Hôm nay,  

Privacy: Quyền-riêng-tư "- Giữa “Ta" Và "Tây"

15/10/200600:00:00(Xem: 260861)

PRIVACY: QUYỀN-RIÊNG-TƯ "- GIỮA “TA" VÀ "TÂY"

Người viế: Anne Khánh Vân

Bài số 1123-1732-445-vb7141006

 

Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, cư dân Hoa Thịnh Đốn, đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp kinh tế kế toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc, vừa học thêm về Management Information System. Cô nhìn và viết về nước Mỹ không chỉ bằng  công thức sách vở công thức mà bằng kinh nghiệm sống. Bài viết  của Khánh Vân lần này là về “quyền riêng tư cá nhân”.

*

Sáng nay khi vừa đến bàn làm việc, một đồng nghiệp người Việt của tôi đã tỉ tê tâm sự:

- Thằng David nhà chị càng ngày càng khó dạy em ơi! Tối qua, chị vừa vào phòng nó, chưa kịp nói với nó những điều muốn nói thì nó đã la cho chị một trận: "Sao mẹ vào phòng con mà không gõ cửa" Con có bao giờ tự động vào phòng ba mẹ như thế không" Con đang làm một việc riêng, không muốn bị quấy rầy thình lình như vậy!" - Nghe nó ào ào nạt nộ mà chị phát nổi nóng lên, nhưng nghĩ lại thì... nó nói cũng đúng. Chị cũng vô ý, thường tỉnh bơ đi vô phòng nó mà không hề gõ cửa. Chắc cậu nhỏ bực mình chị từ lâu rồi. Thế là chị đã ráng dằn "cục nóng" của mình lại và từ tốn nói: "Mẹ là mẹ của con, mẹ có thể vào phòng con khi mẹ cần chứ, mẹ con mình đâu có gì phải giữ bí mật."   Tưởng nói thế là xong ai dè nó còn hăng hơn: "Mẹ là mẹ của con, đúng, nhưng đâu có nghĩa mẹ muốn gì thì cứ làm nấy. Thí dụ con cũng thình lình vào phòng ba mẹ khi ba mẹ đang bận việc không muốn có ai vào quấy rầy thì ba mẹ sẽ làm sao""   Thấy không khí bắt đầu căng và chị cũng hết lý nên xin lỗi nó đóng cửa đi ra. Em coi, nó chỉ mới mười bẩy tuổi hơn, con cái sanh bên này là vậy, tụi nó cứ chơi với Mỹ nên càng ngày càng có cách hành xử của Mỹ, rồi cứ hở một chút là so sánh: "Thằng John bạn con nhà nó thế này, con Sylvia bạn con nhà nó thế kia..." Mai mốt nó mà lớn hơn một chút nữa thì chắc là nó sẽ giảng lại "moral" cho mình mà không hề do dự. Chị luôn thích con gái hơn là vì vậy. Chúng ngoan hơn, biết nghe lời hơn, và chắc chắn sẽ không dám cãi cha cãi mẹ như thế. Con trai tụi nó lì và khó nói gì đâu, nhất là đến cái tuổi mười sáu, mười bảy này.

- Con nào chắc cũng vậy thôi chị à! Em thấy David nó "lý sự" cũng đâu có... hoàn toàn sai.   Tôi vừa khe khẽ cười vừa "thủng thẳng" trả lời chị. - Mười bảy tuổi hơn thì coi như mười tám rồi còn gì, tuổi ta mình thì đã mười chín. Hồi xưa ông ngoại em mười tám tuổi là đã có bà ngoại em rồi đó chứ bộ. Chị tập coi David như một người đàn ông đi là vừa rồi. Nó đã đến cái tuổi muốn được đối xử như một người lớn chứ không phải như một đứa con nít. Mình không còn có thể so sánh tụi nhỏ bên này với cái thời của mình ngày xưa bên Việt Nam được nữa đâu.

