từ hãy cười… sơ sơ.

Tôi nghe họ nói chuyện bằng speaker phone… mà bụm miệng không được, vịn lại cũng không kịp, nụ cười văng ra, để lại vết hằn sâu hai bên khóe miệng! … Đúng thiệt! Tôi ngẫm lời Cô vừa nói mà phục lăn. Tôi chỉ sợ một điều là phụ nữ trên thế gian sẽ biến thành búp bê hết, với cái đà phát triển sáng kiến làm đẹp này thì các tiệm mỹ phẩm, mỹ viện …mỹ…sẽ không còn đất sống. Nhưng không lo chi, còn quý bà là còn hàng vạn thứ cần phải bày bán, từ chiếc kẹp tăm mãnh như sợi tóc đến chiếc nhẫn hột xoàn to bằng viên Tylenol.

Dì ruột tôi ở Texas qua thăm, biểu Mẹ tôi chở đi thăm dì Ngân Hà, bạn học cũ của dì từ hồi ở Đà Nẵng qua đây ở dưới khu Phước Lộc Thọ. Nghe chưa hết câu, Mẹ tôi đã lắc đầu nguầy nguậy.

- Em không đi mô, mụ nớ dốc dác lắm, em ghét. Dì tôi thắc mắc: Chuyện chi".

Tôi không bênh Mẹ những câu chuyện này tôi là nhân chứng sống động nhất. Đó là những năm, 19… chín mươi, ngày tôi mới chân ướt - chân ráo qua Mỹ, học trường PCC (Passadena City College). Cả bọn Việt Nam tụ lại cũng được mười mấy đứa, tuổi tác gần gần nhau 19, 20, 21… thôi. Đều mới qua nên hợp gu lắm. Đa phần là dân Quảng Nam - Đà Nẵng, mỗi mình tôi lạc loài người Huế, nhưng không  sao, tình thân 2 đời, có khi ba đời từ thời ông bà ngoại đã biết nhau, nên tụi tôi gắn bó, thân thương vô kể, cùng nhau chia xẻ những hoạn nạn khó khăn của ngày mới đến .

Hôm đó, nhà anh Toàn làm lễ Đính Hôn cho cô em Út (Toàn là anh cả lo  lắng cho cả bọn, cũng là đầu têu phá phách trong trường) Mẹ Toàn là Dì Kim Thành bạn thân của Mẹ tôi từ hồi Đệ nhất. Buổi tiệc vui lắm, mặc dù không tốn kém xa xỉ, nhưng ấm cúng và đậm tình đồng hương biết bao. Mỗi người một tay trang trí trưng bày… chả giò nem nướng, bánh nậm, bánh lọc… được tài khéo của bao nhiêu bà trổ ra…

Người lớn bàn người lớn, con "nít" kéo nhau ra garage, đám nhỏ tụi tui xúm lại đấu lác, đánh bài, ăn uống, cười nói vui vẻ. Tụi con gái nháy nhau: - Áo mô mà đẹp rứa mi" Con Lan xù xì: Yard sale chớ mô, hên dễ sợ. (Thời đó có được một chiếc áo đẹp để đi ăn tiệc là chuyện lớn lao lắm) có đứa còn không hiểu hỏi lại. - yard sale là răng" Bữa mô mi dắt tau đi…

Áo tôi thì không phải yard sale, mà là của bà cô họ cho mượn mẹ tôi lượt tay ở bên trong cho vừa, mặc xong về tháo ra trả lại. Nhớ lúc đó tôi ốm như cò ma, còn bây giờ nhịn hoài không xuống… ký.

Chẳng hiểu sao thời đó ăn không có ăn, mặc không đủ mặc, tương lai còn mịt mờ phía trước, mà tụi tôi cứ hân hoan lắm, mỗi đứa một hoàn cảnh vừa đi làm, vừa đi học mà tên nào cũng phơi phới yêu đời. Ăn xong no kềnh lại dựa lưng vào nhau mà hát… tình khúc Ngô Thụy Miên.