Chị đồng nghiệp này, tôi gọi chị bằng "Chị" vì chị thích thế hơn, nhưng chị bằng đúng tuổi mẹ tôi. Chị lập gia đình và có con muộn nên con trai chị thua tôi cũng gần 17 tuổi. Chị thường "phong" cho tôi chiếc ghế "trọng tài" mỗi khi mẹ con chị có điều bất hòa hoặc hiểu lầm nhau, bởi chị nghĩ số tuổi của tôi nằm gần khoảng giữa độ tuổi của hai mẹ con chị và tôi cũng là "người ngoài cuộc" nên sẽ có cái nhìn công bằng, khách quan hơn.

Thật vậy, những khi chị "có chuyện" như câu chuyện tương tự sáng nay, lần nào nghe chị kể chuyện tôi cũng... lúc thì đặt mình vào vị trí của chị, lúc thì đặt mình vào vị trí của đứa con trai để ít nhiều hiểu được tâm trạng của họ; và theo tôi nhận thấy thì nguyên nhận khiến hai mẹ con chị thường xuyên tức giận có lẽ là vì thiếu sự cảm thông và chấp nhận lẫn nhau giữa hai thế hệ không sinh ra và lớn lên trong cùng một xã hội và môi trường.

*

Không thể phủ nhận rằng trong số trẻ con Mỹ, có một số trẻ có những thói quen mà đối với người Việt thì có lẽ "không chấp nhận được". Chúng có thể cãi lại cha mẹ một cách tự nhiên khi bất đồng ý kiến chứ không "giữ mồm giữ miệng," nhẹ nhàng chọn lời để nói, hoặc giữ im lặng; nhưng có những điều chúng cũng có thể đúng và có lý khi biện hộ cho bản thân, nhất là khi vấn đề có liên quan đến quyền-riêng-tư-cá-nhân của chúng. Tuy nhiên khi "quá" tôn trọng quyền-riêng-tư-cá-nhân của con trẻ thì tai hại cũng khó đo lường. Báo chí thường nhật vẫn thỉnh thoảng đăng những tin tức mà khi đọc xong ai cũng phải mở tròn mắt và thốt lên: "Thật vậy sao""

Vâng, thật vậy đấy! Chính vì được ngồi một mình yên ổn trong phòng, không ai nhìn thấy chúng đang làm gì, đang "đi" đâu qua chiếc máy computer, và nhất là không ai "dám" quấy rầy chúng thình lình... mà khi vô tình phát hiện được thì mới vở lẽ con mình đã thuộc một băng đảng nguy hiểm, đã nghiện ngập heroin, hoặc thường vào những site "cấm dưới vị thành niên", còn không thì lại hàng ngày ngồi "chat" với những nhân vật đã ngoài 50, 60 tuổi nhưng giả dạng thanh niên mới lớn vì họ đặc biệt "mê" những cô bé mới lớn... Thế là các cơ quan tình báo FBI tự dưng lại sinh thêm việc. Họ cũng "giả dạng" lại những cô gái 13, 14 tuổi này để làm "mồi" đi "săn" những nhân vật mà bên ngoài trông cũng có vẻ "bình thường" nhưng bên trong thì lại thật "bệnh hoạn".

Khi sống trong một xã hội với nhiều văn hóa khác biệt nhau và cũng tương đối phức tạp như một xã hội Mỹ, sẽ rất khó nếu muốn duy trì những thói quen "đặc sệt" hoặc "cứng ngắc" của một dân tộc, và cũng không dễ chút nào nếu không muốn "bị" ảnh hưởng những cái xấu, hoặc những phong tục, tập quán, thói quen khác. Trong những trường hợp này, nếu cha mẹ theo dỏi con cái một cách khéo léo và dùng quyền làm cha làm mẹ đối với chúng một cách "lịch sự" thì có lẽ cha mẹ sẽ dễ dàng hướng dẫn được con trẻ trong việc chọn lựa những gì nên ảnh hưởng, những gì nên noi theo, và những gì nên tránh, không bắt chước, để nên người...