Tiệc gần tàn, thì dì Ngân Hà và chồng mới xuất hiện, người dì này cũng mới qua Mỹ theo diện H.O. như đa phần mọi người ngồi ở đây, mấy chị con dì cũng cùng học PCC với đám tụi này, Dì bước vào dơ tay: - Hi…tụi con, buộc tụi tôi cũng phải "hi" lại: - Hi…dì, hi…bác. Tụi tôi lao nhao. Mỹ Dung, Mỹ Linh đâu" Út đâu" Sao không tới với dì.

Dì Ngân Hà ngoe nguẩy:

- Tụi nó không rãnh tới đâu, vì tối nay mắc tiếp mấy anh bạn…..kỹ sư…vừa mới đến chơi. Tụi tôi đưa mắt nhìn nhau… cụt hứng. Không gian bỗng đọng lại, im thin thít.

Đến lượt dì quay qua tôi:

- A Trân Nguyên con, bữa nay ăn diện đẹp quá, dì nhìn không ra.

Tôi cười ngượng:

- Áo nính đó mà dì.

Và dì cao giọng, chua xót:

- Trời ơi, mặt mũi sạch sẽ, đàng hoàng như ni mà cha mẹ bỏ nhau, dọn lên căn apartment ọp ẹp tồi tàn trên El Monte tội nghiệp chưa tề.

Chuyện đó thì chẳng ai lạ gì… Nhưng nhắc đến đây thì mọi người đều tái mặt, còn tôi bưng mặt chạy đi…

Anh Toàn chạy theo vô restroom biểu tôi rửa mặt. "nhà đang có đám hỏi, đám cưới!!" Tôi biết nhưng tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt của một con bé chưa đầy 20 tuổi, trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Tiếng Dì Ngân Hà vẫn tiếp tục oang oang ngoài kia:

- Ông Đoàn cũng tệ quá, có độc nhất một đứa con gái mà bỏ đành, bỏ đoạn… để ráng vài năm cho con Trân Nguyên dựng vợ, gả chồng cái đã. Cha mẹ như rứa, con nhà tử tế ai dám nhào vô….

Tôi khóc to hơn. Toàn ôm vai tôi dỗ dành:

-Nghe anh nói, em khóc như vầy là con nít lắm, người ta muốn mình khóc, thì mình phải cười, và tiếp tục bước… Thôi để anh đưa em về (nhớ thời đó, tôi còn chưa có xe, còn Toàn thì mượn xe của ba)

Ngày hôm sau, dì Ngân Hà cõ lẽ ân hận nên gọi cho mẹ tôi xin lỗi đã vô tình làm cho tôi khóc và cũng để kể chuyện gì đã xảy ra lúc mẹ tôi vắng mặt đêm đó. Dì tỉ tê:

- Cái thằng Toàn đằng nhà bà Kim Thành, hắn làm cái trò khỉ chi rứa. Mới thấy con Trân Nguyên khóc mà hớt ha, hớt hải như gà mắc đẻ. Nhà đang có đám hỏi, đám cưới, không nói, không rằng bỏ chạy tuốt theo con nhỏ. Rồi dì hạ thấp giọng như có chuyện chi động trời lắm:

- Bộ hắn mê con Trân Nguyên của mi hả"

Mẹ tôi bình thản:

- Tụi hắn ưng nhau thì mừng biết mấy rồi, mà hình như không phải. Giỡn với nhau như quỉ sứ rứa tê.

Dì Ngân Hà trề mím:

- Chu choa ơi, cái miệng ăn mắm, ăn muối…cái đầu to mà răng ăn nói  ngu rứa hè…

Ai đời lại gã con cho cái đám…. "hát ô" (H.O)

Bây giờ đến lượt mẹ tôi trả đũa:

- Rứa mụ "rúc" ở cái lỗ mô lên" Mụ cũng "hát ô" chớ có hơn được ai đâu mà dốc ỏm!