*

Một cô bạn người Việt khác của tôi cũng thường than phiền về người mẹ, vì dù anh chị em cô ai cũng đã ngoài ba mươi, gần bốn mươi tuổi, thế nhưng mỗi khi có thư từ gửi về nhà, bất kể là hóa đơn hay thư tình,... người mẹ đều mở ra xem trước rồi mới đưa lại cho từng người trong nhà. Anh chị em cô rất giận và đã nhiều lần nói thẳng với người mẹ rằng họ không thích như thế nhưng người mẹ vẫn "chứng nào tật nấy". Dù biết các con không bằng lòng, bà vẫn chỉ trả lời: "Ngày xưa bà ngoại cũng luôn kiểm tra thư từ của mẹ như thế!" - Nhưng có lẽ cái thói quen, câu trả lời và cách "bảo vệ" con ấy của người mẹ không còn hợp thời và hợp lý nữa nên cuối cùng anh chị em cô đã dần dà dọn ra ở riêng vì không còn có thể chấp nhận và chịu đựng được nữa tính tình và sự độc đoán của người mẹ.

So với thời phong kiến thì con người (và đất nước) Việt Nam đã có nhiều thay đổi và tiến bộ; tuy nhiên vẫn còn những bậc cha mẹ vẫn giữ thói quen và quan niệm xưa cũ. Họ thường dùng quyền cha mẹ để áp đặt con cái vì cho rằng: "Áo mặc làm sao qua khỏi đầu!" Nhưng với kiểu cách độc tài như thế thì e rằng thành viên trong gia đình sẽ không chỉ không gắn bó với nhau mà những đứa con còn cần được uốn nắn khuyên bảo sẽ hư đốn mau hơn vì chúng sẽ không bao giờ muốn nghe và cố gắng làm hài lòng những người chúng "không ưa".

Viết đến đây tôi chợt nhớ một câu đã nghe được trong cuốn phim vừa xem hôm qua: "Được làm cha mẹ không phải là một cái quyền mà là một món quà."

*

Nhớ lại ngày xưa khi còn bé, nhà tôi tuy rộng và cũng có hai gian lầu nhưng anh chị em tôi chỉ có mỗi người một góc học tâp chứ không có được mỗi người một phòng riêng, vì dường như cách xây cất nhà cửa và sắp xếp phòng ốc của Việt Nam ngày xưa là như thế. Thời trẻ con thì chắc ai cũng có những điều tò mò, thắc mắc, muốn tìm hiểu, hoặc hoàn toàn không đồng ý với cha mẹ vì... "hình như là họ không hề hiểu mình", nhưng những điều ấy chỉ mãi là những "bí mật" không bao giờ dám nói ra với ai vì cứ sợ mình sẽ bị rầy la. Tôi cũng là một trẻ nhỏ với những "bí mật" như thế và tôi đã tìm cách "giải tỏa" những tâm sự của mình bằng cách viết nhật ký - người bạn đáng tin cậy nhất; nhưng tôi còn nhớ rõ rằng vì chỗ ngồi viết nhật ký không được kín đáo cho mấy do không có 4 bức tường che quanh, nên tôi cứ phải chờ đến tận khuya khi cả nhà ai cũng đi ngủ hết rồi thì mới mang "người bạn thân" ấy ra để "trò chuyện"; tuy vậy, dù đã giữ kỹ cuốn nhật ký như giữ một báu vật, tôi vẫn luôn lo sợ sẽ có ngày "kho báu" của mình bị phát hiện.

Nói tóm lại, tôi không nhớ rằng mình đã có những cảm giác an toàn cho những thứ gọi là "riêng-tư-cá-nhân". Về sau này, khi có dịp nghiên cứu, đi sâu vào những vấn đề tâm lý, tôi mới biết những tình trạng như thế thường có ảnh hưởng lâu dài và không tốt đến tâm lý và tính cách của con trẻ khi lớn lên. Những người trưởng thành này sẽ có khuynh hướng chịu đựng mọi thứ, giữ kín mọi thứ, không thích đối thoại, thiếu niềm tin nơi người đối diện, trở nên trầm lặng, thụ động, chỉ thích an phận chứ và không dám đấu tranh, xông lên...

Cũng may là khi lớn lên một chút, tôi đã rời khỏi Việt Nam và được sống và học tập trong một môi trường mà tôi luôn được khuyến khích: "Hãy phát biểu ý kiến!" "Hãy thong thả và tự nhiên nói rõ hơn suy nghĩ của mình!" "Nét mặt như đang còn thắc mắc một điều gì chưa được thuyết phục, hãy thổ lộ suy tư của mình đi, đừng lo sợ và giấu kín mọi thứ bên trong như thế!"... Vâng, chính nhờ vậy mà tôi đã chui ra được khỏi cái "vỏ ốc" của mình. Tôi đã cất cánh bay, rời khỏi những trang nhật ký nhỏ nhoi, tù túng. Tôi đã trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn, cởi mở hơn, dễ hòa đồng và thích nghi hơn, và tôi cũng đã biết rõ hơn cách phải làm sao để người khác phải tôn trọng quyền phát biểu ý kiến của mình và lắng nghe những gì mình muốn nói. Tôi đã biết tạo ra cho mình một giá trị và điều ấy thật vô cùng quan trọng đối với tôi. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con cái nhận thấy chúng được tôn trọng vì chúng có quyền-riêng-tư-cá-nhân của chúng, khi ấy chúng sẽ tự tin và thoải mái tâm sự, chia sẻ với cha mẹ những điều cần thiết mà không cần cha mẹ phải dò hỏi, điều tra. Hãy xem con mình như một người bạn!

*

Trở lại quá khứ mười mấy năm về trước, khi tôi vừa đến Pháp và vào lớp Toán-Logic, ngày được phát lại bài kiểm tra đầu tiên chính là lần đầu tiên trong đời tôi có dịp suy nghĩ và so sánh về vấn đề quyền-riêng-tư-cá-nhân giữa "Ta" và "Tây".

Trước khi trả lại bài kiểm, thầy giáo đã nói: "Tôi sẽ chỉ gọi tên và thông báo số điểm của những ai được hơn 98 điểm để các bạn trong lớp vỗ tay hoan nghênh." Sau khi kêu tên một số người, những người còn lại, ông chỉ đến từng bàn, đưa lại bài kiểm tra cho họ với bề mặt có ghi điểm được úp xuống dưới.

Vì đó là lớp học đầu tiên và mọi thứ lúc bấy giờ vẫn còn là mới lạ đối với tôi nên tôi thường quan sát những diễn biến xung quanh để không vô tình làm điều chi "khác người". Các bạn xung quanh, người nào khi nhận lại bài kiểm tra cũng đều he hé mở những tờ giấy ấy lên để xem điểm. Không người nào có thể nhìn thấy điểm của người nào. Lần ấy tôi được thầy kêu tên nên bài phát lại được mở lên ngay trước mặt, nhưng nếu tôi đã bị điểm 60 (là tệ lắm) thì dù khi phát thầy có úp bài xuống chắc tôi cũng lật ào bài kiểm tra lên để xem điểm chứ sẽ không hề biết phải xem "hi hí" như những bạn trong lớp.

Khi sang Mỹ, tôi lại thấy các thầy cô giáo cũng có cách phát bài kiểm tra như thế. Lúc bấy giờ tôi mới ngỡ: "Chỉ có Việt Nam ta là khác người!" - Tôi nhớ ngày xưa khi đi học, mỗi lần có bài kiểm tra được phát ra, thầy cô giáo ít khi nào đưa lại bài kiểm tra đến tay từng học trò mà thường là một trò nào đó trong lớp sẽ đi phát bài lại cho các bạn. Dỉ nhiên người phát bài này sẽ biết hết điểm của từng người trong lớp. Khi đọc hạng cũng thế, người hạng nhất được kêu tên thật to đã đành, người hạng "bét" cũng được kêu tên thật lo. Trong khi ở Mỹ hay Pháp như tôi đã thấy, việc thông báo điểm/hạng là một vấn đề vô cùng quan trọng và tế nhị. Từng trò sẽ gặp riêng thầy để biết điểm của mình, và nếu trò ấy đã hơn 18 tuổi thì kể cả cha mẹ cũng không còn quyền hỏi thầy điểm/hạng của con. Giữa bạn bè, hỏi điểm của nhau cũng là một điều rất "bất lịch sự" trừ khi người kia tự nói điểm của mình cho bạn biết   vì nó đã thuộc về những chuyện riêng-tư-cá-nhân của bạn ấy. 