Vậy là chỉ có 2 chữ "hát ô" mà hai bà không ngó mặt nhau tới mười mấy năm.

Mới đó mà đã 16 năn rồi.

Chị Mỹ Dung, cô con gái "rượu" nhiều kỳ vọng nhất của dì giờ đã có 2 đứa con và cũng đã…ly dị. Bởi hôn nhân của họ vốn như đôi đũa lệch ngay từ ban đầu. Dì Ngân Hà ngồi sui với dì Công Tằng Tôn Nữ Ngự Trang Nhã, nghe nói 2 người là bạn với nhau từ 40 năm. Dì Trang Nhã đậu tú tài xong, theo chồng du học trước năm 75, còn dì Ngân Hà ở lại theo chồng qua diện H.O sau  này, gặp lại nhau 2 người mừng lắm. Dì Trang Nhã vốn là hàng danh giá, vọng tộc ở ngoài Huế, đẹp chim sa cá lặn ít ai sánh bằng, cha dì là ông Đốc Nghiêm người làng An Cựu không ai là không biết đến, còn ông ngoại là Ngự Y của Hoàng Đế Bảo Đại ngày xưa…đến khi thành gia thất với bác Tình may mắn cũng là người có ăn học tiếng tăm được mọi người nể nang trong cộng đồng Việt Nam. Nội kể về biến cố 911 thôi, bác và gia đình đã quyên ra 100.000 dollars cứu trợ nạn nhân… con cái họ theo truyền thống gia đình đều thành danh, thành tài, phòng mạch của họ rải rác khắp hết vùng Westminster. Vậy là dì Ngân Hà cương quyết "Đưa con vào Nội."

Thứ Bảy Chủ Nhật nào chị Mỹ Dung cũng theo lời mẹ khăn gói lên đường sang nhà dì Nhã, chứng minh câu nói:

"Cái nết đánh chết cái đẹp"

Anh Du (chồng của chị sau này) lúc đó đang có người yêu xinh đẹp tên là Trâm Anh. Dì Nhã thì suốt ngày bài bác:

- Con nớ "Mỹ" quá chỉ có cái mặt đẹp chớ…cha mẹ không dạy. Tới nhà chỉ chằm hăm mỗi mình thằng Du thôi. Ăn cơm xong "hắn" quảy đít vô phòng…. 2 đứa đóng cửa lại…để ba hắn ở ngoài….rửa chén (bác Tình cười hề hề, thì "hắn" không tới tui cũng phải rửa mà…)

Điệp khúc của dì Nhã thì ngày càng thiên vị tới mức báo động:

- Hắn…theo thằng Du suốt mấy năm nay, chớ có hề động tới móng tay làm chi trong nhà đâu. Đám kỵ, đám giô là "hắn" tới sau cùng, rồi…về trước tiên hết. Trong khi Mỹ Dung thế này..v..v… Mỹ Dung thế nọ..v..v…Bị áp lực nhiều quá, chị Trâm Anh tự ái bỏ đi lấy chồng,vậy là đám cưới anh Du và chị Mỹ Dung diễn ra, như  một tiếng sét giữa trời không mưa, duy chỉ có dì Ngân Hà là người hả hê nhất, bởi dì luồn trong danh tiếng nhiều hơn là tình cảm.

Hôm đám cưới, dì Trang Nhã là lộng lẫy nhất, năm đó dì cũng phải gần 60 rồi, mà vẫn còn đẹp lắm, nghe mẹ tôi kể: Dì Nhã từng được chọn làm Trưng Trắc, đứng trên xe hoa đi cùng thành phố. Bây giờ, con cái đỗ đạt, hiếu thảo, vốn đã giàu có lại trở nên thừa mứa, tiền không biết để làm gì cho hết… dì đi căng chỗ này đắp chỗ kia, son phấn, nước hoa thuộc loại đệ nhất thiên hạ nên coi dì trẻ… trẻ dễ sợ! Nhưng dầu trẻ tới đâu, dì cũng  không còn có thể mặc cùng một kiểu áo với đứa con gái út của dì được nữa chưa kể đến đường xẻ cao lên tận nơi không cần phải đến, để lộ một mảng đùi, dầu muốn dầu không, cũng đã mang nhiều dấu tích thời gian- cổ áo thì rất sâu, rất rộng như tài từ Hollywood sắp nhận giải Oscar, ông bà mình nói phải "xấu che, tốt khoe" có những chổ đâu cần khoe hết ra vậy. Uổng quá!

Tôi nhớ đến hội Nhớ Huế cách đó không lâu, dì Trang Nhã đã đến dự với chiếc áo dài màu tím Huế, trông dì thật thanh tân, tao nhã, thật đậm đà chất Huế, không thẹn một thời từng là hoa  khôi của đất thần kinh. Phải công nhận rằng: áo dài ngày nay đẹp hơn ngày xưa nhiều, bởi bao nhiêu là lối sáng tạo của may cắt trãi qua bao nhiêu đời, cộng thêm chất liệu tơ tằm mềm mịn họa tiết thêu thùa trang trí công phu…tạo cho Áo Dài một chỗ đứng tuyệt đối, phải nói, ai mặc vào cũng phải đẹp hơn. Ưu điểm của áo dài Việt Nam mình là phô bày toàn cái đẹp không thôi (không những "xấu che" mà còn "tốt khoe") mới độc đáo chứ.

Vậy mà cô dâu thay  đổi xiêm y mấy lần thì dì Trang Nhã cũng làm theo mấy bận, tôi chờ hoài không thấy dáng áo dài tha thướt của  ngày Nhớ Huế kia… để cho mà thiên hạ suýt soa, chiêm ngưỡng người của một thời vang bóng. Làm tôi cứ tiếc ngẩn, tiếc  ngơ…Giá mà tôi được đẹp như dì.

Đến lượt "chị sui" bên kia xuất hiện. Quỉ thần Thiên Địa ơi cũng là chiếc sườn xám lấp lánh và xẻ cao chết người kia. Dì Ngân Hà tuy không đẹp bằng dì Trang Nhã, nhưng trong dì phảng phất chút đậm đà, duyên dáng của người uống nước sông Hương. Ôi cái đẹp đâu chỉ nằm ở son phấn, lược gương… có những cái đẹp được chắt chiu từ những ngày tảo tần cơm áo, những ngày nuôi chồng học tập, chạy ăn từng bữa cho con… cái đẹp dịu hiền mà thiêng liêng của bao nhiêu bà mẹ Việt Nam đã cùng sóng đôi âm thầm với thăng trầm đất nước. Cái nét đó thì dì Ngân Hà có thừa, đem ra mà thi thố ăn đứt hết người ta không chừng. Ai dám nói dì Ngân Hà không đẹp, mỗi người Trời cho đẹp một vẻ. Cái đẹp mà tôi tôn sùng! Vậy mà… thay vào đó, người ta chỉ nhìn thấy những mảng da thịt tội nghiệp "bị" phơi bày ra hết, bởi lối chưng diện quá diêm dúa, chẳng thích hợp gì với vóc dáng, tuổi tác và con người của dì. Đồng ý là qua đây thì phải hội nhập, nhưng mà phải chọn lọc, phải không thưa các bạn"

Có cái giọng Huế ở đâu chua lòm:

- Y hệt con gà ác!

Tội nghiệp cho dì Ngân Hà có lẽ dì không tự tin với chính mình, nên đã vô tình "sao y bản chánh" người dì giàu có kia, cho xứng mặt sui gia.

Nhưng rồi đám cưới diễn ra cũng mỹ mãn lắm. Thời đó, thì đám cưới của một gia đình H.O mới qua được vài năm như vậy cũng được coi là hoành tráng lắm rồi.

 

*

16 năm rồi, tôi thiệt không còn giận dì Ngân Hà và cũng không muốn nhớ lại câu chuyện ngày hôm đó. (Ai biểu ông bác họ kháo “thách” tôi viết chuyện mấy bà.)

Sau bao nhiêu năm, rồi mẹ tôi cũng gặp lại dì Ngân Hà.

Dì nắm tay mẹ tôi tâm sự, có vẻ như phân bua cho câu nói ngày xưa:

- Quay đi rồi quay lại, chỉ có mấy bà bạn thăm chồng học tập ngày xưa là chí tình, chí nghĩa nhất.

Hình như dì cố tình không dùng tới 2 chữ H.O.

Quay qua tôi, mắt dì như có nước:

- Ngày xưa con khổ quá rồi mà dì còn làm con khóc. Dì…. xin lỗi.

- Khóc hồi mô tề, con đâu có nhớ… Tôi vớt vát.

Dì tiếp:

- Chồng mô" Sao không dắt xuống cho dì coi mặt. Hồi nớ dì cứ tưởng con lấy thằng….Toàn.

Tôi cười vang:

- Anh Toàn bây giờ giàu sụ, cưới được cô y tá đẹp như mơ. Tụi con cứ chọc: toàn nhiễm sắc thể X không thôi, nên chỉ đẻ toàn con gái. Tụi con tính …. kết sui!

Nhớ lại câu chuyện của dì và dì Trang Nhã cũng là bạn thân ngày xưa làm tôi… sượng lại.

Dì thoa đầu tôi hiền hòa nhắc:

- Từ rày về sau không được đi luôn nghe chưa, phải năng chở mẹ xuống chơi với dì.

Mọi người cười hỉ hả... Đêm giòn tan như chiếc bánh ngon.

*

Cuối tuần mọi người kéo nhau đi Las Vegas để tiễn chân dì tôi tuần sau về lại Texas.

Nhìn những hòn xí ngầu tung lên, trợt xuống, lăn lộn, ngã nghiêng… tôi thấy ánh mắt dì Ngân Hà chợt buồn, nỗi buồn xa vắng như thể thấy được cả biển đời mông mênh đang diễn ra trước mặt.

Hòn xí ngầu vẫn tiếp tục được tung lên, rơi xuống, sấp ngửa, đỏ đen, lăn qua, lật lại… ngúc ngắc lưỡng lự rồi trở về vị trí như lúc đầu. Trên một chút dưới một chút, kẻ đỏ, người đen, kẻ thắng người bại, rồi kẻ bại lại trở thành người thắng… cuộc đời này vốn không phân thắng bại, tất cả sẽ trở về với cát bụi, với khôn cùng thôi mà.

Vậy thì đen đỏ, thắng thua để làm gì, tôi nghĩ.

Hai ngày lang thang đây đó, nói cười, bông đùa, nghịch  phá, hết chuyện rồi mọi người lại quay về "chuyện cũ" cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, với những chuỗi ngày quẫn bách, khốn cùng có nhau… gương mặt ai cũng tràn đầy hạnh phúc, riêng dì Ngân Hà có lẽ là người vui nhất, dì vừa tìm lại được những gì đã mất, cái mà "hú hồn" tưởng chừng không bao giờ có thể tìm lại được: Thân tình!

Tôi thấy rõ dì cười nói nhiều hơn, nắm tay mọi người chặt hơn như sợ bị vụt bay lần nữa.

Ráng chiều đã buông xuống, nhưng với thành phố Vegas này, chỉ là bước vào thời điểm bắt đầu của một ngày, mọi người còn rất nhiều thời gian nữa để mặc sức rong chơi…

"Cảm ơn Đời…mỗi sớm mai thức dậy"

"Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương"

(Beethoven nguyên tác)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,162,176
Nhạc sĩ Cung Tiến