Việt Nam mình hiện giờ có thay đổi cách phát bài kiểm tra và báo điểm hay không, tôi không rõ, nhưng thời tôi đi học là thế. Dường như không ai để ý đến vấn đề riêng-tư-cá-nhân của mỗi người. Những từ ngữ ấy dường như rất xa lạ đối với người Việt Nam. Tôi không nghĩ khi làm như thế là các thầy cô giáo có hậu ý hay ác ý, nhưng thiết nghĩ, sự vô tình đó nào có lợi, bởi sự xấu hổ khó làm con người ta cố gắng mà đôi khi còn có tác dụng ngược lại; chỉ sự tôn trọng cùng lời động viên chân thành mới giúp thu nhặt được kết quả mong muốn.

*

Vẫn vấn đề "Privacy", nhưng giữa những người yêu nhau, "Ta" khác "Tây" ra sao"

Như người Việt mình thường hay nói: "Chẳng thà ở xa mỏi chân, chứ đừng ở gần mà mỏi miệng;"  nhưng theo tôi nhận thấy thì, ở gần sẽ không chỉ mỏi miệng thôi mà còn mỏi cả mắt, cả tai, cả thần kinh... khi không có được một sự hòa hợp tốt. Tuy nhiên đối với các cặp vợ chồng trẻ mới cưới ở Việt Nam thì chuyện "ra riêng" có lẽ chưa thuận lợi, dễ dàng. Ở nước ngoài, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu "lành mạnh" hơn hẵn so với ở Việt Nam có lẽ là nhờ các cặp vợ chồng trẻ mới cưới, nếu trước đó chưa dành dụm đủ tiền để khi cưới có thể mua nhà ngay thì họ sẽ thuê apartment ở để bảo vệ "privacy" của họ, để họ được sống thoải mái. Sau đó họ sẽ dành dụm tiền để sở hữu một apartment, hoặc mua một ngôi nhà nho nhỏ, rồi dần dà sẽ mua nhà to hơn...

Hằng ngày khi người chồng đi làm về, người vợ có thể sẽ muốn ôm hôn chồng mình và ngọt ngào hỏi: "Anh có mệt không" Công việc của anh hôm nay ra sao" Anh có nhớ em nhiều không"..." và người chồng cũng có thể sẽ muốn ôm hôn lại vợ mình và ngọt ngào trả lời: "Anh rất nhớ em, em yêu!" Hoặc bất kỳ lúc nào khi một trong hai người muốn có những cử chỉ âu yếm dành cho nhau, họ sẽ ngại không dám hoặc mất bớt cảm hứng nếu có sự hiện diện của cha mẹ chồng hay bất kỳ ai khác. Thế là dù tình cảm của  hai vợ chồng có tình tứ, ướt át bao nhiêu, hứng thú hay thói quen, những cử chỉ ân cần, âu yếm hay những lời nói ngọt ngào muốn dành cho nhau, hằng ngày cứ dần giảm đi do hoàn cảnh xung quanh tạo nên; họ sẽ dần trở nên khô khan và cuối cùng sẽ "giống như cặp vợ chồng già"... Đó là chưa kể nếu không may người mẹ chồng hơi khó tính, để ý từng chút, bắt bẻ từng ly thì chắc cô con dâu sẽ sống mà "ngộp thở" lắm nếu phải chung đụng với người mẹ chồng hằng ngày.

Xin mở ngoặc một chút ở đây. Sở dỉ tôi đã dùng lại chính xác những chữ "cặp vợ chồng già" mà mọi người vẫn thường hay dùng khi muốn nói một quan hệ đã có bề "khô khan" là vì tôi thấy người Việt Nam mình, chỉ cần có tuổi một chút thôi thì... "Già rồi, anh em gì nữa mà anh em!" và đương nhiên là làm gì có chuyện chạm tay nhau trước mặt mọi người. Thế là tôi lại so sánh các ông bà người Việt mình với các ông bà Tây Mỹ.

Với thói quen của người Á Đông chúng ta, nhất là những vị đã hơi có tuổi, họ thường không thích biểu lộ mọi thứ một cách công khai. Kín đáo đôi lúc cũng có cái đẹp và cái hay riêng của nó; tuy nhiên, tôi thấy có gì là sai hay xấu đâu khi thể hiện tình yêu thương cho nhau, dỉ nhiên là đừng quá lố bịch. Tôi đã có dịp làm việc và tiếp xúc với khá nhiều người lớn tuổi Tây Mỹ. Họ cũng rất cần có được những phút giây tự do, riêng tư để dành cho nhau chứ không phải lúc nào cũng muốn có con cháu đông dúc quây quần. Dù đã ngoài 70, 80 tuổi, họ vẫn tay trong tay khi đi ra ngoài. Họ vẫn luôn gọi nhau bằng những âm thanh ngọt ngào, trìu mến như mật: Sweetheart/Honey hoặc Chéri/Chérie... Họ vẫn yêu nhau "hết chỗ nói" vì "tình yêu làm gì có tuổi"... mà ngược lại dường như là "tuổi càng lớn yêu nhau càng đậm!"  Vậy tại sao các ông bà có tuổi Việt Nam ta lại cứ e ngại gọi nhau dù chỉ là những tiếng "Anh" "Em" và không dám nắm tay nhau khi đi dạo" Tại sao các ông bà cứ nghĩ: "Người ta sẽ cười!" mà không nghĩ: "Người ta thèm được như thế!"(") Thật vậy, bọn trẻ chúng tôi, mỗi khi ra ngoài và nhìn thấy những cảnh "ấm áp" như thế, chúng tôi cứ trầm trồ và hạnh phúc lây với cái hạnh phúc của họ: "Hai ông bà này đáng yêu quá, mong rằng khi già mình cũng sẽ được như vậy!" - Phải chăng các ông bà Tây Mỹ này, nhờ họ đã biết cách "xây" một bức tường vô hình xung quanh và biết cách bảo vệ những thứ gọi là riêng-tư-cá-nhân nên họ đã có thể sống thật với những gì trái tim thúc đẩy"

*

Nói tóm lại, ở độ tuổi nào, ở hoàn cảnh nào, ở lãnh vực nào... con người cũng cần có được những thứ gọi là quyền-riêng-tư để thoả mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý cá nhân. Thay đổi là những cái mà con người thường hay e ngại; tuy nhiên nếu đó là một thay đổi tốt thì cũng nên cố gắng và chấp nhận thay đổi; và nếu cái cũ là dở, là chưa hay thì cũng nên chấp nhận loại bỏ, bởi nếu chỉ "rập khuôn" và dùng phương pháp "độc đoán" từ thời đại này sang thời đại khác thì e rằng chúng ta sẽ bị bỏ rơi lại phía sau cùng dù chúng ta có không chấp nhận những diễn tiến xung quanh, bởi theo lịch sử phát triển của nhân loại thì loài người luôn tranh đấu để vươn đến những cái hay, những cái đẹp của văn minh hiện đại.

Ý kiến bạn đọc
25/02/202019:08:53
Khách
dot drug testing <a href= http://www.studiomerliniortodonzia.it/cgi-bin/testosterone.htm >studiomerliniortodonzia.it/cgi-bin/testosterone.htm</a> prescription driving glasses
05/02/202009:26:10
Khách
rescue remedy pregnancy <a href= http://www.studiomerliniortodonzia.it/cgi-bin/avanafil.htm >studiomerliniortodonzia.it/cgi-bin/avanafil.htm</a> frontline drug wars
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,083,426
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa